09 October 2013

Chống tham nhũng ư, còn lâu! Cứ la lên hoài , mệt... nói mãi!



        Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 07.10.2013

 
                                  Chống tham nhũng ư, còn lâu! Cứ la lên hoài , mệt... nói mãi!


Tựa đề trên đây không phải của người viết bài này, mà là tiếng nói của một bạn đọc trên báo TuầnVn.net sau khi đọc tin mấy ông bà đại biểu quốc hội thảo luận về chống tham nhũng. Tôi phải ghi chú rành mạch như thế để bạn đọc không rầy la vì đề tài cũ rích còn mang ra "ban đi tán lại" làm chi. Lời phát biểu của anh dân đen rất trùng hợp với lời phát biểu của bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Đoan đã thốt lên giữa cuộc họp Quốc hội VN, "Người ta ăn của dân không từ thứ gì."

Tiếng nói của dân và tiếng nói của bà đại biểu gặp nhau ở một điểm rất chung, rất chính xác. Bà Đoan nói trắng ra một sự thật tàn nhẫn mà bao năm nay ai cũng biết, nhưng dường như chưa có ông bà nào mạnh miệng nói toạc móng heo ra như vậy. Đấy là chưa kể những ông chỉ phát biểu linh tinh, kế hoạch này, kinh tế vĩ mô kia hoặc nói cho có nói, chẳng lẽ cứ làm nghị gật mãi, phải nói dăm ba câu cho bọn báo chí, đài truyền hình truyền thanh phát lung tung cho dân nó biết mình cũng có nói đấy chứ, về địa phương cũng "ra gì với núi sông." Còn anh dân đen như anh phát biểu trên đây cũng đúng. Nhưng tại sao vấn đề tham nhũng là một chuyện xưa hơn chuyện cổ tích mà Quốc hội (QH) VN lại mang ra bàn lại?

Lý do là cuối tuần qua, chính phủ VN đã gửi báo cáo công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tới Ủy ban Tư pháp QH để cơ quan này thẩm tra, trước khi trình ra kỳ họp thứ 6, QH khóa 13. Các ông bà dân biểu có cơ hội lên tiếng về tình trạng tham nhũng hiện nay đang... tiến tới đâu, đang lùi kiểu gì, đang mang lại cái gì cho đất nước.

Hai năm rưỡi mới phát hiện được 2 vụ nhỏ

Như bạn đọc đã biết, trước khi "phê bình" về một vấn đề nào đó, rất nhiều cơ quan đơn vị và các ngài được gọi là "chính khách" VN, thường có thói quen "rào đón" khá kỹ bằng cách lôi ra một loạt những ưu điểm có thật hay không thật trước rồi mới lôi ra những khuyết điểm, những cái gọi là "yếu kém," hay "một số hạn chế," "một vài tồn tại." Kiểu đó như đã thành thông lệ hay thành khuôn mẫu chung. Tuy nhiên, có phê bình thẳng thắn còn hơn không hoặc nói vòng vo tam quốc cho qua chuyện.

Ngay từ phút khai hỏa ban đầu, phó chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Nguyễn Đình Quyền đã nêu ra một sự thật, "Gần 3 năm mới phát hiện được 2 vụ nhỏ."

Ông nói, "Việc phát hiện và xử lí tội phạm tham nhũng năm nay tăng hơn so với năm 2012 kể cả về số vụ lẫn số bị can...

Khâu yếu kém nhất trong phòng chống tham nhũng hiện nay là phát hiện tham nhũng. Khâu tự phát hiện của các cơ quan đơn vị qua công tác tổ chức cán bộ, thanh tra cán bộ, đánh giá, xử lí cán bộ đều rất yếu kém. Phát hiện tham nhũng kiểu gì mà ở Hoài Đức thì để xảy ra chuyện như vậy. Kê khai tài sản minh bạch gì mà Giám đốc nhận lương 2.6 tỉ bao nhiêu năm nay rồi cũng chả ai biết. Có những tỉnh mà 2 năm rưỡi mới phát hiện được 2 vụ rất nhỏ ở cấp thôn xã..."

