17 March 2011

Thế giới lo lắng cùng Nhật Bản

Thế giới lo lắng cùng Nhật Bản
 
Ngô Nhân Dụng

 

Thế giới xúc động trước ba thảm kịch đến với người Nhật: Ðộng đất, sóng thần tsunami, rồi phóng xạ nguyên tử đang đe dọa. Nhưng không ai nói mình thương hại dân Nhật; như trước đây nghe tin động đất ở Haiti hoặc bão lụt ở Miến Ðiện. Nhật Bản là một dân tộc được kính trọng, không chờ đợi được ai mở lòng thương hại. Họ sẽ cắn răng nhẫn nhục, đứng dậy ngay để xây dựng lại giữa cảnh tàn phá. Trong tinh thần kỷ luật, đức tự tin, chia sẻ, đùm bọc nhau, và trên dưới một lòng.

Cũng giống như năm 1945, người Nhật đã cho cả thế giới thấy câu "không lấy thành bại mà luận anh hùng" rất đúng. Chưa đầy dăm bẩy năm sau khi thua trận, vua và dân nước Nhật đã nghiêm chỉnh thi hành bản hiến pháp dân chủ hóa, xó bỏ chế độ quân chủ cổ truyền. Xe Honda bắt đầu được xuất cảng. Akira Kurosawa lại làm phim khiến cả thế giới kinh ngạc; Kawabata vẫn ngồi viết những tiểu thuyết rồi được tặng Giải Nobel.

Bây giờ, Nhật Bản lo sẽ gặp rất nhiều khó khăn kinh tế trong vài năm sắp tới. Nhưng cả thế giới cũng lo ngại. Vì khi guồng máy cường quốc kinh tế thứ ba này tạm ngưng chạy một thời gian thì kinh tế toàn cầu sẽ bị ngưng trệ. Trong bài này chúng tôi sẽ chú ý đến những mối lo lắng đó.

Mối lo biểu lộ qua thị trường chứng khoán: Chỉ số Nikkei của thị trường Tokyo ngày Thứ Hai mở ra lần đầu sau trận động đất đã mất hơn 6%, ngày hôm sau lại tụt giảm hơn 10% khi nghe tin về phóng xạ nguyên tử. Trong hai ngày thị trường Tokyo đã xóa đi khoảng 620 tỷ đô la Mỹ tổng cộng giá trị cổ phần của các công ty, lớn hơn 6 lần Tổng Sản Lượng Nội Ðịa của Việt Nam trong năm 2010.

Ảnh hưởng trên thế giới thấy rõ ràng khi giá dầu lửa sụt giảm. Giá xuống 97 đô la một thùng, mà tuần trước có lúc đã lên tới 115 đô la Mỹ. Cùng với dầu lửa, các kim loại như vàng, bạc, đồng đều xuống giá vì mọi người chờ đợi các xí nghiệp sẽ bớt hoạt động và người ta bớt tiêu thụ ở khắp nơi. Các thị trường Thượng Hải ở Trung công, Hang Seng ở Hồng Kông, DAX ở Ðức đều xuống từ một rưỡi đến 3%. Tại Mỹ, Chỉ số Dow Jones mất 51 điểm trong ngày Thứ Hai, sáng Thứ Ba khi mới mở cửa đã sụt 300 điểm rồi lên lại, sau cùng chỉ mất 138 điểm; trong 2 ngày đã giảm hơn 1%. Chỉ có thị trường Bolsa ở Mexico giảm rất nhẹ, nửa phần trăm.

Hậu quả kinh tế trực tiếp, tính trên những thiệt hại vật chất do sự tàn phá của động đất và sóng thần sẽ lên tới 73 tỷ Mỹ kim. Cộng thêm những thiệt hại do các tai họa trên gây ra vì hoạt động kinh tế cả nước Nhật bị ngưng trệ thì tổng số có thể lên tới 183 tỷ Mỹ kim, bằng hơn 3% GDP nước Nhật. Có thể so sánh với với trận động đất ở Kobe trước đây, khi đó tổng số thiệt hại kinh tế vào khoảng 100 tỷ. (Trận bão Katrina ở Mỹ đã gây thiệt hại kinh tế khoảng 45 tỷ đô la, nhưng chỉ bằng 3 phần mười của một trăm GDP của Mỹ). Kobe là một hải cảng nằm tại trung tâm các vùng công nghiệp của Nhật Bản cho nên ảnh hưởng trên thiệt hại kinh tế rất nặng trong khi lần này động đất xẩy ra tại một vùng mà số công nghiệp quan trọng không nhiều bằng. Số thiệt hại về nhân mạng ở Nhật lớn hơn lần trước: Năm 1995 động đất ở Kobe làm chết 6,000 người; lần này đã kể tới con số 10 ngàn người chết và hàng chục ngàn người khác mất tích, với nửa triệu người mất nhà cửa.

Ngay sau khi có tin động đất, giới đầu tư quốc tế đã "bỏ chạy" khỏi thị trường Nhật Bản vì biết kinh tế nước này sẽ giảm sụt tức khắc. Nhiều người rút tiền ra, bán các chứng khoán rồi đua nhau đổi đồng yen lấy đô la Mỹ, khiến cho giá đồng yen tăng lên nhanh. Nhưng ngay sau đó, dòng tiền tệ đã đổi chiều. Nước Nhật cần tiền, các công ty và chính phủ Nhật Bản phải rút tiền đầu tư ở nước ngoài về; họ cũng bán các chứng khoán rồi đổi tiền Euro hay Mỹ kim lấy yen. Giá đồng yen lại tăng lên.

Trước trận động đất này, người Nhật đang giữ trong tay 882 tỷ đô la các trái khoán và công trái của Mỹ, gần 10% tổng số nợ của nước Mỹ. Khi cần tiền người ta đem bán các công trái sớm nhất, vì đó là thứ chứng khoán có thị trường lưu hoạt, tức là dễ bán, bán được nhanh nhất. Năm 1995 sau trận động đất Kobe, các công ty bảo hiểm Nhật Bản đã đem bán công trái ngắn hạn của Mỹ vì họ cần tiền bồi thường các thân chủ. Năm nay, số tiền bồi thường sẽ còn lớn hơn nữa.

Nhiều người có thể lo rằng khi người Nhật đua nhau rút tiền về nước thì giá công trái Mỹ và trái khoán nói chung sẽ sụt giảm. Trong thị trường trái khoán (giấy nợ), khi giá giảm xuống tức là lãi suất thật tự động tăng lên. Nhưng trong ngày hôm qua, điều đáng chú ý là giá các công trái của chính phủ Mỹ lại lên cao; tức là lãi suất, luôn đi ngược chiều, đã giảm. Lý do chính vì thị trường cổ phiếu trên cả thế giới đang tụt xuống. Khi thấy tương lai việc đầu tư vào các cổ phiếu có vẻ ít lời vì kinh tế yếu đi, giới có tiền đã bán bớt cổ phiếu để đi tìm nơi "trú ẩn an toàn." Và cho tới nay vẫn không món đầu tư nào được coi là an toàn hơn là giấy nợ của chính phủ Mỹ.

Ảnh hưởng của động đất trên nền công nghiệp của nước Nhật sẽ rất nặng, đặc biệt là xe hơi. Những công ty Nhật nổi tiếng như Toyota, Honda, và cả Sony đều phải tạm ngưng sản xuất. Các nhà máy của Toyota, Honda không bị thiệt hại bao nhiêu nhưng hệ thống sản xuất các món đồ để ráp thành chiếc xe hơi bị ngưng trệ. Một chiếc xe hơi cần có từ 20 ngàn đến 25 ngàn món phụ tùng để ráp thành; chỉ cần một phần nhỏ trong số đó ngừng không cung cấp là cả hệ thống phải đứng lại. Các công ty xe hơi Nhật đã phân tản việc sản xuất ra khắp thế giới nên ảnh hưởng được giảm nhẹ. (Thị trường xe hơi ở Mỹ chắc không thấy ảnh hưởng quan trọng, vì các nhà bán xe ở Mỹ thường giữ đủ số xe bán trong 30 ngày. Không ai lo các hãng xe và phụ tùng xe ở Nhật Bản sẽ phải đóng cửa cả tháng).

Nói chung, tài sản của nhiều xí nghiệp và tư nhân Nhật Bản đã bị mất mát nặng. Người ta lo số tiêu thụ vốn rất thấp của dân Nhật sẽ còn giảm nữa. Nhu cầu kích thích kinh tế rất gay gắt. Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản không thể giảm bớt lãi suất nhiều nữa; vì hiện đã ở mức gần số không. Nhưng họ đã phản ứng nhanh chóng bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế, qua hệ thống ngân hàng thương mại, để kích thích tiêu thụ và sản xuất. Ngày Thứ Hai họ đã mua 15 ngàn tỷ yen các chứng phiếu ngắn hạn, khoảng 184 tỷ đô la. Ngày Thứ Ba lại đổ thêm 8 ngàn tỷ yen, 98 tỷ đô la nữa, vào thị trường tiền tệ.

Một điều mọi người lo ngại là tinh thần kinh doanh của dân Nhật sẽ bị ảnh hưởng. Vì trước một thiên tai lớn lao, trông thấy con người nhỏ bé trước thiên nhiên, ai cũng sinh lòng dè dặt và e ngại trước các mối rủi ro khác. Một sức mạnh của kinh tế thị trường là óc mạo hiểm của người đầu tư. Nếu người ta sợ rủi ro hơn trước thì công cuộc phục hồi kinh tế sẽ chậm trễ.

Mọi người có thể làm an lòng là trong cơn nguy khó, chính phủ Nhật đã chứng tỏ họ có khả năng đứng mũi chịu sào. Ông Thủ Tướng Naoto Kan đã có mặt tại những nơi nguy hiểm và xuất hiện trên ti vi nhiều lần để trấn an dân chúng. Chính phủ của ông đang ở thế yếu, sau khi ông bộ trưởng Ngoại Giao từ chức vì xì căng đan, và tuần trước ông vẫn bị báo chí cũng như phe đối lập chỉ trích nặng nề. Nhưng khi có động đất thì tất cả người Nhật đã bỏ qua những bất đồng ý kiến để cùng nhau xây dựng lại. Chính phủ Naoto Kan có thể đứng vững thêm nhiều tháng nữa.

Thử thách của ông Kan là việc phục hưng kinh tế; nhưng ông có thể làm nhiều hơn thế nữa. Nhiều người thấy trận động đất mới này có thể là một cơ hội để "câu điện" cho bộ máy Nhật Bản chạy lại (jump-start). Trong khi đó, người lãnh đạo Nhật có thể thay đổi cơ cấu nền kinh tế mà không lo bị các phe nhóm quyền lợi ngăn cản.

Kinh tế Nhật đã trì trệ từ hơn hai chục năm nay, vì cơ cấu nặng nề cổ lỗ. Nước Nhật chỉ chú trọng đến xuất cảng, việc tiêu thụ trong nước bị coi nhẹ. Từ năm 2008 đến nay Nhật Bản vẫn sống trong khung cảnh kinh tế trì trệ, giá cả bị đe dọa với mối nguy giảm phát (khiến mọi người ngưng tiêu thụ để chờ giá xuống sẽ mua); tình trạng lương bổng ngưng không lên (một nguyên do nữa khiến số tiêu thụ giảm) và chính phủ càng ngày càng mang nợ nhiều hơn (số nợ lớn gấp đôi GDP, nhưng may mắn đa số chủ nợ là người Nhật Bản chứ không phải nước ngoài). Các đại công ty, ngân hàng và bộ máy hành chánh của nhà nước cùng lo bảo vệ quyền lợi của nhau, không chịu thay đổi nhanh chóng. Nước Nhật Bản cần những luật lệ mới để kích thích cạnh tranh trong thị trường nội địa, thay đổi các thủ tục hành chánh để giảm bớt quyền giới thư lại, tăng quyền tự do cho giới kinh doanh.

Ðối với người Ðông phương, các thiên tai thường là điềm xấu, cho thấy những người đang cầm quyền đang làm phật lòng "trời đất." Năm 1855 một trận động đất lớn xẩy ra trước khi chính quyền Mạc Phủ Tokugawa sụp đổ. Sau trận động đất năm 1923, giới quân phiệt ở Nhật bắt đầu lên, tiến tới giai đoạn xâm lăng xưng bá xưng hùng, rồi gây ra cuộc đại chiến đưa tới bại trận.

Nhưng trong nghề bói toán người ta có thể giải thích các hiện tượng trên theo cách khác. Có thể nói trận động đất năm 1855 thay đổi chính trị để chuẩn bị công cuộc duy tân của thời Minh Trị Thiên Hoàng. Cũng có thể nói trận động đất năm 1923 mở đầu công cuộc kỹ nghệ hóa nước Nhật.

Việc tái thiết nước Nhật sau trận động đất năm nay sau cùng có thể là một cơ hội để đưa nền kinh tế Nhật Bản lên cao, chứ không phải chỉ chịu cảnh tàn phá. Bao nhiêu vốn liếng được hồi hương để đầu tư. Bao nhiêu người sẽ có việc làm thêm vì công việc nhiều quá, riêng việc xây cất không thôi đã đủ kích thích kinh tế hàng chục năm. Thủ tục, luật lệ sẽ phải được nới lỏng cho thị trường chạy nhanh hơn, thay vì phải chờ các bàn giấy nhà nước từ từ cứu xét rồi mới đóng con dấu. Tất cả sẽ thúc đẩy kinh tế lên nhanh. Người Nhật Bản cũng nhìn thấy đây là một cơ hội để thay đổi mạnh và lâu dài.

Nếu ông Thủ Tướng Naoto Kan đủ đảm lược ông có thể đưa ra những biện pháp cải tổ mạnh mẽ để thay đổi cơ cấu tài chánh và hành chánh nước Nhật, mở đầu một thời kỳ thịnh vượng mới. Muốn vậy, ông phải vượt qua những chướng ngại do những nhóm có quyền lợi riêng bày đặt ra, từ hai chục năm nay. Các ngân hàng rất ngần ngại không muốn cải tổ. Giới quan chức thư lại không muốn giảm bớt quyền. Ðảng Dân Chủ Tự Do đã nắm quyền nửa thế kỷ từ sau đại chiến, họ có những quyền lợi tương đồng với hai giới trên. Ông Naoto Kan phải thuyết phục được dân chúng Nhật để "đổi mới kinh tế!" Vì hơn 20 năm trì trệ kể từ sau trận động đất Kobe đã quá dài. Nếu không thì ông đáng được dân Nhật cho về nghỉ hưu sớm nội trong năm nay.


Ngô Nhân Dụng



Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment