05 March 2012

Ngân hàng lạnh cẳng, người dân lạnh theo


Văn Quang - Từ Sài Gòn, ngày 02.3.2012

Ngân hàng lạnh cẳng, người dân lạnh theo

Tôi đã từng "kể khổ" với bạn đọc là ở VN, người dân sợ nhất là đến bệnh viện và đến các "cửa quan" để "xin cho" bất cứ việc gì, dù là việc "nộp tiền" (ở đây thường gọi các khoản này là "phí", như phí giao thông, phí trước bạ, phí gửi xe… thôi thì đủ thứ phí). Đến đâu nếu không bị ghẻ lạnh thì cũng bị coi như "cái gì đó trước mặt, như tờ giấy, như cái ly" chứ không phải người dân mà mình có bổn phận phải phục vụ, hay nói cho khoa trương – cho có lập trường – là làm đầy tớ nhân dân. Mỗi lần thoát được 2 cái "cửa ải" ấy là như thoát được một gánh nặng.
Nhưng ngày nay có một nơi người dân đến là được đón tiếp rất nồng hậu. Đó là nơi nhà cao cửa rộng, có vài chú bảo vệ đứng gác đàng hoàng, có khi phải bước lên đến hàng chục bậc thềm đá hoa cương, máy lạnh chạy êm ru suốt ngày đêm, khung cửa kính sáng loáng to đùng rất thông minh, vừa thấy khách dợm chân chưa kịp bước vào đã tự động mở toang. Văn minh hết chỗ chê. Tôi cam đoan với bạn đó không phải là chốn ăn chơi bê bối mà ngược lại đó là một nơi chốn rất đứng đắn, làm việc nghiêm chỉnh tất bật hơn bất kỳ công sở nào.

Và một đặc điểm nữa là nơi này không hề phân biệt sang hèn như những nơi chốn khác. Chắc bạn thừa biết, ở đâu cũng vậy, bạn đi "ô tô con", ăn diện kiểu quý tộc sẽ được đón tiếp nồng hậu hơn những anh coi bộ "gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung". Còn anh nghèo tục gọi là "bình dân", xồ xuề như dân "chợ búa" thì bước vào một tiệm ăn hơi sang một tí cũng bị coi thường. Cái nạn "phân biệt chủng tộc sang hèn" ấy ở VN, nay tuy đã bớt chút đỉnh cùng với cái cơ chế thị trường, tuy nhiên đôi chỗ vẫn còn những chuyện "quái thai mà có thật" như bún quát, phở đuổi…ở giữa thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nhưng một "ngoại lệ" đang hình thành ở VN từ Sài Gòn đến Hà Nội, đó là một nơi bất cứ người dân nào đến, bất kể sang hèn, cũng được đón tiếp nồng hậu như tôi đã nói ở trên. Chắc bạn đã đoán ra? Thưa bạn đó là ngân hàng, bất kể đó là ngân hàng lớn hay nhỏ, bất kể là "nhà băng" của nhà nước hay của tư nhân.

Bà bán bánh bèo cũng là thượng đế   
Người ta đến ngân hàng để giao dịch, thông thường là gửi tiền hay rút tiền. Cầm cố thế chấp chỉ là số ít. Và, ngân hàng bây giờ sợ nhất là "tiền". Trước đây một năm, người dân thường chẳng cần để ý đến ngân hàng nào của nhà nước, ngân hàng nào của tư nhân và cũng không chú ý lắm đến ngân hàng lớn hay nhỏ. Cứ tiện là gửi, ngân hàng gần nhà, ngân hàng có bà con anh em giàu có thường gửi là đem đến "nộp" với thứ lãi suất hai bên thỏa thuận. Chỉ có một số đại gia, môt số những người làm ăn buôn bán lớn mới kén chọn ngân hàng. Nhưng con số điều tra mới nhất cho hay là thành phần gửi tiền ở ngân hàng, 70% là dân tiểu thương, trung lưu. Thành phần đại gia, nhà giàu chìm, nhà giàu nổi chỉ chiếm 30% trở xuống bởi họ có nhiều "kênh" làm ăn sinh lời nhiều hơn là con số 17-18% lời hàng tháng ở ngân hàng. Bây giờ bớt xuống còn 14% thì các đại gia đầu tư vào một mảnh đất, một lô hàng, một áp phe vặt, chơi chứng khoán… chỉ trong một thời gian ngắn lời một gấp đôi gấp ba. Và số tiền trong tay các đại gia lại thường không ổn định, rút ra góp vô như cơm bữa. Còn số tiểu thương và trung lưu thường gửi tiết kiệm lấy lời hàng tháng. Gửi định kỳ 1 tháng nhưng sẽ gửi lâu dài, đồng vốn của ngân hàng nhờ thế mà vững vàng hơn. Bởi vậy, các nhân viên ngân hàng được chỉ thị hẳn hoi là phải coi tất cả khách hàng đúng nghĩa là thượng đế.

Một bà bán hàng tạp hóa bình thường ở chợ Bàn Cờ, bà bán hoa quả ở chợ Vườn Chuối, bà bán bán bèo chợ Tân Định… bước vào ngân hàng được chăm sóc ngay từ cửa ra vào. Mấy cô nhân viên trẻ, xinh như mộng, hoạt bát, rất lịch sự, vồn vã chào hỏi. Càng về những ngày gần đây, sự lịch thiệp càng tăng, đôi khi quá mức cần thiết. Đến nỗi môt bà "nhà quê" được nhân viên ngân hàng cúi đầu chào hỏi, tưởng là cô ta nhầm người, cứ quay đầu lại phía sau xem cô ta có chào ai khác không, lúc biết chắc rằng cô ta chào mình mới dám ú ớ chào lại. Có lẽ cả đời bà mới được đón tiếp như "bà hoàng" ở một nơi sang trọng như thế này. Dĩ nhiên bà cũng khoái thầm trong bụng, nhưng sau khi lãnh tiền lời hàng tháng ra về rồi bà lại băn khoăn: "Bỗng dưng người ta đối xử tử tế như vậy, người ta có thể lừa mình không? Ấy cái trò đời vẫn vậy, bỗng dưng người ta tử tế quá xá với mình thì mình phải xét lại". Bà ta lại đi "vấn kế" với nhà hàng xóm và bạn hàng trong chợ. Tất nhiên cũng có bà hiểu biết hơn chút đỉnh bèn giảng giải rằng "Nó sợ tiền chứ không sợ bà đâu. Hồi này ngân hàng giảm lãi suất, người ta rút tiền ra nhiều, họ sợ bà rút tiền ra, mang gửi chỗ khác hoặc làm việc khác nên họ phải o bế bà thôi".

Nhưng nói đi nói lại thì bây giờ ở VN chỉ có mỗi nơi sang trọng đến là "sướng" nhất, đó là ngân hàng. Từ xưa tới nay chưa có "thông lệ" nào như thế cả. Bà bán bánh bèo cũng là thượng đế, cũng được đối xử như đại gia. Vui ghê!

Tín dụng đen từ đâu mà ra
Cách đây chưa đầy một năm thì ngân hàng (NH) ở VN cũng đón tiếp lịch sự nhưng không lịch sự quá như thế. Đôi khi mấy bác nhìn bề ngoài lèm nhèm vẫn còn bị coi thường. Vậy hãy tìm hiểu thêm nguyên nhân nào dẫn đến "cái sướng" đó của mấy bà từng được coi là "nhà quê" ấy. Ở đây tôi không dẫn chứng theo những con số biết nói, dù là nói thật hay nói dóc, hoặc thông tư chỉ thị của các cơ quan. Tôi nói theo cách nói và cách suy luận của người dân trước những hiện tượng đã và đang xảy ra.

Vào khoảng tháng 8 năm 2011, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) VN quyết tâm buộc các ngân hàng phải tuân theo đúng quy định hạ lãi suất đầu vào, tức là người gửi tiền ở ngân hàng chỉ được hưởng lãi suất 14% , trong khi hầu hết khách hàng và ngân hàng đang "sống chung hòa bình" bằng cách thỏa thuận ngầm (ngầm nhưng gần như công khai, ai cũng biết và ai cũng làm) lãi suất lên đến 18-19%. Cú đấm đầu tiên là ông Nguyễn Thái Hậu, giám đốc chi nhánh Đông Á Tây Ninh, bị ông bạn là ông Nguyễn Lê Nam, giám đốc Ngân Hàng Á Châu (ACB) chi nhánh Tây Ninh (cùng địa phương), chơi một vố khá đau, nhân danh tình bạn gửi số tiền 1 tỉ đồng với lãi suất "đi đêm" là trên 15%.
Sau đó sự việc được báo cho NHNN, tức khắc ông Hậu bị cách chức. Chuyện này tôi đã "tường thuật" chi tiết trong bài "Thời đại đồ đều tình nghĩa không còn" ngay sau đó.

Sự trừng phạt này coi như cú dằn mặt của NHNN khiến các ngân hàng nhất loạt tuân theo và tất nhiên khách hàng cũng chịu chung số phận. Bởi nếu khách hàng đi đêm cũng bị phạt. Luật lệ coi như được thực thi nghiêm chỉnh. Mặc dù lúc đó tình hình lạm phát và đồng tiền VN mất giá chưa có dấu hiệu suy giảm. Như ông bạn tôi đã tính toán, gửi NH lời 14%, trong khi đồng tiền mất giá và lạm phát là 20% thì người gửi vẫn thiệt hại 6%. Làm gì có chuyện thực lời là "dương" như một vài ông đã cố tình tính lộn! Cho nên ông này rút tiền ra đầu tư vào chỗ khác. Sau này tôi mới nghe tin là ông hợp tác với một vài nhà buôn cho vay lời trên 20%, có vô số doanh nghiệp không thể vay được ở bất cứ ngân hàng nào nên chạy đến xin vay. Cho vay kiểu này gọi là "tín dụng đen". Ông và vài nhà buôn vốn là những người có cơ sở kinh doanh lớn, có nhà hàng, khách sạn luôn kín khách nên mọi hoạt động đều trôi chảy. Vậy có thể nói vì lãi suất đầu vào bị kiểm soát chặt nên đẻ ra tín dụng đen.

Tiền dư chảy đi đâu?
Thế nhưng trong một thời gian khá dài, từ tháng 9 -2011 đến vài tháng đầu năm 2012 này, các ngân hàng bớt lãi suất của khách nhưng vẫn cho các doanh nghiệp vay với lãi suất trên cả 20%, vậy mà nhiều doanh nghiệp đói vốn vẫn không thể "tiếp cận" vốn vay của ngân hàng được. Câu hỏi đặt ra là kết cục trong mấy tháng đó số tiền bớt lãi suất của dân, dư ra đó, chảy đi đâu? NHNN có biết không? Thật ra NHNN biết đấy song dù đã cố gắng cũng không thể kiểm soát được tình trạng này. Số tiền dư đó chảy vào túi các ông chủ ngân hàng! Mà chủ ngân hàng là ai, bạn đọc thừa biết rồi.

Sau một thời gian, "tín dụng đen" vỡ nợ khắp nơi khiến dân ba cọc ba đồng góp vốn mất trắng, chỉ còn nước khóc ròng. Người có tí tiền tiết kiệm cuống cuồng lấy lại tiền ở những "tín dụng đen", ép lòng mang tiền trở lại gửi ngân hàng. Bởi nếu không gửi thì tiền mất giá sẽ mất nhiều hơn, thôi thì đành lòng với lãi suất đang bị xiết, có còn hơn không. Phải thẳng thắn nói là người dân vẫn có cái ấm ức là mình bị bắt chẹt.

U xọe ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ
Nhưng muốn "làm tốt", tổ chức lại các ngân hàng, không để tình trạng "u xọe", ngân hàng nhỏ chỉ mượn vốn của dân kiếm ăn, nợ xấu như chúa chổm vẫn khoe khoang lời to lãi lớn, có nguy cơ phá sản. NHNN xắp xếp lại các ngân hàng thành từng nhóm. Phân loại gồm có 4 nhóm 1-2-3-4. Nhóm 1-2 được xem là ngân hàng lớn, nhóm 3-4 được coi là ngân hàng trung bình và nhỏ. Nhóm 1 (hoạt động lành mạnh) được tăng trưởng tối đa 17%, nhóm 2 (hoạt động trung bình) 15%, nhóm 3 (dưới trung bình) 8% và nhóm 4 (yếu, kém) 0%. Để tránh những xáo trộn không đáng có, Ngân hàng Nhà nước không công bố danh sách xếp loại này mà có văn bản gửi riêng để giao chỉ tiêu cho từng ngân hàng.

