Nội Thương Hoa Kỳ
Nguyễn Xuân Nghĩa
Trước trận chiến ngoại thương, ngoại tệ và ngoại giao...
Hoa Kỳ đang gặp nhiều vấn đề từ trong ra ngoài và đến nay mới chỉ nhìn vào trong vì bị nội thương trầm trọng. Sau cuộc bẩu cử tháng tới, tình hình có thể sẽ đổi khác, liên tục và hỗn loạn, cho đến khi nước Mỹ có lãnh đạo mới sau năm 2012... Hỗn loạn nhất sẽ là trận chiến lưỡng diện kinh tế và ngoại giao. Đó là ngoại thương.
Bài viết khá dài này sẽ trình bày bối cảnh của các vấn đề ấy...
Trong vụ Tổng khủng hoảng thời 1929-1933, phản ứng bảo hộ mậu dịch từ phía Hoa Kỳ, với đạo luật Smoot-Hawley ban hành giữa năm 1930, đã không gây ra khủng hoảng. Nhưng nó có góp phần kéo dài sự lầm than và làm lan rộng ra nhiều nơi. Thời ấy, hốt hoảng vì tình trạng kinh tế suy sụp, Quốc hội Mỹ muốn bảo vệ quyền lợi của công nhân và doanh nghiệp nên đã nâng hàng rào quan thuế nhằm chặn hàng nhập cảng. Đạo luật dẫn đến biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác, với kết quả làm mọi người đều nghèo đi, khủng hoảng kéo dài lâu hơn.
Và thực tế thì chỉ chấm dứt... nhờ Đệ nhị Thế chiến, năm 1939...
Ngày nay, 80 năm sau, bóng ma của nạn bảo hộ mậu dịch - protectionism - lại về ám ảnh thế giới khi kinh tế các nước lại buôn bán với nhau nhiều hơn gấp bội, và lệ thuộc nhau tới mức độ chưa từng thấy. Người ta lo sợ một trận chiến ngoại thương có thể bùng nổ với dấu hiệu manh nha là nguy cơ của một trận chiến hối đoái. Tại kỳ họp hàng năm vừa qua của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, lãnh đạo tài chánh và ngân hàng trung ương của các nước chưa thể đạt thỏa thuận về việc giải trừ nguy cơ đó nên lại đẩy vấn đề vào nghị trình của Thượng đỉnh G-20, sẽ họp tại thủ đô Hán Thành của Nam Hàn vào hai ngày 11 và 12 Tháng 11 tới đây.
Khi ấy, lãnh đạo Liên hiệp Âu Châu và 19 quốc gia thành viên của nhóm G-20 sẽ thảo luận về các vấn đề gì trong hồ sơ đó?
***
1. TÁI LẬP QUÂN BÌNH NGOẠI THƯƠNG
Trước hết, xin có vài lời về định nghĩa.
Thế giới có khối kinh tế công nghiệp hóa, của Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Đây là các nước "giàu" nếu tính theo lợi tức trung bình một đầu người, nhưng... nghèo đi vì mắc nợ quá nhiều và có tốc độ tăng trưởng rất thấp của trạng thái hậu công nghiệp. Ở bên kia là các nước "tân hưng", đang phát triển, chủ yếu gồm khu vực Đông Á (ngoài Nhật nhưng có Trung Quốc) và một số quốc gia khác như Ấn Độ, Brazil hay Mexico....
Vụ Tổng suy trầm 2008-2009 ("Great Recession") có phơi bày một nghịch lý. Đa số các nước kỹ nghệ hóa đã nhập cảng quá nhiều, bị nhập siêu vì nhập nhiều hơn xuất. Các nước tân hưng thì đạt xuất siêu vì tích cực xuất cảng, nhiều khi bằng mọi giá, kể cả cái giá là giữ hối suất đồng bạc rất thấp để chiếm lợi thế cạnh tranh.
Chúng ta có truyện ngụ ngôn của con ve sầu giàu có nhởn nhơ, tiêu thụ nhiều mà tiết kiệm ít và vay mượn lung tung để kinh doanh bất cẩn rồi bị khủng hoảng. Trong khi bầy kiến "tân hưng" lại thắt lưng buộc bụng, ráo riết xuất cảng lấy tiền về cho con ve sầu vay tiếp để tiếp tục nhập cảng.
Nạn Tổng suy trầm vừa qua khiến cho trật tự quái đản ấy bị lật.
Vì thế mới có nhu cầu "tái lập quân bình toàn cầu": Đó là các nước "tân hưng" cần tiêu thụ nhiều hơn để mở rộng thị trường nội địa và ít lệ thuộc hơn vào xuất cảng. Các nước công nghiệp hóa hay đã phát triển (khối Âu-Mỹ-Nhật) cần tiết kiệm nhiều hơn, nhập cảng ít đi, xuất cảng nhiều hơn và phải trả nợ - giảm bội chi và công trái... Việc điều chỉnh như vậy có thể là chánh sách tự nguyện - rất khó - của từng quốc gia. Lý tưởng là qua một sự phối hợp quốc tế, hay toàn cầu.
Nhưng lý tưởng lại càng khó hơn khi các nền kinh tế ve sầu đạt tốc độ tăng trưởng quá thấp và còn có nguy cơ suy trầm lần nữa, đụng đáy hai lần, khi các nền kinh tế tân hưng của bầy kiến lại có tốc độ tăng trưởng cao hơn và vẫn còn lệ thuộc vào xuất cảng để đẩy mạnh guồng máy sản xuất và đẩy lui nguy cơ thất nghiệp. Trong giai đoạn chuyển tiếp, ai cũng có thể công nhận nhu cầu tái lập quân bình cho lành mạnh hơn, như thi hành lại là chuyện khác.
Và mâu thuẫn có thể xảy ra, thực tế thì đã xảy ra.
Vấn đề này sẽ vào nghị trình thảo luận của nhóm G-20 vào tháng tới. Nhưng không ai trông đợi kết quả ngoạn mục và lập tức. Ngược lại, người ta nên e sợ mâu thuẫn sẽ càng gia tăng. Mâu thuẫn đầu tiên là vấn đề hối suất và trận chiến hối đoái.
***
2. TRẬN CHIẾN HỐI ĐOÁI
Hồ sơ này còn rắc rối khó hiểu hơn nữa.
Về bối cảnh thì theo gương Nhật Bản, các nước tân hưng Đông Á đầu tiên như Đài Loan và Nam Hàn, rồi các nước Đông Nam Á, khác đã áp dụng chiến lược phát triển dựa vào xuất cảng mà bất kể lời lỗ, với hối suất thấp và ngân hàng vay mượn nhiều. Hậu quả là bong bóng đầu tư đã bể tại Nhật từ năm 1990 và khủng hoảng bùng nổ tại Đông Á vào năm 1997 rồi lan rộng khắp nơi, kể cả Liên bang Nga và Brazil, lẫn Hoa Kỳ.
Sau vụ khủng hoảng 1997-1998 và nạn suy trầm 1990, các nước Đông Á rút tỉa bài học. Họ thắt lưng buộc bụng để trả nợ và tích lũy một khối dự trữ ngoại tệ an toàn hơn vì dồi dào hơn. Bài toán ấy cũng là bài toán ngày nay của nước Mỹ, nhưng lại giải quyết theo kiểu khác, kiểu Barack Obama mà ta sẽ tìm hiểu sau.
Vì chưa hội nhập toàn cầu và chưa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Trung Quốc không trực tiếp bị vụ khủng hoảng năm 1997-1998 và tiếp tục chiến lược Đông Á: lấy xuất cảng làm đầu máy tăng trưởng với hối suất đồng Nguyên (Yuan, Nhân dân tệ, Renminbi) rất thấp. Nhưng cũng khác với các nước tân hưng Đông Á, dù sao cũng dân chủ và tự do hơn, Trung Quốc còn giữ chế độ kiểm soát hối đoái khá lâu.
Cụ thể là 1) kiểm soát việc xuất nhập tư bản đầu tư, 2) ràng giá đồng Nguyên vào Mỹ kim theo tỷ giá rất thấp do nhà nước ấn định để chiếm lợi thế xuất cảng, 3) độc quyền thu dụng ngoại tệ về cho nhà nước quản lý, 4) bơm ra đối giá nội tệ của nguồn thu ngoại tệ lớn lao ấy theo tỷ lệ thấp, nôm na là đông lạnh một phần của khối tiền tệ lưu hành bằng cách phát hành công khố phiếu và nâng mức dự trữ pháp định của các ngân hàng.
Mục tiêu là để đạt xuất siêu và đem về cho nhà nước một khối dự trữ ngoại tệ vĩ đại. Tuần qua thì đã tương đương với 2.600 tỷ đô la, hơn 30% tổng số dự trữ của các nước trên thế giới. Tức là trong tình trạng thất quân bình toàn cầu, có Trung Quốc dẫn đầu và đang trở thành một đại gia có khả năng khuynh đảo thế giới.
Nhưng hậu quả của chiến lược đó là bất ổn xã hội vì 1) người dân ít được hưởng lợi ích của lao động; 2) các doanh nghiệp nội địa có mức lời quá thấp và thường xuyên bị đe dọa phá sản nếu không được nâng đỡ bằng hối suất đồng Nguyên; 3) các tỉnh bị khóa trong lục địa và không tham gia vào thị trường hướng ngoại bị tụt hậu; khiến 4) mâu thuẫn bùng nổ giữa trung ương và các địa phương và giữa các đảng bộ địa phương với nhau.
Nhằm giải tỏa những mâu thuẫn này, hơn là vì áp lực của Hoa Kỳ năm 2005, Bắc Kinh đã điều chỉnh hối suất đồng bạc một cách tiệm tiến. Trong ba năm từ Tháng Bảy năm 2005 đến Tháng Bảy năm 2008, thì tăng giá được khoảng 20%. Nhưng nạn suy trầm rồi khủng hoảng tài chánh năm 2008 khiến Bắc Kinh chột dạ và lại neo giá đồng bạc với tỷ lệ thấp. Khi bị các nước than phiền vì họ cần xuất cảng để ra khỏi suy trầm, Bắc Kinh cho nhích giá thật chậm, từ ngày 19 Tháng Sáu đến cuối tuần qua thì chỉ tăng được chừng 3%.
Trở lại phía Hoa Kỳ, con ve sầu đầu đàn của các nước công nghiệp hóa.
Hoa Kỳ tiết kiệm ít, tiêu thụ nhiều (tới 94% lợi tức và 71% tổng sản lượng) và bị nhập siêu nặng trong khi kinh tế suy trầm, thất nghiệp tăng. Chính quyền Obama không ưu tiên giải quyết vấn đề kinh tế ấy mà lại muốn cải tạo xã hội và cùng Quốc hội dồn sức cho các đạo luật tốn kém, được tài trợ bằng bội chi ngân sách và công trái - nhà nước đi vay. Trong lịch sử, và trừ Thế chiến II, chưa khi nào Hoa Kỳ bị bội chi ngân sách nặng như vậy và công trái của Mỹ đã lớn hơn tổng số công trái của nước Mỹ từ thời lập quốc.
Nước Mỹ bị nội thương vì vừa lâm chiến, vửa mắc nợ và lãnh đạo thì đòi làm cách mạng xã hội!
Hậu quả về đối ngoại là uy tín sa sút, đồng minh không tin và kẻ thù không sợ. Về ngoại tệ là Mỹ kim sụt giá, vàng bốc lên trời. Nhưng vì đồng Nguyên của Trung Quốc lại neo giá vào Mỹ kim, tiền Mỹ chìm tới đâu thì tiền Tầu xuống tới đó. "Xuống" là khi ta so với các đồng bạc khác, của Nhật Bản, Nam Hàn, Âu Châu hay Brazil, Ấn Độ....
Các quốc gia này bị chết kẹt vì cả hai đồng bạc Hoa Kỳ và Trung Quốc đều giảm giá làm nội tệ của họ lên giá và hàng hóa khó bán hơn.
Tháng Chín vừa qua, một số nước Đông Á, rồi cả Nhật Bản và Brazil gần đây, phải can thiệp vào thị trường hối đoái và tín dụng để đồng bạc khỏi tăng giá. Việc can thiệp đồng loạt - dù không có phối hợp giữa các ngân hàng trung ương với nhau - khiến người ta lo ngại một trận chiến hối đoái giữa các nước.
Đó là khi xứ nào cũng phải trả đũa, và mò xuống đáy tìm mọi cách hạ hối suất đồng bạc để chiếm lợi thế xuất cảng hoặc để không bị thiệt hại về ngoại thương.
Vấn đề đã được các nước nêu ra cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF trong hai ngày họp 9-10 Tháng Mười ở Washington. Nhưng không có kết quả nên lại được đẩy qua Thượng đỉnh G-20... Người ta e rằng nếu không được giải quyết, trận chiến hối đoái sẽ dẫn tới trận chiến ngoại thương.
Và phản ứng bảo hộ mậu dịch sẽ thắng lớn.
***
3. BÓNG MA BẢO HỘ MẬU DỊCH
Khoa kinh tế học có học của... Việt Nam một thành ngữ.
"Đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ"! Là khi mọi quốc gia đều có phản ứng "sống chết mặc bay". Xứ nào cũng tìm mọi cách bán tối đa mà mua tối thiểu rồi mặc cho thị trường mua bán cứ co cụm dần vì kết quả tổng hợp là giảm dần việc mua bán.
Tổng khủng hoảng thời 1929-1933 đã kéo dài oan uổng một phần cũng vì phản ứng tai hại đó, khi mà Hoa Kỳ dù sao chỉ nhập cảng một số hàng hóa trị giá bằng 5% tổng sản lượng. Nghĩa là còn thấp vì chỉ bằng một phần ba của ngày nay (15%). Ngày nay, tai họa đó mà tái diễn thì hậu quả sẽ khôn lường trong một thế giới đã toàn cầu hóa.
Mà tai họa đó có xác suất khá cao. Ở ngay Hoa Kỳ.
Xưa nay, nước Mỹ vẫn chủ trương và đề cao tự do ngoại thương. Một năm, Hoa Kỳ sản xuất ra chừng 14 ngàn tỷ Mỹ kim thì hơn 10 ngàn tỷ là tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ của Mỹ lớn bằng tổng số mười thị trường lớn nhất đứng sau và trở thành nguồn sống cho nhiều quốc gia. Mỗi khi kinh tế suy trầm, Hoa Kỳ nghĩ ngay đến việc kích cầu - kích thích tiêu thụ - để dùng sức tiêu thụ làm lực đẩy cho bộ máy sản xuất. Cả thế giới đều trông đợi vào việc đó!
Song song và từ đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ có một chiến lược kinh tế và ngoại giao quái đản là dùng chính thị trường nhập cảng của mình làm mồi nhử kinh tế và đòn bẩy ngoại giao với các nước đối tác trên thế giới. Sau Thế chiến II, Nhật Bản và Đức đã phục hồi và trở thành đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ cũng nhờ chuyện mua bán ấy. Sau Chiến tranh lạnh, hai quốc gia chưa có kinh tế thị trường là Trung Quốc và Việt Nam cũng hưởng lợi nhờ chiến được đó vì đạt suất siêu rất cao với kinh tế Hoa Kỳ.
Trào lưu kéo dài cả trăm năm như vậy đang chấm dứt. Một phần vì nhu cầu tái lập quân bình ngoại thương, nhưng chỉ một phần thôi.
Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ từ cuộc bầu cử 2006 đã ngả theo áp lực bảo hộ mậu dịch của các nghiệp đoàn và trì hoãn phê chuẩn nhiều hiệp định tự do ngoại thương song phương mà Hoa Kỷ đã ký với các đồng minh chiến lược, như Nam Hàn, Peru, Colombia... Một lý luận ăn khách là kết án việc doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra ngoài làm công nhân Mỹ thất nghiệp! Lý luận này sai vì Hoa Kỳ thực tế tiếp nhận nhiều đầu tư ngoại quốc nhất thế giới và khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Mỹ - chẳng hạn để ráp chế xe Nhật, Đức, Hàn - thì cũng tạo việc làm cho dân Mỹ. Vì mị dân, người ta chỉ nhìn vào một vế của vấn đề, và bằng một mắt.
Nhưng dù có sai, dân Mỹ ngày càng có nhiều người suy nghĩ như vậy khi tình hình kinh tế đã quá sa sút.
Đến 53% dân Mỹ ngày nay hoài nghi tự do ngoại thương - kể cả nhiều đảng viên Cộng Hoà và thành phần có học đang hành nghề tự do. Trong hoàn cảnh kinh tế suy trầm và thất nghiệp cao, người ta đổ lỗi cho ngoại thương và xứ khác về những tai họa của mình. Đó là bước đầu dẫn tới phản ứng bảo hộ mậu dịch, tinh thần "mạng người nào người ấy giữ".
Và sẽ cùng chết chìm.
Chính quyền Barack Obama còn đi xa hơn thế, với quốc sách xuất cảng được ông thông báo hồi Tháng Ba, nhằm huy động bộ máy công quyền - kể cả bộ Ngoại giao, Ngân khố và Hội đồng An ninh Quốc gia - cùng vụ yểm trợ xuất cảng. Không khác gì chủ trương của Bắc Kinh vì xuất cảng hết là chức năng của tư doanh mà là nhiệm vụ của Chính quyền.
Mục đích là trong năm năm sẽ nhân đôi số xuất cảng và tạo ra hai triệu việc làm.
Chỉ tiêu ấy có thể là hoang tưởng, nhưng không đáng kể bằng sự thể là Hoa Kỳ đang đảo ngược chủ trương truyền thống - tiếp nhận nhập cảng và phát huy tự do ngoại thương - để mở ra trận tuyến ngoại thương với mũi xung kích là xuất cảng. Các quốc gia khác, nhất là Trung Quốc với bệnh tự kỷ ám thị, lập tức coi đây là một lời tuyên chiến ngấm ngầm.
Khi các quốc gia khác can thiệp vào thị trường hối đoái để khỏi bị thiệt thì họ cùng thấy vì Mỹ kim tụt giá kéo theo đồng Nguyên khiến đồng bạc của họ lại nổi lên trên. Chuyện ngoại thương và ngoại tệ cùng giàng vào nhau, trong một mớ bòng bong rối mù.
Trong đó có trận chiến giữa hai đại gia Mỹ Hoa.
***
4. TRẬN CHIẾN MỸ-HOA
Trong ngần ấy quốc gia, Trung Quốc đang có thế mạnh nhất với Hoa Kỳ vì vừa là chủ nợ vừa là đối thủ. Nhật Bản, Đức, Liên bang Nga hay Ấn Độ, Brazil, v.v... không ở vào hoàn cảnh đó.
Nhìn từ Hoa Kỳ thì 10 năm sau khi Chính quyền Bill Clinon mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, ngày nay Bắc Kinh lại gây vấn đề cho cộng đồng thế giới và đe dọa an ninh lẫn quyền lợi của Hoa Kỳ. Ba lãnh vực mà Mỹ đặc biệt chú ý là 1) thế giới, 2) an ninh và 3) quyền lợi kinh tế.
Trên thế giới, Bắc Kinh tiếp tục phổ biến kỹ thuật và võ khí tàn sát cho các chế độ hung đồ được họ bao che và bảo vệ như Bắc Hàn Cộng sản hay Iran. Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự và cả phương tiện chiến tranh phi quy ước, và đe dọa an ninh của nhiều xứ Á Châu, từ tiểu lục địa Nam Á và Ấn Độ dương qua Eo biển Malacca và Đông hải lên bán đảo Triều tiên và xuống Đông Timor giữa Nam Dương và Úc, chứ không riêng gì Đài Loan. Tại Á châu, Bắc Kinh chẳng tham gia vào nỗ lực quốc tế của Liên hiệp quốc hay Minh ước NATO để góp phần ổn định tình hình, như tại Pakistan, Afghanistan hay toàn cõi Trung Á, còn khai thác nỗ lực đó của quốc tế để bảo vệ quyền lợi quốc gia, kể cả đàn áp Tân Cương, Tây Tạng.
Đấy là vấn đề cho thế giới. Và thế giới thì chửi Mỹ nhưng trông đợi Hoa Kỳ giải tỏa bài toán Trung Quốc vì biết Hoa Kỳ bị sức ép nặng nhất!
Về an ninh, Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực lũng doạn, tình báo và xâm nhập điện toán nhắm thẳng vào Hoa Kỳ và đe dọa hạ tầng cơ sở điện tử Mỹ. Bắc Kinh không chỉ kiểm soát và điều hướng thông tin và tuyên truyền trong lãnh thổ mà còn mở chiến dịch vận động ra ngoài. Và nhắm vào dư luận Hoa Kỳ, để tạo ra ấn tượng sai lạc về bản chất của Trung Quốc, về mối quan hệ Mỹ-Hoa và về bản chất Hoa Kỳ. Bắc Kinh không chỉ tác động vào dư luận các nước mà còn tận dụng các doanh nghiệp lobby lẫn truyền thông để lung lạc chính trường, chánh sách và công chúng Mỹ.
Loại bỉnh bút thiên tả và phục Trung Quốc như Thomas Friedman trên tờ New York Times là một thí dụ. Thí dụ kia là doanh gia chuyên nghề cò quốc tế là Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng!
Về kinh tế, việc cải cách do Trung Quốc tiến hành từ 30 năm qua lại không áp dụng quy tắc thị trường mà nhắm vào sách lược kỹ nghệ hóa có chọn lọc, có trợ cấp, để đẩy mạnh xuất cảng. Vì vậy, trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, Trung Quốc đạt xuất siêu rất cao nhờ kềm hãm tiêu thụ và gia tăng tiết kiệm nội địa qua chế độ hối đoái giả tạo và quy chế mậu dịch lệch lạc so với quy định của WTO. Với khối dự trữ ngoại tệ cực lớn, Trung Quốc lại có khả năng mua chuộc thế giới tác động vào luồng trao đổi toàn cầu và vào thị trường tái chánh Hoa Kỳ - lẫn giá trị của Mỹ kim.
Kết luận thì vì sự ổn định của thế giới lẫn sự an toàn và quyền lợi kinh tế của mình, Hoa Kỳ cần quan niệm lại đối sách với Trung Quốc sau khi mất gần chục năm tập trung vào chiến tranh chống khủng bố Hồi giáo quá khích.
Từ cả hai đảng, lãnh đạo Hoa Kỳ đã từng mong muốn Trung Quốc phát triển trong ổn định, trở thành đối tác biết điều có khả năng góp phần bảo vệ hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại. Nhưng dù mong như vậy và đã hợp tác với Bắc Kinh trong tinh thần đó, Mỹ vẫn phải tự chuẩn bị cho tình huống bất lợi, xuất phát từ những tính toán của Bắc Kinh.
Nhiều giới chức Mỹ có đủ dữ kiện để thấy là Hoa Kỳ không thể lùi được nữa.
Trong khi ấy, Trung Quốc tất nhiên là coi Hoa Kỳ là đối thủ. Vốn bị tự kỷ ám thị, luôn luôn sợ hãi bị xâm lăng, họ cho Mỹ là kẻ thù vì duy nhất có thể bắt chẹt việc giao thương ngoài biển. Khi Hoa Kỳ công bố sáng kiến xuất cảng thì Bắc Kinh coi đó là hành động gây hấn và bắt chẹt. Mà bị bắt chẹt là Trung Quốc có thể bị khủng hoảng ở bên trong. Khi Hoa Kỳ thông báo việc trở lại Đông Á, Bắc Kinh kết luận là Mỹ có ý đồ bao vây be bờ và sẽ thực hiện sau khi rút chân khỏi Iraq và A Phú Hãn. Nhìn từ Trung Quốc thì Bắc Kinh có một hai năm trước mặt là cơ hội bằng vàng để chiếm thế thượng phong trước khi nước Mỹ ra khỏi nỗi ám ảnh Hồi giáo và trở lại vị thế siêu cường Á Châu...
Bắc Kinh cũng biết rằng sẽ phải điều chỉnh hối suất đồng Nguyên nếu không thì cũng bị động loạn, nhưng chỉ điều chỉnh thật chậm, thật ít và vào thời điểm do mình chủ động chọn lựa. Ra điều là lãnh đạo nắm dao đằng chuôi và... không sợ Mỹ.
Họ trông chờ vào phản ứng ôn hoà của Chính quyền Obama. Quả như vậy, Chính quyền Obama đã tìm cách trì hoãn áp lực của Quốc hội, mới nhất là trong báo cáo ngày 15 vừa qua của bộ Ngân khố. Có thể vì ông Obama vẫn lạc quan tin tưởng vào sự hợp tác của Bắc Kinh cho các hồ sơ Iran, Bắc Hàn hay Pakistan. Nhưng chính quyền của ông vẫn thiếu thống nhất về lập trường đối ngoại - y như về cuộc chiến A Phú Hãn - và nhiều người bên trong thì muốn Hoa Kỳ phải có đối sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Họ đang tự chuẩn bị cho việc đó.
Vấn đề nội thương vì vậy không giới hạn vào chuyện kinh tế. Mà còn chính trị.
Quốc hội Mỹ lại đang đi vào giai đoạn đổi chủ: sau cuộc bầu cử đầu tháng tới, Quốc hội khóa 112 sẽ tuyên thệ vào đầu Tháng Giêng năm 2011.
Sau đó, phản ứng bảo hộ mậu dịch từ quần chúng lên sẽ khiến Bắc Kinh còn bị kết tội, hoặc bị kiện còn ráo riết hơn trước cơ chế WTO. Phản ứng đó không giảm ngay trong giả thuyết đảng Cộng Hoà chiếm đa số ở Hạ viện vì xu hướng bảo hộ mậu dịch vẫn còn mạnh. Rắc rối hơn thế, nếu đảng Cộng Hoà kiểm soát được Quốc hội - với đa số ở Hạ viện và số ghế ngang ngửa tại Thượng viện - Quốc hội khóa 112 sẽ càng gây khó cho Hành pháp Obama trên nhiều hồ sơ khác nhau. Trong đó có hồ sơ Trung Quốc.
Cho nên, ngoài vấn đề ngoại thương và hối suất đồng Nguyên, Quốc hội Mỹ sau này sẽ gia tăng áp lực với Trung Quốc trên nhiều địa hạt khác, kể cả an ninh, nhân quyền và quân sự. Vì vậy, hai đại gia này đang ở vào trạng thái tranh chấp thực tế. Nếu Hoa Kỳ có lãnh đạo mới vào năm 2012, y như lãnh đạo tại Bắc Kinh sau Đại hội đảng khoá 18 cũng vào năm 2012, tình trạng tranh chấp ấy sẽ thành phân minh rõ ràng hơn. Từ nay đến đó, tranh chấp mậu dịch sẽ là đề tài thời sự.
Và các quốc gia khác phải nín thở theo dõi để tìm thế xoay trở. Nhưng vấn đề không chỉ có vậy.
Tuần qua, có sự kiện rất nhỏ mà mang ý nghĩa cực lớn là quốc gia mắc nợ nhiều nhất trong Minh ước NATO - Hoa Kỳ - than phiền các đồng minh NATO tại Âu Châu là cắt giảm quân phí quá đáng nên gây mối nguy về an ninh. Bầy ve sầu mắc nợ đang cãi nhau về nhu cầu và trách nhiệm phòng thủ! Con ve đầu đàn thấy thế giới bất công vì cứ trông đợi vào mình, khi mình lại đang bị nội thương.
Nó sẽ có phản ứng, nhiều khi liều lĩnh, táo bạo.
--
No comments:
Post a Comment