Cần chỉ thẳng ra cơ quan nào, ai tham nhũng

Tiếc rằng ông đã không nói thẳng ra đó là tỉnh nào, địa phương nào. Trong tình hình tham nhũng khủng khiếp như hiện nay, "ăn của dân không từ thứ gì" mà hơn hai năm chỉ phát hiện có 2 vụ tham nhũng ở tuốt dưới thôn xã thì quả là chuyện không ai tin được, không thể tha thứ được. Thà là một tỉnh phát hiện ra 200 hoặc 2,000 vụ tham nhũng lớn nhỏ thì còn "nghe được," người dân còn đôi chút hài lòng, chứ chỉ có chút xíu như cái hạt cát trong sa mạc thì đúng là chọc cho người dân nổi giận thêm mà thôi.

Hơn thế, việc phát hiện tham nhũng hầu hết không do các cơ quan đoàn thể, không do chính các ông có tránh nhiệm mà do người dân hoặc do mấy anh phóng viên đưa tin. Và người phát hiện tham nhũng cũng không được bảo vệ đến nơi đến chốn, còn bị trả thù, bị trù dập nên người dân phát hoảng không ai dại gì đi tố cáo tham nhũng nữa. Tham nhũng được bảo vệ bằng nhiều cách khác nhau. Từ đe dọa đến vũ lực côn đồ rồi đến ngay cả cơ quan thi hành luật pháp như những tòa án cũng vậy. Tôi sẽ chứng minh cụ thể chuyện này trong đoạn sau.

Mười năm nữa vẫn như thế này

Bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp đã cho biết thêm: Vừa rồi tổ chức minh bạch thế giới có điều tra về cảm nhận của người dân đối với tham nhũng. Không hiểu Thanh Tra Chính Phủ có sử dụng số liệu để đưa vào báo cáo không vì tôi thấy họ chỉ ra những lĩnh vực rất cụ thể, nhưng báo cáo của Chính phủ lại không đưa vào.

Điểm nữa là nếu báo cáo không chỉ ra những địa chỉ cụ thể thì 10 năm tới ta vẫn trì trệ như thế này. Báo cáo chính phủ phải chỉ ra những nơi làm tốt, không tốt chứ không phải nói "một số nơi," rồi "có nơi, có chỗ." Là nơi nào, cấp nào? Nói như vậy là ném quả bóng vào không trung không ai sợ cả. Việc xử lí tham nhũng một số trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời còn có biểu hiện nương nhẹ cụ thể là tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm?

Không ông quan chức nào tố cáo tham nhũng cả

Ông đại biểu quốc hội (ĐBQH) Trần Dương Tuấn buồn rầu thú nhận rằng "bây giờ anh em, người thân của ta cũng nghi ngờ ta tham nhũng."

Thật ra nói như thế chưa đúng hẳn, người thân của quý quan chức nghi ngờ từ lâu rồi chứ chẳng đợi tới tháng 10 năm 2013 mới nghi. Bởi khi các bác chưa làm quan, các bác đi xe gì, vợ con các bác ra sao, ai cũng biết. Sau khi làm quan các bác đi "xe hơi con," nhà cửa toàn là nhà mặt phố hay biệt thự, không thì cũng năm bảy tầng, vợ con các bác không bao giờ buôn bán lèm nhèm như chị em ngày nào nữa, các "phu nhân" nói chuyện toàn giá vàng, giá kim cương hột xoàn, toàn được mời đi ăn sinh nhật, ăn cưới ở mấy cái hotel năm sáu sao, đôi khi các chị còn bi bô mấy câu tiếng Anh, tiếng Mỹ "ô kê," "sorry" túi bụi... Thở ra là người thân của các vị biết "tỏng ti" đi rồi, nói nghi ngờ là còn khiêm nhượng quá đấy. Ông Tuấn còn đặt vấn đề:

"Về việc khen thưởng người tố cáo tham nhũng, chính phủ nói năm nay có 19 người. Trong số 19 người đó thì có bao nhiêu cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan tổ chức đơn vị của chúng ta thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng. Bởi vì cử tri người ta sẽ hỏi, "Ông là ĐBQH, ông nói cho tôi biết có bao nhiêu người trong bộ máy nhà nước dám tố cáo hành vi tham nhũng?

"Cử tri nói chúng ta thành lập ban chỉ đạo từ trên xuống dưới, có các văn bản kế hoạch chương trình phòng chống tham nhũng trong từng cơ quan đơn vị nhưng rốt cuộc không ai đứng ra tố cáo việc gì. Mà chỉ có từ bên ngoài phát hiện ra thôi."

Đấy là mới điểm qua sơ lược về tình trạng tham nhũng và bài trừ tham nhũng hiện nay. Cũng trong kỳ họp này còn bàn đến chuyện lãng phí tại các tòa tỉnh.

Trụ sở tỉnh như cung điện

Ông Ksor Phước, chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH phản ánh ở nhiều tỉnh, các tòa nhà trụ sở rộng mênh mông, lộng lẫy như cung điện. Ông Ksor Phước cho biết đã đi đủ 63 tỉnh thành nên có thể phản ánh đúng.

                                          

                                                     Tòa nhà "hoành tráng" của UBND tỉnh Lâm Đồng hiện nay


"Có tỉnh xây dựng trụ sở nghiêm túc, đúng công năng, cán bộ ngồi gần kín chỗ, nhưng nhiều tỉnh trụ sở to như cung điện, rộng mênh mông như công viên, trông như nơi du lịch thắng cảnh, đẹp và lộng lẫy nhưng rất phản cảm khi mà tỉnh còn nghèo, đất nước còn nghèo."

                                         

                                                     Tòa nhà của UBND tỉnh Đồng Nai cũng to đẹp không kém


Theo ông, việc này cùng với những việc như đi lại tốn kém, mua xe vượt chỉ tiêu..., các cơ quan chức năng, đặc biệt Bộ Tài Chính, không thể không biết nhưng chưa thấy "tuýt còi." Ông Ksor Phước nói, "Nếu không dám nói, không dám hành sự thì phải chịu trách nhiệm trước QH, không làm được thì để người khác làm."

Như thế ai cũng nói được

Ông Ksor Phước đưa ra nhận xét rất hay nhưng chính ông cũng chưa chỉ đích danh tỉnh nào có trụ sở to như cung điện, có lẽ nhiều tỉnh quá ông không tiện kể hết hay ông cũng còn "nể nang" nên nhiều người dân chưa hài lòng. Chỉ trên một tờ báo VietnamNet đã có vô số ý kiến. Xin trích nguyên si vài lời phản ảnh thẳng thắn của độc giả:

- Độc giả Trần Thanh đặt câu hỏi, "Những điều mà Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rất đúng. Nhưng quan trọng hơn, các cơ quan chức năng cần chỉ đích danh những địa phương nào và xử lý như thế nào. Không khéo nói ra rồi lại để đấy. Nói phải đi đôi với làm thì dân mới tin"

- Bạn đọc Hoàng Liên cũng đề cập "nên nêu đích danh trụ sở to như cung điện, hoặc đề nghị các nhà báo tìm kiếm đưa lên cho dân chúng biết. Xem trên ti vi thấy không ít phòng khách của cấp tỉnh và cấp bộ sang hơn phòng khách của một số nguyên thủ quốc gia lớn."

- Bạn Hoa Lan phản ánh, "đến các bác đại biểu Quốc hội, các bác "Trung ương" khi phát biểu cũng chỉ thấy nêu "có hiện tượng," "có nhiều trường hợp...." chứ chẳng bao giờ thấy chỉ đích danh địa phương nào, tỉnh nào. Như thế ai cũng nói được. Sau mỗi lời phát biểu, nhận định của các bác mà có thanh tra, kiểm tra để xác định cụ thể rồi thông báo cho dân biết mới nên phát biểu. Không thì thôi, dân nghe kiểu đó quen rồi."

Còn bạn đọc Linh Giang nhận xét "trụ sở cơ quan nào cũng xây dựng lãng phí cả. Càng xây to thì phần trăm của sếp càng lớn. Ai dại gì không xây?"

Nhiều ông đại biểu mắc bệnh vĩ mô

Với những ý kiến trên đây, chính là nguyện vọng của người dân gửi đến các ông đại biểu của dân ngồi trong Quốc Hội. Các vị có nói thì nói cho rõ, không thì thôi. Như bạn Võ Tòng đã viết thẳng ra:
 
"Nhiều vị đại biểu của ta bị mắc bệnh "vĩ mô" nên phát biểu phải ở tầm " vĩ mô" mới đúng phong cách. Tôi theo dõi nhiều cuộc họp Quốc hội thấy nhiều vị phát biểu rất chung chung như: có thông tin tiêu cực trong lĩnh vực nhà đất,lĩnh vực tư pháp, lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nói như vậy ai cũng nói được. Đã được dân tín nhiệm thì phải làm tròn trách nhiệm chứ, chỉ tham nhũng, lãng phí phải cụ thể địa chỉ mới chống được, chứ chung chung như thế thì nhiều chục năm nữa cũng chẳng chống được gì."

Xung quanh đề tài này, còn rất nhiều ý kiến khác nữa, nhưng bằng ấy nguyện vọng của dân gửi đến các ông ĐBQH cũng là tạm đủ, xin chuyển sang vấn đề khác trong đề tài này. Một vấn đề có thể là trung tâm trong việc bài trừ tham nhũng. Vấn đề pháp luật được thực thi như thế nào để ngăn chặn hay nói theo kiểu chữ nghĩa bây giờ ở VN là "răn đe" những bàn tay nhúng chàm.

Chán thật rồi

Cũng trong phiên họp này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải đặt vấn đề, "Người dân nào mà không muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hay vấn đề là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì." Ông cũng lý giải một thực tế rất phi lý trong công cuộc phòng chống tham nhũng những năm qua. Đó là hiện tượng tham nhũng ngày càng tăng, tinh vi, tràn lan và "người ta ăn của dân không từ cái gì." Thế nhưng, đơn thư tố cáo tham nhũng lại có chiều suy giảm. Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, một số tỉnh một năm chỉ có 2 đơn tố cáo tham nhũng.

Đúng là "người dân chán thật rồi." Nói đến tham nhũng bây giờ như nước đổ lá khoai thôi. Vâng, thưa ông chủ tịch, người dân chán vì:
 
Việc phát hiện tham nhũng vốn đã hy hữu, nhưng để "xử" được tội tham nhũng cũng không dễ, và khiến người dân không hài lòng.
                                                            
                            Nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, Nguyễn Văn Khỏe hầu tòa vì tham nhũng đất đai

Ông ĐB Nguyễn Mạnh Cường kể lại, đi giám sát dưới địa phương vừa rồi mới phát hiện ra có những tỉnh như Ninh Bình, hai năm xử được chín bị cáo về tội tham nhũng thì tám vị được hưởng án treo. Nhiều vụ tương đối nghiêm trọng song tòa án vẫn vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để làm cơ sở để cho án treo. Bà Nga cung cấp thêm, có những tỉnh trong hai năm xử 3 vụ tham nhũng và 2 trong số đó là... treo.
 
