16 June 2011

Mỹ công khai toàn bộ hồ sơ mật về chiến tranh Việt Nam cách đây 40 năm

Mỹ công khai toàn bộ hồ sơ mật về chiến tranh Việt Nam cách đây 40 năm


Anh Vũ

Hôm Thứ Hai 13 Tháng Sáu vừa qua, Cơ quan Quản lý Thư khố và Hồ sơ Quốc gia của Hoa Kỳ đã công bố toàn bộ các văn kiện liên hệ đến chiến tranh Việt Nam đã từng bị tiết lộ đúng 40 năm trước dưới tên là "Pentagon Papers". Các văn kiện thuộc loại "mật" và "nhạy cảm" của Bộ Quốc phòng Mỹ có mục tiêu thu thập sử liệu về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ năm 1945 đến 1967 và cuộc chiến tranh được quyết định tiến hành từ năm 1967.

Nhưng, một nhân viên trong toán nghiên cứu này là Daniel Ellsberg đã lén chụp một phần của kho dữ kiện đồ sộ này và tiết lộ cho báo chí. Ngày 13 Tháng Sáu năm 1971, nhật báo The New York Times bắt đầu đăng tải ngay giữa không khí phản chiến của xã hội Hoa Kỳ và hành động này đã trở thành một biến cố chính trị độc đáo và gay cấn trong lịch sử nước Mỹ.

Bốn mươi năm sau, phần còn lại của kho tài liệu được giải mật hết để lưu trữ trong bốn thư viện và đưa lên mạng lưới điện toán cho mọi người tham khảo. Đài Phát thanh Pháp quốc RFI có cuộc trao đổi với bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ về câu chuyện ly kỳ này, mời quý thính giả theo dõi qua phần thực hiện của Anh Vũ.


Anh Vũ: Xin kính chào anh Nghĩa. Thưa anh, thứ Hai vừa qua, phần còn lại của hồ sơ mật của Bộ Quốc phòng Mỹ bị tiết lộ ra ngoài và được gọi là "Tài liệu Lầu năm góc", vừa được giải mật nốt và coi như đã đóng lại một trang sử khác hắc ám của nước Mỹ. Trước khi hỏi anh nghĩ sao về vụ này, xin đề nghị anh nhắc lại về bối cảnh.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đây là một biến cố đáng ghi nhớ và ngợi ca về quyền tự do báo chí của nước Mỹ mà cũng là một vết nhơ về nhiều mặt cho chính quyền Hoa Kỳ. Vì nó liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, biến cố này là một bi kịch. Nhưng khi toàn bộ hồ sơ lại ngẫu nhiên được giải mật đúng vào lúc Trung Quốc uy hiếp Việt Nam thì nó là một hài kịch màu đen!

- Về bối cảnh thì vụ này xuất phát từ một gian ý rất bẩn của Tổng trưởng Quốc phòng Robert McNamara dưới Chính quyền của Tổng thống Lyndon Johnson. Tháng Bảy năm 1967, ông ta bí mật lập ra một nhóm nghiên cứu gồm có ba người thân tín và 36 nhân viên cả quân lẫn dân sự mà giấu cả Tổng thống lẫn nội các và Cố vấn An ninh Quốc gia. Ông chỉ thị cho nhóm nghiên cứu này thu thập các sử liệu về mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam từ sau Thế chiến II đến hiện tại là 1967. Có lẽ mục tiêu của McNamara là sẽ trao kết quả nghiên cứu cho người bạn thân là Nghị sĩ Robert Kennedy để ông này có bửu bối ra tranh cử Tổng thống năm 1968. Ngay từ đầu, ta thấy ra sự lưu manh của tay đại trí thức đang điều khiển cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sau đó là một chuỗi nhơ nhớp khó tưởng tượng nổi trong chính trường Mỹ, kể cả bàn tay dơ bẩn của Tiến sĩ Henry Kissinger giờ vẫn còn sống và cổ võ cho việc hòa giải với Bắc Kinh!

- Trong số 36 phân tích viên của nhóm này có Daniel Ellsberg, cựu chiến binh Thủy quân Lục chiến và nhân viên nghiên cứu của hãng Rand Corporation. Thất vọng với đường lối tiến hành chiến tranh, Ellberg bèn tiết lộ phần trọng yếu nhất của những tài liệu thu thập được, nhờ đó ta thấy ra một chuỗi sai lầm và gian dối đến ghê tởm của hai Chính quyền John Kennedy và Johnson! Vì vậy, tôi mới gọi đó là vết nhơ nhiều mặt của chính trường Mỹ vào thời đó.

Anh Vũ: Thưa anh, thế những tài liệu vừa được giải mật nốt cho phanh phui thêm chuyện gì đáng chú ý không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tổng số phúc trình này dày bảy nghìn trang gồm 47 tập. Phần vừa mới giải mật chỉ là 1/3 còn lại, có 2.384 trang nói chung không bật mí chuyện gì gọi là chiến lược, so với những gì ta đã biết trước đó. Vì quan tâm đến kinh tế, tôi chú ý đến những chi tiết mới tiết lộ về sự lãng phí khi Mỹ viện trợ khoảng hai tỷ đô la cho Việt Nam dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, mà 80% là dành cho an ninh. Chính quyền và bộ máy thư lại của Mỹ đã không xài đúng mục tiêu huấn luyện quân đội Việt Nam Cộng Hoà và để lọt mất mục tiêu mà không đạt kết quả!

- Sau này, nếu có nhiều thời giờ hơn thì các sử gia sẽ nghiên cứu lại kho tài liệu ấy để viết về những lỗi lầm nên tránh trong việc lãnh đạo đất nước và xử lý chiến tranh. Điều đáng phục của nước Mỹ là đã cho phép phanh phui tất cả sự thật khiến các chính trị gia biết sợ mà không dùng thủ đoạn bẩn và đó là một ưu thế của chế độ dân chủ. Phải chi các nước khác cũng dám cho phơi bày sự thật như vậy thì có lẽ người dân sẽ bớt khổ!

Anh Vũ: Thưa anh, nếu tổng kết lại, hồ sơ này bật mí ra chuyện gì là quan trọng nhất, thí dụ như vụ nổ súng tại Vịnh Bắc bộ vào Tháng Tám năm 1964 để Tổng thống Johnson có lý cớ khai chiến chẳng hạn?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vụ đó còn nhỏ vì chỉ là thủ thuật chính trị của Johnson để qua mặt Quốc hội.

- Tôi có cái may, hay cái nghiệp, là được tham khảo tài liệu từ cả hai phía, bên Việt Nam Cộng Hoà và những dữ kiện được Hoa Kỳ giải mật, nên thấy rằng vụ lớn hơn vậy là khi Chính quyền Kennedy quyết định là sẽ lật đổ Tổng thống Diệm, sau đó mới dàn dựng để đánh lừa dư luận.

- Chiến lược hơn và tai hại hơn thì có quyết định của Johnson thả Thủy quân Lục chiến vào Đà Nẵng ngày tám Tháng Ba năm 1965, rồi vì đó lại đổ thêm quân vào Tháng Bảy và cứ thế mà leo thang chiến tranh trong khi vẫn tìm cách đàm phán với Hà Nội. Nếu Hà Nội hiểu ra khi ấy thì chưa chắc đã mắc bẫy Bắc Kinh mà đánh Mỹ cho Tầu!

- Còn việc đổ quân vào Đà Nẵng tiến hành bất ngờ mà Đại sứ Mỹ, Tư lệnh Phái bộ quân sự Mỹ tại Sàigon và cả Chính quyền Sàigon đều không được biết! Nghĩa là Johnson và McNamara nhẩy bổ vào một cuộc chiến mà không hiểu gì, lại còn lừa gạt cả Quốc hội lẫn dân chúng ở nhà.

- Coi lại thì trong các lý do đổ quân tham chiến, một tài liệu ghi rằng 20% là để ngăn ngừa Trung Quốc, 10% là để giúp dân Việt Nam được tự do và 70% là để khỏi mang nhục thất trận. Giờ này thì dân Việt Nam vẫn chưa có tự do, còn bị Trung Quốc uy hiếp, và Mỹ lại tính toán đến việc trở lại bảo vệ an ninh Đông Á! Mong là nhờ những gì được công bố, các Chính quyền về sau sẽ không lầm lẫn như vậy nữa!

Anh Vũ: Câu hỏi cuối thưa anh, liên hệ đến tình hình thời sự hiện nay của Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc thì việc các tài liệu mật được công bố nốt sẽ có ảnh hưởng ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Việc các tài liệu được công bố vào lúc này là một ngẫu nhiên vì đã được quyết định từ mấy chục năm về trước.

- Nhưng khi dư luận lúc này lại được nhắc đến hồ sơ Việt Nam ngày xưa thì tôi nghĩ rằng điều ấy khiến người ta có cảm tình hơn với Việt Nam do những quyết định sai lầm của các chính quyền thời trước. Nó cũng khiến người ta thấy lại một vấn đề then chốt - như một tài liệu tôi vừa nhắc tới - là nhu cầu ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc thời đó có ảnh hưởng tới 20% còn lớn gấp đôi nhu cầu xây dựng tự do cho Việt Nam. Vấn đề thời sự ấy khiến người ta sẽ cân nhắc hơn về cách hợp tác với Việt Nam và tránh được những sai lầm và bê bối của lãnh đạo thời trước./.

No comments:

Post a Comment