28 July 2011

Sự hình thành Cộng đồng Người Việt Hải ngoại

Sự hình thành Cộng đồng Người Việt Hải ngoại


Trần Gia Phụng

(Trình bày tại Viện Việt Học, California ngày 23-7-2011)


Trong lịch sử Việt Nam, có một số trường hợp, người Việt ra nước ngoài tập thể: Ví dụ khi nhà Lý sụp đổ năm 1225, hoàng thân Lý Long Tường (nhà Lý) lo ngại bị nhà Trần đàn áp, nên cùng đoàn tùy tùng qua Triều Tiên lập nghiệp năm 1226. Năm 1789, vua Quang Trung chiến thắng oanh liệt ở Đống Đa; vua Lê Chiêu Thống (nhà Lê) sợ bị trả thù, liền cùng các cận thần qua Trung Hoa lưu vong.

Dưới thời Pháp thuộc, trong thế chiến I (1914-1918) và thế chiến II (1939-1945), Pháp đưa hàng trăm ngàn binh sĩ Việt qua Pháp chiến đấu. Sau khi chiến tranh chấm dứt, một số người ở lại bên đó sinh sống rải rác nhiều nơi. Ngoài ra, trong thập niên 30 của thế kỷ trước, nhiều người Việt bị thực dân Pháp mộ phu, đưa qua quần đảo Tân Calédonie, ngoài khơi Thái Bình Dương, rồi ở luôn bên đó.

Tuy đã nhiều lần ra nước ngoài, nhưng chưa lần nào người Việt tổ chức thành cộng đồng như Cộng đồng Người Việt Hải ngoại (CĐNVHN) sau năm 1975.


1. Nguyên nhân

Có hai nguyên nhân chính đưa đến sự thành lập CĐVNHN sau năm 1975.

Thứ nhất là sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày 30-4-1975, khiến nhiều người Việt bỏ nước ra đi.

Thứ hai, người Việt di tản và vượt biên có cùng một mẫu số chung là tỵ nạn cộng sản, nên người Việt tự động tập họp với nhau, đầu ít, sau nhiều và dần dần đưa đến sự hình thành CĐNVHN.


2. Di tản và vượt biên

Cuộc ra đi lần nầy của người Việt có thể chia thành bốn giai đoạn. Những số liệu dưới đây dựa vào thống kê của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees = UNHCR)

Giai đoạn 1: Trước khi cộng sản kiểm soát được Sài Gòn ngày 30-4-1975 và sau đó vài ngày sau nữa, khoảng 150,000 người di tản ra nước ngoài, trong đó 140,000 qua Hoa Kỳ, 10,000 đến các nước Âu Châu và các nước khác.

Giai đoạn 2 (từ 1975 đấn 1979): Khi người Việt ra nước ngoài đông đảo, nhất là qua Hoa Kỳ, tổng thống Gerald R. Ford (thay thế tổng thống Richard Nixon từ chức tháng 8-1974) ban hành đạo luật "Indochina Migration and Refugee Act" (Đạo luật về Di trú và Tỵ nạn Đông Dương) được quốc hội thông qua ngày 23-5-1975, theo đó "những người Nam Việt Nam và Cao Miên được phép nhập cư vào Hoa Kỳ theo một quy chế đặc biệt và sẽ được trợ cấp để tái định cư." Các tổ chức thiện nguyện như Civitan International, The United States Conference of Catholic Bishops, The International Rescue Committee, và The Church World Service, sẽ bảo trợ những người đến định cư.(1)

Từ tháng 6-1975 đến 1979, tổng cộng 326,000 người Việt vượt biên , trong đó có 311,400 thuyền nhân, và 14,600 người đi bằng đường bộ qua Cambodia, Thái Lan.(2) Người ta ra đi nhiều trong thời gian nầy vì Đỗ Mười, bí thư trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), vào Nam năm 1978, phát động chiến dịch cải tạo công thương nghiệp, nhưng thực chất là đánh giới tư sản, kể cả tư sản người Việt gốc Hoa. Trong các tháng 3 và 4-1978, khoảng 30,000 doanh nghiệp lớn nhỏ của người Hoa bị đóng cửa.(Wikipedia: "Thuyền nhân".) Vì vậy, nhiều người Việt gốc Hoa đóng vàng cho nhà nước CS để được thoát khỏi Việt Nam theo chương trình ra đi "bán chính thức". Phía Trung Quốc gọi là "nạn kiều".

