23 July 2012

Có “bảo kê” tại các phòng khám Trung Quốc không?



  Văn Quang - Từ Sài Gòn, ngày 20.7.2012


Trong tuần này, chuyện một phụ nữ tử vong bất thường do các ông được gọi là Bác sĩ Trung Quốc (BS TQ) tại phòng khám (PK) Maria ở ngay giữa thủ đô Hà Nội đã làm dư luận tại VN càng thêm sôi sục. Vấn đề được đặt ra không phải chỉ là "kiểm tra, xử phạt" các PK mà là một phạm vị lớn hơn: "Ai sẽ chịu trách nhiệm về những cái chết này?". Người chủ phòng khám và các ông BS TQ? Đó là việc tất nhiên các cơ quan điều tra phải làm.
Người thân và người dân bất bình bao vây phòng khám Maria

Nhưng còn người chịu trách nhiệm cao hơn trước nhân dân là ai? Cơ quan nào, nhân viên nào có trách nhiệm trực tiếp đối với những Phòng Khám bệnh này? Ai đã cho phép các phòng khám mọc lên, ai đã cho phép và kiểm tra các ông BS TQ vào VN hành nghề? Tại sao những phòng khám (PK) ấy có thể an nhiên tự tại từ nhiều năm nay?

Câu hỏi thực sự của người dân

Từ những câu hỏi ấy đã làm dấy lên một luồng dư luận nghi ngờ rằng các PK ấy đã được một thế lực ngầm "bảo kê". Câu hỏi của người dân rất giản dị nhưng lại vô cùng chính đáng: Nếu không có người "đỡ đầu chống lưng", làm thế nào các PK ấy cứ hiên ngang hoạt động rầm rộ từ nhiều năm nay và các phương tiện truyền thông VN như truyền hình báo chí thoải mái đưa đủ các thứ quảng cáo ầm ầm cho các PK ấy? Dù đến nay chưa có một bằng chứng xác thực nào, nhưng ai cũng nghĩ đó là chuyện tất yếu phải có. Nói thẳng ra, nó cũng giống như mọi chuyện về nhà đất, về quản lý thị trường, không hối lộ thì chẳng bao giờ xong việc. Những cơ quan chức năng cũng thừa biết chuyện này và đôi khi chính các viên chức khi đi làm giấy tờ nhà đất, khi đi xin mở cái cửa hàng cũng không thể lách qua "cửa ải" này. Nó xảy ra như… hơi thở hàng ngày, không thể nào bắt hết được dù chỉ là một vài phần trăm, nên nó trở thành thứ chuyện "tất nhiên phải thế". Nó quá quen thuộc với người dân Việt Nam, đến nỗi cứ có việc nào như thế là phải làm theo đúng "nguyên tắc" như đi xe máy thì phải đổ xăng. Đấy là cái tảng băng nổi, ai cũng nhìn thầy nó nổi lều bều như những bãi rác trên bề mặt xã hội, song không ai còn "thắc mắc" gì nữa vì nó đã trở thành "một sự tự  nhiên"! Điều bi thảm là ở đó.

Còn những PK có yếu tố người TQ lâu nay như một tảng băng ngầm, nó trôi âm thầm, kín đáo hòa lẫn trong vô số các phòng khám, các bệnh viện công hay tư của người Việt ở khắp nơi. Phải nói thẳng ra, gần đây, hầu hết những BV lớn ở VN đều "quá tải", đến BV chầu chực, mất thì giờ, mất đủ mọi thứ tiền, rồi một số BS thiếu y đức, thiếu khả năng, thiếu phương tiện y khoa điều trị… khiến các bệnh nhân (BN) ngán ngẩm. Người nào có khả năng, thường tìm đến những phòng khám tư. Nhất là những người mắc những chứng bệnh khó nói và thuốc tây nhiều khi không hiệu quả. Người ta tìm đến những nơi "lạ hơn", may ra khỏi bệnh. Các PK TQ "ăn tiền" cũng vì lẽ đó. Anh nào quảng cáo mạnh anh ấy thắng. Thế nên lâu dần rồi các Phòng khám Trung Quốc (PK TQ) ngày càng lấn tới,  khuyếch trương thanh thế, làm ăn ồ ạt. Với những kinh nghiệm sẵn có, người dân dù có thiếu thông minh cũng hiểu rằng "Tất nhiên họ cũng phải chạy chọt chỗ này chỗ kia, ông này bà nọ mới đứng vững được".  

Cho đến  khi sự việc vỡ lở, mới ngày hôm trước 13-7, tôi đã có bài viết về những PK TQ mang tai họa đến cho dân là "Sự thật cay đắng không ai ngờ", thì ngày hôm sau 14-7-2012, phòng khám Maria ở Hà Nội làm chết một phụ nữ với nhiều yếu tố rất mờ ám. Đúng là "cháy nhà ra mặt chuột". Lúc đó hàng loạt những "sai phạm" mới được khui ra. Và cơ quan chức năng bắt đầu vào cuộc. Đây chỉ là vào cuộc điều tra những sai phạm trong phạm vị hoạt động của phòng khám Maria, nhưng chắc chắn sẽ mất rất nhiều công phu. Ngay cả việc tìm ra mấy ông "bác sĩ Trung Quốc" trực tiếp chữa bệnh cho BN bị chết cũng không dễ dàng gì, chưa nói đến những chuyện mờ ám khác. Vậy điều người dân cần biết là có ai "bảo kê" cho các Phòng khám này không?

Một thứ đầu độc ngấm ngầm nhưng công khai

Việc điều tra này là vô cùng cần thiết, không riêng gì ở TP Sài Gòn mà ở cả Hà Nội và tất cả những nơi nào hiện diện phòng khám bệnh có BS TQ. Nếu có sự bao che, có sự tiếp tay của nhân viên các cơ quan quyền lực thì đây là một tệ nạn tham nhũng lớn hơn tham nhũng. Bởi tính cách của nó ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng và tài sản của người dân. Ngoài những người đã chết, đã mất khá nhiều tiền bạc cho những PK này, còn đáng sợ hơn nữa là, hậu quả lâu dài mà người bệnh trong nước phải gánh lấy từ những loại thuốc, dịch truyền không rõ nguồn gốc, từ những "bác sĩ ngoại" không có chuyên môn để lại. Bởi, qua kiểm tra các PK "ngoại", cụ thể là các PK có người Trung Quốc, gần như tất cả đều sử dụng thuốc, dịch truyền không rõ nguồn gốc, không phép lưu hành.

Mỗi lần phát hiện thuốc không rõ nguồn gốc tại các PK Trung Quốc, có nhân viên trong đoàn thanh tra lại thốt lên: "Không biết họ cho dân mình uống thứ gì đây?!".

Những biến chứng của nó không xảy ra ngay lúc đó hoặc sau khi đã bỏ phòng khám, bệnh tật sẽ xuất hiện vào những ngày tháng sau, không ai ngờ được do chính những ông thày làng dởm, thuốc dởm gây ra. Nhiều người còn có thể mang bệnh suốt đời không chữa được như bệnh vô sinh, bệnh ung thư, bệnh ở nội tạng vì uống thuốc "lang băm". Những cái chết dần mòn mà người nhà chúng ta không để ý tới và cũng không thể xác định là do thuốc của mấy ông BS TQ. Một thứ đầu độc ngấm ngầm, nhưng mỉa mai thay, nó lại rất công khai.

Đã có đơn thư tố cáo thanh tra y tế bị tố bảo kê phòng khám Trung Quốc

Theo một tờ nhật báo tiết lộ, trong hai tuần qua, Sở Y tế TP. Sài Gòn đang khẩn trương thu thập chứng cứ, tài liệu để làm rõ việc một cán bộ của Sở này bị nhiều người tố cáo "bảo kê" cho một số PK có người Trung Quốc.

Ông Phạm Hữu Quốc, thanh tra Sở Y tế TP Sài Gòn bị tố "chống lưng" cho các phòng khám Trung Quốc bằng cách thông báo lịch thanh tra của Sở để những nơi này đối phó.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Sài Gòn xác nhận đã nhận được thư tố cáo ông Quốc. Ban giám đốc Sở Y tế đã yêu cầu bác sĩ Quốc tường trình về vụ việc, sau đó sẽ tiếp tục thanh tra làm rõ.

Bức thư này được gửi đến Sở Y tế trong tuần qua, tố ông này bảo kê cho một số phòng khám Trung Quốc. Năm 2009 bác sĩ này cũng đã bị tố cáo tương tự. Tổng cộng đến nay ông Quốc bị 5 lá thư tố cáo với nội dung gần giống nhau.

Trong một đơn thư mới đây, người xưng là bệnh nhân cho biết trong thời gian điều trị tại Phòng khám đa khoa Đầm Sen, quận 11, hồi tháng 5, bà gặp một người đàn ông đi xe máy màu đen, cao khoảng 1,8 mét đến phòng khám và thông báo có đợt thanh tra nên yêu cầu nhân viên phiên dịch không được mặc áo blouse, không ngồi dưới quầy.

Bức thư ghi rõ: "Người đi xe máy còn yêu cầu phòng khám tìm người thay thế bác sĩ người Trung Quốc để đối phó với đoàn kiểm tra. "Nghe các nhân viên trò chuyện, tôi biết ông ta là bác sĩ Quốc đang công tác tại Thanh tra Sở Y tế".

Tác giả một lá thư khác xưng là thông dịch viên của một số phòng khám Trung Quốc, tố cáo ông Quốc cấu kết với các phòng khám này để thông báo trước việc thanh tra, nhằm đưa bác sĩ Trung Quốc tránh mặt và tẩu tán thuốc.

Người bị tố cáo chối tội

Khi gặp phóng viên báo chí, ông Quốc khẳng định, việc tố cáo là hoàn toàn sai sự thật. BS Quốc nói: "Tôi bị hại và tất cả các đơn thực ra chỉ do một người viết. Nhiều đơn đã được công an xác minh là không đúng". Ông Quốc thừa nhận lần đầu ông bị đơn tố kết cấu với phòng khám Trung Quốc là cuối năm 2009. Đến đầu năm 2010, khi thanh tra Sở Y tế chuẩn bị lập kế hoạch thanh tra phòng khám y học cổ truyền thì ông lại bị đơn tố với nội dung tương tự. Việc này xảy ra tiếp tục vào đầu năm 2011. Mới nhất là 2 đơn sau khi ông đến thanh tra phòng khám y học cổ truyền tại số 141 Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận hôm 18/2.

Theo ông Quốc, nội dung đơn tố cáo hoàn toàn vu khống. Ông Quốc nói: "Bằng chứng là có hai đơn vào thời điểm từ tháng 1/2011 đến tháng 3/2012, trong khi thời gian này tôi không tham gia bất kỳ đoàn thanh tra nào". Ông Quốc thanh minh: thời gian và địa điểm đoàn thanh tra Sở đi kiểm tra là do bác sĩ Phạm Kim Bình, quyền Chánh thanh tra Sở Y tế làm trưởng đoàn thanh tra quyết định.

Còn bác sĩ Phạm Kim Bình cho hay, theo nguyên tắc, khi lên xe đi kiểm tra ông mới công bố điểm đến cho cả đoàn biết. BS Bình nói: "Bác sĩ Quốc nếu không tham gia đoàn đi thanh tra thì sẽ không có mặt trên xe".  

Tuy nhiên cũng theo ông Bình, do việc thanh tra thường diễn ra theo kế hoạch, nên việc ai đó biết Sở đang trong đợt thanh kiểm tra là không khó. Năm 2011, việc thanh tra phòng khám y học cổ truyền tập trung vào tháng 10. Phải chăng ý BS Bình nói, như thế không cần là nhân viên đoàn thanh tra, ông Quốc vẫn có thể biết ngày giờ thanh tra?

Một kiểu tham nhũng mới, tàn phá gia đình người Việt

Bạn đọc thử suy nghĩ xem việc điều tra những lá thư tố cáo này có gì khó khăn không? Có thể những lá thư đó là loại thư nặc danh, nhưng nếu người tố cáo nắm rõ bằng chứng và có tên tuổi địa chỉ, tất yếu cơ quan điều tra sẽ lần ra. Nhưng đây mới chỉ là một "đầu mối", còn vô số những "đầu mối" khác cũng có thể lần ra đường dây tham nhũng này. Còn vô số những người đã từng cộng tác với các PK biết rõ những thủ đoạn gian lận này (Xin đọc ý kiến của độc giả cuối bài).

Nếu Bộ Y Tế hoặc Sở Y Tế các tỉnh thành, có một thông cáo và một hộp thư yêu cầu người dân mạnh tay tố cáo, chắc chắn người dân sẽ sẵn sàng hợp tác. Bởi bây giờ ai cũng ý thức được đó là sự bảo vệ tính mạng tài sản thiết thực cho chính bà con anh em mình. Có thể nói đây là một thứ tham nhũng mới được phát hiện nhưng nó đã tàn phá cuộc sống của biết bao nhiêu người dân Việt.

Mỗi khi "có chuyện", cơ quan chức năng lại tổ chức đi kiểm tra, xử phạt, và rồi "đâu lại vào đấy", các PK "ngoại" này tiếp tục lừa gạt, "móc túi" người bệnh thì cũng chỉ hoài công. Điều này khiến dư luận, giới hành nghề trong nước vô cùng bất bình, đặt dấu hỏi: "Tại sao các PK Trung Quốc sai phạm quá đáng, kéo dài, quảng cáo quá chức năng… như thế mà ngành y tế không xử lý đến nơi đến chốn, để bây giờ xảy ra hậu quả chết người bệnh?".

Một thầy thuốc ở TP.Sài Gòn nói: "May mà còn có báo chí phản ánh, nếu không các PK Trung Quốc còn sai phạm đến cỡ nào nữa đây? Những PK này không giúp ích gì cho nền y tế nước nhà, cũng như người bệnh, vì mục đích của họ đã quá rõ, lừa phỉnh, "móc túi" người bệnh là chính". Lúc này chúng ta cần đến người dân phản ảnh trực tiếp với các cơ quan chức năng lớn hơn.

Những điều mập mờ của Phòng Khám Maria

Ở đây tôi chỉ tóm tắt lại những nét chính về " Vụ án tại PK Maria" để bạn đọc tiện theo dõi những sự lắt léo của phòng khám này. Đây có thể coi như sự lắt léo điển hình của hầu hết những PK có người TQ khác.
Chị Nguyễn Thị Thu Phong đã tử vong sau vài tiếng vào phòng khám Maria

Chị Nguyễn Thị Thu Phong (34 tuổi) được bác sĩ Phòng khám đa khoa Maria ở Hà Nội chẩn đoán "viêm cổ tử cung mãn tính, viêm lộ tuyến phì đại, viêm âm đạo" song đã tử vong chỉ vài tiếng sau khi vào khám Phòng khám đa khoa Maria (số 65-67 phố Thái Thịnh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội). Trong vòng mấy giờ, chị Phong đã được hàng loạt các điều trị. Tổng số tiền thanh toán là 8.670.000 đồng.

Ông Lê Đắc Dũng, cậu của chị Phong, cho biết, buổi chiều ngày 14-7 đi làm về, chị Phong thấy người mệt mỏi nên đã đến phòng khám đa khoa Maria để khám. Ông Dũng thuật lại.  "Đến cuối giờ chiều, cháu tôi gọi điện thoại cho chúng tôi nói "không biết họ làm gì mà con thấy đau và rất mệt".

Ngay khi nhận được cuộc gọi, ông Lê Đắc Dũng đã cùng một số người thân ngay lập tức chạy đến phòng khám. Tuy nhiên, ông Dũng và thân nhân đã bị một số nhân viên của phòng khám ngăn cản không cho lên phòng chị Phong đang điều trị mà bắt ngồi đợi ở tầng 1. Một lúc lâu sau, một người chạy từ trên xuống thông báo chị Phong đã tử vong. 

Trước diễn biến nghiêm trọng đó, nghi ngờ có điểm bất thường đã xảy ra, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Phong đã cấp báo lên công an phường Trung Liệt và công an quận Đống Đa. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã có mặt để làm việc trước sự chứng kiến của hàng chục người nhà nạn nhân và người dân trong khu vực. Sau đó, hàng chục người nhà của nạn nhân Phong đến PK tìm bác sĩ nhưng không thấy ai. Phải sau một hồi lâu khi lực lượng công an có mặt mới thấy vài người được cho là "lãnh đạo" của PK xuất hiện. Chiều 15-7, cơ quan pháp y đã mổ tử thi để làm rõ nguyên nhân cái chết của chị Phong.

Trưởng phòng khám hoàn toàn không biết BS chữa bệnh là ai

Bác sĩ Đỗ Y Na, Trưởng Phòng khám Đa khoa Maria, khẳng định không biết chút gì về thông tin cũng như quá trình điều trị đối với bệnh nhân Nguyễn Thu Phong và trong suốt 3 tháng qua, bà không hề nhận đồng lương nào từ phòng khám này.

Bà Na trình bày: "Tháng 2-2011, tôi đã làm đơn gửi Sở Y tế TP Hà Nội cùng Ban Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư An Thịnh (công ty đầu tư phòng khám này) xin thôi giữ chức Trưởng Phòng khám Đa khoa Maria nhưng chưa được chấp thuận.

Sau thời điểm này, tôi đã ủy quyền cho bác sĩ Phạm Thị Trang, chuyên Khoa Ngoại sản, quản lý phòng khám khi tôi đi vắng". Bà Na cũng tỏ ra ngạc nhiên trước việc Phòng khám Đa khoa Maria thuê bác sĩ nước ngoài điều trị vì trong danh sách y, bác sĩ làm việc tại phòng khám do bà duyệt không có tên bác sĩ nước ngoài.

Vậy mấy ông BS TQ ở đâu chui ra? Và bà Na chỉ là giám đốc "bù nhìn", mặc cho PK Maria tác oai tác quái!
Bà BS. Đỗ Y Na, Giám đốc "bù nhìn" của phòng khám Đa khoa Maria

Một đại diện khác của Phòng khám Đa khoa Maria, bà Ngô Thị Hồng Thơ, cho biết thời gian qua, phòng khám có thuê bác sĩ Trung Quốc tham gia khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, khi được hỏi về danh tính các bác sĩ người Trung Quốc và số bác sĩ nước ngoài đang hoạt động tại phòng khám này thì bà Thơ từ chối trả lời với lý do "không rõ" (!?). Đúng là thứ chuyện khôi hài không tin nổi.
Bố chồng nạn nhân khẳng định mình không hề ký vào biên bản tử vong này.

Một thông tin gây sốc khác, ông Nhất, bố chồng nạn nhân, cho biết: "Đến chiều 15/7 tôi mới được xem lại tờ biên bản tử vong của con gái tôi lập ở phòng khám Maria tối hôm trước do công an đưa thì bất ngờ thấy có ghi tên tôi, còn có chữ ký mà rõ ràng tôi không hề ký, cũng chưa từng được sờ vào tờ biên bản này trước đó. Có ai đó đã giả mạo chữ ký của tôi…". Vậy ai đã giả mạo chữ ký của bố chồng nạn nhân với mục đích gì?

Chỉ có 2 người TQ giúp việc

Nói với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết khi kiểm tra hồ sơ thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân cho Phòng khám Đa khoa Maria, chỉ có 6 bác sĩ là người Việt Nam được phép hành nghề. Trong danh sách nhân sự mà phòng khám đăng ký với Sở Y tế TP không có bất cứ bác sĩ nước ngoài nào ngoài 2 giúp việc người Trung Quốc. Ông Hiền khẳng định: "Với những người giúp việc thì chỉ được phép đưa dụng cụ cho bác sĩ hoặc thay rửa vết thương… Việc phòng khám sử dụng người Trung Quốc hành nghề khám, chữa bệnh khi chưa đăng ký và bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam là sai phạm nghiêm trọng".
Hiện nay Phòng khám Đa khoa Maria đóng cửa tạm nghỉ vì lý do… sửa chữa

Nhưng theo cơ quan điều tra xác định có đến 4 người Trung Quốc liên quan đến cái chết của bệnh nhân Nguyễn Thu Phong, gồm: Zhou Ji Anjao (khám cho chị Phong), Deng Qin Zhi (SN 1977, trực tiếp làm thủ thuật), Zhang Ling Gong (SN 1985, gây mê), Dong Chang Rui (SN 1973, chuyên Khoa Phụ khoa - Kế hoạch hóa gia đình). Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra m thì cả 4 người này đều rời khỏi nơi tạm trú. Nói một cách khác là 4 ông TQ đã trốn mất tiêu. Hiện cơ quan công an đã làm thủ tục cấm xuất cảnh và truy tìm 4 bác sĩ người Trung Quốc kể trên và đang hoàn tất thủ tục pháp lý để khởi tố vụ án.

Hẳn bạn đọc đã nhận thấy sự khuất tất của những PK TQ và cả những nơi có người TQ khám chữa bệnh. Điều người dân cần là phải điều tra cho rõ những người Việt Nam nào đã tiếp tay, dung dưỡng, bao che cho đám thày lang dởm, thuốc dởm này từ bao năm nay. Đến đây xin nhường cho vài lời tố cáo và sự phẫn nộ trong hàng trăm lời phát biểu của người dân trên các trang báo trong nước:

- Bạn Quynh Trang:  (quynhtrang1_8@yahoo.com) mạnh dạn tố cáo:
"Tôi từng làm ở Maria 1 thời gian nên tôi biết các mánh khóe của PK này. Mỗi đợt kiểm tra lại có thông tin từ trên chuyển xuống, và khi đó các 'bác sĩ' người TQ lại đi siêu thị hay ra công viên, chơi đâu đó. Khi đoàn kiểm tra về, họ mới quay lại khám. Tôi cũng biết 2 'bác sĩ' đó chưa đủ thủ tục và thâm niên công tác, nhưng vẫn được cấp phép hoặc cấp phép rồi để đó cho người khác chỉ là y tá hay y sĩ làm.  

Về thu phí, ngay tháng đầu tiên bình quân có 100 bệnh nhân, mỗi bệnh nhân tính ít nhất là 10 triệu, tổng tháng đó họ đã thu về gần 2 tỉ. Thử hỏi bị phạt 11 tr thì có  phải chỉ là chuyện thường không? Tôi còn được biết rằng PK có sự 'chống lưng' của 1 quan chức. Nhưng tôi chỉ mới làm được 45 ngày, nhưng do có nhiều ý kiến về thu phí nên họ cho tôi nghỉ"

- Bạn Đào Hạnh Mai (bi663336@gmail.com) viết:
"Tôi là người từng làm việc với Maria đây. Bây giờ các bạn mới biết sau khi có 1 người chết thôi , còn tôi biết rõ ràng MARIA như thế nào. Còn mấy phòng khám nữa như PK Khương Trung , Thiên Tân , đều của người Trung quốc đấy"

- Bạn Mai Tất Sáu (sau125nbk@yahoo.com) kể:
"Quê hương tôi tại Quảng Ngãi cũng có phong khám đông y Trung Quốc, khám bán thuốc nhưng giá thì trên trời. Thế mà cứ mở đài truyền hình đia phương hàng ngày vào giờ vàng thì được nghe quảng cáo, lại còn nói: sẽ làm cho những người đã điều trị tại đây khỏi bệnh một cách kỳ diệu, khiến cho nhân dân ở đây cũng không hiểu thực hư thế nào. Thật không hiểu nổi cung cách làm việc của các cơ quan chức năng VN trong lĩnh vực này".

- Bạn Nguy viết: "Mới vô vài giờ mà đã thu người ta gần chục triệu đồng, "bác sĩ" hay lang băm TQ? Ai quản lí lũ "lang băm" và cấp phép cho chúng quảng cáo láo để lừa bịp dân mình thì phải chịu trách nhiệm hình sự".

- BạnÝ Thông nhận định: "Nếu không có sự tiếp tay của người Việt thì người Trung Quốc dù là bác sĩ hay thương nhân cũng chẳng làm được gì, chỉ có hám lợi mà một số người Việt mới tiếp tay cho người Trung Quốc làm điều xấu trên lãnh thổ Việt Nam mà thôi!"./.

Văn Quang

No comments:

Post a Comment