11 January 2011

NHỮNG CHÍNH SÁCH ĐỘC TÀI

"Lúc ấy (ông Diệm mới cầm quyền), miền Trung có hàng ngàn cán bộ không cần làm việc có lương nhiều, chỉ sao đủ sống đạm bạc để hoạt động chống Cộng là họ thỏa chí. Bao năm khổ đau sống trong tăm tối của Cộng Sản, nay ánh sáng quốc gia rọi về, họ hứng khởi đứng dậy, lửa chống Cộng bừng bừng, khí thế Cộng Sản tàn lụi. Nhưng ngay lúc đó, ông Diệm và tay chân của ông ta lo diệt trừ người quốc gia hơn là Cộng Sản. Một thời cơ thuận lợi để nắm dân ông đã đánh mất…


Chương IX


NHỮNG CHÍNH SÁCH 
ĐỘC TÀI

 

 

Ngày 4 tháng 3 năm 1956, Quốc hội Lập hiến ra đời với nhiệm vụ chính yếu là soạn thảo, biểu quyết và thông qua Hiến pháp của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Tuyệt đại đa số các dân biểu là thành viên của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, và vì dự thảo Hiến pháp đã được "chung quyết" từ trước tại dinh Độc Lập nên các cuộc thảo luận tại trụ sở của Quốc Hội chỉ là những cuộc thảo luận nặng về hình thức và để cho có vẻ dân chủ. Cuối cùng, 123 dân biểu đều đồng thanh chấp thuận bản Hiến pháp và được ông Diệm ban hành vào ngày 26 tháng 10 năm 1956.

Như đã phê bình trong chương trước, những danh từ hoa mỹ và nhiều khi thần bí trong Hiến pháp cũng như trong những điều khoản căn bản phải có của một Hiến pháp là chỉ cốt để che dấu một cách vụng về những điều khoản phản dân chủ, phản thời đại, và phản dân tộc của nó.

Đã không thiếu những luật gia lúc đó cũng như sau này phát hiện ra tính bất quân bằng trong nguyên tắc phân quyền cũng như sự tập trung quyền lực quá độ vào vị nguyên thủ quốc gia của bản Hiến pháp này. Để kiểm soát và hạn chế hai tác hại lớn lao này, người ta "đã tìm thấy rất ít điều khoản bảo đảm sự ngăn ngừa, chận đứng một chế độ độc tài, độc đảng" [1]. Tuy điều 98 chỉ cho Tổng thống đặc biệt nắm nhiều quyền hành trong nhiệm kỳ lập pháp đầu tiên mà thôi để bảo đảm sự ổn định và liên tục của sinh hoạt quốc gia, nhưng sau khi hết nhiệm kỳ đó rồi, anh em Diệm–Nhu vẫn, theo đà, tiếp tục đưa ra những chánh sách và biện pháp chà đạp những điều khoản dân chủ hiếm hoi còn lại trong Hiến pháp. "Diệm và Nhu hoàn toàn không biết đến Hiến pháp, chỉ cai trị bằng sắc lệnh và bằng ý kiến riêng của mình, hơn nữa, thể chế độc tài của họ lại được thực hiện đến tận cấp thôn xã" [2].

Một quyết định sai lầm lớn nhất của ông Diệm lúc bấy giờ là bãi bỏ những cuộc bầu cử thôn xã vốn là đơn vị hành chánh cơ bản và thực dụng của xã hội Việt Nam. Từ tháng 6 năm 1956 trở đi, các viên chức điều hành cấp xã đều sẽ do Tỉnh trưởng chỉ định chứ không phải là Hội đồng do nhân dân trong làng bầu lên nữa [3]. Chế độ thôn xã Việt Nam vốn có truyền thống sinh hoạt theo nguyên tắc đồng thuận hòa hài, các viên chức quản trị do chính dân làng bằng hình thức này hay hình thức khác tín nhiệm đề cử, nhờ vậy thôn làng đã trở thành những pháo đài xây dựng nên sức mạnh mãnh liệt và viên mãn không những để chống thắng các đạo quân xâm lược mà còn nhiều khi chống đối, khước từ các chính sách tàn ác của các triều đình Việt Nam, vì vậy mà "phép vua (mới) thua lệ làng". Nhưng dù là cựu quan lại Nam triều ông Diệm vẫn cố tình bác bỏ những yếu tính văn minh và truyền thống dân tộc đó nên những tác hại chiến lược về sau, khi phải đối chọi với cuộc chiến tranh nhân dân do Cộng Sản chủ xướng, còn kéo dài cho đến ngày mất miền Nam [4].

Bốn tháng sau đó, vào tháng 10, ông Diệm lại ban hành Dụ 57a cho phép Tỉnh trưởng nhiều đặc quyền về an ninh và phát triển. Dụ 57b cho phép Tỉnh trưởng được trưng tập nhân dân trong những công tác cứu tế xã hội… đã biến một số đông những Tỉnh trưởng, Quận trưởng, và Xã trưởng thành ra màng lưới quyền lực đầu tiên ở cấp địa phương để khai sinh và nuôi dưỡng những mầm mống bất công, tham nhũng và áp bức từ đó cho đến sau này.

Tất cả màng lưới đó tuy chằng chịt đan nhau nhưng lại quy về một mối tại dinh Độc Lập, nơi mà Tổng thống Diệm tập trung tất cả mọi quyết định, vi phạm mọi nguyên tắc hành chánh cơ bản, để can thiệp trực tiếp và mạnh mẽ vào những sinh hoạt nào mà ông muốn, cấp độ nào mà ông thích.Chủ trương trung ương tập quyền tuyệt đối đó, một lần nữa phản ánh cái tâm lý độc quyền và độc tôn là một trong những nét đặc thù của con người ông Diệm từ những ngày đầu mới làm quan Nam triều. (Cho nên như tôi đã trình bày trong một chương trước, việc ông đòi hỏi người Pháp phải cải cách xã hội thời làm Thượng thư Bộ Lại chỉ là một cái cớ thuần lý và khôn khéo thể hiện tham vọng nắm hết và nắm chặt quyền lực trong tay mà thôi. Vì rõ ràng nhất là tại sao thời làm Thượng thư Bộ Lại ông đòi hỏi tự do và chủ quyền cho người dân mà bây giờ, đến lúc làm Tổng thống, ông lại bãi bỏ chế độ dân cử tại thôn xã để tước đoạt quyền tự do và quyền làm chủ của người dân?)

Song song với những biện pháp hành chánh thất nhân tâm đó, chế độ lại phạm thêm một lỗi lầm khác, đẩy nhân dân thêm một bước nữa về sự khủng hoảng tín nhiệm dọn đường màu mỡ cho mầm Cộng Sản sinh sôi nẩy nở sau này. Đó là chiến dịch rầm rộ và lố bịch để đề cao và thần thánh hóa ông Diệm. Từ bài "Suy tôn Ngô Tổng thống" được ra lệnh hát bất kỳ lúc nào có chào cờ đến những ngày lễ "Thánh Bổn Mạng", từ một ngày lễ "Song Thất" bắt chước một cách vụng về ngày lễ Song Thập của Trung Hoa đến chân dung Ngô Tổng thống xuất hiện trong các rạp chiếu bóng, rạp cải lương (đến độ nhiều khán giả đã đợi cho đến khi xong cái trò hề suy tôn đó rồi họ mới chịu vào xem phim chính). Kỹ sư Trần Văn Bạch, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Chánh, đã không chịu hô "Ngô Thủ tướng muôn năm" trong các buổi lễ suy tôn nên bị vu cáo là có liên hệ với Bình Xuyên đến nỗi phải bị mất chức, hạ tầng công tác, như đã nói trong chương IV.

