06 February 2011

Sài Gòn Tôi Yêu

Sài Gòn Tôi Yêu


Nguyễn Thị Hậu



So với hơn 300 năm Sài Gòn - Gia Định được thiết lập nền hành chánh, so với hơn 3000 năm vùng đất này in dấu tích những con người cổ xưa nhất, 35 năm tôi sống ở Sài Gòn chỉ là chớp mắt! Chớp mắt tuổi thanh xuân qua đi, tuổi mùa thu đến, nhìn lại những năm tháng qua chợt nhận ra dường như mình chưa một lần nói lời yêu với thành phố này, nơi mình đã sống những tháng năm dài, và có lẽ là cả cuộc đời.

 

Nhiều người đã yêu, rất yêu Sài Gòn. Có thể đối với họ đây là quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi họ đã rời xa quê nhà vào kiếm sống và được Sài Gòn rộng rãi sẻ chia. Có thể là nơi để lại mối tình đầu đau đáu nỗi chia ly, là nơi họ rời bỏ mà luôn mong một ngày quay lại… Nhưng cũng với nhiều người tình yêu Sài Gòn thật khó có thể bộc lộ thành lời, phải chăng vì Sài Gòn không như một cô gái đẹp dịu dàng, yểu điệu kiêu sa làm người ta dễ cảm mến để rồi thốt vội lời yêu? Sài Gòn mang dáng vẻ của cô gái hiện đại, năng động và bình dị, một vẻ đẹp mà người ta thường ngại ngùng khi muốn ngỏ lời yêu… Nhiều năm trước tôi cũng vậy, mải mê nhớ về thành phố êm đềm đẹp đến nao lòng của thời thơ ấu, để rồi đến một ngày thu tôi mới nhận ra mình đã yêu Sài Gòn từ khi nào không rõ…

 

Ấn tượng của tôi lần đầu gặp Sài Gòn là bến Bạch Đằng sông rộng nước đầy với những con tàu lớn nằm sát đại lộ Nguyễn Huệ đẹp nhất Sài Gòn. Đường phố thênh thang luôn tấp nập, hàng cây xanh cao vút trong ánh nắng chói chang, những cô gái đạp xe mini tà áo dài trắng bay bay trong hơi gió biển mát lành. Những ngôi biệt thự sang trọng kín đáo ẩn hiện sau tường rào cây xanh, những ngôi chùa rực rỡ đèn điện vôi màu… So với Hà Nội hay Huế có vẻ như Sài Gòn thiếu  sự lắng đọng "hồn núi sông ngàn năm" vì đây là thành phố hiện đại kiểu Âu – Mỹ. Nhưng Sài Gòn mang hình hài đặc sắc một đô thị phương Nam "trên bến dưới thuyền". Khởi thủy, thành Gia Định dựng bên góc sông Sài Gòn và sông Thị Nghè. Kéo dài về phía tây nam vài cây số, là Chợ Lớn, thành phố của đa số người Hoa, nằm trên những mối giao nhau của kinh rạch chằng chịt, nối ra sông Sài Gòn bằng rạch Tầu Hũ hay còn gọi là rạch Bến Nghé. Nhắc đến Sài Gòn người ta nhớ ngay đến hai cái chợ nổi tiếng: chợ Bến Thành – bến sông thị tứ buôn bán quan trọng nhất của thành Gia Định; và Chợ Lớn – đầu mối giao thương lớn nhất Đàng trong. Rạch Bến Nghé hay rạch Tàu hũ nối liền hai khu vực trung tâm của thành phố. Thành Gia Định nằm ở khu vực trung tâm cao nhất, khoảng từ Dinh Độc Lập cho tới gần Thảo Cầm Viên. Từ đó dốc thoai thoải đều ra chung quanh cho tới kinh rạch và sông Sài Gòn. Phiá tây Sài Gòn lúc ấy vườn ruộng kéo dài nối vào Chợ Lớn, khu vực này có nhiều kinh rạch chảy vào Kinh Bến Nghé hay Tầu Hũ, kinh Đôi. Sông rạch là con đường thông thương của Sài Gòn – Chợ Lớn với miền Đông, miền Tây Nam bộ. Ngã ba Nhà Bè nơi sông Đồng Nai gặp sông Sài Gòn hòa dòng đổ ra biển tại Cần Giờ - cửa ngõ cho Sài Gòn vươn ra biển đông. Giai đoạn hình thành Bến Nghé – Sài Gòn cũng là giai đọan tụ cư nhanh chóng của những cộng đồng người từ nhiều nơi, nhiều nguồn gốc đến đây. Quá trình khẩn hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… lưu dân đã duy trì những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của quê hương làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Đình, chùa, đền, miếu, hội quán… xây dựng trong khoảng 300 năm nay thể hiện sự đa dạng và hội tụ văn hóa của các cộng đồng cư dân và sinh hoạt tinh thần của người Việt, người Hoa, Khmer, Chăm.

 

Cũng như nhiều nước Đông Nam Á, kiến trúc thời thuộc địa cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỳ 20 đã để lại cho Sài Gòn nhiều di sản kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Không những thế những công trình này còn thể hiện vị trí quan trọng của Sài Gòn trong từng giai đoạn lịch sử. Những di sản kiến trúc nằm trong tổng thể quy hoạch Sài Gòn từ một đô thị chính trị - quân sự thành một thương cảng, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa. Những con đường ngang dọc lấy sông Sài Gòn làm chuẩn chia thành phố thành những ô vuông. Trên những đường chính là các công sở, khu buôn bán, khách sạn nhà hàng… Những đường nhỏ là khu cư trú của giới công chức nhân viên, những biệt thự xinh xắn mang vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển châu Âu nhưng gần gũi và đã trở nên quen thuộc với người Sài Gòn, rồi những dãy nhà phố, sâu hơn trong hẻm là xóm "nhà lá" của người lao động… Cứ vài ô vuông lại có nhà thờ làm trung tâm sinh hoạt tinh thần. Có thể thấy 3 đỉnh của tam giác trung tâm thành phố chính là 3 nhà thờ: Đức Bà – Tân Định - Huyện Sĩ (thuộc quận 1, quận 3 ngày nay). Đây cũng là 3 khu vực địa hình cao nhất của thành phố, vì vậy xây dựng nhà thờ ở vị trí này là sự kết hợp tuyệt vời giữa hình thức kiến trúc và chức năng tôn giáo của kiến trúc.

 

Những kiến trúc công sở hay tôn giáo, bên cạnh yếu tố hài hoà, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với đường phố theo quy hoạch, phù hợp với công năng của công trình còn có một đặc điểm đáng chú ý là có nhiều các chi tiết trang trí mang yếu tố của mỹ thuật Việt, Champa, Khơmer… Sự kết hợp giữa kết cấu, kiểu dáng kiến trúc, vật liệu xây dựng, đề tài trang trí, giữa phương Tây và phương Đông – bản địa và ngoại sinh, làm cho các công trình kiến trúc ở Sài Gòn thời thuộc Pháp có một phong cách kiến trúc khá đặc biệt, được gọi là phong cách kiến trúc Đông Dương, thể hiện xu thế "chủ nghĩa văn hoá" của kiến trúc đô thị phương Tây trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 ở nhiều nước châu Á. Cho đến nay những yếu tố về quy hoạch, kiến trúc, đặc trưng, trang trí… của các công trình kiến trúc này vẫn được xem là "chuẩn mực" cho việc quy hoạch - xây dựng một thành phố lớn.

 

Tính đến tháng 4 năm 2010 toàn thành phố có 124 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó: 1 di tích quốc gia đặc biệt (Dinh Thống Nhất); 53 di tích quốc gia (25 di tích lịch sử, 26 di tích kiến trúc nghệ thuật, 2 di tích khảo cổ), 70 di tích cấp thành phố (29 di tích lịch sử, 41 di tích kiến trúc nghệ thuật). Hệ thống di tích trong cảnh quan chung của một "Sài Gòn xưa" làm nên "bản sắc Sài Gòn". Nhưng giờ đây "bản sắc Sài Gòn" đang mai một, vì một nghịch lý nhưng lại rất phổ biến ở các thành phố nước ta: những gì đã từng đem lại bản sắc độc đáo cho một Sài Gòn ngày xưa và còn tồn tại đến ngày nay, thì đang dần bị phá hỏng bởi các công trình cao tầng hiện đại có lối kiến trúc và trang trí vô cảm với khung cảnh lịch sử xung quanh. Con đường Đồng Khởi là một trường hợp như thế. Đây có lẽ là con đường nổi tiếng nhất trong những con đường đẹp, buôn bán sầm uất và có tuổi đời xưa nhất của Sài Gòn. Nằm ở quận 1 và dài gần một km, bắt đầu từ ngã tư với Nguyễn Du ngay trước mặt Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và kết thúc là đường Tôn Đức Thắng nhìn ra sông Sài Gòn, con đường này tập trung nhiều khách sạn sang trọng, cửa hàng, tiệm cà phê, hiệu sách… là địa chỉ văn hóa quen thuộc và in đậm dấu ấn trong tâm trí nhiều thế hệ người Sài Gòn và những người từng đến, từng ở Sài Gòn. Hình ảnh những khách sạn, cửa hàng như thế đã trở thành biểu tượng văn hóa của con đường. Khu hành lang Eden với rạp chiếu phim, các cửa hàng tơ lụa, đồ lưu niệm, nhà sách Xuân – Thu, đối diện Nhà hát thành phố là tiệm cà phê Givral nổi tiếng, nhưng gần đây nó nổi tiếng hơn bởi ca khúc "Vĩnh biệt Givral" – C'est fini Givral. Ca khúc này làm ta nhớ đến bộ phim lãng mạn "Mùa hè cuối cùng ở Capri" đã làm rung động biết bao trái tim, còn bây giờ nó làm nhiều người rưng rưng nước mắt. Một phần quá khứ của Sài Gòn, một phần quá khứ của nhiều người không còn nữa. Givral và những di tích khác mất đi, Sài Gòn có nguy cơ là một thành phố không còn ký ức, những thế hệ con người sau này sẽ không có ký ức lịch sử… Tôi cũng như mọi người, chẳng ai muốn phải nghe "C'est fini…" đối với những di sản văn hóa còn lại của Sài Gòn.

 

Nhưng Sài Gòn không chỉ có "mất đi" mà những năm gần đây thành phố đã mở rộng và cảnh quan thay đổi từng ngày. Kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè "nổi tiếng" kênh đen với những ngôi nhà chênh vênh cọc gỗ che kín mặt nước đọng dày rác rưởi, bây giờ đang được nạo vét, kè bờ, không lâu nữa sẽ là những "con kênh xanh xanh" chảy giữa lòng thành phố, dọc hai bờ kè mát bóng cây xanh, vườn hoa. Một dự án con đường trên cao dọc theo hai con kênh này với hàng chục cây cầu bắc ngang sẽ trở thành "điểm nhấn" cho vùng trung tâm cũ của Sài Gòn. Khu quận 4 bên kia cầu Khánh Hội nổi tiếng "xã hội đen" một thời, giờ có lẽ nhiều người sẽ không nhận ra nơi này. Những xóm nhà lá lụp xụp trong những con hẻm nhỏ chằng chịt hầu như biến mất. Những con đường rộng rãi, những ngôi nhà khang trang đã hiện lên, và gương mặt những con người nơi đây dường như đã bớt đi nhiều vẻ lo toan khắc khổ. Vùng trũng Nhà Bè mênh mông dừa nước đất vàng phèn mặn, giờ nơi này là đại lộ 8 làn xe chạy giữa khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đẹp như mơ! Những làng xóm ruộng vườn phía Gò Vấp, Tân Bình hay Hốc Môn, Củ Chi cũng đã thành phố mới. Tốc độ đô thị hóa ở Sài Gòn khá nhanh, việc quy hoạch thành phố còn chưa theo kịp sự phát triển vì vậy không tránh khỏi sự lộn xộn trong cảnh quan đô thị, việc xây dựng tự phát, sự tùy tiện phát triển các khu dân cư trú xen lẫn thương mại, khu công nghiệp… là rất rõ. Có thể dùng cụm từ "làng trong phố" để hình dung về cảnh quan văn hóa nhiều khu đô thị mới. Nhiều đường phố xưa êm đềm với hàng cây cao cao nay vào giờ tan tầm bỗng biến thành "hẻm nhỏ" bởi nhà cao tầng đã xây kín mặt đường, bởi dòng xe như nước chảy tràn không dứt.

 

Sài Gòn bây giờ dân số đã hơn 7 triệu dân mà phần lớn là người tứ xứ từ các tỉnh miền Tây lên, miền Trung miền Bắc vào. Bằng sức lao động cần mẫn họ đã góp phần tạo nên sức sống trẻ trung năng động của thành phố đồng thời cũng được nơi đây nuôi dưỡng, cưu mang. Qua nhiều năm khó nhọc mưu sinh, nhiều người đã hiểu nơi ta sinh ra là nơi để gửi nhớ gửi thương mỗi  dịp năm hết Tết đến, còn Sài Gòn là nơi mỗi ngày ta có thể được sống hết mình trong suốt cuộc đời … Nếu đừng quá "thiên lệch" lòng yêu thương đối với nơi chôn nhau cắt rốn thì tình cảm của ta đối với Sài Gòn sẽ công bằng hơn, vì đó là thành phố của mình, vì ta cũng đã là người Sài Gòn! Hiểu người Sài Gòn hơn, ta sẽ nhận ra tấm lòng nặng tình đầy nghĩa của những con người bộc trực phóng khóang nơi đây.

 

Ba mươi lăm năm sống ở Sài Gòn, sống với Sài Gòn liệu tôi có thể nói "Sài Gòn của tôi"? Của tôi, như một quê hương. Của tôi, như một nơi đã cho tôi trưởng thành. Của tôi, như một mối tình nồng nàn mà lặng lẽ thủy chung suốt cả cuộc đời…


"Dù đến rồi đi tôi cũng xin Tạ ơn người…" với Sài Gòn đó là điều mà nhiều người muốn nói./.



Nguyễn Thị Hậu
Sài Gòn 02/2011


Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment