16 October 2010

Ai bôi nhọ và làm xấu ai ?

Ai bôi nhọ và làm xấu ai ?

Trong bài "Biến quyết tâm chính trị đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thành hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả". Ông Trương Tấn Sang; Uỷ viên bộ chính trị, thường trực ban bí thư trung ương Đảng nói: "Tham nhũng, lãng phí làm tha hoá phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm nẩy sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc, làm cho nhân dân lo lắng, bất bình và nguy hiểm hơn, đó là làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước và chế độ. Tạo cơ hội cho các thế lực thù địch chống phá chế độ, bôi nhọ Đảng và nhà nước ta, làm xấu đi hình ảnh, uy tín của Đảng ta, đất nước ta trong con mắt bạn bè quốc tế"...(Báo Nhân Dân ngày 10/10/2006).

Những điều trên đây là sự tổng kết của một quá trình, để chỉ ra những hành vi trái với luân thường đạo lý mà xã hội không thể chấp nhận được. Đảng và nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ chương, đường lối lãnh đạo được cụ thể hoá bằng luật để khắc phục. Thế nhưng sự độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản theo khuynh hướng chế độ độc tài đã phá vỡ hình thái kinh tế - xã hội, các chuẩn mực truyền thống, đạo đức của dân tộc Việt Nam, đã phá vỡ những thiết chế do chính mình đặt ra.

1. Phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc:

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đoàn kết được thể hiện dưới khẩu hiệu "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Trong di chúc của mình, Hồ Chủ Tịch cũng đã nói: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta"..

Việc loại bỏ đảng Dân Chủ, đảng Xã Hội những đồng minh tin cậy trong chiến tranh ra khỏi bộ máy lãnh đạo nhà nước để giành vị trí độc quyền. Đã làm mất đi sự ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân đặc biệt là tầng lớp trí thức, những người biết được quy luật của sự vận động và phát triển. Các tầng lớp nhân dân lao động là động lực của sự phát triển.

Sự đoàn kết trong Đảng đã bị biến tướng thành sự bao che, dung túng cho nhau. Ý chí: 
"Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình" (Di chúc Hồ Chủ Tịch). Đã thay bằng tư tưởng "Hữu khuynh, nể nang, né tránh, không xử lý hoặc xử lý không đúng mức" (Vietnamnet ngày 8/2/2007) để cùng tồn tại hoặc để ngầm bảo vệ cái gọi là "Uy tín của lãnh đạo, của Đảng"!

2. Nói một đằng làm một nẻo:

Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 của Hồ Chủ Tịch: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"... Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đảng ta là một đảng cầm quyền" (Không nói là đảng độc quyền). "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".

Đến nay, tư tưởng đó chỉ còn là hình thức, đã 65 năm trôi qua mà đất nước vẫn thuộc diện nghèo nàn và lạc hậu, người dân vẫn chưa thoát ra khỏi nỗi lo về cái ăn, cái mặc hàng ngày. Lo vì quyền tự do dân chủ, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền lao động chân chính để tự xoá đói, giảm nghèo và tạo nên tài sản thuộc sở hữu tư nhân là nơi ở, là tư liệu sản xuất chính, có thể bị cướp đoàt bất cứ lúc nào.

 3. Dung túng bao che, tạo điều kiện cho tội phạm phát triển:

Tham nhũng tràn lan từ trung ương tới địa phương, tội phạm có tổ chức trong tất cả các lĩnh vực với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Bộ máy khổng lồ của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra vẫn không ngăn chặn được tội phạm. Cái vòng luẩn quẩn: Phạm tội - hối lộ - tham nhũng - bao che - thoát tội - rồi lại phạm tội v.v ... đã nói lên sự bất lực của Đảng và nhà nước trong việc lãnh đạo và quản lý xã hội bằng pháp luật.

Khi người dân bầy tỏ chính kiến để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ các quyền con người theo luật định thì lại bị các cấp chính quyền ngăn chặn, đàn áp, bắt bớ bỏ tù ....

4. Những con số biết nói:

4.1. Tại kỳ họp thứ 6 quốc hội khoá XI, chính phủ đă có báo cáo số 1567/CP-VP gửi quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2004. Trong đó đơn khiếu tố có 135.919 đơn, có đủ điều kiện giải quyết 98.467 đơn đạt tỷ lệ 72,40 % (Báo Nhân Dân ngày 5/11/2004)

4.2. Tại kỳ họp thứ 10, quốc hội khoá XI: Phiên chất vấn chánh án toà án NDTC Nguyễn Văn Hiện: "Với hơn 9000 vụ án oan sai một năm mà biện pháp sử lý chỉ là không bổ nhiệm lại có 10 thẩm phán thì đã tương xứng chưa? (Báo điện tử Dân trí ngày 27/11/2006). Các đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp mà viện kiểm sát các cấp thụ lý chiếm 73,7 % (Báo nhân Dân ngày 2/11/2006)

4.3. Tại phiên họp thứ 29 uỷ ban thường vụ quốc hội: Báo cáo của chánh án toà án nhân dân tối cao Trương Hoà Bình nêu tỷ lệ án bị huỷ, bị sửa trong lĩnh vực đất đai là hơn 2.000 vụ. Đơn đề nghị giám đốc thẩm hơn 5000 vụ. Đại biểu quốc hội đã chất vấn: "Án luôn tồn đọng, kéo dài, đơn thư khiếu nại cũng "Om" đến lúc hết thời hiệu giải quyết. Án vô hiệu nhưng nỗi oan của người dân có vô hiệu ? ". (Bao điện tử Dân Trí ngày 20/3/2010)

Các số liệu trên đây chưa kể đến đơn thư khiếu tố thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan kiểm tra các cấp của Đảng, của cơ quan điều tra bộ công an, của kiểm toán nhà nước, các đơn thư bị đánh "Chìm xuồng"... Nếu tính gộp lại thì đó sẽ là một con số cực lớn, hệ luỵ của nó như thế nào, chưa ai có thể lường trước được.

5. Tiếng nói người dân:

Con số là bản chất của sự việc, sự hình thành tầng lớp dân oan, kinh tế và xã hội kém phát triển, đạo đức xuống cấp, biên giới và hải đảo bị lấn chiếm ... tất cả đã là sự dán tiếp bỏ phiếu tín nhiệm về lòng tin của người dân đối với Đảng, nhà nước và chế độ.

Đối với người dân, điều quan trọng người lãnh đạo phái biết trên hết là "Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm". Không thể có đối tượng là "Siêu quyền lực, đứng trên hiến pháp, đứng ngoài nhân dân" (Báo Nhân Dân ngày 29/3/2006). Các quyền con người phải được tôn trọng và thực hiện theo luật định.

Vụ phá hoại kinh tế của tập đoàn công nghiệp tầu thuỷ vinashin; Vụ mua dâm trẻ vị thành niên của Nguyễn Trường Tô bí thư tỉnh uỷ Hà Giang; Vụ xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền tự do, dân chủ của công dân, xâm phạm hoạt động tư pháp của Nguyễn Văn Hiện uỷ viên trung ương Đảng, phó ban chỉ đạo cải cách tư pháp, văn phòng chủ tịch nước; Vụ công an giết người ở Nghi Sơn Thanh Hoá và Bắc Giang ; Vụ hối lộ in tiền Polyme; vu hối lộ trong dự án hành lang Đông - Tây tại thành phố Hồ Chí Minh v.v .. là những vết nhọ, những thói hư tật xấu điển hình.

Nhiều năm đã trôi qua, cho dù đường lối lãnh đạo của đảng, pháp luật của nhà nước có đúng, có kịp thời và chính xác bao nhiêu (Mà sự thật là như vậy). Thì với cơ chế độc tài đảng trị như hiện nay, những Đảng viên cộng sản có chức vụ, đặc biệt các đảng viên là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý, đã ngang nhiên làm trái pháp luật để trục lợi vì đã có "Thẻ bài miễn tội " đó là tấm thể đảng viên đảng cộng sản. Thật đáng buồn và đau xót khi mà, họ đã tự bôi nhọ, tự hạ mình xuống ngang hàng và trở thành đồng loã, đồng bọn với các loại tội phạm ( Báo Thể Thao VN ngày 24/4/2006).

Người dân lao động chỉ mong được yên ổn làm ăn, sinh sống, nếu vô tình vi phạm pháp luật, lập tức họ bị xử lý một cách nghiêm khắc. Tuy nhiên trước những hành vi chướng tai gai mắt, áp bức bóc lột một cách nhẫn tâm của những người được coi là lãnh đạo Đảng và nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, buộc người dân phải lên tiếng.

Thời gian và thực tế đã chứng minh: Một đảng độc quyền không thể gánh vác nổi giang sơn, đất nước. Những điều được nêu trong lời phát biểu của ông Trương Tấn Sang đã mang tính phổ biến, là quá trình tự diễn biến, tự bôi nhọ và làm xấu mình được xuất phát từ ngay trong lòng chế độ. Như chủ tịch Hồ chí Minh đã nói: "Muốn giải phóng cho dân tộc, cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm được việc gì". (Bài sửa đổi lề lối làm việc – tháng 10/1947).

Vì vậy muốn cho đất nước có an ninh và phát triển như lời cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc ông C.An-Nan đã từng nói thì phải tôn trọng nhân quyền trong đó có quyền lãnh đạo đất nước.
Thiết nghĩ Đảng cộng sản cần chấn chỉnh làm trong sạch nội bộ, mở rộng dân chủ để có thêm những đảng có đủ uy tín, năng lực (Do luật định). Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để cùng lãnh đạo đất nước nhằm thực hiện mục tiêu: "Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" (Điều 3 Hiến Pháp).


Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2010
Người gửi

Nguyễn Anh Dũng
HV hội cựu chiến binh Việt Nam

ĐC: Số 5 ngách 12/87 Chính Kinh, Nhân Chính
Thanh Xuân, Hà Nội.
ĐT: (04) 38583514: DĐ: 0984535494


Nơi nhận:

- Trung ương Đảng và Nhà Nước
- Các cơ quan báo chí trong và ngoài nước
- Trung ương hội cưu chiến binh Việt Nam
- Các cơ quan, tổ chức có liên quan


--

Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment