08 March 2011

Vài suy nghĩ về cuộc cách mạng hoa lài

Vài suy nghĩ về cuộc cách mạng hoa lài

Trương Nhân Tuấn

Các cuộc cách mạng tại Tunisie, Egypte xảy ra đều có điểm chung : thành phần chủ đạo của các cuộc xuống đường là thành trí thức phần trẻ, không tham gia đảng phái chính trị. Vũ khí của họ là facebook, điện thoại di động. Nói chung là internet. Điểm đáng chú ý khác là hầu hết các biểu ngữ xuống đường đều có nội dung đơn giản và dứt khoát : đòi hỏi chấm dứt chế độ. Hiếm thấy biểu ngữ nào yêu cầu dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận... Việc tương tự đang xảy ra tại các xứ Ả Rập khác.

Điều này xem ra rất thực tế, đáng được cho tuổi trẻ các nước độc tài khác lưu tâm. Bởi vì dân chủ chỉ có thể bắt đầu khi chế độ độc tài cáo chung.

Nguyên nhân cuộc biểu tình tại Tunisie bắt đầu bằng việc tự thiêu của một người bán rau. Người này bị cảnh sát bức hiếp như đòi phải trả tiền hối lộ mới được tiếp tục bán. Khi xe bán rau bị tịch thu, người này khiếu nại lên các cấp trên, nhưng cũng không được giải quyết. Uất ức, người này tự thiêu trước tòa Tỉnh để phản đối. Tại Tunisie, nạn tham nhũng, quan chức ức hiếp dân đen, xã hội bất công… đã trở thành nếp sống. Công lý như thế bị chà đạp. Trong khi tầng lớp quan quyền thì cuộc sống đế vương, còn người dân đen thì đồng lương làm ra bữa nào xài đủ cho bữa đó. Xã hội như thế trở thành một « lò thuốc súng » có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Người ta nói « nơi nào có áp bức là nơi đó có đấu tranh ». Vấn đề là khi nào « áp bức » vượt quá mức độ cho phép để xã hội bùng nổ.

Nhưng nguyên nhân cốt lõi lại đến từ các việc tầm thường khác. Không có các việc này, giả sử có 10 người bán rau tự tử cuộc cách mạng vẫn chưa chắc xảy ra.

Thứ nhất là vấn đề vật giá leo thang. Giá nhu yếu phẩm tại các nước Ải Rập trong vòng một tháng mà lên 100%, trong khi tiền lương vẫn đứng nguyên.

Nguyên nhân việc nhu yếu phẩm tăng giá trước hết là do thiên nhiên. Hè năm 2010 đặc biệt nóng, nhất là tại xứ Nga. Hạn hán tại đây làm cho nông nghiệp mất mùa, lúa mì thất thâu nặng. Nước Nga từ một nước xuất khẩu lớn, lại trở thành một nguồn nhập lúa mì quan trọng. Lương thực trên thế giới đầu năm 2011 trở nên thiếu. Theo luật « cung, cầu », khi mức « cung » ít đi hay mức « cầu » tăng lên thì giá cả sẽ gia tăng. Nhưng nạn « đầu cơ » trên thị trường thế giới đã làm cho giá cả lương thực tăng cao hơn. Tháng giêng năm 2011 các nước Ả Rập, phần lớn lương thực chính ở đây là lúa mì, giá lương thực trong vài ngày tăng 50%, sau đó 80%, thậm chí 100%. Kết quả làm cho người dân các nước này trở nên ngèo, tiền lương không đủ sống. Thành phần nghèo trong các xã hội tại đây lại chiếm phần lớn dân số.

Thứ hai là mô hình phát triển của Tunisie đã phá sản, mặc dầu mô hình này được sự « khen ngợi » của FMI hay các định chế tài chánh quốc tế. Việc tăng trưởng GDP không liên quan gì đến việc cơm no áo ấm của đại đa số người dân. Đây cũng là mô hình phát triển của Trung Quốc cũng như của nhiều xứ độc tài khác. Mới đây, đại hội đảng CS Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo đã có những tuyên bố về sự phát triển thiếu đồng bộ tại TQ cũng như nhiều vấn đề bất công xã hội khác. Ông này đã thấy được nguyên nhân đưa đến cách mạng « hoa lài » tại Tunisie do đó đã có những ý kiến nhằm chặn đầu, hy vọng xoa dịu nỗi bất bình chỉ mong chờ ngày bùng nổ của dân chúng TQ.

Mô hình kinh tế phá sản của Tunissie có thể thấy được qua việc tỉ lệ thất nghiệp rất cao của lớp trẻ vừa tốt nghiệp đại học. Con số này năm 2000 là 20% ; năm 2010 là 50%. Người bán rau tự thiêu châm ngòi cho cuộc cách mạng xảy ra cũng là một trí thức khoa bảng tốt nghiệp đại học nhưng không có việc làm.
Một đất nước mà số trí thức khoa bảng mới đào tạo thất nghiệp đến 50% cho thấy những nhà lãnh đạo hoàn toàn bất tài. Nói chung là lãnh đạo nước này đã không có một chiến lược phát triển đúng đắn phù hợp.

Cuộc cách mạng xảy ra hoàn toàn do tuổi trẻ tự lãnh đạo. Cuộc cách mạng thành công vì bộc phát đúng thời điểm. Người dân nghèo bất mãn trước nạn vật giá gia tăng do đó đông đảo xuống đường tham gia biểu tình, góp phần lớn lao cho cuộc cách mạng thành công. Ở đây sự bất mãn của giới trẻ và mọi tầng lớp trong xã hội giống nhau : người lãnh đạo. Các cuộc biểu tình ôn hòa không hề có đòi hỏi về chính trị như dân chủ, nhân quyền, mà chỉ đơn giản đòi hỏi người lãnh đạo từ chức. Đòi hỏi này hoàn toàn chính đáng vì người lãnh đạo đã không làm tròn được nhiệm vụ của mình. Khi người lãnh đạo không làm tròn bổn phận thì cũng đánh mất luôn tư cách lãnh đạo (hay thiên mạng). Giả sử, khẩu hiệu của những người trẻ này là đòi hỏi « dân chủ », « nhân quyền »… những yêu cầu nặng về chính trị, thì chưa chắc được sự ủng hộ đông đảo của hầu hết dân chúng trong xã hội. Hơn nữa, nếu nhóm (hay người) lãnh đạo đáp ứng các đòi hỏi của quần chúng (về dân chủ, nhân quyền…) thì vấn đề vẫn không giải quyết. Bởi vì các vấn nạn đã đem đến hiện trạng cho các nước độc tài Ả Rập (và một số nước khác) là người (hay nhóm) lãnh đạo, tức các việc điều hành quốc gia và tổ chức xã hội. Hiện nay ở một số nước Ả Rập khu vực Trung Đông, những người lãnh đạo tự động tuyên bố cởi mở về dân chủ, đây là một mục tiêu chính trị hy vọng tránh được một cuộc cách mạng như tại các xứ Bắc Phi. Một điều quan trọng khác đưa đến cuộc cách mạng thành công là thái độ « trung lập » của quân đội. Đây là một điểm son cho những cấp chỉ huy quân đội các nước Ả Rập. Vì họ ý thức rằng quân đội chỉ nhằm bảo vệ dân và bảo vệ đất nước chứ không phải để bảo vệ một chế độ chính trị thối nát với những nhà độc tài bạo tàn.

Nhiều người cho rằng cuộc cách mạng xảy ra là do niềm tự hào của dân tộc Ả Rập bị chà đạp hay bị thách thức. Thực ra, niềm tự hào của người Ả Râp đã bị thách thức từ khi đế quốc Ottoman sụp đổ trước những phát minh khoa học kỹ thuật của Tây Phương, vào cuối thế kỷ 19, chấm dứt qua Thế chiến thứ I. Niềm tự hào của họ cũng bị thách thức khi tất cả các chế độ được thiết lập trên nên tảng văn hóa Hồi Giáo (với các tín điều Charia) đều không thành công (như tại Iran, Afghanistan, Soudan…), nếu không nói là suy kém. Trong khi các đảng phái (Hồi giáo) khác thì chia rẽ.

Cuộc cách mạng của tuổi trẻ Ả Rập thành công hôm nay không phải vì họ « tự hào » hơn cha anh của họ. Tuổi trẻ hôm nay thành công vì họ có « ngôn ngữ » và cách thức làm việc riêng của họ mà « người lớn hay người làm chính trị không làm được. Các tổ chức chính trị hay tôn giáo không hề có ảnh hưởng chút nào đến các cuộc cách mạng này. Tôi tin rằng tuổi trẻ Ả Rập hay tuổi trẻ Việt Nam cũng đều như nhau. Họ có tiếng nói riêng của họ. Họ có những rung động riêng mà « người lớn » hay người làm chính trị chưa thấy ai giải mã được. Các chế độ tương lai của các nước này là đáp số của cuộc cách mạng (hoa lài).

Nhiều người hiện nay cũng vội cho rằng « chính phủ cách mạng » ở Tunisie « sụp đổ » khi thấy ông thủ tướng Mohamed Ghannouchi từ chức. Thật là một sai lầm lớn khi nói đến một « chính phủ cách mạng » tại Tunisie và Ai Cập. Tại các nước này, cuộc cách mạng dân chủ thành công không hề dựa trên một đảng phái chính trị hay một thế lực tôn giáo nào. Do đó không hề có « chính phủ cách mạng ». Bộ máy nhà nước vẫn còn, tuy mất đầu, nhưng vẫn sinh hoạt theo những điều đã được hiến pháp qui định. Hơn nữa đây là một cuộc cách mạng đúng nghĩa tự phát. Người dân sẽ phản đối cho tới khi có một chính phủ mà theo họ là xứng đáng. Nhưng đôi khi việc này lại gây khoảng trống chính trị cho Tunisie mà đây là điều không tốt cho nền kinh tế.

Ông Mohamed Ghannouchi là một lãnh tụ Hồi Giáo lưu vong (20 năm tại Anh), nguyên là lãnh đạo đảng Ennahda (có nghĩa là Tái Sinh). Ông này chỉ là phụ trách lãnh đạo một chính phủ chuyển tiếp, do quốc hội tạm thời chỉ định, hay theo đúng các điều lệ của hiến pháp, để bảo đảm sự liên tục của nhà nước. Một cuộc bầu cử sẽ xảy ra, có lẽ vài tháng nữa, sẽ chỉ định ai là người lãnh đạo chính đáng (légitime) tại Tunisie (và Ai Cập). Nhưng việc ông Mohamed Ghannouchi từ chức cho thấy ảnh hưởng của Hồi Giáo không lớn trong xã hội Tunisie. (Tương tự như ở Ai Cập. Nhóm Hồi Giáo có thế lực ở đây là nhóm Hồi Giáo Anh Em – Les Frères Musulmans thì không hề được sự ủng hộ của dân chúng. Tiếng nói của đại diện tổ chức này thường bị phản đối trong các buổi mít tinh). Việc này cho thấy đe dọa về Hồi giáo hiện nay chưa đáng lo ngại.

So sánh với Việt Nam, ta thấy cũng có nhiều điểm đáng nói.

Hiện nay có một số nhân sĩ, đảng phái chính trị kêu gọi người dân xuống đường đòi hỏi dân chủ, nhân quyền. Tôi e rằng sẽ khó thành công.

Ta thấy lãnh đạo các nước Ả Rập cũng tương tự như đảng đang lãnh đạo tại VN. Họ đã tự đánh mất tính chính thống của người lãnh đạo. Khi họ không làm tròn được các việc như lo cơm no áo ấm cho người dân, tạo công ăn việc làm cho người dân… họ đã đánh mất tư cách lãnh đạo. Riêng VN thì còn tệ hơn, không những họ không lo được cơm no áo ấm, công ăn việc làm cho người dân mà họ còn không bảo vệ được sự vẹn toàn của lãnh thổ. Mặt khác, cái nghèo đói và chậm tiến tại VN là do đảng CSVN gây ra. Nếu không có đảng CSVN thì dân mình đâu đã nông nỗi ? Tính chính thống mà đảng CSVN tự nhận là họ có tư cách duy nhất để lãnh đạo là một điều láo khóet, bịp bợm từ hơn 60 năm nay. Tại sao lại không bỏ công giải thích cho mọi người hiểu về sự láo khóet này ? Khi mọi người dân biết rằng đảng CSVN không có (hay không còn) tư cách lãnh đạo nữa thì họ sẽ lật đổ đảng này xuống mà thôi. Điều khó là làm thế nào để nói lên sự thật cho người dân khi mà người dân, kể cả thành phần tinh hoa, vẫn còn mông muội (ignorance) trong cái ảo tưởng rằng họ là một trong những dân tộc « hạnh phúc » nhất trên thế giới ?

Riêng tôi thì nghĩ rằng, cuộc cách mạng dân chủ sẽ đến Trung Quốc trước, sau đó mới đến VN. Dân tộc TQ là một dân tộc lớn, nền văn minh của họ, tương tự nền văn minh Ả Rập, đã từng sáng chói hơn mọi nền văn minh khác trên thế giới. Trí thức và người dân TQ có truyền thống thường nổi dậy lật đổ chính quyền. Tôi cho rằng cách mạng dân chủ sẽ đến TQ vì lòng tự hào của trí thức và người dân nước này, hơn là những tuyên truyền hay giật dây đến từ bên ngoài. Thời điểm của cuộc cách mạng này sẽ là lúc mô hình kinh tế Trung Quốc sụp đổ mà việc này có thể đến trong một thời gian gần đây. Các yếu tố gia tăng giá cả về nguyên liệu và năng lượng hiện nay có thể là tiếng chuông báo hiệu, vì sẽ khiến cho các mặt hàng của TQ không còn năng lực canh tranh (vì giá cao), mà xương sống nền kinh tế nước này là xuất khẩu, do đó kinh tế sẽ suy thoái. Việc này chắc chắn đưa đến khủng hoảng xã hội nếu chính sách kinh tế ngũ niên « hướng nội » vừa được đảng CSTQ đề ra không sớm thành công. Một cuộc cách mạng chắc chắn sẽ xảy ra. Mà lịch sử nước này, tương tự như lịch sử VN, mỗi lần thay đổi chế độ chính trị là một lần có đổ máu lớn. Hai đảng CSVN và đảng CSTQ đã thấy thông lệ của lịch sử do đó cố tìm cách trấn áp mọi phản đối của người dân. Nhưng việc này sẽ là vô vọng : không sức lực nào ngăn được sức bật dậy của những người dân khi mọi hy vọng của họ về tương lai đều bị tập đoàn cầm quyền tước đoạt.


TNT


Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment