16 February 2011

Từ Cairo Tới Bắc Kinh, Hà Nội... Cách Mạng Trái Chiều và Cách Mạng Đáy Tầng

Từ Cairo Tới Bắc Kinh, Hà Nội...
Cách Mạng Trái Chiều và Cách Mạng Đáy Tầng
 
Sơn Tùng
 
Những ngày cuối năm 2010 và đầu năm 2011 đã mở màn với các cuộc nổi dậy theo nhau nổ ra tại Bắc Phi và Trung Đông, được châm ngòi từ Tunisia với vụ lật đổ Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali được mệnh danh là "cuộc cách mạng hoa lài", sau đó lan tới các nuớc láng giềng mà quan trọng nhất là Ai Cập.
 
Những cuộc cách mạng đã diễn ra với hàng trăm ngàn thường dân xuống đường ngày này sang ngày khác, đòi hỏi những kẻ cầm quyền độc tài phải rút lui, hay phải thay đổi, và đã thành công bước đầu. Những cuộc nổi dậy đấu tranh bất bạo động này đã được hoan nghênh ở nhiều nơi trên thế giới và được chờ đợi sẽ xảy ra tại các nước độc tài khác.
 
Nhưng, cũng trong lúc ấy nhiều người đã lên tiếng cảnh giác những cuộc cách mạng ấy sẽ không đem lại dân chủ mà cuối cùng sẽ được thay thế bằng những chế độ độc tài còn tệ hại hơn và sẽ làm cho thế giới lâm vào tình trạng nguy hiểm, đen tối hơn, cùng với những mối đe dọa hiện hữu, như Iran sắp có bom nguyên tử trong tay những kẻ cầm quyền Hồi giáo cực đoan hiếu chiến, như Âu Châu đang bị Hồi giáo xâm lấn bằng một cuộc tấn công lặng lẽ, như tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á, như Cộng sản Bắc Hàn có thể gây chiến bất cứ lúc nào…
 
Bài này được viết khi cuộc xuống đường của dân chúng Ai Cập bước sang ngày thứ 19 và Tổng thống Hosni Mubarak từ chức, trao quyền cho một Hội đồng Quân sự Tối cao để ổn định tình hình và tổ chức bầu cử.
 
Trên màn ảnh truyền hình, người ta thấy dân chúng Ai Cập, phần nhiều là thanh niên, nhiệt cuồng kêu đòi dân chủ tự do, nhưng những người am hiểu thời cuộc đang đặt câu hỏi: ai là những kẻ đứng sau lưng khối quần chúng hăng say ấy và đang thực sự lèo lái cuộc cách mạng? Và cái tên Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) đã được nói tới nhiều trên báo chí và truyền hình Mỹ.
 
Huynh Đệ Hồi Giáo là một tổ chức được thành lập năm 1928 với khẩu hiệu "Hồi giáo là giải pháp", chủ trương áp dụng giáo luật (Shariah) vào xã hội và đã bị cấm tại Ai Cập từ năm 1954. Tổ chức này cũng được coi như "bà mụ" của các nhóm Hồi giáo quá khích ngày nay đang tiến hành cuộc "thánh chiến" (jihad) nhằm tiêu diệt Hoa Kỳ, Tây phương và Do Thái.
 
Thủ tướng Do Thái Binyamin Netanyahu và một số người khác đã cảnh cáo cuộc cách mạng đang diễn ra tại Ai Cập  cuối cùng sẽ kết thúc giống như vụ lật đổ chế độ quân chủ Pahlavi tại Iran hơn 30 năm trước, cũng khởi đầu tưởng như là một cuộc nổi dậy của dân chúng đòi dân chủ, tự do để rồi sau đó một chế độ "Cộng hoà Hồi giáo" được dựng lên, cai trị bằng giáo luật Shariah, xử tử hình phụ nữ ngoại tình bằng ném đá tới chết, treo cổ đối lập chính trị, xuất cảng khủng bố, đang chế tạo bom nguyên tử mà Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đe dọa xóa Do Thái khỏi bản đồ thế giới.
 
Sự sụp đổ của chính quyền Mubarak ở Ai Cập được coi như tin lớn nhất kể từ khi Quân đội Mỹ tấn công Iraq, lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein năm 2003 vì Mubarak đã cầm quyền gần 30 năm và Ai Cập đã đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho lò thuốc súng ở Trung Đông không bùng nổ và tạo ổn định trong thế giới Ả Rập.
 
