08 January 2011

TỪ ĐỒNG MINH VỚI MỸ ĐẾN THỎA HIỆP VỚI CỘNG

Bài học lịch sử đó của dân tộc Nhật Bản là gì nếu không phải là bài học về sự vận dụng sức mạnh của địch cho sự cường thịnh của chính mình. Và đàng sau bài học đó là một bài học rất lớn khác cho chúng ta về lòng yêu nước bằng một quan điểm sáng suốt và bằng một tinh thần thực tiễn, chứ không phải chỉ bằng những xúc động mù quáng của một thứ tự ái dân tộc nhiều lúc rất phản quốc.

Chương XVI


TỪ ĐỒNG MINH VỚI MỸ 
ĐẾN THỎA HIỆP VỚI CỘNG

 

 

Trong lúc biến cố Phật giáo đang sôi nổi thì trong giới chính trị và tình báo tại Thủ đô Sài Gòn có hai vấn đề cũng được thảo luận và theo dõi gần như công khai. Đó là nguồn tin về những vận động của chính quyền Nhu–Diệm nhằm thỏa hiệp với Cộng Sản Hà Nội và những tin tức về các cuộc đảo chánh có thể xảy ra.

Sài Gòn như lên cơn sốt mùa hè với những tin đồn phóng đại, những giả thuyết đầy mâu thuẫn và những vận động ngầm sôi nổi. Đề tài về âm mưu thỏa hiệp với Hà Nội là đề tài nóng bỏng nhất vì không những nó liên hệ đến chế độ Diệm mà còn trực tiếp tạo nhiều hệ quả lớn lao cho vận mệnh của miền Nam Tự Do.

Sau cách mạng 1–11–1963, các bí mật từ từ lộ ra qua các tài liệu Việt Nam và quốc tế, những nhân chứng trong cuộc cũng từ từ tiết lộ những sự kiện cụ thể để ta có thể nghiêm túc trình bày lại diễn tiến của âm mưu này, cũng như để ta có thể chín chắn suy nghiệm về biến cố mà hai anh em Nhu–Diệm đang từ theo Mỹ đến chống Mỹ và đang từ chống Cộng đến thỏa hiệp với Cộng.

Âm mưu thỏa hiệp với chính quyền Cộng Sản Hà Nội của chế độ Diệm là một trong những động cơ quan trọng, nếu không muốn nói là động cơ thách đố nhất, thúc đẩy quân đội cùng với toàn dân đứng lên làm cuộc cách mạng 1–11–63. để ngăn chận và trừng phạt dòng họ Ngô Đình. Chính âm mưu này đã là nguyên động lực làm cho nhiều tổ chức chống chế độ có thể đoàn kết hợp tác với nhau mà không ngại ngùng, và đến khi tiếng súng cách mạng phát khởi thì các đoàn thể quần chúng và nhân dân cả nước cũng đều một lòng yểm trợ cho cuộc cách mạng lật đổ Ngô triều thành công.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định thay đổi lập trường và chính sách chống Cộng của hai anh em ông Ngô Đình Diệm nhưng tựu trung có thể gồm lại trong bốn điểm chính: thứ nhất là sự chống đối càng lúc càng quyết liệt của nhân dân và các lực lượng chính trị đối lập tại miền Nam; thứ hai là áp lực càng lúc càng nặng nề của lực lượng chính trị võ trang của kẻ thù Cộng Sản; thứ ba là sự căng thẳng trong mối bang giao Việt–Mỹ mà những đổ vỡ có thể mang đến các di hại trầm trọng; và thứ tư, quan trọng nhất, là bản chất thủ đoạn cũng như tính chủ quan của ông Ngô Đình Nhu. Nếu chỉ có một, hay hai, hay cả ba nguyên nhân mà thôi thì chưa chắc hai ông Diệm–Nhu đã thỏa hiệp với Cộng Sản, nhưng vì bốn nguyên nhân vừa khách quan vừa chủ quan này đã, chậm chạp nhưng chắc chắn, cùng phối hợp với nhau nên đã đánh bật lập trường chống Cộng của anh em Ngô Đình, dù từ lâu mối thù giết anh ruột đã bắt gốc rễ vào tâm trí họ, và dù sự nghiệp chính trị của họ được xây dựng trên quyết tâm chống Cộng của quân dân miền Nam.

 

-o0o-

 

Thật vậy, như tôi đã trình bày trong hai chương 11 và 12, cao trào chống đối của quân dân miền Nam trước chính sách độc tài và đàn áp các lực lượng quốc gia của chính quyền Ngô Đình Diệm càng lúc càng gia tăng với bản cáo trạng lên án chế độ của nhóm Caravelle, với hoạt động đối kháng của Mặt Trận Đoàn Kết do ông Nguyễn Tường Tam chủ xướng, của đảng Tự Do Dân Chủ do ông Phan Quang Đán thúc đẩy, của Liên Minh Dân Chủ do nhóm các ông Phan Bá Cầm, Xuân Tùng, Hoàng Cơ Thụy lãnh đạo,… và hai cuộc binh biến táo bạo cũng như quyết liệt của binh chủng Nhảy Dù và vụ ném bom dinh Độc Lập. Đó là chưa nói đến những cá nhân hoặc đoàn thể trước kia đã từng cộng tác, ủng hộ và nhiều khi hy sinh cả đời người cho hoạt động chính trị của hai ông Nhu–Diệm thì kể từ năm 1960 trở đi, cũng đã công khai lên án chế độ và bày tỏ thái độ chống đối gia đình họ Ngô. Và đó cũng chưa kể đến sự công phẫn của quần chúng mà điển hình là cuộc vận động cách mạng của Phật giáo bắt đầu lan rộng và biến thành những hình thức đề kháng chế độ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Những hoạt động chống đối đó đáng lẽ phải được nghiên cứu sâu sắc và truy tầm nguyên nhân để rút ra những bài học tích cực hầu xây dựng dân chủ và sửa sai chế độ thì hai ông Nhu–Diệm lại xem đó như những khiêu khích phản loạn cần phải diệt trừ cho tuyệt hậu họa. Họ đã xem hành động đối lập của các lực lượng quốc gia như hành động của kẻ thù tối nguy hiểm vì chính đối lập mới thực sự đe dọa đến quyền hành và danh vọng của họ, quyền lợi và mạng sống của họ. Họ lo lắng suy nghĩ và dành nhiều phương tiện cũng như nhân sự của quốc gia để lo đối phó với những thành phần đối lập quốc gia còn hơn cả đối phó với kẻ thù Cộng Sản. Nhưng như tôi đã trình bày và lịch sử giai đoạn đó đã chứng minh, chế độ càng đàn áp thì sự chống đối càng gia tăng. Gia tăng trên cả hai mặt mức độ cũng như số lượng đến nỗi đã dùng đến cả võ lực (vụ ném bom) vốn là hình thức cao nhất và dứt khoát nhất của mọi cuộc đấu tranh.

Tình trạng lớn mạnh của đối lập đó, trong những năm từ 1960 trở đi, tuy chưa trực tiếp và tức thì đe dọa chế độ, nhưng hai ông Nhu–Diệm cũng đã phải nhận rằng nếu tình trạng đó kéo dài thì chính các lực lượng chính trị đối lập đó, chứ không ai khác, trong tương lai sẽ đập tan chế độ và uy quyền của họ. Nhận định đó, khi biến cố Phật giáo xảy ra vào năm 1963 và nhất là khi những áp lực của người Mỹ trở thành nặng nề hơn, mới trở thành một yếu tố tác động lên quyết định thỏa hiệp với Cộng Sản Hà Nội để hoặc là dùng Cộng Sản như một phụ lực tiêu diệt đối lập, hoặc dùng Cộng Sản như một mối đe dọa để làm chantage lực lượng đối lập. Kế hoạch hai mặt đó, hai ông Nhu–Diệm nghĩ rằng nếu không làm tê liệt được quyết tâm thì ít nhất cũng tiêu diệt được khả năng chống đối của người quốc gia.

Cho nên chính sự thất bại và bế tắc trong chính sách đàn áp đối lập cuối cùng đã là nguyên nhân sâu sắc nhất nhưng lại ẩn tàng nhất đẩy hai ông Diệm–Nhu vào vòng tay Cộng Sản để mong bảo đảm danh vọng và quyền lợi cho họ.

Đó là nguyên nhân thứ nhất.

Nguyên nhân thứ hai là sự trưởng thành của lực lượng chính trị quân sự Cộng Sản, một kẻ thù khác, đang rõ ràng công khai thách thức tư cách chủ nhân miền Nam của chính quyền Ngô Đình Diệm và đánh phá sức mạnh đã bắt đầu lung lay của chế độ. Sự ra đời của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam là cao điểm chính trị của Việt Cộng sau khi đã làm ung thối tình hình thôn quê miền Nam mà những ấp chiến lược, những khu trù mật, những khu dinh điền, những chính sách quân phân ruộng đất, những chiến dịch tố Cộng,… đã tạo ra những phản tác dụng cho Việt Cộng khai thác và bành trướng.

Mặt khác, sự ra đời của Mặt Trận cũng chính thức hóa sự lệ thuộc của nó vào hậu phương lớn Bắc Việt trên cả hai mặt chính trị lẫn quân sự, cho thấy Mặt Trận chính là một bộ phận của Hà Nội và đánh Mặt Trận là trực tiếp đánh Hà Nội. Trên mặt thuần túy quân sự, sự ra đời của Mặt Trận đã cho phép họ thâu nhận nhiều yểm trợ khí cụ hơn cũng như kết nạp được nhiều nhân lực hơn, ngay tại miền Nam, để thành lập những đơn vị chiến đấu lớn. Thất bại nặng nề của Sư đoàn 13 tại Tây Ninh cuối năm 1960 đã là dấu hiệu đầu tiên của sự lớn mạnh đó của Mặt Trận.

Hai ông Diệm–Nhu lẽ tất nhiên đã không xem Việt Cộng như những lực lượng phiến loạn địa phương kiểu các giáo phái Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo mà họ đã từng dẹp yên được, lại càng không xem đó như những lực lượng võ trang quốc gia đối lập kiểu chiến khu Ba Lòng của Đại Việt hay chiến khu Nam Ngãi của VNQDĐ mà họ đã từng tàn bạo tiêu diệt một cách dễ dàng. Hai ông Diệm–Nhu đã từng thấy được tính cách trường kỳ dai dẳng của Việt Minh thời chiến tranh Pháp–Việt, cũng như bắt đầu thoáng thấy được sự vô hiệu của những chiến lược chống Cộng của họ từ nhiều năm qua, thì hẳn họ cũng hiểu hơn ai hết là thời gian không đứng về phía họ, nghĩa là trong cuộc chiến này, càng về dài thì địch càng mạnh họ càng yếu. Cũng như càng về dài thì ngôi vị, danh vọng, quyền lực, và ngay cả mạng sống của họ càng bị đe dọa mà thôi.

Cho nên thay vì nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho lực lượng chống Cộng khác, hoặc cải tổ chính quyền và thay đổi chính sách để đáp ứng hữu hiệu hơn với sự đe doạ đó thì hai ông Nhu–Diệm, sau này, khi cùng một lúc bị những áp lực khác đè nặng, đã như con đà điểu chui đầu xuống cát, tìm cách đầu hàng bằng sự thỏa hiệp với kẻ thù.

Trước khi trình bày nguyên nhân thứ ba, nguyên nhân mà tôi gọi là sự căng thẳng trong mối bang giao Việt–Mỹ vào những năm đầu của thập niên 1960 khiến anh em Diệm–Nhu đã đi đến quyết định thỏa hiệp với Cộng Sản, tôi xin được rất thực tế nêu lên một số biến cố lịch sử để, qua đó, cụ thể phân tách một khía cạnh rất đặc thù về chính sách ngoại giao của Mỹ đối với các đồng minh trong sách lược chống Cộng toàn cầu của họ.

Lịch sử bang giao quốc tế từ thời xa xưa lúc các quốc gia bắt đầu thành hình cho đến hiện đại, khi mà thế lưỡng cực Tư Bản – Cộng Sản càng lúc càng gay gắt, đã cho thấy không thiếu những trường hợp một quốc gia này yêu cầu một quốc gia khác đem quân đến giúp. Lời "yêu cầu" đó có thể thật hay là giả, chính đáng hay không, hợp với công pháp quốc tế hay không, là tùy bản chất của sự liên hệ giữa hai quốc gia. Cũng vậy, "giúp" đó là thật hay giả, ngụy trang xâm lăng hay thật sự yểm trợ, là tùy tình trạng của biến cố đó.

Hoa Kỳ không những là một cường quốc, mà còn là một cường quốc lãnh đạo một khối để trực đối với một khối khác, nên lại càng bị lôi cuốn vào những tranh chấp tuy cục bộ nhưng lại ảnh hưởng đến tương quan lực lượng Tư Bản – Cộng Sản. Do đó mà tuy mới 200 năm lập quốc, Hoa Kỳ đã nhiều lần phải dính dự vào các biến cố nội bộ của các quốc gia thân hữu mà Hoa Kỳ xem là đồng minh. Những dính dự đó hầu hết là để yểm trợ. Và dù những yểm trợ đó có lúc bắt nguồn từ quyền lợi của nước Mỹ, cũng đã có lúc vụng về gây tai hại nhiều hơn là đem đến ích lợi, nhưng nói chung thì những yểm trợ đó phản ánh đức tính hào hiệp và vị tha của một dân tộc mà tôn giáo đã là một trong những nguyên ủy lập quốc, mà những lý tưởng về Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền đã là những sức mạnh duy trì sự cao cả của dân tộc họ. Đức tính hào hiệp và những lý tưởng lập quốc đó đã chảy xuyên dòng lịch sử ngoại giao của Hoa Kỳ như một thứ cốt tủy, dù phần thể hiện của nó là các chính sách ngoại giao, có thay đổi theo thời đại hay theo từng nhiệm kỳ của mỗi vị Tổng thống. Chúng đã thuộc về căn cước văn hóa của dân tộc Hoa Kỳ. Hay nói như Coral Bell, một nhà nghiên cứu Úc, thì:     

"Đạo đức và tinh thần thượng tôn pháp luật là hai tuyến lõi trung ương của nền ngoại giao Hoa Kỳ kể từ khi quốc gia này ý thức được vai trò cường quốc của mình"[1].

Thật vậy, Hoa Kỳ đã hai lần đưa quân đội vào nước Pháp giúp giải thoát nước này khỏi gót giày xâm lăng của quân phiệt Đức. Sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ lại thực hiện kế hoạch viện trợ Marshall để giúp Pháp tái thiết xứ sở và nhất là giúp các lực lượng dân chủ Pháp đánh bại mưu toan cướp chính quyền của đảng Cộng Sản Pháp, lực lượng mạnh nhất lúc bấy giờ, mạnh đến nỗi đã đánh bật vị anh hùng cứu quốc De Gaulle ra khỏi chính quyền năm 1946.

Cũng vậy, tháng 6 năm 1950, Hoa Kỳ gởi quân qua Thái Bình Dương giúp Nam Hàn chống lại cuộc xâm lăng của Bắc Hàn và Trung Cộng. Trong những ngày đầu của trận chiến, tướng MacArthur đã khuyên Tổng thống Lý Thừa Vãn bỏ thủ đô Hán Thành rút về miền cực Nam để bảo toàn lực lượng mà vị Tổng thống này vì tự ái dân tộc đã không chịu nghe theo. Đến khi Bắc quân đánh xuống như thế chẻ tre, ông mới rút về Phú San, để từ đó cùng với quân lực Mỹ của tướng MacArthur phản công đuổi quân thù ra khỏi vĩ tuyến thứ 38. Sau khi hòa bình vãn hồi, nhận rõ áp lực nặng nề vẫn đe dọa đất nước, Tổng thống Lý Thừa Vãn đã yêu cầu quân Mỹ ở lại để bảo vệ biên giới phương Bắc, đồng thời thực thi một nền tự do dân chủ có trách nhiệm để tạo những nền móng chính trị cho nền độc lập và cho những phát triển kinh tế lẫy lừng sau này.

Cũng tại Á Châu và gần gũi với Việt Nam hơn, Phi Luật Tân đã bị Hoa Kỳ chiếm đóng trong và sau đại chiến thứ hai. Nhưng trong khi các nước Á Phi khác phải đổ rất nhiều xương máu và tốn rất nhiều thời gian để giành lại độc lập thì ngược lại, Phi Luật Tân đã được Hoa Kỳ hào hiệp trao trả chủ quyền đất nước ngày 4 tháng 7 năm 1946, khác hẳn với chính sách duy trì chế độ thuộc địa của các đế quốc thực dân khác như Bỉ (ở Congo), Pháp (ở Việt Nam, Algérie), Hòa Lan (ở Nam Dương).

Để bảo vệ nền độc lập trong trường hợp bị Trung Cộng xâm lăng và để tỏ thiện chí cho mối giao hảo hầu mở đầu những bang giao kinh tế tốt đẹp sau này, Phi Luật Tân đã nhượng cho Hoa Kỳ thuê (Cession and Bail) hai căn cứ quân sự lớn là Clark Air Base và Subic Bay mà số ngoại tệ thu nhận được từ hai căn cứ này đã đóng góp rất nhiều vào việc phục hưng nền kinh tế hậu chiến của Phi Luật Tân. Trong suốt các thập niên 1950 và 60, Hoa Kỳ đã giúp Phi Luật Tân tối đa trên cả hai mặt kinh tế lẫn chính trị để trở thành một trung tâm vận động của vùng Đông Nam Á mà điển hình là các định chế kinh tế, quân sự liên vùng như ADB Asia Development Bank (Ngân Hàng Phát Triển Á Châu), SEATO Southeast Asia Treaty Organization (Tổ chức Minh Ước Liên Phòng Đông Nam Á) đều đặt trụ sở hoặc bộ chỉ huy trung ương tại Manila.

Một trường hợp đặc biệt khác mà tôi muốn đề cập ở đây như một bài học lịch sử là trường hợp của Nhật Bản. Trong đệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ đã từng tiến đánh và nhiều khi chiếm đóng các đảo của Nhật tại Thái Bình Dương để trừng phạt quốc gia này đã tấn công Trân Châu Cảng và hợp tác với Đức Quốc Xã của Hitler.

Sau sự tàn phá khủng khiếp của hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên soái hạm Missouri, đại diện Nhật hoàng ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện trước mặt vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Đội Đồng Minh tại mặt trận Thái Bình Dương là tướng MacArthur. Những Đô đốc, Tướng lãnh, Sĩ quan thường rất kiêu hãnh của quân đội Thiên Hoàng đã để những giọt nước mắt từ từ rơi xuống ngay cả trước mặt quân thù. Đó là những giọt lệ chân thành và chua xót nhất của kẻ chiến bại mà đã một thời từng đánh tan hạm đội Nga Hoàng, từng tốc chiến tốc thắng tại Lư Câu Kiều (Trung Hoa), từng tung hoành oanh liệt khắp vùng Đông Nam Á làm bàng hoàng cả thế giới.

Trước đó, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Hoàng Hiro Hito đã ra lệnh chấm dứt cuộc chiến. Tại các mặt trận, quân đội Thiên Hoàng phải hạ súng, rất nhiều sĩ quan Nhật đã dùng gươm tự sát theo truyền thống của một võ sĩ đạo để đền nợ nước, trả ơn vua và bảo vệ danh dự cùng khí phách của một quân nhân. Lá cờ "mặt trời mọc" từ nay vắng bóng trên bốn bể năm châu, chỉ còn trên mấy hòn đảo xứ Phù Tang nghèo nàn đổ nát.

Trước nỗi đau khổ nhục nhã vô cùng tận của quân dân, Nhật Hoàng đã thống thiết kêu gọi dân chúng Nhật… Hãy chịu đựng cái không chịu đựng nổi và hãy đau khổ cái không đau khổ nổi, và hãy hướng về tương lai. Sau đó Nhật Hoàng cắt một phần đất của Hoàng thành, nơi mà Hoàng gia trải bao đời yêu quí gìn giữ, để tặng lại cho dân chúng như một hành động tạ tội tượng trưng với đồng bào. 

Đối với quân đội chiếm đóng Mỹ, toàn thể dân chúng Nhật đều cố nén uất hận và che dấu căm hờn mà tự nhiên đối xử một cách lễ độ. Hễ gặp một Mỹ kiều, dù là thuộc thành phần quân nhân hay dân sự, họ đều nghiêng mình cúi đầu xuống, chắp tay vái chào theo tục lệ của dân Nhật. Họ không để lộ thái độ thù hận, chống đối quá khích. Khi bị áp lực của Mỹ phải ký Hòa Ước An Ninh Hỗ Tương San Francisco (1951) mà trong đó có điều khoản bắt Nhật không được tái võ trang quá giới hạn phòng vệ, chính giới Nhật Bản vẫn cam chịu để đổ dồn hết ngân sách vào sức mạnh kinh tế. Thái độ ẩn nhẫn có vẻ khiếp nhược đó, một phần do lời kêu gọi "tôn trọng kỷ luật đối với kẻ chiến thắng" của nhà vua, một phần là do tính tình khôn ngoan, cẩn trọng, thức thời, và ý thức chính trị sáng suốt của con cháu Thái Dương Thần Nữ. Họ dìu dắt nhau, chỉ dẫn nhau trong ý thức "thất bại là mẹ thành công" để xây dựng lại quê hương. Chính nhờ triệt để thể hiện cái ý thức khôn ngoan đó mà người Nhật sớm thu lượm được những kết quả đầu tiên vô cùng to lớn mà ngay cả họ cũng không ngờ tới.

Bài học lịch sử đó của dân tộc Nhật Bản là gì nếu không phải là bài học về sự vận dụng sức mạnh của địch cho sự cường thịnh của chính mình. Và đàng sau bài học đó là một bài học rất lớn khác cho chúng ta về lòng yêu nước bằng một quan điểm sáng suốt và bằng một tinh thần thực tiễn, chứ không phải chỉ bằng những xúc động mù quáng của một thứ tự ái dân tộc nhiều lúc rất phản quốc. 

Trường hợp của Nhật Bản cũng như trường hợp của Cộng Hòa Liên Bang Đức, một kẻ cựu thù trong Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã biết mau chóng biến thù thành bạn để cùng xây dựng một khối NATO hùng mạnh hầu ngăn chận sự bành trướng nguy hiểm của Nga Sô. Các nhà lãnh đạo Đức, dù bảo thủ như Adenauer hay chủ xướng Ostpolitik như Willy Brandt, đều biết vận dụng sự yểm trợ của đồng minh lớn Hoa Kỳ để hùng cường hóa đất nước. Và dù quân đội của Mỹ có đóng trên đất Đức, dù hỏa tiễn Pershing II có đặt căn cứ trên lãnh thổ Đức, không ai có thể nói rằng Đức không có chủ quyền, không có độc lập.

Thật trái hẳn với trường hợp của nước ta đã không vận dụng được sức mạnh đó để cứu nước chứ đừng nói đến dựng nước, mà lại còn mất chủ quyền, mất độc lập nữa! Từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Diệm đã không làm nổi một Nhật Hoàng Hiro Hito, một De Gaulle, một Lý Thừa Vãn thì làm sao trách được sau này Nguyễn Văn Thiệu không biến miền Nam thành một chư hầu trong quỹ đạo Hoa Kỳ.

Nêu lên một số sự kiện lịch sử trên đây từ Âu qua Á, từ bạn đến thù, tôi chỉ muốn nói rằng sau Thế Chiến thứ Hai, trước mưu đồ bành trướng của Cộng Sản quốc tế, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ dù là đối đầu (Confrontation), ngăn chận (Containment), hay lật ngược (Rollover, chữ của tạp chí Foreign Affairs), thì cũng đều nhằm đem sức mạnh quân sự, sức mạnh tài lực, sức mạnh kỹ thuật của mình ra mà cứu bạn và xây dựng cho bạn thì mới cứu được mình và mới xây dựng được mình.

Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam từ sau Đệ Nhị Thế Chiến cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Ngay sau Thế chiến thứ nhì, Tổng thống Franklin Roosevelt đã chủ trương yểm trợ cho các phong trào "giải phóng dân tộc" của các quốc gia thuộc địa trong khuôn khổ của phong trào giải thực toàn cầu mà Việt Nam là một thí điểm kiểu mẫu. Ngay trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Đông Dương, ngày 22 tháng 8 năm 1945, một phái đoàn Mỹ gồm năm sĩ quan do Thiếu tá Archimede L. Patti cầm đầu đã nhảy dù xuống vùng thượng du Bắc Việt giúp ông Hồ Chí Minh kháng Nhật, và chính phái đoàn Mỹ này đã về Hà Nội dự lễ Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng khi ông Hồ Chí Minh và Việt Minh để lộ màu sắc Cộng Sản thì phái đoàn Patti được lệnh chấm dứt mọi liên hệ để hồi hương. Cuộc chiến tranh giữa Cộng sản Việt Nam vận dụng dân tộc và thực dân Pháp đội lốt "quốc gia chống Cộng" bắt đầu ngay sau đó. Ngày 29 tháng 12 năm 1947, cựu Đại sứ Hoa Kỳ William Bullit viết trên tờ Life Magazine một bài báo gọi trận chiến tranh Đông Dương là "trận chiến tranh buồn thảm nhất" (the saddest war), ông kêu gọi Pháp phải trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam dù là một Việt Nam do Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo.

Lời kêu gọi của William Bullit tuy ngây thơ nhưng phát xuất từ tâm thức "giải phóng dân tộc", bắt nguồn từ chính cuộc cách mạng lập quốc 1776 giải phóng khỏi ách đô hộ của đế quốc Anh, đã đánh động được dư luận Hoa Kỳ, vì vậy khi Điện Biên Phủ lâm nguy (tháng 5 năm 1954) và khi chính phủ Pháp yêu cầu Hoa Kỳ yểm trợ bằng lực lượng không quân thì Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Foster Dulles từ chối. Quan điểm của Ngoại trưởng Dulles lúc bấy giờ là nếu Pháp muốn Hoa Kỳ cứu viện thì phải chịu hai điều kiện: một là phải trả độc lập hoàn toàn cho thành phần quốc gia Việt Nam không Cộng Sản, và hai là Mỹ phải giành lấy trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến tranh Đông Dương. Tuy nhiên, phần vì chính phủ Anh không chấp thuận việc đồng minh tham chiến tại Đông Dương, phần khác vì cả Pháp lẫn khối Cộng Sản đều muốn giải quyết mau chóng vấn đề Việt Nam nên chủ trương của Ngoại trưởng Dulles đã không được thực hiện.

 Quy ước của Hội nghị Genève 1954 đã tạm thời chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17. Phản ánh đúng đắn đường lối ngoại giao của mình, Hoa Kỳ can thiệp mạnh mẽ vào vấn đề Đông Dương mà cụ thể là giúp ông Diệm về nước để xây dựng một tiền đồn chống Cộng tại Đông Nam Á. Vì tiền đồn đó, nếu muốn đóng vai trò chống Cộng hữu hiệu thì phải thật sự tự do, dân chủ trên mặt chính trị, và phải thật sự hùng mạnh trên mặt kinh tế và quân sự, nên Hoa Kỳ đã không ngại ngùng dùng mọi kế sách và phương tiện để ủng hộ cho miền Nam, kể cả việc không tôn trọng hai điều khoản quan trọng của hội nghị Genève về vấn đề Tổng Tuyển Cử (năm 1956) và về vấn đề quân đội ngoại nhập. Quân viện và kinh viện Hoa Kỳ đổ vào miền Nam như thác đổ, chuyên viên và phương tiện Hoa Kỳ như một kho tàng bất tận cho nhà cầm quyền miền Nam sử dụng; tiếc thay, anh em ông Diệm đã không biết vận dụng sức mạnh đó để bổ túc cho sức mạnh cốt lõi của dân tộc hầu chống Cộng cứu nước và phát triển quốc gia. Đã thế, khi không chống nổi Cộng Sản và trước những áp lực chính đáng của Hoa Kỳ đòi cải tiến chế độ, họ lại phản bội cả dân tộc lẫn đồng minh để thỏa hiệp với chính kẻ thù Cộng Sản. Năm 1963 ông Ngô Đình Nhu đã tuyên bố rất rõ ràng:

"Tôi chống Cộng trên quan điểm ý thức hệ, tôi không phải là người chống Cộng trên quan điểm chính trị hay nhân bản. Tôi xem những người Cộng Sản như anh em, như những con chiên lạc đàn. Tôi không theo đuổi một cuộc thánh chiến chống lại Cộng Sản vì nước tôi chỉ là một nước nhỏ bé. Chúng tôi chỉ muốn sống  trong hòa bình" [2].   

Ở đây tôi không bàn đến sự nông cạn trí thức của ông Nhu về ý thức hệ Cộng Sản khi tách phạm trù chính trị và nhân bản ra khỏi ý thức hệ này; tôi cũng không cần bàn đến sự ngây thơ chính trị rất chủ quan của ông Nhu khi cho rằng vì là một nước nhỏ bé nên không chống Cộng, tôi cũng chưa nhắc lại tại sao năm 1955 anh em ông Diệm không chịu thực hiện một quy chế Trung lập Hòa bình cho miền Nam mà nay lại muốn thỏa hiệp với Cộng Sản để được hòa bình, mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến lập trường của ông Nhu, người lãnh tụ chính trị thực sự của miền Nam tự do, qua chính lược không chống Cộng Sản nữa vì họ là người "anh em". Trước khi đi sâu vào sự thay đổi đột ngột về lập trường của ông Nhu và sau khi đã nhìn một cách tổng lược và khái quát về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với các quốc gia thân hữu hoặc đồng minh, đặc biệt là Việt Nam, tôi xin trở lại với nguyên nhân thứ ba là sự căng thẳng trong mối bang giao ruột thịt giữa chính quyền Mỹ và chế độ Ngô Đình Diệm.

Để hiểu thêm về bản chất và cường độ thực sự của tình trạng căng thẳng này, tôi xin được trình bày một số sự kiện liên hệ đến chính sách của các chính quyền Mỹ đối với chế độ Ngô Đình Diệm, một chính sách đặt nặng tính khuyến cáo xây dựng để chính phủ Diệm sửa sai hầu phát huy chính nghĩa chống Cộng hơn là áp lực độc đoán để tước đoạt chủ quyền của miền Nam:

- Thứ nhất là sự kiện thay đổi một vị Đại sứ trực tính và nhằm phục vụ cho miền Nam bằng một vị Đại sứ mềm dẻo hơn và chỉ muốn làm hài lòng ông Diệm.

Ngay từ năm 1957, vị Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là ông Ellridge Durbow đã thấy ông Diệm tiến hành một chính sách độc tài trong việc quản trị miền Nam cũng như đã hành xử một cách quan liêu phong kiến, khiến cho nhân dân bất mãn và làm đình trệ các chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Ông Durbow cũng đã thấy được thái độ lộng quyền thất nhân tâm và phản tuyên truyền của bà Nhu, nên đã khuyến cáo ông Diệm nhiều lần. Đặc biệt ông đề nghị giảm bớt các hình thức làm dân bất mãn và tạo cơ hội cho địch tuyên truyền như giảm thiểu đoàn xe hộ tống đông đảo ồn ào, như đừng bắt dân bỏ công ăn việc làm cả ngày để chờ chực đón chào Tổng thống, như không nên ngồi chễm chệ trên ghế bành đặt trên thuyền để sĩ quan lội nước đẩy thuyền. Ông cũng khuyên nên để bà Nhu ra nước ngoài một thời gian hầu xoa dịu lòng căm phẫn của dân chúng.


Xin bấm vào link để đọc tiếp


http://sachhiem.net/HOANHLINH/VNML16.php



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment