24 December 2014

Thời đại này tâm thần hết rồi

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 23.12.2014

Thời đại này tâm thần hết rồi

Trong bài trước tôi đã tường thuật cùng bạn đọc những cảnh điển hình cho các kiểu chiếm nhà, cướp đất của các quan to, quan nhỏ. Kỳ này tôi tường thuật tiếp một thủ đoạn khác tàn nhẫn trắng trợn hơn để cướp đất của dân. Câu chuyện sau đây chứng tỏ việc cướp đất diễn ra trong thời nay vô cùng trắng trợn và nói theo ngôn ngữ của người bình dân là "đểu quá trời".

Tống đại gia vào bệnh viện tâm thần để chiếm đoạt tài sản
Ngày 22/4/2007, anh Tuấn đang ngồi làm việc trong văn phòng thì bất ngờ thấy ông Võ Minh Hiển (cán bộ Công an quận 5) và Võ Minh Cử (cán bộ Công an quận 6) cùng một số dân phòng do ông Hiển phụ trách ập vào. Lúc này có ông Mai Văn Cương (Phó Bí thư Huyện ủy Đức Hòa) đang ngồi cùng anh Tuấn. Ngay lập tức, nhóm người do ông Hiển chỉ huy vật trói anh Tuấn bằng dây điện, bịt miệng bằng băng keo và đưa lên xe hơi chở đi bệnh viện tâm thần.
Anh Võ Minh Tuấn bỗng dưng bị trói đưa vào bệnh viện tâm thần.
Sau khi tống anh Tuấn vào bệnh viện, các tủ sắt trong nhà anh Tuấn bị đập phá, toàn bộ hồ sơ giấy tờ bị bà Hoa lấy đi. Bà Hoa tiếp quản Công ty Hoàng Gia, sau đó chỉ thị cho ông Nguyễn Văn Dành (trợ lý của ông Châu) giả mạo chữ ký của anh Tuấn, để chuyển toàn bộ tài sản của anh Tuấn sang tên ông Châu. Sau đó, ông Dành tiếp tục giả mạo chữ ký của ông Châu để chuyển hết tài sản sang tên bà Hoa.

Trong thời gian anh Tuấn bị "nhốt" trong bệnh viện tâm thần, ông Tô Quang Thịnh (bạn thân ông Châu) đến thăm và tìm cách đưa anh ra ngoài. Sau khi thoát khỏi bệnh viện, anh Tuấn sợ bị giết nên trốn về quê ở Tiền Giang và làm đơn kêu cứu. Tuy nhiên, đến nay anh vẫn phải sống khổ sở, vì các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết xong.
Căn nhà bị chiếm đoạt của anh Tuấn.

Anh Tuấn không hề bị tâm thần
Khi nhận được đơn tố cáo của anh Tuấn, nhiều cơ quan hết sức ngạc nhiên, vì sao hồ sơ vụ án rõ ràng như thế, nhưng anh Tuấn vẫn phải sống "vất vưởng" nhìn khối tài sản khổng lồ của mình nằm trong tay người khác, còn cơ quan chức năng thì… đủng đỉnh điều tra.

Cụ thể, ngày 28/7/2013, thượng tá Hồ Văn Phước – Trưởng Công an huyện Đức Hòa – ký Quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần số 393 đối với anh Võ Minh Tuấn – là bị hại trong vụ "Bắt giữ người trái pháp luật" và "Cưỡng đoạt tài sản". Theo Bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 244/PYTT-PVPN ngày 21/8/2013 của Viện Giám định Pháp y Tâm thần T.Ư Phân viện phía Nam, về y học: Trước, trong, sau khi bị hại và hiện nay đương sự không có bệnh tâm thần; về pháp luật: Tại thời điểm bị hại và hiện nay, đương sự có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.

Tương tự, kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An ngày 22/8/2013 cũng cho thấy, tất cả các chữ ký và chữ viết mang tên "Võ Minh Tuấn" trong hồ sơ chuyển nhượng tài sản cho ông Võ Minh Châu đều do ông Nguyễn Văn Dành ký. Ngoài ra, khi giám định chữ ký của ông Võ Minh Châu trong "hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất" cho bà Bùi Thị Kim Hoa được công chứng tại Phòng Công chứng Minh Thư (thị trấn Đức Hòa), Phòng kỹ thuật hình sự cũng kết luận không phải chữ ký của ông Châu.

Người dân lo sợ sau vụ án
Với những chứng cứ rất rõ ràng cho thấy đây là vụ án hình sự, thì Công an huyện Đức Hòa lại làm thủ tục chuyển hồ sơ sang Tòa án huyện Đức Hòa để xử theo hướng tranh chấp dân sự.

Ngày 27/10, Thẩm phán Đỗ Bình An của Tòa án huyện Đức Hòa cho biết: "Bước đầu, ông Nguyễn Văn Dành đã thừa nhận giả mạo chữ ký. Tôi không hiểu sao công an lại không khởi tố vụ án, mà lại chuyển sang tòa".

Đến nay anh Tuấn vẫn sống vất vưởng khốn đốn và cứ dài cổ chờ và chờ. Coi chừng anh bị "cho đi mò tôm" lúc nào không biết.
Nữ thần Công Lý và hình người đàn ông được cho là diễn viên hài Công Lý trên bìa sách.
Thưa bạn đọc, đây là kiểu ăn cướp tàn bạo chỉ có thể xảy ra trong thời đại này, khiến người dân không hiểu có pháp luật hay không nữa, hay có cũng như không, đúng như kiểu bìa cuốn sách hướng dẫn về luật - Bộ Luật Dân sự và bản văn hướng dẫn thi hành 2014 -  lại có hình anh hề Công Lý chỉ mặc quần lót, ở trần, hai tay cầm hai cán cân, đứng trên một quả cầu lửa, ý muốn nói "công lý chỉ là tên một diễn viên hài".

Đang ngồi trong nhà bỗng dưng bị mấy ông công an và dân phòng xông vào trói lại đưa luôn vào bệnh viện tâm thần thì không còn cách nào chống đỡ nổi. Và, cũng không hiểu tại sao bệnh viện tâm thần cứ thản nhiên nhận một người bình thường vào "giam giữ" ở trong đó? Chắc lại được đại gia hoặc quan chức nào gửi gấm "cứ giữ chặt thằng đó cho tao". Đến nay các cơ quan giám định đều xác nhận anh Tuấn không hề bị tâm thần, trái lại còn hết sức tỉnh táo.

Vậy bệnh viện tâm thần giữ anh Tuấn có lỗi không? Rồi các cơ quan điều tra cứ đủng đỉnh để mặc cho anh Tuấn nằm đói rách có phải là một hành động dung túng hay đồng lõa với kẻ gian ác vu cáo anh Tuấn không. Đến bao giờ vụ án này mới được đưa sang tòa án xét xử và xét xử như thế nào lại là một câu hỏi của người dân, không chỉ ở Đức Hòa mà là của hầu hết người dân thấp cổ bé miệng đang sống trên đất nước này. Bởi họ sợ một ngày "xấu trời" nào đó chính mình hoặc chú bác, con em mình cũng bị tóm ngang xương, bịt miệng, đưa vào bệnh viện tâm thần.

Người dân cay đắng nói với nhau: Đúng là cái thời đại này tâm thần hết rồi!
 

Một chuyện khác của tòa án cũng lại đang gây bất bình trong dư luận. Đó là một luật sư chuyên biện hộ cho những người nghèo khó bị đề nghị tước giấy phép hành nghề.

Vụ năm công an đánh chết người ở Phú Yên: công an, tòa, viện đòi 'xử' luật sư
Ngày 4/12, ông Huỳnh Công Trí, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, cho biết cơ quan này đã nhận văn bản của liên ngành Công an, Viện Kiểm Sát (VKS) và Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Tuy Hòa đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư đối với luật sư Võ An Đôn. Luật sư Đôn là người bảo vệ cho gia đình anh Lê Thanh Kiều, người bị năm công an Phú Yên đánh chết. Công văn này gửi cùng lúc cho Sở Tư Pháp và Luật Sư Đoàn tỉnh Phú Yên.

Năm cựu sỹ quan có liên quan đến vụ tra tấn anh Kiều đến chết tại phiên tòa phúc thẩm Phú Yên.
- Lý lẽ của liên ngành đứng đầu luật pháp
Công văn nêu: "Trong quá trình tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dùng nhục hình diễn ra từ ngày 26/3 đến 3/4, luật sư Đôn đã lợi dụng việc hành nghề luật sư để có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính".

Theo đó, sau khi kết thúc phiên tòa, luật sư Đôn tiếp tục có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn, bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước và quốc tế. Trong đó, luật sư Đôn cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch không đúng sự thật khách quan của vụ án. Luật sư Đôn đưa ra nhiều quan điểm trái pháp luật, nhận định, bình luận không đúng với chức năng xã hội nghề nghiệp của luật sư khi hành nghề.

Công văn cho rằng luật sư Đôn đã "tạo thành điểm nóng không tốt trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương". Theo đó, luật sư Đôn đã vi phạm các điểm g, i Khoản 1 Điều 9 Luật.

Từ đó liên ngành công an, VKS và tòa án đề nghị Luật Sư Đoàn, Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên kịp thời kiểm tra, xử lý, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật đối với luật sư Võ An Đôn vì đã vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp.

-Phản ứng của giới luật sư Ngay sau khi có công văn này, dư luận lập tức sôi nổi, phản ứng gay gắt về sự "quy chụp" tội lên đầu một vị luật sư bỏ tiền túi bênh vực người nghèo. Nhiều người dân cho rằng đây là một vụ trả thù luật sư.

Luật sư Nguyễn Khả Thành, Phó Chủ nhiệm Luật Sư Đoàn tỉnh Phú Yên, cho biết Ban Chủ nhiệm đoàn sẽ họp để xem xét kiến nghị trên có cơ sở hay không.

Theo luật sư Nguyễn Khả Thành, ba cơ quan kiến nghị trên đều liên quan đến các đề nghị của luật sư Đôn tại phiên tòa xét xử vụ năm công an Phú Yên đánh chết người. Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Đôn nhiều lần đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an thành phố Tuy Hòa. Tại phiên phúc thẩm, luật sư Đôn còn đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh, Viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa, tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.

Luật sư Nguyễn Khả Thành: "Trong quá trình tham gia tố tụng, luật sư có quyền đề nghị khởi tố người có dấu hiệu phạm tội. Qua theo dõi vụ án, tôi thấy việc luật sư Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Lê Minh Chánh là có cơ sở, đúng pháp luật. Đến nay một số đề nghị của luật sư Đôn đã được đáp ứng, điển hình là ông Hoàn đã bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Cũng theo luật sư Nguyễn Khả Thành, văn bản kiến nghị của ba cơ quan tố tụng thành phố Tuy Hòa cho rằng luật sư Đôn xúc phạm người khác nhưng không nói xúc phạm ai, xúc phạm như thế nào, không chứng minh được thiệt hại. "Nếu muốn nói xúc phạm ai thì phải chứng minh được thiệt hại, sau đó bản thân người bị xúc phạm khởi kiện ra tòa dân sự. Đến nay tôi chưa thấy ai kiện luật sư Đôn. Tôi cũng chưa nghe luật sư Đôn có lời lẽ nào gọi là thiếu văn hóa. Ngược lại, tôi thấy có rất nhiều comment ủng hộ luật sư Đôn."

- "Có lý do gì đâu mà thu hồi" Ông Lê Tiến Dũng, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, khẳng định không có căn cứ để thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với luật sư Đôn. Theo ông Dũng, văn bản kiến nghị cho rằng luật sư Đôn vi phạm về phát ngôn thuộc thẩm quyền xem xét, xử lý (nếu có vi phạm) của Luật Sư Đoàn tỉnh Phú Yên chứ không phải của Sở Tư pháp.

"Họ yêu cầu tước chứng chỉ hành nghề nhưng có lý do gì đâu mà tước! Còn Luật Sư Đoàn cũng không có thẩm quyền tước giấy phép hành nghề luật sư được. Nếu luật sư vi phạm hai, ba lần thì Luật Sư Đoàn đề nghị lên Liên đoàn Luật sư chứ họ không có thẩm quyền. Họ có vi phạm thì mới thu hồi chứ không có vi phạm mà thu hồi thì họ kiện anh đến nơi chứ đâu có đơn giản," ông Dũng nói.

- Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Luật Sư Đoàn tỉnh Phú Yên, cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa cung cấp các tài liệu, chứng cứ để xem xét theo quy định. Sau khi có tài liệu, chứng cứ thì sẽ giao cho Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật xác minh theo quy trình để xem xét luật sư Đôn có vi phạm hay không rồi đề xuất, sau đó Ban Chủ nhiệm sẽ xem xét. Tuy nhiên, hiện nay họ chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ gì hết".

Mẹ con chị Trần Thị Tâm (vợ anh Ngô Thanh Kiều) được luật sư Đôn giúp đỡ chuẩn bị ra tòa đòi công lý.
- Luật sư Võ An Đôn: Đó là sự quy chụp!
Luật sư Đôn đã trả lời báo chí: Tôi rất bất ngờ và bất bình trước bản kiến nghị bởi lời lẽ mang tính quy chụp, không đúng sự thật. Văn bản nói rằng tôi xúc phạm những người tham gia tố tụng nhưng tôi không hề xúc phạm ai.
Luật sư Võ An Đôn cùng gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều tại phiên tòa sơ thẩm.
Trong tranh luận ở tòa sơ thẩm, tôi có đề nghị ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên lúc đó, phải từ chức vì tôi cho rằng ông này phải chịu một phần trách nhiệm trước sai phạm của cấp dưới. Đó là đề xuất chứ tôi không hề xúc phạm ai. Tại phiên tòa phúc thẩm, tôi đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh và điều này đúng pháp luật. Thực tế, ở cấp sơ thẩm, ông Chánh không truy tố ông Hoàn nên phải đến khi điều tra lại mới khởi tố.

Từ trước đến nay tôi chưa hề có bài viết nào, tôi cũng không chơi Facebook, chưa bao giờ tham gia một diễn đàn nào ở trong và ngoài nước…

- Luật sư Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết: Hiện chúng tôi cũng đã biết sự việc này và lãnh đạo Liên đoàn đã yêu cầu Ủy ban Giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật rà soát lại. Hiện nay việc hành nghề luật sư còn gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do. Liên đoàn LS Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các thành viên của mình và đồng thời tôn trọng ý kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Liên quan đến sự việc của luật sư Võ An Đôn, chúng tôi đang yêu cầu kiểm tra xem luật sư Đôn có phát ngôn xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và các lãnh đạo khác hay không. Sau đó chúng tôi sẽ đối chiếu với các quy định của pháp luật, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, điều lệ của Luật Sư Đoàn để xem hành vi của luật sư Đôn có sai phạm như kiến nghị của các cơ quan tố tụng Tuy Hòa hay không. Trên cơ sở đó Liên đoàn sẽ có biện pháp xử lý thích hợp.

- Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Tổng Biên tập tạp chí Luật Sư: Quan trọng là có "xử" được không!
Tôi nghĩ việc kiến nghị trên cũng là bình thường. Vấn đề là có chứng cứ để xử lý được không mới là quan trọng.
 

Trước đây trong vụ án "vườn điều", liên ngành tố tụng tỉnh Bình Thuận cũng từng có văn bản kiến nghị khởi tố một luật sư thuộc Luật Sư Đoàn TP Hà Nội. Nhưng kiến nghị ấy không có kết quả vì luật sư đó không vi phạm gì. Đến vụ Epco-Minh Phụng, liên ngành tố tụng cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm một luật sư thuộc Luật Sư Đoàn TP Sài Gòn, nhưng cũng không có cơ sở. Trong vụ này, người kiến nghị phải có nghĩa vụ chứng minh những sai phạm của luật sư Đôn (nếu có). Quy chế hoạt động nghề luật sư cũng quy định rõ luật sư có quyền khiếu nại quyết định xử lý (nếu bị xử lý) và vẫn có cấp cao hơn để xem xét lại.

- Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Luật Sư Đoàn tỉnh Khánh Hòa: Có thể nói, với vụ án "năm công an Phú Yên đánh chết người", luật sư Đôn đã thể hiện đầy đủ lương tâm, trách nhiệm của luật sư. Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình bị hại, luật sư Đôn đã hoạt động độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần và không sợ bất kỳ áp lực nào để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Đến nay, với kết quả cơ bản đạt được, dư luận xã hội và giới luật sư đánh giá rất cao vai trò của luật sư Đôn.

Nếu có giải thưởng tôn vinh Luật sư bản lĩnh của năm 2014, chẳng hạn "luật sư có cống hiến cho cộng đồng, vì công lý, công bằng", tôi sẽ đề cử luật sư Võ An Đôn.

Người dân nói gì?
Vụ năm công an ở thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) đánh chết anh Ngô Thanh Kiều bản thân nó đã là một "điểm nóng" vì dư luận rất sôi nổi, người đứng đầu nhà nước cũng yêu cầu phải xử lý đúng người, đúng tội vì các cơ quan tiến hành tố tụng ở Tuy Hòa làm không đúng, gây phẫn nộ cho người dân.
 

Nay các cơ quan tiến hành tố tụng ở Tuy Hòa lại đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ cho gia đình bị hại thì có khác nào "đổ thêm dầu vào lửa"?

Bức ành các cơ quan nội tạng của anh Kiều đều bị tổn thương nặng do bị tra tấn được mang ra làm bằng chứng trước tòa - ảnh NLĐ.
Cho đến giờ, người ta cũng không hiểu vì sao hành vi tra tấn anh Ngô Thanh Kiều đến chết lại chỉ bị xét xử về tội "dùng nhục hình" mà không bị xét xử về tội giết người? Phải chăng vẫn còn có sự bao che, cả nể. Trong khi đó, đã từ lâu Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn dùng nhục hình mà dẫn đến chết người thì phải xử về tội giết người. Tòa án cả nước đều xử như vậy, chỉ có ở Tuy Hòa (Phú Yên) là một mình một kiểu.

Cơ quan tiến hành tố tụng ở Tuy Hòa cho rằng luật sư Đôn có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác. Vậy lời lẽ đó là gì, xúc phạm như thế nào? Những "đồng chí lãnh đạo" đương nhiệm ở Tuy Hòa là ai? Và việc chứng minh này thuộc nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng Tuy Hòa chứ không phải nghĩa vụ của Sở Tư pháp, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam hay của Luật Sư Đoàn tỉnh Phú Yên.
Quá phẫn nộ, bà Ngô Thị Tuyết (chị của bị hại Kiều) òa khóc ngay tại tòa.
Nếu chỉ một vài câu nói của luật sư tại phiên tòa đề nghị khởi tố ông này, ông kia, thì đó không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của luật sư bảo vệ người bị hại. Trừ khi luật sư Đôn chỉ vào mặt HĐXX hay kiểm sát viên mà chửi thề, thóa mạ… chứ quy chụp khơi khơi rất khó thuyết phục.

Với bản đề nghị thiếu căn cứ của các cơ quan tố tụng thành phố Tuy Hòa, dư luận có dịp nêu băn khoăn: Phải chăng đây là sự "trả đũa" luật sư? Hiếm có một luật sư nào "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" như ông Đôn. Ông là vị cứu tinh của người dân nghèo thấp cổ bé miệng Việt Nam thường bị bọn lạm quyền hà hiếp trắng trợn mà không biết kêu ai. Đòn trả thù này đang làm người dân càng thêm lo sợ vào luật pháp rơi vào tay những người dùng quyền hành ngồi xổm trên luật pháp. Chưa biết vụ trả thù này mang lại kết quả như thế nào, nhưng kết quả đầu tiên chính là niềm tin vào luật pháp càng thêm bị xói mòn./-

Văn Quang

No comments:

Post a Comment