29 November 2011

Từ văn hoá thể thao đến văn hoá… nói ngọng

 
 Văn Quang - Từ Sài Gòn, ngày 26.11.2011
 
            Từ văn hoá thể thao đến văn hoá… nói ngọng

                                   

 

Cái ao làng đầy rác 26th SEA Games ở Indonesia bế mạc vào tối 22-11. Đoàn thể thao nước chủ nhà Indonesia đã thực hiện được đúng như "kịch bản". Họ đã dàn dựng, dẫn đầu ngay từ ngày thi đấu đầu tiên đến ngày cuối cùng, chiếm hạng nhất gồm :
 

                          - 182 Huy chương vàng (HVC),

                          - 151 Huy chương bạc (HCB) và

                                - 143 Huy chương đồng (HCĐ).
 
                                                
                                                  Dian Kristianto (Indonesia) núp sau trong tài vẫn giành HC vàng!
 

Những tấm huy chương này, phải công nhận có cái đúng, nhưng lại có những cái quá sai, sai đến độ khôi hài như cái clip được tung lên mạng. Võ sĩ Indonesia thua tơi tả, chạy bấn loạn, núp sau lưng trọng tài, vậy mà cuối cùng vẫn được xử thắng trận với huy chương vàng. Một sự thật quá kệch cỡm, quái đản trong làng thể thao thế giới. Bạn có thể xem clip khôi hài độc nhất vô nhị này trên:  

                                                 http://www.youtube.com/embed/mbaARQnjy0Y (click)

 

Vì thế nên vàng thau lẫn lộn, những tấm huy chương khác của nước chủ nhà cũng chịu chung số phận nằm trong sự coi thường của khán giả khắp năm châu.

 

Nhất định không thay đổi           

Thật sự, tôi không còn muốn nhắc đến cái vết đen này của nền văn hoá thể thao Đông Nam Á. Nhưng nó để lại qua nhiều hậu quả tai hại cho thế hệ thanh thiếu niên và nó sẽ còn tiếp tục cho đến những kỳ SEA Games sau.

 

Theo thông báo thì SEA Games năm 2013 sẽ do Myanmar tổ chức, còn Singapore sẽ tổ chức SEA Games năm 2015. Điều đáng nói là tất cả những "luật lệ" ấy không được thay đổi. Theo ông Lâm Quang Thành, trưởng đoàn thể thao Việt Nam, đây là vấn đề còn rất nhiều ý kiến trái ngược. Do nước chủ nhà SEA Games luôn giữ vai trò chủ tịch Hội đồng SEA Games nhiệm kỳ đó nên quyền quyết định đưa môn nào, loại môn nào vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào họ.

 

Sau SEA Games 26, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam - ông Hoàng Vĩnh Giang trả lờibáo chí: "Để thay đổi được thực tế hiện nay thì điều lệ hoạt động của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á cũng phải thay đổi. Ông Giang vẫn đánh giá SEA Games là đại hội thể thao khu vực có uy tín và có tính quy tụ nhất. Ngoài việc là đấu trường tranh tài thể thao, có nhiều quan điểm còn nhấn mạnh SEA Games là ngày hội của các nước trong khu vực nên có nhiều môn mang tính đặc thù của từng quốc gia là để giữ bản sắc của SEA Games".

 

Đặc thù gì, bản sắc gì trong canh bạc bịp?

Như thế, có phải những người có trách nhiệm của Thể Thao VN mặc nhiên chấp nhận những gian lận trắng trợn, lố bịch của SEA Games và còn cho đó là những môn "đặc thù" của từng quốc gia, giữ "bản sắc" của SEA Games!!! Cho nên nó sẽ còn được tiếp tục (?!).

Đặc thù gì, bản sắc gì trong cuộc chơi như cờ bạc bịp kia? Hay là "cố đấm ăn xôi" để dù bị ép, Đoàn Thể Thao VN vẫn kiếm được hạng ba, với 96 HCV, 92HCB, 100 HCĐ và được coi là "vượt chỉ tiêu", lập được "thành tích lớn" mang về cho đất nuớc.

Xem lại hầu hết những phản ảnh của người dân trên diễn đàn báo chí ở VN, tôi chưa thấy độc giả nào vui mừng, hãnh diện vì "thành tích vượt chỉ tiêu" này cả. Thậm chí có độc giả còn phẫn nộ, thẳng thừng cho rằng "Hãy ném những cái huy chương ngay khi xuống máy bay".

Một độc giả khác: Dì Hồng cầu Muối viết: "Năm tháng trôi đi thì SEA Games càng bị các quốc gia "đăng cai(?)" làm mất đi giá trị của nó. Dường như các quốc gia Đông Nam Á coi đấu trường này là để "tự sướng với nhau (?)" : về việc "đăng cai (?)", về cơ sở vật chất, về thành tích huy chương hơn là tinh thần thượng võ thể thao. Một quy luật sẽ diễn ra tại kỳ SEA Games này: quốc gia "đăng cai (?)" sẽ đứng đầu bảng tổng sắp huy chương.

 

Bạn Minh Tâm than với trời: "Hỡi ôi SEA Games, vùng trũng thể thao thế giới...10 năm hay 100 năm nữa không biết lúc nào phát triển nổi !"…

 
Tóm lại, chính kiến của người dân khác hẳn với nhận định của các ông "làm thể thao" ở VN. Điều tiên quyết ở đây là mọi luật lệ của SEA Games phải thay đổi, phải có một Uỷ Ban Giám Sát Quốc Tế và trong SEA Games, thi đấu những những môn nào phải được ấn định rõ ràng chứ không thể u xoẹ, để nước chủ nhà múa gậy vườn hoang như từ bao lâu nay. Việc sửa đổi không khó, nếu thật sự các Trưởng đoàn thể thao hoặc cao hơn là cấp Bộ Trưởng Thể Thao các nước Đông Nam Á chịu khó ngồi lại với nhau. Còn 2 năm nữa mới đến SEA Game 27, còn thừa thì giờ cho việc thay đổi này. Nếu không thay thì SEA Games chỉ là một cuộc chơi cho các ông quan chức Thể Thao "tự sướng với nhau (?)" như một độc giả đã nói, mà thôi.
Hao tốn công sức, tiền bạc của nhân dân và đầu độc thanh niên. Vậy có nên tiếp tục hay không? Câu hỏi phải được đặt ra cho ngành Thể Thao VN. Không thể phớt lờ dư luận và cũng là nguyện vọng của người dân.

 

Có làm được "độ" đâu mà bán!

Còn về bóng đá, như tôi đã viết trong kỳ trước, khi xem trận VN đấu với Lào, hầu hết khán giả VN đều quá thất vọng. Mọi người đã có thể nhìn thấy trước trận bán kết giữa VN với Indonesia sẽ đi về đâu. Nhưng sự tệ hại còn hơn cả óc tưởng tượng của người hâm mộ. Cầu thủ VN thua về mọi "thông số (?)", từ thể lực, thể hình đến tinh thần bạc nhược,  những đôi chân đeo đá, lối chơi ngớ ngẩn, có khán giả còn bình luận là thua cả những cầu thủ nghiệp dư chơi ở tỉnh lẻ. Rồi nghi vấn bán độ lại được nhiều phóng viên đặt ra khiến Ban HuấnLuyện mỏi mồm giải thích.

 

Riêng tôi thì không tin là cầu thủ VN bán độ, vì thật ra họ có "độ" đâu mà bán. Có lẽ các phóng viên bị ám ảnh bởi trận ở SEA Games 24 năm 2005, khi Quốc Vượng và Văn Quyến bán độ thôi. Còn những trận này, có muốn "bán VN thua hay được" bao nhiêu không phải là quyền của cầu thủ VN. Họ đá khi đực khi cái, cú hay cú dở, không có được một tầm nhìn bao quát có tính chiến thuật, thiếu hẳn sự tính toán thông minh cho từng pha bóng. Những "đường chuyền không những sai địa chỉ" mà nhiều khi "không có địa chỉ". Thế nên bán độ là "vỡ độ" ngay, con bạc không tin họ bị "lật kèo" nhưng không tin cầu thủ nào thực hiện được đúng "độ. Thằng anh đá ra, vô tình thằng em đá "dô" là chết một cửa tứ.

 

Lỗi không ở Huấn luyện viên và cũng chẳng phải tại cầu thủ. Huấn luyện viên có hay nhất thế giới cũng bó tay thôi. Tất cả là do VN chưa có một trường lớp nào dạy bóng đá từ nhỏ cả và thể lực, thể hình không phải một sớm một chiều thay đổi được.

Vài năm nay mới có được Hoàng Anh Gia lai chịu khó đầu tư cho môn này. Tất cả cầu thủ đội tuyển hay U23 đều không có căn bản. Chỉ có vài cầu thủ có khả năng bẩm sinh, nhờ Trời đá hay hơn mấy thằng bạn đường phố hoặc đồng ruộng, cùng trang lứa mà thôi. Thế là thành "sao" ở đội này đội kia, rồi các ông bầu ham thành tích, bỏ bạc tỉ  ra mua về khiến các "chú con cưng" cứ thế đi lên hay đi xuống tuỳ theo phong độ từng mùa. Thế thì đừng hòng vài năm nữa "con rồng bóng đá VN" bay lên được. Đôi khi bay đến ngọn cây cũng lại rớt xuống thê thảm như ngày nay. Hãy chờ sau 10 năm nữa, khi lớp trẻ lớn lên trong môi trường "thay máu" mới nói đến chuyện bóng đá VN.

 

Vì thế, để khỏi làm mất thì giờ của bạn đọc, tôi chấm dứt chuyện SEA Games và bóng đá VN ở đây. Quay sang chuyện gọi là "văn hoá" ở VN có nhiều điều đáng bàn hơn.

 

Văn hoá nói ngọng ở thủ đô Hà Nội đang được "sửa sai"

Lâm, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có giọng hát khá hay và có "máu văn nghệ" nên đi đến đâu cũng hăng hái góp vui.

Cậu cao giọng hát trong buổi mừng lễ tốt nghiệp: "Cơn gió lào bay ngang cuộc đời, nói với em rằng tôi nẻ noi", khiến cả hội trường một phen cười như nắc nẻ.

Cậu còn trổ tài: "nắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu nan tím Đà Nạt sương phủ mờ" hay "nòngmẹ bao na như biển Thái Bình"... qua tiếng ca của Lâm đều trở thành "ca khúc bất hủ" bị nhiều người nhại đi nhại lại.

Thầy giáo và sinh viên còn nói ngọng, dạy ngọng, hát ngọng nên trong năm học 2011-2012, Sở Giáo dục & Đào Tạo (GD&ĐT) Hà Nội đưa ra vấn đề "Luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu l, n" đối với 13 huyện ngoại thành Hà Nội". Nói trắng ra là sửa giọng nói ngọng như "Hà Nội" nói thành "Hà Lội", "làm việc" thành "nàm việc"…

Đấy mới chỉ là bệnh "ngọng níu ngọng no" đáng chú ý nhất của một số bác được gọi là "dân thủ đô" hiện nay. Còn một số những phụ âm khác và thật ra những từ ngữ mới cũng cần được sửa sai.

 

Thí dụ bây giờ khi người ta nói "cấp trên đã quyết rồi", có nghĩa là cấp trên đã chấp thuận rồi. Hoặc khi người ta nói "em hoàn cảnh lắm" phải hiểu là em gặp khó khăn lắm. Vậy "quyết" có nghĩa là chấp thuận sao? Và "hoàn  cảnh" có nghĩa là khó khăn sao? Và còn nhiều những loại chữ nghĩa "mới" kỳ cục nữa. Nhưng đó là chuyện thuộc về ngôn ngữ học, ta sẽ bàn đến sau này. Ở đây chỉ bàn đến cái chất giọng Hà Nội và một số người nói ngọng, hầu hết là lẫn lộn "n" thành "l".

 

Điều đáng ngạc nhiên là theo thống kê mới nhất của huyện Phú Xuyên cho biết có khoảng 20% giáo viên và 40% học sinh phát âm chưa chuẩn (tức là nói ngọng). Tỉ lệ 40% học sinh nói ngọng còn có thể hiểu được, còn 20% giáo viên cũng dạy ngọng thì quả là con số khiến nhiều người giật mình.

 

                                    

 

Hiệu trưởng cũng "lói ngọng"

- Anh Nhật Minh (ở Hà Đông, Hà Nội) có con đang học tại trường mầm non của quận cho hay, từ khi con anh đi học gia đình thấy cháu thường xuyên nói ngọng. Mọi người tưởng cháu học các bạn trong lớp. Anh nói: "Mãi đến hôm khai giảng năm học tôi đến dự mới thấy cô hiệu trưởng đọc diễn văn, nói ngọng từ đầu đến cuối. Tôi chợt nghĩ, đến cô hiệu trưởng còn nói ngọng như thế thì làm sao các cháu không bắt chước?".

 

- Cô Hà Thanh  kể lại: "Những người Hà Nội thời đó (trước 1954) nếu nói ngọng được cho là thất học, thế nên tuyệt nhiên không ai phát âm sai. Vậy mà hiện nay một số giáo viên đại học, địa vị cao trong xã hội cũng nói ngọng. Tôi cho rằng ngành giáo dục Hà Nội đang làm một việc rất có ý nghĩa để khỏi biến thủ đô thành "Hà Lộithanh nịch".

 

- Độc giả Nguyễn Hoàng Sơn tâm sự, chuyện nói ngọng "l-n" cứ tưởng là không bao giờ được nhắc đến, không ngờ lại có cả một cuộc cách mạng. Với ông, dù người đối diện có chức vụ gì, giỏi đến đâu mà khi nói ngọng, ông cũng thấy mất thiện cảm.  

Tại huyện Mê Linh cũng là huyện có tỷ lệ người nói ngọng cao, chiếm 30-50% dân số. Trưởng phòng giáo dục Bùi Văn Công cho hay, các cơ sở giáo dục của huyện đang tổ chức lớp huấn luyện phát âm đúng cho giáo viên.

 

Thành phố Hải Phòng cũng tốn hai trăm triệu sửa nói ngọng

Tiền sĩ Vũ Kim Bảng, Phó Viện trưởng Viện ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, Hải Phòng đã nghiệm thu đề tài có kinh phí là 200 triệu với mong muốn cải thiện việc phát âm cho thầy trò ở địa phương này. Là đơn vị có chuyên môn nghiên cứu về ngôn ngữ nên khi nói về chuyện Hà Nội dạy cho giáo viên phát âm đúng, viết đúng hai phụ âm đầu "l,n".

TS Vũ Kim Bảng nói rõ hơn: "Chuyện nói ngọng chẳng riêng gì ở 13 nơi ở Hà Nội. Đây là hiện tượng phổ biến ở các tỉnh, thành thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Có thể kể ra các địa phương như Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh.

 

Cũng theo ông Bảng "Hiện tượng này là ngọng phương ngữ, tức diễn ra trong một vùng hẹp. Người nói ngọng có trình độ chưa cao. Hay nói tóm lại là người Hà Nội rất dị ứng với việc lẫn lộn "l,n". Chỉ có điều tính địa phương kia lại không theo chuẩn phát âm của người Hà Nội. Người lẫn lộn "l,n" ngoài chuyện bị coi là ngọng, trình độ văn hoá thấp thì còn bị hiểu là người địa phương". (Ý ông muốn nói "người địa phương" là người không phải chính gốc dân Hà Nội).

 

Người vùng quê mang văn hoá nói ngọng ra Hà Nội

Đúng như vậy, giọng Hà Nội đã đi theo người Hà Nội chính gốc từ lâu rồi. Sau năm 1954, một số lớn cư dân từ các vùng quê kéo về Hà Nội định cư, thay thế lớp "người muôn năm cũ". Các thành phố lớn như Hải Phòng, cũng tương tự. Cho nên số người nói ngọng mới nhiều đến thế. Số người này chúng ta bắt gặp ở những quán xá, những nơi chốn được coi là "bình dân" nằm lẫn lộn giữa lòng thủ đô. Đúng là nghe rất "phản cảm", "quê một cục". Có ông "cán bộ" tỉnh, "cán bộ" huyện được phát biểu trên truyền hình, truyền thanh cũng nói ngọng tỉnh bơ. Nhưng khổ cái là họ không hề biết rằng mình ngọng bởi sống trong môi trường ngọng quen rồi. Bà con nghe chỉ còn biết cười thầm, họ hiểu ngầm rằng ông đó xuất thân từ đâu và đang ở trình độ nào.

 

Học nói ngọng để trở thành bần cố nông

Còn một nguyên nhân khác sâu xa hơn. Trước những năm 1950, theo tôi biết, tỉnh Thái Bình và TP Hải Phòng – tôi đã sống ở hai nơi này nhiều năm – rất ít người nói ngọng "n" thành "l" hay ngược lại. Số rất ít người nói ngọng đó hầu hết là nông dân, ít học. Còn học sinh chúng tôi chẳng ai nói ngọng cả. Nhưng sau năm 1945 con số người nói ngọng gia tăng nhanh chóng. Tìm hiểu kỹ ra mới nhìn thấy cái nguyên do "rất thầm kín" của nó. Số là, hồi đó thành phần bần cố nông được tin tưởng và đề cao, như trên đã phân tích, người nói ngọng thường thuộc thành phần này. Cho nên nhiều ông bà không thuộc thành phần bần cố nông nhưng cố nói ngọng để người ta hiểu mình là thành phần "bần cố nông nòng cốt". Nhiều ông tư sản, kể cả những ông có chữ nghĩa hẳn hoi, những vị có bằng cấp cũng tập nói ngọng. Lâu dần thành thói quen và thói quen được truyền cho cả nhà, cả xóm, cả làng, chứ làng quê VN thời xưa không nhiều người nói ngọng đến thế. Làm gì có chuyện thầy cô giáo cũng nói ngọng. Cái tật ngọng ấy ăn vào thói quen, "di truyền" cho tới ngày nay thôi.

 

Cũng may là đến bây giờ các ông trong ngành giáo dục đã nhận ra điều này. Tuy rằng có muộn, nhưng muộn còn hơn cứ để nó nhếch nhác mãi. Một thủ đô "ngàn năm văn hiến" và một thành phố cảng lớn nhất nước, đại diện cho bộ mặt toàn quốc mà đến thầy giáo và quan chức còn nói ngọng thì đúng là chuyện khó tin nổi. Tốn vài trăm triệu mới chỉ là giai đoạn thứ nhất. Có phải bỏ ra vài chục tỉ cũng là chuyện phải làm, còn hơn là mang đầu tư vào những cuộc chơi vô bổ. Mong rằng những người còn nói ngọng bây giờ sẽ chỉ còn là "những người ngọng cuối cùng"!



Văn Quang – 26-11-2011

No comments:

Post a Comment