02 August 2011

Người Phu Đào Huyệt

Người Phu Đào Huyệt
Hoàng Nguyên Nhuận


Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về... Câu sấm ấy một lần nữa lại được ứng nghiệm.
Nguyễn đây không phải là một người thuộc dòng dõi Nguyễn Hoàng.
Nguyễn đây là Nguyễn cao Kỳ, cựu Tư Lệnh Không Quân, cựu Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.

Hành động can đảm của một đứa con hoang. Chuyện phải đến đã đến, thế thôi.

Quyết định về Việt Nam đón Tết Giáp Thân 2004 của Nguyễn cao Kỳ khoanh trọn một chu kỳ lịch sử vừa oai hùng, vừa oan nghiệt, nếu không của cả dân tộc thì ít ra cũng cho cá nhân và gia đình Nguyễn cao Kỳ.

Cuộc chiến vì độc lập, hòa bình, thống nhất của quốc gia kết thúc ngày 30/4/1975. Lịch sử như một con tàu, đến rồi đi, nhưng thường cũng để rơi rớt lại một số người ngơ ngác ồn ào trên cả hai phía sân ga như bao giờ. Con tàu VN cũng thế.

Thay vì độc lập, những người này lại muốn đất nước vẫn tiếp tục bị lệ thuộc, không Pháp, Mỹ thì cũng Nga, Trung Quốc. Thay vì hòa bình, họ lại muốn đất nước vẫn dây dưa trong một cuộc nội chiến, tiếp tục xa lìa nhau bằng những biên giới huyễn hoặc có tên là Việt Cộng và Quốc Gia, Bắc Kỳ cũ và Bắc Kỳ mới, vô thần và hữu thần, nguỵ và cách mạng.

Chiến tranh kết thúc đã gần ba mươi năm nhưng họ vẫn suy nghĩ, ăn nói, hành động như năm, sáu mươi năm trước. Họ là những xác chết biết đi đang ngấp nghé sắp hàng với những người Nga đào tỵ sau năm 1917, những người Hoa chạy khỏi lục địa sau năm 1949, những người Cuba di tản năm 1959, hay với Kim chính Nhất của Bắc Hàn hôm nay.

Chuyến hồi hương của Nguyễn cao Kỳ là một lát cuốc xẻng khơi sâu mộ huyệt cho những xác chết chưa chôn đó.

Ðối với những người Việt chạy khỏi nước từ năm 1975, về thăm nhà hay về quê ăn Tết không còn là chuyện hiếm hoi, liều lĩnh hay mới lạ.

Nhưng với những xác chết biết đi, chuyến về của Nguyễn cao Kỳ là một sự phản bội.

Phản bội lại công việc kinh doanh ảo tưởng và đầu tư thù hận của những kẻ đang chờ đợi đất nước sạch bóng quân thù để giải thể chế độ đương hành và tái lập chế độ Ðệ Nhất Cộng Hòa. Hành động tôn vinh tưởng niệm Ngô chí sĩ hàng năm của họ nói lên cuồng vọng đó. Họ không muốn chết và không muốn cho anh em nhà Ngô siêu thăng.

Sự chờ đợi này được đặt cho nhiều tên gọi nhưng tựu trung vẫn có hai đặc điểm rõ rệt.

Thứ nhất, đó là một cuộc đấu tranh ủy nhiệm, viễn khiển. Người chủ chốt không trực tiếp nhúng tay vào, họ chỉ dùng gian dối, lừa mị, khủng bố, già họng xúi dục kẻ khác làm thay cho họ chuyện CCCB - chống cộng chết bỏ, hay CCCÐ - chống cộng cực đoan hoặc chỉ mấy người chủ chốt, hay cầm cu chó đái để chỉ mấy người bị lừa và bị lợi dụng.

Thứ hai, họ là công cụ của những thế lực chính trị và tôn giáo quốc tế đang muốn quay trở lại VN để làm những điều mà cả trăm năm qua những thế lực này đã cố gắng làm và đã thất bại.

Chuyến về quê sau gần 40 năm lang bạc kỳ hồ, lên bổng xuống trầm, đi ngang về ngược của Nguyễn cao Kỳ đã phơi bày hai đặc điểm đó. Họ đã tung ra và chạy theo những chiếc bong bóng thời sự như phục quốc, chống văn hóa vận, chống Trần Trường, thắp sáng niềm tin, tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo, chống bỏ cấm vận, chống cá tra, ủng hộ Linh Mục Nguyễn văn Lý, bảo vệ biên giới và lảnh thổ, phất cờ vàng ba sọc đỏ chống SBS-TV và tấn phong Huyền Quang-Quảng Ðộ-Tuệ Sĩ thành tam đầu chế đối kháng giải thể chế độ cộng sản.

Nguyễn cao Kỳ xuất hiện như một cây kim đâm xì hơi những cái bong bóng thời sự ấy. Nguyễn cao Kỳ là cái phao cuối cùng, cái thế dựa của những xác chết biết đi, cái phao đó đã trôi theo dòng nước,cái thế dựa đó đã không còn.

Năm 1966, Nguyễn cao Kỳ đã tự đào huyệt vùi lấp công danh sự nghiệp của mình khi đánh phá Phật giáo Ấn Quang, dẹp phong trào đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến phát xuất từ Miền Trung, làm ngựa cho Nguyễn văn Thiệu cưỡi vào Dinh Ðộc Lập.

Năm 2004, từ một lãnh tụ của những người tự nhận là CCCB - CCCÐ, Nguyễn cao Kỳ trở thành phu đào huyệt cho những người chưa chịu chết, cho những cái xác biết đi.

Nguyễn cao Kỳ là biểu tượng của một thứ trai thời loạn thiếu định hướng, một kẻ có lòng lạc loài.

Nguyễn cao Kỳ là một đặc sản của Việt Nam thời Pháp độc quyền chống Việt Minh, và tiếp đó là một đặc sản của Miền Nam thời Hoa Kỳ độc quyền chống Việt Cộng.

Ðời Nguyễn cao Kỳ thật sự lên hương từ ngày 19/6/1965, ngày mà chính Nguyễn cao Kỳ đã rửa tội cho thành Ngày Quân Lực trong buổi lễ ra mắt tại hội trường Diên Hồng, Sàigòn.

Với lối rửa tội này, Tòa Ðại Sứ Mỹ đang dùng Nguyễn cao Kỳ và Nguyễn văn Thiệu để làm điều Nguyễn Khánh muốn làm nhưng chưa được: quân đội là cha, thiết lập một chính quyền quân phiệt làm bình phong cho Mỹ leo thang chiến tranh.

19/6/65 là ngày trình diện Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia do Nguyễn văn Thiệu làm chủ tịch, một thứ Quốc Trưởng hàm và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do Nguyễn cao Kỳ làm chủ tịch, một thứ chính phủ nắm thực quyền.

Buổi lễ ra mắt này khởi diễn với lời giới thiệu của ban tổ chức: Nhị vị chủ tịch bước lên sân khấu.

Câu nói ấy thể hiện đúng thực chất của Nguyễn cao Kỳ và Nguyễn văn Thiệu, hai ông tướng phường chèo bước lên sân khấu để chính thức nhận lảnh vai trò những công cụ cho Hoa Kỳ độc quyền điều khiển cuộc chiến ở Việt Nam.

Ðại sứ Lodge gọi Nguyễn cao Kỳ là thằng con thứ của tôi - my second son.

Tướng Nguyễn chánh Thi kể rằng để điều hợp cuộc leo thang chiến tranh ở Việt Nam, TT Johnson đã tổ chức một hội nghị chiến lược ở Honolulu ngày 2/8/65, Nguyễn cao Kỳ và Nguyễn văn Thiệu được phép tham dự để nhận chỉ thị. TT Johnson ra tận phi trường nghênh đón nhị vị chủ tịch. Khi thấy Nguyễn cao Kỳ và Nguyễn văn Thiệu từ trên phi cơ bước xuống, TT Johnson đã vẫy tay reo lên: Eh boys!

NCK, Phạm văn Liễu, Ngô trọng Anh và cả Lê văn Thái hay Thái Trắng vẫn còn đó cả, và có thể còn nhớ là sau khi nhận chức Chủ Tịch UBHPTƯ, Nguyễn cao Kỳ đã nhờ Liễu ra Huế đón một số người ở Huế vào nhà Ngô trọng Anh để góp ý thành lập nội các cho Nguyễn cao Kỳ.

Một số anh em đồng ý hợp tác với Nguyễn cao Kỳ. Ngày hôm sau, anh Bùi tường Huân và tôi đã hẹn vào Trại Phi Long - Tân Sơn Nhất gặp Nguyễn cao Kỳ để gián tiếp xác nhận sự ủng hộ của nhóm Huế đối với Nguyễn cao Kỳ.

Chúng tôi đến trong lúc Nguyễn cao Kỳ đang ăn sáng. Cà-phê sữa, mì, trứng chiên, Nguyễn cao Kỳ mặc quân phục ka-ki đà đậm, ủi láng bâng... chừng như có thể làm gương soi mặt. Lần đó, tôi nhớ tôi chỉ lưu ý Nguyễn cao Kỳ ba chuyện.

Thứ nhất, phải nghĩ đến chuyện dùng lá phiếu dân chủ như một lá chắn để đương đầu với những sức ép của Mỹ và ngăn tham vọng chính trị của những tướng tá bị ra rìa rắp ranh đảo chánh. Qua kinh nghiệm bầu cử Hội Ðồng Tỉnh Thị thời Phan huy Quát, tôi nghĩ chúng tôi có thể bảo đảm thắng lợi cho Nguyễn cao Kỳ.

Thứ hai, đừng quá nhu nhược với Westmoreland và Lodge.

Thứ ba, phải coi chừng Nguyễn văn Thiệu, vừa thâm vừa nhát lại có nhiều tham vọng. Về điểm 1, Nguyễn cao Kỳ ngần ngừ không đưa ra một thời khóa biểu dân chủ hoá nào cả mà chỉ nói chuyện cách mạng xã hội, chống gian thương tham nhủng. Về điểm 3, Nguyễn cao Kỳ cam đoan sẽ không làm bồi Mỹ. Tôi nửa đùa nửa thật: Tôi e là họ đã chọn ai là bồi cho họ rồi, và từ đó lưu ý Nguyễn cao Kỳ về Nguyễn văn Thiệu.

Tôi nhớ mãi hình ảnh Nguyễn cao Kỳ chìa bàn tay xinh như bàn tay con gái ra lật qua lật lại và nói: Anh đừng lo. Thiệu thì tôi muốn cho ở cho đi lúc nào chẳng được. Tôi là cái dù mà! Tôi gật đầu cười nhẹ: Vâng, ông là cái dù, nhưng coi chừng Thiệu có thể làm cái cán đấy...

Tôi cũng nói với Nguyễn cao Kỳ là chúng tôi sẽ tránh liên hệ mật thiết với Nguyễn cao Kỳ vì tôi nghĩ Mỹ không thích những người được quần chúng ủng hộ đâu, để gián tiếp lưu ý Nguyễn cao Kỳ là chỉ còn cách công khai hóa sự ủng hộ ấy bằng bầu cử.

Sau cuộc họp thượng đỉnh ở Honolulu về thì Nguyễn cao Kỳ hoàn toàn thay đổi. Không nói gì dân chủ, hiến pháp, bầu cử nữa, mà chỉ nói phải huấn luyện và giáo dục dân chủ cho dân trước, và cách mạng xã hôi trở thành xây dựng nông thôn.

Cố gắng thiết thực nhất của Nguyễn cao Kỳ là tuyên bố thành lập Nội Các Chiến Tranh, lập ủy ban chống tham nhủng, Ðoàn Thanh Niên Trừ Gian, và đem Tạ Vinh bị tội gian thương Chợ Lớn ra xử bắn để tế cờ.

Ðiều này lại càng làm cho Mỹ khó chịu với Nguyễn cao Kỳ hơn vì ngán Nguyễn cao Kỳ có thể điên điên không vâng lời mình, và nhất là vì chủ trương của Mỹ là dùng tư sản mại bản để khống chế kinh tế Miền Nam như người ta nuôi bệnh nhân bằng cách chuyền nước biển.

Cứ nhớ lại vụ Tòa Ðại Sứ Mỹ và tay sai hè nhau đánh Tướng Nguyễn văn Vỹ khi ông thành lập Quỹ Tiết Kiệm Quân Ðội với tham vọng có được một chút tự túc về tài chánh và phương tiện chứ không mỗi chút mỗi ngữa tay xin Mỹ như thế nào thì đủ rõ. Chuyện gì xảy ra thì mọi người đã biết.

Nguyễn cao Kỳ đã trút hết tất cả những đắng cay ấm ức đối với Hoa Kỳ và Nguyễn văn Thiệu cho ký giả Oriana Fallaci qua một buổi trò chuyện diễn ra hồi tháng 3/1968, sau vụ Tết Mậu Thân đợt 1 và trước vụ Mậu Thân đợt 2, được đăng lại trong quyển The Egotists, [Tempo Books, NY 1969, tt. 53-67].

Thông thường, mặn hết ngon, giận hết khôn, trái lại ở đây, trong cơn đắng cay ấm ức, người ta mới thấy rõ Nguyễn cao Kỳ là ai, nghĩ gì?

Cảm nghĩ của Fallaci sau cuộc phỏng vấn là Nguyễn cao Kỳ đáng... " là lãnh tụ của một vùng đất thiếu lãnh tụ một cách đau đớn. Qúy vị sẽ nhận thấy điều đó khi ngỡ ngàng lắng nghe ông ta khoảng hơn 10 phút. K không phải là một thằng ngố, ông ta có điều muốn nói, và ông nói huỵch toẹt mà không sợ vạ miệng. Ðầu tiên, ông ta là một người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nhưng không phải là thứ xã hội chủ nghĩa hồng, đang tiến thối lưỡng nam giữa một đàng là cãi tạo, và một đàng là thỏa hiệp. Ông ta là một người theo xã hội chủ nghĩa Mác-xít y hệt như Hồ chí Minh. Và cũng như Hồ chí Minh, ông ta không tin vào dân chủ theo ý chúng ta (người da trắng), không tin vào tự do theo như chúng ta quan niệm. Dưới mắt ông, hạng giàu là những kẻ hư đốn đứt đuôi con nòng nọc, hạng nghèo là những kẻ hẳn nhiên vô tội; cách mạng xã hội là giải pháp duy nhất cho vấn đề Việt Nam. Ðó không phải là một cuộc cách mạng ôn hòa, cũng không phải là một cuộc cách mạng hiến chế. Ðó phải là một cuộc cách mạng bạo động, một cuộc cách mạng đẩm máu, nếu cần" (sđd. tr.56).

Hãy nghe một vài đoạn đối thoại giữa Nguyễn cao Kỳ và Fallaci...

Fallaci: -Tướng Kỳ này, có phải ông đang nói về cách mạng không?
Nguyễn cao Kỳ: -Ðã hẳn. Ðiều người Mỹ không biết là Miền Nam cần một cuộc cách mạng để ngang hàng với lý tưởng cách mạng ở Miền Bắc, để chứng tỏ không phải chỉ ở Miền Bắc mới cần công chính... Tôi không màng những cuộc bầu cử mà Mỹ đòi hỏi phải có. Hầu hết nhữg người được bầu ra ở Miền Nam không phải là những kẻ dân muốn chọn, họ không đại diện cho ai cả... Những cuộc bầu cử vừa rồi của chúng tôi là một cách phung phí thì giờ và tiền bạc, một trò hề... Tôi cũng đã ra ứng cử, đã đắc cử như một Phó Tổng Thống của một chế độ đã được chọn ra như thế, nghĩa là tôi cũng có trách nhiệm với trò hề đó. Nhưng ít ra thì tôi cũng thấy được cái xấu xa quỷ quái chỗ nào. Và tôi nói luật pháp phải thay đổi, vì những luật lệ hiện hành của chúng tôi là luật bảo vệ nhà giàu. Chúng tôi cần những luật lệ bảo vệ người nghèo.

Fallaci: -Tướng Kỳ này, đó chính là điều Hồ chí Minh nói, điều Việt Cộng nói. Ðó là xã hội chủ nghĩa, là Mác-xít.
Nguyễn cao Kỳ: -Thì có ai chối đâu? Tôi đâu có ngán mấy chữ "xã hội chủ nghĩa". Chính người Mỹ đã làm cho mấy chữ đó trở thành xấu xa... Cô bảo tôi là một tay Mác-xít. Ðây không phải là lần đầu tiên một người Âu Tây bảo tôi như thế. Như vậy, có thể tôi là một tay Mác-xít. Thì đã sao? Tôi không hề biết Marx, Engels, hoặc bất cứ một lý thuyết gia nào gốc Âu châu. Họ lập thuyết và tôi không hơi đâu mất thì giờ với lý thuyết. Thành thật mà nói, tôi không đọc sách. Tôi cũng không xấu hổ nhận rằng tôi ít học. Sức học của tôi chưa quá trung học. Tôi nghỉ học lúc 18 tuổi khi người Pháp đóng cửa trường và đẩy chúng tôi đi đánh nhau. Tôi là một phi công, sống chết với máy bay chứ không phải với sách của Marx hay của Engels. Tôi không cần bận tâm chuyện Marx đã khám phá ra rằng nhà nghèo không cần phải nghèo mãi. Tôi không cần khám phá của Marx mới biết điều sơ đẳng đó. Tôi là người da vàng, người Á châu, tôi hiểu đất nước tôi hơn những người da trắng đã viết ra sách vở.

Fallaci: -Tướng Kỳ ơi, nói gì thì nói sự thật là nếu ông đọc những sách đó thì ông sẽ ý thức rằng ông đang nói những điều mà chính những người ông đang đánh nhau với cũng nói y hệt. Ông có thể cho tôi biết tại sao ông chống Cộng Sản không?
Nguyễn cao Kỳ: -Tôi chỉ biết Cộng Sản trong xứ tôi thôi. Và tôi không thích thứ Cộng Sản ấy. Tôi không thích thấy một đứa con nhân danh đảng đấu tố mẹ mình. Tôi không thích một đảng nhân danh ý thức hệ để đạp đổ gia đình và những tình cảm gia tộc. Tôi không thích một xã hội trong đó mỗi người là một đảng viên. Do đó, dù tôi chống cái tự do đã gây nên hỗn độn và ngăn trở thực hiện công bằng xã hội, nhưng tôi cũng chống độc tài nữa. Tôi không biết phải nói sao về điều ấy. Có lẽ tôi nên giải thích như thế này: Tôi không ưa Công giáo và Cộng Sản lại y hệt Công giáo. Người Cộng Sản thần phục đảng y hệt như người Công giáo quỵ lụy Giáo Hội - một cách cuồng tín. Ðó là lý do tại sao tôi chống Cộng. Nhưng dĩ nhiên tôi không chống Cộng khi họ phân chia tài sản, và tôi đồng ý trăm phần trăm với họ khi họ tước đất của người giàu đem phân phát cho người nghèo. Khi họ trao súng cho nông dân và bảo: Hãy đấu tranh cho một cuộc đời tốt đẹp hơn. Khi họ tước bỏ những đặc quyền đặc lợi giai cấp, khi họ nói rằng phân chia giai cấp là sai. Như Khổng Tử từng nói, chúng ta phải nâng kẻ nghèo lên và hạ người giàu đến một mức mà mọi người có thể hoàn toàn hòa hợp chung sống.

Fallaci: -Tướng Kỳ này, có lúc nào ông nghĩ rằng ông đã lựa chọn sai chỗ đứng không? Có bao giờ ông nghĩ rằng ông có thể hợp với Hồ chí Minh không?
Nguyễn cao Kỳ: -Vâng... nếu số phần của tôi khác thì tôi đã đứng về phía ông ấy rồi. Nhưng theo ông ấy thì bây giờ tôi là gì? Tôi có thể chỉ là một cán bộ quèn câm nín trong guồng máy đảng, chẳng làm nên tích sự gì. Còn ở phía bên này, tôi là Nguyễn cao Kỳ; và tôi có thể làm được việc này việc khác. Dĩ nhiên, con ém không làm nên mùa hạ nhưng con én ít ra cũng báo hiệu mùa hạ... Ðôi khi người ta hỏi tôi: anh có muốn biết qua về Hồ chí Minh không? Thành thật mà nói tôi không muốn, và cô biết tại sao không? Vì ông ấy thuộc thế hệ khác. Dĩ nhiên ông ấy là một lãnh tụ tài ba, nhưng ông ấy già rồi. Ông ấy ngoài 7 mươi còn tôi thì mới 37... Những người như Hồ chí Minh không thuộc thế kỷ này, hệ thống chính trị của họ cũng đã lỗi thời...

Fallaci: -Nhưng Tướng Kỳ ơi, nếu ngày nào đây, ông thấy ông không thể thực hiện cuộc cách mạng của ông, rằng ông đã chọn lầm phe, ông có sẵn sàng nhảy qua bên kia không?
Nguyễn cao Kỳ: -Không. Ðã chọn thì phải đi đến cùng. Sớm muộn gì, nếu tôi thấy tôi đã chọn nhầm thế đứng thì tôi thà chết còn hơn là đổi phe... Tôi thà chết hơn là phải thú nhận mình đã chọn lầm đường đi...

Fallaci: -Ông thực sự tin ông sẽ thành công, hay ông chỉ mơ ông thành công?
Nguyễn cao Kỳ: -Tôi tin vào vận mạng của tôi, cho nên tôi tin tôi sẽ thành công, trừ trường hợp chúng (không phải là cộng sản) giết tôi. Nếu chúng không giết tôi thì tôi chắc thắng vì tôi không thuộc phe thiểu số. Ðại khối quần chúng - người nghèo, nông dân- ủng hộ tôi.

Nguyễn cao Kỳ múa tay trong bị không phải vì Hoa Kỳ không cho phép Nguyễn cao Kỳ đổ bộ Miền Bắc hay tham dự oanh tạc. Bởi chiếc Skyrider của Nguyễn cao Kỳ chỉ đủ sức vượt vỹ tuyến ra đến Cồn Cỏ, Vĩnh Linh.

Nguyễn cao Kỳ múa tay trong bị vì Hoa Kỳ và tập đoàn Nguyễn văn Thiệu không để cho Nguyễn cao Kỳ thử thời vận với cuộc cách mạng xã hội của ông.
Vụ Miền Trung bùng nổ mùa Hạ 1966. Nguyễn cao Kỳ và nhóm của ông đã đội nón rơm chữa lửa bằng cách bắt nhốt tất cả những ai đòi hỏi dân chủ, hiến pháp vào tù và tổ chức bầu cử độc diễn hợp thức hóa chức Tổng Thống cho Nguyễn văn Thiệu.

Nguyễn cao Kỳ đồng ý đứng phó với điều kiện các chức vụ ông đã thiết lập trong thời làm Chủ Tịch UBHPTƯ phải giữ nguyên, và ông được quyền chọn Thủ Tướng.

Kẻ được ông chọn là Luật sư Nguyễn văn Lộc. Nhóm Nguyễn văn Thiệu đồng ý nhưng khi bầu cử xong rồi, Nguyễn văn Thiệu đã được hợp thức hóa thì ông trở mặt, lần lữa mãi đến ngày lễ đăng quang vẫn không chịu tấn phong Nguyễn văn Lộc.

Hôm đó, Nguyễn ngọc Loan thông báo thẳng cho Nguyễn văn Thiệu biết là đâu đó trong đô thành có một chiếc xe bít bùng trên xe trí sẵn súng cối và tọa độ được điều chỉnh là trụ sở Hạ Viện, địa điểm cử hành lễ đăng quang. Nguyễn văn Thiệu không chấp nhận Nguyễn văn Lộc thì buổi lễ đăng quang coi như không có.

Nguyễn văn Thiệu buộc lòng phải nhận cho Nguyễn văn Lộc làm Thủ Tướng. Cho đến khi vụ Mậu Thân xảy ra. Tất cả tay chân Nguyễn cao Kỳ bị dứt gọn ở Chợ Lớn vì "hỏa lực bạn" như Ðại Tá Văn văn Của - chỉ bị thương - Ðô Trưởng Sài Gòn-Gia Ðịnh, Trung Tá Phó quốc Trụ Giám Ðốc Thương Cảng Sài Gòn, Trung Tá Ðào bá Phước Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân Thiếu Tá Nguyễn bảo Thụy Phụ Tá Tổng giám Ðốc CSQG Nguyễn ngọc Loan và Thiếu Tá Lê ngọc Trụ Quận Trưởng Quận 5. Nguyễn ngọc Loan bị bắn gãy giò mất luôn chức Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia, Lưu kim Cương kẻ trách nhiệm an ninh cho Nguyễn cao Kỳ trong trại Phi Long bỏ mạng ngoài vòng đai Tân Sơn Nhất, Nguyễn văn Lộc mất chức Thủ Tướng, Nguyễn cao Kỳ chỉ còn là một con cua bị lảy hết cọng hết càng nằm chình ình một đống bên cánh trái Dinh Ðộc Lập với hư danh Phó Tổng Thống, ăn rồi ngồi đọc truyện kiếm hiệp và truyện trinh thám.

Trước ngày 30/4/75, trong khi Nguyễn văn Thiệu lủi mất rồi sau khi trút hết gánh nặng cho Nguyễn bá Cẩn, rồi Trần văn Hương và Dương văn Minh thì Nguyễn cao Kỳ nhảy ra hô hào thà chết chứ không đầu hàng...

Trong khi Tướng Nguyễn khoa Nam và Tướng Lê văn Hưng chờ đợi Nguyễn cao Kỳ về Vùng 4 bắt tay hành động thì Nguyễn cao Kỳ đã... di tản chiến thuật. Bằng cách nào?

Trong một bài bào trên tờ New York Times ngày 26/1/04 nhan đề Sau Nhiều Thập Niên, Một Người Có Tiếng Tăm của Sài Gòn Thăm Lại Việt Nam Với Sự Ðồng Thuận của Hoa Kỳ (After Decades, Saigon Figure Visits Vietnam With U.S. Nod) tác giả là Jane Perlez kể rằng: Trong cuốn tự truyện "Con Cầu Tự" viết chung với Marvin J. Wolf, ông Kỳ đã kể một câu chuyện không màu mè hoa hòe hoa sói về cuộc trố khỏi xứ của ông như thế này... Trong khi quân Bắc Việt đang tiến gần vào Sài Gòn thì ông đề nghị bảo vệ đô thành, không để mất một nhà, không thiệt mất một người. Nhưng khi thấy không còn ai nghe mình nữa thì ông và một số đồng sự leo lên trực thăng bay ra biển. Ông Kỳ kể rằng khi trực thăng bay đến gần hàng không mẫu hạm Midway ông đã ném khẩu súng lục bá khảm ngà do John Wayne tặng ông xuống biển. Người Mỹ thế nào cũng tước khí giới mình, ông thà tự mình làm lấy. Khi trực thăng của ông hạ cánh xong đâu đó, các thủy thủ Mỹ đã lật nhào chiếc trực thăng của ông xuống biển một cách tàn nhẫn.

Nguyễn cao Kỳ kể chuyện di tản của mình như thế đó nhưng lật quyển NAM - The Vietnam Experience 1965-1975 (Tim Page & John Pimlot biên soạn, Orbis Publishing Ltd, London 1990), đến trang 562 ai cũng thấy hình ông và gia đình trên một xe buýt của Mỹ chở ra Tân Sơn Nhất.

Hai lối kể chuyện di tản đó có thể khiến người ta phân vân không biết tin ai. Nhưng điều chắc chắn là Nguyễn cao Kỳ đã di tản, đã nhường câu thà chết chứ không đầu hàng cho Tướng Nguyễn khoa Nam và Tướng Lê văn Hưng đang chờ ở Vùng 4. Cuộc đời của Nguyễn cao Kỳ sang trang từ đó.

Cả bài phỏng vấn của Oriana Fallaci, câu trả lời đáng ghi nhận của Nguyễn cao Kỳ có lẽ là câu này: Tôi không ưa Công giáo và Cộng Sản lại y hệt Công giáo. Người Cộng Sản thần phục đảng y hệt như người Công giáo quỵ lụy Giáo Hội - một cách cuồng tín. Ðó là lý do tại sao tôi chống Cộng.

Qua câu nói đó, vô hình chung Nguyễn cao Kỳ đã nói lên một sự thật lịch sử bi đát đó là Ðệ Nhị Thế Chiến 1939-1945, Chiến Tranh Lạnh 1951-1989 và cái gọi làcuộc chiến chống khủng bố khởi phát từ biến cố 11/9 đến nay thực tế đã mang màu sắc một cuộc chiến tranh tôn giáo của Tây phương và do người Tây phương phát động.

Cuộc chiến chống khủng bố - hay Ðệ Tứ Thế Chiến - là cuộc chiến giữa một bên là Hồi giáo, một bên là Do Thái giáo và Ki-Tô giáo, cả ba đều thờ cùng một Thiên Chúa, cả ba đều là con cháu của một tổ phụ là Abraham.

Lập lại cái luận điệu của những đoàn Thập Tự Quân ngày xưa, Hitler đã lợi dụng chiến dịch ngàn năm chống Do Thái giết Giê-Su của Công giáo và Tin Lành để phát động chiến tranh, cũng như Hitler đã lợi dụng chiến dịch ngàn năm chống Chính Thống giáo của Công giáo và Tin Lành để xâm chiếm Nga.
Chiến Tranh Lạnh vẫn thường được mô tả như là cuộc chiến giữa Hữu Thần của Khối Tự Do chống Vô Thần của Khối Cộng Sản.

Giáo Hoàng Pius XII còn ra lệnh tuyệt thông - nghĩa là khai trừ khỏi giáo Hội để rồi phải đọa hỏa ngục - những ai theo Cộng Sản, vì họ đã phạm tội trọng Vô Thần.

Hồng Y Spellman đến Việt Nam ban phép lành cho những chiến binh Mỹ lùng diệt 'quỷ đỏ' VC.

Thực tế đó chỉ là một cuộc chiến giữa hai phe cùng đọc một Thánh Kinh, cùng thờ một Thượng Ðế, một bên là Công giáo và Tin Lành, một bên là Chính Thống giáo.

Thật vậy, nếu Lenin, Stalin thực sự là những Satan quỷ đỏ phản Chúa, là những kẻ vô thần quyết tận diệt những ai thờ lạy Chúa, như Công giáo Spain và Portugal triệt hạ tín ngưỡng địa phương ở Nam Mỹ thì làm sao mà sau 70 năm thống trị của quỷ đỏ cộng sản vô thần, Nga và Romania vẫn còn 80%, Bulgaria vẫn còn 85% dân theo Chính Thống giáo, Poland vẫn còn 95% dân tự nhận là Công giáo? Như vậy thì phải chăng chỉ có những kẻ điên - hay những kẻ tưởng thiên hạ điên hết - mới bảo chống cộng là chống Satan quỷ đỏ vô thần?

Cuộc trò chuyện với Oriana Fallaci diễn ra tháng 3/1968, đến bây giờ là đã 36 năm.

Những lời bộc trực của Nguyễn cao Kỳ với Fallaci như tiên đoán trước chuyến về quê ăn Tết năm nay của ông.

Về phương diện chính trị, chuyến đi Việt Nam của Nguyễn cao Kỳ có ý nghĩa gì?

Jane Perlez của tờ New York Times trong bài báo kể trên trả lời câu hỏi ấy bằng cách cho rằng chuyến về của Nguyễn cao Kỳ phù hợp với mưu định của chính quyền Bush mong muốn cải thiện bang giao Mỹ-Việt thể hiện qua những hành động cụ thể như việc chiến hạm Mỹ đến thăm Sài Gòn,

Tướng Phạm văn Trà sang Mỹ gặp Bộ Trưởng Quốc Phòng D. Rumsfelt và Ngoại Trưởng Colin Powell, và Phó Thủ Tướng Vũ Khoan gặp Ngoại Trưởng Colin Powell.

Cải thiện bang giao Mỹ Việt cũng là điều hay cho Việt Nam trong cố gắng quân bình quan hệ với Trung Quốc.

Nói thế khác, chuyến về Việt Nam của Nguyễn cao Kỳ không phải là một quyết định bốc đồng thẳng ruột ngựa như tính tình của Nguyễn cao Kỳ.

Cũng theo Jane Perlez, hai điều Nguyễn cao Kỳ muốn nhắn nhủ là tìm cách giảm bớt tệ nạn tham nhủng và thu hẹp hố ngăn cách giữa giàu và nghèo.
Trong cuộc tiếp đón của Mặt Trận Tổ Quốc dành cho mình tại Hà Nội ngày 27/1/04, Nguyễn cao Kỳ tuyến bố: Nếu như Ðảng thực hiện được những chính sách đường lối đề ra, đưa đất nước phát triển, làm cho dân giàu nước mạnh, tôi sẵn sàng đứng lên hô: Ðảng Cộng Sản Muôn Năm.

Chuyến về Việt Nam của Nguyễn cao Kỳ đã làm cho những người CCCB, CCCÐ vất vả choáng váng.

Nói gì cũng không ổn cả, giải thích sao cũng không xong cả. Bởi Nguyễn cao Kỳ đã làm điều họ nói nhưng họ không muốn kẻ khác làm: Tự Do! Nhất là tự do tư tưởng, tự do đi lại, tự do yêu cái mình yêu, tự do nói không yêu cái mình không yêu.

Ðồ tễ một phút buông dao còn có thể thành Phật huống nữa là Nguyễn cao Kỳ... Ðời ai cũng thế cả.

Nguyễn cao Kỳ đã có lần nghĩ đúng, có lần nghĩ sai. Ðiều quan trọng là biết mình sai. Chuyến trở lại quê hương của ông nói lên rằng ông đã nghĩ sai, và ông muốn không tiếp tục nghĩ sai nữa.

Ðó là một điều can đảm, một dấu hiệu trưởng thành. Của một đứa con cầu tự, Một Người Con Phật, như tựa đề một quyển sách mới xuất bản năm ngoái của Nguyễn cao Kỳ./.


Hoàng Nguyên Nhuận

No comments:

Post a Comment