30 September 2011

Du sinh và lao động xuất khẩu: Hai đặc sản của cộng sản Việt Nam

Du sinh và lao động xuất khẩu: Hai đặc sản của cộng sản Việt Nam

Lâm Văn Bé

Tháng 7 năm 2011, hai bản tin trên trang mạng liên quan đến Việt Nam làm người đọc bàng hoàng. Vẫn biết Việt Nam hôm nay có quá nhiều chuyện kỳ dị mà nói mãi không hết, nhưng hai mẫu tin tháng bảy nầy có tầm ảnh hưởng tác hại đến uy tín các cộng đồng người Việt hải ngoại, đó là hiện tượng du học sinh và người lao động xuất khẩu Việt Nam.

Trước tiên là đoạn vidéo dài 3 phút phổ biến trên YouTube quay lại hình ảnh và đối đáp của 5 sinh viên tự nhận là du sinh tại Nhật đã dùng Iphone4 và Nokia N95 để tranh nhau đập nước đá trong một bửa tiệc. Những tiếng cười phụ họa, tiếng khích động đã phơi bày một cảnh tượng lố bịch, vô ý thức của đám sinh viên con ông cháu cha và tư bản đỏ đang du hí trên đất người với nhãn hiệu du sinh. Cái vidéo đã gây phẫn nộ trong giới truyền thông và dân chúng nước Nhật, vốn là quốc gia nổi tiếng về điện tử và là một dân tộc có tinh thần tự trọng cao, trong khi đó, trên các mạng điện tử ở Việt Nam, có người thản nhiên bình luận là « họ muốn làm gì thì làm, là việc riêng của họ, miễn là không ảnh hưởng đến ai ». Đó là cái triết lý sống của chế độ cộng sản hôm nay, làm xấu mà không biết xấu hổ.

Chuyện thứ hai là bài viết của tiến sĩ Daniel Silverstone, chuyên viên về ngành tội phạm ở đại học London Metropolitan gởi cho đài BBC ngày 26/7/2011 có tựa là : Nạn cần sa và người Việt ở Anh.

Sau đây là vài trích đoạn bài viết :

«…Trong 10 năm qua, có khi hàng ngàn người Việt di dân lao động bất hợp pháp đến Anh từ Đông Âu (nhiều nhất từ Tiệp khắc, Đông Đức) và cả từ Việt Nam dưới dạng du khách rồi ở lại, chủ yếu là từ Hải Phòng, nhất là từ hai quận Thủy Nguyên và Kiến Thủy. Chi phí hành trình do những tổ chức đưa người lậu từ VN sang Anh thay đổi tùy theo thời điểm, thường từ 15 000 đến 17 000 bảng Anh. Chuyến đi có thể  bằng giấy tờ giả mạo, xuất ngoại bằng phi cơ đến thẳng nước Anh, hoặc đến một quốc gia Đông Âu rồi sau đó dùng đường bộ nhập cảnh bất hợp pháp vào nước Anh. Những người mới đến được cộng đồng gọi là người rơm. Họ làm tất cả mọi việc bất hợp pháp, từ thợ điện câu trộm đường dây vào nhà đến việc sản xuất cần sa, kể cả việc sử dụng thiếu niên như nô lệ trẻ con có khi chỉ 13 tuổi. Những người làm vườn nầy được trả lương hàng tuần hay chia lợi nhuận sau khi thu hoạch. Mùa thu họạch đầu tiên  xem như để trang trải các chi phí đầu tư, các mùa sau là tiền lời, mỗi mùa thường 8 tuần. Các người chủ mưu dùng lợi nhuận thu được đầu tư vào các dịch vụ khác nhau và nhiều nơi khác nhau như lập tiệm ăn, tiệm móng tay hay gởi tiền về VN qua các ngỏ chính thức và phi pháp. Trong 10 năm qua, nhiều tội phạm giàu có đã thay đổi từ kẻ làm vườn trở thành chủ xí nghiệp. Họ lại bắt đầu một quá trình nhập cư mới bằng cách đưa gia đình, bạn bè vào làm việc trong các cơ sở kinh doanh của họ… Căn cứ theo báo chí, tội phạm người Việt hiện nay đã nở rộ và họ đã gia tăng không ngừng việc trồng cần sa đến nổi Vương Quốc Anh hiện nay nổi tiếng là quốc gia sản xuất cần sa ròng …»

 

Từ hai bản tin trên, chúng tôi thử nhận định vài nét đặc trưng về diện mạo của du học sinh và  lao động xuất khẩu Việt Nam, hai đặc sản của chế độ cộng sản  mà báo chí thế giới thường xuyên đề cập đến những điều tệ hại, làm xấu hổ người Việt trong nước, nhất là các cộng đồng người Việt tị nạn vốn được các quốc gia định cư nể trọng.

Phần I : Du học sinh

  1. 1.      Những quốc gia được sinh viên Việt Nam ưa thích xuất ngoại du học

Tháng 3 năm 2009, Viện Giáo Dục Quốc Tế (IIE=Institute of International Education), một cơ quan giáo dục phi lợi nhuận, đã làm một cuộc khảo sát trực tuyến trên hơn 700 học sinh, sinh viên ở VN để tìm hiểu thái độ và nhận thức của họ về các quốc gia mà họ dự định xuất ngoại du học. Số người được hỏi gồm 55% ở vùng TP Hồ Chí Minh, 37% ở vùng Hà Nội và 8% ở vùng Đà Nẳng.

Những câu hỏi về những lý do đi du học như : nâng cao kiến thức và khả năng ngôn ngữ (đặc biệt tiếng Anh), đạt được cấp bằng nước ngoài để hổ trợ cho việc tìm kiếm việc làm, học tập được kinh nghiệm kỹ thuật và văn hóa nước ngoài. Về những trở ngại dự phóng cho việc du học, những câu hỏi gồm có : chi phí, tìm kiếm thông tin chính xác nơi du học, xin visa, ngôn ngữ và văn hóa khác biệt, khoảng cách từ gia đình đến nơi du học.

Từ những câu hỏi trên, kết quả tổng quát như sau (theo thứ tự)

  Lựa chọn 1 Lựa chọn 2
Hoa Kỳ 81.8 % 10.4%
Úc   7.7 30.7
Anh   5 20.8
Canada   1.1   7.4
Singapore   0.9  13.5
Pháp   0.7    2.4
Thụy Điển   0.7    1.1
Hòa Lan   0.7    0.9
Nhật Bản   0.4    3.9
Thụy Sĩ   0.4    0.6

 

Trong lựa chọn 1, Hoa Kỳ là niềm mơ ước của hơn 80% học sinh, sinh viên, kế đó là Úc và Anh, tất cả đều là quốc gia Anh thoại.  Nếu không đạt được ý muốn như trên, chọn lựa 2 của họ là Úc, kế đến là Anh và Singapore. Điểm lưu ý là trong chọn lựa 2, đa số sinh viên miền Bắc chọn Anh quốc và miền Nam chọn Canada.

Khi đề cập đến ấn tượng vể những quốc gia được ưa thích liên quan đến phẩm chất giáo dục cao, trình độ khoa học kỹ thuật tân tiến, kết quả theo thứ tự là Hoa Kỳ (68%), kế đến là Úc, Anh, Singapore và Pháp. Về những ấn tượng bất lợi, Hoa Kỳ bị xem là quốc gia nguy hiểm về bạo lực xã hội, trong khi Anh, Pháp là không thân thiện (ý nói kỳ thị) với nước ngoài.

Từ các yếu tố trên, bảng xếp hạng sau cùng về việc học sinh, sinh viên Việt Nam chọn nơi để du học theo thứ tự như sau : Úc, Singapore, Hoa Kỳ, Pháp, Anh. (Attitudes and perceptions of prospective international students from Vietnam, Feb. 2010).

  1. 2.      Có bao nhiêu du học sinh Việt Nam

Thật khó mà có một con số thống kê chính xác, bởi lẽ không cơ quan thẩm quyền nào của Việt Nam công bố một thống kê giống nhau. Các thống kê VN thường dựa vào các tin tức của các cơ quan giáo dục quốc tế, các tòa lãnh sự các nước rồi vẽ vời thêm.

«Bộ Giáo Dục và Đào Tạo VN cho biết  có độ 100 000 học sinh và sinh viên du học ở hải ngoại, trong đó 90% là du học tự túc và 10% du học với học bổng của chính phủ VN và các nước. Bộ Giáo Dục chỉ quản trị số sinh viên do Bộ cấp phát học bổng độ 5000 người. Chúng tôi ước định thống kê như trên căn cứ vào số visas do các cơ quan ngoại giao các nước cấp phát và tin tức của các cơ quan ngoại giao VN ở các nước, các hiệp hội sinh viên quốc tế, nhưng phương pháp nầy thực sự không chính xác và chúng tôi đang nghiên cứu một cơ chế tập trung tất cả thông tin về người du học…»

(Nam Phương. Les études à l'étranger sont en vogue, đăng trong «Le courrier du Vietnam» ngày14/08/ 2011).

-          Úc

Úc là quốc gia được học sinh, sinh viên Việt Nam ưa thích hàng đầu để xuất ngoại. Giá học phí và sinh hoạt không cao so với Bắc Mỹ và Tây Âu, điều nầy thích hợp với các sinh viên tự túc, các trường học đủ loại thích hợp với các trình độ kiến thức và sinh ngữ, thường sinh viên bậc trung và kém vẫn có thể được chấp nhận sau các lớp dự bị. Úc lại là quốc gia tương đối gần Việt Nam, thích hợp cho các du sinh giàu đi về VN vào những ngày lễ, và nhất là tiện lợi cho các «đại gia», các tay tham nhũng thường xuyên chuyển tiền ăn cướp và lường gạt trong những chuyến đi thăm con em. Là quốc gia trù phú nhưng thưa dân, chánh sách di dân rộng rãi của chánh phủ Úc cho phép thân nhân những sinh viên hậu đại học có thể đi theo và làm việc trên đất Úc, đó là cửa ngỏ di cư hợp pháp cho những «tu nghiệp sinh» thuộc giai cấp lãnh đạo. Ngoài ra, trong số du học sinh đến Úc còn có rất nhiều học sinh trung học và học nghề, họ có thể xin định cư ở Úc sau khi tốt nghiệp nếu làm việc trong số 181 nghề mà nước Úc đang cần. Để thu hút sinh viên VN, nước Úc  đã cấp nhiều học bổng cho du sinh VN (4000 trong năm 2010). Đó là những lý do chính yếu khiến Úc là đất hứa cho du học sinh Việt Nam.

Theo Tổ chức Giáo Dục Quốc Tế Úc (AEI =Australian Education International) trực thuộc chính phủ Úc, số du sinh Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2010, số du học sinh Việt Nam tại Úc là 25 788 người, tăng 8,8% so với năm 2009, đứng hạng 4 trong số du học sinh các nước tại Úc.

-         Hoa Kỳ

Theo Viện Giáo Dục Quốc Tế IIE với sự hổ trợ của US Department of State's Bureau of Educational Affairs,  trong báo cáo Open Doors 2010 thì năm 2000, tổng số du sinh tại Hoa kỳ là 2022 người, năm 2009/10 tăng lên đến 13 122 người. Như vậy, trong vòng 10 năm, số du sinh VN tại Hoa Kỳ đã tăng gấp 6 lần và trong số sinh viên năm 2009/10 có 18,7% là du sinh cấp cao học và tiến sĩ mà đa số được các học bổng của chính phủ Hoa Kỳ (Vietnam Education Foundation, Ford Foundation, Fulbright…) hay của chính phủ VN trong các chương trình đào tạo hậu đại học.

Việc gia tăng sinh viên VN tại Mỹ, không phải chỉ phát xuất từ sự mơ ước của người Việt mà còn từ sự toan tính của chính người Mỹ, vừa để thu hút chất xám của các phần tử ưu tú Việt Nam, vừa để thu góp tài sản tẩu tán của tập đoàn đảng viên tham những. Michael Michalak, đại sứ Mỹ tại Hànội, trong điện thư gởi về Bộ ngoại giao ngày 24/2/2010 đã viết : « …Sứ quán tích cực tìm cách áp dụng các chuẩn mực giáo dục của Hoa Kỳ trong các đại học VN để gây ảnh hưởng đến thế hệ lãnh đạo kế tiếp, gia tăng số người tốt nghiệp có kỹ năng để làm việc cho các công ty Mỹ ở VN và để hiện đại hóa Bộ Giáo Dục-Đào Tạo bị nhiều người xem là hệ thống giáo dục đổ vỡ, Quỹ Giáo Dục VN (Vietnam Education Foundation) đến năm 2010 đã đưa 306 người sang học ở 70 đại học Mỹ đa số là học tiến sĩ khoa học…» (Wikileads . Giáo Dục Mỹ ở VN, bbc.co.uk ngày 28/8/2011)

Tuy số lượng sinh viên gia tăng, nhưng vì khả năng sinh ngữ cũng như kiến thức tổng quát kém, đa số sinh viên chọn các trường đại học cộng đồng (2 năm), dễ học, nhanh chóng về nước có cấp bằng Mỹ quốc, hành trang cho việc thăng tiến dễ dàng trong một quốc gia chống Mỹ nhưng «háo» Mỹ. Hơn phân nửa số du sinh ở Mỹ tập trung tại 3 tiểu bang Texas, Washington, California. (Vietnamese market for educational and training / US  Commercial Service. Vietnam, March 2010),

Điều cần ghi nhận là thống kê trên cho biết số người ghi danh nhập học chớ không cho biết số người tốt nghiệp, bởi lẽ từ năm 1995 đến năm 2010, Hoa Kỳ đã cấp gần 300 000 visas cho người Việt không định cư trong đó có khoảng 40 000 visas cấp cho thanh thiếu niên du học. Trong số visa không định cư có bao nhiêu là công nhân xuất khẩu, du khách ở lại bất hợp pháp, và trong số visa du học có bao nhiêu là du học trá hình để du hí sau khi đóng tiền ghi danh nhập học, không kể số du sinh bỏ học vì học không nổi hay bị đuổi vì hạnh kiểm.

-         Pháp

Tuy số sinh viên du học tại Pháp ít hơn so với Hoa Kỳ và Úc, và tuy sự quan trọng của tiếng Pháp trong nền giáo dục ở Việt Nam hiện nay chỉ còn ngang hàng với tiếng Đại Hàn, tiếng Nhật, và cấp bằng Pháp ít còn được trọng vọng trong chế độ cộng sản, du học ở Pháp vẫn là ước vọng của nhiều sinh viên có khả năng bởi lẽ học tập ở Pháp đòi hỏi nhiều thử thách, không phải chỉ sinh ngữ mà còn về kiến thức. Đa số du sinh đến Pháp thuộc bậc hậu đại học (Cao học, Tiến Sĩ) hay tu nghiệp ngắn hạn. Năm 2009/10, Pháp đã tiếp nhận 6295 du học sinh trong đó có 5160 (82%) ghi danh học đại học, đứng hạng 9 trong số các du học sinh các nước tại Pháp.

Tổng số sinh viên VN taị Pháp như sau :

  2006-

07

2007-08 2008-09 2009-10
Cử Nhân (L)  2 355 2 239 2 267 2 295
Cao học (M) 1 655 1 632 2 083 2 078
Tiến sĩ (D)    553    627    681    787
Tổng số 4 563 4 498 5 031 5 160

Trong niên học 2009-10, số sinh viên các ngành học và các cấp như sau:

  1-L,CT 2-KT,XH 3-VC,NV 4-KH 5-Y,N,D
Cử nhân   43 1 436  304   466    46
Cao học 121    928  208   616   205
Tiến sĩ   40      73    98   556     20
Tổng số  204  2 437  610 1 638   271

1-      Luật, chính trị học

2-      Kinh tế, xã hội học

3-      Văn chương, nhân văn

4-      Khoa học

5-      Y, Nha, Dược

(Nguồn : resources.campusfrance.org/ Rapports d'activités 2010)

-         Anh và Canada

Vương quốc Anh đã thu nhận sinh viên VN trước khi Cộng Sản VN và Mỹ thiết lập bang giao. Số sinh viên tăng nhiều sau chánh sách mở cửa trong 2 thập niên qua nhưng từ đầu năm 2010, Anh quốc đã siết chặt hơn luật du học và di dân nên số du học sinh đến Anh giảm bớt, số du học sinh và di dân bất hợp pháp dưới dạng du học bị trục xuất càng lúc càng nhiều. Có khoảng 5000 du học sinh VN tại Anh tập trung phần lớn ở khu Hackney, Peckham, Southward, Brixton.

Trong số các quốc gia Tây Phương, Canada là quốc gia có ít nhất du học sinh VN. Chánh sách du học khe khắc, giá sinh hoạt cao và tổ chức trường học của Canada không thuận lợi cho các du học sinh có học lực trung bình, Canada không có những giáo trình riêng biệt dành cho sinh viên ngoại quốc, du học sinh không thể đến các campus Canada để du hí hay tìm chồng, đó là những yếu tố chính yếu khiến Canada không có hấp lực với sinh viên VN. Năm 2008, Canada tiếp nhận chỉ có 586 du học sinh VN. Gần đây, chính phủ áp dụng vài biện pháp cởi mở hơn như cho phụ huynh đến thăm con em, cho sinh viên tốt nghiệp có thể ở lại làm việc một só ngành nghề để hi vọng số du học sinh đạt được 1000. Năm 2008, số du sinh VN ở các tỉnh bang của Canada như sau : Ontario : 232, Colombie-Britannique : 132, Alberta : 105, Québec : 79, Manitoba : 19, Saskatchewan : 9, Miền Đông Bắc : 10. (Le marché de l'éducation internationale du VN – Octobre 2009/ Affaires étrangères et commerce international Canada).

 

-         Trung Quốc và các quốc gia khác ở châu Á

Trung Quốc là thị trường cho sinh viên muốn xuất ngoại nhưng có nguồn tài chánh giới hạn bởi lẽ học phí và chi phí chỉ rất thấp, chỉ bằng ¼ so với Anh Mỹ (khoảng 7000$ một năm), nhưng thời gian học tập để có bằng cử nhân kéo dài 4-5 năm vì phải trải qua ít nhất một năm học tiếng Trung Quốc. Đa số du học sinh đến Trung Quốc học thương mại, canh nông, y học cổ truyền, và kỹ thuật chế biến. Có độ 12 500 sinh viên VN  tại Trung Quốc, đứng hạng 4 trong số các du sinh tại Trung Quốc (sau Hàn quốc, Nhựt, Hoa Kỳ) và 500 du sinh ở Đài Loan

Singapore là nơi gần nhất VN nhưng có chương trình dạy tiếng Anh nên Singapore là thị trường tốt nhất cho du sinh nghèo vì chi phí ít, và cho du sinh giàu để đến ăn chơi, cuối tuần về VN mà vẫn có « bằng ngoại». Năm 2010, có độ 7000 du sinh VN ở Singapore.

Chuyện du học ở VN hiện đang lên cơn sốt nên đi du học ở đâu cũng được miễn là có nhãn hiệu du học sinh để nở mặt nở mày với hàng họ và dễ làm ăn. Hàn Quốc đã có đến 1900 sinh viên VN trong làn sóng phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc, Ấn độ, Phi luật Tân, Mả Lai Á, Thái Lan, thậm chí Miên và Lào cũng mở cửa thị trường du học VN bằng cách cấp học bổng để khai thác thị trường béo bở nầy. Duy chỉ có Nhật Bản, mặc dù là quốc gia hậu kỹ nghệ nhưng ít sinh viên VN thích đến du học vì đại học Nhật chỉ dạy bằng tiếng Nhật và kỹ luật trường học nghiêm minh. Theo Asahi, cơ quan giáo dục quốc tế Nhật, năm 2010, Nhật đón nhận 3597 sinh viên Việt Nam.

-         Các quốc gia khác ở Âu châu ngoài Anh và Pháp

Du học ở Liên Sô và các quốc gia Đông Âu đã sụt giảm sau khi Liên Sô sụp đổ và  sau khi VN đã bình thường hóa ngoại giao với Hoa Kỳ. Tổng số sinh viên VN ở Nga, Tiệp khắc, Slovaquie, Roumanie độ 6000.

Tại các quốc gia Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Hòa Lan) Thụy Sĩ, Đức số sinh viên VN  vài trăm tại mỗi nước. Tính chung, tổng số du sinh VN tại hơn 40 quốc gia trên thế giới vào năm 2009 độ 90 000 người.

  1. 3.      Diện mạo của du sinh Việt Nam

Tùy theo gia cảnh, mục tiêu và cung cách, du học sinh Việt Nam có thể nhận diện qua 3 loại : du sinh du học, du sinh du hí và du sinh địch vận

-         Du sinh du học

Đó là những du học sinh có khả năng, có tư cách, muốn tìm học những kiến thức về  khoa học kỹ thuật và văn hóa ở xứ người để cải thiện đời sống kinh tế cá nhân và vận mệnh đất nước. Đa số họ là sinh viên tự túc, xuất thân từ những gia đình khá giả hay trung lưu, nhưng không có quyền thế. Cha mẹ họ phải hy sinh cho họ để mong họ có một tương lai tươi sáng hơn và nếu có thể được, thoát khỏi cái xã hội mafia cộng sản.

Tại đất người, ngoài những giờ chuyên cần học tập, đôi khi họ phải đi làm lao động thêm để phụ vào số tiền cấp dưỡng của cha mẹ chắt chiu gởi nuôi họ. Sau khi tốt nghiệp, họ trở về mang theo kiến thức học tập ở xứ người để phục vụ đất nước, nhưng nếu cha mẹ họ không có liên hệ với quyền lực, số phần họ cũng chẳng mấy gì khả quan. Một số khác tìm cách ở lại trên đất nước mà họ đã du học để lập nghiệp mà theo ước đoán, số du học sinh  không hồi hương nhiều hơn số du học sinh hồi hương.

Theo một khảo sát rộng rãi của công ty nhân sự SDH trên 350 sinh viên du học đã và sẽ về nước làm việc, sinh viên đã tốt nghiệp và sẽ ở lại nước sở tại làm việc, và sinh viên sẽ tốt nghiệp chưa có ý định ở lại hay về, kết quả là cho biết có 64% người quyết định ở lại nước sở tại để sinh sống. Lý do : chế độ lương thưởng tại VN không tương xứng với công sức và tiền bạc đã đầu tư trong quá trình học tập ở nước ngoài, môi trường và điều kiện làm việc không thích ứng với kiến thức đã thu thập, không được đối xử bình đẳng khi người lãnh đạo và đồng nghiệp là những người tốt nghiệp từ các đại học Đông Âu hay đảng viên thiếu khả năng. Đối với một quốc gia còn nghèo như VN mà phải chi viện hơn 1,5 tỷ mỹ kim hàng năm cho 90 000 du học sinh nhưng số người trở về chỉ chưa đến phân nửa thì quả tình chuyện chảy máu chất xám VN thực đáng quan ngại. (83% du học sinh về nước không hài lòng với lương thưởng. www. amec.com.vn ngày 15 /4/2010).

-         Du sinh du hí

Đó là những du sinh con ông cháu cha, mà trong nước gọi là đám 4C (con cháu các cụ) và con em các tư bản đỏ, làm giàu nhờ làm ăn với bạo quyền cộng sản. Đa số đám du sinh nầy là những học sinh dốt về kiến thức lẫn sinh ngữ, lêu lỏng, thiếu tư cách, xuất ngoại bằng văn bằng giả hay thế lực của ông cha, cốt ra nước ngoài để du hí và có chứng chỉ ghi danh nhập học tại đại học nước ngoài để ăn trên ngồi trước khi trở về nước. Tại nước ngoài, họ là những phần tử bất hảo, vung vít tiền bạc để ăn chơi, có tác phong bất xứng, tạo ác cảm cho người dân sở tại. Họ «xuất khẩu» những thói hư tật xấu của ông cha như ăn cắp trong siêu thị, lường gạt khi đi xe bus (dùng thẻ cũ), thô tục trong cung cách xã giao (không xếp hàng, không nhường chỗ ưu tiên cho người già, người phế tật, chửi thề, nới năng ồn ào trước đám đông…), ăn mặc trang sức lố bịch, tiêu xài theo lối vung tiền qua cửa sổ để chứng tỏ giàu sang (đơn vị tiền tệ của họ là một « giấy» tức tờ giấy 100 dollars) . Thái độ xấc láo của họ nhiều khi tạo nên những cuộc xung đột đẫm máu với các băng đảng, ngay cả đối với những công dân bình thường cũng «xốn mắt» trước tác phong mất dạy của đám sinh viên nầy. Ngoài ra, đám du học sinh nầy còn là bình phong để cha mẹ họ thuộc giai cấp lãnh đạo cộng sản tẩu tán tài sản một cách hợp pháp ra nước ngoài mỗi lần đi thăm con em, mà những chuyến đi đi về về như đi chợ. Thông thường, sinh viên du học chỉ ở cấp đại học, nhưng với những tay tham nhũng và tư bản đỏ, họ đưa con ra nước ngoài ngay từ cấp trung học, có khi từ tiểu học (như ở Canada) dưới dạng du học sinh và họ mua nhà đất cho con em họ ở, chuẩn bị cho một cuộc định cư cư về sau.Bảng thống kê sau đây cho thấy tỷ lệ số du  sinh học trung học, học trường dạy nghề và học Anh ngữ chiếm hơn phân nửa trong tổng số du sinh Việt Nam.

Tỷ lệ du học sinh Việt Nam theo cấp học niên khóa 2006-07 tại vài quốc gia

  Đại học Trung

học

Học Anh ngữ Học nghề
Hoa Kỳ 68% 22% 6% 4%
Anh 43 34 20 3
Úc 42 31 16 11
Canada* 11 60 27 2

 

*Chú thích về Canada : trong 60% học sinh Trung học có 21% học CEGEP và 3% học cấp tiểu học. (nguồn : Le marché de l'éducation internationale du VN)

Ngoài việc «trồng» người dưới dạng gởi con em du học, những tư bản đỏ và bọn tham nhũng còn tìm cách làm sui với các gia đình ở ngoại quốc để rửa tiền mà họ đã cướp giựt ở VN (một trong những sui gia nổi tiếng là Thủ Tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng và «tên ngụy» Nguyễn Bang). Họ chỉ cần áp dụng phương pháp cổ điển của mafia. Gia đình họ ở nước ngoài thành lập các công ty ở VN, tiền vốn không từ nước ngoài đưa vào mà từ tiền của các tay tham nhũng trong nước bỏ ra đầu tư. Họ khai gian thương vụ, thổi phồng lợi nhuận khổng lồ để chuyển ngân hợp pháp ra các ngân hàng nước ngoài qua các thương vụ.  Khi cần ra ngoại quốc để trốn, để định cư, thì dâu rể, con cháu họ sẽ đứng ra bảo lảnh họ dưới dạng đoàn tụ gia đình hay họ di dân dưới dạng kinh doanh. Những cuộc hôn nhân nầy lại còn có tác dụng thêm bạn bớt thù trong cộng đồng người Việt di tản, tạo ấn tượng tốt đẹp cho dân chúng và chính phủ các quốc gia có người Việt di tản về chính sách đoàn kết, cởi mở của chế độ cộng sản đối với kẻ thù khi xưa. Tính lưu manh, quỹ quyệt của cộng sản quả là siêu việt.

Nghĩ ra thì cộng đồng người Việt tị nạn đã phải trả giá bằng nửa triệu sinh linh bỏ mạng trên biển khơi để tránh bạo quyền cộng sản thì hôm nay, chính bạo quyền ấy, sau khi đã vơ vét tài sản trên một đất nước VN nghèo khổ, lại ngang nhiên mang tài sản ăn cướp ấy để đến sống vương vả trên những vùng đất mà những nạn nhân của họ trong 36 năm qua đã phải đổ mồ hôi nước mắt để tạo dựng lại lúc giữa đời người.

-         Du sinh địch vận

Đó là 5000 du sinh con ông cháu cha và những công chức, công an giả dạng là «tu nghiệp sinh» đi học với học bổng của nhà nước. Họ đi học nhưng họ phải làm công tác  địch vận theo nghị quyết 36 của đảng. Họ len lỏi trong các hội đoàn, các campus đại học, sử dụng các chiến thuật địch vận thời chiến tranh để tuyên truyền, khủng bố, khuynh đảo các cộng đồng người Việt. Trong đại học, họ khôn khéo lập các hiệp hội sinh viên, tuân hành các chỉ thị của tòa đại sứ để lôi cuốn các sinh viên con em người Việt tị nạn, vốn có tinh thần cởi mở nhưng lại ngây thơ trước các mưu chước thâm độc tâm lý chiến cộng sản. Đám du sinh địch vận nầy lại được sự hổ trợ của đám sinh viên du hí, bởi lẽ chúng phải bảo vệ tập đoàn cầm quyền của cha ông chúng. Chúng cũng có tác phong côn đồ ngang ngược khi cần đối phó với cộng đồng di tản chống đối chúng. Đám đông thầm lặng người Việt tị nạn ngao ngán trước viễn cảnh đã trốn cộng sản mà vẫn chưa được yên thân.

 

Phần 2 : Lao động xuất khẩu

1-     Có bao nhiêu người lao động xuất khẩu

Chính sách xuất khẩu lao động được áp dụng từ năm 1980 khi cộng sản VN muốn giải tỏa nạn thất nghiệp trầm trọng trong nước đồng thời dùng người lao động xuất khẩu để trả nợ cho các quốc gia anh em khối cộng sản đã giúp VN trong thời chiến tranh và các quốc gia thân hữu như Irak, Arabie Séoudite, Koweit, Qatar…

Trong thời gian từ 1980-1990, có khoảng nửa triệu người trong đó có khoảng 70 000 sinh viên, nghiên cứu sinh, và khoảng 300 000 người lao động được chính phủ gởi di Liên Sô, Đông Đức, Tiệp khắc, Bulgarie và khoảng 100 000 người đến các nước Trung Quốc, Cuba, Mông Cổ, Bắc Hàn để học tập và làm việc. Tiền lương của nhân công được chia làm ba : một đóng cho nước chủ, một gởi về cho gia đình và một phát cho công nhân. Các công việc phần lớn là công việc người địa phương từ chối : đổ rác, thợ mỏ, phu khuân vác, làm cầu đường, ống dẩn dầu ở Sibérie. Các phụ nữ thường làm nghề may, giúp việc nhà (oshin)

Nhưng không bao lâu sau đó, các chế độ cộng sản đã lần lượt sụp đổ, các quốc gia chủ hủy bỏ hợp đồng và cho hồi hương công nhân VN, nhưng đa số công nhân trốn ở lại. Thảm cảnh của công nhân bắt đầu từ đó với cảnh đối xử bất công của dân chúng và chánh quyền địa phương. Thất nghiệp đã đưa đến phạm pháp, tạo thêm ác cảm cho người bản xứ.

Khi bức tường Bá Linh sụp đổ tháng 11/1989, tại Đông Đức có 59 000 lao động xuất khẩu và du sinh VN tập trung tại các thành phố như Karl-Marx-Satadt, Đông Berlin và Leipzig. Sau khi nước Đức được thống nhứt, chính phủ Đức tìm cách giảm bớt số lao động xuất khẩu nầy bằng cách cấp cho mỗi người 3 000 mark để hồi hương. Khoảng phân nửa số người chịu về VN, nhưng những người lao động xuất khẩu ở những nước Đông Âu và Liên Sô lại kéo sang Đức để xin tị nạn hay cư trú bất hợp pháp. Trong suốt thập niên 90, chính phủ Đức dùng nhiều biện pháp đưa những người nhập cư bất hợp pháp nầy về VN, nhưng họ không đi mà chánh phủ VN cũng không nhận. Năm 2004, có đến 40 000 người VN cư trú bất hợp pháp trên nước Đức. Họ sống ngoài vòng pháp luật, lập băng đảng, buôn bán thuốc lá lậu và cần sa là những trọng tội đối với nước Đức. Không nói được tiếng Đức, không hội nhập, đa số sống phạm pháp, lại có quan điểm chính trị cộng sản nên số người dân Việt nầy hoàn toàn đối nghịch với cộng đồng người Việt di tản.

Kể từ năm 1990, khi tham nhũng trở thành phổ quát, chính sách xuất khẩu lao động thay đổi theo lối ăn chia với các tổ chức tuyển dụng người xuất khẩu mà các người đứng đầu không ai khác hơn là bè đảng các lãnh đạo thế lực. Chánh phủ phụ trách tìm kiếm các hợp đồng với các quốc gia cần nhân công rồi giao cho các công ty tư vấn tuyển dụng nhân công. Đó là chính sách tham nhũng vừa hàng dọc vừa hàng ngang, các công ty tuyển dụng tung hoành bóc lột, lường gạt người dân nghèo phải bán nhà bán ruộng để đóng tiền lệ phí cắt cổ cho các công ty để đi lao động nước ngoài hi vọng thoát được cảnh nghèo đói, nhưng chính sách đem con bỏ chợ của các công ty tư vấn thực chất là các tổ chức buôn bán người, làm giàu trên xương máu của người nghèo trước sự bao che của nhà nước.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã hội), từ năm 2001 đến 2011, VN đã gởi 739 710 lao động VN làm việc tại hơn 40 quốc gia trên thế giới, tính trung bình mỗi năm có khoảng 70 000 người. Thu nhập của người lao động xuất khẩu thường từ 6 đến 10 lần cao hơn so với những người cùng làm một công việc trong nước và mỗi năm họ gởi về nước khoảng 1,7 đến 2 tỷ mỹ kim. (Nguyễn Cảnh Toàn. Bước đầu nghiên cứu cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tạp chí Khoa Học Xã hội VN số 1(44) 2011).

2-     Diện mạo của người lao động xuất khẩu

Người lao động xuất khẩu ra nước ngoài có hai dạng : ra đi hợp pháp dưới sự quản lý của các công ty tuyển dụng, ra đi bất hợp pháp hay ở lại bất hợp pháp sau khi khế ước làm việc chấm dứt. Ngoài ra, những phụ nữ ra đi lấy chồng Hàn Quốc,Trung Quốc, Đài Loan, thực chất cũng là một hình thức xuất khẩu lao động.

-         Người lao động xuất khẩu theo hợp đồng

Từ năm 1990, chánh sách tham nhũng và vô trách nhiệm của nhà nước cộng sản đã làm nở rộ các loại công ty môi giới lao động nước ngoài, phát triển từ thành phố đến nông thôn. Đó là một sách lược tham nhũng toàn bộ, chia phần từ trung ương đến địa phương. Những người muốn đi lao động không phải là những người tứ cố vô thân mà phải có chút ít tài sản. Họ hay thân nhân họ phải bán nhà, bán đất hay thế chấp tài sản cho ngân hàng (danh từ sổ đỏ dùng để chỉ tiền nợ ngân hàng với tài sản thế chấp) để đóng tiền lệ phí cho cơ quan tuyển dụng. Theo những văn kiện của chính phủ, tiền lệ phí nầy không được hơn một tháng tiền lương, nhưng thực tế, những công ty môi giới khuynh đảo thị trường bởi người dân nghèo quá đông, mật ít ruồi nhiều, nên họ bày ra đủ thứ lệ phí, thường từ 5000 đến 15 000 mỹ kim tùy theo nơi đến làm việc và thời gian của hợp đồng. Thử tưởng tượng tiền lương của một giáo chức, sau khi khấu trừ mọi thứ đóng góp cho nhà nước chỉ còn lại độ 30 mỹ kim mỗi tháng thì số tiền lệ phí như trên quả là một tài sản khổng lồ. Với những hợp đồng bảo đảm tiền lương tại nước ngoài trên 1000 mỹ kim hàng tháng, điều kiện làm việc thuận lợi, nhiều gia đình nghèo tranh nhau đi  tìm số đỏ  với sổ đỏ. Người lao động xuất khẩu đong đưa với vận may nếu hợp đồng được tôn trọng, hi vọng trả được hết nợ và có chút vốn khi trở về nước. Nhưng thế giới cộng sản là thế giới của lừa đão, những công ty tư vấn lường gạt dân nghèo với những viễn cảnh tốt đẹp để vơ vét lệ phí đủ loại, đưa người ra nước ngoài rồi phủi tay, hành xử theo lối đem con bỏ chợ. Những người đi lao động ở Nga, ở Trung Đông bị áp bức, làm việc trong những điều kiện tồi tệ, không được trả lương theo như hợp đồng, hay bị hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn, bơ vơ nơi xứ người không biết liên lạc với ai. Một lời thán oán trong muôn một  của một người lao động xuất khẩu tại nước Nga :« Ba tháng không có lương, đấu tranh thì bị chủ dọa đuổi, gọi điện thoại về hỏi công ty xuất khẩu thì được bảo : chờ hết suy thoái chủ sẽ trả lương, muốn bỏ về thì tự túc mua vé mà về…»

Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hôi Việt Nam hợp tác với trường đại học Western Ontario (Canada) đã thực hiện một cuộc khảo sát về người lao động xuất khẩu VN tại 4 quốc gia ở Châu Á (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Mã Lai) trong giai đoạn 2000-2009 đã công bố kết quả ngày 15 tháng 3 năm 2010 như sau : «…chỉ có  33% người XKLĐ trả hết nợ trước khi về nước, trung bình muốn trả hết nợ vay mượn phải làm việc 18 tháng, 36% người bị tổn thương sức khỏe và tâm lý vì môi trường và điều kiện làm việc, 26% người không được trả lương như mong đợi và 8% bị hành hạ về mặt thể chất. Nhiều người bị hủy giao kèo hay không chịu nổi sự bốc lột phải trở về nước, gánh thêm nợ nần. Một tỷ lệ quan trọng không thấy có sự cải thiện về mặt kinh tế sau khi đi XKLĐ, thậm chí tình trạng còn tồi tệ hơn : 40,1% hài lòng vì số thu nhập tăng lên, 51,1% không thấy có sự thay đổi tích cực nào, 8,8% bị mắc nợ nhiều hơn….» (Đi xuất khẩu lao động để mưu sinh. baomoi.com, ngày 15/5/2010).

Chánh sách xuất khẩu lao động của chánh phủ cộng sản phơi bày bản chất vô nhân đạo và vô trách nhiệm. Những công ty môi giới là những công ty quốc doanh hay phe nhóm của cấp lãnh đạo đã lợi dụng sự nghèo đói của người dân, nhẩn tâm bốc lột người nghèo rồi vô trách nhiệm đưa đám người nầy ra nước ngoài phải tự phấn đấu với bao nhiêu cam go không chuẩn bị. Chánh sách tham nhũng bất lương nầy không giải quyết trọn vẹn được nạn thất nghiệp và nghèo đói triền miên trong nước mà còn lại tạo nên một hiểm họa ở ngoài nước bằng cách xuất cảng một khối người Việt sống bất hợp pháp và phạm pháp tại nhiều quốc gia trên thế giới.

-         Người xuất khẩu lao động bất hợp pháp

Đa số người XKLĐ là nông dân, công nhân ít học, vì nghèo đói phải đi lao động nước ngoài hi vọng sẽ thoát khỏi cảnh nghèo đói. Không am tường ngôn ngữ xứ người, không thích nghi với điều kiện sống và làm việc, không biết thông tin khi gặp bất công, bất trắc, người XKLĐ quả thực làm cuộc phiêu lưu lớn khi đặt niềm tin vào các công ty môi giới mà đa số chỉ là nhóm người bất lương được nhà nước bao che. Ngoài ra, nếu đa số người XKLĐ là nạn nhân của các công ty từ trong nước đến ngoài nước, nhưng trong nhiều trường hợp, chính họ cũng lại là tác nhân của những khốn khổ của họ. Chỉ đan kể một số trường hợp phổ quát : không tuân hành luật lệ xứ người, không tuân hành hợp đồng, tác phong bất xứng (gây gổ, trộm cắp). Tại Hàn Quốc, theo tin tức của chính Bộ Lao Động,  32% người XKLĐ Việt Nam đòi đổi nghề khi đến Đại Hàn, 8750 người ở lại bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng (trên 60 000 XKLĐ), có người bỏ trốn ngay khi vừa đến phi trường, đến nổi Hàn Quốc phải ngưng không nhận XKLĐ Việt Nam. (các bản tin tháng 8, 2011). Tại Mã Lai, chính phủ phải ân xá cho 13 000 người Việt XKLĐ ở lậu, tại Arabie Séoudite, tài xế XKLĐ đình công viện lẽ thời tiết quá nóng đến 45 độ mà xe vận tải không có máy điều hòa không khí (trước khi đi, họ đã biết sẽ làm việc trong vùng khí hậu sa mạc và xe vận tải ở VN có chiếc nào có máy điều hòa không khí). Tại Moscou, cảnh sát Nga dẹp các xưởng may «chui», bắt giữ 500 người Việt XKLĐ ở lại bất hợp pháp thì họ quay lại tố cáo chủ nhân bắt họ làm việc như người nô lệ. Thì ra, người XKLĐ Việt Nam cũng mưu chước không kém gì những công ty môi giới và công ty mướn người lao động. Một thống kê của Bộ Lao Động, Thương-Binh Xã hội ước lượng có khoảng 50 000 người XKLĐ bất hợp pháp trên thế giới, nhiều nhất tại Á Châu và các quốc gia Đông Âu.

Ngoài những người XKLĐ ở lại bất hợp pháp, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối diện với tình trạng người Việt định cư bất hợp pháp, do nhập cư lậu và người đi với visa du lịch rồi ở lại sau khi hết hạn, tổ chức các hoạt động phạm pháp như trồng cần sa, mãi dâm, tập hợp thành băng đảng chém giết nhau, gây rối loạn trật tự công cộng.

Số người di cư nầy được các tổ chức mafia VN đưa bằng đường bộ đến Nga, phần lớn qua ngả Trung Quốc. Một số ở lại Nga sống bằng nghề buôn bán lẻ ở các chợ trời, may quần áo hay các nghề lao động linh tinh.Tháng 6/2009, chính phủ Nga đóng cửa chợ Vòm (Cherkizovsky), nơi có 6000 thương buôn người Việt tập trung các hàng lậu thuế từ Trung Quốc.

Ngoài nước Nga, tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức (cũ), mỗi nơi hàng có chục ngàn người Việt sống ngoài vòng pháp luật, gồm những người XKLĐ không về nước và những người nhập cảnh lậu. Dariusz Loranty, cảnh sát trưởng ở Warsaw đã nói với Ulricht Adrian, ký giả của đài truyền hình Đức ARD như sau : «…Dân VN không bao giờ chết, chưa hề thấy đám tang người Việt. Một ngày kia, chúng tôi thấy một xác người Việt bị mafia thủ tiêu quăng trong ven rừng ở Warsaw. Một người Việt nào đó mới đến bất hợp pháp sẽ mang tên người chết mà không ai kiểm soát được. Với chúng tôi, người Việt Nam nào cũng giống nhau không phân biệt được. Bọn mafia còn giết người đồng hương thiếu nợ lấy các bộ phận đem bán…» (Ulricht Adrian. Wo Warschau vietnamesisch ist- DCV online dịch).

Món nợ mà ông cảnh sát trưởng Warsaw nói là món nợ từ 10 000 đến 15 000 mỹ kim mà người di cư lậu phải mượn của bọn mafia VN trước khi lên đường, một món nợ quá lớn phải trả suốt đời. Cách trả nợ nhanh nhứt là tham gia vào các tổ chức trồng cần sa, buôn ma túy. Ba Lan hiện nay là trung tâm sản xuất cần sa lớn nhất ở Đông Âu mà các người cầm đầu đường dây đa số là người Việt.

Để tránh sự cạnh tranh, một số di dân lậu được tổ chức đưa qua  Đức, Pháp và điểm đến sau cùng là Vương Quốc Anh, bởi tại đó luật pháp liên quan đến ma túy có phần nhẹ hơn các nơi khác. Muốn đến Anh, những người nầy tập trung ở miền Bắc nước Pháp, trốn trong rừng Téteghem, Grande Synthe, từ đó họ chờ đến đêm để «nhảy bãi» qua cảng Pas de Calais để sang Anh. Có khi họ phải chờ hàng tuần, hàng tháng trong những khu rừng lạnh lẽo nầy. Họ vứt bỏ tất cả giấy tờ, hình ảnh để khi cảnh sát bắt họ không biết lý lịch, xuất xứ của họ, do đó người Anh gọi họ là «người rơm».

Những người rơm nầy đang hoành hành Vương Quốc Anh. Nick Thorpe, phóng viên đài BBC trong bài EU's biggest crackdown on Vietnamese illegal migrants ngày 26/6/2010 đã viết : «…người Việt định cư hợp pháp ở Anh khoảng 30 000, nhưng số người bất hợp pháp lên đến 35 000».

Ông Lâm Hoàng Mạnh, một người Việt ở Anh đã viết một bài dài về người rơm đăng trong Talawas blog ngày 03/10/2010 có những đoạn như sau : «…Ngày 18/8/2010, tờ Metro London đăng tin theo báo cáo, năm 2009 cảnh sát đã bắt được 6866 vụ trồng cần sa, tăng 30% so với năm 2008 là 4951 vụ. Như vậy, chỉ trong 2 năm 2008-2009, số trại trồng cỏ bị phát hiện 12 000 vụ do người Việt điều khiển, có nghĩa trung bình mỗi tuần cảnh sát bắt gần 140 vụ, mỗi ngày 20 vụ trồng cần sa. Chưa kể những trang trại chưa bị phát hiện, con số trang trại cần sa của người Việt tại Anh phải hàng vạn…Hầu như báo chí tuần nào cũng đăng tin người Việt bị bắt vì trồng cần sa và nhập cảnh bất hợp pháp. Lang thang khu Hackney, Woolwich, Southward, Lewisham, Brixton…gặp rất nhiều người Việt rơm, họ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, công khai nói chuyện trồng cỏ bằng tiếng(Việt) lóng…Hàng năm, số tiền thu được do việc trồng cần sa của các băng đảng người Việt ở Anh lên tới hàng triệu bảng Anh đã được rửa bằng còn đường chánh ngạch cũng như tiểu ngạch để đầu tư vào bất động sản và khu công nghiệp ở VN. Những đồng tiền kiều hối nầy đã giúp chính phủ VN tăng trưởng GDP hàng năm. Thập niên 1990, từ vài trăm triệu, đến năm 2008, kiều hối đã tăng lên 8 tỷ. Kiều hối gửi về ngoài đồng tiền sạch (xuất khẩu lao động, trợ giúp thân nhân) còn có rất nhiều tiền bẩn do người rơm rửa tiền. Chúng ta thử làm phép tính cộng trừ nhân chia sẽ rõ : 8 tỷ mỹ kim do chính phủ VN công bố chia đều cho 3 triệu người VN hải ngoại, từ trẻ sơ sinh đến người già gần đất xa trời, bình quân mỗi người Việt gửi về VN gần 3000 mỹ kim. Tiền ở đâu ra mà Việt kiều gửi về cho thân nhân tiêu xài mỗi năm 3000 mỹ kim tức 60 triệu đồng VN nếu trong đó không có tiền bẩn khổng lồ của những kẻ tội phạm…»

Người rơm không phải chỉ có ở Anh mà tràn lan khắp nơi có cộng đồng người Việt, Tại Ba Lan, tên lóng là người xù, tại Đức là người đầu đen, tại Canada, Úc là người trồng cỏ.

Michael L. Gray, ký giả người Canadien, cư ngụ ở Ottawa, có viết một bài khảo sát khá chi tiết về kỹ nghệ trồng cỏ ở Anh và Canada tựa là  The Canadian connection : Why do Vietnamese grow so much dope ? (www.michaelgray.ca). Sau đây là phỏng dịch vài đoạn chính yếu :

«…Có khoảng 75% ngưởi trồng cần sa ở Anh là người VN, và hầu hết họ là những người nhập cư gần đây. Rất nhiều công nhân chăm sóc cây nầy là thiếu niên do những băng nhóm buôn thuốc phiện đưa đến từ VN. Thiếu niên là đối tượng dễ dàng quản lý vì tiên công rẻ mạt, thêm vào đó chúng không bị xét xử với các tội hình sự theo luật khi bị bắt, ít lâu sau chúng tiếp tục làm trở lại và chúng không thể bị trục xuất về VN, vì theo đạo luật  năm 2004 cấm trục xuất thiếu niên…Lợi nhuận thật khủng khiếp. Một ngôi nhà trồng cây nầy có thể kiếm được nửa triệu mỹ kim một năm…Lý do của sự phát triển trồng cần sa vì sự thay đổi đạo luật năm 2004, đưa cần sa từ hạng B xuống hạng C, có nghĩa là người phạm pháp sẽ không bị tội hình sự nếu trồng một số lượng nhỏ. Đó là lý do khiến các ngôi nhà VN biến thành nông trại cần sa.

Bây giờ, tôi tiếp tục đi đến thành phố tươi đẹp Vancouver ở bờ biển phía Tây của đất nước tôi, Từ giữa thập niên 1990, người VN hầu như làm bá chủ kỹ nghệ trồng cần sa ở Vancouver và các vùng lân cận ở tỉnh British Columbia. Đây không phải là một thành tích nhỏ, bởi việc sản xuất marijuana đại qui mô trước đó được thống lãnh bởi nhóm Hells Angels Motocycle Club, khét tiếng với việc sử dụng bạo lực để chống lại đối thủ.

Tại sao các băng đảng VN lại thống trị nhanh như vậy ? Để trả lời câu hỏi nầy, tôi nghĩ cần xét qua lịch sử lập cư của người Việt ở Canada. Trong những năm sau 1975, Canada cũng như nhiều quốc gia Tây Phương khác tiếp nhận hàng chục ngàn người Việt đến từ miền Nam, phần lớn là giới có học, có nghề tốt. Họ cư trú tại các đô thị lớn như Montréal, Toronto, Ottawa hay những đô thị nhỏ hơn như  Edmonton, Vancouver. Nói chung, thế hệ những người nhập cư đầu tiên nầy sống rất tốt ở Canada…

Vancouver là cái đích của những người tị nạn từ trại Hồng Kông, ra đi từ miền Bắc VN. Trại tị nạn Hồng Kông là một nơi khủng khiếp, cai quản bởi các băng nhóm bạo lực và khi đến Vancouver, những người nhập cư mới nầy không nghề, không học thức phải làm việc cho các băng đảng. Sống trong nền kinh tế tập trung những năm 1980 ở VN, nơi mà mọi người đều vi phạm luật pháp để sinh tồn, và những điều kiện sống khắc nghiệt ở trại tị nạn Hồng Kong đã khiến những người Việt mới nhập cư nầy có tính liều lĩnh, gan dạ, quyết tâm thành công với mọi giá. Chỉ trong vài năm, những băng nhóm VN đã đuổi nhóm Hells Angels ra khỏi Vancouver, khiến cảnh sát Vancouver phải gọi các băng đảng VN là những tội phạm gan lỳ nhất từ trước đến nay ở Canada (the most tenacious, extraordinarily focused criminals ever introduced in Canada).

Một báo cáo của cơ quan chống ma túy Mỹ năm 2000 cho biết năm 1998 có 2351 vụ trồng cần sa bị khám phá ở British Columbia, một năm sau tăng lên đến 30%, tức 3279 vụ và năm 1998 có 2600 kg cần sa nhập vào Mỹ qua ngả British Columbia bị bắt. Marijuana biến chế ở British Columbia có phẩm chất cao, «BC Bud» là loại cần sa hảo hạng mà người Mỹ ưa thích nhất. Các «hạt giống làm vườn», sách dạy trồng cần sa cho cả nước cũng phát xuất từ đây. Và việc trồng cần sa lần lần phát triển khắp Canada. Những đánh giá gần đây cho biết trị giá thương mại của cần sa ở British Columbia khoảng 6,5 tỷ mỹ kim, đứng hạng nhì sau dầu khí…»

Người Việt trồng cần sa và buôn ma túy hiện nay ở khắp nơi trên thế giới. Ngoài Ba Lan-Hung gia Lợi ở Đông Âu, Anh ở Tây Âu, Canada ở Bắc Mỹ cỏn phải kể thêm hệ thống ở Úc -Tân Tây Lan. Ngày 23 tháng 11 năm 2010, một cuộc bố ráp chưa từng có trong lịch sử ở tiểu bang Victoria (Úc),  huy động 630 nhân viên công lực gồm cảnh sát, nhân viên quan thuế, di trú, để lục soát 68 căn nhà của người Việt rải rác trên toàn tiểu bang Victoria, đặc biệt chung quanh thành phố Melbourne để khám phá được 8000 cây cần sa đang chờ thu hoạch, một số lượng lớn bạch phiến và 22 triệu Úc kim tiền mặt. Theo các cơ quan truyền thông và cảnh sát Úc, đây là những tổ chức tội phạm có liên hệ chặt chẻ với VN. Số tiền buôn lậu cần sa, bạch phiến chuyển về VN mỗi năm khoảng 400 triệu Úc kim. Chẳng những họ hoạt động ở Úc mà còn ở Tân Tây Lan. Đa số những tội phạm đến Úc bất hợp pháp đến từ Hải Phòng bằng các visas giả do nhà nước VN cung cấp dưới dạng du học hay du lịch.

3-     Phụ nữ kết hôn với chồng «ngoại»

Chuyện hôn nhân dị chủng trên thế giới hôm nay là chuyện bình thường, do đó khi nói đến hiện tượng lấy chồng «ngoại» trong bối cảnh Việt Nam phải hiểu là chuyện mua bán phụ nữ Việt Nam để làm vợ người Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo thống kê của Bộ Tư Pháp, từ năm 1995 đến năm 2010, VN có hơn 250 000 nguời VN kết hôn với người nước ngoài trong đó có khoảng 100 000 người kết hôn với người Đài Loan, 30 000 với người Trung Quốc và 40 000 với người Hàn Quốc.

Phụ nữ kết hôn với nguời «ngoại » phần lớn là những người nghèo, trình độ văn hóa thấp, 79% cư ngụ ở TP Hồ chí Minh và 13 tỉnh miền đồng bằng sông Cửu Long. Hãy nhìn những cô gái trẻ thơ, cởi hết quần áo đứng thành hàng dài để người Đài Loan, người Hàn Quốc chọn lựa. Tờ Trung hoa Thời Báo ở Đài Loan công khai đăng quảng cáo như thời buôn bán nô lê : Cô dâu VN, giá bán 18 vạn Đài tệ. Bảo đảm là gái trinh, nếu không trả tiền lại. Tại Hàn Quốc, các công ty môi giới rao hàng : Người chưa vợ, góa vợ hơặc khuyết tật đều có thể tìm cô dâu Việt. Tại Singapore, 3 cô gái VN được trưng bày trong trung tâm thương mại Golden Mile Complex làm cho Hội Phụ Nữ Singapore xúc động và bất bình. Đó là vài bản tin trong hàng trăm bản tin khi mở đọc trên Internet.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng bộ Lao Động-Thương Binh và Xã hội đã xác nhận : «Phong trào phụ nữ VN lấy chồng nước ngoài vì mục đích kinh tế, nhất là những cuộc hôn nhân qua môi giới bất hợp pháp thường dẩn đến đổ vỡ, có tác động rất lớn đến xã hội. Nhiều người nước ngoài cấu kết với một số cò mồi, môi giới VN hình thành những đường dây buôn bán người xuyên quốc gia. Nhiều cô gái đã vở mộng vì lấy phải người chồng nghèo khó hoặc bị môi giới lừa đảo, bị bốc lột sức lao động, bị lạm dụng tình dục, bị hành hạ đánh đập, thậm chí dẩn đến cái chết ở xứ người…»

Báo Tuổi Trẻ online ngày 22/02/2010 đưới nhan đề : Nhiều phụ nữ bị bán sang Trung Quốc, kể rõ cả số thông kê của chính phủ : « Trong nước có 255 địa bàn trọng điểm, 89 tuyến trọng điểm về buôn bán phụ nữ và trẻ em. Tình trạng buôn bán phụ nữ diễn ra trên đường bộ, đường thủy và đường hàng không, trong đó buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc chiếm khoảng 65%. Các nạn nhân thường bị bán với mục đích làm gái mãi dâm, lấy chồng hoặc bốc lột lao động…»

Trong bản Báo cáo Tệ nạn buôn người năm 2010  ở Việt Nam (Trafficking in persons Report 2010-Vietnam) do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thực hiện trong khuôn khổ của Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã có những nhận định và chỉ trích nghiêm khắc đối với chính phủ VN về việc bảo vệ người lao động xuất khẩu và phụ nữ.

Sau đây là một trong những đoạn chính yếu : « VN là một quốc gia có nhiều người đi làm việc ở nước ngoài do các công ty tuyển dụng trực thuộc nhà nước và tư nhân để gởi người đi làm việc ở Mã Lai, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhựt Bổn, Thái Lan, Indonésia, Anh, Serbie, Nga và Trung Đông. Các công ty xuất khẩu lao động đòi hỏi những lệ phí vượt quá qui định, nhiều khi dến10 000 mỹ kim khiến công nhân mắc nợ cao nhất trong số các người Á châu đi lao động nước ngoài. Các công ty luờng gạt công nhân xuất khẩu bằng cách chỉ cho công nhân xem hợp đồng trước khi lên phi cơ hoặc cho công nhân ký tên trên các hợp đồng viết bằng ngoại ngữ mà công nhân không hiểu. Khi đến các quốc gia tuyển dụng, công nhân bị cưỡng bức làm việc với các điều kiện và lương bỗng không như hợp đồng, bị đánh đập hành hạ. Các phụ nữ đi lao động hay đi lấy chồng được đưa tới Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Macao bị cưỡng bức lao động, hay mãi dâm hay cả hai. Các trẻ em bị bán cho các nhả thổ qua ngã biên giới Cambốt, Lào, Trung Quốc …

Mặc dù chính phủ thúc đẩy gia tăng xuất khẩu lao động để giải quyết nạn thất nghiệp, giảm nghèo, thu ngoại tệ, nhưng chính phủ không có biện pháp tích cực nào để trừng phạt những công ty xuất khẩu lao động và bảo vệ quyền lợi của người XKLĐ. Chánh phủ cũng công nhận có tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em nhưng không có biện pháp hình sự nghiêm khắc nào đối với các người phạm pháp các đường dây buôn người. Trong những nhận định trên, VN được xếp vào danh sách Theo dõi loại 2 (Watch 2). Chú thích : loại 1 : tôn trọng các luật lệ;  loại 2 : luật lệ lỏng lẻo , loại 3 : tuyệt đối không tôn trọng. (dịch từ: Trafficking in persons report 2010 -Vietnam / US States Deparment ( www.unhcr.org)


Thay lời kết

Những tệ trạng xấu xa của VN trong nước và ngoài nước không sao nói hết. Trang giấy có hạn, chúng tôi phải dừng lại để nhờ đến lời nói của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt thay cho lời kết. Trong một buổi nói chuyện với Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội ngày 20 tháng 9 năm 2008, Đức Tổng Giám Mục đã phát biểu : « Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm, chúng tôi muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như người Nhật cầm cái hộ chiếu là đi qua mọi nơi, không ai xem xét gì, người Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Chúng tôi mong đất nước mình được thực sự tốt đẹp để đi đâu chúng ta cũng được nể trọng…».

Ước vọng của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng là ước vọng của 90 triệu người Việt trong nước và 3 triệu người Việt tị nạn, mong sao cho cái chế độ mafia đã đưa đất nước đến chỗ tụt hậu, nghèo khổ, xã hội vô đạo, vô cảm sớm cáo chung-/-


Lâm Văn Bé 

09/2011

Những gì đã giúp Đài Loan phát triễn vượt bực ngày nay: Đại học cấp tiến

Những gì đã giúp Đài Loan phát triễn vượt bực ngày nay: Đại học cấp tiến

GS Tôn Thất Trình

 Cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 , cả hai nước là Nam Hàn và Đài Loan Cộng Hòa Trung Hoa – Quốc Dân Đảng, đều chỉ mới phát triễn ở mức Cộng Hòa Việt Nam lúc đó, lợi tức trung bình mỗi đầu người tương tự nhau. Nhưng nay cả hai đều đuổi kịp các nước tiên tiến, trong khi Việt Nam thống nhất còn lẹt đẹt ở phạm vi các nước chậm tiến, đang mở mang. Sau đây là vài đặc điểm giúp Đài Loan phát triễn, chiếu theo quan điểm của Global Media Inc., đăng tải ở số các tháng 9- 10/2011 ở nguyệt san "Ngọai Giao- Foreign Affairs, có lẽ Việt Nam nên biết rỏ hơn chăng, sau phần Đài Loan trình bày ở phần 5, bài Lịch sử Văn hóa Trung Quốc ?
 
Không chỉ là một đảo nhỏ
 

Là một đảo diện tích chỉ trên 13 000 km2  ( nhắc lại là châu thổ sông Cửu Long trên 39 567 km2 ba lần lớn hơn Đài Loan và Đài Loan còn nhỏ hơn cả châu thổ sông Hồng 14 685km2 nữa ), kích thước địa lý che dấu tầm quan trọng ảnh hưởng kinh tế và chánh trị Đài Loan ở Á Châu và trên thế giới còn lại. Cùng với Singapore, Hàn Quốc ( Nam Hàn ), Hồng Kông, Đài Loan được liệt vào Các Cọp ( Hổ ) Á Châu, gây ấn tượng mạnh mẽ tòan cầu, nhờ công nghệ hóa mau lẹ trong thời gian ngắn ngũi, ít hơn một thế hệ, ngay sau Thế Chiến Thứ Hai tàn phá nặng nề.

Tiến lên từ một nền kinh tế nông nghiệp, lợi tức mỗi đầu người chỉ là 170 đô la Mỹ vào thập niên 1960, Đài Loan nhảy vọt từ hạng các xứ kém mở mang Phi Châu,  xông vào lò nóng bỏng kỷ thuật tiền phong thế kỷ thứ 21. Nay Đàì Loan huênh hoang đạt lợi tức mỗi đầu người per- capita GDP trên 35 000 đô la Mỹ, gấp 30 lần lợi tức mỗi đầu người Việt Nam hiện nay, và 9- 10 lần hơn con số lục địa Trung Quốc.   

Vì lý do tranh chấp địa vị chánh trị, Đài Bắc thủ phủ ( thủ đô ) Đài Loan, không khác nhiều chánh phủ thế giới, đã phải dung hòa chiến lược thương mãi quốc tế của mình kỹ càng hơn với chánh sách ngọai giao hầu bảo đảm là các đồng minh trên thực tế – de facto  và các chung sức thương mãi có thể họat động doanh nghiệp một cách hửu hiệu với Bắc Bình( thủ đô Trung Quốc ).

Những năm gần đây, Đài Loan có vẽ như đã đạt mức quân bình tối hảo ở thế giới mỗi ngày mỗi thêm hội nhập trong đó các giáo điều cứng nhắc đôi khi phải thích nghi cùng thực tế thực tiễn. Thế cho nên trong khi cố giữ lòng trung thành với cá tính tự trị của mình, Đài Bắc đã lựa chọn ít đối đầu hơn, thực tiển hơn khi đối xử cùng kẻ láng giềng tiến mau lẹ hơn, to lớn hơn, bên kia eo biển Đài Loan .

Rỏ ràng là đối xử ngọai giao thích nghi này giúp Đài Loan, đã có những cơ bản kinh tế rất vững mạnh, trỗi dậy từ sự suy đồi kinh tế tòan cầu năm 2008 không hề bị sứt mẽ và tiếp tục hiệu năng hăng hái liền ngay sau đó. Các con số cung cấp một hình ảnh sức mạnh kinh tế Đài Loan cũng như liên hệ cải thiện và hội nhập lớn hơn với Trung Quốc .

Khi kinh tế tòan cầu phục hồi năm 2009, và đạt một tổng sản phẩm nội địa quốc gia trung bình – average gross domestic product ( GDP) là 5% , GDP Đài Loan vươn lên đến 10.82% , mức cao nhất trong 24 năm vừa qua, nhờ xuất khẩu tăng mạnh và yêu cầu trong xứ cường tráng. Mức thất nghiệp cũng xuống thấp nhất từ 30 năm qua.

Tuy nhiên, vì thị trường nội địa nhỏ hẹp, Đài Loan đặt ưu tiên cho liên hệ thương mãi hải ngọai, đặc biệt với Trung Quốc láng giềng và kẻ chung sức đã lâu dài là Hoa Kỳ. Một đường phân thủy những liên hệ qua eo biển Đài Loan là Thỏa hiệp Khung Họat động Cộng tác Kinh tế – Economic Cooperation Framework Agreement hay ECFA   đã được Bắc Bình và Đài Bắc ký kết năm 2010. Thỏa hiệp làm ra cốt giảm bớt thuế và rào cản thương mãi giữa đôi bên.
Hiện nay, Trung Quốc lục địa là thị trường Đài Loan xuất khẩu lớn nhất, kế đến là Hồng Kông và thương mãi song phương ước lượng là 110 tỉ đô la Mỹ. Vì lẽ khỏang 42 % hàng hóa xuyên qua eo biển, chánh phủ Đài Loan của tổng thống Ma Ying Jeou( Mã Doanh Diêu ? ) đã công nhận cần thiết phải đa phương thêm xuất khẩu Đài Loan, nếu xứ này muốn duy trì cạnh tranh trong dài hạn.                        

Đài Loan đã nói chuyện cùng Hoa Kỳ, cố thiết lập một Thỏa hiệp Khung họat động Thương mãi và Đầu tư – Trade and Investment Framework Agreement hay TIFA . . Đàm phán ngưng trệ 3 năm qua, nhưng Đài Bắc vẫn cương quyết cố kết thúc một thỏa hiệp thương mãi –FTA.  Theo tổng trưởng Ngọai giao Yang chin- tien- Dương tần thiên ( ? ), Đài Loan muốn ký kết một hiệp thương FTA như thể một thỏa hiệp kinh tế với Hoa Kỳ. Tầm quan trong thỏa hiệp này đã minh bạch, kể từ khi Hoa Kỳ là một kẻ chung sức   hàng đầu của Đài Loan. Nếu Đài Loan không ký kết được thỏa hiệp như thế với Hoa Kỳ, thì Đài Loan sẽ rơi vào vị trí rất bất lợi, vì Đài Loan sẽ không còn khả năng cạnh tranh với các đối thủ chánh  nữa.
 
Cải thiện trong nước

Dù cố gắng nhìn xa hơn để cải thiện liên hệ thương mãi cùng các láng giềng , Đài Loan cũng đã tung ra một chương trình nhiều tỉ đô la xây dựng hạ tầng cơ sở – infrastructure nhắm mục đích cải thiện đời sống, hút dẫn thêm đầu tư ngọai quốc, biến xứ sở thành một điểm trọng tâm   thương mãi và giao thông năng động nhất Á Châu. Dự án tham vọng liên quan đến xây cất đường xá mới, các khâu đường xe lữa cao tốc, phi trường và hải cảng . Vài dự án rơi vào kế họach BOT ( Xây dựng – Hoat động và Chuyễn giao – Build – Operate – Transfer), mở rộng cho đầu tư quốc tế. Theo Phó tổng trưỡng Yeh kuang Shih – Diên Quang Thạch (  Tế ? ), bộ Giao Thông – Vận Tải có một sứ mệnh đặc biệt. Vì  là một hải đảo, cho nên Đài Loan cần có một mạng lưới không vận và hải vận tốt đẹp.           

Một trong những dự án chánh của bộ là tái thiết, tân trang ga cuối  số 1-terminal 1 và ga cuối số 2 của Phi trường quốc tế Đào Viên – Tao Yuan. Khi cải thiện hòan tất năm 2012, cơ sở sẽ đưa khả năng tiếp đón hàng năm của phi trường từ 32 triệu hành khách lên 37 triệu và 45 triệu khi  ga cuối thứ 3 hòan tất năm 2018 . Tưởng cũng nên nhắc lại là khả năng đón tiếp của tất cả phi trường quốc tế Việt Nam hiện nay là khỏang 33 triệu hành khách một năm. Và phi trường mới Long Thành – Đồng Nai, Biên Hòa thay cho phi trường Tân Sơn Nhất – Sài Gòn dự trù hoàn tất đợt I năm 2015, sẽ có khả năng 30 triệu hành khách mỗi năm và khả năng tương lai sẽ là 80- 100 triệu mỗi năm, vào năm 2030 ( ?).

Đại phố Không vận- aerotropolis Đào Viên sẽ chiếm 18 000 ha, sẽ có khách sạn , trung tâm hội nghị và những vùng thương mãi tự do, đóng vai trò quan trọng khẩn thiết trong chương trình phát triễn kinh tế Đài Loan. Ngòai Đào Viên, chánh phủ cũng thiết lập những vùng thương mãi tự do quanh các hải cảng Đài Bắc- Taipei, Cao Hùng – Kiaoshiung,  Kế Long – Keelung và Đài Trung – Tai chung .

Theo Diên Quang Thạch, trên phương diện địa lý, Đài Loan giữ một vị trí chiến lược cho trung tâm Đông Á, ngay tại tâm cang Á Châu. Đài Loan cần đòn bẩy mức thân thuộc với Trung Quốc, để các doanh nhân từ Đài Loan có thể vào Trung Quốc thiết lập những họat động doanh vụ tại Đài Loan, sử dụng Thỏa hiệp ECFA. Ông nói thêm một cơ hội thuận tiện mới ở Đài Loan là ga Xe Lữa cao tốc Đào Viên, nơi đây Đài Loan dành 22 ha đất đai muốn có ai đó phát triễn thành một khu công nghệ tụ điểm vào du lịch y khoa.

Vì lý do địa lý gần gủi lục địa Trung Quốc và sức mạnh của nhiều lảnh vực cao kỷ, Đài Loan đã tự đề xướng minh là tấm nhún lý tưởng để lọt vào thị trường khổng lồ và tiềm năng sinh lợi béo bở Trung Quốc, cho Hoa Kỳ hay các công ty ngọai quốc nào không biết rỏ văn hóa Trung Quốc .

Nhiều năm nay, Đài Loan đã cũng cố danh tiếng là một lò nóng hổi của kỷ thuật mới mẽ tân tiến  về chế tạo máy móc công nghệ thập niên 1980, kỷ thuật thông tin – information technology thập niên 1990, kỷ thuật sinh học – biotechnology thập niên 2000  và kỷ thuật xanh- green technology thập niên đầu thế kỷ 21 này.

Ngày nay, nền kinh tế Đài Loan khoa trương một hình thức đa dạng cao và gây ấn tượng mạnh mẽ của những lảnh vực công nghệ và hiệu quả cao, đã giúp cho xứ sở trở nên rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư ngọai quốc. Theo  tổng trưỏng Kinh tế  Shih yen Shiang – Tưởng Diên Thạch(? ), Đài Loan có những cụm công nghệ rất mạnh mẽ và cũng giàu tư bản tài chánh. Trong 20 năm vừa qua, Đài Loan đã chuyễn hướng khả năng từ OEM ( Original Equipment Manufacturing )- chế tạo máy móc độc đáo đến ODM ( Original Design Manufacturing )- chế tạo họa kiểu độc đáo. Nay Đài Loan đã rất uy vũ về họa kiểu- design và sáng chế – innovation, rất tin tưởng  sẽ bước vào doanh nghiệp nhãn hiệu riêng mình, trong 10 năm tới. Thị trường Tàu đang bành trướng mau lẹ. Thị trường nội địa Đài Loan cũng tăng trưởng lớn. Đó là căn bản xây dựng doanh nghiệp nhản hiệu chính mình.

Khoa học tăng trưởng và Tăng trưởng khoa học

            Một trong những liên tưởng thường lệ nhất đến nhãn hiệu Đài Loan là tiếng tăm giá trị thực về khoa học và kỷ thuật , dù đó là kỷ thuật thông tin – IT, các khoa học sinh học hay năng lượng xanh. Hầu bảo đảm cho Đài Loan khỏi mất mũi nhọn cạnh tranh của mình, Ủy Ban Quốc gia Khoa học – National Science Council, một cơ quan chánh phủ có nhiệm vụ đề xướng và tài trợ khảo cứu khoa học trong nước.

Chiến lược của Chánh phủ là thiết lập các công viên khoa học- science parks và các cụm công nghệ- industrial clusters , không chối cải được là thiết yếu cho việc trổi dậy sáng chói như sao băng thành một nhà máy điện kinh tế đầy sức mạnh liên tục, ngay cả giữa những cơn khủng khỏang giảm sút tài chánh và kinh tế thế giới. Thực tế một nghiên cứu của Ngân Hàng Quốc tế đã chọn Đài Loan là một nền kinh tế hàng đầu căn cứ trên tri thức, hiểu biết – knowledge  based economy ở Á Châu. Theo tổng trưởng Ủy Ban Khoa học Quốc gia Lý ( Lê ) Lục Tráng( Chương ? )- Lee Lou Chuang, Đài Loan hiện nắm giữ 28% cổ phần thị trường tòan cầu  họa kiểu công nghệ thông tin và truyền thông- ICT design.

Ủy Ban Khoa học Quốc gia giám sát Công viên Khoa Học Trung tâm Đài Loan – Central Taiwan Science Park , Công viên Khoa học Nam Đài Loan – Southern Taiwan Science Park , và Công viên  khoa học Hưng ( Thuấn? ) Châu- Hsinchu Science Park. .Cương quyết giữ vững hàng đầu kinh tế, Ủy Ban cũng đã phóng lên những chương trinh về kỷ thuật sinh học canh nông, viễn thông, kỷ thuật sinh học và dược phẩm, giảm bớt thiên tai, năng lượng, y khoa hệ gen – genomic medicine, khoa học nanô và kỷ thuật nanô, học hỏi điện tử -e learning, lưu trữ kỷ thuật số – digital archiving, bán dẫn – semiconductors và mạch vòng hội nhập – integrated circuits .

Trong số các hảng tiền phong lảnh vực kỷ thuật Đài Loan là Delta Electronics. Kỷ niệm 40 năm thành lập, công ty căn cứ tại Đài Bắc này, đã tiến từ một họat động chỉ có 15 người, thành một nhà cung cấp đáng tin cậy lớn nhất thế giới về điện, làm mạng lưới – networking và các giải pháp không dây – wireless solutions . Theo chủ tịch thiết lập viên Bruce Cheng – Thành, độ tin cậy thật cực kỳ quan trọng. Hảng Delta bán các sản phẩm ở phí tổn tối thiểu, nhưng không đương nhiên ở giá tối thiểu. Khi khách hàng mua thiết bị Delta, họ rất ít bị lôi thôi và như thế họ ít tốn dịch vụ sửa chửa. Theo tiến trình, sử dụng Delta là lựa chọn ít phí tổn nhất. Delta Electronics cũng là công ty Đài Loan duy nhất nằm trong danh sách 100 hảng Tiền phong Tòan Cầu Carbon thấp hàng đầu – Global Top 100 Low Carbon Pioneers của tuần san CNBC Doanh vụ Âu Châu- European Business Magazine.

Cheng cho biết thêm là hảng cố gắng làm ra một cái gì có thể sử dụng lâu dài hơn . Người khác cho rằng hể nguồn năng lượng điện càng hửu hiệu và lâu dài thì doanh vụ lại càng giảm đi. Đó là điều sai lầm. Để bảo đảm cho thế hệ sắp tới có đủ vật liệu thiên nhiên hầu tiếp tục họat động, chúng ta bắt buộc phải tìm những phương cách kinh tế  làm cho năng lượng càng kéo dài thêm và nếu được, có thể tái sử dụng ở phí tổn thấp hơn .

Có những sức mạnh tổng thể như thế, thật không đáng ngạc nhiên cho lắm thấy Đài Loan vẫn duy trì là một trong những nền kinh tế thế giới vững bền nhất và là một nơi được các nhà đầu tư ưa chuộng. Phối hợp giữa thực tiễn, sức mạnh tài chánh và hiểu biết – know how kỷ thuật sẽ tiếp tục làm ra những tiên đóan sán lạn và thành quả tích cực.

Theo lời Bill Wiseman, chủ tịch Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ ở Đài Loan, Hoa Kỳ đầy hy vọng về tăng trưởng kinh tế Đài Loan. Hoa Kỳ vẫn tin tưởng vào công nghệ kỷ thuật Đài Loan. Hoa Kỳ đã có vài kẻ thắng cuộc ở Đài Loan khó mà sóan đổi ngôi báu. Trong một công nghệ kỷ thuật đang trưởng thành, Đài Loan tự khắc chạm cho mình một vị trí rất mạnh mẽ . Điều này vẫn tiếp diễn.

Nền giáo dục Đài Loan: một quán quân thế giới bị bỏ sót

Dù rằng kỳ diệu kinh tế Đài Loan đã được nghiên cứu kỷ càng, lý do chủ yếu cho lảnh đạo và kỷ thuật và doanh nghiệp Đài Loan, thường ít khi được nói tới. Đài Loan hoan hỉ  có một nền gíáo dục đại học tầm vóc hạng nhất thế giới.

Đại học là nền tảng tăng trưởng, phát triễn và tạo công ăn việc làm Đài Loan. Hơn 60 % dân Đài Loan đã tốt nghiệp đại học. Đặt Đài Loan đứng thứ 5 về giáo dục cấp 3 ( cấp 1 là tiểu học, cấp 2 là trung học )   trong Báo cáo Diễn đàn Cạnh tranh  Toàn cầu Kinh tế Thế giới – World Economic Forum Global Competitiveness Report , năm 2009, cũng xếp Đài Loan vào hạng 6 trong số 133 xứ sở về lọai sáng chế.

Năm 2010, Higher Education QS World University Rankings đặt 9 viện đại học Đài Loan vào số  500 đại học hàng đầu thế giới, và viện Đại Học Quốc gia Đài Loan trong số 100 viện đầu sổ. Năm 1964, viếng thăm  lại phát triễn kinh tế Đài Loan xem đã tiến triễn như thế nào kể từ năm 1959, tìm cách nào in sách khoa học kỷ thuật thế giới cập nhật nhất rẽ tiền cho sinh viên miền Nam Việt Nam mua sách tham khảo thêm, tìm mãi không thấy sách về  công nghệ  nhà máy mía đường, chỉ thấy sinh viên Đài Bắc , Đài Trung… ồ ạt mua các sách in lậu ( không trả tiền nhuận bút cho các tác gỉả ), giấy báo thô hào, nhưng in sạch sẽ, rỏ rệt , rẽ tiền về điện tử  và các ngành liên hệ !

Cũng vào năm 2010, một nghiên cứu của ESI- Essential Science Indicators, 5 viện đại học Đài Loan được xếp vào hàng đầu sổ của 1% cơ chế đầu hạng thế giới về khảo cứu liên quan đến 16 trong số 21 lảnh vực đặc thù. Một trong số này là viện đại học Chiao Tung ( Chiêu? Đông )- NCTU tại Hsinchu.

Viện đại học Chiao Tung NCTU  thành lập năm 1958, thực hiện la bô bán dẫn đầu tiên ở xứ này, thúc đẩy kỳ diệu kinh tế Đài Loan. Ngày nay, NCTU là một viện hướng về khảo cứu tòan diện với 9 trường đại học và 13000 sinh viên, 7000 là sinh viên cao học. NCTU chuyên về công nghệ học- engineering, bán dẫn – semiconductors, quang tử học – photonics , ICT và khoa học computer. Khoa khoa học computer NCTU, nghiên cứu ESI xếp vào hạng 32 thế giới và xếp hạng thứ 35 ở nghiên cứu xếp hạng hàn lâm các viện đại học thế giới năm 2010 của Viện Đại học Giao Đồng- Jiao Tong tại Thượng Hải. Còn khoa công nghệ học được xếp vào hàng 32 và 47 ở 2 nghiên cứu kể trên. Theo Khoa trưởng Shang H. Hsu của  Sở Hải Ngọai Vụ NCTU, nếu ai đó nhìn xem danh sách 100 công ty cao kỷ hàng đầu thế giới trong10 năm vừa qua,  khỏang 20 hảng là từ Đài Loan và khỏang 60% các hảng này do cựu sinh viên NCTU khởi sự .

NCTU đã hút dẫn nhiều sinh viên, vì chưng viện NCTU liên hệ chặc chẻ với công nghệ tư nhân. Hsu nói: hầu hút dẫn sinh viên đến từ các viện đại học hàng đầu Hoa Kỳ, chúng tôi đã thiết lập chương trình quốc tế hai tháng hè, gồm tiếng Tàu và các bài giảng văn hóa Tàu: quan trọng hơn hết là làm nội trú tại các doanh nghiệp cao kỷ địa phương ở Công viên Căn bản Khoa Học Hsinchu. Hsu nói thêm: chúng tôi muốn tăng thêm các sinh viên từ Hoa Kỳ, đặc biệt các sinh viên ngành công nghệ học từ các viện đại học Hoa Kỳ hạng nhất và hạng nhì tiêu chuẩn cao như NCTU.

NCTU cũng là một trong những viện đại học Đài Loan được các hảng ngọai quốc lựa chọn làm bạn chung sức như Corning, Intel, IBM và Microsoft. Những hảng này thiết lập các la bô  khảo cứu ở khu đại học xá. Những công ty dẫn đạo công nghệ này có rất nhiều ý kiến, nhưng không biết là chúng có thể thực hiện nổi không. Chúng tôi làm những nghiên nghiên cứu thực hiện- feasibility và chia sẽ tác quyền sở hửu trí thức, vì lẽ NCTU có Cơ Quan tài sản trí thức hàng đầu và lớn nhất ở Đài Loan, theo lời giải thích của Phó Viện Trưỡng tiến sĩ Jason Yi Bing Lin – Nghị Bình Lâm. Lâm nói thêm: chúng tôi cũng cộng tác với các công ty Mỹ,  đem các kỷ thuật của họ vào Đài Loan qua một công ty nội địa. Chẳng hạn, vừa mới đây chúng tôi họat động với Telcordia. Khi khảo cứu cộng tác hòan tất xong, chúng tôi tiếp xúc với hảng viễn thông – telecom lớn nhất Đài Loan là Chunghwa – Trung Hoa Telecom, xem thử hảng này có muốn thi hành kỷ thuật không.

        Một trong số những trường nổi danh ở Đài Loan là viện đại học Cơ Đốc  Phúc Yên( ? ) – Fu Jen Catholic university ( FJU ), ở ngọai ô Đài Bắc. FJU có 11 trường đại học và 27 000 sinh viên. Phương thức quản lý các trường này, năm 2005, đã được xem là nằm trong số 5 % trường doanh nghiệp – business schools đầu hạng thế giới. Năm 2010 cũng lại dược xếp hạng như vây. Theo phó viện trưởng tiến sĩ Lucia S. Lin – Lâm, viện Cơ Đốc Giáo FuJen là một viện đại học phối hợp văn hóa Tàu và văn hóa Tây Phương. Chúng tôi cam kết xây dựng một viện đại học quốc tế ưu hạng, đặc biệt để trở thành một viện Đại học cho cả tòan thể nuớc Tàu, lục địa lẫn Đài Loan.

Danh tiếng FJU đáng kể ra là trường y khoa đang biến thành mau lẹ thành trường đầu hạng thế giới về phương cách dạy dỗ. Trường nay đã cho tốt nghiệp ba khóa sinh viên cao học và một sinh viên tốt nghiệp của trường đạt điểm cao nhất kỳ thi quốc gia. Đó là nhờ sư phạm trường sử dụng đào tạo các sinh viên y khoa. Trường dùng một hệ thống tòan diện – comprehensive system của học hỏi căn cứ theo vấn đề. Chúng tôi đòi hỏi các sinh viên học cộng tác với nhau và từ năm thứ nhất trở đi, chúng tôi phân chia sinh viên ra nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm có người giám hộ là một bác sĩ y khoa. Làm như vậy rất tốn kém, nhưng chúng tôi đầu tư vào chương trình.       

 Trong một nền kinh tế, sức mạnh trước đây là chế tạo thiết bị độc đáo-original equipment manufacturing , nay phô diễn sức mạnh mới là chế tạo họa kiểu độc đáo- original design manufacturing, FJU đã xây đắp một  chuyên môn về họa kiểu và thời trang. Thật sự, viện sẽ tung ra gần đây một lọai cử nhân- bachelor degree dạy tòan tiếng Anh về quản lý thời trang và nhản hiệu Á Đông. Hiện nay FJU có 185 trường liên hệ ở 34 quốc gia, kể cả 58 trường ở Hoa Kỳ. Gồm luôn cả phát triễn 6 chương trình bằng cấp song đôi với các viện đại học Hoa kỳ, như viện Temple University, viện San Francisco University và viện Texas A&M International University.

Duy nhất cho viện FJU là việc cấp bằng bộ ba – triple degree, bằng Cao học về doanh nghiệp và và quản lý Tòan cầu – Master Global Entrepreneurship and Management với viện San Francisco và viện Ramon Luull của Tây Ban Nha. Vào cuối năm giảng dạy không ngừng trong một năm, dạy mỗi tam cá nguyệt ở một trường khác nhau, sinh viên đọat bằng cấp cao học-master' s degree từ 3 viện đại học.                  

          Thế nhưng Đài Loan không dừng chân sau các thành quả giáo dục hiện hửu.Vì dân số già nua thêm, qúa đông sinh viên ở các viện đại học, tỉ số sinh sản thấp kém, Đài Loan nhận thức là tương lai xin nhập học ở ngành giáo dục đại học Đài Loan tùy thuộc vào mức hút dẫn các sinh viên quốc tế. Đó là lý do tại sao 47 viện đại học Đài Loan  lại gia nhập chung sức học bằng cấp song đôi với các đại học quốc tế.

    Theo tiến sĩ Lâm Tống Minh – Lin Tsong Ming, thứ trưởng chánh trị giáo dục, Đài Loan buộc lòng phải quốc tế hóa. Sinh viên quốc tế hiện chiếm 3.3 % tổng số sinh viên, khỏang 45 000 người. Đài Loan muốn đề xướng thêm các trường Đài Loan, tăng gia sỉ số lên 10% mỗi năm, đạt 150 000 sinh viên năm 2020-/-


GS Tôn Thất Trình

( Irvine, Nam Cali - 09/2011 )

‘Con ông cháu cha’ trong cách nhìn của Mỹ

'Con ông cháu cha' trong cách nhìn của Mỹ 
Con cái ông Dũng, con cái ông Duẩn


Nhiều công điện do Wikileaks tiết lộ cho thấy không chỉ bản thân những nhân vật lãnh đạo cấp cao của nhà cầm quyền CSVN được Hoa Kỳ chiếu cố, mà cả con cái của họ cũng không thoát khỏi "radar" của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Nguyễn Thanh Phượng, con gái Nguyễn Tấn Dũng, được giao trách nhiệm giám đốc đầu tư Vietnam Holding Asset Management, quản trị số vốn $112 triệu của các nhà đầu tư Thụy Sĩ, lúc mới 25 tuổi.

Trong công điện ngày 26 tháng 12, 2006, gởi cho bộ Ngoại Giao ở Washington D.C., Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, ông Seth Winnick đã tóm lược những tin tức thu nhặt được về ba người con của ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. (Công điện viết tên ông thủ tướng là "Dzũng" thay vì "Dũng" - NV).

Công điện viết, ngụ ý, Tổng Thống Bush đã "bắt nọn" ông Dũng khi đột nhiên đề cập đến mối quan hệ giữa các con ông Dũng với phía Hoa Kỳ. Còn về phía ông Dũng, vẫn theo ghi nhận của công điện, ông ta "tìm cách lảng tránh, hoặc hạ thấp tầm quan trọng của quan hệ ấy (giữa con cái ông ta với Hoa Kỳ)."
Công điện viết về cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống (Bush) và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ở hội nghị thượng đỉnh APEC: "Theo một nguồn tin đáng tin cậy ở thành phố Hồ Chí Minh, Thủ Tướng Dũng giật mình khi Tổng Thống Bush hỏi han về việc học hành cũng như những liên hệ khác của các con ông tại Hoa Kỳ."

Lý do, theo công điện, là vì tại Việt Nam, tin tức cá nhân và cả sinh hoạt của thân nhân các viên chức cao cấp chính quyền được xem là "nhạy cảm."
Thế nhưng, các công điện tường trình khá đầy đủ về 3 người con của Nguyễn Tấn Dũng cho thấy những gì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cần biết, họ đều biết.

Cậu ấm, cô chiêu

Công điện viết rõ, con trai cả của Dũng là Nguyễn Thanh Nghị, sinh năm 1977, lấy bằng tiến sĩ ngành kỹ sư công chánh (structural engineering) từ George Washington University, và sau khi tốt nghiệp đã trở về Việt Nam giảng dạy tại khoa Xây Dựng của Ðại Học Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh.

Vợ tương lai của Nghị, một cô gái gốc Hà Nội, cũng là một du học sinh tại George Washington University, nơi hai người gặp nhau. Họ làm đám cưới sau khi trở lại Việt Nam.

Dư luận cho rằng "cậu ấm" Nghị sau này sẽ lãnh đạo một trong những tập đoàn ngành xây dựng nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh, và cũng có liên hệ mật thiết với công ty Bitexco, một công ty tư nhân đảm trách việc xây cất một số tòa nhà chọc trời tại Hà Nội và Sài Gòn. Tầm hoạt động của Bitexco còn gồm cả ngành đóng chai, dệt và các công trình thủy điện.

Công điện nêu rõ là vào những năm 2001 và 2002, Nghị vừa nắm đầu ngành giao tế vừa là "quản lý dự án" của Bitexco.

Ðoạn dưới đây của công điện "xác nhận một nguồn tin" về cô con gái rượu của Thủ Tướng Dũng, tên Nguyễn Thanh Phượng. Nội dung công điện cho thấy, khi Hoa Kỳ quan tâm, họ quan tâm tất cả mọi chuyện về đối tượng, kể cả chuyện tình cảm.

Công điện ghi lại nội dung cuộc phỏng vấn tại Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, khi cô Phượng đến xin Visa vào Mỹ.

"Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, Phượng xác nhận tin cô đang hẹn hò với một người Mỹ gốc Việt cùng làm việc trong ngành tài chánh hiện đang phát triển mạnh tại Việt Nam."

Về học vấn của Nguyễn Thanh Phượng, công điện của tổng lãnh sự tại Sài Gòn cho biết, sau khi tốt nghiệp tại "trường trung học danh tiếng Sài Gòn, Marie Curie" năm 1995, Phượng tốt nghiệp cử nhân Ðại Học Kinh Tế Quốc Gia tại Hà Nội năm 2001, và học cao học tại Học Viện Quốc Tế Geneva (International University in Geneva), Thụy Sĩ, "một trường liên kết với Michigan State University, và chỉ đến thăm Hoa Kỳ trong vòng 2 tuần vào năm 2004 để nhận bằng tốt nghiệp từ Michigan State University."

Cũng trong buổi nói chuyện trên, Phượng xác nhận em trai cô, là Nguyễn Minh Triết, sinh năm 1990, hiện đang học trung học ở Anh Quốc và dự định sẽ theo ngành truyền thông.

Con ông cháu cha

So sánh 3 người con của ông Dũng, Tổng Lãnh Sự Seth Winnick tỏ ra có cảm tình với Phượng. Ông viết: "Phượng giống cha như đúc, và dường như trong ba người con ông thủ tướng, Phượng là người năng động nhất. Trong câu chuyện với chúng tôi, cô tỏ ra cởi mở, tò mò, và chăm chú. Rõ ràng cô là một người có tài."

Vẫn theo nhận xét của Tổng Lãnh Sự Seth Winnick thì con đường sự nghiệp thênh thang rộng mở của Phượng, và của anh em Phượng, hiển nhiên là được đưa đến từ thân thế của họ.

Ông viết tiếp: "Tuy thế, việc thăng tiến vượt trội của Phượng, và những cánh cửa rộng mở đón chào Phượng và anh em của cô," là "bằng chứng cho thấy cách thức mà tầng lớp lãnh đạo (Việt Nam) bảo đảm cho con cái họ những vị trí đầy lợi thế về giáo dục, chính trị và cả kinh tế."

Công điện đơn cử một vài ví dụ, "Tháng Giêng năm 2006, lúc mới hơn 25 tuổi, Phượng đã là giám đốc đầu tư của công ty Vietnam Holding Asset Management, quản trị vốn đầu tư $112 triệu của các nhà đầu tư Thụy Sĩ. Ðến tháng 11 cùng năm, Phượng lên làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Ðầu Tư Chứng Khoán Bản Việt-Viet Capital Fund Management Joint Stock Company, được viết ngắn gọn là Công Ty Quỹ Ðầu Tư Bản Việt hoặc VCFM với nhiều trăm tỉ đồng Việt Nam đến từ các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam."

Tại sao người ta có thể tin tưởng để giao một số vốn không lồ như thế cho một người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm như Phượng?

Tổng Lãnh Sự Seth Winnick trả lời câu hỏi này thay cho lời kết của công điện: "Tất nhiên, về mặt chính trị, giao quỹ đầu tư cho cô con gái cưng của thủ tướng quản lý, là một điều khôn ngoan, nhất là khi quỹ này tập trung vào việc đầu tư trong những ngành mà nhà nước kiểm soát, như dầu khí, ngân hàng và công nghệ thông tin."

Một công điện khác, được xếp hạng "mật," do tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, Kenneth J. Fairfax, gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khoảng đầu năm 2009 cho thấy, không chỉ riêng ba người con của ông Nguyễn Tấn Dũng được hưởng mọi ưu đãi "con ông cháu cha," mà chức giám đốc hải quan thành phố Hồ Chí Minh, một địa vị ngon lành, cũng được trao cho con trai cựu Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Lê Duẩn.

Một đoạn trong công điện này viết: "Lê Kiến Trung (con trai nhỏ của Lê Duẩn) chính là tổng giám đốc Hải Quan Thành Phố Hồ Chí Minh, một trong những chức vụ được cho là béo bở và được nhiều người thèm muốn nhất trong guồng máy nhà nước Việt Nam."

Cũng nên nhắc rằng sự kiện công ty Bitexco, do con trai lớn của Nguyễn Tấn Dũng cai quản, là chủ nhân của khu chung cư cao cấp "The Manor," nơi bao người dân đến mua, đã chung tiền đầy đủ mà cả 4 năm sau vẫn chưa có giấy tờ sở hữu và biết bao nhiêu khiếu nại không được giải quyết khác. (Ðoạn này không có trong công điện)

Cũng theo công điện này, ông Lê Kiến Thành, con trai lớn của cựu Tổng Bí Thư Lê Duẩn, có thể đã có những tư tưởng "lành mạnh" khi nhận định rằng, với guồng máy cai trị hiện tại, khi tự do báo chí không có, thì khó tiêu diệt được tệ nạn tham nhũng đang lan tràn ở mọi tầng lớp.

Công điện trích lời phát biểu của Lê Kiến Thành trong một buổi họp liên quan đến "xì căng đan" tham nhũng nổi tiếng PCI: "Chức tổng biên tập chẳng ăn nhằm gì cả, khi cả ngành truyền thông yếu ớt và bị thao túng có hệ thống, nhưng việc các tổng biên tập của các tờ Pháp Luật, Thanh Niên và Tuổi Trẻ đồng loạt bị thay thế đã đánh dấu một bước lùi cho nền dân chủ."

Có thể có những con ông cháu cha có một quan điểm lý tưởng hướng về dân chủ không?

Tổng Lãnh Sự Kenneth J. Fairfax tỏ ra dè dặt khi ông kết luận: "Nếu chúng ta tin vào những điều Lê Kiến Thành phát biểu, thì nhiều đảng viên đảng CSVN hiện không hài lòng với hướng đi của đất nước đang sẵn sàng tham gia vào các cuộc tranh luận sôi nổi, ít nhất là giữa họ với nhau."

Có lẽ chẳng ai có thể khẳng định được điều gì, ngoài việc ghi nhận sự kiện Lê Kiến Thành, 31 năm tuổi Ðảng, đã ra ứng cử độc lập vào Quốc Hội năm 2007, rồi sau đó họp đảng ủy, và được thuyết phục rút đơn-/-


HGNV