Những biện pháp cai trị mở đầu đó, và những điều khoản phản dân chủ trong Hiến pháp chứng tỏ rằng quả thật anh em ông Diệm đã không chuẩn bị hoặc không thiết lập được một kế hoạch xây dựng quốc gia nào trong thời gian mới lên nắm chính quyền. Như một phép lạ do ơn trên ban xuống, như một kẻ chuyên môn kéo màn bỗng bị đẩy ra sân khấu diễn tuồng, anh em ông Diệm choáng váng trước hoàn cảnh và trước mức độ quá to lớn của vấn đề cai trị đất nước, nhất là vì muốn giới hạn quyền cai trị đó trong gia đình mình thôi. Cho nên kế sách đầu tiên phải làm là củng cố quyền lực, tập trung quyền lực và độc chiếm quyền lực. Kế sách đó được biểu hiện dưới ba kế hoạch:

1. Biến Tổng thống chế dân chủ thành một "triều đại quân chủ" với những đặc quyền tuyệt đối và to lớn trong tay vị lãnh đạo.

2. Xây dựng một giai cấp thống trị dựa trên thiểu số Cần Lao Công Giáo do chính anh em trong gia đình kiểm soát và điều động.

3. Thiết kế một hệ thống quyền lực từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở để chi phối và ảnh hưởng mọi sinh hoạt quốc gia.

Kế hoạch ba tầng đó chỉ nhằm mục tiêu Công giáo hóa toàn bộ nhân dân miền Nam để duy trì quyền lãnh đạo đất nước anh truyền em nối. Phát xuất từ những sai lầm cơ bản về nhận định như chỉ có người Công giáo mới chống Cộng, chỉ có người Công giáo mới trung thành với mình, chỉ có một quốc gia theo Công giáo mới được quốc tế ủng hộ. Và cũng phát xuất từ những tính toán chủ quan như xây dựng được một chủ thuyết Kitô giáo là có thể vạch được một sinh lộ cho tổ quốc, xây dựng được một chủ lực Thiên Chúa giáo là có thể điều động được toàn khối dân tộc, cho nên nền độc tài Công giáo mà anh em ông Diệm chủ xướng và thực hiện ngay từ đầu (và kéo dài suốt 9 năm của chế độ) chỉ là hệ quả tất nhiên của những con người đã đánh mất hồn nước trong tâm chất và không biết đến những quy luật dựng nước trên mặt chính trị. Và ở trên những nhận định sai lầm cơ bản đó là những thôi thúc cuồng tín và quá độ của những người tự nhận mình có sứ mạng tông đồ, có chức năng của hàng giáo phẩm, quyết rao giảng (dù phải áp đặt) tôn giáo mà mình tin tưởng cho cả dân tộc.

Tại sao khi chưa cầm quyền thì đả kích Bảo Đại độc tài phong kiến, khi họp Hội Nghị Đại Đoàn Kết (1953) thì hô hào dân chủ tự do, mà lúc lên chấp chánh thì lại độc tôn, độc tài chà đạp chính cái dân chủ tự do mà mình đã từng lớn miệng đòi hỏi? Tại sao khi đã dẹp hết các lực lượng giáo phái, các đảng phái chính trị, các tổ chức và cá nhân chống đối và đang được đa số quần chúng ủng hộ để xây dựng một miền Nam thịnh vượng và hùng cường trong hòa bình, thì lại tiến hành những chính sách kềm kẹp bạo trị, bất chấp nguyện vọng chính đáng của toàn dân?

Có phải vì yêu nước không hay là vì yêu tôn giáo của mình quá độ, yêu gia đình mình quá độ, yêu cá nhân mình quá độ! Có phải vì để chống Cộng không hay là vì để chống các thành phần dân tộc khác, chống các lực lượng chính trị khác, chống các khuôn mặt quốc gia khác?

Lời giải đáp cho những câu hỏi này hiển hiện rõ ràng trong 9 năm trời cầm quyền của anh em ông Diệm. Chín năm ngút ngàn quặn đau vì dân tộc đã lỡ một cơ hội lịch sử hầu có thể tái tạo vươn lên để trở về giải phóng đất Bắc, chín năm máu lệ tủi nhục vì dân tộc đã bị cai trị bởi một vị vua thời Trung Cổ vào giữa thế kỷ 20 mà văn hóa, chính trị, tôn giáo, kinh tế, thương mại, giáo dục và kể cả chống Cộng đều không còn là quyền của nhân dân nữa, nhưng lại tập trung một cách chặt chẽ trong tay một gia đình.

Trong tập sách này tôi chỉ xin đưa ra vài chính sách tiêu biểu để thấy rõ hơn bộ mặt độc tài Công giáo trị đó.

 

Hãy bắt đầu bằng chính sách đáng kể nhất: Tố Cộng. Tiêu diệt Cộng Sản tại miền Nam, trước hết, đáng lẽ phải là một chủ trương của toàn thể nhân dân miền Nam mà trong đó nỗ lực chính phải đến từ nhân dân, phải đến bằng chính ý thức chống Cộng (đặc biệt) của người dân quê tại thôn xã (là nơi mà trong 10 năm kháng Pháp, Cộng Sản đã xây dựng hạ tầng cơ sở). Nhưng vì chế độ Diệm không nắm vững nguyên lý đó nên cả chiến dịch, thay vì là một chiến dịch chống Cộng lại trở thành một chiến dịch "Tố Cộng" của chính quyền như cái tên gọi sai lầm của nó. Và thay vì tố Cộng, bộ máy Cần Lao Công Giáo đã tố chính những thành phần dân tộc yêu nước, đã lạm dụng tình trạng khẩn trương giả tạo và sự mất quyền làm chủ tại thôn xã của dân quê để làm thui chột cái mục tiêu chính yếu của nó là đánh bật những gốc rễ cơ sở của Cộng Sản tại miền Nam Việt Nam.

Không những thế, nương theo đà tố Cộng hung hãn của chánh quyền, những oán thù cũ của 10 năm máu lửa không dính líu gì đến "theo Cộng" hay "chống Cộng" được dịp bùng lên để mang ra tố nhau dưới chiêu bài "Tố Cộng" đang được chính quyền bảo trợ và khuyến khích. Do đó mà chiến dịch Tố Cộng đã bắt giam vào trại cải tạo từ 50.000 đến 100.000 tù nhân, nhưng chua xót thay, đa số tù nhân này lại không phải là Cộng Sản" [5].

Quốc sách diệt Cộng chính đáng và cần thiết đó bỗng trở thành một nguyên nhân gây mâu thuẫn trong lực lượng nông dân, và trở thành một nhược điểm cho cán bộ Cộng Sản lúc đó và sau này khai thác để tuyên truyền chống phá các chính phủ quốc gia.

Kiểm điểm lại quá trình phát triển và những thành tích đẫm máu của Cần Lao ở  miền Trung, các sử gia và quan sát viên vô tư đều phải công nhận tánh cách sát phạt khủng khiếp của lãnh chúa Ngô Đình Cẩn. Số cán bộ Việt Cộng bị giết thì chẳng bao nhiêu nếu những kẻ bị coi là Việt Cộng quả đã hoạt động thực sự cho Cộng Sản! Mà số người bị giết vì bị phân loại là Việt Cộng hầu hết lại chỉ là dân đen, hiền lành, đói khổ, bất mãn với chế độ hét ra lửa của "ông Cậu". Sở dĩ đã có sự đáng tiếc đó xảy ra là vì tại những vùng đất rộng lớn khắp giải Quảng Bình vào đến Phú Yên, hầu hết những làng mạc đều đã từng bị Cộng Sản cai trị một thời gian khá lâu, trước khi được quân lực Việt Nam Cọng Hoà giải phóng. Và trong thời gian sống dưới chế độ Cộng Sản của chánh quyền nhân dân Việt Minh, người địa phương nếu muốn sống yên thân làm sao tránh tham gia ít nhiều vào các công tác của Việt Cộng. Nếu nay chính quyền Cẩn buộc tội họ đã làm Việt Cộng mà đem giết đi thì họ cũng đành chịu chết oan chứ biết làm sao thanh minh cho được [6].

Từ đó, tâm lý chống Cộng của nhân dân miền Nam phát xuất từ sự sợ hãi chính quyền hơn là từ ý thức đề kháng và khước từ Cộng Sản một cách sáng suốt và tự do. Chống Cộng, và càng chống Cộng một cách hăng hái trên mặt hình thức, bỗng trở thành lá bùa hộ mệnh cho một quần chúng yếu đuối, nhất là ở thôn quê. Chính cán bộ chính quyền cũng bị điều kiện hóa trong khả năng thẩm định lập trường chính trị của quần chúng: cứ ai hô hào chống Cộng lớn miệng nhất là đáng tin cậy, là người quốc gia !

Ông Lê Nguyên Long, một nhân sĩ miền Trung và là chứng nhân của giai đoạn đó cũng cho thấy việc cán bộ đảng Cần Lao lợi dụng việc chống Cộng để bắt bớ, giam cầm, sát hại, nhiều đảng viên của Việt Quốc, Duy Dân và Đại Việt, là những đảng viên cách mạng đã từng có một lịch sử đấu tranh chống Pháp, chống Cộng, và ông kết luận rằng:

"Lúc ấy (ông Diệm mới cầm quyền), miền Trung có hàng ngàn cán bộ không cần làm việc có lương nhiều, chỉ sao đủ sống đạm bạc để hoạt động chống Cộng là họ thỏa chí. Bao năm khổ đau sống trong tăm tối của Cộng Sản, nay ánh sáng quốc gia rọi về, họ hứng khởi đứng dậy, lửa chống Cộng bừng bừng, khí thế Cộng Sản tàn lụi. Nhưng ngay lúc đó, ông Diệm và tay chân của ông ta lo diệt trừ người quốc gia hơn là Cộng Sản. Một thời cơ thuận lợi để nắm dân ông đã đánh mất… Đã biết bao người chống Cộng, từng bị Cộng Sản giam cầm, đến khi ông Diệm cầm quyền thì hồ sơ của họ trở thành là những người hoạt động cho Cộng Sản! Biết bao đảng viên Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân một sớm một chiều, hồ sơ của họ biến thành Cộng sản, di hại cho họ mãi đến sau khi ông Diệm đổ" [7].

Nếu chế độ Diệm đã trọng dụng những phần tử có quá trình hoạt động cho Việt Minh như các ông Kiều Công Cung (từng là Sư Đoàn trưởng, là Dân biểu Quốc Hội, là Giám đốc viện Phốt phát của Việt Minh) được cử giữ chức Đặc Ủy Công Dân Vụ, ông Trần Chánh Thành (từng là Chánh án Liên Khu Tư của Việt Minh) được trọng dụng làm Bộ trưởng, Phạm Ngọc Thảo (từng chỉ huy tình báo cao cấp của Việt Minh) được mang cấp bậc Đại tá, giữ chức Tỉnh trưởng… thì thử hỏi vì sao đảng viên các đảng phái quốc gia chống Cộng lại bị liệt vào hàng Cộng Sản để rồi bị tiêu diệt.

Bị thôi thúc bởi bản tính bất nhân và bị chỉ đạo bằng những lý luận bất trí, chế độ Diệm đã dùng bạo lực thay vì chính trị, dùng khủng bố thay vì giáo dục trong cái giai đoạn mà nhân trị - chứ không phải bạo trị - là phương sách duy nhất và phù hợp nhất để thu phục nhân tâm, xây dựng niềm tin và sự ủng hộ của quần chúng miền Nam. Chính vì đã không xây dựng được niềm tin đó, chính vì đã không xây dựng được sự ủng hộ đó cho nên khi Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam của Hà Nội ra đời, họ đã có sẵn một đại khối thôn quê (đang là nạn nhân bất mãn với chính quyền) che chở, bảo vệ và yểm trợ. Không tiêu diệt được từ trong trứng nước mầm mống Cộng Sản tại miền Nam mà lại còn trực tiếp đóng góp cho sự lớn mạnh của chúng chính là tội lớn của chế độ Ngô Đình Diệm. Từ năm 1959, tình hình an ninh của miền Nam bắt đầu suy sụp, Việt Cộng củng cố và phát triển được hạ tầng cơ sở cùng các mật khu an toàn; đặc công Cộng Sản bắt đầu ám sát, bắt cóc, phá hoại, tiêu hủy những nhân viên và nỗ lực của chính quyền tại hầu hết vùng thôn quê là những chứng cớ rõ ràng không chối cãi được, mà cao điểm của sự suy sụp này là sự ra đời của "Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam" vào cuối năm 1960.

 

Chính sách độc tài thứ hai là chính sách kiểm soát và khống chế báo chí. Cũng như Cộng Sản, để che dấu tội ác và những biện pháp sắt máu của chế độ, anh em ông Diệm chủ trương tiêu diệt đệ tứ quyền của nhân dân. Họ dùng những biện pháp kiểm duyệt gắt gao sách báo để kềm kẹp báo chí, phát bông giấy để duy trì đặc quyền đặc lợi cho chủ nhiệm các báo trung thành với chế độ, tập trung phát hành vào nhà Tổng Phát Hành Thống Nhất, một cơ quan do tay sai của chế độ nắm giữ để chận đứng sự phổ biến các tờ báo đứng đắn mà họ gọi là "phản động", và đặt cán bộ Cần Lao vào hàng ngũ báo chí để làm mật vụ theo dõi, điểm chỉ các nhà văn, ký giả yêu chuộng tự do và dân chủ thật sự. Nhưng trắng trợn và khủng khiếp hơn cả là những biện pháp công an trị và cảnh sát trị bằng cách cho tay sai đến đập phá các tòa báo, khủng bố và truy tố ra tòa các chủ nhiệm những tạp chí có khuynh hướng đối lập. Dù đó là đối lập xây dựng trong khuôn khổ hợp pháp và Hiến định.

Ngày 13 tháng 3 năm 1958, chỉ vì bài báo Thư gửi ông Nghị mà ông Nghiêm Xuân Thiện, chủ nhiệm báo Thời Luận, bị tòa phạt 10 tháng tù treo, 100.000 đồng phạt vạ, và bị rút giấy phép xuất bản với tội danh "có mục đích và tính cách xúc phạm chính quyền". Thật ra nội dung bài báo chẳng có gì là vi luật hoặc vi hiến nếu không muốn nói là cần thiết vì nội dung bài báo chỉ đòi hỏi các ông Dân biểu hành xử đứng đắn nhiệm vụ đại diện cho dân, đừng làm Nghị gật, đừng làm Dân biểu gia nô. Tuy nhiên, vì tờ báo đó là của khối Dân Chủ, một khối độc lập với chính quyền do các ông Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán, Nghiêm Xuân Thiện chủ trương nên nó đã không được phép hiện diện trong một chế độ độc tài nữa. Tội nghiệp ông Nghiêm Xuân Thiện vốn là một chiến sĩ chống Cộng ngay từ năm 1945, tờ báo Thời Luận của ông đã từng bị Pháp cho ném lựu đạn lúc còn ở Hà Nội vì những luận điệu chống thực dân, cho nên ngay lúc di cư vào Nam sau khi đã bỏ lại tất cả cơ nghiệp ở miền Bắc, ông Thiện góp vốn với bạn bè cho tái bản tờ Thời Luận mong đóng góp tiếng nói chống Cộng với toàn dân. Không ngờ thiện chí đó của ông Thiện được trả lời bằng biện pháp công an, cảnh sát đến đập phá tòa báo, phạt tù và phạt một số tiền vô cùng to lớn đối với gia cảnh của ông và đối với thời giá đồng bạc lúc bấy giờ. Điều mỉa mai là khi còn ở Bắc, khi còn ở dưới chế độ thực dân, tờ Thời Luận của các ông Nghiêm Xuân Thiện, Trần Trung Dung…, vì đòi hỏi tự do dân chủ mà bị Pháp cho người đập phá, nay vào Nam cũng vì đòi hỏi dân chủ tự do mà bị chế độ Cộng Hòa Nhân Vị trừng phạt, ông Nghiêm Xuân Thiện phải ra tòa trong lúc ông Trần Trung Dung (là cháu rể của họ Ngô) thì lại an toàn trong chức vụ Phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng.


Xin bấm vào link để đọc tiếp

http://sachhiem.net/HOANHLINH/VNML9.php




Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment