25 July 2012

xuôi ngược trên CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC Bài số 2

xuôi ngược trên
CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
Bài số 2
HỒ TẤN VINH
 
Tại hải ngoại, tình hình sinh hoạt của các hội đoàn, các đảng chánh trị trong quần chúng hay trên internet rất là hổn loạn khiến một người thường dân không hiểu nổi, không thể phân biệt đâu là thiệt, đâu là giả. Kẻ nội thù trà trộn trong hàng ngũ thao túng tự do.

Để lần mò tìm ra sự thật rồi từ đó mới xác định ai bạn ai thù, ta phải dựa vào ba nguyên tắc cơ bản:
1.- Chế độ cộng sản ở Việt Nam cần phải được thay thế.
2.- Chống cộng là một việc làm của nhiều người. Số người chống cộng càng đông càng tốt, càng mau có kết quả. Bất cứ ai chống chế độ CS ở VN đều là bạn đồng hành với chúng ta.
3.- Những người bạn đồng hành phải biết rằng nếu không thật tâm góp lực để chống cộng lại phí thời gian chống đối lẫn nhau là Việt gian, họ cố tình làm suy yếu nội lực chống cộng.
 
Để không bị chi phối bởi tình cãm riêng tư, ta cứ đem ra áp dụng triệt để ba nguyên tắc trên cho tình hình hiện nay thì có thể khách quan biết được ngay chỗ nào đúng chỗ nào sai, ai đóng góp cho đại cuộc và ai phá hoại.

Hiện nay có ba cánh chống cộng: Cánh Đối Kháng của những người CS cũ, Cánh của Người Việt Hải Ngoại và Lực Lượng Việt Nam do các tôn giáo lãnh đạo.
 
1.- CÁNH ĐỐI KHÁNG của những người CS cũ chìm và nổi. Không ai hiểu cộng sản hơn những người này vì vậy những liều thuốc mà họ kê, trị đúng ngay căn bịnh. Thường thường những người đối kháng là những người tiên phong đi trước dọn đường (Andre Shakarov, Alexander Solzhenitsyn, Dijas Milovan . . . Họ không phải là những người tổ chức sự thay đổi. Nhưng những người này có thể đóng vai trò quyết định trong giờ phút chót. Chúng ta không quên vai trò của Boris Yeltsin. Ông ấy là một nhà đối kháng chìm đó. Nhưng ông ta không có đơn độc. Sở dĩ ông ta thành công vì ông ta đã nhờ cả triệu người cộng sản đối kháng chìm khác hiệp sức.

Ta không thể biết hết sức mạnh của CÁNH ĐỐI KHÁNG vì nó không chỉ thể hiện ở những người đối kháng danh tiếng mà nó còn có một số lượng đối kháng ẩn danh. Số lượng này nhiều hay ít không chỉ tùy thuộc vào mức độ người dân chán ghét cộng-sản-trị mà nó còn tùy thuộc vào tư cách đứng đắng và uy tín của những nhà tranh đấu dân chủ.

Đương nhiên trong số người đối kháng, có người thật tình và có người giả vờ.

Chỉ có các cơ quan tình báo mới có khả năng phân biệt ai phản kháng thiệt ai phản kháng cuội. Người bình dân không có khả năng phân biệt họ được nhưng cũng không cần thiết phải phân biệt, vì ta đâu có bí mật quân sự gì để dấu mà sợ 'gián điệp'? Nếu thích thì mời nhau một ly càphê, không thích thì thôi, chớ 'bọn phản gián' có làm gì hại người quốc gia bao giờ đâu.

Nhưng giữa những người đối kháng với nhau họ biết phân biệt và xử lý.

Trường hợp cụ thể gần đây nhứt là lúc nhóm Trần Huỳnh Duy Thức phát động phong trào 'Con đường Việt Nam' thì bị Hà Sỹ Phu lên tiếng cảnh cáo ngay rằng có nhiều nghi vấn!

Những người trí thức này biết họ phải làm cái gì, và họ dư sức để tự điều hành và đóng góp vào đại cuộc lúc cần thiết.

Những người phản kháng này có đầy đủ tư cách để chống cộng như mọi công dân ái quốc khác. Trí thức của những người này rất cao. Tiếc rằng có khi họ không được đối xử công bằng. Điều này có thể chạm tự ái của cá nhân nhưng hậu quả tai hại nhứt là cho đại cuộc vì khả năng chống cộng của họ không được tận dụng.

Ta có thể thắc mắc tại sao hai người cùng có mục tiêu chống cộng, nếu người này chịu giúp người kia một tay thì phải vui mừng chớ sao lại quây ra chống đối lẫn nhau? Cái lý lẽ sơ đảng này ai cũng hiểu:

Phải có một người phô trương chiêu bài chống cộng nhưng để làm việc khác.

Nói theo kiểu của anh Nguyễn Hòa Bình viết cho tôi 'có rất nhiều người trong số họ đấu tranh theo đơn đặt hàng'.(1)

Ta phải im lặng chịu nhục nhã bao lâu nữa? Tuy nhiên, tình hình không còn hoàn toàn đen tối. Đã có diễn biến tốt. Những lời suy luận nghiêm chỉnh mới đây của các ông Nguyễn Thái Sơn và ông Nguyễn Kim Luân đối với nhà Đối Kháng quá cố Nguyễn Hộ rất can đảm và có thể mở đường cho một tinh thần mới, hy vọng mới.(2)
 
2.- NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI có một khả năng to lớn để ảnh hưởng đến vận mạng của đất nước.

Nhưng người Việt Hải Ngoại đã không biết xử dụng sức mạnh của mình. Họ không thể tập hợp thành một lực lượng thống nhứt. Họ chỉ là những nhóm nhỏ, nếu cựa quậy thì chống đối lẫn nhau nếu không, thì . . . ù lỳ không làm gì hết.

Những việc họ thường làm bấy lâu nay là chống đối vài ca sĩ CS đi trình diễn, đòi hỏi thả vài tù nhân chánh trị, đăng tin rùm beng những vụ tham nhủng, những cuộc đàn áp, cho người đọc có cảm giác là CS sắp sập v.v.  Có khi họ dùng cả những lời nguyền rủa ác độc như những vũ khí thần thánh. Đại cương, họ đã mất thời giờ thoa dầu cù là vào những hiện tượng ngoài da của một căn bịnh nội tạng.

Nếu đủ can đảm đem so sánh hiệu năng chống cộng của người bây giờ tự xưng là Quốc Gia với những người Đối Kháng, chưa biết ai hơn ai.

Để thiết thực giúp ích, người Việt Hải Ngoại phải biết rõ ràng cái gì họ có thể làm và cái gì họ không thể. Vì đã ra sống ở ngoại quốc nên họ không thể trực tiếp mổ con bịnh mà chỉ có thể yễm trợ cho lực lượng trong nước. Họ không thể có vai trò chỉ huy. Các đòi hỏi:

·     thả các tù chánh trị ra
·     tự do báo chí
·     tự do tôn giáo
·     bỏ điều 4 trong Hiến Pháp
·     viết Hiến Pháp mới
·     bầu cử tự do
·     tự do lập đảng
·     vân vân

đều phải do những người Lãnh Đạo trong nước tùy theo tình hình và suy nghỉ của họ mà quyết định. Người Việt Hải Ngoại chỉ ủng hộ những gì người trong nước đòi hỏi với công sản. Và sự ủng hộ này là vô điều kiện.
 
 
HỒ TẤN VINH
Melbourne
25 Tháng 7 năm 2012
(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment