13 December 2010

SỰ THÀNH CÔNG CỦA MỘT TÔN GIÁO KHÔNG THỜ TRỜI

SỰ THÀNH CÔNG CỦA MỘT TÔN GIÁO

KHÔNG THỜ TRỜI

 

Frédéric Lenoir và Jennifer Schwarz


        Lời giới thiệu của người dịch:  Hoang Phong

 

Nếu dịch thật sát nghĩa thì tựa của bài viết này phải là Sự chiến thắng hay Sự vinh quang của một tôn giáo không thờ trời. Tuy nhiên chúng ta nên hiểu rằng Phật giáo từ nguyên thủy chỉ là một lối sống nằm bên ngoài thế tục, hay nói một cách khác là vượt lên trên mọi tranh chấp, chinh phục và tranh đua. Mục đích của Phật giáo không nhắm vào sự chinh phục mà chỉ hướng vào sự giải thoát. Vì thế đối với Phật giáo thì sự chiến thắng hay vinh quang không có ý nghĩa gì cả, mà có thể đấy chỉ là một cách nói phóng đại để làm tăng thêm phần hấp dẫn mà thôi.

 

Bài báo khá xưa, được đăng trên một tạp chí lớn về thông tin và bình luận của Pháp là tờ L'EXPRESS, số ra ngày 30 tháng 7 năm 1998. Khi đọc lại một bài báo cũ, dĩ nhiên là chúng ta sẽ có thêm một lợi điểm mà tác giả không có, đấy là chiều sâu của thời gian. Dựa vào lợi điểm đó chúng ta có thể đánh giá xem những quan điểm nêu lên trong bài báo có vượt được thời gian hay không. Chỉ xin đơn cử một thí dụ cụ thể, tác giả cho biết là chính phủ Pháp thời bấy giờ công nhận con số Phật tử trong nước là 600 000 người, và năm vừa qua (2008) Bộ Nội vụ chính thức công nhận con số này là một triệu người. Tại sao một con số lại mang tính cách quan trọng như thế ? Bởi vì trong một thể chế dân chủ, vị trí, tiếng nói và quyền lợi của một tập thể do pháp luật bảo đảm luôn đi đôi và tương xứng với tầm vóc của tập thể ấy trong cộng đồng quốc gia. Các chi tiết và các quan điểm khác trong bài viết xin dành cho người đọc nhận định và phán xét. Dù sao thì bài báo cũng cho thấy một góc nhìn của người Tây phương về Phật giáo nói chung. Góc nhìn đó tất nhiên bị ảnh hưởng bởi văn hóa và giáo dục của họ, và cả bản tính cá nhân của từng người, vì thế không nhất thiết giống như cái nhìn của mỗi người trong chúng ta. Tìm hiểu một góc nhìn khác cũng là một cách giúp chúng ta xét lại và bổ khuyết tầm nhìn của chúng ta về một nền tín ngưỡng lâu đời của Á châu. 

 

Đây là một bài báo có thể dùng làm đề tài để suy tư về một tôn giáo đang mang lại nhiều tác động trong thế giới Tây phương, tuy nhiên ta cũng không nên chấp nhận toàn thể các quan điểm một cách máy móc. Tác giả có lối hành văn bóng bẩy và lắc léo khó dịch, nhiều quan điểm mang tính chủ quan và quá cứng nhắc, tuy nhiên dầu sao thì tác giả cũng đã thành công khi đưa ra nhiều góc nhìn khá bao quát và chính xác. Trong phần cuối của bài, trái lại ông đã thả lỏng cho sự chủ quan tung hoành vì thế có nhiều đoạn hơi quá tự tin và không được chính xác lắm. Những sơ xuất đó cũng cho thấy sự hiểu biết đôi khi còn phiến diện và thiếu sâu sắc của ông về Phật pháp. Dầu sao thì sự nhiệt tình và lòng hăng say tuôn ra từ ngòi bút của ông cũng thừa sức để bù đắp cho những khiếm khuyết nhỏ nhặt vừa kể. Bài viết dành cho độc giả Tây phương vì thế người dịch thiết nghĩ một vài chú thích nhỏ [dưới dạng footnote ở cuối bài] cũng có thể cần thiết để giúp người đọc theo dõi bài viết dễ dàng hơn.

Hoang Phong

 

 

 

PHẦN LƯỢC DỊCH

 

 

Hòa hợp giữa vô thần và tâm linh, thân xác và tâm thức, Phật giáo đã chinh phục được con tim của hàng ngàn người Pháp, tuy nhiên cũng không phải là không có những hiểu lầm.

 

Tuy rằng Phật giáo không nhất thiết sẽ bước vào thiên kỷ thứ III với tiếng kèn trống vang lừng, nhưng chắc chắc Phật giáo sẽ bước vào với tiếng kinh, câu kệ và những lời tụng niệm mà thế kỷ XX tưởng rằng đã có thể bóp ngạt được. Quả đúng là một sự phục thù, vâng đúng thực là một sự phục thù, một sự phục thù của tâm linh trước vật chất, của linh thiêng trước thuần lý, của suy tư trước sự tiêu thụ. Sự kiện trên đây quả thật là một sự ngạc nhiên kỳ  thú, đồng thời nó cũng báo trước một tình trạng khó tránh là những cảnh ngược đời sẽ có thể xảy ra. Dầu sao thì cũng không nên quá ngạc nhiên vì người ta đều hiểu rằng những gì tồi tệ vẫn thường xảy ra bên cạnh những gì tốt đẹp nhất.

Có nhiều người mất hết cả định hướng, tìm cách an trú trong quá khứ hoặc đi tìm con đường Đạo mà cứ tưởng rằng địa cầu «nhỏ bé như một ngôi làng». Thản nhiên, cuồng tín hay hòa đồng..., mỗi người mỗi cách, cứ thế mà họ tự vạch lấy cho mình một con đường xuyên qua những hành lang ngoắt ngéo trong chiếc tháp Babel (1) của thời hiện đại. Thế kỷ này đang mở ra không những để đón nhận những con người biết quay về với tôn giáo như trường hợp của họ, mà còn có trọng trách phải tu sửa lại toàn bộ nền tảng văn hóa và triết học mà nền văn minh Do-thái-giáo – Thiên-chúa-giáo phải đứng ra gánh chịu mọi chi phí.

 

Sự thức tỉnh của những con người biết trở về với tôn giáo không phải là một sự kiện tượng trưng cho sự chiến thắng của Jéhovah (2) mà ngược hẳn lại như thế thì đúng hơn. Ngày nay, tình trạng tương quan theo chiều ngang – tức mối tương quan bình đẳng giữa con người và thế giới –  đang thắng thế so với  mối tương quan siêu nhiên theo chiều dọc – tức là sự tùng phục trước một Đấng-Tối-Cao. Xuất hiện từ lâu đời, cái nền tôn giáo nhập cảng từ Á châu ấy không phải chỉ để quyến rũ giới tài tử phim ảnh đang bị khủng hoảng tâm linh mà thôi. Cái tôn giáo đó đã chinh phục được con tim của hàng ngàn người Pháp, mạnh cho đến mức mà chính quyền đã phải ước lượng con số Phật tử lên đến 600 000 người. Quả thật có đến hai sự nghịch lý đã xảy ra cho cái xứ sở tự nhận mình vừa là «quê hương của Ánh sáng» lại vừa là «người chị cả của Thiên chúa giáo». Thật vậy, để giải thích cho những điều nghịch lý đó nhóm người theo Phật giáo đã đáp lại một cách thật ôn tồn: «Quả đúng như thế, tôn giáo của chúng tôi không hề chống lại chủ nghĩa duy lý và đạo Thiên Chúa». Có đúng thật như thế hay chăng? Dư luận chung đều cho rằng quả là đúng như thế. Năm 1994, một cuộc thăm dò kết hợp hai tổ chức Sofres và Le Figaro (3) đưa ra con số hai triệu người Pháp xem Phật giáo là tôn giáo mà họ quý chuộng nhất.

 

 "Cái tôn giáo đó đã chinh phục được con tim của hàng ngàn người Pháp,

mạnh cho đến mức mà chính quyền đã phải ước lượng con số Phật tử lên đến 600 000 người"

 

Những người được thăm dò đã bày tỏ sự quý chuộng Phật giáo của họ, nhưng không nhất thiết đấy là một cách nêu lên ước vọng của họ được trở thành một Phật tử. Tuy nhiên phong trào mến chuộng Phật giáo có vẻ đang lan tràn rộng lớn, sự kiện đó có thể là do ranh giới của phong trào chưa được xác định rõ rệt. Nhiều người vẫn từng phát biểu rằng «Phật giáo ngự trị trong tim tôi» tuy nhiên họ vẫn chịu phép rửa tội Thiên Chúa giáo, hay là vẫn còn giữ đức tin của Tin Lành, hoặc tự nhận là đã lớn lên với truyền thống Do thái giáo. Nếu hiện nay đã có 10 000 người hay hơn thế nữa đang tu tập Phật giáo một cách chuyên cần mỗi ngày, thì đồng thời cũng có ít nhất 100 000 người khác lui tới các thiền viện và những nơi ẩn cư. Thêm vào đó còn có hàng ngàn người nhiệt thành hơn thế nữa và họ đang tu tập thiền định theo các truyền thống Phật giáo [Zen, Yoga, cách luyện tập thư giãn, dưỡng sinh, tu học Phật pháp, ẩn cư, y khoa êm dịu, shiatsu (trị liệu bằng xoa bóp và ấn huyệt) v.v...]. Tổng kết có khoảng 150 000 người Pháp rất kiên trì. Để chứng minh cho đủ con số 600 000 Phật tử mà Bộ Nội vụ đã công nhận thì cần phải kể thêm các tập thể quan trọng người Á châu (phần lớn là người Việt-Nam) đang sinh sống một cách hài hòa trên đất Pháp. Thành phần nòng cốt đó đã tỏa sáng và ảnh hưởng sang những người Pháp chung quanh, nhất là nhờ vào những tấm gương cá nhân của họ. Hình ảnh về một cuộc sống an vui bắt nguồn từ Phật giáo tỏa rộng ra như những vòng tròn đồng tâm, bao trùm cả một dân tộc được thừa hưởng một nền giáo dục cao. Thật ra sự truyền bá rỉ tai có tính cách chọn lọc đó đã liên kết với phong trào thiện cảm lớn lao mà các cơ quan truyền thông có tầm vóc toàn cầu đang quảng bá. Về khía cạnh này gương mặt của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma vụt trở thành một biểu tượng lớn. Hình ảnh một nhà sư tươi cười và đơn sơ, không vướng mắc vào những thứ trang sức màu mè đã chống lại và hóa giải hình ảnh của các nhà lãnh đạo thuộc vào ba tôn giáo lớn dựa trên Kinh Sách (Do thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo), hình ảnh của Đức Đạt-Lai lạt-Ma cũng đã dự phần không nhỏ vào sự lôi cuốn của Phật giáo. Hình ảnh hiền hòa, thanh thản và yêu đời của một nhà sư thể hiện qua sự trong sáng tỏa rộng ra chung quanh chính là loại hình ảnh mà các nhà lãnh đạo Thiên chúa giáo, Do thái giáo và Hồi giáo đôi khi đã đánh mất. Hình như Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đôi khi cũng tỏ ra ái ngại khi nhận thấy sự thành công của mình hơn hẳn so với các vị lãnh đạo các tôn giáo «cạnh tranh» khác.  Đúng hơn thì Ngài chỉ thừa hưởng một cách gián tiếp tình trạng vỡ mộng mà các tôn giáo độc thần già nua đã tạo ra mà thôi. Chính chỗ vỡ mộng đó là kho dự trữ quan trọng nhất cất giấu những niềm thiện cảm đối với Ngài.

 

 

Chống lại quyền bá chủ của Bà-la-môn

 

Muốn tìm hiểu sự lớn mạnh của Phật giáo thì trước hết phải nhìn vào những góc cạnh yếu kém của hệ thống tư tưởng Tây phương. Tập san văn hóa Les Cahiers du Sud (4) trong một số đặc biệt phát hành năm 1940 với tựa đề «Thông điệp ngày nay của nước Ấn» đã đưa ra những lời phân tích thật trong sáng: «Cứ mỗi lần nền tư tưởng Tây phương rơi vào gọng kềm của mâu thuẫn thì nền tư tưởng đó lại tự hỏi là khoa học sẽ đưa về đâu trong tương lai, và mỗi lần như thế lại quay sang cầu cứu với Ấn độ, cha đẻ của mọi thứ huyền thoại và các trào lưu tinh thần». Bài báo được đăng vào những ngày cuối cùng trước khi nước Pháp thất trận trước sự tiến quân của Đức quốc xã, và có lẽ vì thế mà chẳng có ai thèm để ý đến. Bỗng nhiên hôm nay bài báo lại tự khoác cho mình những giá trị của một lời tiên tri. Các nhân vật như Richard Gere (5), Jean-Claude Carrière (6), Matthieu Ricard (7) [con của thành viên Hàn Lâm viện Jean-Francois Revel (8)] đã trở thành Phật tử, đồng thời một số các nhân viên cao cấp bị khủng hoảng tâm thần, các giáo sư dạy toán bị bịnh trầm cảm, các bà thư ký ly dị chồng... và vô số những người khác nữa cũng đã trở thành Phật tử. Muốn hiểu tại sao lại xảy ra sự kiện đó thì có lẽ phải lên đường du hành sang quê hương của Đức Phật là Ấn độ để tìm lấy câu trả lời.

 


Richard Gere

Jean-Claude Carrière

Mathieu Ricard

 

 

Khi Đức Phật ra đời vào khoảng 560 năm trước chúa Jêxu ở Ca-tỳ La-vệ (Kapilavashu), một nơi cách thành Ba-la-nại (Bénares) 240 kilomét, thì nước Ấn lúc đó còn đang bị một tôn giáo dựa vào kinh Vệ-đà  (9) thống trị. Nền tín ngưỡng đó được thiết lập dựa vào một bộ kinh mang tên là Vệ-đà (có nghĩa là sự hiểu biết), gồm sáu tập ghi chép những điều giáo lý căn bản viết bằng tiếng Phạn (một loại ngôn ngữ Ấn-Âu có cùng một nguồn gốc với ngôn ngữ I-ran). Một cách vắn tắt thì đấy là một thứ tôn giáo thật đơn giản: chỉ nhắm vào việc thực thi các nghi lễ hiến dâng hướng vào các vị trời để đổi lấy sự an bình và cứu rỗi. Tuy nhiên khi đã nói đến «hiến dâng» thì phải nói đến các người «giáo sĩ» đứng ra hiến dâng. Vì thế đã sinh ra một tầng lớp tăng lữ rất thế lực gọi là những vị Bà-la-môn, họ đứng ra tóm thâu quyền kiểm soát toàn thể xã hội Ấn. Để duy trì quyền lực đó họ đã thực thi những việc thật lố lăng là phân chia xã hội Ấn thành bốn giai cấp, và sự phân chìa chia này vẫn còn tồn tại đến ngày nay, quả thật đấy là một điều bất hạnh lớn lao nhất cho nước Ấn.

 

Chính vì muốn chống lại sự thống trị của Bà-la-môn mà Phật giáo đã khởi xướng (10). Trùng hợp với thời kỳ bành trướng của tôn giáo Vệ-đà, bản chất tâm linh vô cùng phong phú của nước Ấn đã làm phát sinh ra một sự tin tưởng rất phổ cập và đại chúng, ấy là thế giới ta-bà (samsara), và khái niệm này xuất hiện trước thời kỳ của Đức Phật rất lâu (11). Thế giới ta-bà là gì ? Chính là một thứ địa ngục siêu hình phát sinh từ giáo lý luân hồi. Nói thẳng ra là mỗi sinh linh đều phải trải qua một chuỗi dài bất tận gồm những chu kỳ hiện hữu tiếp nối nhau, mỗi kiếp sống cho một chu kỳ, mỗi kiếp sống của con người thuộc vào một trong những chu kỳ hiện hữu bất tận đó.

 

Tại sao con người lại phải gánh chịu sự tái sinh liên tục như thế ? Chính vì nghiệp, tức là hành động của mỗi người. Sự sống của ta hôm nay là kết quả phát sinh từ chính những hành động của ta trong sự hiện hữu trước đây. Lời Phật dạy như sau: «Con người hành động như thế nào thì sẽ tái sinh trong một kiếp sống tương ứng như thế ấy». Nếu hôm nay đời tôi thật là khổ sở, có nghĩa là trong kiếp trước tôi đã làm những việc sai trái, và ngược lại. Nghiệp của tôi, tức hành vi của tôi hôm nay sẽ giữ một vai trò then chốt giúp cho tôi có thể tránh được hay không tránh được những khổ đau trong tương lai. Và giải pháp duy nhất giúp cho tôi tự giải thoát khỏi cái chu kỳ khắc nghiệt của luân hồi là phải tự tạo lấy cho mình một nghiệp tốt. Đức Phật nói rằng: «Chính là nghiệp sẽ phân loại con người thành cao cả hay thấp hèn ».

 

Một bên là quyền lực Bà-la-môn và một bên là hậu quả phũ phàng của nghiệp báo đã tạo ra một bối cảnh tôn giáo đầy lo sợ vào thời kỳ của Đức Phật. Vì thế mà Vị Hiền triết Vĩ đại của chúng ta đã tập trung tất cả suy tư và sự hiểu biết của mình để tìm ra con đường giải thoát.

 

Sinh ra trong một gia đình hoàng tộc họ Cồ-đàm, Đức Phật được vua cha đặt tên là Sĩ-đạt-ta (có nghĩa là người đã thực hiện được hoài bảo của mình). Ngài hưởng một cuộc sống đế vương, và theo truyền thuyết thì vua cha ra lịnh không có ai được phép để cho Ngài nhìn thấy những cảnh tượng khổ đau của con người. Tuy nhiên, sau bốn lần được ra khỏi hoàng thành và mặc dù đã được đoàn tùy tùng bảo vệ cẩn thận, Sĩ-đạt-ta vẫn bị chấn động sâu xa khi nhìn thấy bốn hình ảnh cực mạnh : một người già, một người bệnh, một xác chết, và hình ảnh thứ tư lại là một chiếc chìa khóa giúp ra thoát những thứ đớn đau đó, đấy là hình ảnh của một nhà tu hành.

 

Sĩ-đạt-ta từ bỏ hoàng cung, xa rời cả vợ lẫn con, để theo đuổi trong bảy năm liền cuộc sống khổ hạnh của những vị Bà-la-môn, tu tập theo cái lối «hành xác» mà sau này Ngài cho là quá «buồn chán, không đáng và vô ích». Một tôn giáo chỉ biết đơn thuần chấp hành nghi lễ và tôn vinh thần thánh chẳng những không thể nào thuyết phục được Ngài, và nhất định cũng sẽ không thể nào giúp cho Ngài tìm thấy một lối thoát. Sau đó tại một nơi gọi là Âu-lâu-tần-loa (Uruvela) phía nam thị trấn Hoa-thị-thành (Patna) dưới một gốc cây bồ đề Ngài đã đạt được Giác ngộ (bodhi). Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm trở thành một vị Phật (vị Giác ngộ), khi đó Ngài được 35 tuổi. Ngài bắt đầu thuyết giảng về cái chân lý mà Ngài đã quán nhận được. Trong lần thuyết pháp đầu tiên, Ngài nêu lên khái niệm về «Tứ diệu đế» làm nền móng cho Đạo Pháp của Ngài, đấy là bài Thuyết giáo lừng danh nơi thành Ba-la-nại (Bénares). Ngài đã nói lên như sau: «Này, hỡi các tỳ-kheo, đây là sự thực cao quý về khổ đau. Sinh là khổ đau, già là khổ đau, bệnh tật là khổ đau, chết là khổ đau, phải gánh chịu những gì mình không thích là khổ đau, phải xa lìa những gì mình yêu quý là khổ đau, không đạt được những gì ước muốn là khổ đau, năm thứ cấu hợp của sự bám víu là khổ đau». Đó là Sự thật thứ nhất trong số Bốn Sự thật Cao quý. Sự thật thứ hai liên quan đến nguồn gốc của khổ đau, tức là «sự bám víu vào những thứ thích thú của giác cảm». Sự thực thật thứ ba là sự chấm dứt khổ đau. Sau hết Sự thực thật thứ tư là con đường đưa đến chấm dứt khổ đau.

 

Sau lần thuyết pháp ấy và trong suốt hơn bốn mươi năm sau đó, Đức Phật đã liên tiếp thuyết giảng và thu nạp đồ đệ. Năm vị tu sĩ đầu tiên được nghe giảng đã đi theo bước chân của Ngài và sau đó đến lượt các đoàn người đông đảo cũng bước theo. Họ bị thu hút bởi một sự an bình thoát ra từ vị Thầy của họ và đang tỏa rộng chung quanh. Đức Phật tịch diệt lúc 80 tuổi và Ngài chỉ để lại cho các đệ tử một lời dặn dò duy nhất: «Tất cả các thành phần cấu hợp tạo ra con người đều phù du. Các con hãy chuyên cần tu tập để tự giải thoát lấy cho các con». Tuy nhiên chúng ta cũng phải tự hỏi sự giải thoát ấy là gì?

 

Đối với Đức Phật, không có vị Trời nào sáng tạo ra vũ trụ cả, không có thiên đường cũng chẳng có địa ngục,  chẳng có Vị nào cứu thế và cũng chẳng có Ai chết đi sống lại. Mọi sự hoàn toàn không phải thế. Phật giáo không quan tâm đến những chuyện siêu hình, không thắc mắc nguồn gốc của thế giới là gì, kể cả các khái niệm về tốt và xấu (12). Giáo lý của Đức Phật vô cùng thực tế, được xây dựng trên một sự nhận xét thật hiển nhiên: tất cả đều là khổ đau. Một sự yếm thế phủ nhận tất cả, kể cả khái niệm về linh hồn và vô hiệu hóa cả những nghi lễ mang tính cách tôn giáo. Trong bối cảnh mà Trời cũng không có, thì những chuyện thần bí, hiến dâng, thánh lễ, hoặc bất cứ một hình thức lễ lạc màu mè nào còn có giá trị gì nữa? Sự giải thoát chỉ tùy thuộc vào hậu quả duy nhất của nghiệp và sự tu tập giúp thoát ra khỏi vòng khổ đau của thế giới ta bà. Đức Phật chủ trương vô thần (13), có thể nói là duy vật nữa. Giáo lý của Ngài chỉ nhắm vào một mục đích duy nhất: ấy là sự giải thoát.

 

Muốn đạt được sự giải thoát thì phải theo con đường «bát chánh đạo». Con đường đó là: «hiểu biết đúng, suy nghĩ đúng, ngôn từ đúng, hành động đúng, sinh sống đúng, cố gắng đúng, chú tâm đúng và tập trung đúng»! Nói thẳng ra nếu như Phật giáo không phải là một tôn giáo và cũng chẳng phải là một nền triết học, thì nhất định nó phải là một nền luân lý kỷ cương. Con đường cao quý của bát chánh đạo là bí quyết giúp con người vượt thoát khỏi sự ràng buộc của khổ đau, điều đó có nghĩa là tự mình phải nỗ lực. Theo lời dạy của Đức Phật thì tất cả mọi khổ đau của con người đều phát sinh từ «cái tôi». Tuy nhiên trên thực tế thì cái tôi lại không có vì đấy chỉ là một ảo giác. Ngược lại với Thiên chúa giáo, đối với Phật giáo thì khái niệm về một cái tôi bất diệt, lệ thuộc vào một nguyên lý thiêng liêng của Vũ trụ phải được đánh đổ và hoàn toàn loại bỏ. Cái tôi có thể xem như là một hình thức đòi hỏi và thèm khát vô độ, và vì thế cái tôi sẽ áp đặt quyền lực của nó lên tất cả những hành động của chính ta, vì vậy phải làm cho nó câm miệng lại từ trong tận cùng của đáy lòng mình. Theo đúng con đường bát chánh đạo thì sẽ thực hiện được điều đó. Dứt bỏ được mọi sự thèm khát, mọi sự cầu xin và dục vọng bằng cách tuân thủ các giới luật kỷ cương mà Đức Phật đã chỉ dạy sẽ làm cho cái tôi tan biến.

Chấm dứt được sự thèm khát và dục vọng sẽ làm cho bộ máy tái sinh bất tận dừng lại và thế giới ta bà sẽ bị đánh tan. Khi đó ta sẽ đạt được «niết bàn chưa toàn vẹn» và sau cùng chỉ còn chờ tháo gỡ lớp vỏ bọc thân xác này của ta bằng cái chết để nhập vào «niết bàn hoàn hảo».

 

 

Dung hòa giữa vô thần và tâm linh

 

Toàn bộ cấu trúc kỳ diệu về tâm linh của Phật giáo đã bám rễ thật sâu vào các nền văn hoá Ấn độ và Á châu và không thể tách rời ra được. Tuy thế nó vẫn hàm chứa tất cả các khía cạnh tân tiến cần thiết để thu hút người Tây phương. Cái «phẩm tính» cao hơn hết của Phật giáo – mà các nhà thần học Thiên chúa giáo tranh nhau lên án như là một thứ sơ hở tệ hại nhất – chính là sự khiêm tốn. Thật ra cũng chẳng cần phải biết ai đã đứng ra sáng tạo cái thế giới này và rồi nó sẽ đi về đâu: triết học siêu hình chỉ là một sự tự biện hoàn toàn vô ích. Đức Phật chỉ cần nêu lên một con đường giải thoát cho mỗi con người là đủ. Phẩm tính thứ hai của Phật giáo là khả năng hội nhập vào bất cứ bối cảnh tín ngưỡng nào. Vì lẽ không quan tâm đến Trời cho nên Đức Phật chỉ ngỏ lời với con người mà thôi, nhất là đối với những người vô thần và cả với những người đã tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả các thánh lễ rửa tội cho họ (hai nhóm người này đều rất đông trong thế giới Tây phương). Tinh thần bao dung của Phật giáo được thiết lập trên căn bản hài hòa, không loại trừ bất cứ một nền tín ngưỡng mang tính cách thần khải nào cả, và tinh thần đó đã giúp cho Phật giáo phát triển trên những mảnh đất thấm nhuần Do-thái-giáo – Thiên-chúa-giáo. Ngoài ra, dù cho con đường bát chánh đạo có tỏ ra là một thứ kỷ cương quá khắt khe đi nữa, thì nó cũng chẳng nghĩa lý gì so với những giáo điều làm nền tảng cho đạo Thiên chúa. Thật thế, các giáo điều của Thiên chúa giáo đang phải cưỡng lại một cách khó khăn trước ngưỡng cửa của thiên kỷ thứ III...

 

Tự nhận là người Phật giáo có nghĩa là tu tập theo một tôn giáo không thờ trời, hoà đồng giữa vô thần và tâm linh, tự chọn lấy cho mình một nền tảng luân lý không mang sức ép của tội lỗi! Như thế thì còn đòi hỏi gì hơn nữa?

 

 

Đạt được sự trống không tuyệt đối

 

Tuy nhiên vẫn có thể làm hơn như thế. Cũng thật oái oăm, hình như thế giới Tây phương đã tìm thấy trong giáo lý của một trong số các tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại một sự trợ lực lớn lao để giúp chống lại sự phá sản của cả một nền văn minh tân tiến. Khả năng của khoa học tỏ ra rất giới hạn, nhất là thuộc phạm vi con người, và sự kiện đó đã làm phát sinh sự mất tự tin tập thể trong xã hội ngày nay. Bệnh sida tung hoành nhất định là một yếu tố tiếp tay cho xu hướng đó. Thật vậy, từ nguyên thủy Phật giáo đã thiết lập một phương pháp giúp hội nhập với niết bàn xuyên qua thể dạng thăng bằng của thân xác và tâm linh. Điều kiện tiên quyết và tất yếu của thiền định là phải đạt được một thể dạng trống không tuyệt đối, và muốn đạt được thể dạng đó phải luyện tập du già và tuân thủ các quy tắc dinh dưỡng khắt khe. Mọi người đều biết nước Pháp là một quốc gia đạt kỷ lục thế giới về việc sử dụng thuốc an thần, chính vì thế mà lối sống vô cùng tinh khiết của Phật giáo đã chinh phục một cách mạnh mẽ cả xứ sở này. Phật giáo chủ trương khái niệm về một thể dạng trống không trong nội tâm nhất định sẽ hứa hẹn một sự thành công rực rỡ trong các nền văn minh đô thị ngày nay.

 

Giống như trường hợp vừa kể, hình như Phật giáo cũng đã mang lại một giải pháp thay thế cho ngành phân tâm học già nua của Tây phương. Trong khi các công cuộc nghiên cứu của Freud (14) giúp cho con người đi sâu vào chính mình thì Đức Phật lại dạy chúng ta phải làm thế nào để ra thoát khỏi chính chúng ta. Sự kiện có nhiều người Tây phương lui tới các trung tâm thiền học Zen đã chứng tỏ sự thất vọng của họ đối với ngành phân tâm học của Tây phương. Sau hết phải nói đến tính chất sâu sắc của Phật giáo đã chinh phục được các triết gia. Chẳng hạn như trường hợp của André Comte-Sponville (15), tác giả của một quyển sách bán chạy như tôm tươi mang tựa đề Tập luận nhỏ về những Phẩm tính Đạo đức Lớn (Petit Traité des Grandes Vertues), và gần đây hơn là một quyển sách khác của ông với tựa đề Trí tuệ của những con người tân tiến (La Sagesse des modernes) viết chung với ông Luc Ferry (16), quyển sách thứ hai này đã gây ra nhiều chấn động trong dư luận. Ông là một triết gia vô thần nhưng lại tự chọn cho mình một đường hướng chủ trương «sự yếm thế vui tươi» mà Đức Phật đã quảng bá. «Không ước mơ gì cả, cũng chẳng cầu xin gì cả, ấy chính là con đường mang lại hạnh phúc», đấy là quan điểm của André Comte-Sponville. Ông không hoàn toàn tin vào  thuyết luân hồi – và đó cũng là điều duy nhất trong Phật giáo đòi hỏi phải có một sự tin tưởng nào đó – tuy nhiên ông vẫn tự cho mình là «một người tân Phật giáo» (néobouddhiste). Về phần con đường bát chánh đạo thì ông đã đem ra sử dụng để xây dựng toàn bộ những «Phẩm tính Đạo đức Lớn» trong tập luận giải của ông. Theo giáo lý của Đức Phật thì những gì tốt đẹp thoát ra từ lòng từ bi, tình nhân ái đối với tất cả chúng sinh (kể cả thú vật) sẽ giúp cho con người đạt được thể dạng sâu xa của nhập định, và thể dạng đó tương tự như đang ngồi chờ trong một gian phòng trước khi có thể hội nhập với niết bàn. Gian phòng đó tượng trưng cho nền đạo đức mà André Comte-Sponville đã chủ trương khi ông cố tình đặt niết bàn sang một bên.

Bất cứ ai cũng đều có thể nhận thấy là sự kiện trên đây đã chứng tỏ một cách hùng hồn khía cạnh yếu kém của các ngành triết học hiện đại. Tóm lại, dù sao đi nữa thì ít ra chúng ta cũng có thể khẳng định là những gì vay mượn đại loại như trường hợp vừa kể không phải là một sự «phát minh mới mẻ» của triết học Tây phương. Cũng không đến nỗi khó khăn gì để nhận thấy những đường hướng tốt đẹp do Phật giáo mang lại đã bồi đắp cho những khiếm khuyết của nền tư tưởng phương Tây.

 

 

Sự vĩnh hằng của Thiên chúa giáo cần phải xét lại

 

Mặc dù đã hội đủ những điều kiện để thành công, tuy nhiên Phật giáo vẫn còn quá gần với vài chuyện huyễn hoặc có tính cách dân gian. Chỉ cần đơn cử một vài thí dụ trong số những gì mâu thuẫn rất phổ biến trong xã hội Tây phương. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy sự cả tin vào các chuyện tái sinh ngày càng lan rộng một cách mạnh mẽ (kể cả các người Pháp tự nhận là người Thiên chúa giáo trung kiên). Chuyện tái sinh có vẻ được công nhận như một sự kiện hiển nhiên trong quảng đại quần chúng, người ta xem đó như là một dịp may để được sống thêm nhiều kiếp. Tóm lại đấy chỉ là một hình thức vĩnh hằng của Thiên Chúa giáo được xét lại theo đướng lối của Phật giáo. Tuy nhiên phải hiểu rằng sự tái sinh đối với Phật giáo có nghĩa là rơi vào địa ngục (những chu kỳ hiện hữu thuộc vào thế giới ta-bà)! Phải say mê Phật giáo nhiều lắm mới có thể quan niệm theo cách đó, tức là phải đủ sức phát biểu ngược lại với những gì cần phải hiểu...

 

Đại loại sự mâu thuẫn như trên đây cũng thấy xuất hiện đối với khái niệm về niết bàn. Người ta vơ đũa một cách bất cập giữa thiên đường của người Thiên chúa giáo và thể dạng hoàn thiện do sự tu tập kiên trì của Phật giáo mang lại. Chữ «niết bàn» có nghĩa là «sự dập tắt», đó là thể dạng trống không, sự chấm dứt của khổ đau bằng sự tan biến của hiện hữu. Đấy là những gì trái ngược hẳn với thiên đường, nơi đó người ta tiếp tục sống trong phúc hạnh vĩnh hằng.

 

Sau hết, có nhiều người say mê Phật giáo thuộc loại «siêu hiện đại» tuyên bố rằng họ bị thu hút bởi những nghi lễ của Phật giáo Tây Tạng, như thế chẳng phải là nghịch lý lắm hay sao? Phật giáo Tây Tạng là một nhánh Phật giáo thần bí, gọi là Kim cương thừa hay Tan-tra thừa (xem giải thích bên dưới). Nhánh Phật giáo đó mang nặng nhiều nghi thức lễ bái – vì thế đã trở thành một tôn giáo với đầy đủ ý nghĩa của nó – và tự đặt mình trong một vị thế cá biệt – tức là dưới quyền tối cao của một vị Đạt-Lai Lạt-Ma – vì thế nền tôn giáo của người Tây Tạng đã đi rất xa so với những lời giảng huấn nguyên thủy của Đức Phật. Nền tôn giáo đó hàm chứa tính cách kỳ diệu, siêu nhiên, đòi hỏi những nghi thức thụ pháp lâu dài. Ngoài ra sự tái sinh của một vị Lạt-Ma quá cố cũng là một khía cạnh ngoạn mục. Có những phương pháp giúp khám phá một đứa bé hóa thân của một vị Lạt-Ma đã sống trước đây. Người ta xác nhận đứa bé đúng là hóa thân của vị Lạt-Ma nhờ vào các sự kiện xảy ra lúc đứa bé chào đời, hoặc dựa vào những hành động kỳ diệu và khác thường của đứa bé. Thật rõ ràng là tất cả các tập tục đó rất thích hợp để dựng thành phim, chẳng hạn như bộ phim Đức Phật Nhỏ (Little Buddha) của Bernardo Bertolucci, Bảy năm trên Tây Tạng của Jean-Jaques Annaud, và gần đây hơn là phim Kundun của Martin Scorsese. Dù sao thì đấy cũng là một trong các bằng chứng của hiện tượng «mê say Phật giáo quá độ» (17). Có phải người ta đã từng thấy những người Thiên Chúa giáo thất vọng vì không được dự thánh lễ cử hành bằng tiếng la-tinh (18) nên đã chuyển sang Phật giáo Tây tạng, chỉ vì nền Phật giáo này thực thi những nghi thức lễ bái.

 

 

 

Sự kiện theo về với Phật giáo không nhất thiết bởi vì Phật giáo đã đáp ứng được những đòi hỏi của lý trí. Có được mấy tín đồ mới gia nhập hiểu rằng Đức Phật không muốn bãi bỏ chế độ giai cấp bất công (19). Có được bao nhiêu người thuộc giới nghệ sĩ và diễn viên màn ảnh từng say mê «học phái Tây tạng» biết Đức Phật phát biểu như thế nào về người phụ nữ? Khi người đệ tử A-nan-đà hỏi vị Thầy như sau: «Thưa Ngài phải giữ thái độ như thế nào đối với người đàn bà?». Đức Phật trả lời như sau: «Hãy tránh đừng nhìn thấy họ». A-nan-đà lại hỏi « Nhưng lỡ ra nhìn thấy họ thì phải làm sao?». Đức Phật trả lời: «Không nên nói chuyện với họ». A-nan-đà lại hỏi: «Nhưng nếu phải tiếp chuyện với họ thì sao?». Phật liền bảo ngay: «Nếu thế thì phải canh chừng lấy chính mình...» (20).

Nhất định là mỗi Phật tử sẽ dựa vào các quan điểm riêng của mình để tự chọn lấy một vài khía cạnh giáo lý nào đó của Phật giáo thích hợp với mình. Dầu sao đi nữa thì Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cũng chưa bao giờ khuyên người Âu châu hãy đổi đạo. Ngài biết rõ là có cả một đại dương ngăn cách giữa hai nền văn hóa.

 

 

Một nền luân lý thụ động

 

Toàn bộ giáo lý của Đức Phật đều cho rằng khổ đau của con người phát sinh từ sự  «mong muốn được sống» vĩnh cửu. Trong thế giới Tây phương ngày nay thì chính cái cảm tính tham sống triền miên như thế đang lan tràn, nhất là nhờ vào tuổi thọ trung bình ngày càng tăng thêm. Hơn nữa trên phương diện hành động (chẳng hạn như các tổ chức nhân đạo, công tác xã hội...) thì Phật giáo đã không theo kịp trong các xã hội hậu kỹ nghệ của chúng ta. Vì muốn lột bỏ tính chất hiện thực khoác lên mọi vật thể trong thế giới này bằng cách hướng vào sự quán tưởng nội tâm như là một thứ giấy thông hành để đạt được giải thoát, cho nên Phật giáo đã quy nạp một thứ luân lý thụ động. Mặc dù Phật giáo không áp đặt một thứ gì cả (ngược lại với nền văn hóa Do-thái-giáo – Thiên-Chúa-giáo), nhưng Phật giáo nghiêng nhiều về sự khuyên bảo nên tránh không được gây ra đau khổ hơn là phải thực thi những điều tốt lành. Đấy là một hình thức vô cảm trước khổ đau của thế giới này, sự vô cảm đó bàng bạc trong Phật giáo và được xem như là điều kiện mang lại sự trong sáng (21). Quả thật điều đó chẳng có gì phù hợp với quan niệm của phương Tây. Muốn hiểu được Phật giáo và sống với Phật giáo phải biết lắng sâu vào Phật giáo, không phải chỉ tham gia vào một chuyến du ngoạn ở Hy-mã lạp-sơn là đủ. Số Phật tử thuộc giới nghệ sĩ nổi tiếng hội nhập thành công với Phật giáo rất ít. Trường hợp của ông Matthieu Ricard rất hiếm, có rất ít người Pháp đã dấn thân đến cùng trong việc tu tập như thế. Thật vậy, ông là một nhà sư sống trên Tây tạng (22) và là thông dịch viên chính thức của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma mỗi khi Ngài đến Pháp. Ông là con trai của Jean-Francois Revel. Hình như ông Matthieu Ricard cũng không che dấu hết được những nỗi vui mừng của mình khi nhìn thấy «làn sóng say mê Phật giáo» đang bành trướng trên quê hương gốc của ông.

Tuy không được hội nhập một cách đúng đắn, Phật giáo vẫn cho thấy một sức thu hút lớn lao. Chỉ còn chờ xem nền tín ngưỡng già nua Thiên Chúa giáo có quyết tâm hành động để chống lại hay không (23), vì nền tôn giáo đó vẫn cho thấy còn sót lại một vài khả năng ngoạn mục – chẳng hạn như Ngày quốc tế cho tuổi trẻ (Journées mondiale de la jeunesse) được tổ chức vào mùa hè 1997 tại Paris (24). Nhà thần học Thiên chúa giáo là Romano Guardini (25) tỏ ra có lý khi ông tuyên bố rằng Đức Phật là một «thiên tài cuối cùng trong lãnh vực tôn giáo mà nền văn minh Thiên Chúa có lẽ còn phải đối đáp» («le dernier génie religieux avec lequel la civilisation chrétienne aura à s'expliquer»).

 

Hãy can đảm lên và nguyện cầu !

 

Câu niệm chú Om mani pad me hum là lời nguyện cầu bất tận của xứ Tây Tạng. Tuy rằng người ta không hiểu ý nghĩa là gì (26), nhưng câu thần chú này hàm chứa một sức mạnh siêu nhiên. Do đó cần phải tụng niệm suốt ngày. Để có thể giúp cho nhịp độ trì tụng nhanh hơn, các nhà sư Tây Tạng đã sáng chế ra những chiếc cối xay để tiếp sức, trên mỗi cối xay có 12 tờ giấy, trên mỗi tờ giấy có chép 2460 câu niệm chú. Vì thế chỉ cần quay một vòng cối xay cũng đã làm phát ra 29 520 câu trì tụng. Quả là một kỷ lục thế giới... (27)

 

 

Om mani pad me hum

 

 

 

 

Phần ghi chú của tác giả:

 

Ba cỗ xe của Phật giáo là ba trường phái hình thành từ giáo lý của Đức Phật:

 

- Cỗ xe Lớn, còn gọi là Mahayana là trường phái dựa vào các kinh sách xuất hiện muộn gọi là su-tra. Theo các kinh sách này thì Đức Phật không nhất thiết chỉ là sự tượng trưng của thân xác vật chất và những lời giáo huấn của Ngài. Phật đối với trường phái này đã trở thành một  thể dạng tinh anh hàm chứa trong tất cả chúng sinh. Đại loại Niết bàn cũng được xem như một khái niệm tương tự như cách suy luận trên đây. Trường phái này được truyền bá sang Trung quốc, Triều Tiên và Nhật bản.

 

- Cỗ xe Nhỏ, còn gọi là Hynayana, là một trường phái tôn trọng tuyệt đối các lời giảng nguyên thủy mà Đức Phật đã truyền dạy các đồ đệ của Ngài. Phương pháp tu tập lý tưởng nhất của trường phái này đòi hỏi người tu hành phải xuất gia và phải tuyệt đối noi theo những lời giáo huấn của Đức Phật. Trường phái này phát triển trong các vùng Đông Nam Á, như Kampuchia, Việt Nam, Thái Lan và Sri Lanka.

 

- Cỗ xe Kim cương, còn gọi là Tan-tra hay Vajrayana, đúng ra đây chỉ là một chi phái của Cỗ xe Lớn, mang tính cách bí truyền. Sự tu tập dựa vào phương pháp nhập định sâu xa và nhất là cần phải có một người Thầy để thụ giáo. Đó là nền Phật giáo của Tây Tạng và Mông cổ.

 

 

Chú thích của người dịch:

 

1- Theo truyền thuyết Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo thì con người đứng ra xây dựng ngọn tháp Babel dự trù sẽ chạm đến trời cao, nhưng Thượng đế đã phá hỏng dự tính này để trừng phạt sự ngạo mạn của họ.

 

2- Jéhovah là tên gọi của Thượng đế.

 

3- Sofres là viện thăm dò dư luận lớn nhất của Pháp. Figaro là một tờ báo khuynh hữu lâu đời và rất uy tín. Cả hai hợp tác để thống kê hai nhóm người: theo Phật giáo và có cảm tình với Phật giáo.

 

4- Les Cahiers du Sud là một tạp chí văn học do văn hào Pháp Marcel Pagnol thành lập từ năm 1914 quy tụ những cây bút nổi tiếng nhất của Pháp trong thế kỷ XX, tuy nhiên đến năm 1966 thì ngưng phát hành vì hình như không còn đủ sức cạnh tranh với hiện đại.

 

5- Richard Gere sinh năm 1949 là một tài tử màn ảnh nổi tiếng của Mỹ. Năm 1970, trong một chuyến du hành Á châu ông khám phá được Phật giáo và ý thức được hoàn cảnh đau thương của nước Tây Tạng đang bị Trung quốc chiếm đóng. Đến năm 1980 , ông nhất quyết bỏ đạo Tin lành Methodism (Giám lý) để quy y và đã trở thành một Phật tử vô cùng năng động và tích cực. Ông cũng là một người bạn bên cạnh Đức Đạt-Lai Lạt-Ma.

 

6- Jean-Claude Carrière sinh năm 1931 là một nhà văn, nhà dựng kịch và phim ảnh, xuất thân từ các trường nổi  tiếng của Pháp, chẳng hạn như Ecole Normale Supérieure. Ông viết rất nhiều sách, đã từng đạo diễn và viết hàng nhiều chục chuyện phim, và kịch bản. Ông là một Phật tử trung kiên.

 

7- Matthieu Ricard là một nhà sư Phật giáo đã từng tu học ở Tây tạng và Népal. Ông là một gương mặt Phật giáo mà nhiều người biết tiếng.

 

8- Jean-Francois Revel (1926-2006) là một triết gia, bình luận gia, học giả và triết gia, thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp. Ông là cha của nhà sư Matthieu Ricard, nhưng vì hai cha con đều nối tiếng nên ông đành chọn một tên khác.

 

9- Vệ-đà (Veda) là bộ kinh xưa nhất của đạo Bà-la-môn gồm có những câu thần chú và những bài hát mang tính cách thiêng liêng dùng để xướng lên trong khi thực thi những nghi lễ hiến dâng.

 

10- Ý nghĩa của câu này không được đúng lắm vì Phật giáo trong suốt lịch sử phát triển không hề chủ trương chống lại một quyền lực hay một chủ thuyết nào cả. Phật giáo chỉ đưa ra một lối sống cá biệt, xây dựng chung quanh một hệ thống triết học đặc thù, hàm chứa một chủ đích thật cao cả, vượt lên trên tất cả các trào lưu tư tưởng và tín ngưỡng khác. Phật giáo phát triển trùng hợp với phong trào cải tiến của đạo Bà-la-môn khi nền tín ngưỡng này đưa ra các bộ kinh mới gọi là Upanisad thay cho kinh Vệ-đà. Tóm lại không nên xem sự hình thành của Phật giáo như là một cuộc cách mạng chống lại một quyền lực khác, giống như cuộc cách mạng 1789 của Pháp chẳng hạn. Tuy nhiên người ta vẫn có thể xem sự hình thành của Phật giáo đã đánh dấu một mức phát triển cao độ và khác thường của tư tưởng nhân loại. Cho đến ngày nay chưa có một hệ thống tư tưởng thâm sâu và mạch lạc nào có thể thay thế được.

 

11- Khái niệm về ta-bà trong đạo Bà-la-môn và trong Phật giáo khác hẳn nhau. Nói chung thì Phật giáo dùng lại một số các từ đã có từ trước trong đạo Bà-la-môn chẳng hạn như dharma, karma..., nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn khác hẳn.

 

12- Tốt hay xấu có tính cách tương đối, biến đổi tùy theo quan niệm (sự chủ quan, cách cảm nhận sai lầm...) và bối cảnh (lịch sử, văn hóa, giáo dục...). Câu nệ vào khái niệm tốt hay xấu, tìm cách phân biệt và tranh luận là một hình thức bám víu.

 

13- Các thần linh trong Phật giáo Á châu là những phương tiện tu tập chịu ít nhiều ảnh hưởng từ các nền văn hóa địa phương. Các thần linh chỉ mang tính cách trợ lực và giai đoạn. Đạt được một cấp bậc tu tập nào đó thì hình bóng các vị thần linh sẽ phải mờ dần để nhường chỗ cho ánh sáng của trí tuệ. Người Tây phương nhìn trực tiếp vào bản chất vô thần của Phật giáo, trong khi đó nhiều người Á châu lại dừng lại ở cấp bậc thần linh và không chịu đi xa hơn để tìm hiểu những lời giáo huấn trong Đạo pháp.

 

14- Sigmund Freud (1856-1939) là cha đẻ của ngành phân tâm học hiện đại.

 

15- André Comte-Sponville sinh năm 1952 là một triết gia khá nổi tiếng, giảng dạy tại đại học Sorbonne, xuất bản nhiều sách và viết báo cũng nhiều. Một số người xem ông là một người « gần » với Phật giáo, một số khác lại cho ông là một « người thiên chúa giáo vô thần ».  Năm vừa qua (2008), chính phủ Pháp mời ông gia nhập với tư cách thành viên trong ủy ban tư vấn của chính phủ về các vấn đề Đạo đức.

 

16- Luc Ferry sinh năm 1951 là một triết gia, cựu bộ trưởng giáo dục, cháu nội của ông Jules Ferry (1832-1893) từng là bộ trưởng và chủ tịch quốc hội Pháp và là người đã tranh đấu để tách rời nhà Thờ ra khỏi trường học. Nét chính trong tư tưởng của Luc Ferry là Triết học chỉ có thể nẩy nở và mang ý nghĩa toàn vẹn khi nào tách rời khỏi khái niệm về Thượng đế.

 

17- Đây là cách nhìn quá sức duy lý (hay duy vật) của một vài người Tây phương thiếu thận trọng. Khái niệm về sự tái sinh trong Phật giáo Tây tạng đòi hỏi sự tu tập và nghiên cứu tường tận và sâu xa mới thấu triệt và nắm bắt được. Thiết nghĩ cũng không cần nêu ra đây, và có lẽ cũng quá dài dòng để thảo luận trong khuôn khổ của một lời ghi chú.

 

18- Trong nghi thức hành lễ ngày nay, Thiên Chúa giáo được nhà thờ La Mã cho phép dùng các ngôn ngữ hiện đại và phổ thông tùy theo địa phương và quốc gia. Tuy nhiên xu hướng bảo thủ vẫn chủ trương phải dùng tiếng la-tinh để cử hành thánh lễ.

 

19- Hoàn toàn không hiểu được là tác giả đã căn cứ vào kinh sách nào để khẳng định điều này.

 

20- Tác giả không hiểu ý nghĩa và mục đích của mẫu chuyện đối thoại của Đức Phật và A-nan-đà. Ngụ ý của các lời khuyên của Đức Phật là cố tránh những phiền phức gây ra do sự tiếp xúc và lân la giữa người tu hành và phụ nữ, nhưng tuyệt nhiên không có tính cách kỳ thị nam nữ. Đối với giáo lý nhà Phật, tất cả chúng sinh đều ngang hàng nhau, đều hàm chứa Phật tính như nhau, kể cả hàng súc vật.

 

21- Những gì tác giả vừa trình bày chứng tỏ tác giả không hiểu một tí gì về Từ bi trong Phật giáo. Lòng từ bi của Phật giáo trải rộng ra đến tất cả chúng sinh và lý tưởng của người Bồ-tát là quên mình và hy sinh tất cả đời mình cho chúng sinh. Sự bố thí của Phật giáo rất sâu xa và toàn vẹn, từ những phương tiện vật chất (tài thí), sự an ủi và che chở (vô úy thí), cho đến sự hiểu biết và giải thoát (Pháp thí). Người Phật tử bố thí không cần biết là mình đang bố thí, bố thí cái gì và bố thí cho ai. Đó là tính cách bất vụ lợi tuyệt đối trong cử chỉ bố thí của họ. Bố thí trong chủ đích khuyến dụ và vụ lợi không phải là Từ bi. Đối với Phật giáo Từ bi phải đi đôi với Trí tuệ. Bố thí không Trí tuệ không có hiệu quả gì cả và chỉ là cách gây thêm vướng mắc và khổ đau một cách kín đáo mà thôi. 

 

22- Đúng hơn ông sống trong một tu viện ở xứ Nepal và thường đi thuyết giảng khắp nơi trên thế giới, kể cả Trung quốc và Hoa kỳ.

 

23- Tất nhiên là có, từ thế kỷ XIX cho đến nay, dưới những hình thức rất tinh vi. Chẳng qua đấy là những phản ứng tự nhiên để bảo vệ đức tin và nền văn hóa lâu đời của họ. Người tu tập cần phải hiểu điều đó để nhìn vào hướng khác.

 

24- Ngày quốc tế cho tuổi trẻ (JMJ) là phong trào quy tụ tuổi trẻ khắp nơi trên thế giới, mỗi lần tổ chức cách nhau hai hay ba năm tại một thành phố lớn trong các quốc gia theo Thiên Chúa giáo trên thế giới, trong mục đích «trẻ trung hóa» tín ngưỡng và vận động sự hăng say của tuổi trẻ. Mỗi lần tổ chức đều gây ra một gánh nặng về tài chính cho giáo hội và hình như mỗi năm mỗi yếu dần (?).

 

25- Romano Guardini (1885-1968) gốc người Đức, là một nhà thần học, triết gia và lý thuyết gia lớn nhất trong thế kỷ XX của nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã, được phong chức hồng y giáo chủ.

 

26- Nghĩa của câu này là «Om, ngọc quý trong hoa sen». Chữ Om không có nghĩa, tuy nhiên âm hưởng  của vần Om cùng với toàn bộ câu niệm chú khi xướng lên sẽ mang tính cách rất thiêng liêng.

 

27- Chỉ có người tụng niệm mới nghe thấy tiếng tụng niệm của mình mà thôi, vì nó phát ra từ đáy tim mình, tạo ra những âm hưởng lan rộng và tràn ngập trong lòng mình. Không có ai nghe và cũng không có ai đếm để xem ta trì tụng được bao nhiêu lần để mà khen thưởng. Cái cối xay chỉ là một trợ lực bên ngoài dùng để cụ thể hóa ước vọng được trải rộng ra tám phương trời những hạt giống từ bi hiển lộ trong tim mình.

 

 

Pháp thoại được ông Frédéric Lenoir và bà Jennifer Schwarz ghi chép.

Hoang Phong chuyển ngữ

(Bures-Suy-Yvette, 10.07.10)



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment