14 November 2010

Ưu tư của các chính quyền cộng sản Châu Á hiện nay

Ưu tư của các chính quyền cộng sản Châu Á hiện nay

                                                                                 Nguyễn Minh


Dư luận thế giới đã rất ngạc nhiên khi Bắc Kinh không làm rùm beng ngày bế mạc Hội Chợ Quốc Tế Thượng Hải ngày 30-10, hay việc phóng một vệ tinh lên quỹ đạo ngày 1-11-2010 vừa qua. Càng ngạc nhiên hơn khi Bắc Kinh không còn to tiếng xác nhận chủ quyền trên các vùng biển đang có tranh chấp, mặc dù trước đó còn đe dọa sử dụng vũ lực nếu vùng quyền lợi cốt lõi bị xâm phạm.

Không riêng gì Bắc Kinh, Bình Nhưỡng và Hà Nội cũng thế.

Cách đây hơn một tháng hải quân Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm nhiều phi đạn tầm xa và bắn chìm một tàu tuần dương của Nam Hàn. Bình Nhưỡng còn đe dọa sử dụng vũ khí chiến lược (nguyên tử) nếu Hán Thành (Seoul) trả đũa. Thái độ của chính quyền cộng sản Việt Nam cũng không khác : im lặng trước mọi diễn biến quốc tế và quốc nội. Mặc dù vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN 2010, Hà Nội đã lặng lẽ tổ chức những hội nghị thượng đỉnh quốc tế và khu vực, kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long... và không còn bày tỏ sự ủng hộ những quốc gia Nam Mỹ, Trung Cận Đông, kể cả Myanmar như trước.

Có cái gì không bình thường trong những thái độ này. Phản ứng tự nhiên của những chính quyền cộng sản Châu Á là sẵn sàng lên tiếng ủng hộ những đảng cầm quyền toàn trị ở các nước chống lại sức mạnh áp đảo của Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây. Nhưng từ hơn một tháng qua, cả ba chế độ cộng sản Châu Á còn sót lại thế giới đã không những im tiếng trước những diễn biến thời sự liên hệ mà còn thu mình lại để dư luận thế giới không chú ý tới. Tại sao ?

Quan sát kỹ người ta sẽ khám phá ra rằng : cả ba chế độ cộng sản Châu Á này đang chuẩn bị tìm người kế nhiệm trong những năm sắp tới. Tên và hình ảnh một vài nhân vật có nhiều triển vọng chấp chính là Tập Cận Bình tại Trung Quốc, Kim Chính Ân tại Bắc Triều Tiên. Riêng Việt Nam thì có đến ba người : Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng.

Tầm quan trọng của sự tập ấm trong các chế độ cộng sản

Một sự kiện đáng kinh ngạc là các chế độ cộng sản Châu Á đã gần như phục hồi trở lại chế độ phong kiến mà trước đó họ đã lên án như đối tượng phải tiêu diệt. Điểm hơi khác với các chế độ phong kiến trước đó là các chế độ cộng sản duy trì quyền lãnh đạo độc tôn của mình bằng cách truyền ngôi cho những thân tín là con cháu những nhà lãnh đạo lớn, còn gọi là thái tử hệ (princeling), để giữ vững vòng đai quyền lực. Điều này cho thấy ưu tư tìm người kế nghiệp lãnh đạo đảng cộng sản quan trọng hơn tìm người bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Trường hợp Bắc Triều Tiên thì quá lộ liễu, sau khi Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), người sáng lập nước cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, qua đời năm 1994, con trai trưởng là Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) lên thay. Có lẽ đây là chế độ cộng sản cha truyền con nối đầu tiên trên thế giới. Tháng 10 vừa qua, Kim Chính Nhật đã chính thức giới thiệu Kim Chính Ân (Kim Jong-un), con trai thứ ba, người sẽ lên kế vị mình trong những ngày sắp tới. Điều làm giới bình luận thời sự ngạc nhiên là không hề có một phản đối hay phê phán nào, dù là của dư luận quốc tế. Việc kế nhiệm tại Bắc Triều Tiên có lẽ được coi là một sự việc đã rồi.

Cậu ấm Kim Chính Ân thừa kế ngôi cha





Dư luận quốc tế chỉ tò mò phân tích không biết Kim Chính Ân (27 tuổi) có cuồng tín như cha và ông nội không, nghĩa là có sẵn sàng để mặc dân chúng đói khổ để dồn mọi nổ lực tăng cường sức mạnh quân sự của mình và khiêu khích thế giới. Nhưng cho dù có thế nào, Kim Chính Ân là người được dư luận biết tới như một lãnh tụ sắp tới của Bắc Triều Tiên trong những ngày sắp tới. Xác suất Kim Chính Ân bị thay thế rất thấp, gần như ở số không.

Còn phía Trung Quốc thì sao ? Việc tranh giành ngôi vị lãnh đạo trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc trong nhiệm kỳ tới chưa ngã ngũ, nhưng có nhiều triển vọng Tập Cận Bình (Xi Jing-ping) sẽ lên thay Hồ Cẩm Đào làm chủ tịch nước và quân ủy trung ương. Đối thủ của Tập Cận Bình hiện nay là Ôn Gia Bảo, đương kim thủ tướng Trung Quốc.

Tập Cận Bình, 58 tuổi, là người có nhiều triển vọng kế nhiệm Hồ Cẩm Đào trong nhiệm kỳ sắp tới vì là ông được phe Thượng Hải ủng hộ, tức giới tài phiệt cộng sản thuộc các tỉnh ven duyên, gọi tắt là Hoa Nam, đỡ đầu. Ông là lá bài tẩy của phe Hoa Nam để đối trọng với quyền lực của phe Bắc Kinh do Hồ Cẩm Đào lãnh đạo.

Cũng nên biết việc tranh giành ảnh hưởng trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc đã rất gay gắt trong suốt năm 2010 này. Phe Thượng Hải đã làm mọi cách để hạn chế uy quyền của phe Bắc Kinh, mà người đại diện là cặp bài trùng Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Đến nhiệm kỳ 2012-2016 sắp tới, Hồ Cẩm Đào sẽ nghỉ hưu và Ôn Gia Bảo muốn lên thay. Trong những ngày vừa qua, Ôn Gia Bảo đã xuất hiện tại khắp nơi để vận động đảng viên cấp cơ sở ủng hộ mình, như đến Cam Túc một mình để ủy lạo nạn nhân đất sụp tháng 8-2010, trả lời phỏng vấn trên đài CNN về tự do dân chủ và đa nguyên đa đảng tháng 10-2010. Người được Ôn Gia Bảo nâng đỡ là Lý Khắc Cường (Li Ke-quang), người có nhiều hy vọng lên làm thủ tướng trong nhiệm kỳ sắp tới.

Vì không có nhiều tiền của như phe Thượng Hải, phe Bắc Kinh tập trung nhiều vào ý thức hệ cộng sản và sự trong sạch bằng cách nâng cao mức sống dân chúng và mở rộng tự do trong nước. Một thí dụ : đạo Tin Lành được tự do phát triển, hiện nay đã có hơn 100 triệu tín đồ, trong khi Pháp Luân Công bị tiêu diệt vì tình nghi được phe Thượng Hải ủng hộ.

Từ đây đến ngày khai mạc đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, vào tháng 10-2012, sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai phe Bắc Kinh và Thượng Hải sẽ càng gay gắt. Phe Thượng Hải tìm cách đánh bóng lá bài Tập Cận Bình trong khi phe Bắc Kinh đề cao sự trong sạch của Lý Khắc Cường và Ôn Gia Bảo. Cả hai phe đều là ứng viên tập ấm gà nhà, nhưng Tập Cận Bình có nhiều triển vọng thành công hơn, vì vừa có thế lực đồng tiền của giới tài phiệt vừa có sức mạnh của những tư lệnh quân khu duyên hải ủng hộ.

Để đảo ngược thế cờ, trong những ngày sắp tới, cặp Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo sử dụng lá bài khiêm nhường trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia phát triển phương Tây : hiền hòa hóa bộ mặt của Trung Quốc, không phô trương sự thành công hay giàu có của mình, không hung hăng bảo vệ tỷ giá đồng CNY (yuan, nhân dân tệ), chấp nhận tăng lương cho công nhân, nâng cao mức sống dân chúng trong nước, chấp nhận giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển bằng thương lượng đa phương, v.v.

Cũng nên biết những cuộc phô diễn quân sự trên Biển Đông trong những năm gần đây là do phe Thượng Hải chủ trương, Bắc Kinh buộc phải ủng hộ hay nói theo để tránh bị dư luận quốc tế đánh giá là có chia rẽ hay rạn nứt nội bộ. Điều mà Bắc Kinh lo sợ là sự thắng thế của phe Thượng Hải, vì sẽ không còn ai kềm chế được sự háo thắng của những tướng tư lệnh vùng này. Phần lớn chi phí quốc phòng của Trung Quốc tập trung vào việc tăng cường lực lượng hải và không quân dọc vùng duyên hải Hoa Nam. Dư luận quốc tế rất quan ngại giới quân phiệt Trung Quốc chiếm thế thượng phong và thực hiện tham vọng bá quyền trên Biển Đông. Một cuộc chạy đua vũ trang không lối thoát hay một cuộc chiến tranh khu vực sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Về phía Việt Nam, tình hình rất là phức tạp. Do không có một gương mặt nổi bật, hai thái thượng hoàng Lê Đức Anh và Đỗ Mười tiếp tục chi phối quyền lực trong nội bộ đảng cộng sản đằng sau hậu trường. Trong giai đoạn chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng lần thứ 11 sắp tới, hai ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười ủng hộ cùng một lúc hai con gà nhà : Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang.

Trong những ngày vừa qua, hai ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười phát động phong trào bênh Nguyễn Tấn Dũng và chống Nguyễn Phú Trọng, bị tố cáo do Trung Quốc đỡ đầu. Nhưng con gà Nguyễn Tấn Dũng đang mất giá vì bị tai tiếng trong những vụ bê bối tiền bạc làm thiệt hàng tỷ USD, như Vinashin, đường sắt cao tốc Bắc Nam. Hiện nay Trương Tấn Sang đang được đánh bóng để đưa ra trình làng, thành công hay không là chuyện khác.

Thật ra thân hay không thân Trung Quốc, đời sống của dân chúng Việt Nam cũng không thay đổi gì nhiều. Từ sau khi cướp được chính quyền năm 1945, hạnh phúc và sự sung túc của dân chúng Việt Nam chưa bao giờ là ưu tư hàng đầu của đảng cộng sản. Thay vì kêu gọi sự ủng hộ và hỗ trợ của dân chúng trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia đang bị Trung Quốc xâm phạm, ông Lê Đức Anh kêu gọi đảng viên và dân chúng chống Nguyễn Phú Trọng, vì bị tố cáo là người của Trung Quốc hay do Trung Quốc đỡ đầu. Nhưng cho dù có thế nào, vì chưa trực tiếp nắm quyền lãnh đạo quốc gia Nguyễn Phú Trọng vẫn ít tai tiếng hơn Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang. Cho đến nay không ai biết thành tích của Nguyễn Phú Trọng là gì và đã làm gì cho đất nước, nhưng có điều chắc chắn là ông chưa đưa ai vào tù và cũng chưa đưa công an đến giải tán những buổi cầu nguyện và đưa bọn đầu gấu đến đánh đập dân lành.

Đặc điểm của các đảng cộng sản Châu Á là đặt quyền lợi của đảng cao hơn quyền lợi của dân, sự hưng thịnh của đất nước không quan trọng bằng cuộc chạy đua tìm người lãnh đạo đảng. Càng gần đến ngày khai mạc đại hội đảng, những phe phái khác nhau trong đảng càng cố gắng dùng đủ mọi ngón nghề để trang điểm những "cậu ấm" mà họ nuôi nấng và đỡ đầu từ khi vừa mới chào đời để tranh giành ngôi vị lãnh đạo.

Tiến tới một liên minh "tam quốc"?

Không biết là tình cờ hay cố ý, sự lựa chọn người lãnh đạo ba đảng cộng sản Châu Á xảy ra cùng một lúc. Ưu tư của ba chế độ cộng sản khu vực là tìm cho bằng được một gương mặt sáng giá để duy trì quyền lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản trên đất nước. Một tình cờ khác là cả Bắc Triều Tiên và Việt Nam trước kia đều là chư hầu của Bắc Kinh. Nếu lịch sử lập lại, Việt Nam và Bắc Triều Tiên sẽ khó thoát được sự kềm chế của Bắc Kinh. Và Bắc Kinh cũng không mong muốn gì hơn là duy trì hai quốc gia vệ tinh làm vùng trái độn (hay phên dậu) để bảo vệ quyền lợi của khu vực trung tâm (Trung Quốc), một ở phương bắc để kềm tỏa Nam Hàn và Nhật Bản và một ở phương nam để làm áp lực trên toàn vùng Đông Nam Á.

Giới bình luận quốc tế đã lầm khi tỏ ra hồ hỡi thấy Bắc Kinh bị cô lập trong các hội nghị khu vực vì những tuyên bố hung hăng trước đó về chủ quyền trên Biển Đông, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP-Trans Pacific Partnership Agreement) tổ chức tại Melbourne (Úc) tháng 3-2010, Hội nghị thượng đỉnh ARF (ASEAN Regional Forum) tổ chức tại Hà Nội trong tháng 7-2010, Hội nghị hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) vào trung tuần tháng 11 tại Yokohama (Nhật).

Thực tế đã không diễn ra đúng theo dự đoán của những nhà bình luận thời cuộc. Thái độ mềm dẽo của Bắc Kinh có lý do của nó : muốn trấn an dư luận quốc tế, và đặc biệt là Việt Nam và Bắc Triều Tiên. Sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã quá áp đảo để nhượng bộ dư luận quốc tế một cách tự nguyện. Hơn nữa, không một hội nghị quốc tế và khu vực nào tổ chức thành công nếu không có sự tham gia của Trung Quốc. Thêm vào đó, một yếu tố mà không một tổ hợp quyền lực nào có là cả ba đảng cộng sản Châu Á đều áp dụng triệt để văn hóa Khổng Mạnh, nghĩa là trên nói dưới nghe không ai được phản đối : vua ở ngôi vị vua, dân ở ngôi vị dân không ai được quyền lẫn lộn. Vấn đề của ba đảng cộng sản Châu Á hiện nay,trừ Bắc Triều Tiên, là tìm cho ra vị vua đó để lãnh đạo đất nước.

Hiện tượng đột ngột xáp lại gần nhau giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên gần đây có quá trình chuẩn bị của nó. Khi Bắc Triều Tiên thí nghiệm bom nguyên tử loại nhỏ lần thứ 2 tháng 5-2009, quan hệ lạnh nhạt từ sau 2003 (lúc cặp bài trùng Hồ Cẩm Đào Oân Gia Bảo vừa lên cầm quyền) bỗng nhiên trở nên đầm thắm trở lại : lý do là Hoa Kỳ và Nam Hàn tập trận chung trong Biển Vàng và Nhật không còn nhượng bộ Trung Quốc trên quân đảo Sensaku (Ngư Câu Đài). Việc Kim Chính Nhật đem Kim Chính Ân đến Bắc Kinh trong tháng 9 vừa qua để giới thiệu người kế vị mình không ngoài mục đích tiếp tục tăng cường quan hệ gắn bó và sự đỡ đầu của Trung Quốc.

Chỉ còn lại Việt Nam, một "chư hầu" có lập trường bất nhất, một mắt xích cần được thuần hóa. Giới tài phiệt Trung Quốc đã bỏ ra rất nhiều tiền của để mua chuộc gần như toàn bộ các cấp lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam địa phương nhưng không ngờ lại gặp sự chống đối dữ dội bất ngờ từ quần chúng. Thêm vào đó, Hoa Kỳ đang bằng mọi cách lôi kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh, hành động này đang được quần chúng Việt Nam ủng hộ. Chính vì thế, từ đây cho đến ngày khai mạc đại hội lần thứ 11 của đảng cộng sản Việt Nam vào mùa xuân tới, Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực để giữ đảng cộng sản Việt Nam trong vòng ảnh hưởng của mình, nghĩa là tận tình giúp đỡ đảng cộng sản Việt Nam giữ vững vai trò lãnh đạo đất nước.

Thái độ cứng rắn của Bắc Kinh đối với nhà hoạt động dân chủ Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hòa Bình 2010 làm một thí dụ để Việt Nam bắt chước : nhượng bộ phong trào dân chủ là tự sát. Thông điệp này đã được phe cứng rắn trong đảng cộng sản Việt Nam hưởng ứng : luật sư Cù Huy Hà Vũ và Lê Thị Công Nhân liền bị bắt giam và thẩm vấn. Người ta sẽ thấy trong những ngày sắp tới, thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với Việt Nam sẽ giảm và Bắc Kinh sẽ giữ im lặng trước những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, nhưng không phải vì thế mà thừa nhận Việt Nam có lý.

Để gỡ thế bị cô lập, Bắc Kinh đang tiến hành chiến dịch vận động dư luận quốc tế bằng cách gia tăng đầu tư và đặt mua những sản phẩm chiến lược để cứu vãn sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Thực ra chiến dịch này chỉ nhằm đánh bóng vai trò lãnh đạo của phe Bắc Kinh trước phe Thượng Hải trước dư luận trong nước vì cặp bài trùng Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo bị phe Thượng Hải tố cáo là nhu nhược trước áp lực của các quốc gia dân chủ phương Tây. Muốn thọc gậy bánh xe, các cấp chỉ huy quân khu Hoa Nam tiến hành những cuộc tập trận bằng đạn thật và không ngừng uy hiếp ngư dân Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ, trong mục đích cảnh cáo Việt Nam không nên mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ và quốc gia dân chủ phương Tây để ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc.

Vị thế chiến lược của Việt Nam trên bàn cờ Đông Nam Á có tầm quan trọng đặc biệt để Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể bỏ qua. Giữ vững Việt Nam trong tầm tay, Trung Quốc có thể yên tâm làm mưa làm gió trên Biển Đông. Ngược lại, nếu lôi kéo được Việt Nam vào quỹ đạo của các quốc gia dân chủ Đông Nam Á, Hoa Kỳ sẽ có thêm trọng lượng để hạn chế sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ra Thái Bình Dương. Hoa Kỳ là quốc gia có đủ khả năng giúp các quốc gia Đông Nam Á bảo vệ chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chuyến viếng thăm Châu Á của tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ trong thượng tuần tháng 11-2010 không ngoài mục đích củng cố quan hệ gắn bớ với các quốc gia đồng minh trong vùng Đông Á và Nam Á, mà còn là một thông điệp trấn an những quốc gia ASEAN đang muốn thấy Hoa Kỳ thực sự trở lại Đông Nam Á trong thế mạnh. Trước những chuyển biến ngoạn mục trong quan hệ quốc tế và khu vực này, vai trò của người lãnh đạo Trung Quốc tương lai sẽ không dễ dàng.

Ông Tập Cận Bình,
chủ tịch Nhà Nước Trung Hoa tương lai


Tập Cận Bình sẽ không phải là người duy nhất có thể đưa Trung Quốc ra khỏi thách đố này nếu được đề cử vào vai trò lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Trung Quốc. Ông sẽ cần sự hợp tác của Oân Gia Bảo và Lý Khắc Cường để bảo vệ những thành tựu của Trung Quốc trong suốt thời gian qua.

Những ưu tư về sức mạnh của Trung Quốc

Người ta nói nhiều đến sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Có mậnh thật không ? Đó còn là một dấu hỏi lớn.

Trung Quốc đang là nạn nhân của sự thổi phồng quá đáng của dư luận quốc tế về sức mạnh kinh tế và quân sự của mình. Trong suốt 30 năm tận lực phát triển, tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc đã gần như cạn kiệt, tất cả mọi nguyên nhiên vật liệu đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng ý là nhờ xuất khẩu Trung Quốc đã tích tụ được một số ngoại tệ khổng lồ, từ đó có điều kiện để đầu tư nghiên cứu bắt kịp sự chậm trễ của mình trước trào lưu tiến hóa của các quốc gia tiên tiến phương Tây và Đông Á. Nhưng cuộc chạy đua này đã làm người dân Trung Quốc kiệt quệ : họ đã phải làm việc quần quật như những nô lệ để sản xuất hàng hóa cho những quốc gia giàu có tiếp tục duy trì cuộc sống tiện nghi và sung túc. Sự phát triển của Trung Quốc dựa trên sự bóc lột sức lao động của người dân Trung Quốc, đây là luận điểm mà người cộng sản lên án gắt gao và đòi lật đổ các chế độ áp bức. Thêm vào đó chính quyền Trung Quốc đã phải dành một ngân sách khổng lồ để bắt kịp sự chậm trễ về quốc phòng so với các phát triển phương Tây. Nguồn lợi tức khổng lồ kiếm được đổ vào cuộc chạy đua vũ trang, một hố sâu không đáy, chứ không phải để nâng cao mức sống người dân.

Đúng là nền kinh tế của Trung Quốc đã phát triển vượt bực. Giữa lúc suy thoái chung của các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc vẫn lên đều gần 10%. Nhưng sự tăng trưởng này căn cứ trên một căn bản lúc đầu là số không (zero). Từ một quốc gia nghèo và chậm tiến trong thập niên 1970, tổng sản lượng quốc gia và lợi tức đầu người lúc đó không là bao nhiêu, tạo ra một vài chục tỷ USD tổng sản lượng là tạo ra vài điểm tăng trưởng. Đến một lúc nào đó, chi số tăng trưởng này phải được giảm xuống mới đúng với thực tế vì tăng trưởng từ 1 lên 2 là 200%, nhưng từ 4.400 tỷ năm 2008 lên 4.900 tỷ năm 2009 là 11%, năm 2010 chắc chắn phải giảm xuống. Nếu chia tổng sản lượng quốc gia ra trên đầu người thì Trung Quốc đứng hạng 87/179 với 7.600 USD/năm, nhưng đây là một thành tích rất là đáng kể.

Thật ra dư luận thế giới nói nhiều đến túi tiền của chính quyền Trung Quốc hơn là túi tiền của người dân Trung Quốc. Sức mạnh kinh tế này sẽ không bền lâu vì nguồn tài nguyên chính tạo ra sức mạnh này là con người, hoàn toàn vắng mặt trong các qui hoạch phát triển.

Người ta cũng nói nhiều đến sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc có mạnh thật không ? Đó còn là một dấu hỏi lớn.

Nhìn chung hai khu vực Đông Á và Nam Á, không quốc gia nào không gia tăng ngân sách quốc phòng, không chừng còn cao hơn cả Trung Quốc : Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Pakistan, Úc, Singapore, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan. Nhưng tại sao chỉ chú ý đến Trung Quốc ? Tất cả chỉ vì sợ. Người ta sợ Trung Quốc như dư luận phương Tây sợ Iran sản xuất vũ khí hạch nhân, không ai tiên đoán cái gì sẽ xảy ra nếu cấp lãnh đạo quốc gia này trở nên điển cuồng hay hiếu chiến và có trong tay một kho vũ khí khổng lồ có tầm sát hại lớn. Không ai lo ngại chiến tranh chính quy, nghĩa là công khai tuyên chiến. Người ta chỉ sợ chiến tranh không quy tắc, vì kẻ gian chỉ nhắm vào những mục tiêu dân sự, sát hại dân lành để gây tiếng vang, hù dọa những người yếu bóng vía hơn là để giành chiến thắng.

Nếu so sánh sức mạnh quân sự, Trung Quốc hiện nay chưa phải là đối thủ của Hoa Kỳ, ít nhất trong một vài thập niên tới. Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc, nhất là những cấp chỉ huy quân sự ở Hoa Nam, sau khi được trang bị một số vũ khí chiến lược mà họ từng ước mơ (tàu ngầm nguyên tử, tàu chiến viễn dương, chiến đấu cơ tiên tiến...), nghĩ rằng có thể khống chế được các quốc gia trong vùng và canh tranh ngang hàng với Mỹ. Chỉ riêng việc tấn công Đài Loan thôi, không ai tiên đoán ai sẽ bị thiệt hại hơn ai, vì Đài Loan cũng trang bị những loại vũ khí không chừng còn tối tân và hiệu quả hơn Trung Quốc. Chính vì ý thức được sự hạn chế của mình, hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã tỏ ra khiêm nhường trong những tuyên bố và viếng thăm quốc tế, ngược lại những cấp chỉ huy Hoa Nam thì vẫn hung hăng tuyên bố đe dọa mọi người. Cái sợ của dư luận quốc tế là ở chỗ đó, chỉ cần một cấp chỉ huy điên cuồng, bất chấp trung ương ra lệnh tấn công một đơn vị quân sự hay dân sự tại một quốc gia nào đó bằng những loại vũ khí có tầm sát hại lớn (nguyên tử) là chiến tranh thế giới sẽ liền xảy ra.

Người ta nói mức sống của người Trung Quốc đang được nâng cao. Sự thật có đúng như vậy không ? Còn rất nhiều nghi vấn.

Sự thành công về mọi mặt của Trung Quốc dựa trên nguồn nhân lực khổng lồ gần 1,5 tỷ người. Nhờ sự phát triển chung của đất nước, mức sống của dân chúng Trung Quốc đã được nâng cao. Nhưng sự sung túc này không đến từ phía chính quyền mà từ dân chúng. Nhờ lợi tức kiếm được trong các hãng xưởng, người Trung Quốc có quyền nói đến tiện nghi (điện, nước, tủ lạnh, truyền hình, điện thoại, xe hơi, v.v.). Tuy vậy so với các quốc gia Đông Á, mức sống của người Trung Quốc vẫn chưa sánh bằng. Vấn đề của các cấp chính quyền Trung Quốc hiện nay là làm sao bảo đảm công ăn việc làm cho dân số khổng lồ này. Hiện tượng lao động nông thôn ra thành thị đang là một đe dọa sự ổn định của xã hội. Hơn 200 triệu người lang thang tìm việc trong các thành phố lớn. Họ không làm loạn nhưng sống trong những khu nhà ổ chuột giữa các thành phố lớn và sẵn sàng tranh nhau để có việc làm, mầm hỗn loạn đang tích tụ tại đây.

Cách giải quyết nạn thất nghiệp của các chính quyền Trung Quốc địa phương là xuất khẩu lao động. Biện pháp này lúc ban đầu đã mang lại những hiệu quả tức thì, số người thất nghiệp trong nước giảm xuống hẳn. Khối lượng người tham gia vào thị trường lao động trong nước hàng năm, hơn 500.000 người, được đưa vào thay thế. Nhưng hợp đồng nào cũng đến ngày hết hạn, số người Trung Quốc được đưa đi lao động nước ngoài không muốn về nước vì sẽ không tìm được việc làm, gần như đa số đều ở lại tại quốc gia mà họ được đưa đến để thi công. Số người ngày đang là một gánh nặng đối với các quốc gia ký kết những hợp đồng xây dựng hạ tầng cơ sở với Trung Quốc. Một phong trào bài Hoa đang xuất hiện các quốc gia Châu Phi và các quốc gia Hồi giáo, không ai biết số phận những người Hoa di cư này ra sao khi sự phẫn nộ của dân chúng địa phương lên cao. Những nhóm người Hoa này đã chi phối gần như mọi sinh hoạt kinh tế của người bản địa.

Nếu ban lãnh đạo mới của đảng cộng sản Trung Quốc không có những biện pháp tích cực nâng đỡ đời sống người dân trong nước, nhân dịp kỷ niệm 100 năm cách mạng Tân Hợi (1911-2011) sắp tới, làn gió dân chủ chắc chắn sẽ rất dữ dội.

Nguyễn Minh
(Tokyo)



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment