03 September 2012

LOÀI VẬT CŨNG CÓ CON TIM

Pháp Hạnh Phạm Quốc Hưng

Trong mục bình luận của tờ La Times ra hôm thứ hai vừa qua (Sept. 1, 2003) có một bài viết liên quan đến đồng hành của loài người: loài vật. Trong mục này, bình luận gia Jeremy Rifkin, giám đốc của Cơ Quan Nghiên Cứu Các Chiều Hướng Kinh Tế tại thủ đô Washington đã mô tả về các cuộc nghiên cứu gần đây được bảo trợ bởi các hệ thống tiệm ăn lớn như Mac Donald, KFC, và Burger King về loài vật. Các hệ thống tiệm ăn này, bị sự áp lực của các nhóm bảo vệ thú vật, đã chi tiền ra để nghiên cứu về cảm xúc, tâm trí, và hành vi của các loài vật. Những điều mà những nhà nghiên cứu tìm ra đã cho chúng ta thấy rằng loài vật thật ra có rất nhiều điểm giống con người mà chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi.

Nghiên cứu về hành vi xã hội của heo chẳng hạn cho thấy heo cũng thích được cưng chiều và hay bị trầm cảm phiền muộn khi bị phân ly hay không được cho chơi với nhau. Heo thường hay bị cảm mạo (không khỏe mạnh) khi thiếu những kích thích tinh thần hay thể xác. Vì lý do này, mà Cộng Đồng Âu Châu (EU) sẽ ra luật vào năm 2012 cấm không được để heo cô đơn trong chuồng. Ở Đức thì chính phủ khuyến khích chủ nông trại heo nên cho heo chơi với nhau hay cho đồ chơi để chúng khỏi đánh nhau.

Khả năng tư duy của loài vật cũng đáng ngạc nhiên. Các nhà khoa học tại đại học Oxford bên Anh đã quan sát hai con chim quạ giống New Caledonian tên là Betty và Abel. Hai anh chị quạ này được giao cho hai dụng cụ để bươi thịt ra khỏi lọ đựng thịt. Dụng cụ thứ nhất sợi dây kẽm có hình móc và dụng cụ kia là sợi dây kẽm thẳng. Anh chàng Abel quen thói hung hăng vũ phu liền cướp sợi dây kẽm có hình móc của chị Betty (vì dễ xài hơn). Chị Betty liền dùng "mưu" lấy mõ của mình bẻ uốn cong sợi dây kẽm thành hình móc để lôi thịt ra khỏi lọ. Mười lần được đưa dây kẽm thẳng, thì đến 9 lần chị Betty đã có thể uốn cong sợi dây thành dụng cụ.

Cũng đáng ấn tượng không kém là chú vượn Koko ở miền Bắc California. Chú vượn này được cho học ngôn ngữ dành cho người câm điếc (ngôn ngữ ra dấu). Chú vượn này đã học được đến 1000 dấu và hiểu được đến hàng ngàn từ tiếng Anh. Điểm số thông minh (IQ) của chú là 75 cho đến 95. Đây chỉ là hai ví dụ điển hình về khả năng của loài vật.

Từ lâu lắm rồi, nhiều người tin rằng thú vật không có khả năng quán chiếu về mình (nghĩa là biết mình là ai). Người ta dựa vào niềm tin cho rằng thú vật không có cá nhân tính. Điều này đã không còn đúng nữa. Vượn người ở Sở Thú Quốc Gia Washington đã chứng tỏ là chúng biết mình là ai. Các chú vượn này dùng gương để soi mặt và đánh răng cũng như sửa lại cặp mắt kiếng mát mùa hè của mình mỗi ngày (cũng có thể là chúng xí xọn chăng?) Chó cũng vậy, khi thấy chủ chơi với con vật khác, thì chúng thường sủa vang tỏ vẻ ghen tỵ. Nếu không biết mình là ai thì làm sao ghen với con khác?

Và khi tìm cách phân biệt loài vật và loài người, người ta thường dùng sự đau đớn khi sanh ly tử biệt như là thước đo nhân tính. Các nhà khoa học cũng thường tin như vậy. Người ta tin rằng loài vật không có quan niệm về sự sinh tử và không hiểu được quan niệm về sự chết của chúng. Không nhất thiết là như vậy. Voi thường hay đứng bên xác chết của bà con của chúng nhiều ngày liền, thỉnh thoảng dùng vòi xoa lên cơ thể của người quá cố. Bò rống lên suốt đêm khi đồng loại của chúng bị đưa đi lò sát sinh.

Nói qua chuyện vui, ai cũng biết là thú vật cũng thích vui chơi, nhất là khi chúng còn nhỏ. Khi giỡn chơi với nhau, não của chuột tiết ra chất dopamine, một hóa chất thần kinh, tạo nên sự sảng khoái và hứng thú có ở nơi người. Cấu tạo và chức năng của người cũng như thú vật quả là giống nhau.

Chỉ gần đây thôi, khoa học mới biết được nhiều về hành vi của loài vật. Trước đây, người ta hay cho rằng hành vi của loài vật chỉ là bản năng thôi. Theo quan niệm này, hành vi của loài vật chỉ là do bản năng được tiền định qua gen (gene) mà thôi. Thực chất, các loài vật cũng phải giáo dục con em của chúng. Vịt trời chẳng hạn, phải dạy các con của chúng lộ trình di cư vào mùa đông. "Không thầy đố mày làm nên" hay "dạy con từ thuở còn thơ", những câu nói này đúng ở người mà đúng cả ở loài vật.

Những điều đã nói ở trên có ý nghĩa gì? Con người cần nên suy nghĩ lại những hành động của mình đối với không những đồng loại mà với cả loài vật. Hàng ngày, triệu triệu súc vật bị đối xử tàn tệ hay sát hại khắp mọi nơi: các lò sát sanh, các tiệm lột da thú làm áo, các sở thú tù đày động vật hoang dã, những buổi đấu bò tót bên sứ Tây Ban Nha, những buổi săn bắn nơi hoang dã… Phải chăng đã đến lúc con người cần phải thức tỉnh và nhân đạo hơn với các loài thú.

Những câu nói "vật dưỡng nhân" hay "vật là tạo vật của trời cho con người" ... thật ra chỉ để che đậy hay bào chữa cho sự ăn năn mà con người cảm nhận khi cầm dao mổ sẻ giết hại hay thưởng thức sự khổ đau của loài vật. Nếu thực sự là do trời tạo ra để làm khoái khẩu cho con người thì loài vật phải chạy tới loài người và thốt lên, "xin hãy ăn tôi". Phật giáo khuyên tín đồ ăn chay. Một vài hệ phái Thiên Chúa Giáo cũng khuyên ăn chay (như giáo hội An Thất Nhật).

Nếu thế giới loài người có thể đồng cảm và quan tâm đến loài vật, thì dĩ nhiên trong chính loài người cũng sẽ bớt khổ chinh chiến sát phạt lẫn nhau. Ngày nào mà thế giới còn sát sanh loài vật quá nhiều, không biết câu thú vật cũng ham sống sợ chết như người, thì ngày đó thế giới còn điêu linh với nghiệp sát của chiến tranh và hận thù. Thấy rõ điều đó, mà các nhà làm luật, các chính phủ nhân bản, cũng như các tổ chức bảo vệ thú vật đã đang tập hợp để tạo ra một thế giới hiền hoà hơn cho loài vật.

Con người đi từ sự đồng cảm và chăm sóc cho riêng mình, đến gia đình mình, rồi rộng ra đồng cảm cho dân tộc, cho các sắc dân, và cho toàn thể đồng loại. Đã đến lúc sự đồng cảm được lan tỏa đến loài vật tạo nên một cộng đồng rộng lớn hơn. Nước Đức là một điển hình trong chiều hướng này. Gần đây, Đức là quốc gia đầu tiên đã cam kết cho loài vật được hưởng "thú quyền" trong hiến pháp của quốc gia này./.
Pháp Hạnh Phạm Quốc Hưng
(lược dịch và phóng tác theo "A Change of Heart About Animals" của tác giả Jeremy Rifkin)

No comments:

Post a Comment