Để chứng minh cụ thể hai vụ điển hình, mời bạn xem qua mấy hàng tin này:

Dân ăn trộm vài con gà ngồi tù nhiều năm, quan tham nhũng hàng tỉ tù treo

Ngày 24/6/2013, Tòa án huyện Phù Mỹ (Bình Định) tuyên phạt 6 bị cáo với mức án từ 3 năm 3 tháng đến 4 năm 9 tháng cho tội trộm cắp tài sản.
                                          
                                     Dân chỉ ăn cắp vài con gà bị tù 5-7 năm. Còn quan ăn hàng chục tỉ chỉ tù treo

Các bị cáo gồm: Nguyễn Quốc Học, Lê Đức Linh, Lại Văn Hộp, Nguyễn Xuân Duyên, Lê Văn Hoàng. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, lúc 21g ngày 11/11/2011, các anh có tên trên cùng với Trần Quang Thạch và Lê Hoàng Hải cùng ăn nhậu tại nhà Trần Xuân Duyên rồi rủ nhau đi bắt trộm gà đem bán. Thấy trong nhà anh Trần Đình Ly còn bật điện sáng, cả bọn cầm rựa vào khống chế vợ chồng anh Ly và bắt 20 con gà rồi mang đi bán. Sau khi bán xong số gà đó, thấy còn sớm cả bọn tiếp tục đến các thôn xã khác bắt trộm 35 con gà đem về bán cho mối cũ. Tổng số tiền hai lần trộm gà cả bọn bán được 3.3 triệu đồng. Thế mà tù tới hơn 4 năm.

- Trong năm 2012, một nhóm thanh niên ở Ba Tri (Bến Tre) ăn trộm gà, khống chế chủ nhà cướp 700,000 đồng và 1 chiếc điện thoại di động đã phải ngồi tù từ 4,5 năm đến 7 năm trong tù tại phiên tòa xét xử ngày 31/7/2012.

Các bị cáo gồm: Hồ Văn Nhi (xã An Thủy, Ba Tri), Nguyễn Thanh Sơn (5.5 năm tù), Lê Văn Lộc và Phan Văn Lượn cùng bị phạt 5 năm 3 tháng tù, Đoàn Văn Tích (4.5 năm tù).

Những quan tham được xử nhẹ như lông hồng

Vì trang báo có hạn, tôi không thể kể hết những tình tiết lạm dụng quyền hành công khai trong vụ án tham nhũng này của các quan, nhưng ít nhất số tiền cũng phải lên đến hàng chục tỉ đồng hay hơn nữa, nhưng các quan chỉ bị xử nhẹ như lông hồng.
                                          
                                           Ba cán bộ liên quan đến vụ án tham nhũng tại Đài phát tuyến Quán Tre

Phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng đất đai tại Quán Nam ngày 26/2/2009, đại diện Viện kiểm sát (VKS) khẳng định các bị cáo đã lợi dụng việc thực hiện dự án giao đất, xây dựng nhà ở tại khu Quán Nam, làm sai quyết định của UBND TP Hải Phòng nhằm hưởng lợi cá nhân. Cụ thể, thay vì cấp đất cho 374 gia đình dân, các bị cáo cho phân lô, bán nền cho 998 gia đình dân, trong đó nhiều trường hợp là cán bộ các sở, ban ngành TP Hải Phòng. Một số bị cáo và thân nhân cũng được chia 5-7 suất, có nhiều trường hợp đã mua đi bán lại.

Đại diện Viện KSND TP Hải Phòng đã đề nghị mức án treo 1 đến 2 năm tù đối với ông Vũ Chí Thanh (nguyên phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng) đã có hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng," nhưng cho hưởng án treo.

Bị cáo Chu Minh Tuấn (nguyên giám đốc Sở Địa chính - nhà đất) bị đề nghị mức án từ 6-6,5 năm tù, bị cáo Đỗ Khắc Hòa (nguyên chủ tịch UBND huyện An Hải) 5-6 năm tù. Đối với sáu bị cáo còn lại, VKS đề nghị mức phạt từ 30-36 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 4-4,5 năm tù.

Thưa bạn đọc, đó chỉ là hai vụ nhỏ trong hàng trăm hay hàng ngàn vụ xử bất công đến quái đản như thế. Hỏi người dân nào không phẫn nộ? Ngoài ra còn có những cơ quan cấp trên can thiệp với tòa án để xin giảm tội cho tham nhũng, những người làm chứng cũng nhiều khi bị làm phiền đủ kiểu, còn người tố cáo thì bị đòn độc.

Người tố cáo bị trù dập trắng trợn, bị đánh đến nứt sọ

Không kể gì nhiều, chỉ xin nói đến một trường hợp vừa xảy ra tại tỉnh Bình Phước.

Sau khi miệt mài tố cáo những tiêu cực, sai phạm tại phòng giám định y khoa (GĐYK)tỉnh Bình Phước và được đảng ủy khối cơ quan dân chính thừa nhận tố cáo đúng, nhưng cuối cùng người tố cáo bị sa thải bởi những người bị tố cáo! Trước đó chị Oanh đã bị một người liên quan trong vụ tố cáo này đánh nứt sọ. Công an xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài cấp giấy giới thiệu đi xác nhận tình trạng thương tích cho chị Oanh sau khi bị một đồng nghiệp dùng ghế sắt đánh nứt sọ.

Những tố cáo của dược sĩ Oanh là việc nhận tiền của người đến Phòng GĐYK để khám giám định chất độc hóa học nhằm hưởng chế độ; khám để xin nghỉ hưu non; công nhân ngành cao su muốn nghỉ hưu trước tuổi..., cứ mỗi người đến khám muốn nhanh phải đút tiền. Trong thời gian dài ông Loát "phối hợp" với kế toán Trần Thị Lâm in mẫu "phiếu khám sức khỏe," đóng dấu treo của phòng GĐYK trái với quy định của Bộ Y tế để bán cho các đơn vị y tế ở tỉnh Bình Phước; xin tiền từ các công ty cao su để tổ chức hội nghị cuối năm nhưng từ năm 2008, chưa có lần nào tổ chức hội nghị tổng kết cuối năm mà chỉ chia cho vài cá nhân.

Sau khi có kết luận của Đảng ủy Khối Cơ quan dân chính đảng, Ban giám đốc Sở Y tế và phòng GĐYK tỉnh Bình Phước chỉ kiểm điểm ông Đoàn Đức Loát, y sĩ Nguyễn Thị Bé, Phan Thị Thúy An và bác sĩ Lê Phước Đà

Người bị tố cáo đuổi việc người tố cáo

Rất bất ngờ và lạ lùng, chiều 29-8-2013 vừa qua, Phòng GĐYK tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp để sa thải dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh (SN 1983), người tố cáo nhiều tiêu cực xảy ra tại đây trong thời gian dài.
 
Công văn này thừa nhận hành vi của ông Đoàn Đức Loát, Trưởng phòng GĐYK có sai phạm, nhưng cho rằng do Sở Y Tế thấy chưa đến mức kỷ luật nên chỉ yêu cầu kiểm điểm ông Loát! Cuối cùng tố cáo của dược sĩ Oanh lại bị cho là sai và Sở Y Tế yêu cầu "có hình thức xử lý phù hợp đối với người tố cáo (dược sĩ Oanh - PV) và các cá nhân liên quan."
                                          
                              Dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh, người tố cáo tham nhũng ở Phòng GĐYK tỉnh Bình Phước vừa bị chính quan tham nhũng sa thải vào chiều 29-8-2013

Điều đáng nói, chủ trì cuộc họp để đuổi việc người tố cáo là ông Đoàn Đức Loát, Trưởng phòng GĐYK - người bị tố cáo hàng loạt tiêu cực trong nhiều năm qua và trước đó Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối cơ quan dân chính đảng tỉnh Bình Phước thừa nhận điều này.

Phải chăng sự hãm hại người tố cáo đã đến mức công khai, bất chấp dư luận, bất chấp pháp luật. Nếu còn để tình trạng này, có nghĩa là khuyến khích bọn tham quan cứ việc lộng hành, ở VN không còn ai tố cáo tham nhũng nữa!

Văn Quang

No comments:

Post a Comment