08 March 2012

Trung Quốc và siêu quyền lực mềm


Trung Quốc và siêu quyền lực mềm

Nguyễn Hưng Quốc

Trong bài "Dư luận về ngôi minh chủ thế giới của Trung Quốc", tôi có nêu lên ba điều kiện chính để một quốc gia trở thành siêu cường quốc lãnh đạo thế giới: một, một siêu quyền lực về quân sự để có khả năng can thiệp vào tình hình chính trị ở bất cứ nơi nào trên thế giới; hai, một siêu quyền lực về kinh tế để có khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển ở quy mô toàn cầu; và ba, một siêu quyền lực mềm (soft superpower) để trở thành một bảng giá trị chuẩn phổ quát được mọi người ngưỡng mộ, chấp nhận và học tập.

Nhiều học giả tiên đoán: Trong vài thập niên tới, có thể Trung Quốc sẽ thỏa mãn được hai điều kiện đầu. Họ sẽ qua mặt Mỹ để trở thành một nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi đó, Mỹ khó có thể duy trì một ngân sách quốc phòng khổng lồ hiện nay - nhiều gấp 8 lần Trung Quốc. Khi ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng bằng hay hơn Mỹ, một lúc nào đó, kho vũ khí của họ sẽ vượt Mỹ là điều rất dễ hiểu. Dĩ nhiên, ngoài tiền, ở đây cần một yếu tố khác nữa: kỹ thuật. Nhưng kỹ thuật là điều có thể học hoặc mua được bằng tiền. Chỉ cần thời gian. Nói cách khác, chỉ cần vượt qua Mỹ về kinh tế, vài thập niên sau, Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ về quân sự.

Có thể thực tế sẽ không đơn giản và xuôi chiều như vậy vì ba lý do chính.
Thứ nhất, trong một, hai thập niên tới, kinh tế Trung Quốc có thể trở thành một nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng nó chỉ lớn chứ không thực sự mạnh. Nó lớn ở quy mô tổng sản lượng xuất khẩu, nhập khẩu và tổng thu nhập nội địa. Nhưng về thu nhập tính trên đầu người, nó vẫn thuộc loại thấp, chắc chắc thấp hơn hẳn các quốc gia phát triển ở Tây phương hiện nay. Thành ra, nước thì giàu nhưng dân chúng, nói chung, vẫn nghèo.
Thứ hai là khoảng cách giàu và nghèo ở Trung Quốc hiện nay rất lớn và không thể giải quyết được trong một hai thập niên nữa. Dân nghèo nằm rải rác khắp nơi, nhưng nhiều nhất là ở nông thôn, hiện chiếm tới hơn 50% dân số cả nước, tức nhiều hơn dân số Thị trường chung châu Âu hiện nay. Một khối dân số nghèo nàn lớn lao như vậy, tự nó, chứa đựng đầy những nguy cơ bất ổn.
Thứ ba, khó có hy vọng trong vài ba thập niên tới, Trung Quốc có thể thay đổi cả hệ thống giáo dục để bằng Mỹ trong việc đào tạo trí thức và chuyên viên giỏi đủ để sáng tạo và sáng chế các kỹ thuật cần thiết cho một nền quân sự thực sự có tính hiện đại. Do đó, họ vẫn tiếp tục cần mua kỹ thuật và chất xám từ những nơi khác. Ở phương diện này, còn mua là còn ít nhiều lệ thuộc.
Bởi vậy, ngay cả khi Trung Quốc qua mặt Mỹ về mặt kinh tế, khả năng ổn định để tiếp tục phát triển về khoa học kỹ thuật hầu trở thành một siêu quyền lực quân sự cũng sẽ rất khó khăn.

Nhưng điều nhiều người nghi ngờ nhất chính là khả năng thỏa mãn được điều kiện thứ ba: trở thành một siêu quyền lực mềm của Trung Quốc.

Trung Quốc vốn nổi tiếng về một nền văn hóa lâu đời và đặc sắc. Đó là một trong hai nền văn hóa cổ đại đặc sắc và có ảnh hưởng nhất của nhân loại, bên cạnh nền văn hóa cổ đại Hy Lạp. Nhưng hầu như tất cả những tinh hoa và tinh túy của văn hóa Trung Quốc đều thuộc thời Trung Đại vốn được xây dựng trên một thứ đạo đức học vâng phục một cách mù quáng và một phong cách sống đầy tính chất làng xã. Nền văn hóa ấy, lớn thì có lớn, cực lớn, nhưng lại có không ít vấn đề: thứ nhất, nó thuộc quá khứ; và thứ hai, nó chứa đựng những giá trị đã lỗi thời.

Điều Trung Quốc cần nhất hiện nay là một nền văn hóa mới có thể khiến mọi người ngưỡng mộ và muốn mô phỏng theo. Nền văn hóa mới ấy được thể hiện ở hai khía cạnh chính: con người và giá trị.

Về con người, cho đến nay, thành thực mà nói, người Trung Quốc nói chung vẫn chưa tạo được ấn tượng tốt với thế giới. Nghĩ đến người Trung Quốc, người ta vẫn nghĩ chủ yếu đến ba điểm chính: sự thô lỗ (ồn ào, chen lấn, khạc nhổ bừa bãi), sự vô cảm (không quan tâm đến người khác, kể cả đồng bào của chính mình) và sự gian lận (hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hoàn toàn không tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ đã được công pháp quốc tế thừa nhận và chính Trung Quốc đã ký kết), v.v… Khắp thế giới, người ta vẫn xài hàng hóa từ Trung Quốc. Nhưng vừa xài vừa phân vân và cảm thấy bất an.

Trước kia, và có lẽ hiện nay nữa, người ta có thể ghét người Mỹ; nhưng không ai khinh người Mỹ. Hình mẫu người Mỹ, từ ngoại hình đến tính cách, chủ yếu qua các phương tiện truyền thông đại chúng, từ phim ảnh đến các cuộc biểu diễn thời trang, lan tràn khắp thế giới, trở thành biểu tượng của cái đẹp cũng như của sự văn minh. Khi Trung Quốc chưa làm chủ được văn hóa đại chúng, họ vẫn là những kẻ lạc loài trên thế giới dù dân số của họ có đông đến mấy.

Xin lưu ý: ở trên, nói đến con người, chúng ta chỉ nói đến con người tập thể chung chung chứ không phải từng cá nhân cụ thể. Với tư cách cá nhân, ở đâu cũng có thể có những người tốt, đáng cho chúng ta kính trọng và học hỏi.
Nhưng liên quan đến văn hóa, có một yếu tố khác quan trọng hơn con người: bảng giá trị mà xã hội ấy tin tưởng và theo đuổi, làm nền tảng cho cách ứng xử của cá nhân cũng như cho việc hoạch định các chính sách quốc gia. Đối với Mỹ, bảng giá trị ấy rất rõ ràng: sự tự do cho từng cá nhân và sự bình đẳng giữa các cá nhân, sự tôn trọng luật pháp và các quyền con người. Chính trị Mỹ không ít lần bị khủng hoảng và không ít chính khách tìm cách vi phạm hoặc lợi dụng các bảng giá trị ấy. Tuy nhiên, nói chung, bảng giá trị ấy vẫn bền vững và nhận được sự đồng thuận của mọi người từ trên xuống dưới. Thế giới học hỏi Mỹ là học hỏi, trước hết, bảng giá trị ấy.

Còn Trung Quốc?
Hiện nay, có một điều rất rõ là Trung Quốc vẫn chưa xây dựng cho họ một bảng giá trị nào có tính phổ quát cả. Khi nói, họ vẫn nói leo theo Tây phương: tôn trọng điều này điều nọ. Nhưng ai cũng biết là họ đang nói dối. Trên thực tế, họ không tin và không làm những điều họ nói. Hơn nữa, họ còn sẵn sàng chà đạp lên những điều đó. Gần đây, một số lý thuyết gia Trung Quốc nêu lên luận điểm: bảng giá trị mà họ theo đuổi khác với Tây phương. Khác, ở điểm chính: Tây phương xem cá nhân là nòng cốt của xã hội: họ tôn trọng tự do để phát huy khả năng sáng tạo của từng cá nhân, qua đó, làm cho xã hội phát triển và giàu có; Trung Quốc, ngược lại, xem nhà nước là nòng cốt: họ muốn xây dựng một nhà nước thật mạnh để nhà nước ấy bảo đảm tự do và khả năng sáng tạo cũng như sự phát triển của từng cá nhân. Họ lý luận: mỗi quan niệm có những ưu và khuyết điểm riêng. Tuy nhiên, rõ ràng là ở mô hình Trung Quốc, phần khuyết điểm vẫn rất lớn và chứa đựng nhiều nguy cơ hơn hẳn.

Xây dựng trên quyền tự do cá nhân, xã hội Tây phương có thể đi vào lối sống ích kỷ; nhưng xây dựng trên nhà nước, xã hội Trung Quốc đã, đang và sẽ đối diện với hai nguy cơ lớn: độc tài và tham nhũng. Hai nguy cơ ấy lại dẫn đến những hệ quả khốc hại khác: sự độc tài không tập hợp được trí tuệ của quần chúng và do đó, rất dễ dẫn đến sai lầm trong chính sách; sự tham nhũng dẫn đến bất công và bất bình đẳng, từ đó, bất bình trong xã hội. Hậu quả cuối cùng sẽ là sự bất ổn.

Trung Quốc biết thế yếu của mình ở phương diện quyền lực mềm này nên lâu nay họ dốc sức để xây dựng một hình ảnh tốt trên thế giới. Cho đến nay, có nhiều biện pháp được áp dụng: một, viện trợ dồi dào cho các nước nghèo ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ La tinh; hai, tăng cường các hợp tác quốc tế, tham gia vào các lực lượng giữ gìn hòa bình trên thế giới; ba, xây dựng các Viện Khổng Tử ở khắp nơi trên thế giới (hiện nay đã có trên 500 viện đã được khánh thành); bốn, cử các phái đoàn văn nghệ đi khắp thế giới để biểu diễn và trình diễn; và năm, mua nhiều cơ quan truyền thông để tuyên truyền, v.v…

Các chính sách ấy có thành công hay không? Cần chờ thời gian trả lời. Nhưng hiện nay thì chưa. Nhiều quốc gia có quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng chưa có quốc gia nào xem Trung Quốc như một mô hình chính trị và xã hội mẫu mực để họ bắt chước.

Trừ một ngoại lệ: Việt Nam.

Nguyễn Hưng Quốc


* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


No comments:

Post a Comment