24 December 2013

TÂM THƯ của HT Thích Quảng Độ


TÂM THƯ của HT Thích Quảng Độ
gởi đi từ Thanh Minh Thiền Viện ngày 22 tháng 12 năm 2013

Kính gởi :
- Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni,
- Đồng bào Phật Tử các giới trong và ngoài nước.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch Chư Tôn Đức
Kính thưa Quý Liệt Vị

Tri qua 2000 năm lịch sử, Phật Giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng Dân Tộc trong công cuộc dựng văn, giữ nước, như một nhà thơ đã viết :

Việt Nam và Phật Giáo
Phật Giáo và Việt Nam
Ngàn năm xương thịt nối liền
Tình sông nghĩa bin mi duyên mặn nồng

Mối duyên mặn nồng ấy được kết hợp giữa tính nhân bản của Dân Tộc qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần... với tinh thần Bi Trí Dũng của Phật Giáo được Chư Lịch Đại Tổ Sư thực hiện mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kế thừa hôm nay.

Sự kế thừa ấy như giòng chảy của suối nguồn trong mát giữa lòng đất mẹ, không ô nhim theo gió bụi thời gian bởi vì giới luật Phật được giữ gìn nghiêm cẩn tạo thành niềm kính tín trong lòng dân Việt, nên Dân Việt và Phật Việt đã gắn bó keo sơn trong quá trình thăng trầm của Tổ Quốc Dân Tộc.

Kính Bạch Chư Tôn Đức
Kính thưa Liệt Quí V

Trong hoàn cảnh nhiễu nhương của Đất Nước hiện nay, Tôn Giáo là nạn nhân của Chủ Nghĩa Duy Vật, do đó không ít người con Phật đã chạy theo xu thế thời đại mà quên mất bản nguyện độ sanh, một số vị thành viên trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thông Nhất chúng ta cũng không ngoại lệ, niềm kính tín cũng từ đó mà bị vơi đi, cho nên năm 2007 Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang đã ban hành Giáo Chỉ số 9 để cứu lấy mạng mạch Giáo Hội.

Rồi trước thực trạng manh nha tiếp diễn đó, ngày 9 tháng 12 năm 2013, nhân danh Đệ Ngũ Tăng Thống tôi đã ban hành Giáo Chỉ số 10 không ngoài mục đích Trang Nghiêm Giáo Hội, Thanh Tịnh Chư Tăng, có như thế mới tiếp tục kế thừa được truyền thống của Chư Lịch Đại Tổ Sư, có như thế mới đồng hành với Dân Tộc.


Kính Bạch Chư Tôn Đức
Kính thưa Liệt Quí Vị

Điều tất yếu là không có một biến cố nào mà không khỏi mất mát, không đau thương, chẳng có cải cách nào mà không có hy sinh, không có bất đồng ý kiến.

Tuy nhiên, Nền tảng của Giáo Hội bất thể khả phân, Pháp lý của Giáo Hội là bất hồi tố.

Trong những ngày tháng có sự chuyển mình của Giáo hội trong việc kiện toàn tổ chức và trang nghiêm giáo thể, tôi tâm thành kêu gọi Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni và Đồng bào Phật Tử các giới trong và ngoài nước hãy vì Nền Tảng Pháp lý của Giáo Hội mà hoan hỷ tham gia cũng như h trợ cho Viện Hóa Đạo trong nước, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo và Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại các Quốc Gia, Châu Lục để giữ vững lập trường, đường hướng của Giáo Hội Phật Giảo Việt Nam Thống Nhất trong công cuộc Giải trừ Quốc Nạn và Pháp Nạn hiện nay.

Kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ, và đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước thân tâm an lạc, bồ đề tâm kiên cố./.

 NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT


Thanh Minh Thiền Viện ngày 22 tháng 12 năm 2013
Đệ Ngũ Tăng Thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ấn ký)
Sa môn THÍCH QUẢNG ĐỘ

17 December 2013

Từ Thượng Đỉnh ASEAN- Nhật Bản tới Ô. John Kerry



Đào Văn Bình

Chỉ trong tuần qua, người ta đã chứng kiến những diễn biến nổi bật trên sân khấu chính trị thế giới, đó là cuộc họp Thượng Đỉnh ASEAN-Nhật Bản tại Tokyo ngày 14-15 Tháng 12/2013 , cuộc chạm trán giữa tàu chiến Trung Quốc- Hoa Kỳ trên Biển Đông và chuyến viếng thăm Việt Nam của Ô. John Kerry vào ngày 14/12/2013.

Cuộc họp Thượng Đình ASEAN- Nhật Bản do tình cờ đã diễn ra giữa lúc căng thẳng ở Biển Hoa Đông bước vào khúc quanh mới khi Hoa Lục đơn phương tuyên bố " Vùng Nhận Dạng Phòng Không" trùng lấp lên không phận của Nhật Bản và Nam Hàn. Thật là cơ hội may cho Ô. Abe. Cứ qua hình ảnh và tường thuật của báo chí, ông nổi bật lên như là một "minh chủ" rất khà ái đối với tất cả các lãnh đạo của Đông Nam Á. Ông tuơi cười, thân mật, hòa nhã, khiêm cung và dĩ nhiên, lợi dụng cơ hội ngàn vàng, ông khéo léo thông báo cho giang hồ bốn phương biết về nguy cơ bất ổn cho Đông Nam Á và một tương lai đen tối có thể xảy ra nếu an toàn hàng không lẫn hàng hải quốc tế không được bảo đảm.  Điều này ông đã cảnh báo Á Châu từ năm 2007 nhưng chẳng ai lắng nghe. Nhưng nay thì theo Ô. Jeff Kingston, giám đốc chương trình nghiên cứu Châu Á tại Đại Học Temple của Nhật Bản, " Hiện ASEAN đang muốn lôi kéo Nhật trở thành đối trọng với Trung Quốc. Khi ông Abe tới thăm khu vực, ông quảng bá điều gọi là 'Vòng cung Tự do và thịnh vượng' dựa trên các giá trị chung. Và khái niệm này rõ ràng nhắm vào việc khống chế Trung Quốc. Và hồi năm 2007, khái niệm đó đã được đón nhận một cách khá lạnh nhạt. Giờ tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã hảnh động đáng sợ hơn. Và chính vì thế tôi nghĩ rằng sự đón nhận đã nhiệt thành hơn và tôi nghĩ rằng các nước ASEAN đang ở trong một thế thủ." (thế phải chuẩn bị đối phó) (VOA tiếng Việt). Từ viễn ảnh không mấy tốt đẹp đó, ông đưa ra phương thuật chữa trị bằng hợp tác, tương kính, không can thiệp vào nội bộ của nhau mà chỉ vì sự ổn định và phát triển của Đông Nam Á với cam kết 19 tỷ đôla viện trợ và khoản vay cho khu vực cũng như tăng cường hợp tác quốc phòng. Thật là món quà từ trên trời rơi xuống. Các nước Đông Nam Á "từ huề đến ăn" dại gì không đón nhận? Cũng qua cuộc họp thượng đỉnh này, người ta thấy vai trò của Việt Nam nổi bật lên như là một nhân tố trội yếu của khối ASEAN. Từ việc Ô. Nguyễn Tấn Dũng ngồi cạnh ông trong các buổi họp cho tới việc hai vị thủ tướng có cuộc họp riêng trong đó Nhật Bản hứa cung cấp tuần dương hạm cho lực lượng duyên phòng/ cảnh sát biển của Việt Nam. "Thông Tấn Xã Kyodo của Nhật đưa tin tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam ở Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh sự hợp tác Việt-Nhật hết sức quan trọng đối với hòa bình-ổn định khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực duy trì trật tự hàng hải và hàng không quốc tế." (VOA tiếng Việt). Hình ảnh này làm Hoa Lục giận điên người. Mình là một "đại môn phái" muốn trở thành "minh chủ" của Á Châu rồi từ đó trở thành lãnh đạo thế giới mà các "bang phái" mình muốn chinh phục lại tụ hội tại quốc gia sát nách nhà mình để cùng một "đại môn phái" khác hình thành kế họach chống lại mình…thì quả thật đây là "cú đấm vào mặt". Theo tôi nghĩ những phản ứng nặng nề của Hoa Lục nhắm vào Nhật Bản không tác dụng gì. Cuộc khủng hoảng Á Châu chỉ được giải quyết khi Hoa Lục thay đổi sách lược ngọai giao, trong đó việc tôn trọng chủ quyền, sống chung hòa bình với Nhật Bản cùng các quốc gia Đông Nam Á là chìa khóa của vấn đề.

Trong khí diễn biến chính trị sôi động như thế thì Biển Đông lại dậy sóng. Báo chí thế giới đều đồng loạt loan tin vào ngày 05/12/2013 "Tàu chíến Mỹ và Trung Quốc suýt đụng nhau tại Biển Đông". Phía Hoa Kỳ nói rằng tàu chiến Mỹ đang họat động trên vùng hải phận quốc tế thì  tàu Trung Quốc tiến tới cho nên phải né qua một bên để tránh đụng chạm. Còn phía Trung Quốc nói rằng tàu chiến Mỹ đã tới gần để do thám tàu sân bay Liêu Ninh và gây cản trở, làm phiền (harassed) họat động của tàu này cho nên Trung Quốc phải phái tàu chiến tới ngăn cản. Chưa biết phải-trái thế nào nhưng sự kiện cho thấy đây là một diễn chưa từng thấy từ trước đến giờ. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử có sự "cọ sát trên biển" giữa tàu chiến Trung Quốc và Mỹ.

Chuyến thăm Việt Nam bất ngờ của Ô. John Kerry, trước dự định vào năm 2014 phản ảnh hai sự kiện quan trọng khiến Hoa Kỳ phải cấp tốc điều chỉnh lại kế họach "Tái Cân Bằng Lực Lượng". Đó là việc Hoa Lục đơn phương tuyên bố "Vùng Nhận Dạng Phòng Không" khiến Hoa Kỳ phải đưa máy bay B-52 dù không vũ trang vào vùng này để trấn an Nhật Bản và sự kiện tàu chiến Mỹ và Hoa Lục "giáp mặt nhau" ở Biển Đông. Đây có thể là một khúc quanh (turning point) làm xoay chuyển tình hình thế giới. Từ trước tới giờ Hoa Kỳ vẫn ứng xử như một người đứng ngòai "không theo bên nào" giống như một trọng tài trên võ đài, chạy vòng quanh nhắc nhở các võ sĩ chớ đánh "sai luật". Nhưng nay thì Hoa Kỳ không thể "giả vờ" đóng vai trò "trọng tài" nữa rồi mà phải vén tay áo lâm trận, dù đang ở mức độ "tự chế". Cứ thử tưởng tượng nếu tình hình căng thẳng thêm nữa, Hoa Kỳ phải đưa hàng không mẫu hạm, tàu chiến vào đây, lúc đó tàu chiến của Hoa Lục không nổ súng nhưng cứ tiến đến gần ngăn cản, liệu Hoa Kỳ có dám nổ súng hay không? Đúng là chuyện dở khóc dở cười, đánh thì không được mà nhịn thì không xong! Do đó đúng như học giả Carl Thayer nhận định kế họach "tái cân bằng lực lượng" của Hoa Kỳ hiện " có vấn đề" và phải " cân bằng lại kế họach tái cân bằng lực lượng" bằng cách hối hả gửi Ô. John Kerry tới Việt Nam và Phi Luật Tân. Xin nhớ cho trên đời này dù mình là siêu cường hay "võ lâm chí tôn" nhưng có những chuyện một mình không làm được mà phải có đồng minh, người hợp tác (partner), bạn bè hay đàn em. 

Dĩ nhiên Ô. John Kerry khi gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng sẽ phải đề cập tới vấn đề nhân quyền bởi vì nếu ông không nói gì cả, khi ông quay trở về nước, ông sẽ "điêu đứng" với các ông bà dân biểu, thượng nghị sĩ vốn sống nhờ phiếu của cử tri. Nhưng đúng như nhận định của các nhà quan sát thế giới" kinh tế và an ninh Biển Đông" là hai trọng điểm của chuyến đi này và cũng là chíến lược ngọai giao lâu dài của Hoa Kỳ như nhận xét của học giả Carl Thayer, "Các nghị trình kinh tế và an ninh thực tiễn đã chiếm ưu tiên so với nhân quyền trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam." (VOA) Bằng cớ là sau khi "giảng giải"về lợi ích của việc tôn trọng nhân quyền, lợi dụng dịp này ông công kích  Hoa Lục về khu vực phòng không mới bên trên các hòn đảo đang có tranh chấp với Nhật Bản trong biển Hoa Ðông. Ông cảnh báo Bắc Kinh không nên tính tới việc có các biện pháp song phương tương tự ở những nơi khác, kể cả Biển Hoa Nam, mà Việt Nam gọi là Biển Ðông." Sau đó ông đưa ra "củ cà-rốt" khá tuơi tắn, đó là "Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 32.5 triệu USD để giúp các nước Đông Nam Á bảo vệ vùng lãnh hải của họ và bảo đảm tự do hàng hải. Riêng Việt Nam sẽ nhận tới 18 triệu USD, trong đó gồm 5 tàu tuần tra cao tốc sẽ được trao cho ngành cảnh sát biển". (BBC trích dẫn nguồn tin AP) và những lời lẽ rất cảm động về việc bảo vệ báu vật của thế giới là Sông Mekong khi ông đứng trên bờ kênh ấp Kiến Vàng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau: "Không một nước nào có quyền tước bỏ nguồn sống, hệ sinh thái của nước khác. Sông Mekong là tài sản toàn cầu, là báu vật của cả khu vực." Khi tuyên bố như vậy ông ám chỉ Hoa Lục đang có kế họach  xây một số đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho dời sông và môi trường của 60 triệu dân ở hạ lưu.

Nhận định: 
Qua tuyên bố của Ô. Abe trong cuộc họp Thượng Đỉnh ASEAN-Nhật Bản tại Tokyo ngày 15/12/2013, "Sự hợp tác Việt-Nhật hết sức quan trọng đối với hòa bình-ổn định khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực duy trì trật tự hàng hải và hàng không quốc tế." (VOA tiếng Việt) và nhận định của Ô. John Kerry trong chuyến thăm bất ngờ tới Việt Nam, " Hòa bình và ổn định tại Biển Đông là ưu tiên hàng đầu đối với Washington cũng như các nước trong khu vực và Hoa Kỳ phản đối các chiến thuật uy hiếp, gây hấn trong các tuyên bố chủ quyền. " cho thấy sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế và tăng cường khả năng phòng thủ của Việt Nam là "chìa khóa" tạo ổn định cho Đông Nam Á và Biển Đông. Sự hiện diện của Hoa Kỳ và sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực là "điều kiện cần" nhưng chưa đủ. Các chiến lược gia Hoa Kỳ, Nhật Bản và có thể cả thế giới đều nhận thấy điều này. Chính vì thế mà Việt Nam bỗng nhiên trở thành trọng điểm chiến lược và là cái phao cứu hộ, đúng ra là cái "lá chắn" cho Đông Nam Á trong khi Phi Luật Tân có chung nguy cơ nhưng vì yếu quá cho nên không cáng đáng nổi trong trách. Việc Ô. John Kerry cảnh cáo Hoa Lục không nên áp đặt "Vùng Nhận Dạng Phòng Không" mới tại Biển Đông sẽ trùm phủ lên Đường Lưỡi Bò cũng là lời tiên tri về việc Hoa Lục có thể sẽ làm chuyện phiêu lưu đó. Hoa Lục hiện giờ không có đường lui mà chỉ có tiến và đây có thể là chiến lược mở đường cho tàu chiến Trung Quốc ngang nhiên tiến vào Biển Đông để bảo vệ không phận của mình. Nếu sự kiện đó xảy ra và xác xuất lớn là có thể xảy ra, lúc đó người chịu áp lực nặng nề nhất là Việt Nam. Để giữ vững vị trí siêu cường và an ninh lâu dài của chính mình, Hoa Kỳ phải hành động mạnh mẽ. Như thế một cuộc chiến có tầm vóc thế giới có thể nổ ra, không phải trên đất liền mà là trên biển Việt Nam. Một "Vietnam War " thứ hai tái diễn trên Biển Đông chăng? 

Đào Văn Bình
(California ngày 16/12/2013)

28 November 2013

Hãy Sống Với Lòng Biết Ơn

Đào Văn Bình
 
Hãy biết ơn Mặt Trời đã cho ta sự sống.
 
Hãy biết ơn từng vạt nắng đang lung linh nhảy múa trong vườn để ta cảm nghiệm được sự ấm áp của thiên nhiên.
 
Hãy biết ơn Mặt Trăng kia đã cho ta bao đêm dài thơ mộng mà qua đó bao bài hát, bài thơ trữ tình nảy nở.
 
Hãy biết ơn từng con suối nhỏ để cho ta nghe được tiếng thủ thỉ của núi rừng.
 
Hãy biết ơn từng cơn gió nhẹ làm lòng ta tươi mát.
 
Hãy tạ ơn biển đã cho ta nguồn dinh dưỡng, từng chuyến viễn du đầy thi vị và những cuộc phiêu lưu mạo hiểm làm phong phú hóa tình cảm con người.
 
Hãy biết ơn cả tiếng chim ca vì đó là tiếng nhạc của Trời.
 
Hãy tạ ơn cả những con sông đang ôm ấp những bờ kênh thửa ruộng, cho phù sa tuôn tràn màu mỡ, cho lúa tốt trổ bông, cho tôm cá đầy đồng, cho xóm làng tụ hội, cho chợ búa mọc lên, cho thương buôn trên bến dưới thuyền, cho giao thông thuận tiện, cho mạch sống làng quê ngày thêm phong phú.
 
Hãy biết ơn từng bài ca dao, từng tiếng chuông chùa êm ả để thấy hồn dân tộc vẫn còn năm sâu trong tâm khảm.
 
Hãy tạ ơn tiếng ru của mẹ để con biết rằng vòng tay đó chính là Thiên Đường.
 
Hãy cám ơn mẹ già:
Cho dù áo rách sởn vai,
Cơm ăn bát vơi bát đầy
mà vẫn  kiên trì nuôi con cho đến ngày khôn lớn.
 
Hãy cám ơn các bậc Thầy vì những vị đó đã khai mở trí tuệ cho ta "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư".
 
Hãy tạ ơn đời.
 
Hãy cám ơn cả những người đã dối gạt ta để ta hiểu được thế nào là lòng trung tín.
 
Hãy cám ơn cả người xỉ vả, chụp mũ, bôi lọ, đánh phá ta để ta có dịp huân tập hạnh nhẫn nhục và hiểu được thế nào là sự tha thứ.
 
Hãy biết ơn những gì gọi là bạo lực vì qua đó ta liễu ngộ được chân lý vĩnh cửu của tình thương.
 
Hãy biết ơn cả những thiên tai, thảm họa để cho thấy cuộc sống này qúy giá.
 
Hãy tạ ơn những người đã nằm xuống để cho ta được sống.
 
Hãy biết ơn người chiến sĩ đang ngày đêm canh gác, xả thân nơi chiến địa, biển đảo để ta được sống yên bình, mưu cầu hạnh phúc.
 
Hãy cám ơn sự vấp ngã vì qua đó ta trưởng thành.
 
Hãy biết ơn cả những người thợ vì họ là những vị thần sáng tạo.
 
Hãy tạ ơn cả những đang phục vụ ta, những người đang làm những nghề nghèo hèn nhất vì không có họ ta phải chân lấm tay bùn.
 
Hãy cám ơn người nông phu đã:
Vài ngàn năm đứng trên đất cày
Minh đồng da sắt không thay màu
 
để dân tộc này có chén cơm hạt gạo.
 
và cũng:
Dã ơn cái cối cái chày.
Đêm khuya giã gạo có mày có tao
 
Hãy biết ơn cả tiếng gà gáy trong những buổi trưa hè, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng sáo diều ngân, tiếng trẻ nói bí bô, tiếng con sáo hót, tiếng ai hát đúm, hát dân ca, hát văn, hát ru, hát hò quan họ để thấy hồn Việt Nam thiêng liêng, bất tử.
 
Hãy cám ơn cây Đa đã cho ta bóng mát, là nơi dừng chân trên con đường làng dài mệt mỏi.
 
Hãy cám ơn cả cái Đình để xóm làng mở hội, văn hóa lưu truyền, gái trai hò hẹn.
 
Hãy cám ơn cả cái Miếu vì qua đó ta thấy các tiên hiền, liệt sĩ, danh nhân vẫn còn ở với chúng ta.
 
Hãy cám ơn mái Chùa đã đứng đó qua vài ngàn năm để lưu giữ hồn dân tộc.
 
Hãy cám ơn cả những chuyện thần tiên "Tấm Cám" để con trẻ hay ăn chóng lớn, người già quên đi bao nỗi nhọc và gái trai nuôi bao mộng đẹp.
 
Hãy cám ơn cả chiếc nón đã che mưa nắng cho cả dân tộc. Thuơng thay "chiếc nón bài thơ" đã lưu giữ hồn thi ca của dân tộc mà bây giờ vẫn còn đây:
Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
 
Hãy biết ơn tất cả dù là một hạ mưa, hạt cát, hạt muối, bó rau, miếng khoai, miếng cà, miếng sắn, con tôm, con tép...
 
Hãy biết ơn và tạ ơn tất cả.
 
Lòng biết ơn là lòng Từ Bi là bài Kinh Sám Hối sâu xa và mầu nhiệm.
 
Kẻ sống với lòng biết ơn chính là kẻ sống với Chân Hạnh Phúc và là kẻ có tâm hồn cao thượng nhất./.
 
 
Đào Văn Bình
(California Tháng 11, 2008)
Đăng lại (California Tháng 11, 2013)

26 November 2013

Diễn Biến Nguy Hiểm tại Biển Hoa Đông


Đào Văn Bình

Trong lúc cuộc tranh chấp chủ quyền về Đảo Điếu Ngư/Senkaku không có dấu hiệu hòa dịu kể từ khi Nhật Bản tuyên bố mua lại ba trong số các đảo này hồi tháng 9/2012,  thì vào ngày 23/11/2013 Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập vùng gọi là Air Defence Identification Zone mà BBC tiếng Việt dịch là "Vùng Nhận Dạng Phòng Không". Theo định nghĩa chung của tòan thế giới đây là không phận thuộc chủ quyền của một quốc gia cho nên có bố trí hệ thống phòng không (hỏa tiễn hoặc máy bay tuần thám). Theo mệnh lệnh của nhà cầm quyền Trung Quốc:  Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và duy trì trật tự hàng không,  các máy bay nước ngòai bay vào vùng trời này phải cung cấp lịch trình, thông báo rõ quốc tịch và duy trì liên lạc thông tin hai chiều để đáp ứng kịp thời và chính xác các yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc. Các máy bay nào không tuân thủ sẽ phải hứng chịu các biện pháp phòng vệ khẩn cấp.

Vùng Nhận Dạng Phòng Không này bao gồm một không phận rất lớn, trùm phủ lên vùng Đảo Senkaku, không phận của Nam Hàn, áp sát bờ biển Nhật Bản. Hành động này lập tức gây nên phản ứng mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ và Nhật Bản.

-VnExpress trích dẫn bản tin của AFP về lời tuyên bố của Thủ Tướng Nhật Bản  Abe trước quốc hội, "Tôi đặc biệt lo ngại vì đây là một hành động hết sức nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả ngoài ý muốn. Nhật Bản sẽ yêu cầu Trung Quốc kiềm chế, đồng thời chúng ta cũng sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế". Còn Ô. Katsunobu Kato, phát ngôn viên của chính phủ Nhật nói rằng, "Quyết định của Trung Quốc không có hiệu lực đối với đất nước chúng tôi".

-Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel - trong một thông  cáo báo chí - gọi đây này là "hành động gây bất ổn nhằm thay đổi hiện trạng khu vực. Hành động đơn phương này làm tăng nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai. Ông Hagel nói tuyên bố này của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa sẽ không thể nào thay đổi cách Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực." (BBC tiếng Việt)

-Bộ Trưởng Ngọai Giao John Kerry trong một thông cáo báo chí, tuyên bố, "Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc công bố xác lập Vùng Nhận Dạng Phòng Không trên Biển Hoa Đông. Hành động đơn phương này là một nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông. Hành động leo thang sẽ chỉ gia tăng căng thẳng ở khu vực và tạo ra các nguy cơ xảy ra xung đột".

-Còn Nam Hàn thì phản ứng nhẹ nhàng hơn và chỉ gọi đây là "hành động đáng tiếc". Có thể Nam Hàn không muốn mất lòng Trung Quốc hiện giữ vai trò quan trọng trong việc kiềm chế Bắc Hàn. 

            Trong khi phản ứng của thế giới như thế, Ô. Dưong Ngọc Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc nói rằng, "Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Nhật Bản chấm dứt toàn bộ các động thái phá hoại chủ quyền lãnh thổ cũng như những lời bình luận thiếu trách nhiệm đánh lạc hướng dư luận quốc tế và gây ra căng thẳng trong khu vực." (BBC tiếng Việt)

Nhận Định:
1)      Để thực thi quyển kiểm sóat không phận của mình, Hoa Lục không gì khác hơn là bắn hạ các máy bay quân sự của nước ngòai xâm phạm không phận này để chứng tỏ "Vùng Nhận Dạng  Phòng Không" không phải chỉ là lời đe doa suông hoặc nằm trên giấy tờ. Riêng phần Nhật Bản họ  có dám đem máy bay chiến đấu tiếp tục bay trên vùng trời Senkaku, vừa để kiểm sóat vừa để xàc định chủ quyền của mình và cũng để thử thách Trung Quốc hay không?

2)      Cùng "bài bản" này, liệu một lúc nào đó Hoa Lục có thiết lập một "Vùng Nhận Dạng  Phòng Không" trên Biển Đông theo hình thể của Đường Lưỡi Bò rồi cho máy bay chiến đấu cất cánh từ Hải Năm hoặc đưa một hạm đội vào đây đê thực thi chủ quyền lãnh thổ của mình không? Khi đó tương lai của Đông Nam Á ra sao?

3)      VOA trích dẫn phát biểu của Ô. Wendell Minnick- biên tập viên Á Châu của tập san Tin Tức Quốc Phòng, cho biết hành động của Trung Quốc rõ ràng là được tính toán kỹ để gây bất ngờ cho Washington. Ông nói, "Loan báo của Trung Quốc dường như là một mưu toan thường được gọi là cắt thịt băm. Trung Quốc có xu hướng chiếm cứ lãnh thổ hoặc ban hành những qui định mới vào một thời điểm mà Hoa Kỳ có thái độ rất thân thiện với họ. Hoa Kỳ đã cố gắng rất nhiều để cải thiện các mối quan hệ quân đội-quân đội với Trung Quốc. Ông Minnick nói rằng sự chồng lấn giữa hai khu vực phòng không mang lại một số thách thức cho cả Tokyo lẫn Washington"

4)      Có lẽ từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, không một chính trị gia, tổng thống và người dân Hoa Kỳ nào mà không tự hào về vai trò "lãnh đạo thế giới" của Hoa Kỳ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc nói chung, sự hung hăng, hiếu chiến và tham vọng bành trướng lãnh thổ của Hoa Lục ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nói riêng - đã khiến Hoa Kỳ giật mình, hối hả "xoay trục", rồi thấy có vẻ mạnh bạo quá liền đổi qua "tái cân bằng lực lựợng". Tất cả những chuyển động đó phản ảnh sự lúng túng, tiến thóai lưỡng nan của Hoa Kỳ trước tình hình mới của thế giới. Cái lúng túng của Hoa Kỳ ở chỗ vừa muốn kiềm chế Hoa Lục lại vừa muốn "hợp tác chiến lược" về cả kinh tế lẫn quốc phòng với Hoa Lục, giống như một người muốn làm ăn buôn bán với bạn nhưng lại muốn đốn ngã ông bạn mình. Dường như Trung Quốc hiểu được thế lúng túng của Hoa Kỳ cho nên "không sợ"  mà cứ từ từ lấn tới. Sự kiện 23/11/2013 (Vùng Nhận Dạng Phòng Không) đúng như nhận định của Wendell Minnick  là thử thách nghiêm trọng - không phải chỉ cho Nhật Bản mà cho cả Hoa Kỳ. Mình là "lãnh đạo thế giới" mà thế giới nát bét hoặc nói chẳng ai nghe thì còn là "lãnh đạo" nữa không? Không ai phủ nhận vào giờ phút này đây Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số 1 về cả hai mặt vũ khí lẫn kinh tế nhưng vị trí " lãnh đạo thế giới" của Hoa Kỳ đang bị thử thách (challenge). Liệu cái thế ổn định giả tạo ở Biển Hoa Đông và Đông Nam Á kéo dài bao lâu? Nếu Hoa Kỳ không làm mạnh thì chuyến công du Á Châu và Đông Nam Á của Ô. Obama Tháng 4, 2014 tới đây chỉ có tác dụng "trấn an". Khi ông ra về rồi thì các nước Đông Nam Á cũng chỉ "thank you" rồi lại phải họp bàn rồi tự lo liệu lấy có khi phải mời Ô. Tập Cận Bình hoặc Ô. Putin qua cho chắc ăn. Thế "Xuân Thu Chiến Quốc" bây giờ là đây. Khi mình không lo liệu được cho "đàn em" thì "đàn em" phải đi tìm một "đại ca" khác. Ngồi "chờ sung rụng" chết sao?

Đào Văn Bình
(California ngày 25/11/2013)

23 November 2013

Những Tình Huống Trung Quốc Tấn Công Việt Nam


Đào Văn Bình

Việc Trung Quốc hạ thủy và đưa vào sử dụng tàu sân bay Thi Lang và ngày 22/11/2013 thử nghiệm thành công máy bay chiến đấu tàng hình không người lái J-20 (có hình dạng giống như B-2 của Mỹ) tạo thêm lo sợ cho khu vực Đông Nam Á và trực tiếp đe dọa Việt Nam. Trực tiếp đe dọa Việt Nam có nghĩa là Trung Quốc có khả năng tấn công Việt Nam bất cứ lúc nào bằng hỏa lực áp đảo và đánh chiếm luôn phần còn lại của Trường Sa khi đó làm chủ Biển Đông. Tháng 10/2013, Trung Quốc lại tiến hành một cuộc tập trận quy mô mang tên "Sứ Mệnh Hành Động 2013" ngòai khơi Phúc Kiến với sự phối hợp của Quân Khu Quảng Đông và Hạm Đội Hải Nam thực tập bắn đạn thật với hỏa tiễn không-đối-hải và ngược lại để răn đe Nhật Bản và Đông Nam Á.

Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra ở đây là kế họach "Tái Cân Bằng Lực Lượng" (trước gọi là Xoay Trục) và sự hiện diện của Hàng Không Mẫu Hạm Washington của Mỹ tại Biển Đông có ý nghĩa gì? Cho đến giờ phút này vì Hoa Kỳ là "con nợ" của Trung Quốc, do kinh tế suy thoái, làm ăn buôn bán , hợp tác chiến lược với Trung Quốc, mới đây lại tập trận hải quân chung với Trung Quốc tại Hạ Uy Di (Hawaii) cho nên luôn luôn tuyên bố "không đứng vào phe nào" trong tranh chấp Biển Đông. Việc tàu sân bay Washington ghé ngòai khơi Đà Nẵng năm 2011, mời các giới chức Việt Nam lên thăm và mới đây vào Tháng 11, 2013 lại ghé thăm Mã Lai, Singapore và Phi Luật Tân …chỉ có tác dụng trấn an các quốc gia Đông Nam Á vì Hoa Kỳ cần sự hậu thuẫn của các quốc gia này, hiện tại cũng như khi xảy ra cuộc chiến tranh với Trung Quốc trong tương lai xa. Do đó khi Hải Quân Trung Quốc tấn công Việt Nam, tàu sân bay Washington nếu đựợc gửi tới Biển Đông hay có đóng tại căn cứ Oyster Bay, Palawan đang được xây dựng cách Trường Sa khoảng 160km…thì cũng chỉ đứng nhìn vì không có lý do gì Hoa Kỳ lại tấn công Trung Quốc khi Trung Quốc không đụng chạm đến họ (Ngoại trừ Phi Luật Tân vì Phi Luật Tân có hiệp ước an ninh hỗ tương với Hoa Kỳ). Chuyến viếng thăm Trung Quốc ngày 17/8/2011 của Phó Tổng Thống Joe Biden, đem theo cả đội bóng rổ đấu giao hữu rồi cuộc gặp gỡ giữa Ô. Tập Cận Bình và Obama vào Tháng 2, 2012 cho thấy Hoa Kỳ thực sự muốn hòa dịu với Trung Quốc và không muốn tình hình căng thẳng thêm. Do đó niềm tin cho rằng tàu sân bay Washington và tàu chiến Hoa Kỳ sẽ bảo đảm nền an ninh, biển đảo cho Việt Nam là hoàn toàn sai lầm.Việt Nam phải tự lo liệu lấy. Đó là sự thực hiển nhiên.

Vì Trung Quốc không phải là một cường quốc có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế mà là một con khủng long đầy tham vọng, cho nên có thể làm bất cứ điều gì mà một quốc gia văn minh không bao giờ dám làm. Thực ra thì không ai có quyền ngăn cản ai trở thành bá chủ thế giới. Nhưng điều mà mọi người quan tâm là "cách" anh trở thành bá chủ và "cách" anh đối xử với thế giới. Vươn lên để tranh ngôi "minh chủ võ lâm" với Hoa Kỳ không phải là đìều cấm kỵ. Nhưng thay vì theo vương đạo tức tôn trọng và thỏa hiệp với các quốc gia Đông Nam Á, Hoa Lục theo con đường bá đạo của Tần Thủy Hoàng ỷ mạnh hiếp yếu. Sau đây là những tình huống Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam:

1. Mở cuộc chiến tranh biên giới như năm 1979
Tôi hoàn toàn bác bỏ khả năng này vì Trung Quốc không có lợi gì khi mở một cuộc tấn công như vậy. Nếu làm thế Trung Quốc sẽ lộ rõ bộ mặt xâm lược và cũng không thể lấy lý do rất "hỗn láo" là "dạy cho Việt Nam một bài học" như năm 1979. Việt Nam đã ký hiệp ước biên giới với Trung Quốc và là thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Uy tín của Trung Quốc về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế sẽ tổn thương nghiêm trọng và thế giới sẽ lên án khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam bằng đường biên giới. Nhưng Trung Quốc có thể sẽ liên tục duy trì áp lực bằng cách tập trung quân đội, khiêu khích, quấy rối không ngoài mục đích đe dọa, khiến Việt Nam lo sợ, lúng túng, từ đó suy yếu trên mặt trận chính là Biển Đông. Đây là kế "Dương đông kích tây" và chiến tranh cân não. Nhưng lịch sử cho thấy các danh tướng của Đại Việt ta khôn ngoan và mưu trí hơn con cháu Tần Thủy Hoàng rất nhiều. 

2. Mở một cuộc không kích và bắn phá quy mô các hải cảng, quân cảng, căn cứ hải quân, các giàn khoan/thăm dò dầu khí của Việt Nam
 
Muốn thế, Hải Quân Trung Quốc phải trải dài dọc theo bờ biển từ Hải Phòng tới Đà Nẵng, Cam Ranh, Vũng Tàu, Phú Quốc, Trường Sa v.v..Nếu liều lĩnh mở một cuộc chiến tranh hạn chế (trong nước gọi là cục bộ) như vậy, Trung Quốc sẽ gây một số thiệt hại lớn cho Việt Nam, nhưng phải trả một giá rất đắt vì hệ thống hỏa tiễn phòng thủ ven biển, phòng không, không quân và hải quân của Việt Nam. Tôi không tin Trung Quốc sẽ tiến hành giải pháp này vì Trung Quốc sẽ khó ăn khó nói với dư luận quốc tế về việc bắn phá, oanh tạc các cơ sở trên đất liền và ven biển Việt Nam vì các vùng này vốn không có tranh chấp. Đây là hành vi xâm lược trắng trợn. 

3. Tấn công và nuốt gọn Trường Sa
            Đây chính là tham vọng và ý đồ của Trung Quốc trong một tương lai rất gần và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi tấn công và nuốt gọn Trường Sa, Trung Quốc có lý do biện minh là: 
Chúng tôi chỉ "lấy lại" những gì của chúng tôi. Bằng cớ là chúng tôi đã công bố cho thế giới biết "Đường Lưỡi Bò" xác định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của chúng tôi trước đây. Như thế, thêm một lần nữa, từ cuộc xâm lăng, Trung Quốc lèo lái dư luận qua một cuộc tranh chấp chủ quyền rất dai dẳng mà không có một tổ chức quốc tế nào có khả năng giải quyết. Để thực hiện ý đồ nham hiểm này, Trung Quốc phải xử dụng ưu thế vừa mới có là tàu sân bay Thi Lang. Cộng thêm với sự hộ tống của khoảng 5 khu trục hạm, 3 tuần dương hạm và đội tầu ngầm khoảng 6 chiếc và dăm ba tàu đổ bộ hạng nặng. Hỏa lực của hạm đội này dư sức nghiền nát hệ thông phòng thủ của Việt Nam trên Quần Đảo Trường Sa. Và lực lượng thủy bộ khoảng 4000 trên tàu sân bay sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh phần còn lại của Trường Sa. Vậy Việt Nam phải làm sao đây? Theo các chiến lược gia về quân sự:

Thứ nhất: Việt Nam cần phải theo dõi từng bước di chuyển của tàu sân bay Thi Lang qua hệ thống vệ tinh, đồng thời chia xẻ tin tức tình báo quân sự với Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ và nhất là Hoa Kỳ về mọi động tĩnh của tàu sân bay này. Tôi tin chắc rằng với sức mạnh hiện tại của Hải Quân Việt Nam, nếu không có tàu sân bay, Trung Quốc sẽ không dám mở một cuộc tấn công quy mô để nuốt gọn Trường Sa. 

Thứ hai: Cũng theo các nhà quân sự, để phân tán bớt lực lượng trên biển của Trung Quốc, Việt Nam cần ngụy tạo tin tức về cuộc tái chiếm Hoàng Sa nếu nổ ra chiến tranh. Nắm được tin tức này chắc chắn Trung Quốc sẽ phải dàn mỏng tàu chiến để bảo vệ Hoàng Sa. Nếu Trung Quốc lơ là, Việt Nam có thể nhân đó tấn công tái chiếm Hoàng Sa, chặn đường về của tàu chiến Trung Quốc. 

Thứ ba: Tương kế tựu kế. Tăng cường phòng thủ Trường Sa và biến Trường Sa thành mồi nhử để tiêu diệt tàu sân bay Thi Lang. Muốn thế Hải Quân Việt Nam cần phải bí mật, linh hoạt. Ngay từ phát súng đầu tiên, hỏa lực phải tập trung để tiêu diệt tàu sân bay này. Một khi tàu sân bay Thi Lang bị đánh hỏng, tất cả máy bay chiến đấu trên boong cũng bị tiêu hủy, chiếc nào đã cất cánh sẽ rớt xuống biển vì không đủ nhiên liệu bay về Hải Nam.Tin này sẽ làm rúng động thế giới. Phần còn lại của hạm đội Trung Quốc như rắn mất đầu, mất tinh thần, phải thoái lui về Hoàng Sa và sẽ bị Hải Quân và Không Quân Hải Việt Nam ở Cam Ranh, Khánh Hòa, Đà Nẵng chặn đánh. Lúc đó, Việt Nam dễ dàng giải phóng Trường Sa. Hiện nay Việt Nam đã có một lữ đòan thủy quân lục chiến (trong nước không còn dùng danh từ "lính thủy đánh bộ" nữa). Nhiệm vụ chính của lữ đòan này là tấn công tái chiếm các đảo bị chiếm. Nói tóm lại theo các chuyên viên quân sự:  Chiến lược sinh tử của Việt Nam là tiêu diệt cho bằng được tàu sân bay Thi Lang, dù phải trả giá đắt. Không tiêu diệt được tàu sân bay Thi Lang thì không sao giữ được Trường Sa. Đây là kế hoạch hết sức táo bạo nhưng thiết nghĩ không còn phương cách nào hơn. Một khi tàu sân bay Thi Lang bị tiêu diệt, phải đợi ít nhất năm, muởi nữa Trung Quốc khi đóng được tàu sân bay khác mới dám gây sự với Việt Nam. Lúc đó Hải Quân Việt Nam đã mạnh hơn và tình hình thế giới đổi khác. 

Hiện nay tình hình tại Biển Hoa Đông và Biển Đông mỗi lúc mỗi trở nên căng thẳng và biến chuyển khôn lường. Rõ ràng Nhật Bản đang tăng cường binh bị và liên kết với Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á để chống lại Hoa Lục. Ngày 8-8-2013 Nhật Bản cho hạ thủy tàu sân bay khổng lồ Izumo là chiếc tàu chiến lớn nhất của tính từ Thế Chiến II tới giờ. Rồi vào ngày 31/10/2013 Nhật lại trình làng chiếc tàu ngầm Soryu tối tân trị giá khoàng 540 triệu đô-la làm Hoa Lục choáng váng. Còn về phía Việt Nam, liên tiếp trong thời gian qua đã có khá nhiều cuộc đối thọai quốc phòng Việt-Mỹ - khi ở Hà Nội, khi  ở Hoa Thịnh Đốn. Những vấn đề như tìm kiếm hài cốt lính Mỹ, rà phá bom mìn, tiêu hủy chất độc da cam, cứu cấp, ứng phó với biển đổi khí hậu v.v.. chỉ là bề nổi. Không biết bên trong hai bên bàn tính những gì. Xin nhớ Mỹ là vua về đi đêm/mật đàm. Không hiểu Mỹ có bỏ lệnh cấm bán vũ khi sát thương để Việt Nam có thể mua máy bay săn tàu ngầm Orion P-3 để tăng cường khả năng phòng thủ biển đảo hay không? Trong khi Mỹ còn đang do dự thì cuộc viếng thăm Việt Nam của Ô. Putin ngày 12/11/2013 đã tạo sự chú ý đặc biệt của các nhà quan sát thế giới. Ô. Putin đã dành cho Việt Nam những ưu đãi đặc biệt về quân sự như: Mở rộng các hạng mục về vũ khí và thiết bị bán cho Việt Nam, hợp tác chế tạo tàu chiến và hỏa tiễn chống hạm, bàn giao căn cứ huấn luyện và sửa chữa tàu ngầm và các lọai tàu chiến chế tạo tại Nga. Tất cả những căn cứ này đều ở Cam Ranh. Thiết lập trường đại học công nghệ để Việt Nam lần hồi tự chủ về kỹ nghệ chế tạo cơ khí dành cho quốc phòng. Tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên mang tên Hà Nội (NATO gọi là Hố Đen) ngày 7/11/2013 đã lên đường vể Việt Nam. Chiếc thứ hai chuẩn bị bàn giao. Chiến thứ ba đã khởi công. Theo dự tính khoảng cuối năm 2014 ba con cá kình lợi hại này sẽ tham gia lực lượng phòng thủ biển đảo…và dĩ nhiên làm cho Hoa Lục vô cùng khó chịu. 

Trước tình thế sự việc có thể "trở nên quá trễ" Trung Quốc có thể phải ra tay trước. Nếu phải ra tay trước thì Hoa Lục lựa chọn đánh ai đây? Theo tôi nghĩ Hoa Lục sẽ đánh Việt Nam trước, bởi vì dầu sao Việt Nam cũng là đối thủ yếu hơn. Nếu đánh Nhật trước, Hoa Lục sẽ "bươu đầu sứt trán", còn sức đâu để đánh Việt Nam nữa? Ngòai ra, khi đánh Việt Nam, nuốt gọn Trường Sa, Hoa Lục sẽ khống chế tòan bộ Biển Đông- tức "một công đôi việc". Lúc đó Nhật Bản chắc chắn phải quỳ gối hay nhựợng bộ. 

Thế nhưng khi tấn công Việt Nam thì Hoa Lục đã tiến hành một cuộc "viễn chinh xâm lược". Bản chất của viễn chinh xâm lược phi chính nghĩa, xa xôi, tiếp vận tốn kém, người dân thường chống đối cho nên không thể kéo dài vô tận. Trong khi chiến tranh phòng vệ - tức chiến tranh bảo vệ tổ quốc đầy chính nghĩa, người dân chấp nhận hy sinh và hy sinh cho đến ngày tòan thắng. Do đó nếu Hoa Lục liều lĩnh mở cuộc tấn công nhằm nuốt gọn Trường Sa thì chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào". 

Hơn thế nữa, căn bản của chiến tranh viễn chinh xâm lược… là phải tốc chiến tốc thắng và phải có khả năng phòng thủ vững chắc phần đất hay các hòn đảo vừa đánh chiếm…hầu tạo "chuyện đã rồi" trước dư luận quốc tế. Nếu cuộc chiến bất phân thắng bại, kéo dài khoảng một tuần lễ thì hải lộ quốc tế xuyên qua Biển Đông tắc nghẽn. Lúc đó Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn và cả Hoa Kỳ nữa lâm nguy vì hải lộ này là con đường huyết mạch và là "nồi cơm hũ gạo" của thế giới. Để bảo vệ hải lộ chiến lược và "nồi cơm hũ gạo" này, có thể một lực lượng hải quân quốc tế hùng hậu sẽ kéo tới lấy cớ "bảo vệ an tòan hàng hải" . Khi đó thì Hoa Lục sẽ "xôi hỏng, bỏng không". Về sức mạnh của Hoa Lục - kinh tế lẫn quân sự thì không ai phủ nhận. Nhưng Hoa Lục không phải không ở vào tình thế tiến thóai lưỡng nan./.

Đào Văn Bình
(California ngày 22/11/2013)

20 November 2013

Điều gì còn lại sau những vụ án oan?




Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 18.11.2013

Điều gì còn lại sau những vụ án oan?

Hậu quả của những vụ án oan không chỉ gây đau thương cho một gia đình mà hậu quả của nó còn sâu xa hơn nhiều. Đó là niềm tin vào công lý đã xói mòn càng đổ vỡ. Nhưng như thế vẫn chưa là hết. Cuối cùng vẫn là NỖI LO SỢ của người dân. Nỗi lo thường trực ám ảnh "bỗng dưng bị mang cái vạ tầy đình" rồi bị đánh đập, bị đe dọa, bị ép cung, bị bắt đóng phim làm tang chứng cho vụ trộm cướp giết người hoặc bất cứ một thứ trọng tội nào đó mà mình không hề biết. Ngay cả một anh sĩ quan cảnh sát khi bị nghi là tội phạm cũng bị hành hạ buộc phải nhận tội thì ai cũng có thể rơi vào trường hợp đó. Cả xã hội phát sốt vì tình trạng sống lơ lửng kéo dài suốt cuộc đời.

Cơn bão Haiyan lớn nhất thế kỷ cũng chỉ vài ba ngày rồi có thể đi qua, nhưng nỗi lo sợ vì bị tù oan vẫn còn ở lại với người dân. Rồi ngay cả những vụ án được tuyên chắc nịch với đầy đủ bằng cớ cũng lại khiến người dân nghi ngờ không biết tội phạm có bị oan không? Oan và không oan cứ chập chùng đè lên nhau như bóng núi giữa hoàng hôn cuộc đời. Như thế thử hỏi người dân Việt làm sao sống được trong "Độc lập-Tự Do- Hạnh phúc" như cái khẩu hiệu vẫn phải trịnh trọng viết trên đầu bất cứ lá đơn và bất cứ bản kê khai nào.

Còn nhiều vụ án oan khác nữa
Nhân có vụ án oan 10 năm này, người dân mới lại được biết thêm còn nhiều vụ án oan nữa đã từng xảy ra. Đấy là chưa kể còn có thể có những vụ "chìm xuồng" luôn, nằm mãi trong bóng tối. Hãy tạm kể vài vụ án "điển hình" để thấy được tương đối rõ ràng hơn về tình trạng nguy hiểm này đã và đang còn là một mối đe dọa lớn cho người dân lương thiện.

Về án oan sai, chúng ta cần phải khách quan để thấy rằng sự oan sai đã xảy ra ở nhiều quốc gia, từ Cổ chí Kim, từ Đông sang Tây. Thật ra, tư pháp của bất cứ quốc gia văn minh nào cũng vẫn có những án oan sai "chết người." Thế giới từng ghi nhận những án oan chấn động- của Darryl Hunt, Thomas Kennedy, Dewey Bozella (Mỹ), Arthur Allan Thomas (New Zealand), Donald Marshall Jr (Canada)...


Nhưng cũng phải đủ tỉnh táo để nhận ra cơ chế vận hành tư pháp của VN hiện nay rất dễ nảy sinh ra những vụ án oan hơn những quốc gia khác. Chúng ta sẽ phân tích trong vài vụ án sau đây:


Sĩ quan công an cũng bị đồng đội cho ăn đòn độc
Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội kể lại:

Tôi còn nhớ cách đây một năm tôi đã bào chữa trong một vụ án hình sự, bị can là thiếu tá công an tỉnh. Những lần gặp gỡ bị can trước phiên tòa sơ thẩm, anh ta kể với tôi rằng khi anh ta chưa nhận tội thìhàng ngày có ba "bạn tù" vô cớ hành hung, họ không đánh vào mặt mà chỉ đánh vào những phần mềm trên cơ thể, cứ sau mỗi một trận đòn thì anh ta lại được thoa dầu gió để bảo đảm không có vết thâm tím trên cơ thể. Việc này chỉ chấm dứt khi anh ta nhận tội.

Hay như trong vụ án oan của ông Hữu Ước (Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng CA, nguyên Tổng biên tập báo Công an) cách đây 30 năm, nhà báo Nguyễn Như Phong đã viết: không khỏi rùng mình trước những kiểu hành hạ của các ông "cán bộ điều tra."

 
Ông Hữu Ước (Trung tướng CA) từng chịu tù oan 3 năm

Nhà báo Như Phong viết trên Petrotimes, "Khi ra tù, trở về Báo Công An, ông kể cho chúng tôi nghe các kiểu hành hạ ông mà một số cán bộ điều tra đã nghĩ ra. Nghe ông nói mà chúng tôi cứ dựng hết tóc gáy và thầm bảo rằng, nếu mình vào cảnh như thế này, có khi bị bắt phải vu cho bố mình là phản động thì cũng buộc phải khai cho xong để thoát khỏi cực hình."

Sĩ quan công an là đồng đội có khi là cấp trên của mấy anh điều tra viên còn bị chơi "đòn độc" như thế thì những anh dân đen còn bị chơi đòn độc tới đâu. Hãy nhìn qua vài vụ án khác:

Chỉ vì đánh rơi cái đồng hồ bị án tử hình
Ông Bùi Minh Hải ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Chiều tối 24/1/1998, ông ra thị trấn Long Thành đi dự tiệc tất niên với bạn nên mang luôn chiếc đồng hồ hiệu Seiko của con đi sửa. Trên đường quay về, do say rượu nên ông té ngã và làm rơi chiếc đồng hồ bên vệ đường sát vườn điều ở xã Phước Tiền.

Ông Bùi Minh Hải chỉ vì đánh rơi cái đồng hồ bị án tử hình

Sáng hôm sau, ông quay lại tìm chiếc đồng hồ nhưng không thấy. Cũng trong thời điểm ấy, người dân phát hiện thi thể của chị Dung bị giết hại trong tình trạng trên người có nhiều vết đâm, áo bị vén lên ngực. Gần hiện trường vụ án, cơ quan điều tra thu giữ được chiếc đồng hồ Seiko. Chiều cùng ngày, ông Hải bị cảnh sát bắt giữ vì bị tình nghi là thủ phạm giết chị Dung và giấu xác nạn nhân gần nơi chiếc đồng hồ bị đánh rơi.

Suốt thời gian điều tra và xét xử, ông Hải một mực kêu oan và đưa ra các bằng chứng ngoại phạm. Nhưng đến tháng 11/1998, trong phiên xét xử sơ thẩm của Tòa án tỉnh Đồng Nai, Viện kiểm sát (VKS) cùng cấp khẳng định ông Hải chính là thủ phạm trong vụ giết người, cướp của, hiếp dâm và đề nghị mức án tử hình với bị cáo. Tuy nhiên, tòa đã tuyên phạt ông Hải mức án tù chung thân.

Gia đình ông Hải tiếp tục kêu oan vì có nhiều nhân chứng xác nhận khi xảy ra vụ án ông này đang đi nhậu cùng bạn bè. Thời gian ông chờ xử phúc thẩm, tại huyện Nhơn Trạch lại tiếp tục xảy ra vụ án giết người hiếp dâm mà nạn nhân là một bé gái. Trong khi điều tra, CA bắt giữ thủ phạm Nguyễn Văn Tèo. Người này còn thừa nhận là hung thủ hãm hại chị Dung hồi tháng 1 năm 1998.

Ngay sau đó, VKS tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định trả tự do cho ông Hải. Vài tháng sau, vụ án được xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm, ông Hải mới được tòa xác định là vô tội. Cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường oan sai cho ông Hải.

Nhìn thấy thủ phạm giết người cũng bị ngồi tù 16 năm 3 tháng
Bi đát hơn, trong một vụ án khác, ông Trần Văn Chiến (quê Tiền Giang) đã phải ngậm đắng nuốt cay chấp hành bản án chung thân về tội giết người. Cho đến khi ở tù đúng 16 năm 3 tháng, mãn hạn trở về thì hung thủ thực sự của vụ án mới lộ diện.

Anh Trần Văn Chiến bị ngồi tù oan 16 năm 3 tháng

Tai họa bỗng dưng ập xuống gia đình ông Chiến vào một ngày giữa tháng 5/1979, khi anh trưởng công an xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang bị giết. Hôm đó, ông Chiến đang ở cùng người thân thì nghe tiếng kêu thất thanh bên ngoài rồi thấy Trần Văn U, người cùng xã, chạy qua nói "tao vừa giết thằng Sên" rồi vụt mất. Tuy nhiên, 2 ngày sau ông Chiến cùng một số người khác trong xóm bị bắt với cáo buộc phạm tội giết người.

Cũng như thời gian điều tra, trong phiên xử sơ thẩm ngày 20/3/1980 của tòa án tỉnh Tiền Giang, ông Chiến không nhận tội và khẳng định hung thủ của vụ án chính là Trần Văn U. Tuy nhiên, tên này bỏ đi biệt tích và không có cách nào chứng minh mình bị oan nên ông Chiến vẫn bị tòa tuyên mức án chung thân. Sau hơn 16 năm 3 tháng ngồi tù, đến tháng 8/1995 ông mới được tại ngoại!

Hai năm sau ngày ông Chiến ra tù, Trần Văn U - kẻ sát hại anh công an xã của gần 20 năm trước mới xuất hiện và bị bắt. Tại phiên tòa ngày 5/7/2001, U khai chỉ một mình gây án, không liên quan gì đến ông Chiến. Đến cuối năm 2004, ông Chiến được Tòa án tỉnh Tiền Giang công khai xin lỗi và đền bù oan sai.

8 người bị giam oan ở Bắc Giang
Tám công dân bị giam oan cùng với thời điểm diễn ra việc điều tra, truy tố và xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn (năm 2003-2004). Một người trong số đó đã chết trước khi được tuyên vô tội.

Ngày 8-11 vừa qua, luật sư Hà Đăng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết đó là vụ trộm cắp tượng, cổ vật ở nhiều đình, chùa tại tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6-2001 đến tháng 7-2003. Cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang cáo buộc 8 người gây ra hàng loạt vụ trộm cắp này.

Ông Dương Phúc Thịnh, một trong 8 người dân ở Bắc Giang bị tù oan  

Trải qua 3 phiên tòa, các Hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn không thể buộc tội ông Thịnh cùng những "đồng phạm" vì thiếu chứng cứ. Tại phiên tòa lần thứ 4 diễn ra vào tháng 6-2006, Tòa án tỉnh Bắc Giang đã phải tuyên cả 8 bị cáo vô tội và trả tự do ngay tại tòa. Nhưng trước đó, ông Phan Hữu Hường đã chết bất thường trong trại tạm giam Kế với kết luận bị bệnh (?!).

Cả 8 anh dân đen bị truy tố oan trong vụ trộm cắp cổ vật là trong các phiên tòa do Tòa án tỉnh Bắc Giang xét xử, họ đều nói bị ép cung, dùng nhục hình trong khi bị giam giữ, lấy lời khai...


Tôi chỉ tường thuật sơ lược vài vụ án oan vừa được phanh phui. Chỉ nhìn vài vụ án trên từ anh CA đến anh dân đen bị tù oan, chúng ta thử tìm hiểu xem tại sao lại có tình trạng này.

Coi nghi phạm là tội phạm và là kẻ thù 
Đầu tiên phải xuất phát từ quan điểm của cơ quan điều tra, của điều tra viên. Khi bắt đầu điều tra một vụ án, các điều tra viên luôn coi các bị can là tội phạm, là kẻ thù và dùng mọi biện pháp có thể để bị can nhận tội.

Một cuộc lấy cung bị cáo tại cơ quan điều tra

Điều này rõ ràng là sai hoàn toàn, bởi lẽ một người chỉ bị coi là tội phạm khi có bản án của Tòa án, do vậy các điều tra viên chỉ cần làm đúng bổn phận của mình nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, việc xác định sự thật của vụ án phải bảo đảm được tính khách quan, toàn diện và đầy đủ mà không nhất thiết cứ phải buộc bị can nhận tội.

Ngay cả trong trường hợp bị can nhận tội thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng không được căn cứ vào duy nhất tình tiết đó để buộc tội bị can, bị cáo. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra và xét xử cho thấy, cơ quan điều tra nói riêng và các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung lại thường "quên" quy định mang tính nguyên tắc này.

Trong thời gian điều tra vụ án là một thế giới vô cùng bí ẩn, vẫn tồn tại những hình thức bức cung, nhục hình còn ghê gớm, tinh vi hơn nhưng không được công bố. Chỉ đến khi án oan bị lộ như vụ Nguyễn Thanh Chấn, vụ của mấy anh CA bị tù oan... thì một vài góc khuất của thời gian làm án mới được lật tẩy. Tới lúc ấy, những nạn nhân kia đã nếm đủ đau thương, đắng cay nhất đời người.

Phải loại bỏ ngay những hành động mang tính dã man này. Các luật sư phải có quyền có mặt ngay khi khi bị cáo được hỏi cung. Và các điều tra viên cũng nên nhớ rằng thái độ hành động của các anh dù 10 hay 20 năm sau vẫn còn được điều tra lại.

Luật sư hoàn toàn lép vế trước tòa
Một điều đáng quan tâm nữa đó là, trong khi ở hầu hết các nước trên thế giới đánh giá cao vị trí, vai trò của luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án thì ở VN điều đó lại chưa được như vậy. Mặc dù theo quy định của pháp luật (Điều 58 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự ( BL TTHS) người bào chữa hoàn toàn có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tuy nhiên những quy định này lại không ràng buộc cơ quan điều tra phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phối hợp với luật sư trong các hoạt động điều tra vụ án.

Do vậy, CQĐT thường dùng rất nhiều rào cản để hạn chế sự tham gia của luật sư trong giai đoạn điều tra vụ án, luật sư chỉ được sao chụp hồ sơ vụ án sau khi kết thúc giai đoạn điều tra.

Luật sư thua hoàn toàn
Thế nên nhiều vị luật sư biết vụ án còn nhiều nghi vấn, bị cáo có thể bị oan, nhưng đành "chào thua" tòa án, đành ngậm bồ hòn làm ngọt, nhìn thân chủ của mình đi vào nhà tù, vụ luật sư Nguyễn Đức Biền bào chữa cho ông Chấn cũng vậy.

Để tránh tình trạng "luật rừng" này, pháp luật cần phải có những quy định nhằm bào đảm quyền cho luật sư: sự có mặt của luật sư trong khi hỏi cung là bắt buộc, thậm chí biên bản hỏi cung cũng bắt buộc phải có chứ ký của luật sư, nếu thiếu chữ kỹ trong các biên bản hỏi cung thì biên bản đó sẽ không có hiệu lực. Khi đó, hy vọng sẽ không có bất kỳ sự ép cung hay nhục hình nào có thể xảy ra, đồng nghĩa với việc giảm thiểu được đáng kể những vụ án oan.

Đòi bằng chứng ép cung chỉ có trời biết
Luật sư Trương Anh Tú cho biết: Có một thực trạng, tại hồ sơ vụ án, các bị can thường hay nhận tội nhưng khi đến phiên tòa bị cáo lại phản cung và không nhận tội với lý do bị các bị can bị ép cung và dùng nhục hình trong khi bị điều tra. Trường hợp này, Tòa án cũng như Kiểm sát viên thường có câu hỏi, "Bị cáo nói thế thì có gì để chứng minh không?" Khi đó, tất cả bị cáo đều im lặng.... Không im lặng sao được khi trong chốn lao tù chỉ có trời biết, đất biết, điều tra viên biết! Thế nhưng, câu hỏi tàn nhẫn và vô cảm đó cứ lặp đi lặp lại trong nhiều phiên tòa mà luật sư Trương Anh Tú tham gia cũng như nhiều phiên tòa khác.

Danh tính và chức vụ những người đã trực tiếp điều tra ông Chấn
Trong vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn thì rõ ràng cái sai đầu tiên là thuộc về công tác điều tra. Chưa bàn đến chuyện các điều tra viên đã dùng nhục hình bức cung, mớm cung, dụ cung với bị can mà ngay trong khâu thu thập chứng cứ, đánh giá tài liệu, giám định dấu vết... cũng đã có quá nhiều sai sót. Vậy những ai đã tham gia điều tra vụ án này từ đầu? Đó là các ông:

1. Thái Xuân Dũng, khi đó là Phó thủ trưởngcơ quan điều tra, Phó phòng Cảnh sát điều tra (PC16 ngày ấy). Ông Dũng là người ký kết luận điều tra vụ án để chuyển Viện Kiểm sát tỉnh Bắc Giang truy tố Nguyễn Thanh Chấn. Nay ông Thái Xuân Dũng đã là Đại tá, Chánh thanh tra Công an tỉnh.
2. Ông Lê Văn Dũng, ngày ấy là Phó phòng Cảnh sát điều tra trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Nay ông Dũng là Đại tá, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47).
3. Ông Nguyễn Đình Dung là điều tra viên chính của vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Nay ông Dung là Thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
4. Ông Trần Nhật Luật là điều tra viên, nay là Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
5. Ông Đào Văn Biên, điều tra viên, nay là Phó trưởng phòng PC45.
6. Ông Nguyễn Trung Thành, điều tra viên, trực tiếp hỏi cung Nguyễn Thanh Chấn. Nay là Phó trưởng phòng Công tác Đảng, công tác quần chúng.
7. Một điều tra viên tên là Tân, đã chết.

Tất cả điều tra viên đều không nhận tội 
Chiều ngày 7-11-2013, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Minh đã yêu cầu các cán bộ điều tra trực tiếp điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn phải làm bản tường trình báo cáo lại toàn bộ quá trình điều tra vụ án này. Tuy nhiên sau đó, ông Minh cho biết các điều tra viên trực tiếp điều tra, xét hỏi ông Chấn hơn 10 năm trước đã hoàn tất việc giải trình mà theo đó "không thấy có vấn đề gì."

Tất cả các điều tra viên trong vụ án của ông Chấn trước đây đều phủ nhận việc ép cung, đánh đập và hướng dẫn ông Chấn khai vào bản cung.

Điều này chẳng có gì lạ, ngay từ trước khi các điều tra viên này viết tường trình, người dân đã có thể tin chắc 100% là không ông nào chịu khai có ép cung, có hành hạ ông Chấn, dại gì mà xưng tội để mất hết những gì đã kiếm được. Và họ tin rằng chẳng có gì làm bằng chứng họ đã ép cung, đã bắt ông Tân phải viết đơn thú tội.

Sau khi nghe tin này ông Chấn nói gì?
Sau 7 ngày trở về đoàn tụ cùng gia đình, khi biết tin các điều tra viên đều phủ nhận việc ép cung, đánh đập mình, ông Chấn cho biết, "Tôi không nhất trí đâu. Tôi đề nghị tôi đi tù bao nhiêu năm thì yêu cầu các điều tra viên cũng phải đi tù như tôi bằng ấy năm. Tôi đã nói là Ngô Đình Tân, Trần Nhật Luật và Ngô Đình Dung có đánh tôi rồi cho chuyển từ buồng giam này sang buồng giam khác nhiều lần, ác ý là cho vào buồng để đầu gấu đánh tôi. Họ bắt làm hết cái nọ đến cái kia, rồi vô lý bảo tôi viết đơn xin đầu thú, trực tiếp Ngô Đình Dung bắt tôi viết đơn đầu thú và bắt tôi đọc lại đơn nhiều lần."

Tòa đọc bản án như đọc sớ
Theo ông Chấn, khi ra tòa ông Chấn đã kêu oan với Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm, phúc thẩm nhưng không được chấp nhận. "Ra tòa tôi cũng nói, nhưng rồi lại không cho tôi nói, bảo phải trả lời theo hồ sơ bản án. Khi đến tòa phúc thẩm tôi cũng trình bày như thế, tòa thì cũng cứ đọc như các cụ đọc sớ. Mà cái phiên tòa trước, tòa cũng chỉ định luật sư và luật sư cũng nói rằng: "Sao em không giết người mà em lại nhận như thế. Tôi bảo các điều tra cứ bắt tôi tập tành thành thục, từng động tác bê người bị hại thế này thế nọ..."

   
Luật sư Nguyễn Đức Biền đã thất bại
trong vụ bào chữa cho ông Chấn

Cụ thể, đó là các điều tra Trần Nhật Duật, Ngô Văn Tân, Ngô Đình Dung và cả kiểm sát viên Đặng Thế V. cũng vào dọa dẫm tôi, bắt tôi ký. Nhiều hôm (họ) bắt tôi làm cả đêm, diễn đi diễn lại cái động tác ấy, lúc thì bên phải, lúc thì bên trái cứ lộn ngược lung tung, sau rồi tôi cũng đành theo ý của họ, luyện tập một cách thành thục, sau đó đến buổi quay thì mượn một nhà dân cũng sang trọng, vôi vẽ xanh ngoài cổng."

Ông Chấn cùng mẹ và các bạn học cũ khi trở về sau 10 năm tù oan

Sau khi ngồi 10 năm tù với án chung thân về tội giết người, vợ ông Nguyễn Thanh Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến đã gửi đơn kêu oan cho chồng, cùng với đó là hành trình truy tìm thủ phạm gần 10 năm để minh oan cho ông Chấn.

 
Bà Nguyễn Thị Chiến, người suốt 10 năm không quản mưa nắng,
đắng cay đi tìm công lý cho chồng.

Ông Chấn buồn bã nói. "Cảm xúc của tôi lúc đó thì, tôi nói rằng rất đau lòng, cả một cơ quan công quyền mà không điều tra được mà phải để vợ tôi mới lớp học hết lớp 3, lớp 4 đi tìm vụ án, rồi mới biết." 

Tôi không thể kể hết những đắng cay, oan khổ mà ông Chấn đã tâm sự trong cái địa ngục này. Không biết những lời lẽ đầy máu và nước mắt đó có ai chịu nghe không hay chỉ có bà con mình nghe với nhau thôi?

Văn Quang