Giai đoạn 3 (từ 1980 đến 1989, trước thời điểm UNHCR ra lệnh khóa sổ các trại tỵ nạn, không nhận người vượt biên): Trước tình hình người Việt ra đi tỵ nạn đông đảo trên đây, chính phủ Hoa Kỳ ban hành thêm đạo luật "Refugee Act" (Đạo luật Tỵ nạn) ngày 17-3-1980 nhằm "cung cấp quy chế có tính cách hệ thống và vĩnh viễn để tiếp nhận và tái định cư một cách hiệu quả người tỵ nạn dựa trên những nhu cầu nhân đạo đặc biệt." (3)

Trong giai đoạn nầy, khoảng 450,000 người ra đi, gồm có 428,500 thuyền nhân và 21,500 người đi đường bộ, đến các đảo Hồng Kông, Palawan (Phi Luật Tân), Bidong (Malaysia), Galang (Indonesia), các trại ở Thái Lan, rồi từ đó đi định cư khắp thế giới.

Giai đoạn 4 (từ 1990 đến 1995, tức từ khi Liên Hiệp Quốc khóa sổ năm 1989 cho đến lúc giải tán vĩnh viễn các trại tỵ nạn năm 1996): Số người ra đi vẫn tiếp diễn, tổng cộng khoảng 63,100 người, trong đó 56,400 là thuyền nhân và 6,700 người đi đường bộ.

Như thế từ khi Sài Gòn bị cưỡng chiếm ngày 30-4-1975 cho đến cuối năm 1995, trong bốn đợt ra đi, tổng số người Việt bỏ nước ra đi, theo thống kê của UNHCR là 989,100 người, cả đường biển lẫn đường bộ. Số người tử nạn trên đường vượt biên không thể thống kê chính xác được. Người ta phỏng chừng có khoảng từ 400,000 đến 500,000 thuyền nhân bỏ mình trên biển cả hay bị hải tặc bắt giết.

Những người di tản đầu tiên ngay sau ngày 30-4-1975, được đi định cư tương đối dễ dàng. Những người vượt biên sau đó phải trải qua nhiều thủ tục khó khăn rườm rà mới được đi định cư.

Trong giai đoạn đầu, thoát khỏi Việt Nam, người vượt biên đến tạm cư ở những nước lân cận Việt Nam như Malaysia, Indonesia, Phi Luật Tân, Hồng Kông... và phải trải qua các thủ tục sau đây: Thứ nhất, là UNHCR phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn nầy, người vượt biên phải chứng minh mình đúng là nạn nhân của chế độ cộng sản, mới được đi định cư. (Người nào không chứng minh được thì không được chấp nhận quy chế tỵ nạn.) Thứ hai, người tỵ nạn còn phải qua cuộc phỏng vấn của đại diện nước mà đương sự muốn xin đi định cư (Hoa Kỳ, Canada, Úc...). Nếu được chấp nhận mới có thể lên đường.

Năm 1989, UNHCR quyết định đóng cửa các trại tỵ nạn Malaysia, Indonesia, Phi Luật Tân, Hồng Kông. Từ đây các thuyền nhân phải trải qua một cuộc thanh lọc chặt chẽ hơn, phải chứng minh đầy đủ giấy tờ là cá nhân hay gia đình thực sự bị chế độ cộng sản ngược đãi. Vượt qua cuộc thanh lọc (tức "đậu thanh lọc"), đương sự mới được đi định cư, nếu không vượt qua cuộc thanh lọc (tức "hỏng thanh lọc"), đương sự sẽ bị trả về Việt Nam. Những người đậu thanh lọc còn phải qua thêm một cuộc phỏng vấn của phái đoàn quốc gia mình muốn xin định cư, và nếu bị bác đơn thì phải xin đi nước khác.


3. Ra đi có trật tự, H.O., con lai, du học, xuất khẩu lao động

Ngoài đa số người ra đi bằng thuyền, còn có khá nhiều người ra đi bằng đường hàng không, theo hai chương trình O. D. P. và H.O. Orderly Departure Program viết tắt là O. D. P. tức chương trình "Ra đi có trật tự" do thân nhân bảo lãnh, bắt đầu từ 1979.

Văn phòng O.D.P. lúc đầu mở tại Bangkok, thủ đô Thái Lan vào tháng 1-1980. Chương trình O.D.P. đã đưa gần 500,000 người Việt tái định cư ở Hoa Kỳ. Văn phòng O.D.P. ở Bangkok ngưng nhận hồ sơ từ ngày 14-9-1994 và đến năm 1999 thì văn phòng nầy đóng cửa. Tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn từ đây phụ trách việc xin cứu xét hồ sơ bảo lãnh.(4)

H.O. là chữ người Việt thường dùng để gọi chương trình The Special Released Reeducation Center Detainee Resettlement Program (Chương trình tái định cư cựu tù cải tạo được phóng thích), hay còn gọi là Humanitarian Operation Program (Chương trình H.O.). Chương trình nầy bắt đầu từ năm 1989, do chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận cho các nhân viên và quân nhân VNCH bị ba năm tù cộng sản trở lên, cùng gia đình, tái định cư tại Hoa Kỳ. Có tài liệu cho rằng từ 1989 đến 2002, số cựu tù nhân chính trị cùng thân nhân, kể cả những người đi theo diện tỵ nạn trong chương trình Tu chính án McCain (McCain Amendment Program), đến Hoa Kỳ định cư lên đến hơn 210,000 người.(5)

Bên cạnh đó, còn có chương trình "Con lai" Mỹ. Trẻ Lai Mỹ được chính phủ Hoa Kỳ định nghĩa là "Ngoại kiều sinh tại Việt Nam sau ngày 1 tháng 1 năm 1962 và trước ngày 1 tháng 1 năm 1976 và có cha là công dân Hoa Kỳ" . Số con lai Mỹ cùng gia đình đến Hoa Kỳ định cư lên đến khoảng 100,000 người.(6)

Thêm vào đó, sau năm 1975 có một số người ra đi do du học hoặc xuất khẩu lao động qua Liên Xô và các nước Đông Âu. Khi chế độ cộng sản tại các nước nầy sụp đổ vào những năm 1990-1991, nhiều sinh viên du học hay những người xuất khẩu lao động đã xin ở lại tỵ nạn. Số nầy lên đến khoảng trên 100,000 người (số liệu trong nước cho biết khoảng 300,000 người), rải rác ở Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungaria, Đông Đức... Hiện nay nhiều người trong số nầy đã chuyển qua các nước phương tây định cư.


4. Cộng đồng Người Việt Hải ngoại

Dầu di tản hay vượt biên từ năm 1975, hoặc ra đi theo các chương trình O.D.P., H.O., hay xin tỵ nạn từ các nước Đông Âu, và dầu hiện nay người Việt ở hải ngoại theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng căn nguyên của tất cả người Việt ở hải ngoại trên thế giới hiện nay đều mang tính cách chung là người Việt tỵ nạn cộng sản. Như thế căn cước của Cộng đồng người Việt hiện nay trên thế giới là cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản. Nếu ai cho rằng mình không phải là người tỵ nạn cộng sản thì đã được mời về nước ngay từ đầu. Chính vì cùng một mẫu số chung (tỵ nạn cộng sản), người Việt dễ dàng thông cảm nhau và dần dần tập họp lại với nhau thành những nhóm nhỏ (hội đồng hương, hội đồng nghiệp…), rồi tập họp thành CĐNVHN, chứ sau ngày 30-4-1975, những thành viên cũ trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không thành lập chính phủ lưu vong nhằm quy tụ người Việt.

Người Việt tỵ nạn tập trung đông nhất tại Hoa Kỳ, sau đó đến Úc Châu, Canada và Âu Châu. Có một số ít ở vài nước Á Châu như Nhật, Singapore, Phi Luật Tân. Riêng tại Hoa Kỳ, thống kê dân số năm 2007 cho thấy người Mỹ gốc Việt là 1,642,950, chiếm 0,55% dân số Hoa Kỳ.(7) Người Việt vốn quen với khí hậu nắng ấm miền nhiệt đới ở Việt Nam, nên sau khi nhập cư vào Hoa Kỳ, tạm thời ổn định đời sống, người Việt thường tìm đến sinh sống ở các tiểu bang nắng ấm miền nam Hoa Kỳ như California, Florida, Texas. Tại California, ở Orange County, các thành phố Garden Grove, Westminster, Santa Ana, Fountain Valley họp thành trung tâm Little Sài Gòn, được xem là thủ đô của người Việt tỵ nạn trên thế giới.

Tính chung, tổng số người Việt ở hải ngoại hiện nay được ước lượng khoảng ba triệu người. Dân số nầy sẽ còn tăng nữa theo thời gian. Nhờ sống tại các nước TỰ DO DÂN CHỦ, người Việt hải ngoại có điều kiện học hỏi, phát triển khả năng, đỗ đạt nhiều và đỗ đạt cao, làm việc chăm chỉ, nên người Việt càng ngày càng thành công tại các nước định cư. Nhờ thế CĐNVHN nhanh chóng lớn mạnh.

Về phương diện tôn giáo, người Việt hải ngoại tiếp tục theo những tôn giáo ở trong nước, và phát triển tôn giáo của mình một cách mạnh mẽ. Nhiều chùa Việt được xây dựng khắp nơi trên thế giới. Nhiều họ đạo Ky-Tô có nhà thờ riêng cho người Việt. Đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo được tự do truyền đạo và hành đạo, không bị đàn áp, ngược đãi như hiện nay ở trong nước.

Về phương diện văn hóa, tại bất cứ nước nào, các cộng đồng người Việt hiện nay đều hoạt động tự phát rất tích cực. Ở một số địa phương, Việt ngữ trở nên một môn học chính thức trong học đường. Nhiều
trường dạy tiếng Việt cho con cháu được mở ra. Tuy không phải là quê hương ruột thịt của mình, nhưng ở một số thị trấn, sinh hoạt hầu như hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Nhờ hệ thống chính trị tự do dân chủ nơi quê người, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, nghiên cứu, tiểu thuyết, báo chí người Việt hải ngoại rất đa dạng và phát triển mạnh mẽ. Nếu tính theo tỷ lệ dân số, thì ở hải ngoại, văn hóa phát triển mạnh mẽ hơn trong nước hiện nay. Nếu tính theo chiều không gian, thì báo chí, tác phẩm văn học Việt Nam ở hải ngoại bao trùm rộng rãi cả thế giới. Từ Mỹ Châu, qua Âu Châu, đến Úc Châu. Ngoài những tác giả viết sách bằng tiếng Việt, nhiều tác giả viết sách bằng tiếng nước ngoài, cũng như nhiều tác phẩm Việt ngữ đã được dịch ra tiếng nước ngoài.

Về phương diện chính trị, sau khi tạm ổn định đời sống nơi vùng đất mới, đồng bào tỵ nạn hải ngoại tiếp tục cuộc tranh đấu chống cộng đang còn dang dở. Lúc đầu, nhiều người tham gia phong trào võ trang chiến đấu, tìm đường trở về phục quốc. Tuy nhiên, do những yếu tố chủ quan cũng như khách quan, các phong trào nầy đã thất bại. Sau đó, theo cách thức tranh đấu tại các nước tự do dân chủ, người Việt quay qua vận động chính trị bất bạo động và chống cộng sôi nổi khắp nơi trên thế giới.

Sau hai thập niên tỵ nạn, sang đầu thế kỷ 21, CĐNVHN bắt đầu đi vào chính lưu (mainstream) sinh hoạt chính trị tại những nơi mình sinh sống. Nhiều người Việt Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Pháp … đắc cử vào các Hội đồng địa phương, các cơ quan hành pháp và lập pháp ở mọi cấp.

Về phương diện kinh tế, người Việt vốn thông minh, chăm chỉ, cần cù, chịu khó, tiết kiệm, giản dị, nên khá thành công trong sinh hoạt kinh tế, đóng góp không ít vào các nước định cư. Hiện nay, nhìn chung đời sống người Việt ở hải ngoại tương đối sung túc, nhất là những người lập nghiệp từ năm 1975. Một số người Việt bắt đầu làm chủ các cơ xưởng vừa, một số bước vào giới triệu phú nhỏ.


5. Biểu tượng Cộng đồng Người Việt Hải ngoại

Khi rời đất nước ra đi tìm dự do, người Việt mang theo trong trái tim mình toàn bộ hình ảnh quê hương gia đình, bà con, bạn bè thân thiết và đặc biệt hình ảnh tượng trưng cho chế độ dân chủ tự do mà mình đã sống, dù chế độ đó chưa được hoàn thiện: đó là lá CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ của Quốc Gia Việt Nam và sau đó Việt Nam Cộng Hòa.

Trong hầu hết các sinh hoạt cộng đồng đều có làm lễ chào cờ quốc gia địa phương và chào cờ VNCH. Dần dần, khi đi vào chính lưu dòng sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Việt vận động các cấp lập pháp địa phương thừa nhận lá cờ VNCH là biểu tượng chính thức của cộng đồng người Việt.

Đầu tiên, ngày 19-2-2003, thành phố Westminster ở California ra nghị quyết số 3750, thừa nhận Lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng chính thức của Cộng đồng Việt Nam Westminster. Từ đó, nhiều thành phố và nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ đã theo gương Westminster, thừa nhận biểu tượng của CĐNVHN. Cho đến năm 2009, trên toàn nước Mỹ, có 14 tiểu bang, 7 quận hạt (county) và 88 thành phố công nhận Cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của CĐNVHN.(8)


6. Ảnh hưởng của CĐNVHN đối với Việt Nam

Ngay từ những ngày đầu được hình thành, CĐNVHN chẳng những đóng góp cho các nước mình đang định cư, mà còn tác động ngược trở về trong nước.

Về kinh tế, sau khi định cư, người Việt cặm cụi làm ăn vừa để nuôi sống gia đình, vừa để có tiền gởi về giúp thân nhân. Lúc đầu là những thùng quà và chuyển ngân bất hợp pháp qua các tư nhân. Sau đó, những đại lý chuyển tiền mọc ra khắp nơi.

Số tiền gởi về càng ngày càng nhiều. Theo nguồn tin của đài phát thanh RFA ngày 05-01-2011, thì vào năm 2010, số tiền người Việt ở nước ngoài gởi về giúp đỡ thân nhân và đầu tư lên đến khoảng 8 tỷ Mỹ kim. (Web đài RFA, trang lưu trữ, ngày 5-01-2011.) Dầu số tiền nầy chỉ để giúp bà con, gia đình, nhưng gia đình là đơn vị căn bản của xã hội, nên viện trợ cho gia đình còn có nghĩa là viện trợ cho xã hội, do đó số tiền lớn lao nầy cũng đã nâng đỡ rất nhiều nền kinh tế hiện nay trong nước. (Năm 1975, để có thể tiếp liệu cho chiến trường, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, xin chính phủ Hoa Kỳ viện trợ 300 triệu Mỹ kim, mà Quốc hội Hoa Kỳ từ chối.)

Về chính trị, CĐNVHN là những người tỵ nạn CS. Lập trường của đại đa số trong CĐNVHN là lập trường chống cộng. CĐNVHN luôn luôn vinh danh lá Cờ vàng ba sọc đỏ và đồng thời chận đứng sự xuất hiện của cờ CS. Nơi nào có cờ CS xuất hiện là CĐNVHN kiếm cách triệt hạ ngay.

Đặc biệt hơn, vào tháng 5-2004, Hội đồng hai thành phố Westminster và Garden Grove ở Little Sài Gòn đã ra "Nghị quyết không hoan nghênh" (Unwelcome Resolution) buộc cơ quan Cảnh sát địa phương phải thông báo cho Hội Đồng Thành phố trước mười bốn ngày để xin bảo vệ an ninh khi có phái đoàn chính thức của CHXHCNVN đến viếng thăm thành phố.

Ngoài ra, CĐNVHN theo dõi thật sát những diễn tiến chính trị ở trong nước, lên án những vụ vi phạm nhân quyền, những cuộc bắt giam tù nhân lương tâm của nhà nước cộng sản. Những cuộc vận động nầy phần nào tác động đến nhà cầm quyền CS, làm cho họ giảm bớt việc thủ tiêu, hay đàn áp đẫm máu những nhà tranh đấu đối lập như trước đây, đồng thời tạo nên điểm tựa tinh thần, yểm trợ những phong trào đòi hỏi dân chủ ở trong nước.

Ở hải ngoại, sống trên đất nước tự do, mỗi người có quyền tự do suy nghĩ, hành động độc lập, nên trong CĐNVHN có một thiểu số muốn "hòa giải hòa hợp" với cộng sản. Những người nầy có hai lý do: Hoặc họ cộng tác làm ăn với một số tổ chức nước ngoài đang qua Việt Nam đầu tư, nhất là từ khi chính phủ Hoa Kỳ bỏ cấm vận Việt Nam năm 1995. (Chính phủ hay thương nhân nước ngoài hành động theo quyền lợi của riêng họ.) Hoặc chính những người nầy trực tiếp về Việt Nam đầu tư kinh doanh, đưa sản phẩm về tiêu thụ, in ấn sách vở. Tốt nhất, những ai muốn hòa hợp hòa giải với chế độ cộng sản trong nước, nên đem vợ con, gia đình về hẳn trong nước sinh sống, thì sẽ có cơ hội tận hưởng được sự hòa hợp hòa giải nầy, chứ đừng ở nước ngoài xúi người khác làm những điều đầu môi chót lưỡi.

Bên cạnh đó, nhà nước cộng sản Việt Nam đang cố gắng tuyên truyền để triển khai thực hiện nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị đảng CSVN, nhắm lôi cuốn người Việt định cư ở nước ngoài trở về hợp tác với nhà nước CSVN và chia rẽ CĐNVHN. Tuy nhiên, nghị quyết nầy không đạt được tác dụng như ý của CSVN vì qua tin tức gia đình, qua mạng lưới thông tin quốc tế, qua lời truyền miệng của những người đã từng về Việt Nam, CĐNVHN nắm biết rất rõ thực trạng độc tài, tham nhũng và nhất là hèn nhát đối với Bắc Kinh của chế độ hiện nay ở trong nước.

Về văn hóa, khi chiếm được miền Nam, Cộng sản Việt Nam đốt sách miền Nam, quyết tâm tiêu diệt nền văn hóa dân tộc cổ truyền còn được bảo lưu ở miền Nam, và thay thế bằng văn hóa Mác-xít. Ai cũng thấy rõ tình trạng văn hóa và giáo dục đang càng ngày càng suy đồi. Trong khi đó, ra nước ngoài, người Việt làm tất cả các cách phát huy nền văn hóa tự do, nhân bản, khai phóng cổ truyền của dân tộc. Trên nền tảng văn hoá dân tộc, người Việt hải ngoại còn được thêm cơ hội học hỏi, nghiên cứu văn hóa các nước trên thế giới, tạo thành dòng văn hóa và văn học Việt Nam hải ngoại hết sức sinh động.

Ngoài sự tiếp xúc văn hóa trong đời sống bình thường giữa người Việt trong và ngoài nước (thăm viếng, du lịch), dòng văn hóa và văn học Việt Nam hải ngoại được đưa lên các mạng lưới toàn cầu, truyền về trong nước, góp phần làm dồi dào đời sống văn hóa trong nước, giúp mở mang kiến thức giới trẻ, vốn bị CS nhồi sọ trong nền văn hóa Mác-xít.


