04 June 2013

Vui Buồn Tại “Đối Thoại Shangri-La lần thứ 12”

Đào Văn Bình
 
Trên đời này, bất cứ chuyện gì, vui-buồn cũng đều đi đôi với nhau. Chẳng hạn gia đình người ta chết, đau khổ thì nhà quàn lại vui vì có thêm "khách". Mùa viêm nhiệt, dân chúng cảm cúm liên miên thì ông/bà bán thuốc tây kiếm bộn tiền và bác sĩ cũng thoải mái. Sau trận đấu thể thao, kẻ thắng thì vui, kẻ thua buồn ủ rũ. Thậm chí "hòa" cũng tạo vui buồn. Đội mạnh "hòa" tức là thua. Thua thì buồn. Đội yếu "hòa" là thắng. Mà thắng thì vui… thì  Đối Thoại Shangri-La cũng không ra ngoài quy luật vui-buồn ấy. Đời là thế. Nhưng muốn biết ai vui, ai buồn chúng ta thử tìm hiểu xem Đối Thoại Sanghgri-La là gì và diễn tiến như thế nào?
 
Sangri-La Dialogue là một diễn đàn do Viện Quốc Tế Nghiêm Cứu Chiến Lược  International Institute for Strategic Studies (IISS) do những học giả độc lập tổ chức mỗi năm để bộ trưởng quốc phòng cùng các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp của các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương trình bày những trăn trở của mình về những vấn đề an ninh và quốc phòng. Danh xưng này được đặt theo tên của Khách Sạn Shangri-La tại Singapore từ năm 2002. 
 
Trước đây đã có cả thảy 11 lần đối thoại nhưng Shangri-La lần thứ 12 bỗng trở thành tin tức nóng bỏng của toàn thế giới. Diễn đàn năm nay có cả thảy 31 nước tham dự. Ban tổ chức đã sắp xếp để thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam là diễn giả chính (keynote speaker) trong ngày khai mạc. Theo Tuổi Trẻ Online "Điều đó giải thích tại sao bộ trưởng quốc phòng các nước quan trọng như Mỹ và ba cường quốc của Châu Âu là Pháp, Đức, Anh năm nay đều có mặt. Bên cạnh đó cũng sẽ có sự tham dự của gần 350 học giả, chuyên gia quốc phòng hàng đầu khu vực." Người ta trông chờ, bình luận và đưa ra rất nhiều phỏng đoán. Một số không ngần ngại đưa ý kiến là Việt Nam phải nói mạnh và nói rõ ở diễn đàn này. Sở dĩ như vậy là vì:
 
1)      Hoa Lục vẫn tiếp tục gây căng thẳng ở Biển Hoa Đông, bắn hỏa pháo và đâm vỡ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, mưu toan tiến chiếm Bãi Cỏ Rong mà Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền, đưa các tàu ngư chính và hải giám áp sát Trường Sa, đồng thời vào ngày 25/5/2013 ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải Cuộc tiến hành một cuộc tập trân quy mô chưa từng có tại Biển Đông với sự tham gia của các tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và lực lượng biên phòng. Đây là một chuyển động quân sự cảnh cáo Hoa Kỳ và trực tiếp đe dọa Việt Nam và Phi Luật Tân. 
 
2)      Việt Nam, do yếu tố lịch sử, do có chung biên giới với Trung Quốc và là một nước nhỏ. Nếu Việt Nam khuất phục trước sức ép của Trung Quốc thì cục diện Đông Nam Á và cả thế giới sẽ thay đổi. Khi đã khống chế được toàn bộ Biển Đông, Hoa Lục gần như sẽ bá chủ hoàn toàn Châu Á. Khi đó kế hoạch "Xoay Trục" hay "Tái Cân Bằng Lực Lượng" của Hoa Kỳ trở thành ảo vọng. Hoa Kỳ phải rút khỏi Phi Luật Tân, lui về cố thủ Guam. Khi đó chiến tranh đã sát biên giới. Đó là cơn ác mộng của Hoa Kỳ. Còn ngược lại, nếu Việt Nam do tinh thần độc lập và tự chủ, dám chấp nhận "châu chấu đá xe" thì cục diện thế giới cũng sẽ thay đổi. Đông Nam Á sẽ giữ yên. Kế hoạch "Xoay Trục" của Hoa Kỳ diễn ra không trở ngại. Với sự hiện diện của Hoa Kỳ may ra có thể ngăn chặn tham vọng gần như điên cuồng của Hoa Lục.
 
Do đó toàn thể khách tham dự diễn đàn đã hồi hộp chờ nghe Ô.Nguyễn Tấn Dũng nói gì. Và Ô. Nguyễn Tấn Dũng đã nói:
 
1)      "Cạnh tranh và can dự vốn là điều bình thường trong quá trình hợp tác và phát triển. Nhưng nếu sự cạnh tranh và can dự đó mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế, thiếu minh bạch thì không thể củng cố lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển. Những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải đang gây quan ngại sâu sắc đối với cả cộng đồng quốc tế. Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền."
 
2)      BBC tiếng Việt trích dẫn phần trả lời câu hỏi của Tiến sỹ Lee Chung Min, Đại học Yonsei, Hàn Quốc về lòng tin chiến lược. Câu hỏi như sau,  "Vậy ngài tin tưởng Hoa Kỳ như thế nào khi so với Trung Quốc, đứng ở quan điểm của Việt Nam? Cảm ơn Ngài! " Và Ô.  Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời, "Về vấn đề lòng tin đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc, tôi đã đề cập trong bài phát biểu của mình. Tôi không nhắc lại, chỉ xin nhấn mạnh là: Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như đối với hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới."
Những lời tuyên bố của Ô. Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra nỗi vui và nỗi buồn cho một số cao thủ hiện diện. 
 
Kẻ vui
 
Kẻ vui ở đây chính là Hoa Kỳ. Không vui sao được khi mình dự định đem 60% lực lượng hải quân vào vùng này. Nếu ở đây yên ổn, hòa thuận và chẳng ai đứng ra tố cáo hành vi xâm lấn và bắt nạt của Hoa Lục thì chính mình là kẻ đi gây rối và tạo bất ổn. Nhưng nếu vùng này lại có người đứng ra tố cáo: " Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền."thì chuyện "Xoay Trục" hay trở lại Á Châu của mình hoàn toàn chính nghĩa. Giá nào mua được đây? Cứ nhìn vào tấm hình Ô. Chuck Hagel tươi cười bắt tay Ô. Nguyễn Tấn Dũng rồi ngồi chung bàn với Ô. Nguyễn Tấn Dũng và chủ nhà là Ô. Lý Hiển Long trong dạ tiệc cho thấy đã có sự sắp xếp đâu đó. Chứ nếu Ô. Nguyễn Tấn Dũng lại ngồi cạnh Ô. Thích Kiến Quốc- Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Trung Quốc …thì hỏng chuyện. Giờ đây giang hồ đang bàn tán không biết Ô. Chuck Hagel nói gì với Ô. Nguyễn Tấn Dũng và cũng theo BBC tiếng Việt Ô. Dũng đã mời Ô. Chuck Hagel thăm Việt Nam một lần nữa. 
 
Người buồn
 
Người buồn ở đây là ông Trung Quốc và "buồn năm phút". Không buồn sao được khi quần hùng tụ hội đông đảo như thế mà có người, dù không minh thị nhưng đã đứng ra tố cáo mình là kẻ đi cướp biển đảo của người ta (đòi hỏi phi lý) và ỷ mạnh hiếp yếu (áp đặt và chính trị cường quyền). Hơn thế nữa, từ khởi đầu tới bây giờ, Hoa Lục nằng nặc bác bỏ việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, từ chối thảo luận đa phương và không chấp nhận "kẻ thứ ba" chõ mũi vào đây. Thế nhưng ngày hôm nay Việt Nam khẳng định "Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như đối với hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới." Vậy thì vấn đề không những được quốc tế hóa mà còn chính thức hóa sự hiện diện của Hoa Kỳ  tức "kẻ thứ ba". Hoa Lục không những buồn mà còn lo nữa. Chính thức hóa, hợp lý hóa sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông-  mà theo Ô. Nguyễn Chí Vịnh cần "lấy hành động trên thực tế để chứng minh cho trách nhiệm của mình." sẽ kéo theo sự can dự của Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ và có thể cả Âu Châu trong tương lai. Xin nhớ Hoa Kỳ luôn luôn theo chính sách "bề hội đồng" tức lôi kéo đồng minh càng nhiều càng tốt để đối phó với kẻ thù. Không bao giờ Hoa Kỳ hành động đơn độc. 
 
Nhưng đám mây đen vẫn còn đó
 
Theo Đài Á Châu Tự Do, " Sau 3 ngày thảo luận, Hội Nghị An Ninh Châu Á thường được gọi là Đối Thoại Shangri-La, đã kết thúc chiều hôm qua ( 01/5/2013) tại Singapore. Đề tài được bàn tán đến nhiều nhất ở ngày cuối của hội nghị là việc Bắc Kinh nói rằng tầu chiến của họ sẽ tiếp tục tuần tra ở các vùng biển mà họ từng tuyên bố chủ quyền thuộc về mình." Tướng Thích Kiến Quốc- Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Trung Quốc nhấn mạnh rằng " Trung Quốc có chủ quyền ở hai vùng biển này, nhấn mạnh đó là lập trường rất rõ ràng, và những hoạt động của hải quân Trung Quốc ở các vùng biển này là hợp pháp, không phải tranh cãi." Có thể lời phát biểu này phát xuất từ tự ái. Chẳng lẽ trước giang hồ bốn phương đông đảo như thế mà không nói gì để rửa mặt? Hoặc đây có thể là quyết tâm của Hoa Lục nhất định khống chế Biển Đông và Senkaku bằng mọi giá. Chắc chắn hệ thống đầu não của Hoa Lục sẽ đánh giá toàn bộ lời tuyên bố của Ô. Nguyễn Tấn Dũng và đây cũng là lập trường rõ rệt của Việt Nam theo  như nhận định của một số nhà bình luận quốc tế. Ngoài ra, những cuộc gặp gỡ song phương bên lề cuộc đối thoại của Tướng Nguyễn Chí Vịnh - người phụ trách sách lược quốc phòng của Việt Nam- với Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc Đại Lợi và Tư Lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho thấy Biển Đông có thể trở thành một lò thuốc súng mà Việt Nam với vị trí trọng điểm chiến lược sẽ phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc nhất. Nhưng trong lịch sử nhân loại, không có cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc nào mà không phải trả với giá đắt. Nếu Việt Nam tự mình xây dựng được một lực lượng quốc phòng hùng hậu, trên dưới một lòng thì đó là nhân tố vững chắc nhất khiến Hoa Lục ngần ngại. Bởi vì nếu chiến tranh Việt- Hoa nổ ra trên biển thì hải lộ quốc tế tắc nghẽn. Dù chỉ một tuần lễ thôi, thế giới sẽ rúng động và biết đâu một lực lượng quốc tế hùng hậu sẽ kéo tới lấy cớ bảo vệ hải lộ - thì tình hình diễn biến không ai lường trước được. Khi đó mặt nạ "trỗi dậy trong hòa bình" mà Đặng Tiểu Bình xây dựng từ cuối thập niên 1970 rớt xuống. Hoa Lục sẽ phải tốn hai ba chục năm nữa để xây dựng lại. Hầu hết các nhà bình luận quốc tê đều nghĩ như vậy. 
 
Kết luận
 
Thế giới ngày hôm nay biến chuyển thật lạ kỳ. Một con chó chết ở một xó xỉnh nào đó cũng có thể trở thành chuyện ồn ào, gây xúc động cho người ta nếu nó bị hành hạ cho đến chết và hình ảnh được đưa lên mạng lưới toàn cầu. Đừng tưởng thế giới này mù lòa không biết gì. Anh có thể làm bất kỳ chuyện gì anh muốn. Nhưng anh không thể né tránh được hậu quả của những gì anh đã làm. Nhân loại bây giờ đã ngao ngán chiến tranh và không chấp nhận chuyện "cá lớn nuốt cá bé" và chỉ mong muốn có hòa bình để phát triển đất nước, đối phó với nạn hâm nóng địa cầu và đủ thứ thiên tai như: sóng thần, bão lụt, hạn hán, động đất, sạt lở, cuồng phong, mưa đá, ô nhiễm môi trường…và nhất là nạn cướp biển, khủng bố đang có nguy cơ lan tràn khắp địa cầu. Mọi việc cần phải được giải quyết minh bạch, bằng thương thảo và tuân thủ luật pháp quốc tế. Bất kỳ một nước nào, dù siêu cường như Hoa Kỳ mà bị thế giới lên án, cô lập thì  trước sau gì cũng chết chứ đừng nói siêu cường hạng hai như Trung Quốc. Không biết các nhà lãnh đạo Hoa Lục có nhìn thấy điều đó không hay thấy mình quá mạnh cho nên kiêu căng để đi vào vết xe đổ của Quân Phiệt Nhật và Đức Quốc Xã năm xưa? Liệu Hoa Lục sẽ tiến hành những răn đe và trả đũa Việt Nam mạnh bạo hơn trong những ngày sắp tới? Không ai biết được. 
 
Đào Văn Bình 
(California ngày 2/6/2013)

No comments:

Post a Comment