Sự kiện này lại làm dư luận xôn xao từ người dân gửi tiết kiệm đến các ngân hàng. Vì "tế nhị", NHNN không công bố rõ ràng nên người dân hoang mang, mù tịt, chẳng biết NH nào là lớn, NH nào là nhỏ. Ai cũng lo: "liệu số tiền mình hiện đang gửi ở NH có an toàn không ?". Biết rõ tâm trạng này của khách hàng, một số NH nhóm trên (nhóm 1-2) đã nhanh chóng công bố chỉ tiêu của mình ra cái điều ta là NH lớn, thậm chí còn xảy ra tình trạng cạnh tranh ráo riết bằng nhiều cách khác nhau, kể cả chính sách tuyên truyền "rỉ tai". Xem ra chính sách này mang lại kết quả không nhỏ. Xin hãy xem cách "chơi xấu" này đã từng xảy tại Hà Nội.

Chị Vân là nhân viên ngân hàng, được cử đi khảo sát xem các đối thủ có chiêu trò gì mới, chị giả bộ lân la hỏi thêm chỉ tiêu tín dụng 0% có nghĩa là gì. Một cô nhân viên của ngân hàng khác đon đả giải thích cho chị Vân: "Có nghĩa là không được cho vay nữa chị ạ. Mà không cho vay được thì lấy đâu lãi mà trả cho khách hàng. Chị gửi tiền ngân hàng em đi, bên em được Ngân hàng Nhà nước phân vào nhóm một, có chất lượng tín dụng tốt nhất đấy chị ạ".

Ở một chi nhánh ngân hàng khác tại quận Ba Đình, nhân viên còn nhiệt tình hơn, in hẳn danh sách các ngân hàng thuộc nhóm 3 và 4 (tăng trưởng tín dụng lần lượt chỉ ở mức 8% và 0%) để tiện giải thích với khách hàng.

Chị Ngọc - một khách hàng, kể lại sau khi bước ra khỏi chi nhánh ngân hàng:
"Họ nói với tôi nhóm 3 và 4 là hai nhóm có chất lượng tín dụng thấp nhất, thanh khoản có vấn đề nên kém an toàn hơn. Rồi họ khuyên tôi không nên gửi bên đó".

Hỏi về xuất xứ bản danh sách nói trên, khách hàng này được biết, đây là những tham khảo trên thị trường tài chính, nên tính xác thực không cần bàn cãi.

Giám đốc một ngân hàng cổ phần nói thẳng đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cơ quan chức năng cần có biện pháp giải quyết. Ông nói: "Văn hóa trong kinh doanh là không được hạ bệ người khác để tôn mình lên. Trong lĩnh vực ngân hàng, việc công bố những thông tin nhạy cảm như vậy sẽ gây hệ lụy xấu".

Nhưng thời buổi này đòi hỏi "văn hóa lành mạnh trong kinh doanh"  thì… hơi bị hiếm. Nó cũng hiếm gần như "văn hóa tứ chức" vậy.

Nếu không kể ngân hàng nước ngoài, liên doanh và ngân hàng chính sách, hiện nay ở VN có tổng cộng 40 ngân hàng thương mại đang hoạt động kinh doanh. Đến nay, có trên dưới 20 ngân hàng nhóm 1& 2 (nhóm NH lớn) đã chính thức công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng kể từ khi thực hiện chủ trương phân nhóm.

Ngân hàng lạnh cẳng, người gửi tiền cũng lạnh theo
Còn lại khoảng 20 ngân hàng chưa có thông tin về tỉ lệ tăng trưởng cũng như vị trí phân loại mà Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đã hoặc chưa thông báo cho họ. Việc không công bố thông tin của NHNN là một biện pháp cần thiết nhằm ổn định thị trường tiền tệ trong giai đoạn hiện nay. Và tình trạng hiện nay là các NH nhỏ lạnh cẳng, người dân cũng lạnh lạnh cẳng theo.

Tuy rằng NHNN luôn khẳng định sẽ không bao giờ có ngân hàng nhỏ vỡ nợ. Trường hợp xấu nhất, các ngân hàng này sẵn sàng hợp nhất dưới sự bảo trợ của một ngân hàng lớn mạnh trong hệ thống. Trong thời gian "chẩn đoán và chữa trị", NHNN luôn sẵn sàng ứng cứu kịp thời để bảo đảm thanh khoản chi trả tức thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp người gửi tiền. Nói cho rõ là nếu NH nhỏ không đủ tiền trả cho khách hàng thì NHNN sẽ bỏ tiền giúp NH đó trả cho dân. Tuy nhiên, chẳng người dân nào muốn mang lấy cái phiền toái vào mình, cứ nhằm NH lớn gửi cho chắc ăn. Các NH nhỏ hiện nay ở VN đang ngáp ngáp cố tìm cách xoay xở để leo lên hạng trên nhưng thật sự họ đuối sức rồi, làm sao leo lên nổi trong khi khách hàng cứ ùn ùn rút tiền!

NHNN sẽ làm gì trong bối cảnh này? Biện pháp chấn chỉnh các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, lợi dụng việc phân nhóm ngân hàng để "chơi xấu" nhau trong kinh doanh tiền tệ là chưa đủ, vấn đề là các NH nhỏ nên để sống thoi thóp hay nên "khai tử" cho đỡ rắc rối? Và, khai tử bằng cách nào, để nó tự chết hay giúp nó "hạ cánh an toàn". Đó là bài toán của NHNN VN. Cho nên NH nhỏ ở VN sống hay chết vẫn còn là cánh cửa còn bỏ ngỏ.

Nhưng trên hết vẫn là niềm tin của người dân với NH. Kể cả với NHNN VN trong việc huy động vàng và ngoại tệ nằm trong két sắt của dân. Không có niềm tin thì không thể làm gì được. Niềm tin ở đây phải được hiểu là tin vào mọi chủ trương chính sách của nhà nước.

Cũng liên quan đến tín dụng, mời bạn đọc cùng nhận định một chuyện khá thú vị vừa xảy ra tại Cần Thơ có liên quan tới ngân hàng và đại gia.

Nữ đại gia diễu hành đoàn "xe siêu sang" với mục đích gì?

                                    
                                              Nữ đại gia thủy sản đất Cần Thơ, bà Phạm Thị Diệu Hiền

Bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng giám đốc Công ty thủy sản Bình An (Bianfishco) vừa xác nhận, hồ sơ xin vay 350 tỷ đồng với Agribank chi nhánh Cần Thơ bị từ chối nên đã chuyển sang xin vay có thế chấp tài sản công ty ở một ngân hàng khác. Hàng loạt ngân hàng như VDB, ACB, BIDV, Vietinbank... đã ngưng cho công ty vay vốn. Bà khẳng định với báo chí, cá nhân không nợ ai, nhưng thật ra Công ty cổ phần thủy sản Bình An của bà nợ nông dân 200 tỷ đồng chưa trả được.

                                      
                                              Chiếc Rolls-Royce Phantom biển tứ quý của đại gia thủy sản Cần Thơ
                                     Tại Việt Nam có giá khoảng hơn 25 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,3 triệu USD)

Trước đó, câu chuyện nợ nần của đại gia thủy sản đất Tây Đô - Phạm Thị Diệu Hiền trở nên ầm ĩ sau khi bà tổ chức đám cưới cho con trai với hotgirl Quỳnh Chi. Trong lễ rước dâu, bà Hiền cho dàn "xe siêu sang", mỗi chiếc xe có giá hàng chục tỉ đồng, có chiếc lên đến 25 tỉ đồng (tương đương khoảng 1,3 triệu USD) diễu hành trên nhiều đường phố Sài Gòn và Cần Thơ. Sáng 20-2, dân Tây Đô chóa mắt, trầm trồ khi thấy hơn chục siêu xe Bentley, Roll - Royce, Lamborghini... rước dâu từ hướng TP Sài Gòn qua cầu Cần Thơ. Hơn 8g đoàn xe sang trọng tiến về đường 30/4, TP Cần Thơ đến khu biệt thự sang trọng của bà chủ tịch hội đồng quản trị một công ty kinh doanh thủy sản tại TP Cần Thơ. 9g sáng, chú rể Trần Văn Chương, hiện là phó tổng giám đốc công ty này đã làm lễ bái đường thành thân với hot girl Quỳnh Chi, MC của kênh MTV Việt Nam.
                                      
                                                 Đoàn siêu xe rước dâu từ Sài Gòn về vùng sông nước miền Tây

Trong khi dàn xe siêu sang này đang diễu hành ở Sài Gòn, một số nông dân đã căng băng rôn ngay trước biệt thự nhà riêng của bà Hiền tại Cần Thơ đòi trả nợ hàng chục tỷ đồng.

Những nông dân đã treo băng rôn đòi nợ bà Diệu Hiền khi đang tổ chức tiệc cưới con trai là ông Nguyễn Văn Liền (Ba Liền) và bà Phạm Thị Mai. Hôm ấy, con trai ông Liền là Nguyễn Trọng Ân đã căng băng rôn trước để đòi nợ tiền mua cá. Theo ông Liền, ông và bà Mai nuôi cá chung, bán cho Bianfishco được khoảng 20 tỷ đồng chưa thanh toán hết. Hiện số nợ còn trên 15 tỷ đồng. Bà Mai cũng xác nhận khoản nợ này.

                                       
                                   Nông dân căng băng rôn đòi nợ cá trước nhà bà Tổng giám đốc Phạm Thị Diệu Hiền

Bà Phạm Thị Diệu Hiền cho rằng việc căng băng rôn "là hành động phá hoại" của hai nông dân bán cá nhiều năm liền cho mình. Bà nói: "Hạnh phúc lớn nhất của tôi là hàng tháng được trả lương cho trên 4.000 công nhân. Những người cố tình phá hoại tôi để làm bất lợi cho Bianfishco chẳng khác nào gây bất lợi cho công ăn việc làm của hàng ngàn công nhân".
                                    
                                  Cổng biệt thự Bà Tổng Giám Đốc Thủy Sản cũng bề thế không kém bất cứ quan nào

Chẳng biết việc trả lương cho 4.000 công nhân có phải là hạnh phúc của bà Tổng Giám đốc này không, hay những cái xe hàng triệu đô và những cái biệt thư to đùng mới chính là hạnh phúc thật sự của đại gia. Mời bạn đọc nghe vài lời bàn Mao Tôn Cương của độc giả trên các báo ở VN:

Bạn Hoàng Đại Nhân viết:
- "Gửi bà Hiền, Việc nợ đến 200 tỷ là có dấu hiệu của vi phạm pháp luật, thậm chí có thể quy trách nhiệm hình sự. Hãy biết đau cái đau khổ của người dân bị quỵt nợ.Những tiếng xe gầm cùng những tiếng cười vui, pháo nổ mừng cưới lăn trên nỗi đau của bao người, những người lăn lộn ngày đêm làm ra cái tôm con cá đang bị cướp trắng, không làm rung động lòng những kẻ gọi là Đại Gia sao?".

Bạn Quang Anh viết:
- "Lọan! Khi quản lý bị buông lỏng, người nghèo trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo khoác áo đại gia. Những kẻ này hiện đang hơi bị nhiều và đa dạng. Ở Hà Nội một cơ sở y tế tư nhân tư bơm mình rất ghê, có cơ sở thuê và sơn phết hoành tráng, đầu tư hàng núi tiền vào quảng cáo cho mình là một cơ sở khám chữa bệnh cao cấp. Nhiều người và cả một ngân hàng lớn đã bỏ vào đây hàng trăm tỷ. Hiện cơ sở này đã lộ rõ là một đơn vị lừa đảo, nợ như chúa Chổm. Cá nhân ngậm đắng nuốt cay vì không đòi được tiền cho vay đã đành, Ngân hàng kia, chủ nợ lớn nhất cũng dở khóc dở cười, không dám tin là số nợ đã mất và cũng không dám thu hồi tài sản thế chấp vì nó hầu như chẳng còn có tý giá trị nào".

Chuyện bà Diệu Hiền xin để bạn đọc nhận định.

Văn Quang

No comments:

Post a Comment