Kết luận


Sự thành lập CĐNVHN là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, thông thường, khi chiến tranh xảy ra, người ta bỏ xứ đi nơi khác để tránh lửa đạn; đến khi hòa bình trở lại, người ta hồi hương về chốn cũ. Đàng nầy, sau ngày 30-4-1975, chiến tranh chấm dứt, hòa bình trở lại mà người Việt lại bỏ xứ ra đi hết sức đông đảo. Đây là nghịch lý thứ nhất.

Thứ hai, nghịch lý thứ hai là khi người Việt bỏ nước ra đi, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam ngăn chận, bắn giết, tù đày, ngược đãi, sỉ nhục, chửi mắng những người di tản và vượt biên. Ngay ngày 30-4-1975, Trịnh Công Sơn đã lên đài phát thành Sài Gòn gọi những người di tản là "phản quốc". Trong khi đó, khi được tái định cư ở một nước khác, người Việt nhanh chóng xây dựng đời sống mới. Chẳng những đóng góp cho quê hương thứ hai của mình, chính những người Việt bị gọi là phản quốc đó đã gởi tiền về cứu giúp thân nhân trong nước, từ đó cứu vãn luôn nền kinh tế suy sụp bấp bênh của Việt Nam dưới chế độ cộng sản.

Thứ ba, khi ra nước ngoài từ 1975, nhờ cùng mẫu số chung là tỵ nạn cộng sản, người Việt hải ngoại dần dần tự động tập họp thành CĐNVHN. Càng ngày CĐNVHN càng phát triển, đưa đến nhiều ảnh hưởng quan trọng ngược về trong nước về kinh tế, chính trị, văn hóa, và thúc đẩy những thay đổi hiện nay ở trong nước.

Trước đây, trong lịch sử thế giới, những người Trung Hoa hải ngoại đã giúp nâng cao trình độ hiểu biết chính trị về thế giới của những người trong nước, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911. Sau đó, những người Ba Lan lưu vong từ năm 1945, đã cổ võ, viện trợ và thúc đẩy cuộc cách mạng ở Ba Lan vào cuối thập niên 80 vừa qua.

Với đà phát triển như hiện nay, chắc chắn CĐNVHN tiếp tục lớn mạnh và tiếp tục tác động mạnh hơn nữa vào xã hội trong nước, cũng như tiếp tay với những phong trào đòi hỏi dân chủ ở trong nước, nhằm chấm dứt chế độ độc tài cộng sản, mới mong xây dựng một nước Việt Nam tự do, độc lập và phú cường./.


Trần Gia Phụng



1. Đợt nầy đa số là người Việt gốc Hoa vượt biên, theo phong trào "bán chính thức". Khoảng một nửa số qua Trung Quốc, lúc đó đang đối đầu với Việt Nam cộng sản. Số còn lại qua Hồng Kông và các đảo Đông Nam Á.
2. Người Việt Trẻ, "Người Việt tỵ nạn và định cư", bài 3: "Các làn sóng tỵ nạn Việt Nam", Người Việt Online, California, ngày 28-10-2004.
3. http://en.wikipedia.org/wiki/Orderly_Departure_Program
4. Phan Đức Thông, "Những làn sóng người Việt định cư tại Hoa Kỳ" (http://www.ninh-hoa.com/LuatDiTruNhungLansongTiNan.htm
)
5. David Lamb, "Children of the Vietnam War", Smithsonian Magazine, Washington DC, June, 2009. Tạp chí nầy được đưa lên web site: http://www.smithsonianmag.com/people-places. Bài báo nầy cho biết số con lai khoảng 26,000 người đi cùng với gia đình và bà con khoảng 75,000 người. Theo tác giả Huỳnh Kim Khánh (New Jersey) viết ngày 17-7-2004, Đàn Chim Việt Online Edition đăng lại ngày 28-11-2010 thì từ 1979 đến 1999 những ngơời đến Hoa Kỳ theo chương trình con lai là 89.700 người
6. Wikipedia, "Người Việt ở Mỹ". Năm 2007, tổng dân số Hoa Kỳ là 301 triệu. Năm 2010, tổng dân số Hoa Kỳ là 308, 745, 538 người.
7. Diễn đàn sinh viên Quân y, , bài "Tin tức thời sự: Khuyên các cụ".

No comments:

Post a Comment