23 March 2011

Nhìn Nhật Bản, nghĩ về những rủi ro của nguyên tử

Nhìn Nhật Bản, nghĩ về những rủi ro của nguyên tử

Nguyễn Hưng Quốc  Thứ Ba, 22 tháng 3 2011

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản chuẩn bị dọn dẹp một khu vực bị ảnh hưởng bức xạ ở Nihonmatsu, quận Fukushima
Hình: REUTERS
Đọc báo chí tiếng Anh và tiếng Việt viết về các thảm họa tại Nhật hiện nay, tôi nhận thấy, ngoài sự quan tâm chung đến diễn tiến của tình hình với những con số mất mát từ vật chất đến nhân mạng, có một sự khác biệt đáng chú ý: trong khi người Việt chú ý nhiều đến những bài học về văn hóa ứng xử, như sự bình tĩnh, can đảm, kỷ luật và vị tha của người Nhật; người ngoại quốc lại bàn cãi nhiều về một vấn đề khác: sự hiện diện của các lò điện hạt nhân.

Ở khắp nơi, người ta đều đặt vấn đề: Nên hay không nên xây dựng các lò điện hạt nhân? Nếu đã xây thì độ an toàn của các lò ấy ra sao, có cần phải sửa chữa hay nâng cấp không? Nếu đang xây thì có nên tiếp tục và tiếp tục như thế nào? Còn nếu chưa thì nên bắt đầu hay ngưng, hoặc, thậm chí, hủy hẳn các dự án ấy? v.v...

Các cuộc thảo luận không chỉ giới hạn trong phạm vi giới trí thức mà còn lan rộng sang cả các nhà cầm quyền. Trước sự lo ngại chính đáng của dân chúng cũng như trước bài học nhãn tiền tại Nhật, chính phủ nhiều nước tuyên bố dứt khoát: một, sẽ kiểm tra lại tất cả các nhà máy điên hạt nhân đã có; hai, sẽ gác hoặc tạm gác các dự án liên quan đến điện hạt nhân đang được chuẩn bị.

Nói chung, ở đâu cũng thấy nổi lên một thái độ dè dặt và rất thận trọng trước cái nguồn điện lực vừa cần thiết lại vừa đầy nguy hiểm ấy.

Trừ Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam tuyên bố: họ vẫn tiếp tục dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân để có thể đi vào hoạt động vào năm 2020 như dự trù. Lý do, theo lời ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, thứ nhất, đó là quyết định mang tính chiến lược của nhà nước nên không thể thay đổi được; thứ hai, Việt Nam sẽ chọn kỹ thuật cao hơn, do đó, sẽ an toàn hơn Nhật Bản. Ông Tấn phân tích kỹ hơn các yếu tố bảo đảm sự an toàn ở các nhà máy điện hạt nhân sắp được xây dựng của Việt Nam: một, chọn công nghệ an toàn; hai, chọn địa điểm an toàn; và ba, quản lý một cách an toàn.

Với ngành nguyên tử học, tôi là kẻ ngoại đạo, hoàn toàn ngoại đạo, nhưng thành thực mà nói, tôi cảm thấy những luận điểm ông Vương Hữu Tấn nêu ra không hoàn toàn thuyết phục.

Thứ nhất, đồng ý nhà nước không thể cứ thay đổi chiến lược một cách xoành xoạch như thay áo. Tuy nhiên cũng không thể nhân danh tính chất lâu dài ấy mà cứ khư khư theo đuổi một chiến lược nào đó bất chấp những nguy cơ thất bại và thiệt hại không những cho quốc gia mà còn cho cả quốc tế, không những trong lãnh vực kinh tế mà còn cả trong lãnh vực y tế và sinh mạng của con người. Tại sao không thể tạm dừng lại để tìm hiểu thêm hay cân nhắc thêm? Hoặc nếu không, tại sao không để giới trí thức và giới chuyên môn bàn thảo thêm cho kỹ lưỡng?

Thứ hai, về sự an toàn, các công nghệ mới đã đành là an toàn hơn các công nghệ cũ, cách đây cả mấy chục năm, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng an toàn hẳn. Người Nhật, khi xây các lò điện hạt nhân ở Fukushima cách đây mấy chục năm, đã dự tính đến nạn động đất, nhưng điều họ không ngờ là động đất lại có cường độ mạnh đến như vậy. Mà đó lại là điều khó tiên đoán nhất. Theo nhiều bình luận gia, một trong những bài học lớn nhất có thể rút ra từ những tai họa và tai biến ở Nhật lần này là: không có bất cứ một sự chuẩn bị nào có thể được xem là đầy đủ cả. Xin lưu ý là, theo sự ghi nhận của các nhà nghiên cứu, trong những thập niên gần đây, nhịp độ và cường độ của các thiên tai như động đất, sóng thần, lũ lụt và núi lửa, càng lúc càng nhiều, càng dồn dập và càng dữ dội hơn hẳn trước kia. Cứ theo nhịp độ và cường độ ấy, ai biết trước được những gì sẽ xảy ra trong vài thập niên sắp tới?

Hơn nữa, về sự an toàn của địa điểm, nơi được chọn để xây các lò điện hạt nhân là tỉnh Ninh Thuận, với dân số tương đối ít, khoảng hơn nửa triệu. Nhưng nếu xảy ra sự cố, phóng xạ sẽ không dừng lại với hơn nửa triệu con người bất hạnh ấy mà còn lan rộng sang nhiều tỉnh và thành phố khác, cách đó cả hàng trăm cây số. Bởi vậy, cái gọi là an toàn của địa điểm ở đây chỉ có ý nghĩa rất tương đối. Hơn nữa, trong lịch sử, vùng đất Ninh Thuận cũng đã từng bị sóng thần ghé "thăm". Đã "thăm" một lần, nó có thể thăm lần khác nữa. Và cũng không ai có thể đoán được là cường độ của lần 'thăm" tới sẽ như thế nào.

Nhưng quan trọng nhất trong việc bảo đảm an toàn là con người. Liên quan đến yếu tố này, không có ai có thể nghi ngờ người Nhật được: chắc chắn họ là những người được chuẩn bị tốt nhất để vận hành các nhà máy hạt nhân: cả trình độ chuyên môn lẫn tinh thần kỷ luật đều cao, cực cao, thuộc loại cao nhất trên thế giới. Vậy mà vẫn xảy ra tai biến.

Còn người Việt Nam?

Thứ nhất, trong lãnh vực điện nguyên tử, chúng ta có rất ít chuyên gia và kỹ thuật viên. Đã ít, lại còn thiếu kinh nghiệm.

Thứ hai, quan trọng hơn, liên quan đến tính cách, liệu chúng ta có thể tin cậy vào ý thức trách nhiệm và sự cẩn thận vốn vô cùng quan trọng trong cái lãnh vực rất dễ gây ra chết người này?

Tôi hoàn toàn không có chút kiến thức gì về nguyên tử học, nhưng nhìn vào các dự án thuộc loại xoàng xoàng ở Việt Nam từ trước đến nay, ở đâu cũng thấy sự giả dối và tắc trách, làm đâu hư đấy, nhiều công trình vừa khánh thành là đã thấy hư hỏng ngay tức khắc, thực tình, tôi không có chút an tâm nào cả.

Nếu phải về Việt Nam sinh sống, nhất định tôi sẽ không dám ở gần mấy cái nhà máy điện-hạt-nhân-tử-thần ấy.

Xin thề!


Nguyễn Hưng Quốc



Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment