29 November 2011

Từ văn hoá thể thao đến văn hoá… nói ngọng

 
 Văn Quang - Từ Sài Gòn, ngày 26.11.2011
 
            Từ văn hoá thể thao đến văn hoá… nói ngọng

                                   

 

Cái ao làng đầy rác 26th SEA Games ở Indonesia bế mạc vào tối 22-11. Đoàn thể thao nước chủ nhà Indonesia đã thực hiện được đúng như "kịch bản". Họ đã dàn dựng, dẫn đầu ngay từ ngày thi đấu đầu tiên đến ngày cuối cùng, chiếm hạng nhất gồm :
 

                          - 182 Huy chương vàng (HVC),

                          - 151 Huy chương bạc (HCB) và

                                - 143 Huy chương đồng (HCĐ).
 
                                                
                                                  Dian Kristianto (Indonesia) núp sau trong tài vẫn giành HC vàng!
 

Những tấm huy chương này, phải công nhận có cái đúng, nhưng lại có những cái quá sai, sai đến độ khôi hài như cái clip được tung lên mạng. Võ sĩ Indonesia thua tơi tả, chạy bấn loạn, núp sau lưng trọng tài, vậy mà cuối cùng vẫn được xử thắng trận với huy chương vàng. Một sự thật quá kệch cỡm, quái đản trong làng thể thao thế giới. Bạn có thể xem clip khôi hài độc nhất vô nhị này trên:  

                                                 http://www.youtube.com/embed/mbaARQnjy0Y (click)

 

Vì thế nên vàng thau lẫn lộn, những tấm huy chương khác của nước chủ nhà cũng chịu chung số phận nằm trong sự coi thường của khán giả khắp năm châu.

 

Nhất định không thay đổi           

Thật sự, tôi không còn muốn nhắc đến cái vết đen này của nền văn hoá thể thao Đông Nam Á. Nhưng nó để lại qua nhiều hậu quả tai hại cho thế hệ thanh thiếu niên và nó sẽ còn tiếp tục cho đến những kỳ SEA Games sau.

 

Theo thông báo thì SEA Games năm 2013 sẽ do Myanmar tổ chức, còn Singapore sẽ tổ chức SEA Games năm 2015. Điều đáng nói là tất cả những "luật lệ" ấy không được thay đổi. Theo ông Lâm Quang Thành, trưởng đoàn thể thao Việt Nam, đây là vấn đề còn rất nhiều ý kiến trái ngược. Do nước chủ nhà SEA Games luôn giữ vai trò chủ tịch Hội đồng SEA Games nhiệm kỳ đó nên quyền quyết định đưa môn nào, loại môn nào vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào họ.

 

Sau SEA Games 26, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam - ông Hoàng Vĩnh Giang trả lờibáo chí: "Để thay đổi được thực tế hiện nay thì điều lệ hoạt động của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á cũng phải thay đổi. Ông Giang vẫn đánh giá SEA Games là đại hội thể thao khu vực có uy tín và có tính quy tụ nhất. Ngoài việc là đấu trường tranh tài thể thao, có nhiều quan điểm còn nhấn mạnh SEA Games là ngày hội của các nước trong khu vực nên có nhiều môn mang tính đặc thù của từng quốc gia là để giữ bản sắc của SEA Games".

 

Đặc thù gì, bản sắc gì trong canh bạc bịp?

Như thế, có phải những người có trách nhiệm của Thể Thao VN mặc nhiên chấp nhận những gian lận trắng trợn, lố bịch của SEA Games và còn cho đó là những môn "đặc thù" của từng quốc gia, giữ "bản sắc" của SEA Games!!! Cho nên nó sẽ còn được tiếp tục (?!).

Đặc thù gì, bản sắc gì trong cuộc chơi như cờ bạc bịp kia? Hay là "cố đấm ăn xôi" để dù bị ép, Đoàn Thể Thao VN vẫn kiếm được hạng ba, với 96 HCV, 92HCB, 100 HCĐ và được coi là "vượt chỉ tiêu", lập được "thành tích lớn" mang về cho đất nuớc.

Xem lại hầu hết những phản ảnh của người dân trên diễn đàn báo chí ở VN, tôi chưa thấy độc giả nào vui mừng, hãnh diện vì "thành tích vượt chỉ tiêu" này cả. Thậm chí có độc giả còn phẫn nộ, thẳng thừng cho rằng "Hãy ném những cái huy chương ngay khi xuống máy bay".

Một độc giả khác: Dì Hồng cầu Muối viết: "Năm tháng trôi đi thì SEA Games càng bị các quốc gia "đăng cai(?)" làm mất đi giá trị của nó. Dường như các quốc gia Đông Nam Á coi đấu trường này là để "tự sướng với nhau (?)" : về việc "đăng cai (?)", về cơ sở vật chất, về thành tích huy chương hơn là tinh thần thượng võ thể thao. Một quy luật sẽ diễn ra tại kỳ SEA Games này: quốc gia "đăng cai (?)" sẽ đứng đầu bảng tổng sắp huy chương.

 

Bạn Minh Tâm than với trời: "Hỡi ôi SEA Games, vùng trũng thể thao thế giới...10 năm hay 100 năm nữa không biết lúc nào phát triển nổi !"…

 
Tóm lại, chính kiến của người dân khác hẳn với nhận định của các ông "làm thể thao" ở VN. Điều tiên quyết ở đây là mọi luật lệ của SEA Games phải thay đổi, phải có một Uỷ Ban Giám Sát Quốc Tế và trong SEA Games, thi đấu những những môn nào phải được ấn định rõ ràng chứ không thể u xoẹ, để nước chủ nhà múa gậy vườn hoang như từ bao lâu nay. Việc sửa đổi không khó, nếu thật sự các Trưởng đoàn thể thao hoặc cao hơn là cấp Bộ Trưởng Thể Thao các nước Đông Nam Á chịu khó ngồi lại với nhau. Còn 2 năm nữa mới đến SEA Game 27, còn thừa thì giờ cho việc thay đổi này. Nếu không thay thì SEA Games chỉ là một cuộc chơi cho các ông quan chức Thể Thao "tự sướng với nhau (?)" như một độc giả đã nói, mà thôi.
Hao tốn công sức, tiền bạc của nhân dân và đầu độc thanh niên. Vậy có nên tiếp tục hay không? Câu hỏi phải được đặt ra cho ngành Thể Thao VN. Không thể phớt lờ dư luận và cũng là nguyện vọng của người dân.

 

Có làm được "độ" đâu mà bán!

Còn về bóng đá, như tôi đã viết trong kỳ trước, khi xem trận VN đấu với Lào, hầu hết khán giả VN đều quá thất vọng. Mọi người đã có thể nhìn thấy trước trận bán kết giữa VN với Indonesia sẽ đi về đâu. Nhưng sự tệ hại còn hơn cả óc tưởng tượng của người hâm mộ. Cầu thủ VN thua về mọi "thông số (?)", từ thể lực, thể hình đến tinh thần bạc nhược,  những đôi chân đeo đá, lối chơi ngớ ngẩn, có khán giả còn bình luận là thua cả những cầu thủ nghiệp dư chơi ở tỉnh lẻ. Rồi nghi vấn bán độ lại được nhiều phóng viên đặt ra khiến Ban HuấnLuyện mỏi mồm giải thích.

 

Riêng tôi thì không tin là cầu thủ VN bán độ, vì thật ra họ có "độ" đâu mà bán. Có lẽ các phóng viên bị ám ảnh bởi trận ở SEA Games 24 năm 2005, khi Quốc Vượng và Văn Quyến bán độ thôi. Còn những trận này, có muốn "bán VN thua hay được" bao nhiêu không phải là quyền của cầu thủ VN. Họ đá khi đực khi cái, cú hay cú dở, không có được một tầm nhìn bao quát có tính chiến thuật, thiếu hẳn sự tính toán thông minh cho từng pha bóng. Những "đường chuyền không những sai địa chỉ" mà nhiều khi "không có địa chỉ". Thế nên bán độ là "vỡ độ" ngay, con bạc không tin họ bị "lật kèo" nhưng không tin cầu thủ nào thực hiện được đúng "độ. Thằng anh đá ra, vô tình thằng em đá "dô" là chết một cửa tứ.

 

Lỗi không ở Huấn luyện viên và cũng chẳng phải tại cầu thủ. Huấn luyện viên có hay nhất thế giới cũng bó tay thôi. Tất cả là do VN chưa có một trường lớp nào dạy bóng đá từ nhỏ cả và thể lực, thể hình không phải một sớm một chiều thay đổi được.

Vài năm nay mới có được Hoàng Anh Gia lai chịu khó đầu tư cho môn này. Tất cả cầu thủ đội tuyển hay U23 đều không có căn bản. Chỉ có vài cầu thủ có khả năng bẩm sinh, nhờ Trời đá hay hơn mấy thằng bạn đường phố hoặc đồng ruộng, cùng trang lứa mà thôi. Thế là thành "sao" ở đội này đội kia, rồi các ông bầu ham thành tích, bỏ bạc tỉ  ra mua về khiến các "chú con cưng" cứ thế đi lên hay đi xuống tuỳ theo phong độ từng mùa. Thế thì đừng hòng vài năm nữa "con rồng bóng đá VN" bay lên được. Đôi khi bay đến ngọn cây cũng lại rớt xuống thê thảm như ngày nay. Hãy chờ sau 10 năm nữa, khi lớp trẻ lớn lên trong môi trường "thay máu" mới nói đến chuyện bóng đá VN.

 

Vì thế, để khỏi làm mất thì giờ của bạn đọc, tôi chấm dứt chuyện SEA Games và bóng đá VN ở đây. Quay sang chuyện gọi là "văn hoá" ở VN có nhiều điều đáng bàn hơn.

 

Văn hoá nói ngọng ở thủ đô Hà Nội đang được "sửa sai"

Lâm, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có giọng hát khá hay và có "máu văn nghệ" nên đi đến đâu cũng hăng hái góp vui.

Cậu cao giọng hát trong buổi mừng lễ tốt nghiệp: "Cơn gió lào bay ngang cuộc đời, nói với em rằng tôi nẻ noi", khiến cả hội trường một phen cười như nắc nẻ.

Cậu còn trổ tài: "nắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu nan tím Đà Nạt sương phủ mờ" hay "nòngmẹ bao na như biển Thái Bình"... qua tiếng ca của Lâm đều trở thành "ca khúc bất hủ" bị nhiều người nhại đi nhại lại.

Thầy giáo và sinh viên còn nói ngọng, dạy ngọng, hát ngọng nên trong năm học 2011-2012, Sở Giáo dục & Đào Tạo (GD&ĐT) Hà Nội đưa ra vấn đề "Luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu l, n" đối với 13 huyện ngoại thành Hà Nội". Nói trắng ra là sửa giọng nói ngọng như "Hà Nội" nói thành "Hà Lội", "làm việc" thành "nàm việc"…

Đấy mới chỉ là bệnh "ngọng níu ngọng no" đáng chú ý nhất của một số bác được gọi là "dân thủ đô" hiện nay. Còn một số những phụ âm khác và thật ra những từ ngữ mới cũng cần được sửa sai.

 

Thí dụ bây giờ khi người ta nói "cấp trên đã quyết rồi", có nghĩa là cấp trên đã chấp thuận rồi. Hoặc khi người ta nói "em hoàn cảnh lắm" phải hiểu là em gặp khó khăn lắm. Vậy "quyết" có nghĩa là chấp thuận sao? Và "hoàn  cảnh" có nghĩa là khó khăn sao? Và còn nhiều những loại chữ nghĩa "mới" kỳ cục nữa. Nhưng đó là chuyện thuộc về ngôn ngữ học, ta sẽ bàn đến sau này. Ở đây chỉ bàn đến cái chất giọng Hà Nội và một số người nói ngọng, hầu hết là lẫn lộn "n" thành "l".

 

Điều đáng ngạc nhiên là theo thống kê mới nhất của huyện Phú Xuyên cho biết có khoảng 20% giáo viên và 40% học sinh phát âm chưa chuẩn (tức là nói ngọng). Tỉ lệ 40% học sinh nói ngọng còn có thể hiểu được, còn 20% giáo viên cũng dạy ngọng thì quả là con số khiến nhiều người giật mình.

 

                                    

 

Hiệu trưởng cũng "lói ngọng"

- Anh Nhật Minh (ở Hà Đông, Hà Nội) có con đang học tại trường mầm non của quận cho hay, từ khi con anh đi học gia đình thấy cháu thường xuyên nói ngọng. Mọi người tưởng cháu học các bạn trong lớp. Anh nói: "Mãi đến hôm khai giảng năm học tôi đến dự mới thấy cô hiệu trưởng đọc diễn văn, nói ngọng từ đầu đến cuối. Tôi chợt nghĩ, đến cô hiệu trưởng còn nói ngọng như thế thì làm sao các cháu không bắt chước?".

 

- Cô Hà Thanh  kể lại: "Những người Hà Nội thời đó (trước 1954) nếu nói ngọng được cho là thất học, thế nên tuyệt nhiên không ai phát âm sai. Vậy mà hiện nay một số giáo viên đại học, địa vị cao trong xã hội cũng nói ngọng. Tôi cho rằng ngành giáo dục Hà Nội đang làm một việc rất có ý nghĩa để khỏi biến thủ đô thành "Hà Lộithanh nịch".

 

- Độc giả Nguyễn Hoàng Sơn tâm sự, chuyện nói ngọng "l-n" cứ tưởng là không bao giờ được nhắc đến, không ngờ lại có cả một cuộc cách mạng. Với ông, dù người đối diện có chức vụ gì, giỏi đến đâu mà khi nói ngọng, ông cũng thấy mất thiện cảm.  

Tại huyện Mê Linh cũng là huyện có tỷ lệ người nói ngọng cao, chiếm 30-50% dân số. Trưởng phòng giáo dục Bùi Văn Công cho hay, các cơ sở giáo dục của huyện đang tổ chức lớp huấn luyện phát âm đúng cho giáo viên.

 

Thành phố Hải Phòng cũng tốn hai trăm triệu sửa nói ngọng

Tiền sĩ Vũ Kim Bảng, Phó Viện trưởng Viện ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, Hải Phòng đã nghiệm thu đề tài có kinh phí là 200 triệu với mong muốn cải thiện việc phát âm cho thầy trò ở địa phương này. Là đơn vị có chuyên môn nghiên cứu về ngôn ngữ nên khi nói về chuyện Hà Nội dạy cho giáo viên phát âm đúng, viết đúng hai phụ âm đầu "l,n".

TS Vũ Kim Bảng nói rõ hơn: "Chuyện nói ngọng chẳng riêng gì ở 13 nơi ở Hà Nội. Đây là hiện tượng phổ biến ở các tỉnh, thành thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Có thể kể ra các địa phương như Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh.

 

Cũng theo ông Bảng "Hiện tượng này là ngọng phương ngữ, tức diễn ra trong một vùng hẹp. Người nói ngọng có trình độ chưa cao. Hay nói tóm lại là người Hà Nội rất dị ứng với việc lẫn lộn "l,n". Chỉ có điều tính địa phương kia lại không theo chuẩn phát âm của người Hà Nội. Người lẫn lộn "l,n" ngoài chuyện bị coi là ngọng, trình độ văn hoá thấp thì còn bị hiểu là người địa phương". (Ý ông muốn nói "người địa phương" là người không phải chính gốc dân Hà Nội).

 

Người vùng quê mang văn hoá nói ngọng ra Hà Nội

Đúng như vậy, giọng Hà Nội đã đi theo người Hà Nội chính gốc từ lâu rồi. Sau năm 1954, một số lớn cư dân từ các vùng quê kéo về Hà Nội định cư, thay thế lớp "người muôn năm cũ". Các thành phố lớn như Hải Phòng, cũng tương tự. Cho nên số người nói ngọng mới nhiều đến thế. Số người này chúng ta bắt gặp ở những quán xá, những nơi chốn được coi là "bình dân" nằm lẫn lộn giữa lòng thủ đô. Đúng là nghe rất "phản cảm", "quê một cục". Có ông "cán bộ" tỉnh, "cán bộ" huyện được phát biểu trên truyền hình, truyền thanh cũng nói ngọng tỉnh bơ. Nhưng khổ cái là họ không hề biết rằng mình ngọng bởi sống trong môi trường ngọng quen rồi. Bà con nghe chỉ còn biết cười thầm, họ hiểu ngầm rằng ông đó xuất thân từ đâu và đang ở trình độ nào.

 

Học nói ngọng để trở thành bần cố nông

Còn một nguyên nhân khác sâu xa hơn. Trước những năm 1950, theo tôi biết, tỉnh Thái Bình và TP Hải Phòng – tôi đã sống ở hai nơi này nhiều năm – rất ít người nói ngọng "n" thành "l" hay ngược lại. Số rất ít người nói ngọng đó hầu hết là nông dân, ít học. Còn học sinh chúng tôi chẳng ai nói ngọng cả. Nhưng sau năm 1945 con số người nói ngọng gia tăng nhanh chóng. Tìm hiểu kỹ ra mới nhìn thấy cái nguyên do "rất thầm kín" của nó. Số là, hồi đó thành phần bần cố nông được tin tưởng và đề cao, như trên đã phân tích, người nói ngọng thường thuộc thành phần này. Cho nên nhiều ông bà không thuộc thành phần bần cố nông nhưng cố nói ngọng để người ta hiểu mình là thành phần "bần cố nông nòng cốt". Nhiều ông tư sản, kể cả những ông có chữ nghĩa hẳn hoi, những vị có bằng cấp cũng tập nói ngọng. Lâu dần thành thói quen và thói quen được truyền cho cả nhà, cả xóm, cả làng, chứ làng quê VN thời xưa không nhiều người nói ngọng đến thế. Làm gì có chuyện thầy cô giáo cũng nói ngọng. Cái tật ngọng ấy ăn vào thói quen, "di truyền" cho tới ngày nay thôi.

 

Cũng may là đến bây giờ các ông trong ngành giáo dục đã nhận ra điều này. Tuy rằng có muộn, nhưng muộn còn hơn cứ để nó nhếch nhác mãi. Một thủ đô "ngàn năm văn hiến" và một thành phố cảng lớn nhất nước, đại diện cho bộ mặt toàn quốc mà đến thầy giáo và quan chức còn nói ngọng thì đúng là chuyện khó tin nổi. Tốn vài trăm triệu mới chỉ là giai đoạn thứ nhất. Có phải bỏ ra vài chục tỉ cũng là chuyện phải làm, còn hơn là mang đầu tư vào những cuộc chơi vô bổ. Mong rằng những người còn nói ngọng bây giờ sẽ chỉ còn là "những người ngọng cuối cùng"!



Văn Quang – 26-11-2011

28 November 2011

CHÚ TIỂU CHÙA CỔ PHÁP

CHÚ TIỂU CHÙA CỔ PHÁP 

Một buổi chiều, khi sư Khánh Vân đang dạo bước ngắm hoa ở sân sau thì chợt nghe tiếng người ồn ào đâu phía trước. Chú tiểu Công Sơn từ ngoài đi vào lật đật lại gần sư thưa:
– Bạch thầy, không biết ai đã đem một đứa bé trai bỏ trước cửa chùa. Nó đang khóc dữ quá. Cũng có một số thôn dân đang đứng quanh đấy bàn tán xôn xao, xin thầy ra xem thử.
– Mô Phật, để đó thầy ra xem sao!
Sư thong thả đi trước, tiểu Công Sơn cũng nối gót theo sau. Những người dân đang đứng quanh đứa trẻ thấy sư đi ra thì đều hướng về sư chắp tay xá và nói như đồng loạt:
– Nam mô A Di Đà Phật!
– Mô Phật, chào các đàn việt!
Một người đàn bà thưa:
– Bạch thầy, không biết con ai đem bỏ đây, nó khóc quá mà ai bồng nó cũng không chịu. Chúng con đều thử cả rồi nhưng không thể nào làm nó nín. Tội nghiệp thằng nhỏ trông kháu quá!

Đứa trẻ được đặt nằm ngửa trên một tấm vải thô màu nâu, đang quơ tay quơ chân khóc dữ dội. Sư Khánh Vân tiến lại gần đứa trẻ, đứng nhìn nó. Đứa trẻ bỗng im bặt chăm hẳm nhìn lại sư rồi vươn tay lên như đòi bồng. Mọi người có vẻ ngạc nhiên lắm. Sư quay lại hỏi:
– Thế các đàn việt có ai biết đây là con ai và người nào mang nó lại bỏ đây không?
Một người đàn ông thưa:
– Bạch thầy, con đang gánh củi ngang qua đây thì thấy một người đàn bà từ nơi này đi ra có vẻ hấp tấp lắm. Ban đầu con không để ý làm gì nhưng sau đó con nghe tiếng trẻ khóc, con ngạc nhiên nhìn lại thì thấy đứa trẻ này, khi ấy người đàn bà đã khuất dạng mất rồi. Con lại gần thì đứa trẻ càng khóc thét lên, con phải dội ra. Kế đó những người này kéo lại, thấy đứa nhỏ dễ thương ai cũng muốn bồng nhưng hễ ai đưa tay đến là thằng nhỏ lại hét lên. Không ngờ bây giờ thấy thầy nó lại im thin thít và đòi bồng như vậy, kể cũng là một sự lạ. Con nghĩ có thể đứa trẻ này có duyên với chùa.

Nhà sư ngồi xuống cạnh đứa trẻ, nó mỉm cười vói tay lên nhưng nhà sư không bồng, nói với mọi người:
– Bây giờ các đàn việt hãy giúp thầy dò tìm người nào đã đem con bỏ lại nơi này. Tìm ra, thầy sẽ có cách nói chuyện và tìm giải pháp giúp thân nhân đứa trẻ. Thầy nghĩ người nào đó chắc có một nỗi khổ tâm. Trong khi chờ đợi tìm ra tông tích đứa bé, thầy nhờ một đàn việt nào đó đem đứa bé về săn sóc, chùa có thể phụ cấp cho về mặt vật chất. Thầy xem tướng đứa trẻ này không phải tầm thường đâu. Nào, nó nín khóc rồi, đàn việt nào lại bồng nó về đi!
Một người đàn bà tiến lại:
– Thầy để con lo việc này cho!
Nhưng khi người đàn bà đưa tay toan bế đứa trẻ thì nó giẫy nẩy và khóc thét lên. Người đàn bà cố gắng mấy lần nhưng vô hiệu.
– Thôi, con xin chịu!
Mấy người khác đều thay nhau thử bồng nhưng đứa trẻ nhất quyết không chịu và cứ một mực đòi sư Khánh Vân. Sư Khánh Vân gọi chú tiểu Công Sơn lại bế thử thì người ta lại ngạc nhiên thấy đứa nhỏ nín khóc và chịu cho bồng. Mọi người đều cười :
– Thôi, quả là thằng nhỏ có duyên với Phật rồi!
Sư Khánh Vân lấy làm lạ bèn khiến tiểu Công Sơn bồng đứa nhỏ vào chùa. Khi được tiểu Công Sơn bồng đi vào cổng thì thằng bé nhoẻn miệng cười có vẻ thích chí. Sư Khánh Vân thấy vậy cũng cười, quay lại nói với mọi người :
– Mô Phật, bây giờ tạm thời cứ yên yên như vậy đã. Nhưng thầy nhờ các đàn việt phải tìm gấp tông tích thân nhân đứa trẻ cho thầy nhé!
– Bạch thầy, chúng con sẽ cố gắng.


Từ khi chú bé được đem vào chùa, tiểu Công Sơn phải bận rộn hơn một chút. Tuy thế, để bù lại, cái không khí trong chùa lại khởi sắc vui vẻ hơn. Chú bé không mấy khi khóc, không làm nũng. Những khi sư Khánh Vân và tiểu Công Sơn bận kinh kệ hoặc công việc, chú bé một mình đùa nghịch vui vẻ với mấy món đồ chơi chứ không làm phiền ai hết. Quá lắm, chú chỉ bò quanh trong phạm vi được tiểu Công Sơn "khoanh vùng". Sư Khánh Vân, tiểu Công Sơn và những khách đến lễ chùa đều cảm thấy vui vẻ khi đùa chơi với chú bé. Chú tỏ ra rất thông minh, bắt chước tiếng nói khá nhanh và biết nghe lời dạy bảo. Không như những đứa trẻ khác, chú không ăn uống ẩu, không chơi dơ. Khi cần đi cầu đi tiểu chú cũng kêu và chờ người lớn giúp đỡ chứ không bao giờ làm bậy. Vào chùa được mươi ngày thì chú biết ngồi. Sau đó không lâu chú được tập đứng, tập đi và chỉ ba tháng sau là chú có thể đi lui tới khắp chùa.

Sự có mặt của chú nhỏ trong chùa không làm trở ngại việc tu học bao nhiêu mà lại tăng thêm sự vui vẻ nên sư cũng như tiểu Công Sơn không còn nôn nóng trong việc tìm tông tích thân nhân đứa bé nữa. Bốn tháng trôi qua, vẫn không thêm được một tin gì khác về gia đình chú nhỏ, sư Khánh Vân đành cười:
"Con ai đem bỏ chùa này,
Nam mô A Di Đà Phật, con thầy, thầy nuôi!"

Bấy giờ sư Khánh Vân mới tính đến việc chọn một cái tên cho chú nhỏ. Không biết con ai làm sao biết họ gì? Sư suy nghĩ rồi quyết định cho chú nhỏ lấy họ Lý, họ của sư. Sư lại đặt tên cho chú nhỏ là Công Uẩn. Ở trong chùa bên cạnh sư, tất nhiên Công Uẩn cũng trở thành chú tiểu.

Khi bắt đầu dạy chữ nghĩa, sư Khánh Vân vô cùng ngạc nhiên về sự thông hiểu mau chóng và nhớ dai của Công Uẩn. Giảng đâu hiểu đó, đọc đâu nhớ đó, chẳng bao lâu Công Uẩn có thể đối đáp văn sách ngang ngửa với tiểu Công Sơn. Riêng về thơ phú thì Công Uẩn vượt hẳn cả tiểu Công Sơn. Trong thơ của Công Uẩn thường toát ra một thứ khẩu khí kỳ dị. Như một hôm Công Uẩn phạm lỗi, bị sư phạt trói nằm giữa bệ đặt tượng Phật suốt đêm, Công Uẩn đã đọc ra hai câu "Đêm khuya chân mỏi không dám ruổi. Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng". Sư Khánh Vân nghe vậy vừa mừng vừa sợ. Hằng ngày sư càng chuyên tâm dạy dỗ cho Công Uẩn hơn.

Hôm ấy có một vị sư phương xa vân du đến viếng chùa Cổ Pháp. Vị sư trông dáng dấp oai nghi thông tuệ, đó là sư Vạn Hạnh. Sau khi cùng khách lễ Phật rồi dẫn khách viếng quanh chùa một vòng, sư Khánh Vân mời sư Vạn Hạnh vào nhà khách uống trà.
– Này sư huynh, không hiểu sao bần tăng thấy cảnh sắc nơi đây có vẻ khác thường lắm! Trong chùa có gì lạ chăng? – sư Vạn Hạnh hỏi.
– Sư huynh thấy có sự lạ sao? Chùa này lâu nay vẫn thế có gì khác đâu!
– Dám hỏi, sư huynh được mấy đệ tử?
– Chẳng dám giấu sư huynh, bần tăng chỉ có hai đệ tử, đệ tử lớn Công Sơn là người vừa dâng nước đó. Đệ tử nhỏ Công Uẩn hiện đi lấy củi chưa về.
– Thế lâu nay sư huynh có theo dõi chuyện thời thế đến không? Theo bần tăng nhận xét, rồi đây đạo có thể gặp khó khăn đấy.
– Sư huynh hay vân du khắp chốn nên rõ tình hình. Bần tăng cứ ru rú một chỗ thế này chẳng biết gì cũng lấy làm thẹn. Có gì xin sư huynh rộng lượng chỉ bảo cho biết.
– Không dám, tuy nhiên bần tăng cũng không ngại ngùng đưa ra những nhận xét thô thiển của mình xem có hợp ý sư huynh không. Quả tình bần tăng có vân du nhiều nơi thật, nhưng đến nơi nào thấy cảnh sắc già lam cũng tiêu điều, bần tăng lấy làm lo lắm. Không ngờ khi đến đây thì thấy cảnh sắc lại khác hẳn, thật đáng mừng. Nếu quả sắp tới đây có pháp nạn thì chính nơi này là chỗ cứu đạo đây.
– Sư huynh nói thế chứ bần tăng và tiện đệ tử đức mỏng tài cạn mà trông gì!
Tuy nói thế nhưng sư Khánh Vân lại vui nghĩ tới người học trò nhỏ của mình. Bấy lâu nay sư đã có nhận xét so sánh giữa hai đệ tử của mình, thực là một trời một vực. Cũng lúc ấy, tiểu Công Uẩn vác một bó củi đi vào. Sư Vạn Hạnh nhìn thấy tiểu Công Uẩn thì giựt mình. Tiểu Công Sơn liền ra ngoài báo cho Công Uẩn biết chùa đang có khách.
– Đệ tử Công Uẩn xin ra mắt sư bá và sư phụ.
Sắc mặt sư Vạn Hạnh sáng hẳn lên. Sư gật đầu cười với Công Uẩn rồi nhìn sư Khánh Vân :
– Mừng cho sư huynh có một đệ tử xứng đáng.

Sau khi chào khách, tiểu Công Uẩn đi lo công việc. Sư Khánh Vân khi ấy cũng tươi nét mặt nói với sư Vạn Hạnh :
– Sư huynh chắc biết xem tướng! Sư huynh thấy tiện đệ tử thế nào?
Sư Vạn Hạnh gật gật cái đầu :
– Quí lắm! quí lắm! Về học vấn Công Uẩn đã đạt tới mức nào rồi?
Sư Khánh Vân bèn đem tông tích, đạo hạnh cùng học vấn của Công Uẩn kể hết cho sư Vạn Hạnh nghe.
Suy nghĩ một lúc, sư Vạn Hạnh nói :
– Sư huynh có thể nào cho bần tăng mượn Công Uẩn một thời gian được không?
– Để làm gì?
– Thú thật với sư huynh, bần tăng có một đệ tử võ nghệ siêu phàm, bần tăng muốn cho Công Uẩn được truyền thụ cái võ nghệ đó. Đồng thời, bần tăng cũng muốn có một thời gian ngắn gần gũi với Công Uẩn để chỉ dạy cho y một ít kiến thức về thuật kinh bang tế thế.
– Đâu cần thiết phải vậy? Thật sự Công Uẩn cũng đã được bần tăng truyền một chút võ nghệ đủ giữ thân rồi. Một kẻ đã muốn rời vòng tục lụy còn ôm cái thuật kinh bang tế thế vào người đâu có hay. Bần tăng muốn tiện đệ tử chăm lo kinh sách để sớm đạt đạo mà giác ngộ đại chúng thoát cảnh trầm luân trong bể khổ là toại nguyện rồi.
– Như vậy là sư huynh chưa hiểu ý bần tăng. Thú thật với sư huynh, bần tăng vốn cũng có học chút đỉnh về việc xét đoán thời thế, xem tướng người. Nếu bần tăng không nhìn sai, rồi đây đạo Phật có thể vướng vào vòng nước lửa, đất nước ta có thể rơi vào tròng nô lệ. Chúng ta rất cần một người có khả năng cứu nước giúp đời, mà người đó, dưới mắt bần tăng, có thể là Công Uẩn.
– Xin lỗi sư huynh, lý của sư huynh bần tăng thấy còn mơ hồ. Lôi kéo một người có khả năng đi tới bến giác trở lại vòng tử sinh, bần tăng thật áy náy lắm. Thôi thì xin sư huynh tha cho tiện tử.
- Đạo có thể bao trùm vũ trụ nhưng người theo đạo không nên tách rời với sự an nguy của tổ quốc. Bần tăng sở dĩ phơi cả lòng mình ra mà thỉnh cầu sư huynh, chính là vì nước mà cũng vì đạo nữa.Nếu như nước bị tàn phá, dân chịu gông ách nô lệ, sư huynh có thể thoải mái ngồi tìm chân lý giải thoát được không? Những kẻ vô thần, dị giáo họ có thể để sư huynh yên ổn ngồi tu không? Việc đời luôn luôn biến cải, nếu mình cứ nhất nhất đi theo một nguyên tắc e rằng lạc hậu đến phải ân hận mất. Giả sử đạo Phật có giới cấm sát sinh, nhưng nếu vùng mình ở có một con cọp cứ luôn làm hại người, mình có thể vì giới cấm mà cứ để cho con cọp giết người mãi hay không? Sư huynh cho rằng Công Uẩn có khả năng đi tới bến giác, thì tới bến giác cũng chỉ có mục đích cứu độ chúng sinh chứ gì? Đồng ý là khi đã đạt đạo, cái khả năng cứu độ, giải thoát sẽ nhiệm mầu hơn nhiều, nhưng chẳng lẽ cứ hướng tới đó mà lơ cái việc cứu vớt những kẻ trầm luân ngay bên cạnh mình, cho như thế là bị níu kéo, bị trở ngại?
Bậc nhân giả ở trong chốn ba quân hay giữa trường đời đen bạc nhưng vẫn giữ đuợc tâm ý tự tại, tùy hoàn cảnh mà phuơng tiện độ sinh cũng là một cách tu vậy. Không lý việc diệt gian trừ tà để cứu chúng sinh thoát cảnh trầm luân binh lửa cũng là tội? Giờ đây, vua Đại Hành đã già mà chưa lập Thái tử, con trai ngài thì quá đông, rõ ràng là mầm loạn chứa sẵn rồi. Các đại thần trong triều thì mỗi người riêng một bụng. Chắc chắn sẽ có cảnh huynh đệ tương tàn xảy ra. Nước Tàu tham lam thì khi nào cũng rình rập cơ hội để thôn tính nước Đại Cồ Việt ta. Nếu sư huynh cho Công Uẩn đi với bần tăng mà sau này lời dự đoán của bần tăng không đúng, tất nhiên Công Uẩn sẽ trở về với sư huynh thôi. Còn nếu sư huynh không chịu nghe bần tăng mà sự việc ấy quả xảy ra thì e công đức của sư huynh sứt mẻ nặng. Xin sư huynh suy nghĩ kỹ.

Sư Khánh Vân trầm ngâm suy nghĩ. Sư biết người học trò của mình khác thuờng đấy. Nhưng sư làm sao dám nghĩ rằng chú tiểu đó lại có khả năng làm thay đổi vận nước? Sư Vạn Hạnh hy vọng có quá đáng không? Sư cũng có nghe phong phanh về những sự tác oai tác quái của một số quan lại địa phương dựa vào sự che chở của một số đại thần đang gây thế lực trong triều. Những dự đoán của sư Vạn Hạnh nghiệm ra cũng có lý lắm. Cuối cùng sư Khánh Vân buông xuôi:
– Sư huynh đã nói cạn lời như vậy bần tăng đâu dám ngăn cản. Tuy nhiên, nên để cho chính Công Uẩn tự quyết định vẫn hay hơn.
Sau đó, tiểu Công Uẩn đã theo sư Vạn Hạnh về chùa Lục Tổ.

Mấy năm sau, Lý Công Uẩn vào Hoa Lư làm quan. Nhờ tài năng xuất chúng, đức độ siêu quần, không bao lâu uy tín ông lan rộng trong dân chúng cũng như ở triều đình. Chưa tới 30 tuổi ông đã được phong chức Tả Thân Vệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Cũng thời gian này, nhà Tiền Lê đang ở trên đà tuột dốc kinh khủng. Vua Lê Đ ại Hành tuổi già bệnh hoạn liên miên cho nên suy tính rất lầm lẫn. Mùa xuân năm Giáp Thìn (1004) ngài mới lập con thứ ba là Long Việt lên làm Thái tử trong khi mộng lớn đã căng đầy trong đầu óc các hoàng tử khác.

Tháng 3 năm Ất Tỵ, vua Đại Hành qua đời. Thế là ba vị hoàng tử Ngân Tích (con cả), Long Kính, Long Đĩnh nổi loạn đánh nhau luôn 8 tháng ròng Long Việt mới chính thức lên ngôi được. Ngân Tích bỏ trốn rồi bị giết, Long Kính, Long Đĩnh đầu hàng. Nhưng chỉ ba ngày sau, Long Đĩnh lại thuê người lẻn vào cung ám sát được vua Long Việt.

Long Đĩnh cướp ngôi xưng là Khai Thiên Ứng Vận Thánh Văn, Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế. Vụ ám sát vua Long Việt xảy ra làm các quan lớn nhỏ của triều đình kinh hoảng bỏ chạy tứ tán. Chỉ còn lại viên quan Thân Vệ Lý Công Uẩn ở lại ôm thây vị vua xấu số mà khóc. Hành động trung thành và can đảm này của Công Uẩn đã chinh phục được sự nể nang của Long Đĩnh. Nhưng Long Đĩnh lên ngôi lại liền bị các hoàng tử Long Ngân, Long Kính nổi dậy đánh tơi bời. Phải hơn một năm sau Long Đĩnh mới dẹp yên được loạn lạc.

Long Đĩnh có lẽ là ông vua tàn bạo nhất hoàn vũ. Bình thường ông ưa lấy chuyện giết chóc làm trò vui. Nhiều lần ông thân xuống nhà bếp tự tay thọc huyết bò heo gà vịt rồi trao cho nhà bếp. Ông bắt tử tù quấn rơm vào mình, tẩm dầu rồi đốt cho nóng chạy trước khi chết. Ông bắt tù leo lên cây rồi sai đốn cây cho ngã. Ông sai trói tù dưới chân cầu để chờ nước lên xem tù chết ngộp như thế nào. Nghe ở Ninh Giang có nhiều rắn độc, ông sai trói tù bên mạn thuyền rồi cho bơi qua bơi lại để cho rắn cắn. Có khi ông cho để mía trên đầu nhà sư mà róc vỏ rồi giả vờ trật tay cho dao bổ xuống đầu làm cho chảy máu, trong số đó có nhà sư Quách Ngang, nhà sư có tiếng đương thời.
Năm Nhâm Thân, ông đánh dẹp giặc Mán, bắt được một tù trưởng đem về đánh đập hành hạ. Tên này chịu không thấu kêu tên tục vua Đại Hành mà chửi. Thế mà Long Đĩnh sung sướng cười ha hả vì lâu nay Long Đĩnh vẫn hờn giận vua cha đã cố ý không truyền ngôi cho mình.

Long Đĩnh lại hoang dâm vô độ nên mắc bệnh không ngồi dậy được. Lúc thiết triều ông thường phải nằm nghiêng nên người thời bấy giờ vẫn quen gọi là Ngọa Triều. Thế mà ông vẫn tìm niềm vui bằng cách sai mấy tên hề nhại tiếng những viên quan tấu trình công việc làm chốn triều đình không còn thể thống gì hết.

Trong tình trạng triều đình như thế, sư Vạn Hạnh bèn ráo riết bí mật vận động sắp đặt tạo ra một cuộc chính biến để cứu vớt lê dân. Dân chúng đồn ầm lên về chuyện có một cây gạo lớn ở làng Diên Hồng bị sét đánh gẫy, trên thân cây bị tróc vỏ thấy có mấy chữ "Hòa đao mộc lạc, thập bát tử thành". Chữ hòa, chữ đao, chữ mộc hợp lại thành chữ Lê, chữ thập, chữ bát, chữ tử hợp lại thành chữ Lý. Câu chữ Hán trên chiết tự và giải nghĩa thành "Lê rụng, Lý thành". Không bao lâu khắp quân đội lẫn dân chúng đều nghe lời "truyền sấm" đó….

Giữa lúc đó thì vua Ngọa Triều bỗng mắc bệnh nặng rồi qua đời. Người con mới 4 tuổi của ông được ông di chiếu truyền ngôi.
Thấy cơ hội đó, một viên quan có thế lực trong triều là Đào Cam Mộc bèn đến gặp Lý Công Uẩn và bàn:
– Hồi trước đức vua tối tăm bạc ác nên lòng trời chán ghét, con ngài thì bé nhỏ quá làm sao kham nổi việc nước trong buổi đa nạn này? Dân chúng trông chờ chân chúa như khát nước mong mưa. Thân Vệ nên theo gương Thang, Võ để cho dân nhờ. Trước đây họ Lê lấy nước củ a h ọ Đinh được coi là chính đáng thì nay nếu Thân Vệ làm việc này cũng vậy, trên hợp ý trời dưới thuận lòng dân chứ khư khư giữ cái tiết mọn làm gì?
Lý Công Uẩn trả lời:
– Ông muốn đem cái họa giết ba họ đến cho tôi sao? Tôi không dám nghe đâu!
Đào Cam Mộc trở về. Nhưng hôm sau ông lại đến gặp Công Uẩn, nói:
– Lời sấm đã nói rõ họ Lý sẽ dấy lên, đổi họa ra phúc cho đất nước, Thân Vệ còn ngần ngại gì nữa?
Lần này thì Công Uẩn xiêu lòng:
– Ý ông và sư Vạn Hạnh giống nhau, nhưng làm sao cho trong ấm ngoài êm?
– Dân đang đói khổ, Thân Vệ là người công bình, khoan thứ vỗ về ai không nghe?

Được sự bằng lòng của Công Uẩn, Đào Cam Mộc chủ động triệu tập các quan, lợi dụng lòng căm ghét củ a h ọ đối với vua Ngọa Triều, ông thuyết phục họ tôn Công U ẩn lên ngôi Hoàng Đế. Cuộc chính biến đã xảy ra không đổ một giọt máu.

Chú tiểu Công Uẩn của chùa Cổ Pháp bấy giờ đã trở thành vua Lý Thái Tổ. Ngài là vị vua khai sáng ra triều Lý, một triều đại tiếng tăm lừng lẫy về những chiến công phá Tống bình Chiêm, khiến các lân bang lớn nhỏ đều phải kiêng nể.

Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Về nông nghiệp, ngài cho đắp đê Cơ Xá để tránh thủy tai hàng năm làm thiệt hại mùa màng. Về văn học, ngài cho lập Văn miếu để tôn sùng Nho học và mở khoa thi Tam giáo (Phật, Lão và Nho giáo).
Vốn xuất thân từ cửa thiền, Lý Thái tổ đặc biệt trọng đãi và khuyến khích Phật giáo. Ngài phong sư Vạn Hạnh là Quốc Sư và cho sưu tầm Tam Tạng kinh điển để truyền bá đạo Phật. Ngài cũng cho xuất tiền kho để xây 8 ngôi chùa ở phủ Thiên Đức (châu Cổ Pháp cũ, quê hương ngài). Tại thành Thăng Long, ngài cho lập chùa Thiên Ngự, chùa Vạn Tuế và cung Thái Thanh. Bên ngoài thành Thăng Long thì ngài cho xây các chùa Thắng Nghiêm, Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thổ, Thiên Đức và Thiên Quang. Ngoài ra, những chùa đổ nát ở các đị a h ạt khác đều được ngài cho tu sửa.

Việc cải tổ lớn lao nhất của vua Lý Thái Tổ nhờ ảnh hưởng của Phật giáo là bãi bỏ được hình luật đặt vạc dầu và nuôi cọp beo để trừng trị tội phạm như dưới hai triều Đinh, Lê. Bản sắc từ bi của Phật giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách trị dân của cả triều Lý. Như vua Lý Thái Tôn tha tội không giết Nùng Trí Cao, người đã nổi loạn, vì ông ta là người còn lại duy nhất của một dòng họ. Như vua Lý Thánh Tôn không giết vua Chiêm Thành là Chế Củ. Cũng chính vua Thánh Tôn, vào một mùa đông cực lạnh, đã ra lệnh phát áo chăn cho tù phạm và cho xét giảm tội và tha bớt. Không có một vị vua Lý nào hiếu sát hay hoang dâm quá độ.
Có thể nói nhà Lý là triều đại có chính sách cai trị dân khoan hồng độ lượng nhất trong lịch sử mà không một triều đại nào khác theo kịp.

Ngô Viết Trọng

SÀI GÒN NGẬP LỤT


SÀI GÒN NGẬP LỤT

Hình 1. Bản đồ Sài Gòn năm 1815


Cách đây 314 năm (1698), Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh chọn Bến Nghé trên bờ sông Sài Gòn làm cơ sở hành chánh, quân sự và thương mại. Địa điểm này là nơi cao ráo, sát bờ sông, thuận tiện cho thuyền tàu từ Biển Đông vào vì chỉ cách biển 60 km. Sài Gòn nằm ở hạ lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, có nhiều sông rạch chi chit nối với sông Tiền, sông Hậu, nên cũng là trung tâm xuất phát đường thủy đến các vùng khác thuộc Thủy Chân Lạp, và đến tận Cao Miên. Về mặt địa hình, Sài Gòn là vùng đất thấp, ranh rừng sác Đồng Tháp Mười chạy tới biển.

Đến thời Pháp thuộc, Sài Gòn phát triển rộng thêm trên vùng đất cao, theo hướng bắc và đông bắc, tức hướng Gia Định Biên Hòa. Vào năm 1862 Sài Gòn có diện tích 25 km2, hoàn toàn nằm trên địa hình cao của bờ sông. Dân số năm 1929 là 123.890 người trong số đó có 12.100 người Pháp. Vì ở địa thế cao, từ ngày thành lập cho tới cuối thập niên 1960, Sài Gòn không có bị ngập lụt.
Tuy nhiên trong vòng 40 năm nay, Sài Gòn bị ngập lụt ngày càng trầm trọng (15).
Ngày nay (2010), Sài Gòn có diện tích 2.095 km2, khoảng cách Bắc (Phú Mỹ Hưng) – Nam (Long Hòa, Cần Giờ) là 102 km, khoảng cách Đông (Long Bình) – Tây (Bình Chánh) là 47 km, với dân số chính thức khoảng 8 triệu, cộng thêm cư dân lậu có thể khoảng trên dưới 10 triệu.

Hình 2. Lưu vực sông Sài Gòn, Đồng Nai và hệ thống sông rạch thiên nhiên (2)


Cao độ tại trung tâm Sài Gòn (Quận 1) là 3 m trên mực nước biển. Tính trên diện tích toàn thành phố, gần 60% diện tích (120.000 ha) là vùng đất thấp dưới 1,5m trên mực nước biển, với mạng lưới sông rạch chằng chịt (7.880 km kinh rạch chính) (25).
Hiện nay, 154/322 xã phường (gần 50%) của Sài Gòn thường xuyên bị ngập lụt (2, 17). Diện tích ngập tại Sài Gòn hiện nay vào khoảng 35 km2 trên diện tích đất xây dựng, và 230 km2 trên diện tích đất nông nghiệp; và số dân bị ảnh hưởng bởi ngập nước khoảng 1,8 triệu người (20). Dự đoán đến năm 2050 con số này là 177 phường xã (chiếm 61%) (17). Sau hơn 10 năm chống ngập lụt, Sài Gòn vẫn còn khoảng 100 điểm ngập, mặc dù 75% các điểm ngập có vị trí cao hơn ít nhất 1 m so với mực nước cao nhất trên sông Sài Gòn ghi nhận tại trạm Phú An (2). Chẳng hạng, nhiều địa điểm trước đây không bao giờ bị ngập, như vùng ngã tư Bốn Xã thuộc quận Bình Tân, có cao độ gần 3m, nay cũng bị ngập và ngập rất sâu (2).
Theo báo chí Việt Nam, dân chúng Sài gòn bắt đầu đối diện với tình trạng ngập lụt được nhận định là "ngoài sức tưởng tượng". Chẳng hạn, đợt ngập lụt xảy ra vào ngày 15 tháng 12 năm 2008 được xem là chưa từng có suốt 50 năm vừa qua, khi mức nước ngập dâng lên tới 1,55 m (4).
Hiện nay (2010), toàn thành phố có 100 điểm ngập lụt, trong số này có 85 điểm ngập trầm trọng, gồm 12 điểm ở lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè; 28 điểm ở lưu vực Hàng Bàng; 7 điểm ở lưu vực Tàu Hủ -Bến Nghé – Kinh Đôi – Kinh Tẻ; 11 điểm ở lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm; và 16 điểm rải rác nhiều lưu vực khác (15)
Kể từ 2001, những địa điểm ngập quan trọng trong mùa mưa là Bùng Binh Cây Gõ, Bến xe Chợ Lớn, nhiều khu vực ở quận 1, 3, 5, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp. Vùng ngập lụt trầm trọng đáng kể nhất là khu vòng xoay Phú Lâm, cửa ngõ phía tây thành phổ, bao gồm các đường: Hậu Giang, Hùng Vương, Kinh Dương Vương, Minh Phụng. Tại quận Bình Thạnh, các đường Chu Văn An, Bùi Đình Túy, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng hay Miếu Nổi cũng thường xuyên bị ngập nặng. Ở khu vực ngã tư Bốn Xã, thuộc quận Bình Tân, nơi có tốc độ đô thị hóa cao, tình trạng ngập úng còn trầm trọng hơn (22).
'Rốn Lũ Trong lòng đô thị', được báo chí đặt tên, rộng 350 ha gồm khu vực vòng xoay Cây Gõ toả ra các quận 5, 6 và 11, như các đường Châu Văn Liêm Hồng Bàng. Ở khu vực này nước không những ngập đường phố mà còn tràn cả vào nhà dân, mỗi khi mưa kéo dài (10, 22). Những tuyến đường gần khu vực Bến xe Chợ Lớn, như đường Lê Quang Sung, Nguyễn Thị Nhỏ (phường 2, quận 6) chỉ cần có mưa xuất hiện khoảng 15 phút là nước ngập lên quá đầu gối (22).
Nhiều nơi chìm sâu trong nước 2-3 ngày mới rút, gây khổ cực, phiền phức cho dân cư. Khu vực bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh), đường Mễ Cốc 1, 2 (quận 8), khu Ba Bò (Thủ Đức) cũng là những nơi nổi tiếng vì ngập úng. Đáng lạ hơn là ngay cả khu vực gần kinh rạch vẫn bị ngập như quận Tân Bình, cạnh kinh Nhiêu Lộc, hay như vùng nằm dọc theo sông Bến Cát, quận Gò Vấp (22)

I. NGUYÊN NHÂN NGẬP LỤT
1. Nguyên nhân do thiên nhiên.

1.1. Ngập lụt do mưa. Sài Gòn có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến 11, mùa khô từ tháng 12 đến 4. Vũ lượng trung bình hàng năm khoảng 2.000 mm, 80% xảy ra trong mùa mưa. Lượng mưa tối đa hàng ngày là 200 mm, lượng mưa hàng giờ tối đa là 50 mm (22). Theo kết quả khảo sát của JICA, dựa trên vũ lượng đo được tại Trại Khí Tượng Tân Sơn Nhất từ ngày thành lập đến năm 2001, những cơn mưa có vũ lượng lớn xuất hiện rất ít. Trung bình cứ 3 năm mới xuất hiện một cơn mưa có vũ lượng 85,36 mm, và 5 năm mới xuất hiện một trận mưa có vũ lượng 95,91 mm (22).
Cơn mưa ngày 5/6/2006 tại Sài Gòn kéo dài gần 1 giờ đồng hồ với lượng mưa đo được 75 mm đã gây ra 20 điểm ngập. Trận mưa chiều tối 30/6/2006 cũng gây 5 điểm ngập nặng (22).
Trận mưa ngày 21/7/2009 kéo dài 4 tiếng gây ngập lụt trầm trọng. Tại trạm khí tượng Mạc Đỉnh Chi (Q.1 Sài Gòn) lượng mưa đo được từ 13 giờ 30 đến 15 giờ là 82 mm, nếu tính mưa cả ngày tổng cộng 100 mm. Khu bị ngập nặng nhất là các tuyến đường xung quanh bùng binh Cây Gõ, bến xe Chợ Lớn, chợ Tân Thành, đường Nguyễn Thị Nhỏ, Hồng Bàng, An Dương Vương, Ba Tháng Hai, v.v. thuộc các quận 5, 6 và 11. Đường Lê Hồng Phong, Ba Tháng Hai và một số con đường lân cận thuộc Q.10 cũng bị ngập nặng. Trung tâm Q.1 cũng bị ngập trên các trục đường chính như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Lê Lai, Lê Lợi, Calmette, Nguyễn Cảnh Chân, Lê Thánh Tôn. Khu dân cư Văn Thánh Bắc (Q. Bình Thạnh) nước tràn vào nhà. Coi như tất cả thành phố Sài Gòn bị ngập (2).
Đợt ngập lụt xảy ra vào ngày 15 tháng 12 năm 2008, được xem là chưa từng có suốt 50 năm vừa qua, khi mức nước ngập dâng lên tới 1,55 mét (4).
Theo các chuyên gia thủy lợi, từ năm 2003 đến nay, Sài gòn rất dễ ngập, kể cả khi lượng mưa trung bình chỉ từ 30 mm đến 40 mm (4).
1.2. Ngập lụt do thủy triều cao (triều cường). Nước sông Sài Gòn chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều Biển Đông (mỗi ngày có 2 lần thủy triều lên, 2 lần thủy triều xuống). Thủy triều cao (triều cường) ở cửa biển Vũng Tàu là 4,00 m (lớn nhất ở Việt Nam). Càng vào nội địa, thủy triều thấp dần. Tại Trạm Nhà Bè (ngã ba sông Nhà Bè, Lòng Tàu, Xoài Rạp, cách biển khoảng 45 km), thủy triều cao 1,27 m đến 1,50 m. Tại trạm Phú An (Phường Bến Nghé, Quận 1 Sài Gòn, cách biển 60 km) thủy triều cao từ 1,23 m đến 1,46 m. Riêng đêm 25/11/2007, đỉnh triều cao tại Phú An 1,49 m (15).
Trước 1975, dân Sài Gòn chưa hề nghe từ "triều cường" và "ngập lụt do triều cường", mặc dầu hiện tượng thủy triều lên xuống vẫn xảy ra với cường độ không thay đỗi từ trước tới nay tại cửa biển (20), nhưng mực nước triều cường trên sông, như tại Phú An thì lại rất cao so với ngày xưa (21). Mực nước tại Phú An chỉ bắt đầu tăng đột biến từ những năm đầu thập niên 1990, trùng với thời kỳ phát triển đô thị mạnh mẽ của thành phố (20).
Đợt triều cường ngày 29/10/2007 ở mức 1,48 m tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn, là mức thủy triều cao nhất tại trạm Phú An trong 48 năm qua, kể từ năm 1960, gây ngập lụt trầm trọng ở Sài Gòn.
Đợt triều cường ngày 7/11/2010 kéo dài trong 3 ngày, đỉnh triều đo tại trạm Phú An là 1,56 m, cao kỹ lục trong 50 năm, gây ngập lụt nặng bao gồm quận 8, quận Bình Thạnh, một phần của quận Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn, vùng đất trước kia vốn là vùng trũng, thấp, nơi trữ nước mỗi khi triều dâng, nay được đô thị hóa (18). Nhiều đoạn đê ở quận Thủ Đức, quận 12 bị vỡ, có nơi ngập sâu 0,50 m (1). Cũng trong đợt triều cường này, mưa lớn kết hợp với triều cường khiến áp suất nước trong cống lớn, đẩy nhiều nắp cống bung ra, tạo thành hố nước xoáy trên đường.
Vì địa thế thấp, Sài Gòn ngày nay dễ bị ngập lụt. Không cần mưa, Sài Gòn vẫn bị ngập lụt khi có thủy triều cao, nhất là trong những tháng 10, 11 hàng năm (4). Trong dịp có thủy triều cao, nếu có mưa to, bảo, lũ lụt Miền Tây và Đồng Tháp Mười xảy ra thì Sài Gòn ngập lụt càng trầm trọng. 70% diện tích Sài Gòn bị ảnh hưởng bởi triều cường (2).
1.3. Ngập lụt do lũ lụt Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Năm 2000, Sài gòn ngập lụt là do lũ Tây Nam Bộ và lũ Đông Nam Bộ, do mưa và triều cường lớn (5). Lũ Tây Nam Bộ tràn vào sông Vàm Cỏ Đông gây nên ngập lụt phần tây nam Sài Gòn, vượt qua mức lũ năm 1996. Cũng trong lũ năm 2000, khu Đông Nam Bộ nhận một vũ lượng lớn tới 200 mm trong 3 ngày liên tục 9-11/10/2000 làm nước sông hồ dâng cao. Riêng ở vùng Tây Ninh trong lưu vực hồ Dầu Tiếng nhận một vũ lượng tổng cộng bất thường tới 2173,3 mm vượt quá vũ lượng mưa thiết kế 328 mm (5). Vì vậy Hồ Dầu Tiếng phải xả lũ từ 7-15/10 với lưu lượng 200-600 m3/s, hồ Trị An từ 10-23/10 một lưu lượng lớn 2.550 m3/s, và Hồ Thác Mơ từ 10-19/10 một lưu lượng 1480 m3/s (5). Tại lưu vực ven sông Sài Gòn, Đồng Nai triều cao kết hợp với mưa lớn và xã lũ của 3 hồ cùng lúc gây ngập lụt từ 7/10 đến 25/10 vùng Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Quận 2, 9, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức và hai nông trường Lê Minh Xuân và Phạm Văn Hai (5).

2. Ngập lụt do con người gây ra
2.1. Thiết kế đô thị trên vùng đất nê địa. Kễ từ sau 1975, dân số Sài Gòn gia tăng nhanh, nhất là dân cư trú lậu không kiểm soát được, nên nhà cửa xây cất loạn xạ. Theo thống kê chính thức, dân số Sài Gòn năm 1975 là 3.498.120 người, năm 2010 là 7.391.108 (chưa kễ dân cư ở lậu), tức trong vòng 35 năm, dân cư thành phố tăng 2,1 lần (2)
Thay vì thành phố nên phát triển trên vùng đất cao theo hướng đông và đông – bắc, thì Sài Gòn lại phát triển theo hướng nam và tây – nam, tức trên vùng đất thấp, nê địa, ruộng ngập nước, ao rau muống, nơi trước kia xử dụng như là hồ nước thiên nhiên điều thủy trong mùa mưa của Sài Gòn ngày xưa. Đây là những vùng có độ cao so với mặt nước biển chỉ từ 0,5 – l,0 m (22).
Chẳng hạn, các khu đô thị phía Nam như Bình Chánh, quận 7, Nhà Bè, khu đô thị hiện đại tối tân Phú Mỹ Hưng là khu vực trũng, trước đây vốn là hồ chứa nước thiên nhiên. Toàn khu vực phía nam này là cửa thoát nước chính của Sài Gòn khi có mưa (3). Nay toàn khu vực được đô thị hóa, kinh rạch bị lấp, không còn đường thoát nước. Ví dụ điển hình là việc san lấp mặt bằng để làm khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã làm giảm khả năng tích trữ nước của Sài Gòn không dưới 10.000 m3 (2)
Ngày nay, đô thị tiếp tục phát triển theo hướng Nam tức vùng thấp và hướng đông ra vùng biển Cần Giờ (17).
2.2. Sông rạch ao hồ thoát nước bị lấp. Sài Gòn trước 1975 có khoảng 700 tuyến sông, kinh rạch, trong đó nhiều tuyến là đường thoát nước quan trọng khi có mưa. Kễ từ 1975, khoảng 13.000 ha ao hồ, kinh rạch làm nơi chứa nước tại Sài Gòn đã bị lấp (2). Hồ Bình Tiên rộng 7,4 ha, một trong số những hồ chứa quan trọng nhất cũng bị san lấp (Tuổi Trẻ ngày 27/05/2010). Chỉ trong khoảng 14 năm (từ 1990 đến 2004) đã có chừng 47 kinh rạch lớn nhỏ với tổng diện tích hơn 16,4 ha đã hoàn toàn bị san lấp. Thêm vào đó, hầu hết kinh rạch giữa lòng Saigon như Tân Hóa, Lò Gốm, Xuyên Tâm, Hàng Bàng, Ba Bò, Ðen bị lấn chiếm, diện tích nhỏ lại. Nạn xả rác bừa bãi xuống kinh rạch làm tắt dòng chảy, chặn nguồn thoát nước tự nhiên của kinh rạch (2). Ngoài ra, sông Sài Gòn cạn vì phù sa bồi, bờ sông bị lấn chiếm, nên nước sông dâng cao rất nhanh khi có mưa, thủy triều lớn hay xả lũ các hồ trên thượng nguồn. Hai quận 8 và 6 đang trong tình trạng ngập nặng vì quá trình đô thị hóa ở Nam Sài Gòn vì các sông rạch thoát nước bị lấp (3).
Một chuyên gia đưa ra một ước tính rằng khả năng chứa nước tại chỗ trong hệ thống hồ ao của thành phố giảm 10 lần trong vòng 8 năm (2002-2009) trong lúc diện tích bê-tông hóa tăng lên 2,5 lần (2).
Trong nghiên cứu cho thành phố Sài Gòn, công ty tư vấn Nikkei Seikkei (Nhật Bản) đã đề xuất các khu đô thị tại nơi có nền đất cao phải có hồ điều hòa với dung tích từ 180-200 m3 cho mỗi ha xây dựng, còn đối với khu vực có nền đất thấp như Nhà Bè, Phú Mỹ Hưng Nikkei Seikkei đề xuất mô hình phát triển theo cụm và sử dụng công viên có diện tích đáng kể làm vùng đệm chống ngập. Tuy nhiên, Việt Nam không áp dụng lối quy hoạch này của thế giới mà ngược lại cho lấp toàn bộ ao hồ thiên nhiên vốn đã có (2).
2.3. Hệ thống thoát nước quá cũ với lưu lượng nhỏ và hư hỏng. Hiện nay Sài Gòn vẫn còn xữ dụng hệ thống thoát nước của thành phố Sài Gòn trước năm 1975, dài trên 1 ngàn cây số, chằng chịt khắp nơi như mạng nhện. Hệ thống cũ này trước kia thiết kế thoát nước với vũ lượng 40 mm/trận mưa. Ngày nay, bị hư hỏng . Phần cống được xây dựng thêm sau 1975 cũng không có khã năng thoát nước quá 40 mm mưa (22). Chỉ có một số ít cống chính có khã năng thoát nước với vũ lượng 80 mm hay đỉnh triều cường 1,32 m (22), trong lúc trong thực tế một trận mưa trên 60 mm hay 100 mm/ngày mưa vẫn thường xãy ra (12).
2.4- Bê Tông hóa mặt đất. Thành phố Sài Gòn ngày nay coi như toàn bộ được tráng nhựa và xi măng, từ đường phố, đường hẻm, sân nhà, ngay cả công viên, v.v. ngăn chặn nước mưa thấm sâu vào lòng đất. Nước mưa vì vậy chảy tràn đến nơi trũng, gây ngập lụt.
Trong vòng 17 năm, từ 1989 tới 2006, diện tích mặt đất được bê-tông hóa tăng 4 lần, từ 6.000 ha năm 1990 lên tới 24.500 ha vào năm 2006, thu hẹp diện tích chứa nước, giảm đáng kể khả năng thấm tự nhiên vào lòng đất, hạ thấp mực nước ngầm, gây lún trầm trọng và làm thành phố trở ngập lụt dễ dàng (20). Ngoài ra, việc bê-tông hóa một diện tích lớn làm tăng nhiệt độ bề mặt đô thị, nhiệt độ bề mặt tối đa tăng từ 39,8 ºC năm 1989 lên 48,4 ºC năm 2006. Đây cũng là nguyên nhân gia tăng những trận mưa lớn tại Sài Gòn những năm sau này (3, 4, 20).
Trong thời kỳ 1998-2009, Sài Gòn mất đi 50% diện tích cây xanh khiến cho tỷ lệ cây xanh trên đầu người vô cùng nhỏ, khoảng 0,7 m2 /đầu người vào năm 2009, trong khi mục tiêu của năm 2010 đề ra trong quy hoạch chung là 6-7 m2/người.

Hình 3. Diện tích Sài Gòn bị bê tông hóa qua thời gian (2)


2.5. Đất nền lún sụp. Xây dựng những cao ốc và đô thị hóa trên nền đất không vững của vùng nê địa, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, nước mưa không thấm được vào lòng đất vì bê tông hóa, đã tạo ra hiện tượng bề mặt Sài gòn bị lún sụp, khoảng 15 mm/năm (2, 22).
2.6. Hệ thống đê bao chống ngập lụt không hữu hiệu: Ngày 26/11/2007, 40 điểm vỡ đê ở thành phố Saigòn, riêng phường An Phú Đông, quận 12, có 22 điểm bể và tràn bờ nhiều nơi, có nơi ngập trên 1 m. Nước sông Sài Gòn ào ạt chảy vào khu dân cư, nhanh chóng dâng lên ngập cả thước. Nhiều hẻm có đoạn ngập đến 1,8 m (21).

Hình 4. Cảnh ngập lụt tại Sài Gòn ngày 26/11/2007


Ngày 8/11/2010, triều cường kết hợp với mưa lớn gây nhiều đoạn bờ bao xung yếu tại quận Thủ Đức, quận 12 đã bị vỡ. Hàng trăm gia cư thuộc khu phố 7, khu phố 8 (phường Hiệp Bình Chánh) và khu phố 2 (phường Tam Phú) quận Thủ Đức vẫn chìm sâu trong nước do bể bờ bao. Các tuyến đường trong nội thành như đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Tất Tố, Bùi Hữu Nghĩa, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Phạm Thế Hiển, Lưu Hữu Phước (quận 8), bị ngập sâu 0,3 m – 0,5 m.
Nước sông Sài gòn bất ngờ tràn ngập đường số 7 thuộc khu phố 5 (P. Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) vào rạng sáng ngày 28/9 nước dâng cao lên đến 1m và sau đó rút rất chậm theo con nước ròng. Nguyên nhân được xác định là một đoạn bờ bao tại rạch Ụ Lò bị san thấp trong quá trình thi công chưa kịp tái tạo (11).
2.7. Ngập lụt do xả lũ: Hạ nguồn sông Sài Gòn chịu ảnh hưởng bán nhật triều của Biển Đông, nên khi có triều cường thì ngập lụt. Ngược lại, phía thượng nguồn, dầu đất cao hơn, nhưng một khi xả lũ của các hồ Dầu Tiếng, Trị An, Thác Mơ thì gây ngập lụt cho Sài Gòn (6, 7). Chỉ cần một ngày mưa 500 mm, bắt buộc phải xã lũ cùng lúc ở các hồ này (16), và như vậy phần lớn diện tích của các quận 2, 7, 8, 9, huyện Nhà Bè, v.v. sẽ chìm sâu trong nước (4).
Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 70 km theo đường thẳng, có dung tích gần 1,6 tỉ m3, đập chính dài 1,1 km, đập phụ dài 27 km (16).
Trong trận lũ lịch sử lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ năm 1952, lượng nước đo được tại vị trí Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn là 1.400 m3/giây. Những nghiên cứu sau này cho thấy tần suất xảy ra trận lũ như vậy là 100 năm một lần. Theo qui định, trước ngày 1/11 hàng năm hồ Dầu Tiếng không được tích nước quá cao trình 23,1 m, sau ngày 10/11 mới được phép nâng lên 24,4 m, nếu có lũ về thì nâng lên 25,1 m và lưu lượng xả lũ đạt mức cao nhất 2.800 m3/giây (16).
Theo nghiên cứu của Hội Khoa học Thủy lợi TP Sài Gòn, qua 26 năm khai thác hồ Dầu Tiếng, lưu lượng xả lũ bất thường do cửa van hõng năm 1986 là 580 m3/giây đã gây ngập lụt khá nặng cho vùng hạ du, đặc biệt là Sài Gòn, năm 2008 cũng xả 600 m3/giây đã gây ngập cho nội thành Sài Gòn (16).
Vì vậy, nếu tất cả Hồ Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ, Phước Hòa xả lũ cùng lúc với khoảng 5% lưu lượng theo như quy định hiện hành (từ 20.000 – 30.000 m3/giây) thì Sài Gòn chắc chắn sẽ phải chịu ngập lụt và thiệt hại rất nghiêm trọng (25).
2.8. Đổ thừa cho hiện tượng Hâm nóng toàn cầu. Các cơ sở phụ trách chống ngập lụt ở Sài Gòn giải thích về việc Sài Gòn càng ngày càng thêm ngập lụt là một phần do nước biển dâng cao bởi hiện tượng Hâm nóng toàn cầu. Sự thật thì hiện tượng này không có liên hệ gì với sự trầm trọng ngập lụt ở Sài Gòn, vì mực nước biển tại Vũng Tàu không có biến đổi gì nhiều trong vòng 20 năm qua (2, 3, 26). Ngược lại, mực nước tại trạm Phú An và Nhà Bè gia tăng đáng kễ, với tốc độ lần lượt là 1,45 cm/năm và 1,17 cm/năm (2, 3), và sự kiện này có tương quan thuận giữa lưu lượng xả tối đa của trạm thủy điện Trị An với mức nước cao nhất hàng năm tại Biên Hòa, Phú An và Thủ Dầu Một (2, 26).

Hình 5. Biểu đồ mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu (VT), Nhà Bè (NB) và Phú An (PA) (2)

Hình 6. Tần số mực nước cao tại Phú An vượt 1,2 m, 1,3 m, 1,4 m và 1,45 m


Theo Hình 6, từ những năm 1990, số lần mực nước đạt các mức cao nhất hàng năm tại trạm Phú An tăng lên nhanh chóng. Nếu trong năm 1995, số lần mực nước vượt mức 1,2 m là khoảng 30 lần thì con số này vào năm 2007 là 100 lần (2).
2.9. Quản lý kém: Từ những nguyên nhân do con người gây ra lụt lội ở thành phố Sải Gòn kễ trên, nguyên nhân chính là do quản lý yếu kém, thiếu viễn kiến, phản khoa học và con người thiếu thật tâm (4).
Một trong các quản lý kém là các dự án thi công không đồng bộ, chồng chéo lên nhau, và không cơ quan nào chịu trách nhiệm thất bại về phần mình. Trong cơn mưa rạng sáng ngày 19/4/2011, toàn thành phố có tới 41 tuyến đường bị ngập sâu với độ sâu trung bình 0,3 m. Trong tổng số 41 tuyến đường bị ngập kể trên có đến hơn một nửa là do việc thi công các công trình thoát nước làm tắc nghẽn dòng chảy (9). Hiện tại (4/2011) toàn thành phố đã xuất hiện tới 64 vị trí thi công dự án làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, trong tổng số 64 vị trí trên, nhiều nhất là của dự án vệ sinh môi trường thành phố (lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) với 25 vị trí; kế đến là dự án nâng cấp đô thị với 21 vị trí (9). Không biết thực tế đến bao giờ các dự án đó chấm dứt.

II. DỰ ÁN PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ SÀI GÒN TRƯỚC 1975
Trước 1975, có 3 dự án quan trọng phát triễn thành phố Sài Gòn. Cả 3 dự án này có những điểm chung: (i) đều quy hoạch phát triễn thành phố trên vùng đất cao, dọc bờ sông, và theo hướng bắc và đông bắc; (ii) tạo nhiều ao hồ ở vùng trũng để điều tiết lượng nước mưa tránh ngập lụt cho thành phố; (iii) nhiều sông rạch và hệ thống hầm cống thoát nước chảy tự nhiên theo độ dốc.
Đồ án quy hoạch đầu tiên do đại tá công binh Coffyn đệ trình lên thống đốc Bonard năm 1862, theo đó Sài Gòn được thiết lập trên bờ sông có địa hình cao, với diện tích 2.500 ha cho dân số 500.000 người. Để thoát nước tự nhiên theo triền dốc, thiết lập hồ nhân tạo điều hòa nước mưa hay thủy triều đào ở vùng trũng. Hồ này có một số cửa được mở ra để nhận nước sạch từ sông và kinh rạch chảy vào khi nước thủy triều lên, và bằng cách này nó sẽ tống nước dơ ra kinh rạch bằng một hệ thống các ống dẫn ra kinh Bến Nghé, Thị Nghè và sông Sài Gòn khi nước triều xuống. Cứ hai lần một tuần nước chảy vào và xả ra sẽ làm sạch hệ thống nước thải của thành phố (14).
Năm 1943, kỹ sư Pugnaire cùng với kiến trúc sư Cerutti, công bố kế hoạch chỉnh trang Sài Gòn – Chợ Lớn và phát triển thành phố đến tận năm 2000 với dân số dự kiến tăng trên 1 triệu vào năm 2000. Trong kế hoạch này hai ông đưa ra đề xuất là phải đào một cái hồ ở phía tây đường Lê Văn Duyệt (Đinh Tiên Hoàng ngày nay), một mặt lấy đất tôn cao nền để xây dựng nhà cửa và điều quan trọng là để chứa nước mưa. Quanh hồ nhân tạo lớn này sẽ thiết lập một khu triển lãm, vận động trường thể thao, những câu lạc bộ thể dục và bơi lội, cùng các cơ quan hành chính của tỉnh Gia Định. Một hệ thống thoát nước dựa vào chính dòng chảy tự nhiên bằng một hệ thống kinh mương nối nhau chảy thoát ra sông. Dự án chưa được thực hiện vì chiến tranh (14).
Trong thời Việt Nam Cộng Hòa, nhóm kiến trúc sư do ông Lê Văn Lắm lãnh đạo, gồm quý ông như KTS Ngô Viết Thụ, KS Trần Lê Quang, v.v. đã công bố "Dự án thiết kế thủ đô Sài Gòn". Dự án nghiên cứu rất chi tiết, từ lịch sử, địa lý đến điều kiện xã hội học, qui hoạch, thiết kế công trình đến kế hoạch trù liệu tài chính.
Theo dự án này, thành phố chỉ nên phát triển và mở rộng trên vùng đất cao, theo trục xa lộ Biên Hòa, hướng về phía bắc và đông bắc (Thuận An, Biên Hòa) và Tây Bắc (Củ Chi). Thiết lập một đô thị Sài Gòn mới song hành với Sài Gòn cũ. Các cơ sở kỹ nghệ, và đại học phải dời ra khỏi Sài Gòn cũ, để dân chúng tự động đến định cư ở thành phố mới.
Dự án còn khuyến cáo là bất luận trong trường hợp nào thành phố cũng không được phát triển kỹ nghệ và đô thị hóa về hướng nam và đông nam thành phố như Nhà Bè, Cần Giờ, và Bình Chánh, vì đó là khu vực trũng, xử dụng như hồ nước điều thủy khi có mưa to. Nếu có xây cất thì chỉ cho phép nhà thấp tầng, nhà vườn, và duy trì hình thái nông nghiệp sinh thái, không được bêtông hóa toàn bộ bề mặt để cho nước ngấm (14).
Dự án chỉ thực hiện được vài năm, như thiết lập khu kỹ nghệ dọc Xa lộ cho tới Biên Hòa, thành lập làng Đại Học, khu Đại Học Thủ Đức, v.v. thì biến cố 4/1975 xảy ra.

III. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỄN TP SÀI GÒN NGÀY NAY
Hiện nay Sài Gòn được phát triễn theo hướng nam (Bình Chánh, Phú Mỹ Hưng) và hướng đông (hướng Cần Giờ) là vùng đất nê địa.
Ở Khu đô thị mới Nam Sài Gòn công ty tư vấn Skidmore, Owings & Merrill – SOM (Mỹ) đã quy hoạch theo mô hình "đô thị đảo" (City of Island) kết hợp phát triển các đô thị với các kinh rạch bao quanh vừa bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên vừa thoát nước dễ dàng, nhưng rất tiếc là ý tưởng này không được thực hiện đầy đủ trong thực tế (25).
Phát triển thành phố ra biển Đông, biến "Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông" của thời xa xưa thành "Rotterdam của Đông Nam Á", theo như quy hoạch TP Sài Gòn đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt. Ông Arnoud Molenaar, Giám đốc phụ trách ứng phó biến đổi khí hậu của thành phố Rotterdam khi thăm viếng Sài Gòn tuyên bố: "Tiến ra biển, TP HCM nên biến nguy cơ (ngập lụt) thành cơ hội cho mình". Lấy thành phố cảng Rotterdam làm kiểu mẫu mô hình phát triễn cho Sài Gòn, ông Molenaar nói tiếp "Đất nước nằm thấp hơn mực nước biển này đã phát triển ra biển qua nhiều thập kỷ và trở thành cảng biển lớn nhất Châu Âu khi có những điều kiện tốt về hàng hải".
Đồng tình với quan điểm này, Ông Phó chủ tịch UBND khẳng định thành phố không thể không phát triển kinh tế biển để tận dụng chiều dài hàng trăm km dọc sông, thích hợp phát triển cảng (17).
Quy hoạch TP Sài Gòn đến năm 2025 chuyễn thành thành phố kinh tế cảng biển đã được Chính phủ phê duyệt.

IV. CÁC DỰ ÁN CHỐNG NGẬP LỤT NGÀY NAY
1. Công trình chống ngập lụt cho thành phố Sài Gòn
Để chống ngập lụt cho TP Sài Gòn, chia 3 vùng thủy lợi (25):
- Vùng I: Gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn – Nhà Bè
- Vùng II: Khu vực ngã 3 sông Sài Gòn – Đồng Nai
- Vùng III: Khu vực bờ tả sông Nhà Bè – Soài Rạp
Dự án tập trung vào vùng I, là vùng khống chế khu vực nội thành Sài Gòn, với nhiều nhiệm vụ về tiêu thoát nước đô thị, môi trường và cải tạo đất. Để giải quyết, xây dựng một hệ thống công trình khép kín bao gồm 13 cống kiểm soát triều và 172 km đê bao kết hợp với các tuyến giao thông, cao trình đê tối thiểu 2,5 m.
Sau khi hoàn thành hệ thống khép kín, bảo đảm kiểm soát mực nước kinh rạch trong khu vực, trong đó có thể hạ thấp mực nước trong kinh rạch theo yêu cầu để tăng cường khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước của đô thị cũ, biến dòng chảy 2 chiều thành dòng chảy một chiều, tạo điều kiện tốt cho việc thoát lũ, ngăn chặn ảnh hưởng của hiện tượng mực nước biển dâng (25).
Theo báo cáo thực trạng và giải pháp thoát nước của Sở Giao Thông Công Chánh Sài Gòn tháng l0/2003, các biện pháp xử lý đã triển khai cho vùng trung tâm thành phố nơi có tới 85% tổng số điểm ngập gồm các biện pháp chính như sau (22):
(i) Đối với vùng ngập do triều và mưa: tiến hành san lấp, nâng cao mặt đất, nâng cao mặt đường, như đã san lấp ở khu đô thị mới quận 7, hay tôn cao mặt đường đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh.
(ii) Đối với vùng ngập do mưa: làm thêm các đường cống nối từ đường này với đường khác; tạo hệ thống cống lấy và dẫn nước hoặc dùng máy bơm để bơm lượng nước ngập sang nơi khác.
(iii) Tiến hành nạo vét một số kinh rạch, nạo vét ống cống, hố ga định kỳ nhằm tăng lượng nước tiêu thoát.
(iv) Triển khai các dự án (vốn ODA hay vốn trong nước) như dự án vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè), dự án cải thiện môi trường nước (tiểu dự án cải tạo HTTN rạch Hàng Bàng), dự án cải thiện môi trường nước (lưu vực Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ), dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm.
Theo Trung Tâm Điều Hành Chương trình chống Ngập Nước hiện có 2 quy hoạch tổng thể liên quan tới công trình thoát nước và thủy lợi (7). Đó là: (i) Quy hoạch Quản lý Công Trình Thủy Lợi để quàn lý tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triễn Nông Thôn (NN&PTNT) xây dựng (phê chuẩn năm 2008), và (ii) Quy hoạch tổng thể về tiêu thoát nước của thành phố Sài Gòn.
1.1. Quy hoạch Quản lý Công Trình Thủy Lợi được chính phủ phê duyệt đề xuất xây dựng một hệ thống đê bao dọc theo bờ Tây sông Sài Gòn với tổng chi phí lên tới 11.000 tỷ đồng để triệt tiêu ảnh hưởng của thủy triều đối với thành phố (2). Quy hoạch gồm:
-Xây dựng đê bao dọc bờ phải sông Sài Gòn có chiều dài tổng cộng 172 km.
-Xây dựng đê bao dọc sông Đồng Nai ở quận 9 chiều dài tổng cộng 13,5 km.
-Xây dựng 13 cống điều tiết dọc theo sông Sải Gòn.
-Nạo vét 30 con sông và kinh hiện hửu có chiều dài tổng cộng 219 km.
Hệ thống đê sông khi hoàn chỉnh (dự trù 2010) gồm đê cao từ 2m đến 2,7 m. Đoạn Bến Súc – tỉnh lộ 8 cao 2,5-2,7 m; đoạn Quốc lộ 8 – Rạch Tra cao 2,2 m,; đoạn Rạch Tra – Vàm Thuật cao 2,0 m; lưu vực Thanh Đa, quận 2 và 9 cao 2,2-2,5 m.
Tuy nhiên, theo các mô hình toán học, nếu một trong các hồ tháo lũ thì các đê này ngăn chận được lũ, nhưng nếu cả 3 hồ xả lũ cùng lúc, cộng với mưa và triều cường thì hệ thống đê hoàn chỉnh này không thể chống cự được lũ tràn qua sông gây ngập lụt lớn ở nội thành Sài Gòn (5).
1.2. Quy hoạch tổng thể về tiêu thoát nước TP Sài Gòn đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt năm 2001. Dự án nhằm cải tạo, xây dựng hệ thống nước mưa kết hợp cải tạo kinh rạch hồ chứa hiện có, cải tạo, nâng cao khả năng tiêu thoát nước của kinh rạch. Quy hoạch gồm:
- Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè, nạo vét mở rộng kinh kết hợp xây dựng bờ kè, xử lý nước thải trước khi đổ ra kinh. Dự án nâng cấp đô thị thành phố lưu vực kinh Tân Hóa – Lò Gốm giải quyết ô nhiễm, thoát nước của kinh này.
- Dự án cải thiện môi trường khu vực kinh Tàu Hủ – Bến Nghé – Kinh Đôi – Kinh Tẻ, rạch Hàng Bàng nhằm cải thiện điều kiện thoát nước khu vực này. Dự án quy hoạch chống ngập úng cho thành phố được Chính phủ phê duyệt tháng 10/2008, thực hiện các giải pháp cơ bản vấn đề ngập do triều, lũ lớn, mưa to bằng cách xây dựng hệ thống đê bao và cống kiểm soát mực nước (3).
2. Các biện pháp sửa chửa cục bộ
Các biện pháp toàn diện nói trên cho tới nay không phát huy kết quả. Ngập lụt càng gia tăng. Vì vậy, địa phương có các biện pháp khác đối phó.
2.1. Nâng cao mặt đường: Nhiều con đường trước đây bị ngập nặng, nay chính quyền nâng mặt đường cao hơn để đường không bị ngập, nhưng lại gây ngập cho nhà dân trong khu vực, và ngập lụt ở các đường khác chưa nâng cao. Để đối phó, dân nâng cao nền nhà. Chẳng hạng, đường Nguyễn Thị Thập ở quận 7 trước đây bị ngập rất nặng sau mỗi cơn mưa lớn. Nước ngập lút bánh xe khiến người dân khốn đốn trong sinh hoạt và di chuyển. Cách đây một năm, con đường được nâng cao, khang trang và không bị ngập khi mưa. Thế nhưng người dân lại lâm vào một cảnh khổ khác, vì nhà nào cũng thấp hơn mặt đường ít nhất là 0,5 m. Sau những trận mưa thì nước ào ào tràn vào nhà. Để đối phó thì nhà nhà chạy đua để nâng nền lên cho bằng với độ cao của con đường (8).
2.2. Đào ao hồ điều thủy. Nay nhận biết sự quan trọng của ao hồ thiên nhiên trong việc điều thủy, Sài Gòn đang tiến hành xây dựng lại hồ ao nhân tạo mà họ đã lấp trước đây. Chẳng hạn, hồ điều tiết Mễ Cốc ở phường 15, quận 8 được khởi công vào năm 2011 (19). Ngoài dự án hồ điều tiết Mễ Cốc, hiện thành phố còn xử dụng các hồ như Hồ Kỳ Hoà; hồ trong các công viên Hoàng Văn Thụ, Hoà Bình để làm hồ điều tiết. Hiện tại, hồ Kỳ Hoà đang gánh bớt một phần lượng nước ở các tuyến đường Lê Hồng Phong, đường Ba Tháng Hai và các đường lân cận bằng hệ thống ống dẫn vào hồ (19). Hồ Kỳ Hòa trước 1975 đã được thiết kế là một trong những hồ điều tiết của Sài Gòn (19).

Hình 7. Hồ nước trong công viên Hoàng Văn Thụ, Q. Tân Bình


2.3. Học bơi lội. Ngày 3/7/2009, dân Sài Gòn có dịp cười hê hã với quyết định mới ban hành của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Sài gòn là vận động dân chúng học bơi và phải hỗ trợ họ nâng cao kỹ năng bơi lội (4).

3. Dự án đê biển Vũng Tàu- Gò Công. Dự án nhằm chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng Sài Gòn và vùng Đồng Tháp Mười (24).
Kinh phí ước tính để thực hiện khoảng 30 ngàn tỉ đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 10-15% kinh phí, còn lại là kêu gọi đầu tư, xã hội hóa. Dự án đê biển bao gồm một tuyến đê dài 32 km, xuất phát từ Vũng Tàu (mũi Ô Cấp, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đến Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Chiều sâu nước trung bình là 6 m, nơi sâu nhất là 12 m. Mặt đê rộng 50 m. Bên cạnh đó, công trình còn có một cống kiểm soát triều, thoát lũ và các âu thuyền phục vụ giao thông thủy.
Nếu được xây dựng, đê sẽ tạo được một hồ chứa với diện tích mặt nước 56.000 ha. Dung tích hồ chứa khoảng 3,3 tỉ m3 (24). Dự án còn trong tình trạng ý tưởng, và tham khảo dư luận, nhưng đã gặp nhiều tranh cải không thuận lợi (28, 29).

KẾT LUẬN
Cho tới nay giải pháp chống ngập lụt ở Sài Gòn vẫn chủ yếu dựa vào việc xây dựng đê bao như đề xuất trong Quy hoạch thủy lợi chống ngập mới đây của thành phố với tổng chi phí lên tới 11.000 tỉ đồng. Sau 10 năm tốn hơn 1 tỉ đô-la vào các dự án thoát nước, vấn đề ngập lụt vẫn chưa được giải quyết, ngược lại có phần trầm trọng hơn (18, 20). Xóa được ngập lụt ở nơi này, thì tạo ngập lụt ở nơi khác. Đến đầu năm 2006, toàn TP Sài Gòn có 105 điểm ngập. Trong ba năm tiếp theo (2006-2008), TP xóa được 57 điểm ngập thì lại phát sinh đến 78 điểm ngập mới khiến tổng số điểm ngập đến đầu năm 2009 nâng lên 126. Trong năm 2009, TP tiếp tục xóa được 30 điểm ngập, nhưng qua năm 2010, 32 điểm ngập mới xuất hiện (22).
Vì vậy, theo các chuyên viên, dù các dự án chống ngập lụt hiện hữu hoàn thành thì cũng chỉ có thể giảm được 50 % số điểm thường xuyên bị ngập ở nội thành mà thôi (3, 4).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://tin180.com/xahoi/chinh-tri-xa-hoi/20101109/sai-gon-ngap-keo-dai-den-het-tuan.html
2. Nguyễn Đỗ Dũng (2011). Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh: đi tìm căn nguyên. (28/2/2011) http://dungdothi.wordpress.com/2011/02/28/ngapluthcmc/
3. Kiên cường (28/5/2010). TP HCM thành biển nước do sai lầm trong quy hoạch' http://boxitvn.wordpress.com/2010/05/28/tp-hcm-thnh-bi%e1%bb%83n-n%c6%b0%e1%bb%9bc-do-sai-l%e1%ba%a7m-trong-quy-ho%e1%ba%a1ch/
4. Trần Văn (3/7/2009) . Dự án chống ngập lụt của Sài Gòn có phần "học bơi"? http://vietsn.com/forum/showthread.php?t=162276
5. Nguyễn Thanh Phong. Nghiên cứu ngập lụt vùng ven sông Sài gòn Đồng nai. thành phố Hồ chí Minh do chế độ xả lũ các hồ Dầu Tiếng, Trị an, Thác mơ . http://www.nsl.hcmus.edu.vn/greenstone/collect/hnkhbk/archives/HASH1e78.dir/doc.pdf
6. Trung tâm chống ngập nước TP HCM. Thực trạng và giải pháp chống ngập đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh.
7. Hội thảo về cuộc sống đô thị C40. Sự ứng phó về nước và khí hậu cho thành phố HCM (12/5/2010).
8. Những ngôi nhà biến thành hang động ở Sài Gòn (16.10.2011). http://radiodlsn.blogspot.com/2011/10/nhung-ngoi-nha-bien-thanh-hang-ong-o.html
9. Sài Gòn ngập lụt vì dự án môi trường. http://vtc.vn/2-284003/xa-hoi/sai-gon-ngap-nuoc-vi-du-an-moi-truong.htm
10. Tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn sẽ còn tiếp tục đến năm 2020 (2/11/2004). http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/ngaplut-20041102.html
11. Thi công bỏ dở, hàng trăm hộ ngập lụt. 28/9/2011. http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/41282/thi-cong-bo-do–hang-tram-ho-ngap-lut.html
12. QĐND. 4/10/2011. Chống ngập để phát triển bền vững ở TP Hồ Chí Minh, cần giải pháp đồng bộ và nguồn vốn . http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/162600/print/Default.aspx
13. Thực trạng và giải pháp chống ngập đô thị ở thành phố HCM. www.hids.hochiminhcity.gov.vn/…/TTchongngap…
14. Nguyễn Minh Hòa (2006). Ngập lụt đô thị: những lời giải xưa. http://vietbao.vn/Xa-hoi/Ngap-lut-do-thi-nhung-loi-giai-xua/40134064/158/
15. Hội thảo Thực trạng và giải pháp giải quyết tình trạng ngập nước ở tp. Hồ chí Minh (26/12/2007). http://www.siwrr.org.vn/?id=diendan
16. Lên phương án ứng phó vỡ đập hồ Dầu Tiếng (14/10/2011). http://www.biethet.com/n789179-len-phuong-an-ung-pho-vo-dap-ho-dau-tieng
17. Muốn tiến ra biển, TP HCM phải chấp nhận ngập nặng. http://land.cafef.vn/2010061511515499CA35/muon-tien-ra-bien-tp-hcm-phai-chap-nhan-ngap-nang.chn
18. Chống ngập để phát triển bền vững. http://kienviet.net/bai-viet/chi-tiet/ngap-lut-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-thien-tai-hay-nhan-tai
19. TP. Hồ Chí Minh: Đào hồ điều tiết chống ngập (18/11/2010). http://kienviet.net/bai-viet/chi-tiet/lam-gi-truoc-khi-song-nhue-vo-phuong-cuu-chua
20. Chống ngập lụt tại Tp. HCM: Không thể chỉ trông chờ vào đê bao (30/11/2010). http://kienviet.net/bai-viet/chi-tiet/chong-ngap-lut-tai-tp-hcm-khong-the-chi-trong-cho-vao-de-bao
21. 40 đoạn đê bao quanh thành phố bị vỡ, Saigòn bị trận ngập lụt lịch sử! Đồng Nhân 11/27/2007.
22. Lê Huy Ba (29/7/2006). Giải pháp gốc chống ngập lụt ở thành phố HCM. http://vietbao.vn/Xa-hoi/Giai-phap-goc-chong-ngap-lut-o-TP-HCM/40152884/157/
23. Bao giờ sài gòn hết ngập? – Bài 1: 10 năm vã mồ hôi chống ngập. http://phapluattp.vn/20110704110237340p0c1085/10-nam-va-mo-hoi-chong-ngap.htm
24. Đê biển Vũng Tàu Gò Công. http://www.skyscrapercity.com/showthread.php?t=1434088
25. Nguyễn Đăng Sơn (20/8/2011) Giải pháp tổng thể chống ngập ở Tp. HCM. http://trelangkienviet.com/2011/08/20/gi%E1%BA%A3i-phap-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%83-ch%E1%BB%91ng-ng%E1%BA%ADp-%E1%BB%9F-tp-hcm/
26. Hồ Long Phi (2007). Chiến lược tích hợp quản lý ngập lụt để thích ứng với biến đổi ở thành phố Hồ Chí Minh. Proceedings: Conference on climate change and sustainable urban development in Viet Nam. Trang 278-287.
27. Hội Thảo về cuộc sống đô thị C40 (7/2010). Sự ứng phó về nước và khí hậu cho thành phố HCM.
28. Nguyễn Minh Quang (2011). Nhận xét về dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công. http://trunghoctanan.net/index.php?option=com_content&view=article&id=541:541&catid=4:stchs&Itemid=22
29. Hoàng Xuân Nhuận (16/3/2011). Nhận xét độc lập của chuyên gia về dự án tuyến đê biển Vũng tàu – Gò công. http://kinhtebien.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=346:nhn-xet-c-lp-ca-chuyen-gia-v-d-an-tuyn-e-bin-vng-tau-go-cong-pgs-ts-hoang-xuan-nhun-hi-cng-ng-thu-va-thm-lc-a-vn-&catid=76:him-ha-nc-dang&Itemid=50

Reading, 11/2011
Trần Đăng Hồng