30 April 2014

Đừng mang nhân dân ra làm bình phong


Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 28.4.2014

Đừng mang nhân dân ra làm bình phong

Tuần này những vụ được gọi là "đại án tham nhũng" tại VN lại tiếp tục cuộc hành trình đầy nhức nhối của nó đến cái đích cuối cùng. Chẳng ai biết trước được cái đích đó là gì. Tù chung thân, tù treo, tử hình hay tha bổng? Như vụ án Bầu Kiên và 8 đồng phạm bị ra phiên tòa hình sự về kinh tế gồm toàn các đại gia, đại quan trong đó có cả một cựu thứ trưởng, từng làm điên đảo cả giới tài chính ngân hàng và làm "điên đầu" xã hội. Vụ án này đã bị hoãn chưa biết đến bao giờ.

Rồi vụ án Dương Chí Dũng lại ra tòa lần thứ hai. Sáng 22/4, Tòa án Tối cao mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của các cựu quan chức Vinalines bị kết tội tham ô, cố ý làm trái khi mua ụ nổi hàng triệu đôla mang về "đắp chiếu". Cơ quan giám định kết luận, việc mua ụ nổi đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 335 tỷ đồng và tham ô 10 tỷ.

Tiền cứ như dẻ rách ở bãi rác. Nếu xếp đống tiền của các vị này lại có thể cao hơn bất cứ bãi rác nào ở Sài Gòn.

- Ông Dũng làm thơ hay ông Trần Xuân Giá có già đi cũng chẳng ai cần biết

Rất nhiều trang báo tung ra những bài viết về "cuộc đời ái tình sự nghiệp" của các đại gia, các đại quan thời còn oanh liệt so sánh với cuộc sống trong tù bây giờ của các ông này. Nhưng đó chỉ là chuyện giải trí cho các bác ở tiệm cắt tóc, làm móng tay cho các vị độc giả nhàn rỗi, đọc chơi đỡ buồn. Còn người dân thì chẳng cần biết đến cái tài làm thơ của Dương Chí Dũng trong tù và cả bà vợ cũng bỗng biến thành thi sĩ làm thơ tặng chồng. Người ta cũng chẳng cần biết đến những bộ mặt phì nộn ngày xưa bây giờ teo tóp lại. Tuy teo tóp nhưng cũng vẫn còn bảnh hơn nhiều dân lao động. Ông Trần Xuân Giá có "đau buồn lần đầu hay lần cuối" cũng chẳng ăn nhằm gì đến thời cuộc.

Cái mà người dân cần biết là liệu tòa xử có giống với phiên tòa ở Phú Yên không? Xử theo quan hệ chứ không theo pháp luật. Pháp lý một đằng làm một nẻo, đúng là kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Người dân cứ như "chim bị đạn", bị đạn rồi là sợ cả cành cong. Tòa án nhân dân mà không xử theo nguyện vọng của nhân dân thì chỉ là "mượn nhân dân" ra làm cái bia đỡ đạn cho bọn hống hách và quan tham hoành hành.

  Dương Chí Dũng diện sơ mi trắng (ngồi hàng đầu) trong khi
Mai Văn Phúc mặc "đồng phục" màu xanh
như các bị cáo khác tại tòa phúc thẩm.
(Ảnh chụp qua màn hình)

Cái mà người dân đang mong đợi là phải tịch thu trọn vẹn lại tài sản mà các tên tội phạm lớn đó đã ăn cắp của dân.

Hãy nhìn những dinh cơ đồ sộ, những chiếc xe cực kỳ sang trọng của bọn tham ô này.

Hãy nhìn những thầy cô giáo và các em học sinh phải chui vào bao ni lông qua sông đển trường, hãy nhìn một bà mẹ vì quá nghèo đã cùng buộc tay vào hai con nhỏ nhảy xuống hồ tự tử… Còn hàng trăm hàng ngàn cảnh như thế nữa. Đem số tiền đó dùng vào việc xây cầu, làm nhà, giúp đỡ những người cùng khổ, làm thêm bệnh viện và bao nhiêu việc khác nữa cho dân đỡ khổ. Nếu các ông tòa làm được như thế, người dân chắc chắn sẽ nhớ ơn các ông và nếu không làm được như thế thì tòa cũng chỉ là cái  bánh vẽ, chẳng để làm gì cả, chỉ tốn thì giờ, tốn công vô ích mà thôi.

Phiên tòa có nhiều tình tiết mới chưa rõ sẽ đi đến đâu, tôi sẽ tường thuật trong một kỳ khác.

- Câu hỏi sau vụ nổ súng ở đồn biên phòng Quảng Ninh

Tuần vừa qua lại có thêm một sự việc lạ. Một nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đã cướp súng bắn về phía bộ đội biên phòng cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh). 5 trong số 16 người vượt biên đã chết. Hai quân nhân biên phòng cũng tử thương sau vụ chạm súng. Sự việc hy hữu này có thể tóm tắt như sau:

Vào hồi 4 giờ 20 sáng ngày 18/4/2014, một nhóm 16 người Trung Quốc gồm 10 nam, 4 nữ và 2 trẻ em đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), trên đường thâm nhập sâu vào nội địa đã bị các cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện, bắt giữ và dẫn giải ra cửa khẩu để tiến hành làm các thủ tục trao trả lại phía Trung Quốc theo quy định và thông lệ quốc tế.

 Quang cảnh cửa khẩu Bắc Phong Sinh sau cuộc nổ súng

Khoảng 12 giờ cùng ngày, trong khi đang làm thủ tục, bất ngờ một vài người đàn ông của nhóm người trên lợi dụng sơ hở của các lực lượng chức năng đã manh động cướp súng và bẻ gẫy chân bàn làm việc, xả súng tấn công, khống chế lực lượng biên phòng Việt Nam, khiến 01 quân nhân biên phòng Việt Nam tử thương ngay tại chỗ, buộc lực lượng biên phòng Việt Nam phải thực hiện các biện pháp tự vệ.

Mặc dù lực lượng chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã kêu gọi, thuyết phục các đối tượng giao nộp vũ khí và đầu hàng nhưng các đối tượng vẫn kiên quyết cố thủ, đập phá trụ sở của lực lượng biên phòng, buộc lực lượng chức năng phải dùng các biện pháp khác để khống chế và bắt giữ. Các đối tượng đã chống trả lực lượng biên phòng, đồng thời tự gây sát thương, một số nhảy lầu tự tử.

 Các xác chết nằm ngổn ngang trên những chiếc xe ba gác và băng ca tạm

Sự việc trên đã khiến 07 người thiệt mạng (trong đó có 02 quân nhân biên phòng Việt Nam) và một số người bị thương (trong đó có 04 quân nhân biên phòng Việt Nam).

 Nhóm phụ nữ và trẻ em Trung Quốc đi cùng những kẻ tấn công

Hiện nay 11 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã được trao trả lại cho phía Trung Quốc. Trong đó, 5 người đã từng "đấu súng" với Bộ đội Biên phòng sau đó bị bắn hạ, một số tự sát và nhảy lầu tự tử cũng được trao trả cho TQ.

Sự việc được giải thích đó chỉ là manh động của phần tử vượt biên lén lút sang VN. Nguyên nhân nào khiến những người dân đó phải nổ súng giữa một đồn biên phòng đồ sộ của VN như vậy? Và dù có cả phía Trung Quốc kêu loa gọi đầu hàng, những người này vẫn quyết "bám trụ" và phải nhảy lầu tự sát? Họ muốn sang VN làm gì? Có phải dân ở vùng nào đó của TQ đói hơn VN nên họ muốn sang kiếm ăn hay có mưu đồ gì khác? Cũng có thể đó là bọn buôn lậu, gặp bước đường cùng. Hay đây lại là một vụ "nắn gân" mấy đồn biên phòng xem cách bố trí lực lượng ra sao? Đó là những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Dù sao với ông bạn "4 không tốt" đó, cần phải đề phòng mọi mặt.

- Bệnh sởi ở VN đang gây lo lắng cho mọi gia đình

Tuy nhiên, việc có tầm quan trọng hơn trong thời gian này là bệnh sởi đang hoành hành ở từ thành thị đến thôn quệ VN.

Con số 5.000 bệnh nhận sởi được công bố ngày 15.4 đã nhanh chóng trở nên lỗi thời khi chỉ một ngày sau đó, số trẻ mắc bệnh được công bố đã lên tới 7.000 ca. Với con số hơn 100 trẻ  tử vong do bệnh sởi  tính đến thời điểm này tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội như bệnh viện Nhi Trung ương (TW), bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW hay bệnh viện Bạch Mai, là con số lớn nhất trong vòng 10 năm qua.

Bốn bệnh nhân sởi phải nằm chung một giường

Những ngày này trên các trang mạng xã hội tràn lan những dòng tâm sự hoang mang, lo lắng của những ông bố, bà mẹ trẻ có con nhỏ trong độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh. Ngay cả người lớn cũng mắc bệnh sởi và lây cho con. Bên cạnh đó những hình ảnh đau lòng về dịch bệnh cũng được chia sẻ trên khắp các diễn đàn.

Người ta đang chĩa mũi dùi vào Bộ Y Tế đã để bệnh này lan rộng, chết hàng trăm trẻ em rồi mới quýnh quáng vừa chữa bệnh vừa phòng bệnh. Trong khi đó Bộ Y Tế VN vẫn ỡm ờ chưa chính thức được công nhận là "dịch sởi". Dù Bộ Y tế khẳng định dịch sởi đang giảm nhưng số mắc và số tử vong vẫn gia tăng và thực tế có thể cao hơn báo cáo. Tính đến ngày 21-4, tính sơ bộ đã có 125 trẻ tử vong và các biến chứng liên quan đến sởi.

Điều đáng nói ở đây là sự thờ ơ của mọi người khi bệnh sởi mới bắt đầu hoành hành. Bệnh chủ quan, coi thường loại bệnh "lặt vặt" này để nó lây lan quá rộng, quá nguy hiểm rồi mới "cắm đầu đuổi theo xe hơi".

Sự "lơ đãng" đó có thể kể một vài trường hợp cụ thể khi bệnh này mới bắt đầu;

- Con bị sởi, cả 2 lần khám ở BV Nhi Trung ương nói là bị sốt virus.

Chị Nhung (ở Khương Trung, Hà Nội) kể với phóng viên một tờ báo: Tối ngày 23/2, con bị sởi, cả 2 Bác sỹ ở BV Nhi Trung ương nói là bị sốt virus. BS cho thuốc uống về điều trị ở nhà. Nhưng 6 ngày sau cháu vẫn không khỏi. Chị lại đưa con vào BV đó khám lại và BS vẫn kết luận "sốt virus, không có gì đáng ngại và cho về nhà uống thuốc theo đơn cũ". Tối về, tình hình của cháu vẫn không hề khả quan hơn, thậm chí còn không ăn, không uống được bất cứ gì kể cả nước lọc. Chị đánh phải đưa con vào BV Saint Paul khám lại. Vừa nhìn qua bé Minh, bác sĩ quay sang chị trách mắng vì để con sởi quá nặng, đã biến chứng với những vết lở loét vòng quanh miệng, lợi và họng.... Cháu nhập viện ngay hôm đó. Đến nay sức khỏe của cháu Minh đã ổn định hơn nhiều.

Sau khi cho con nhập viện, chị Nhung được biết, những trường hợp như của chị không phải là ít. 

Phòng bệnh quá chật chội, hai mẹ con bệnh nhi phải
trải chiếu nằm ở hành lang bệnh viện St. Paul.
Người mẹ dùng tay làm gối và thức suốt đêm để quạt cho con.

Đó chính là nguyên nhân lớn gây ra sự lan tràn của bệnh này. Có người lại đổ tội cho báo chí đã loan tin trẻ em tiêm ngừa vaccine sởi bị chết nên nhiều bà mẹ không cho con đi chích ngừa. Nhưng đến khi thấy nhiều trẻ em chết vì không chích ngừa mới hột hoảng mang con đến BV. Nhưng vì thế nhiều BV quá đông, đến nơi đã hết chỗ. Phòng bệnh quá chật chội, có khi hai mẹ con bệnh nhi phải trải chiếu nằm ở hành lang bệnh viện (Xanh Pôn). Người mẹ dùng tay làm gối và thức suốt đêm để quạt cho con.

Bệnh sởi là một căn bệnh truyền nhiễm, trong bối cảnh bệnh viện đông đúc, giường bệnh chen chúc, có khi các em phải nằm chung giường, các điều kiện sinh hoạt, vệ sinh môi trường cực kỳ hạn chế, bênh lây nhiễm gia tăng từng ngày.

- Báo cáo láo: Bệnh viện có 130 bệnh nhân, Sở Y tế báo cáo chỉ có 32

Ngày 20-4, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho thấy từ đầu năm đến nay đã ghi nhận được 32 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó qua xét nghiệm, có 9 trường hợp dương tính với virus sởi ở 7 huyện, thị, thành phố và chưa có trường hợp nào tử vong. Điều bất ngờ là con số báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa lại thấp hơn rất nhiều so với con số thống kê bệnh sởi của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh viện này đã có khoảng 130 bệnh nhân nhập viện bị sốt phát ban dạng sởi.

Vậy mà báo cáo của Sở Y Tế chỉ có 32 thì quả là điều quái gở. Lại thêm một nguyên nhân khiến hơn 100 trẻ em "chết oan" vì báo cáo láo.

- Nước chậm tiến cũng hơn VN

Vào tháng 08 năm 2013, với 57 trường hợp sởi tại Uganda, và 02 trường hợp bị chết do sởi, Bộ Y tế Uganda đã công bố dịch và hành động tương tự, kêu gọi cả WHO, UNICEF trợ giúp, tiêm văcxin cho 01 triệu trẻ em. Sau gần 02 tháng, số ca sởi tổng cộng có 129 em, nhưng không em bé nào bị tử vong. Đó là một thành công về sự nhanh nhạy kịp thời đối phó, mang lại hiệu quả, cho dù cả Guinea lẫn Uganda chưa phải là những quốc gia phát triển.

Đưa con đi tiêm chủng (chích ngừa bệnh sởi) hết chỗ phải mang con trở về

Ở cả hai nước chậm phát triển như Guinea và Uganda, họ đã ứng phó rất nhanh, và kịp thời dập tắt dịch sởi. Trong khi VN phát triển hơn thì ngành y tế vẫn cứ vòng vo không muốn công bố dịch.

Ban đọc đã có thể hình dung ra VN đang lao đao như thế nào trước dịch bệnh này.

- Một quyết định hợp lý

Đã từng có rất nhiếu nghị định, quyết định "trên trời, cuộc đời dưới đất"  vừa thò ra đã bị dân phản ứng mạnh mẽ. Nhưng lần này quyết định VN không tổ chức Đại hội Thể Thao Asiad đã được hầu hết người dân đồng tình. Lý do rất giản dị là nước còn quá nghèo, kinh tế sa sút trầm trọng mà tổ chức những thứ đại hội chỉ mua lấy danh hão thì chỉ làm khổ dân thêm, làm con cháu trả nợ bao nhiêu đời mới hết. Ấy thế mà vẫn có những Bộ, những quan cứ "thoải mái" đề nghị tổ chức hết đại hội này đến đại hội kia, làm hết công trính này đến công trình khác để phục vụ đại hội rồi sau đó để hoang. Rất nhiều công trình, hạng mục được xây dựng công phu với số tiền đầu tư khổng lồ, sau một lần sử dụng rồi xuống cấp trầm trọng hoặc biến thành nơi kinh doanh với các dịch vụ tổ chức cưới hỏi, rạp chiếu phim, massage... Hãy đơn cử vài địa điểm cụ thể:

- Nuôi ngỗng ở công trình nghìn tỷ

Sân vận động (SVD) Mỹ Đình cách đây 11 năm được đánh giá là hiện đại nhất Đông Nam Á với vốn đầu tư hơn 50 triệu USD, tương đương với trên 1.000 tỷ đồng.   

Được biết, Khu liên hợp thể thao quốc gia (KLHTTQG) Mỹ Đình được khởi công xây dựng ngày 6/12/2001 để chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 tại Hà Nội với tổng diện tích 247 ha.

Sau những trận cầu gay go khiến người hâm mộ bóng đá nghẹt thở thì giờ đây, SVĐ Mỹ Đình rơi vào cảnh đìu hiu khi mỗi năm chỉ tổ chức gần chục sự kiện thể thao.

Nhiều người khi đi qua đường Lê Đức Thọ, phía mặt tiền của SVĐ không khỏi xót xa khi chứng kiến ánh sáng lấp lánh của biển quảng cáo rạp chiếu phim, khu massage, trung tâm tổ chức tiệc cưới chứ không phải là nơi dành cho người yêu thích thể thao. Phía sau khán đài D, nơi sát khu dân cư giờ cũng trở thành sân golf và quán nhậu.

Đi sâu vào bên trong SVĐ Mỹ Đình, tại các cửa ra vào của khán đài C và D, những bức tường đã bị nứt toác nhiều vệt dài, chiều rộng 5 - 7cm.

 
Một phần sân Mỹ Đình là nơi nuôi gia cầm

Phía bên hông SVĐ Mỹ Đình, tại những khu đất bỏ trống, gà, ngan, ngỗng được nuôi thả tự do. Tiếng gia cầm kêu inh ỏi, mùi khó chịu bốc lên khiến không khí bên trong SVĐ ngày thường trở nên ảm đạm. Quan sát toàn cảnh KLHTTQG Mỹ Đình có thể thấy nhiều khu đất được bao bọc kín cổng cao tường nhưng vẫn để hoang khiến cỏ dại mọc cao hơn dáng người đứng.

Ngoài ra, nhà thi đấu Gia Lâm cũng từng được báo chí lên tiếng về sự xuống cấp rất đáng lo ngại. Từ sau SEA Games 22 (tổ chức môn karate), nhà thi đấu nay chỉ còn là nơi tổ chức các hoạt động thể dục thể thao cấp huyện, cấp xã, thậm chí còn cho thuê là nơi biểu diễn văn nghệ, đám cưới…

Tương tự là nhà thi đấu Quần Ngựa và nhà thi đấu Hoàng Mai, giờ đây chỉ được biết đến là nơi tổ chức các sự kiện giải trí, hay thậm chí chỉ là địa điểm… trông giữ xe.

Trong khi đó nếu tổ chức Đại Hội Asiad con số kinh phí phải bỏ ra cho tất cả các dịch vụ phải là hàng tỉ đô la. Vậy hảy thử tìm hiểu xem những vị nào đã đề nghị "đăng cai" đại hội này.

- Mang "nhân dân" ra làm bình phong đỡ đạn

Khi vấn đề Việt Nam nên hay không nên đăng cai ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội đang gây tranh cãi gay gắt, có những lập luận quen thuộc đến mức cũ mòn là "nâng cao hình ảnh đất nước, quảng bá du lịch…", những người ủng hộ việc VN "cần phải tổ chức Á vận hội đã liên tục mượn danh nhân dân, lấy nhân dân ra làm lá chắn cho các lập luận của mình.

Ông Đoàn Thao - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao, phát biểu rằng: "Việc đăng cai Asian Games 2019 đã được Chính phủ đồng ý và trên thực tế đó cũng là ý nguyện của toàn dân nên giờ đừng nói chuyện thoái thác nữa, trừ khi đất nước có sự cố, thiên tai, chiến tranh. Việc rút lui là hạ sách bởi nó ảnh hưởng đến nhiều mặt từ hình ảnh, uy tín đến vị thế của đất nước sau bao nhiêu nỗ lực mới có được... Đến giờ này đừng bàn tới chuyện rút lui không đăng cai Asian Games mà hãy chọn việc nào tốt cho dân, cho nước thì làm".

Chưa nói đến việc thông tin không chính xác là "Chính phủ đồng ý", không biết ông Đoàn Thao dựa vào thống kê nào mà phát ngôn rằng "đó là ý nguyện của toàn dân"? Tòan dân nào?

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghiệp Chí - người từng phục vụ 8 đời trưởng ngành Thể dục Thể thao (các Bộ trưởng, Tổng cục trưởng) - phân tích: "Giờ chúng ta đã nhận đăng cai Đại hội rồi thì cũng không nên nói tới việc rút lui nữa, bởi như thế chúng ta sẽ đẩy các nước khác trong châu lục vào thế bị động trong việc chuẩn bị cho Đại hội, vì thời gian bây giờ không còn nhiều. Chúng ta luôn muốn hội nhập với thế giới thì cũng phải có trách nhiệm với phong trào chung, đừng xem việc đăng cai Asian Games là một gánh nặng rồi tìm cách đẩy gánh nặng đấy cho các nước khác... Còn những lo lắng về chuyện lãng phí, tôi cho rằng nếu chúng ta làm bài bản, căn cơ trên tinh thần tiết kiệm tối đa, tránh lãng phí, tránh tham nhũng, thì dân người ta sẽ hiểu".

Ông Chí cũng lôi nhân dân vào trong câu chuyện và cho rằng "dân người ta sẽ hiểu". Nhưng tôi tin không một người dân Việt Nam nào có ý nghĩ kỳ cục như ông Giáo sư, Tiến sĩ kia. Người ta nhớ cô cựu Đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ đã ủng hộ tổ chức này bởi cô này đã viết thư ngỏ: "ASIAD không chỉ là cơ hội riêng của ngành Thể thao trên đấu trường châu lục mà còn là ngày hội trọng đại của nhân dân".

Mang "nhân dân" ra làm cái bình phong đỡ đạn dường như đã ăn vào máu của một số người chỉ quen thói lợi dụng vào những ý muốn riêng tư. Còn rất nhiều điều phải kể đến sự lãng phí

- Việt Nam lãng phí 444 nghìn tỷ đồng trong 10 năm qua

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đầu tư công với 20 cảng biển quốc tế; 22 sân bay dân dụng (trong đó 8 sân bay quốc tế); 267 khu công nghiệp (trung bình 1 tỉnh có 4 khu công nghiệp); 18 khu kinh tế ven biển; 28 khu kinh tế cửa khẩu; 1.757 dự án trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi và di dân với tổng mức đầu tư lên tới gần 444.000 tỷ đồng. Cả nước có tới 440 trường đại học và cao đẳng (tính trung bình, 1 tháng thành lập hai trường đại học). Điều đáng nói là những dự án này kém hiệu quả khi đưa vào khai thác.

Từ nhiều năm nay, đầu tư công được chỉ ra là lĩnh vực gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng lớn nhất ở VN. Nhiều công trình được đầu tư vốn hàng trăm tỷ rồi đắp chiếu, xây "hoành tráng" cuối cùng chỉ để làm cảnh. Nhiều tỉnh mở sân bay, hải cảng, cửa khẩu nhưng khi đi vào khai thác lại kém hiệu quả. Tình trạng này kéo dài, gây nhức nhối cho xã hội, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm. Khi đưa ra kế hoạch ông nào cũng tuyên bố hùng hồn là lo cho nhân dân. Nhưng đến khi thất bại thì yên lặng là vàng. Chỉ có anh "nhân dân" là đói nhăn răng! Xin các ông đừng vẽ vời nữa, dân chúng tôi lãnh đạn như thế quá đủ rồi./.

Văn Quang

No comments:

Post a Comment