27 January 2013
NHỮNG NGUYỆN ƯỚC BƯỚC SANG XUÂN QUÝ TỴ
24 January 2013
Thế Nào Là Tiếng Việt Trong Sáng? (II)
Đào Văn Bình
Tiếng Việt Trong Sáng là một đề tài - không phải mình tôi - mà đã có rất nhiều người lên tiếng và lên tiếng từ lâu. Cứ thử vào Google rồi đánh máy "Tiếng Việt Trong Sáng" chúng ta sẽ thấy biết bao bài viết ở trong lẫn ngoài nước than phiền, kêu cứu về nguy cơ tiếng Việt có thể bị biến dạng. Sở dĩ tiếng Việt bị biến dạng vì nó được dùng chen với tiếng Tây tiếng Mỹ "ba rọi", sáng tác những từ ngữ lạ lùng, câu văn què, câu văn tối nghĩa, câu văn làm dáng, câu văn dùng chữ không chính xác. Nếu tệ nạn này không được chấn chỉnh kịp thời, với sự ra đời của cả ngàn trang thông tin điện tử trong và ngoài nước, với số lượng người đọc có thể lên tới cả triệu, loại "tiếng Việt lạ lùng"," tiếng Việt kinh hoàng" này sẽ lần hồi trở thành "tiếng Việt chính thống" và khi đó ngôn ngữ Việt vô phương cứu chữa. Do đó sau bài viết "Thế Nào Là Tiếng Việt Trong Sáng" phổ biến ngày 2/1/2013 tôi thấy cần viết thêm về đề tài này không ngoài mục đích đóng góp phần nhỏ bé của mình vào gia tài ngôn ngữ Việt Nam.
Đọc một đoạn văn gẫy gọn, súc tích, giản dị, trong sáng, ý nhị, bóng bẩy người ta thích thú bao nhiêu thì đọc một đoạn văn lai căng, hổ lốn, què cụt, dị hợm người ta khó chịu bấy nhiêu. Ngày xưa các cụ nhà Nho thường khen ngợi, nào là "văn hay chữ tốt", lời văn như "nhả ngọc phun châu". Tại sao bây giờ cháu con lại phải đối đầu với vấn nạn "Tiếng Việt Trong Sáng" ?
Văn chương và ngôn ngữ không phải là chuyện đùa rỡn. Nó là di sản văn hóa, là kết tụ tinh hoa bao đời do cha ông truyền lại, chúng ta phải kế thừa và phát huy cho mỗi ngày thêm sáng đẹp. Hiện nay với trào lưu toàn cầu hóa, việc trao đổi du học sinh là chuyện bình thường. Cứ thử tưởng tượng các sinh viên từ Nhật Bản, Mỹ, Úc Châu, Âu Châu với một nền văn hóa rất cao, tới Việt Nam họ phải học hoặc tiếp cận với loại "tiếng Việt lạ lùng" này họ sẽ nghĩ thế nào? Rồi mỗi ngày tùy viên văn hóa của cả trăm tòa đại sứ phải đọc sách báo Việt, dịch tin chuyển về nước, họ sẽ nghĩ sao? Câu nói "Nước Việt ta có 4000 ngàn năm văn hiến" có còn giá trị nữa không? Hay nó chỉ như bức hoành phi sơn son thếp vàng lộng lẫy treo đó để cháu con vái lạy rồi bức hoành phi mỗi ngày mỗi mục nát?
Rất may, bên cạnh dòng thác lũ "tiếng Việt lạ lùng" đó, đọc những bài viết, biên khảo, những bản dịch của những học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, một số trang điện tử đứng đắn như Nghiên Cứu Biển Đông, chúng ta thấy ấm lòng rằng tiếng Việt mẫu mực vẫn còn đó nhưng khốn thay, nó lại rất cô đơn và đang bị xâm hại, sói mòn bởi dòng thác lũ tiếng Việt lai căng, hổ lốn.
Nghị luận về "Tiếng Việt Trong Sáng" không phải là chuyện mỉa mai công kích. Mỉa mai, công kích nhau để làm gì? Cái nguy hiểm của bất kỳ xã hội nào là thấy điều sai mà không nói ra. Do đó đây chỉ là cách "chẩn bệnh" và bảo nhau tìm phương chữa trị. Nếu đã gọi là "chẩn bệnh" thì phải làm tới nơi tới chốn. Bệnh trầm kha mà nói cảm cúm sơ sài là giết người ta. Nếu chúng ta viết thư cho bạn bè, người yêu rồi gửi qua đường bưu điện chỉ có bạn hoặc người yêu của ta đọc thì…viết sao cũng được. Nhưng nếu bài viết được đưa lên một trang thông tin điện tử thì có thể có cả triệu người đọc. Nếu nó lại là loại "tiếng Việt ba trợn" thì nguy hại vô cùng. Thế hệ trẻ không rành tiếng Việt tưởng đó là tiếng Việt mẫu mực cứ thế bắt chước thì tiếng Việt không còn ra thể thống gì nữa.
Hiện nay loại loại "tiếng Việt lạ lùng", "tiếng Việt kinh hoàng" xuất phát nhiều nhất từ các báo điện tử. Nội dung của các trang tin này bao gồm: quảng cáo thương mại, các vụ tai tiếng, các buổi trình diễn ca nhạc, ca sĩ, tài tử, người mẫu, chuyện phòng the pha chút dâm ô, ghen tuông, ly dị, ngực to, chân dài, son phấn v.v… Còn tin tức trong nước thì do các thông tín viên gửi về, có khi cũng "cóp" (chép lại) từ bản tin địa phương. Tin thế giới thì dịch vội từ các bản tin của AFP, UPI, AP, Reuters hoặc trên Yahoo. Ngoại trừ các trang nghiên cứu quốc phòng và Biển Đông, hầu hết các báo điện tử ở trong nước đều đưa tin về bóng đá khắp thế giới như thể bóng đá là món ăn không thể thiếu của 89 triệu dân Việt Nam.
Tôi thông cảm với nghề làm báo phải chạy đua với thời gian, phải cạnh tranh với đồng nghiệp trong việc loan tin sớm sủa, hấp dẫn, do đó sản phẩm đều thuộc loại "mì ăn liền". Khi đã là sản phẩm "mì ăn liền" thì thường hối hả và không được kiểm soát chặt chẽ do đó có nhiều sơ hở, khuyết điểm. Tuy nhiên báo chí là một bộ phận của văn chương, nếu cẩu thả sẽ gây nguy hại cho ngôn ngữ của dân tộc. Trên tinh thần đó tôi mong quý vị chủ biên, chủ nhiệm, chủ bút các báo điện tử hãy coi lại. Hãy thảo luận và kiểm soát thật kỹ trước khi một bài viết, một bản tin được đưa lên. Ai cũng phải học hỏi thêm, ai cũng phải thận trọng, đó là quy cách làm việc đúng đắn ngàn đời. Nếu mình chưa "chắc ăn" về trình độ Việt Ngữ của mình thì nên ghi danh theo học một lớp Văn Chương Việt Nam ở các đại học. Ỡ Mỹ này, tu nghiệp, học thêm là điều rất tốt để mở mang kiến thức. Vả lại "Học vô tiên hậu, đạt giả vi sư", tức là chuyện học không cần biết trước-sau. Ai thành đạt đều kể là bậc thầy và có thể dạy kẻ khác- kể cả người học trước mình.
Trong bài viết phổ biến ngày 02/1/2013 tôi đã gợi ý muốn có một câu văn trong sáng thì chúng ta cần tránh một câu văn tối nghĩa, một câu văn què, một câu văn gây hiểu lầm, một câu văn thừa, một câu văn không chỉnh, một câu văn thô tục và một câu văn lai căng. Dưới đây là một số ví dụ điển hình.
Câu văn tối nghĩa:
Câu văn tối nghĩa làm người đọc nhức đầu vì không hiểu người viết nói gì, chẳng hạn như:
-Báo Lao Động ngày 17/1/2013: "Trung Quốc tức giận vì Myanmar lại lạc đạn." Đây là câu văn tối nghĩa hoặc chẳng ra làm sao cả. Câu văn rõ nghĩa là "Trung Quốc tức giận vì Myanmar bắn lạc đạn qua họ."
-BBC tiếng Việt ngày 06/12/2012: "Kêu gọi hủy buộc tội tài xế TQ ở Singapore." Thú thực đọc tiêu đề trên tôi muốn nhức đầu và không hiểu tác giả muốn nói gì. Sau khi đọc nội dung tôi mới rõ nghĩa. Thì ra ông ký giả muốn đưa tin một nhóm nhân quyền ở Singapore kêu gọi hủy bỏ cáo buộc (của chính phủ) đối với một số công nhân Trung Quốc đình công trái phép. Do đó câu văn rõ nghĩa hơn phải là, "Kêu gọi hủy bỏ cáo buộc tài xế TQ ở Singapore."
-Báo VnExpress (Tin nhanh Viêt Nam) ngày 17/1/2013: "Sát thủ cuồng bạo tiếp tục bị phạt tử hình." Đây là câu văn hết sức tối nghĩa. Sau khi đọc kỹ nội dung tôi mới hiểu ra Tòa Án Nhân Dân Tối Cao đã y án tử hình mà tòa dưới đã tuyên đối với một sát thủ hiếp dâm em bé 8 tuổi và cầm dao chém chết em bé 4 tuổi đang khóc. Như vậy thì tiêu đề trong sáng, rõ nghĩa hơn phải là "Sát thủ cuồng bạo bị y án tử hình".
-Báo Kinh Tế Saigon Online ngày 29/12/2012: "Bay TPHCM-Bangkok với giá không đồng." Đây là câu văn nghĩa tối mò. Dù đã đọc phần giải thích dài dòng ở dưới tôi vẫn không hiểu tác giả nói gì. "Đường bay TPh. HCM- Bangkok giá đặc biệt"? (trong khoảng thời gian nào đó). Hoặc giá cả khác nhau? Hoặc có giá khác (trong khoảng thời gian quảng cáo)? Không ai hiểu ra làm sao!
-Báo Phụ Nữ Today ngày 19/1/2013: "Bất thường về chất lượng đàn ông, quảng cáo cường dương thịnh". Chỉ đọc tiêu đề này thôi và không đọc phần nội dung, tôi dám cam đoan không ai hiểu tiêu đề nói gì. Sau khi đọc kỹ phần nội dung tôi mới hiểu, à thì ra: Do khả năng sinh con không bình thường (khá nhiều nơi quý ông) cho nên nở rộ chuyện quảng cáo bán thuốc cường dương (để hốt bạc). Thế nhưng tác giả đã viết một bản tin thật "kinh hoàng". Câu "quảng cáo cường dương thịnh" hoàn toàn là tiếng Tàu 100%.
-Báo Phụ Nữ Today ngày 19/1/2013: "Nguyễn Nhật Ánh: Nhà văn bắt đầu từ những con chữ". Thật kinh hoàng! Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa nghe người ta nói "con chữ" bao giờ mà chỉ nghe người ta nói con chó, con mèo, con tôm, con cua v.v..Thế mà ngày nay lại có ông "nhà văn" gọi chữ là "con chữ"! Thực ra ông "nhà văn" này muốn nói nhà văn bắt đầu từ "chữ nghĩa", nhưng vì thiếu ngữ vựng cho nên ông mới phang bừa là "con chữ". Thật là một câu văn để đời!
-BBC Tiếng Việt ngày 21/1/2013: "Bộ trưởng Kinh tế người Đức gốc Việt sắp thôi dẫn dắt đảng Tự do Dân chủ vì thiếu ủng hộ trong đảng." Đây là đề tài chính trị lớn mà chữ dùng lại "bình dân" quá. Ngoài ra hai chữ "sắp thôi" không tìm thấy trong Từ Điển Việt Nam và nó cũng không phải tiếng Việt. "Sắp thôi" nghĩa là "sẽ không còn". Nếu đúng vậy thì câu văn sẽ gọn nhẹ như sau, "Bộ trưởng Kinh tế Đức gốc Việt sẽ không còn lãnh đạo Đảng Tự Do Dân Chủ vì thiếu sự ủng hộ trong đảng."
Câu văn què
Câu què là câu văn chưa đủ nghĩa, chẳng hạn như:
-BBC tiếng Việt ngày 16/1/2013: "Thủ tướng VN cứu trung tâm gấu". Câu hỏi đặt ra ở đây là, "trung tâm gấu" là trung tâm gì? Nếu có "trung tâm gấu" thì sẽ có "trung tâm chó, trung tâm mèo, trung tâm voi" v.v.. Đây là câu văn què vì nó chưa đủ nghĩa. Câu văn đủ nghĩa là "Thủ tướng VN cứu trung tâm bảo vệ gấu".
Câu văn gây hiểu lầm hoặc có thể hiểu theo hai nghĩa:
-Báo Tuổi Trẻ Online ngày 17/1/2013: "CSGT đeo thẻ xanh mới được dừng xe." Câu văn này có thể gây hiểu lầm là CSGT có đeo thẻ xanh mới được ngừng xe ở một chỗ cấm ngừng xe nào đó. Câu văn rõ nghĩa hơn phải là, "CSGT đeo thẻ xanh mới được quyền chặn xe." Viết một câu văn gây hiểu lầm hết sức tai hại trong các lãnh vực như: luật pháp, hiến pháp, khế ước, cam kết, các hiệp ước, công ước, các tuyên bố chung v.v…
Câu văn thừa:
-VOA tiếng Việt ngày 17/1/2013: "Tài xế xe buýt chở học sinh ở New York đình công...". Chữ "buýt" ở đây thừa vì ở Mỹ xe chở học sinh chính là xe " bus". Do đó câu văn không thừa là "Tài xế xe chở học sinh ở New York đình công..."
-Báo VOV Online ngày 18/1/2013: "Tân thủ tướng Nhật thăm chính thức Thái Lan." Tôi không rõ thế nào là "thăm chính thức" và thế nào là "thăm không chính thức"? Theo tôi, khi vị thủ tướng vừa lên máy bay thăm viếng nước A chẳng hạn thì báo chí có thể loan tin "Thủ tướng đã chính thức lên đường thăm…" Thế nhưng khi vị thủ tướng đã đến rồi và báo chí có bài tường thuật cùng hình ảnh thì không cần hai chữ "chính thức"nữa (vì đã chính thức quá rồi). Dùng thêm hai chữ "chính thức" là thừa. Khi đó tiêu đề sẽ là, "Tân thủ tướng Nhật công du/thăm Thái Lan."
-Báo Kinh Tế Saigon Online ngày 18/1/2013: "Việt Nam sẽ phải nhập tôm nguyên liệu nhiều hơn." Thú thực khi đọc xong tiêu đề này tôi không hiểu "tôm nguyên liệu" là tôm gì. Sau khi đọc phần chi tiết tôi mới vỡ lẽ ra đây là tôm mua về không phải để ăn mà để chế biến sản phẩm như bánh phồng tôm, mắm tôm v.v…Nếu đúng như vậy thì hai chữ "nguyên liệu" là thừa. Câu văn gẫy gọn hơn sẽ là, "Việt Nam sẽ phải nhập cảng nhiều tôm để chế biến sản phẩm."
BBC tiếng Việt ngày 19/1/2013: "Thêm vụ thảm sát đẫm máu ở Syria". Câu văn này thừa bởi vì "thảm sát" đã là kinh hoàng, máu đổ thịt rơi rồi mà còn thêm "đẫm máu" nữa là thừa. Nói "thảm sát đẫm máu" cũng giống như nói "Một cuộc biểu tình vĩ đại thật đông người."
Câu văn làm dáng:
-Báo VnExpress.net ngày 1/10/2012: "Đường phố ngập nặng vì triều cường." Câu văn quý ở chỗ giản dị, trong sáng và không nên dùng chữ "đao to búa lớn". Câu văn giản dị là, " Đường phố ngập nặng vì nước dâng cao."
-Báo Vietnam.net ngày 24/4/2012: "Xe siêu trường siêu trọng chất đầy gỗ cao vút…" Nên giản dị hóa bằng câu "Xe quá nặng quá dài chất đầy gỗ cao vút…"
-BBC tiếng Việt ngày 19/1/2013: "Các tàu hải giám và máy bay tuần tra của Trung Quốc đã ngày càng tăng tần suất xuất hiện tại khu vực quần đảo này." Các chữ "tần suất xuất hiện" có vẻ như để làm dáng và lủng củng, nên thay bằng những chữ giản dị hơn, chẳng hạn như "số lần xuất hiện". Nếu thế, câu văn sẽ gọn lại như sau: "Số lần xuất hiện của các tàu hải giám và máy bay tuần tra Trung Quôc ngày càng gia tăng tại khu vực quần đảo này." Hoặc giản dị hơn nữa, chúng ta có thể viết: "Các tàu hải giám và máy bay tuần tra Trung Quốc ngày càng gia tăng hiện diện tại khu vực quần đảo này."
-Báo VnExpress.net ngày 20/1/2013 "Nghỉ Tết dài ngày, nhiều gia đình lên kế hoạch du lịch". Các chữ "lên kế hoạch" nên dùng trong các lãnh vực thuộc nhà nước, chính phủ, công ty to lớn v.v…Còn đối với, cá nhân, gia đình thì chỉ cần nói, "Nghỉ Tết dài ngày, nhiều gia đình tính chuyện du lịch."
Câu văn dùng chữ không chỉnh:
-BBC tiếng Việt ngày 16/1/2013: "Sinh viên VN ở Singapore bị tội sàm sỡ." Không ai nói "bị tội" cả, mà là "phạm tội" chẳng hạn như: phạm tội biển thủ, phạm tội hiếp dâm, phạm tội lường gạt. Nhưng người ta lại nói, "bị phạt, bị kết tội.." Cho nên câu văn chỉnh phải là: "Sinh viên VN ở Singapore phạm tội sàm sỡ."
-Báo RIF (Radio France International) ngày 18/1/2013: "Về phần Liên Hiệp Châu Âu, Ngoại trưởng 27 thành viên đã nhất trí gửi gần 500 giảng viên quân sự qua Mali." Từ "giảng viên quân sự " không đúng mà phải nói là "huấn luyện viên". Nếu là sĩ quan thì gọi là "sĩ quan huấn luyện". Nếu hạ sĩ quan thì gọi là "hạ sĩ quan huấn luyện".
-BBC tiếng Việt ngày 18/1/2013: Tour de France đã được Ban Việt Ngữ BBC dịch là "Vòng đua nước Pháp". Tour de France có từ 1903 và đã được Miền Nam phiên dịch ra từ hơn 60 năm nay là "Vòng Pháp Quốc". Có thể Ban Việt Ngữ BBC gồm những bạn trẻ cho nên ít hiểu biết về những gì xảy ra cách đây khoảng nửa thế kỷ.
-Báo Phụ Nữ Today ngày 22/1/2013: "Mỹ Tâm thua thuyết phục Hà Hồ". Tại sao có chuyện "thua thuyết phục" và "thắng thuyết phục"? Mà thuyết phục ai ở đây? Tiếng Việt có nhiều cách nói giản dị, dễ hiểu hơn sao không dùng? Chẳng hạn như" "Mỹ Tâm thua Hà Hồ rõ ràng", hoặc "Hà Hồ thắng Mỹ Tâm rõ ràng", hoặc "Không thể chối cãi/biện minh là Mỹ Tâm đã thua Hà Hồ".
Câu văn chen tiếng Tây tiếng Mỹ "ba rọi"
-BBC tiếng Việt ngày 13/11/2012: "Vì sao sếp Window 8 ra đi?". Để bảo vệ tiếng Việt trong sáng nên viết "Vì sao người đứng đầu Window 8 ra đi?"
-Báo Giáo Dục Việt Nam ngày 16/1/2013: "Bí mật tú bà 'điều hàng' bằng nickname 'tiền ơi về đây rồi'". Thực ra tác giả tiêu đề này muốn viết: Tú bà dùng mật khẩu 'tiền về đây rồi" để cho các em nhận ra khách thật, nhưng lại viết chen tiếng Mỹ " ba rọi" là nickname.
-Báo Giáo Dục Việt Nam ngày 08/1/2013: "Top 10 đại học ít tốn kém nhất Vương quốc Anh." Là cơ quan giáo dục dạy học trò về Việt Ngữ lại không biết dịch Top 10= Mười đại học đứng đầu. Thật đáng buồn!
-Báo Phụ Nữ Today ngày 11/1/2013: "Chắn pô làm đẹp xe nhưng lại cắt chân người." Pô ở đây là "ống khói". Tại sao không dùng tiếng Việt cho trong sáng?
-Báo NgoiSao.vn ngày 18/1/2013: "Ngắm sao nữ mặc bikini khoe body đẹp hoàn hảo giữa tuyết lạnh." Thật lai căng hết chỗ nói! Giống hệt như con nít nói tiếng Việt ở Mỹ.
-Báo 6ix.vn ngày 18/1/2013: "Giảm sốc 70% tất cả các sản phẩm. Đừng bỏ lỡ." Bây giờ các từ "giảm giá kinh hoàng", "giảm giá không tưởng tượng nổi", "giá rẻ mạt" được dịch từ " Shock Sale" thành "Giảm Sốc". Thật là một loại "tiếng Việt kinh hoàng".
-Báo Thanh Niên Online ngày 19/1/2013: "Ngắm "phiên bản" cực dễ thương của sao Hollywood". Mở bất cứ cuốn từ điển English-Chinese nào ra chúng ta sẽ thấy chữ "copy" được người Tàu dịch là "phiên bản". Trong khi đó từ điển English-Vietnamese chữ "copy" được dịch là "bản sao, bản chép lại, bản chụp". Học tiếng Anh tại sao chúng ta không dùng từ điển Anh-Việt mà lại dùng từ điển Anh-Hoa? Đây là lối tự ti mặc cảm, bắt chước Tàu. Cái gì Tàu hay ta bắt chước cũng chẳng sao. Nhưng cái tệ hại của Tàu sao ta rước về?
Câu văn thô tục:
Trên các diễn đàn của người Việt hải ngoại ngày hôm nay xuất hiện quá nhiều những tiếng chửi thề và ngôn ngữ thô tục. Đây là hiện tượng bất thường không thấy cách đây khoảng 15 năm. Thói quen dùng lời lẽ thô bỉ phản ảnh sự tức giận và hận thù quá độ. Dĩ nhiên sự thô bỉ không làm người ta chết, nó không gây bạo lọan, không giết người như bệnh AIDS, Cúm Gà, Cúm Heo, Sóng Thần, Cuồng Phong… nhưng nó làm ô nhiễm đời sống tinh thần và từ từ giết đi tình đồng lọai cao quý. Tại các quốc gia cực đoan Hồi Giáo người ta đang giết nhau bằng bom tự sát. Tại hải ngoại, một số người đang "hạ" nhau bằng những ngôn từ thô bỉ nhất. Chưa biết cái nào di hại hơn cái nào. Bom nổ chết, chôn rồi qua đi. Bài viết muôn đời còn nằm đó trong bộ nhớ của Google!
Đào Văn Bình
(California ngày 22/1/2013)18 January 2013
LỜI THƯƠNG TỪ BÀ QUẢ PHỤ NGỤY VĂN THÀ
(Phỏng theo lời kể của bà Huỳnh Thị Sinh) Hôm đó ra đi anh đã quay về mấy bận Từ chung cư Nguyễn Kim ngó xuống nhìn Và gọi với lên "Tàu còn sửa đến mai!" Được ở nhà mươi hôm anh chăm sóc ba con gái Đứa chín tuổi, đứa sáu năm còn bé út lên ba Các con cũng đã quen với những chuyến xa ba Nên mỗi lần chia tay không đứa nào dám khóc Chỉ bé lớn một lần ngồi cầu thang lau nước mắt Bị bé út "lêu lêu" làm chị nó phải cười xòa Nhưng cái lần cuối này anh đi em thấy điềm rất lạ Anh đứng dưới sân nhìn lên mắt như đẫm lệ nhòa Anh đi rồi làm suốt đêm em không sao chợp mắt Vì có tin quân mình đang đụng giặc tại Hoàng Sa! Chiều hôm sau tin báo về Ngày nào chúng cũng ngồi chờ: "Ba của chúng con đâu?" Em khôn xiết khổ đau tháng ngày ngồi ngóng đợi Và hy vọng thời nay Trời còn có phép màu Giúp kéo tàu Hộ Tống Hạm lên đưa anh về một buổi Thăm lại các con thơ cho chúng vợi buồn đau! Anh ơi! Ba mươi chín năm rồi! Anh đã tròn tuổi bảy mươi Các con của chúng ta nay cũng đã thành gia thất Nhưng em không thể nào tin là anh yêu đã mất Vì đêm nào em cũng nghe tiếng anh gọi: "Em ơi!" Khi đươc trở về trời, ai cũng cần nấm đất Để vợ con ngày tết, ngày mất còn có chỗ cắm nhang Nay anh nằm dưới biển sâu nơi giặc Tàu cưỡng chiếm Ba mươi chín năm trời hồn xác dạt lang thang! Không có anh nhưng vì còn các con, em phải sống! Rồi bán dần thứ nọ thứ kia để nuôi chúng trưởng thành Nay nhà ở cũng đang phải chờ, mấy năm liền thuê trọ Nên chưa có chỗ đặt bàn thờ để treo ảnh của anh! Anh Thà ơi! Em nhớ lắm ngày xưa mỗi lần về nghỉ phép Anh đưa cả bốn mẹ con em tới phố Nguyễn Tri Phương Ăn ốc luộc chấm mắm gừng mồm út cay bật khóc Anh cười hiền ôm dỗ con ngó phụng phịu mà thương! Ôi ước gì em và các con được một lần ra đảo Để thả 74 vòng hoa tang trên biển cả bao la Nguyện cầu hương hồn 74 các anh được về quê ăn tết Để các anh thôi bị giặc Tàu xéo dày giữa Hoàng Sa! Đến mùa bão, ngư dân ta hay vào Hoàng Sa lánh nạn Vẫn thường bị quân Trung Quốc đuổi ra giữa biển khơi Hồn các anh có thiêng xin hãy cứu đồng bào gặp nạn Vì dân Việt Nam mình còn khổ lắm, các anh ơi! Ôi giá em đưa được anh về Trảng Bàng như anh từng ao ước -Nếu anh hi sinh, xin em để xác anh được về lại quê nhà! -Để được nằm gần má, gần ba, gần ông bà nội ngoại! Có ai ngờ xác anh nay trôi dạt mãi Hoàng Sa! Em không dám mơ các anh sẽ được vinh danh, tạc tượng Mà chỉ ước biển đảo quê hương không còn giặc xâm lăng! Cho đất nước bớt lầm than, dân thôi phải bị lao tù oan trái Hà Nội, 18/1/2013 |
16 January 2013
TẾT QUÝ TỴ SẮP ĐẾN RỒI EM ƠI TRỞ VỀ ĐI!
13 January 2013
Những phát ngôn “khủng” nhất năm 2012
Nhân dịp cuối năm, khá nhiều cơ quan lớn nhỏ VN làm tổng kết rất "hoành tráng". Theo lệnh tiết kiệm nên những mục tiệc tùng được giới hạn bớt, nhưng đấy là đứng về phía cơ quan, còn chuyện các quan chức liên hoan riêng theo từng nhóm là chuyện khác, chẳng ai kiểm tra được. Thôi thì "quên nó đi".
Ở một số cơ quan cờ quạt treo tưng bừng cho ra vẻ có "hội nghị tổng kết" chứ chẳng lẽ để nó im lìm như những ngày thường cũng "khó coi". Trong chương trình nghị sự, chắc chắn là phải có mục kiểm điểm thành tích, lại ưu điểm trước, khuyết điểm sau. Phần ưu điểm của địa phương nhà bao giờ cũng lẫy lừng chiếm gần hết phần thuyết trình của ông chủ tịch. Phần khuyết điểm, tồn tại khiêm nhường vì lý do chủ quan khách quan lơ mơ cho phải phép. Rồi "phương hướng nhiệm vụ năm sau" lại tràng giang đại hải với những "quyết tâm" "quyết sách" mới mà không mới, cũ mà không cũ. Rồi vỗ tay, rồi hoan hỉ đón chào Năm Mới. Vui ra phết.
Trong khi đó một vài tờ báo lại oái oăm, tổng kết toàn chuyện "khủng" trong năm. Tất nhiên những chuyện đó được chọn lọc trong số rất nhiều chuyện "khủng" đã từng xảy ra. Chuyện gần nhất và mới nhất phải kể đến chuyện hai Bộ trưởng đích thân đi kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ Đồng Xuân. Các vị này hết lòng lo cho sức khỏe của nhân dân, đây là một hành động "thực tế" phải được nhân dân hoan nghênh. Nhưng tiếc thay, những điều xảy ra hoàn toàn ngược lại.
Các bộ trưởng kiểm tra những gì, kết quả ra sao?
Lâu nay nghe báo chí và các đài phát thanh truyền hình báo động về tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong cả nước rất nguy hại. Hầu như không có thứ nào không có độc. Từ mớ rau đến thịt gà thịt heo, từ các món phụ gia đến bánh kẹo đều bị pha trộn màu mè độc hại. Chưa nói đến các mặt hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc xâm nhập bằng mọi cách đánh lừa người tiêu dùng. Người dân kêu ca và ngộ độc không ít.
Nóng lòng vì tình trạng này, sáng 5-1-2013 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát cùng dẫn đầu đoàn đi kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại chợ Đồng Xuân - chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội.
Hai bộ trưởng đã đến các khu bán hàng khô, bánh kẹo, hàng tươi sống và phụ gia thực phẩm yêu cầu lấy mẫu tương ớt, bóng bì, màu điều, tôm nõn khô, tôm sú tươi… để kiểm tra nhanh và chuyển mẫu về Viện Kiểm nghiệm ATVSTP.
Kết quả kiểm tra tại chỗ cho thấy sản phẩm tương ớt và hạt điều âm tính với phẩm màu, bánh đa nem âm tính với hàn the. Theo một số tiểu thương, đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến một đoàn kiểm tra có nhiều lãnh đạo nnhư thế này. Đúng là "hoan hỉ" thật.
Tiếp đó, đoàn đã đến cơ sở chuyên sản xuất và kinh doanh giò chả, bánh chưng, thịt bò khô, lạp xưởng, ruốc thịt heo Quốc Hương ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Kiểm tra nhanh các chỉ số hàn the, formol, phẩm màu công nghiệp một số sản phẩm ở đây đều cho kết quả âm tính.
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, đoàn do bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã kiểm tra công tác ATVSTP tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Tại cơ sở này, đoàn cũng ghi nhận đã tuân thủ tốt các quy định về ATVSTP.
Tóm lại trong suốt thời gian kiểm tra đủ mọi mặt hàng, cả hai vị Bộ trưởng và "phái đoàn kiểm tra" không tìm ra bất cứ một dấu vết nào về sự độc hại trong các món thực phẩm. Xem truyền hình thấy các cụ trong đoàn và mấy bà bán hàng ở chợ vỗ tay quá trời, hỉ hả nhìn nhau tươi rói.
Ai nói láo ăn tiền?
Như thế té ra lâu nay mấy anh báo chí truyền thanh truyền hình loan tin "bố láo" chăng? Mấy chị bán hàng được thể khoa trương ầm ỹ:
"Nhà báo nói láo ăn tiền" là trúng ngay boong rồi. Có tới 2 Bộ trưởng và cả một phái đoàn hùng hậu đi kiểm tra đấy nhé. Có cái gì độc hại đâu! Chúng tôi làm ăn đàng hoàng mà, chỉ có các ông vu oan giá họa thôi".
Nhưng người dân thì khác. Không ai tin vào cái sự kiểm tra này. Bởi chưa đi kiểm tra, dân bán hàng đã biết ngày giờ các vị đến và còn có thể biết kiểm tra những loại hàng nào. Tất nhiên mấy bà bán hàng chỉ đưa "hàng mẫu" ra cho phái đoàn kiểm tra. Còn bao nhiêu hàng "đểu", hàng giả, hàng có độc được giấu kỹ. Các quan đi rồi lại lôi ra bày bán. Thực phẩm bẩn vẫn tràn lan ở chợ, người tiêu dùng phải nhắm mắt ăn liều vì chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Vậy thì ai "nói láo ăn tiền"? Để chứng minh thực tế hơn, mời bạn đọc những phê phán thật nhất của người dân.
Hãy thôi biểu diễn màn cưỡi ngựa xem hoa
Nhìn thấy những hình ảnh "hoành tráng" của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát kiểm tra thực phẩm tại các chợ ở Hà Nội, nhiều bạn đọc ngỡ ngàng.
Bạn đọc Hoàng Khắc Kha nhận xét:
- "Đi kiểm tra mà rần rần như đi lễ hội như vậy thì làm sao mà phát hiện thực phẩm không an toàn? Sao các vị không thử tìm hiểu xem người dân hàng ngày sinh sống, ăn uống ra sao?".
Trước những hình ảnh kiểm tra nhanh không phát hiện thực phẩm không an toàn, cả đoàn kiểm tra vỗ tay tán thưởng trên truyền hình, bạn đọc Hữu Luân bày tỏ:
- "Quá biểu diễn! Đoàn đi kiểm tra có báo trước không? Cách kiểm tra như vầy là một kiểu hình thức, thông báo cho báo chí đến phỏng vấn chụp hình rồi loan báo: "Chúng tôi có đi kiểm tra thực tế đây, cách kiểm tra như vậy thì tốt đẹp rồi...".
Bạn Teddy tiết lộ thêm:
- "Năm nào chả vậy, cứ năm hết tết đến thì nào là CA Phường, quản lý thị trường, phòng cháy chữa cháy... tấp nập hỏi thăm các công ty trên địa bàn. Mục đích cũng chỉ là thu đủ số phong bì về tiêu tết. Ngày trước ở một số phường còn làm hẳn cái công văn. Năm nay hoành tráng hơn, có cả đoàn cán bộ rất to đi...".
Mang bày hàng toàn những "cử tri mẫu", hàng mẫu
Bạn Vĩnh nêu một cảnh mắt thấy tai nghe:
- "Các vị chỉ cưỡi ngựa xem hoa thôi, nhà tôi tại một chợ nhỏ nên rất dễ phát hiện người bán tẩm hóa chất vào thực phẩm chín, tươi sống như các loại dưa chua tẩm bằng chất bột màu trắng pha vào nước, cá biển tẩm phân u rê, thịt sống thì hàn the....chẳng thấy ai kiểm tra cho nên họ an toàn mà bán..."
Chán nản với cách làm này, bạn đọc Quang Vinh phân tích:
- "Không riêng gì kiểm tra thực phẩm mà bất cứ việc gì khi có đoàn cán bộ lớn đến thì địa phương, cơ quan liên quan được thông báo rầm rộ. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri thì địa phương chọn lọc "cử tri mẫu". Công an kiểm tra lấn chiếm lòng lề đường thì bà con buôn bán được báo trước dọn dẹp cho vừa mắt. Kiểm tra trường học thì học sinh được học trước bài và thực tập để "giơ tay thẳng hay giơ tay cong"... Cái bệnh hình thức đã ăn sâu vào mọi lĩnh vực, mọi hoạt động. Người dân ai cũng biết nên đâu thể "lòe" mãi được. Hãy gắng làm việc gì thực chất đừng cố đóng kịch làm gì".
Điều đáng lo ngại là trước "thành công" của chuyến vi hành này, nhiều người dân sẽ không còn đề phòng với nguồn thực phẩm tại các chợ. Vẫn có người tin vào những cuộc kiểm tra "nghiêm khắc" của các cấp "lãnh đạo" bởi không dám tin vào những ông quản lý thị trường, những ông có nhiệm vụ kiểm soát thực phẩm hàng ngày ở các chợ. Kết quả là người dân lãnh đủ.
Và những phát ngôn "khủng" của chính khách VN
Vào dịp cuối năm này, tờ báo Tiền Phong xuất bản tại VN đã đề cử "10 phát ngôn siêu ấn tượng của quan chức Việt Nam". Báo này viết:
"Năm 2012 chính thức qua đi, nhưng nhiều phát ngôn "siêu ấn tượng" của các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn còn đọng lại trong lòng dư luận.
Tầm ảnh hưởng của những phát ngôn đó đã vượt qua mốc thời gian, không gian mà có thể người phát ngôn cũng khó thể hình dung được, nó cũng thể hiện phần nổi những vấn đề kinh tế, xã hội, y tế tồn tại nổi cộm trong năm qua."
Tôi chỉ xin chọn lọc lại một nửa trong số 10 phát ngôn "siêu ấn tượng" đó cũng đủ để bạn đọc bàn luận dài dài trong lúc trà dư tửu hậu cao hứng đón xuân.
1- Ngây thơ thật chứ không phải "ngây thơ cụ"
Trước hết xin bàn đến phát ngôn của bà Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Cái máu của tôi vẫn vậy, cứ thấy "người đẹp" phát ngôn là đọc trước cái đã. Dù có là chức tước gì chăng nữa, bà vẫn là "liền bà" và lại là "liền bà đẹp" nữa mới chết chứ. Thế thì tội gì không xem trước.
Thật ra lời phát ngôn này tôi đã đọc trong bài tường thuật về phiên trả lời chất vấn ngày 14-11-2012 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội VN khóa XIII. Bà Bộ trưởng đưa ra giải pháp hạn chế tiêu cực trong bệnh viện và nâng cao y đức lương y một lời yêu cầu bất hủ:
"Bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận thì chụp ảnh, gửi cho chúng tôi".
Một giải pháp coi như "mission impossible", ngay cả các điệp viên cũng khó thực hiện được chứ nói gì đến người dân. Làm sao chụp được ảnh mấy ông bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân đây? Có nhận cũng phải nhận kín đáo như các quan nhận tiền hối lộ, tiền lót tay dưới gầm bàn hoặc đưa cho vợ con quan, coi như đây là hành động "tối mật" chứ khơi khơi đứng giữa bệnh viện mà nhận phong bì hối lộ sao, thưa bà Bộ Trưởng? Dư luận râm ran phê phán gay gắt, cho là giải pháp không tưởng. Nhưng tôi thì hơi khác một tí. Tôi cho là lời phát ngôn "hơi bị ngây thơ".
Cái số tôi thường gặp một số người đẹp, nhưng mấy bà ấy "khôn như Khổng Minh, tinh như Tào Tháo", chẳng bà nào chịu "ngây thơ" một tí cho nhà cháu nhờ. Thế nên tôi lại thấy… hơi thích những người đàn bà đẹp có vẻ ngây thơ như thế này. Chắc nhiều nam độc giả cũng có ý thích đó như tôi nhưng "chả dám" nói ra mà thôi. Tôi cam đoan đây không phải là "ngây thơ cụ", tức giả vờ ngây thơ cho duyên dáng thôi. Đây là sự ngây thơ rất thành thật vì phát biểu trước Quốc Hội kia mà. Còn lâu bạn mới gặp được một người đẹp ngây thơ như thế.
2- Viết sách quân sử hay viết binh pháp thay Tôn Tử?
Là dân "nhà banh", cái máu lính vẫn còn trong tôi nên tôi chọn một vị viết sách quân sự hay nhất đứng hàng thứ hai trong số những phát ngôn gây sốc nặng trong năm 2012. Đó là phát ngôn của ông Đại tá chỉ huy "trận đánh" để cưỡng chế đầm của vợ chồng ông Đoàn Văn Vươn. Có lẽ chưa bạn đọc nào quên vụ này, đến nay còn nhiều ông tham dự "trận đánh" đó bị đưa ra tòa.
Ngày 8-1, trả lời phỏng vấn báo chí về vụ việc cưỡng chế đầm của ông Đoàn Văn Vươn, Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng cho rằng: "Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được nhưng trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp…"
Chả biết bao giờ tác giả Đỗ Hữu Ca mới viết thành sách dạy cách đánh trận vào nhà dân tuyệt cú mèo như thế để nước VN có thêm một cuốn binh pháp mới lừng danh thiên hạ? Theo ông thì từ cổ chí kim những chiến thuật… cực kỳ hay ấy "chưa bao giờ có trong giáo án", tức là chưa có sách vở quân sự nào dạy. Sách của ông hẳn là hơn binh pháp Tôn Tử nhiều vì Tôn Tử chỉ biết dạy cách dụng binh lấy ít thắng nhiều, lấy nhu thắng cương chứ không biết dạy cách dụng binh lấy nhiều đánh ít, lấy mạnh thắng yếu, đánh trực diện vào nhà dân. Chắc là sách của tác giả Đỗ Hữu Ca "vừa bán vừa… nghe chửi" cũng đắt hàng.
3- Bao giờ ông Thống Đốc đi nhận giải Nobel?
Là dân "viết lách lăng nhăng" nên nghe tới giải Nobel là tôi khoái rồi, nhưng nếu tôi tơ tưởng mình nhận được giải Nobel, chắc chắn bạn bè và bạn đọc cũng như ngay trong gia đình tôi, từ anh em chú bác đến họ nội ngoại xa gần cho tôi là thằng điên nặng, cần phải tránh xa kẻo có ngày nó đốt nhà. Thế nên khi nghe ông Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước VN Nguyễn Văn Bình nói đến nhận một nửa giải Nobel là tôi hoa mắt đọc liền.
Ngày 13-11, trả lời chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch về sự điều hành kém cỏi của ngành ngân hàng trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, ổn định tỷ giá và câu chuyện quản lý vàng (tại kỳ họp thứ IV quốc hội khóa XIII), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng: "Người ta tìm ra bộ ba bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai".
May quá, cuối cùng hóa ra ông Thống Đốc nói đùa. Nhận nửa giải Nobel, còn một nửa để cho ai đây, ông Thống Đốc? Thôi thì, nếu được, ông cứ nhận cả đi cho dân giàu nước mạnh, ông cũng giàu có phải sướng hơn không? Về nhà nghỉ khỏe, tội gì cứ phải tối ngày đi "căn me" mấy anh ngân hàng lách lãi suất, mấy anh buôn bán vàng lậu, vàng không "chính hãng" SJC? Ông có đi lãnh giải cho tôi đi ké xem nó ra làm sao, ông nhé!
4- Bộ ngành trung ương sẽ nhịn đói khi đến Bắc Trà My
Động đất Thủy điện sông Tranh 2 được nhiều báo bình chọn là một trong sự kiện tốn nhiều giấy mực báo chí và là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2012. Nay động đất lớn mai động đất nhỏ làm người dân hoảng sợ. Nhiều phái đoàn cao cấp đến tận nơi quan sát và tìm biện pháp chống đỡ. Điều này làm phiền các quan chức của huyện không ít. Sáng ra tiếp phái đoàn của Bộ này, chiều đứng nghênh đón phài đoàn của Bộ kia. Mất thì giờ!
Cho nên ngày 20/11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp nghe báo cáo các vấn đề liên quan đến tái định cư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, khẳng định: "Hôm nay, huyện nêu quan điểm khẳng định nếu các sở ban ngành của tỉnh lên khảo sát, kiểm tra tình hình của người dân thì huyện sẽ tiếp, còn các đoàn của Bộ, ngành trung ương vào huyện sẽ không tiếp nữa. Thời gian qua, mỗi lần động đất mạnh thì các đoàn này, đoàn nọ vào nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì, động đất thì càng ngày càng mạnh. Từ nay, thời gian đó huyện sẽ dành giải quyết công việc của địa phương thay vì tiếp đón các đoàn" !
Thế là các phái đoàn trung ương đến Trà My sẽ phải nhịn đói nhịn khát bởi các cụ "chẳng làm được gì" cho bớt động đất. Tiếc rằng các cụ trong đoàn không phải là những ông thần đất, thần đèn, có khi cái bằng đại học cũng là "dỏm" nên không làm được gì là chuyện tất nhiên. Lỗi tại các cụ trong phái đoàn. Cho nhịn đói nhăn răng là hết đến, cái quyết định của ông Phó chủ tịch UBND Bắc Trà My chắc chắn sẽ có hiệu quả, đáng làm gương cho các địa phương khác.
Chỉ sợ Ủy Ban nói thì hăng lắm, nhưng cứ động nghe có phái đoàn trung ương tới lại mũ áo chỉnh tề, chuẩn bị sẵn cơm bưng nước rót, chỗ ngủ tối tân mát mẻ cho các thượng khách. Bởi tương lai của cái Ủy Ban Huyện tùy thuộc vào các "đàn anh" cấp trên. Không ra đón, không có chương trình kế hoạch đàng hoàng có thể bị về vườn như chơi. Có lẽ ông Phó Chủ Tịch phải nghĩ lại ông ạ. Dại gì, thời buổi này chạy vào công chức còm còn mất ít nhất 100 triệu, chạy vào chức của ông tốn kém của núi đấy chứ ít sao. Sách có câu "quân tử nói đi là quân tử dại, quân tử nói lại là quân tử khôn". Ông cứ nói lại là các bác trung ương đến, chúng em sẽ tiếp đãi ra trò, nói nhỏ thôi cũng được.
Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 11.01.2013