12 August 2011

Ngược đãi sông Đồng Nai

Ngược đãi sông Đồng Nai


Sông Đồng Nai nuôi sống hơn 20 triệu dân nhưng đang mắc quá nhiều "bệnh" và hiện vẫn tiếp tục bị… vắt kiệt sức



Sông Đồng Nai cung cấp nguồn nước  sinh hoạt cho hơn 20 triệu dân của 11 tỉnh, thành ở lưu vực sông. Nhưng con người đã trả ơn dòng sông đó như thế nào? Thủy điện chằng chịt, ô nhiễm do xả thải đang vắt kiệt sức dòng sông.

"Siết cổ" thượng nguồn

Thượng nguồn sông Đồng Nai đang gánh một mạng lưới quy hoạch thủy điện khá dày đặc. Dòng chính sông dài 620 km, có đến 15 nhà máy thủy điện lớn, nhỏ, trong đó, một số nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động như

 
 Đại Ninh,
 Đa Nhim,
Trị An,
Đồng Nai 2...  nhưng vẫn chưa có quy chế vận hành liên hồ giữa các thủy điện. Hai chi lưu sông Bé và sông La Ngà có 11 công trình thủy điện. Bên cạnh đó, dòng chính sông  Đồng Nai còn "gánh" thêm khá nhiều công trình xây dựng khác: 406 hồ chứa, 371 đập dâng - cống, 134  trạm bơm và hệ thống thủy lợi...
 
Rừng đầu nguồn bị "cạo trọc", còn dòng chính sông Đồng Nai bị công trình thủy điện Đồng Nai 4 "siết cổ"

Theo  Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu - Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), mật độ công trình dày đặc khiến sông Đồng Nai đang và sẽ thay đổi lớn về cơ cấu dòng chảy tự nhiên theo chiều hướng bất lợi: Tăng khả năng đe dọa lũ mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô. Ngoài ra, việc phá các rừng đầu nguồn để xây công trình đã khiến hệ sinh thái,  sinh cảnh khu vực thượng và trung lưu hệ thống sông Đồng Nai bị phá vỡ. Dòng sông Đồng Nai ngày xưa nước xanh trong nhưng hiện nay đục ngầu. Tuy chưa có một nghiên cứu cụ thể về tình trạng đổi màu dòng sông nhưng nhiều giả thuyết đưa ra đều nghiêng về việc phá rừng, đất bị rửa trôi theo nước lũ chảy xuống dòng sông.
Khảo sát mới nhất về tình hình hoạt động thủy điện trên sông Đồng Nai của tỉnh Đồng Nai cho thấy hàng loạt hồ thủy điện phải ngưng hoạt động do thiếu nước. Hồ Trị An và một số thủy điện gần hạ nguồn không đủ nước để hoạt động  vì thủy điện Đồng Nai 2 tích nước chuẩn bị chạy  nhà máy, ngay cả thủy điện Đồng Nai 3 nằm phía dưới cũng chứa  không đủ nước nên không thể chạy  các tổ máy phát điện. Kéo theo các hệ lụy là tình trạng thiếu nước thường xuyên trên sông Đồng Nai và xâm mặn phía hạ lưu ngày càng trầm trọng.   

    Đầu năm 2011, các nhà máy nước tại Sàigon đã "la làng" vì độ mặn quá cao. Chẳng hạn, độ mặn đo từ Nhà máy Nước Tân Hiệp (cung cấp nước cho

TP) lên đến  270 mg/lít (độ mặn cho phép chỉ 250 mg/lít), sau khi bơm nước rửa mặn từ hồ Dầu Tiếng, độ mặn vẫn còn đến 258 mg/lít.

"Đầu độc" hạ nguồn

Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam vừa công bố nghiên cứu sức chịu tải của sông Đồng Nai. Kết quả cho thấy từ đập thủy điện Trị An đến cửa Soài Rạp, dòng sông gần như không còn khả năng chịu đựng ô nhiễm. Cụ thể, không còn khả năng tiếp nhận nước thải chứa các chỉ tiêu vượt ngưỡng: TSS, COD, BOD, amoniac, ni-tơ và phosphor, trong khi đoạn sông này  tiếp nhận nước thải từ các nhà máy, KCN, làng nghề. Riêng đoạn sông từ hợp lưu sông Sài Gòn đến cửa Soài Rạp còn chịu ảnh hưởng của nước triều: Khi nước triều dâng cao, khả năng tiếp nhận ô nhiễm gần như không còn nhưng lại là lúc phải tiếp nhận quá nhiều tải lượng ô nhiễm.
 
Rừng đầu nguồn bị "cạo trọc", còn dòng chính sông Đồng Nai bị công trình thủy điện Đồng Nai 4 "siết cổ". Ảnh: Thu Sương

Bên cạnh đó,  kết quả dự tính  diễn biến ô nhiễm lưu vực sông Đồng Nai giai đoạn 2015- 2020 cho thấy ô nhiễm do chất thải không ngừng gia tăng từ 1,04 - 2,61 lần ở tất cả các loại nước - khí- chất thải rắn. Các địa phương có thải lượng ô nhiễm tăng nhanh và nhiều nhất là TPSG, Đồng Nai và Bình Dương. Ngoài các nguồn ô nhiễm nội tại, 3 địa phương này còn gánh chịu một lượng thải ô nhiễm lớn từ thượng nguồn đổ về. Tuy nhiên, đến nay, sông Đồng Nai vẫn chỉ được "chẩn bệnh" một phần ngắn mà chưa được "khám tổng quát" 620 km và các chi lưu. Chưa kể, dòng sông này đêm ngày vẫn đang bị "móc ruột" khối lượng cát lớn.


Nhiều phương án "cứu" sông Đồng Nai đã được đưa ra nhưng vẫn chưa có sự thống nhất do thiếu tổng chỉ huy trong việc điều động, phân công các địa phương trong việc bảo vệ lưu vực sông. Hiện nay, có hai  tổ chức quản lý liên quan đến lưu vực sông Đồng Nai là Ban Quản lý Quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai thuộc Bộ NN-PTNT và Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Đồng Nai, nhưng hai tổ chức này chưa có sự phối hợp nhịp nhàng.

 

Mặt khác, ngay chính 11 tỉnh, thành nằm trong lưu vực sông cũng đang phân vân giữa việc bảo vệ rừng đầu nguồn, giảm ô nhiễm dòng sông với các dự án phát triển kinh tế. Trong khi đó, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường) được giao nhiệm vụ thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, 24 dự án với tổng kinh phí hơn 700 tỉ đồng được đưa ra trong quy hoạch nhưng lại không được các địa phương, nhà khoa học đồng tình vì dự án quá dàn trải, trong khi các nguyên nhân đe dọa sông Đồng Nai vẫn chưa được phân tích đầy đủ, rõ ràng./.

TỔNG HỢP

No comments:

Post a Comment