Trong những ngày sắp tới tình hình sẽ rõ hơn để được biết cuộc nổi dậy tại Ai Cập có phải là một cuộc cách mạng thực sự do quần chúng, của quần chúng, để thiết lập một thể chế dân chủ hơn, đóng góp vào sư kiến tạo hoà bình trong vùng và thế giới, hay sẽ biến thành một cuộc "cách mạng trái chiều", đưa Ai Cập trở lại với thời Trung cổ, kéo theo sự sụp đổ của những "con cờ domino" khác trong thế giới Ả Rập, để cùng với Iran gây cảnh máu lửa tại Trung Đông, và có thể đưa đến thế chiến.
 
Dù sao, cuộc cách mạng tại Ai Cập cũng khiến nhiều người, đặc biệt là người Việt hải ngoại, nhìn về Bắc Kinh và Hà Nội, trông chờ một cuộc nổi dậy của dân chúng, để đánh đổ chế độ độc tài đã tồn tại quá lâu.
 
Sinh viên, thanh niên Trung Hoa đã nổi dậy năm 1989 tại Thiên An Môn và đã bị dập tắt sau một cuộc đàn áp đẫm máu, nhưng mầm chống đối vẫn âm ỉ cho đến ngày nay nên nhiều người cho rằng các cuộc cách mạng thành công tại Phi Châu và Trung Đông sẽ cổ vũ dân Tàu đứng lên lần nữa. Nhưng những kẻ nắm quyền ở Bắc Kinh đang nhìn những biến cố ở Tunisia, ở Ai cập với thái độ ra sao?
 
John Lee, một nhà nghiên cứu chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập (Centre for Independent Studies) ở Sydney và Viện Hudson ở Washington, đã viết một bài đáng chú ý tựa đề là "Watching Egypt crumble, Mideast chaos emboldens China's hard-liners" (Washington Times ngày 4.2.2011) với nhận định như sau:
 
"Nhiều người nghĩ rằng biến động tại Ai Cập, Tunisia, Jordan và Yemen là một cảnh cáo cho Bắc Kinh rằng Đảng Cộng sản Trung Hoa có thể là chế độ độc tài kế tiếp tồn tại bằng thời gian vay mượn. Nhiều người khuyên bảo Bắc Kinh rằng để tránh một biến động chính trị tương tự, nước Tàu cần một cuộc cải tổ chính trị thực sự và dân Tàu cần có tự do hơn. Nhưng đó không phải là cách mà hầu hết giới lãnh đạo tại Bắc Kinh nhìn vấn đề ấy. Biến động hiện tại chỉ tái khẳng định với giới lãnh đạo Trung Quốc rằng họ cần xiết chặt hơn là nới lỏng gọng kềm trên quyền lực chính trị và kinh tế."
 
Ông John Lee viết rằng không ai nghi ngờ Bắc Kinh thận trọng theo dõi những biến cố xảy ra ở Trung Đông dù vẫn giữ thái độ im lặng vụng về, và đã tăng cường những biện pháp đề phòng một cuộc nổi dậy, như kiểm duyệt ngăn cản bất cứ truy cấp nào trên Internet những chữ "Egypt", "Tunisia", và "Middle East Unrest". Tuy nhiên, vụ Thiên An Môn cũng như sự sụp đổ của các chế độ Cộng sản ở Đông Âu và Liên Sô trước đây đã dạy giới lãnh đạo Trung Cộng hai bài học.
 
Thứ nhất, các chế độ cộng sản thời ấy được coi như bất lực, thô lỗ và vô trách nhiệm. Chính quyền không được kính trọng, bị chế diễu và bị coi như quê kệch. Tệ hơn cả, các chế độ độc tài ấy đã không quan tâm tới nền kinh tế quốc gia, tới đời sống xã hội của dân chúng và giai cấp cầm quyền. Qua những biến cố từ 1989 đến 1991, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã quyết định thay đổi chính sách để nắm giữ quyền lực, và đã đưa đến sự vươn lên của nước Tàu tân tiến có nền kinh tế tư bản trong một chế độ độc tài hiện nay.
 
Thứ hai, trong khi các nhà bình luận phương Tây hoan hô sự thắng lợi của tự do cá nhân và dân chủ, Đảng Cộng sản Trung Hoa đã đi đến một kết luận khác hẳn rằng các chế độ độc tài trở nên suy yếu nhất khi chúng tỏ ra ôn hoà nhất. Tóm lại, bất ổn sẽ xảy ra khi dân chúng không còn sợ chính quyền. Điều đó giải thích vì sao Trung Cộng cảnh giác và cấm đoán những tổ chức nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền như các nghiệp đoàn, Thiên Chuá giáo và Pháp Luân Công, và theo dõi gắt gao các Blog tư nhân trên mạng điện tử. Nó cũng giải thích sự đàn áp thành phần chống đối nghiêm khắc hơn kể từ năm 1989 mặc dù sự cởi mở và phát triển nhanh chóng về kinh tế của Trung Quốc.
 
Những nhận định trên đây của John Lee dựa trên những nghiên cứu khoa học chính trị, và có lẽ không sai sự thật là mấy, nhưng lịch sử đã nhiều lần chứng minh một chế độ độc tài dù tàn bạo nham hiểm đến đâu cũng có lúc phải sụp đổ, đặc biệt là lịch sử nước Trung Hoa hơn 2,000 năm, qua các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Nước Tàu hiện nay tuy được cai trị bởi một tập đoàn lãnh đạo thuộc thế hệ mới của Đảng Cộng sản Trung Hoa, khoác bên ngoài cái vỏ "cộng sản" nhưng bản chất vẫn là đầu óc bá quyền Đại Hán của hàng ngàn năm trước, nối tiếp sự nghiệp của Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai trong một cuộc cách mạng lừa dối lớn nhất và đẫm máu nhất lịch sử nước Tàu.
 
Thật vậy, chủ thuyết Marx được xây dựng nhắm vào những nước tư bản đại kỹ nghệ ở Âu Châu và Bắc Mỹ vào thế kỷ 19. Trung Hoa, cũng như các nước khác tại Á Châu, khi ấy còn nằm trong tình trạng nông nghiệp chậm tiến, không có giai cấp công nhân và cũng không có giai cấp tư bản, nên không có bóc lột và không có đấu tranh giai cấp để đưa đến cách mạng vô sản. Tập đoàn Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai… đã dựa vào chủ thuyết Marx làm một cuộc cách mạng giả trá để chiếm đoạt quyền lực và đã tàn sát 65 triệu dân Tàu mà cuối cùng  phải trở lại con đường tư bản nhưng vẫn duy trì bộ máy cai trị cộng sản độc tài độc đảng để đàn áp dân trong nước và xâm lấn các nước khác tạo ra tình trạng tranh chấp, bất ổn liên tục tại Đông Nam Á trong hơn nửa thế kỷ nay, mà Việt Nam đã trở thành đấu trường đẫm máu nhất vì Hồ Chí Minh và đồng đảng đã cùng đi một con đường với Mao Trạch Đông và dựa vào Cộng sản Trung Hoa để nắm quyền tại Việt Nam.
 
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, một trí thức nhiệt tâm ở hải ngoại, mấy năm gần đây đã bỏ nhiều công nghiên cứu và viết những loạt bài rất giá trị về lịch sử và chính trị thế giới đưa đến những khám phá hữu ích cho việc xây dựng nền tảng lý thuyết cho cuộc đấu tranh gay gắt đang diễn ra của loài người tiến bộ ngày nay chống lại độc tài, cường quyền bá đạo, mà trọng tâm là nước Việt Nam ngày nay dưới chế độ cộng sản giả hiệu.
 
Trong bài mới nhất, "Từ những xung đột đẫm máu giữa Tự Do và Độc Tài trong chiến tranh VN đến Tranh Chấp tại Biển Đông hiện nay và Giải Pháp Hoà Bình Đông Nam Á", Ông Nguyễn Anh Tuấn đã viết về tình trạng bi đát của Việt Nam ngày nay như sau:
 
"Trên mức độ quốc gia tại Việt Nam chủ trương bạo lực và hận thù giai cấp đã phá hoại và hủy diệt toàn diện và triệt để tài nguyên, nhân lực của quốc gia và dân tộc Việt Nam. Thứ đến trên phương diện kinh tế thì tài nguyên thiên nhiên đã bị những người cầm quyền hành quốc gia là đảng Cộng Sản Việt Nam khai thác, trục lợi và vơ vét tất cả vào túi của họ- nên đã tạo ra sự khánh kiệt, phá sản toàn diện tài nguyên thiên nhiên của quốc gia tức thuộc về toàn dân. Kế tiếp là trên phương diện chính trị với chủ trương thống trị bằng bạo lực đã gây kinh hoàng lo sợ thường xuyên- và vì thế đã thui chột toàn diện ý chí của toàn dân, tức ý chí của quốc gia. Cuối cùng tầng lớp trí thức tượng trưng cho ngọn đèn trí tuệ của quốc gia cũng bị đe dọa, thù ghét, giam cầm, mua chuộc hay dụ dỗ để phục vụ quyền lực bạo ngược của quyền hành chính trị nên ngọn đèn trí tuệ và ngọn đèn tâm thức của một quốc gia đã lịm tắt nên không tìm ra một con người có viễn kiến để có thể có cái nhìn chiến lược dự phóng cho tương lai. Bởi những hậu quả đó cộng với những hậu quả của chiến tranh đã 36 năm qua đi mà không giải quyết được nên đời sống quốc gia bất ổn định, trật tự quốc gia và trật tự xã hội cũng không làm sao xây dựng được."
 
Nguyên nhân của tai ương này, theo Nguyễn Anh Tuấn, là do việc Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đã đem phong trào cộng sản Mác-Lênin, sản phẩm trí tuệ hắc ám của Tây phương, vào Á Châu để tạo ra một loại chế độ mà ông gọi là "con đẻ của hai dòng văn minh thoái hoá và sa đoạ của hai nền văn minh Đông phương và Tây phương" cùng chung một bản chất bạo lực và lừa đảo của của chính trị bá đạo.
 
Qua những nghiên cứu sâu rộng, Nguyễn Anh Tuấn đã nhận diện rõ ràng nguyên nhân đưa đến cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây và đặt câu hỏi: "Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 36 năm qua mà nguyên nhân đưa đến chiến tranh vẫn còn đó?" Nguyên nhân ấy chính là chế độ cộng sản tại Nga và Hoa Lục. Ông Nguyễn Anh Tuấn viết:
 
"Hai đế quốc Nga và Tàu  đã xuất cảng cách mạng cộng sản qua 27 quốc gia từ  Đông sang Tây từ gần một thế kỷ qua  (1917-1989) kết quả là 142 triệu người vô tội đã bị giết, trong đó Mao đã sát hại 65 triệu người dân Trung Hoa vô tội và bây giờ Hoa Lục vẫn bắt dân Trung Hoa  tôn thờ Mao như một vị 'đại thánh' của Hoa Lục. Tại VN thì đảng Cộng sản đem hình Hồ Chí Minh vào các chùa chiền ngồi chung với Đức Phật để bắt Phật tử VN thờ lạy và tôn vinh. Đây là sự thật của lịch sử cần làm sáng tỏ.
 
Ngược lại tại quê hương và tổ quốc đã khai sinh ra phong trào quốc tế cộng sản các tượng của Lenin và Stalin đã bị dân Nga đạp đổ vì phẫn uất, đau khổ và ghê tởm. Và quan trọng hơn, mới đây (2010) Quốc hội Nga đã chính thức bỏ phiếu (342-57) để xác nhận tội diệt chủng của Stalin tại Ba Lan. Chỉ riêng tại Hoa Lục và VN những con người đã sát hại với tội diệt chủng bao triệu người như Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh thì  người cộng sản Á Châu không chỉ tạc tượng mà còn đem vào chùa chiền để khách thập phương thờ lạy như Trời Phật.
 
Từ những sự thật và hậu quả lịch sử đó, bản chất đích thực của cộng sản VN và cộng sản Hoa Lục trong chính trị VN cũng như tại Đông Nam Á đã tự lộ nguyên hình là lừa đảo dối trá từ lúc khởi đầu cho đến ngày nay. Lừa đảo và dối trá đầu tiên và trên hết là khoác chiếc mặt nạ lý tưởng của cách mạng vô sản để lừa dối người dân, lừa dối các nước lân bang và lừa dối cả thế giới để che giấu bản chất tham tàn bạo ngược của đế quốc Tân Thực Dân Đại Hán và Tân Thực Dân Cộng sản, nhưng lại đổ vạ cho Hoa Kỳ là đế quốc tân thực dân."
 
Cộng sản Trung Hoa và Cộng sản Việt Nam đã liên hệ chặt chẽ với nhau từ thuở sơ khai và là nguyên nhân của những tranh chấp và biến động tại Đông Nam Á trong quá khứ và hiện tại khiến những công ước quốc tế, những thoả hiệp song phương, đa phương nhằm đưa đến hoà bình, an lạc cho các quốc gia tại đây đã không thể thực hiện.
 
Vì vậy, giải pháp để chấm dứt các tranh chấp và xây dựng hoà bình cho Đông Nam Á là phải có một thể chế dân chủ tại Trung quốc và tại Việt Nam, mà trong bối cảnh hiện nay, việc ấy chỉ có thể xảy ra với một cuộc cách mạng "dân chủ đáy tầng" (grass root democracy), cũng như những cuộc "cách mạng nhung" đã xảy ra tại các nước Cộng sản Đông Âu vào cuối thập niên 1980, chấm dứt cuộc Chiến Tranh Lạnh đã đe doạ Âu Châu từ ngay sau khi Thế Chiến II chấm dứt.
 
Để chống lại một cuộc cách mạng như vậy, Cộng sản Việt Nam đang rập khuôn chính sách đàn áp chính trị và cởi mở kinh tế của Cộng sản Trung Hoa để nắm giữ đặc quyền đặc lợi.
 
Trở lại với những biến động tại Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là tại Tunisia và Ai Cập, giới lãnh đạo bạo quyền cộng sản tại Bắc Kinh và Hà Nội cho rằng cách mạng đã nổ ra vì chính quyền độc tài tại các nước ấy đã thất bại về kinh tế cũng như xã hội để có thể củng cố quyền lực. Dân chúng đã xuống đường biểu tình chống chính quyền không phải vì đòi tự do, dân chủ nhưng vì những bất mãn trong cuộc sống hàng ngày. Cách mạng tại Tunisia đã bùng nổ vì cái chết của một thanh niên bán hàng dạo đã châm lửa tự thiêu do uất ức trước sự ngược đãi của các công chức cấp nhỏ địa phương. Còn tại Ai Cập, hầu hết những người biểu tình chống Mubarak là những sinh viên đại học tốt nghiệp không có việc làm đòi hỏi thay đổi - giống như những gì đã xảy ra tại 350 thành phố ở Trung Quốc năm 1989 với những đám đông hồi ấy lớn hơn. Bất kể nguyên do lúc đầu đã làm bộc phát một cuộc cách mạng, nhìn trên màn ảnh truyền hình người ta chỉ thấy những biểu ngữ, những reo hò đả đảo độc tài và đòi hỏi tự do, dân chủ.
 
Một sự thật khác cũng không thể chối cãi, theo chính con số của nhà nước Trung Cộng, trong năm 2009 đã xảy ra khoảng 125,000 vụ quần chúng nổi dậy chống các viên chức địa phương, nhưng rất ít vụ đòi dân chủ mà phần đông chỉ là bày tỏ sự bất bình liên quan đến việc chiếm đất, tham nhũng, trưng thu, và thuế má cao ở địa phương, vv.
 
Về phiá Việt Nam, tuy không có con số phỏng định, hàng ngày đã xảy ra không thiếu những vụ "dân oan" khiếu kiện, vác cờ trương biểu ngữ xuống đường biểu tình phản đối công an, tố cáo cán bộ đảng viên tham ô, cùng với những hình ảnh xa hoa, phung phí tiền bạc của giới "tư bản đỏ" ngày nay bên cạnh đời sống nghèo khổ cơ cực của đa số người dân.
 
Mặt khác, tại Trung Quốc cũng như tại Việt Nam ngày nay, hàng ngũ những người đứng lên tranh đấu đòi tự do, dân chủ ngày càng đông, bất chấp đàn áp, bắt bớ, tù tội – trong đó có cả những đảng viên thâm niên, cán bộ, cựu giới chức cao cấp trong chính quyền, quân đội, nhà văn, nhà báo… Một trong những người này tại Trung Quốc, Liu Xiaobo, vừa được trao Giải Nobel Hoà Bình đã gây phấn khích cho phong trào dân chủ không những tại Trung Quốc mà còn tại cả Việt Nam.
 
Câu hỏi hiện nay không phải là một cuộc "cách mạng dân chủ đáy tầng" có thể xảy ra tại Trung Quốc và Việt Nam hay không, nhưng là bao giờ xảy ra, và sẽ xảy ra như thế nào?

 
Sơn Tùng
12.2.2011


Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment