22 January 2011

TRÍ THỨC THỜI THIÊN ĐƯỜNG

TRÍ THỨC THỜI THIÊN ĐƯỜNG

 
Năm 1986, Chủ tịch vào đại học, môn đầu tiên mà đám sinh viên được học lúc đó là "Lịch sử Tiệc" ông giáo sư người xứ Nghệ, vẫn giữ giọng thổ ngữ nghe rất nặng. Đứng trên bục, ông say sưa giảng về lịch sử oanh liệt của Tiệc (party) ta, từ cách mạng năm 30 với khẩu hiệu: "Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ"… để làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất, đưa dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ…

Cứ thế, mỗi buổi có tiết của ông là cả một buổi được nghe tài hùng biện thao thao bất tuyệt. Tiệc ta đã lãnh đạo dân tộc đánh thắng hai đế quốc to tài tình ra răng, sáng suốt ra răng… Đáng chú ý là, hôm nào có tiết buổi chiều, ông thường cho nghỉ sớm mươi phút. Sau này ông mới tiết lộ ra là phải về sớm để học thêm ngoại ngữ. Hồi đó, những giáo viên ngoan hiền, vâng lời thường được xét đi nước ngoài, như một chính sách đãi ngộ cứu đói đối với những người kiên trung.

Với những người trẻ tuổi thường là đi các nước Đông Âu, Liên Xô, sang đó làm nghiên cíu sinh. Thạc sỹ, tiến sỹ về khai sáng văn minh cho sinh viên nước nhà. Với những người lớn tuổi như ông thường là đi Châu Phi, xuất khẩu học thuyết Mạc Lê sang cho đám mọi đen u mê, vẫn sống trong sự lệ thuộc của các nước tư bản. Lý thuyết là vậy, nhưng thực chất của những chuyến xuất ngoại chỉ là công cuộc mưu sinh, mua cái nọ, bán cái kia mà cách làm đó, ở trong nước bị cấm tuyệt đối, đặc biệt là với công chức, Tiệc viên.

Ở nước ngoài các giáo sư có thể thoải mái đứng ở ngã ba đường cầm mớ đồ lót phụ nữ bán cho dân bản xứ mà vẫn không bị đưa ra chi bộ phê bình. Thế nên mới có câu: "Bà Trưng nay ở Châu phi/Giáo sư tiến sỹ ra đi tìm bà/ Tìm bà đổi lấy đô la/ Trước là cứu nước sau là cứu thân". Các giáo sư sang đó giảng dạy, được trả công bằng đô. Khi về nước, được mua một số hàng hóa của các nước tư bẩn. Danh giá nhất lúc đó vẫn là hàng Nhựt bổn. Tỷ như xe máy, TV, Radio, tủ lạnh… Vào nhà nào, có đủ bộ đó coi như là quý tộc rồi, khỏi phải lo nghĩ. Ông bà nào lỡ có cô con gái nhan sắc cỡ Thị Nở, hoặc cậu con trai bị đao theo kiểu "em chã" cũng không lo bị ế. Thậm chí có thể lấy con nhà thứ bộ trưởng như chơi.

Vậy nên, được xuất ngoại có thể coi là cơ hội vàng. Chỉ cần bước lên máy bay, không bị hải quan ách lại là coi như lên đến Thiên đường. Ngày trở về, cả họ hàng đều nghỉ làm để ra sân bay đón, long trọng không kém gì đón nguyên thủ quốc gia thời nay. Đáng nhớ nhất là được đi các nước Đông Âu, hoặc Liên Xô. Tiêu chuẩn lúc đấy cho hành lý là mỗi người chỉ được mang 2 cái áo phông, 2 cái quần bò, một cái áo Nato. Mang quá số đó sẽ bị đánh thuế, bị tịch thu, thậm chí bắt trả về địa phương. Nhục, hết đường phấn đấu.

Những thằng nào nhỏ con, mặc một lúc mấy cái quần bò, rồi khoác 5, sáu cái áo phông ở ngoài. Đứa nào trông cũng tròn xoe, lặc lè. Có lần Chủ tịch lên sân bay tiễn đứa bạn đi Nga, thấy cả đoàn đi vào sân bay thì như những con vụ, lăn có khi còn dễ hơn đi. Ai có cái gì là cố gắng nhét hết lên người, vừa qua cửa kiểm tra cái là cởi hết ra, cho vào ba lô, coi như thắng.

Khi máy bay cất cánh từ đường băng, cả lũ òa lên trong sung sướng, lúc này thì Thiên đường đã thật sự ở ngay phía trước. Bao nhiêu nỗi cực nhọc trong những năm tháng ở Việt Nam tan biến hết và trả lại cho đất nước. Thằng bạn Chủ tịch đã viết thư về diễn tả cảm giác đó thế này: ..biết diễn tả như thế nào về nỗi sung sướng tột cùng đó. Trong lòng chỉ phấp phới một niềm hi vọng từ nay trở đi mình thoát khỏi kiếp đói nghèo, và có thể làm một việc gì đó to lớn hơn.

Sang đến nước bạn, việc đầu tiên của những trí thức ngoan hiền của xứ Thiên đường không phải là chuyện học hành mà là chuyện kiếm chác chút đỉnh. Chí ít là thu hồi vốn đã bỏ ra trước khi đi. Sau đó là có thêm chút dắt lưng để về nước còn lo lập nghiệp. Những trí thức đeo kính cận hồi đó đã nhanh chóng học mót được nghề của nhóm tư thương phe phẩy chốn chợ trời. Thấy cái gì rẻ thì ôm, hôm sau lại ra đứng đường chào những thằng Tây gà mờ bán kiếm chênh lệch. Cũng may, xứ Đông Âu và Liên Xô đều là xứ Thiên đường nên sự khan hiếm hàng hoá kéo dài khá lâu. Ở Việt Nam, nhờ có chung đường biên giới với Cam pốt, Lào, lại có chung đường biên giới trên biển với xứ Xiêm nên hàng hoá bên đó rò rỉ vào xứ Thiên đường nhiều vô kể.

Áo phông cá sấu, áo Nato của quân viễn chinh Mỹ, quần bò, xà phòng Camay, đồ lót phụ nữ… đều là những mặt hàng quý hiếm mà những thanh niên xứ Thiên đường vẫn ưa chuộng. Mua một bán hai ba, tuỳ theo tài phe phẩy của các giáo sư. Do thời gian đứng đường nhiều hơn thời gian đứng lớp, nên các du học sinh thời đó thường phải phân công nhau có mặt ở lớp để điểm danh. Thằng nào năng động thì đi chợ, kiếm tiền rồi thuê những thằng kém năng động hơn ngồi lớp để đủ giờ, rồi còn tham dự các kỳ thi.

Cứ thế, xứ Thiên đường có một đội ngũ đông đảo các giáo sư tiến sỹ năng động và linh hoạt vô cùng. Một số vị từ chỗ buôn bán lặt vặt, chuyển sang buôn bán lớn rồi thành soái ở xứ người, sau này nhập luôn tịch ở đó rồi đầu tư về nước như những Việt Kiều chân chính luôn hướng về quê hương. Một số khác về nước đứng lớp, đeo kính cận và giảng dạy đạo đức giai cấp theo đường lối của Tiệc.

Sau 11/1989, bức tường Berlin sụp đổ, một số thằng từ Đông chạy sang Tây, rồi định cư luôn ở bên đó. Thấy phía Tây tràn ngập hàng hoá, trí thức không phải trơ mặt ra ở các ngã ba ngã tư bán đồ lót, hơn thế chế độ đãi ngộ rất xộp, có thể mua nhà lầu, sắm xe hơi, đâm ra nói xấu xứ Thiên đường. Khốn khổ thay, những điều chúng nói đều đúng. Chỉ bực nỗi là không có Tiệc thì làm sao chúng nó được sang bên đó để rồi được mua được nhà lầu xe hơi!
 

Phan Thế Hải


 

Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment