Đằng sau vụ hành hạ dã man trẻ em như thời trung cổ
Vụ việc cháu bé 14 tuổi bị vợ chồng chủ trại tôm giống hành hạ man rợ như thời trung cổ đang gây phẫn nộ dư luận. Phóng viên TPO đã về ấp Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau) để tìm hiểu về câu chuyện mất nhân tính này.
Nạn nhân là cháu Nguyễn Hào Anh, 14 tuổi, đang điều trị thương tật tại Bệnh viện đa khoa Đầm Dơi, Cà Mau.
Chuyện đau lòng ở ấp… văn hóa
Khẩu hiệu lớn "Quyết tâm giữ vững danh hiệu ấp đạt chuẩn văn hóa" được treo ngay trên đường vào ấp nhưng cảnh người hành hạ người như thời trung cổ lại công khai xảy ra. Ảnh : Tiến Hưng
Dư luận bàn tán xôn xao vì sao ở cái "ấp văn hóa" lại xảy ra vụ hành hạ trẻ em tàn nhẫn, đau nhói lòng người?
"Sáng ngày 27-4, vợ chồng ông chủ trại tôm giống Minh Đức đánh đập cháu Hào Anh rất tàn nhẫn. Sợ cháu chết, mấy chị em chúng tôi bàn phải báo chính quyền ấp, không dám đụng tới, bị trả thù"- bà Nguyễn Thị Kế, ở cặp trại tôm giống Minh Đức, bức xúc.
Hơn 2 năm, vợ chồng Huỳnh Thanh Giang- Mã Ngọc Thơm sang trại tôm giống của người dân địa phương. Đến làm ăn nhưng vợ chồng ông bà chủ trại giống Minh Đức không quan hệ, giao du với người dân ở đây. Nhưng hễ có chuyện gì không hài lòng thì văng tục, hậm hẹ, cho xã hội đen thanh toán!
Hôm trước, có người nói động chút việc con cái, Mã Ngọc Thơm cho 4 tay anh chị xuống hỏi tội nhưng được bỏ qua. Người dân ở ấp văn hóa Phú Hiệp nghe đến xã hội đen ớn lạnh, không ai dám động tới chủ trại tôm giống Minh Đức.
"Địa ngục" trại tôm giống Minh Đức quay mặt ra sông Đầm ở ấp Phú Hiệp, Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau). Ảnh : TH
Trại tôm giống Minh Đức kép kín, có con hẻm nhỏ dẫn từ đường nông thôn vòng vô cửa trại quay mặt xuống sông Đầm. Mấy tháng nay, chủ trại tôm giống Minh Đức rào chắn lại, chỉ để sử dụng riêng vào nhà, không cho người lạ vô.
Anh Nguyễn Thanh Vân, ở gần trại giống Minh Đức, kể lại: "Tôi không nhớ mấy lần, vợ chồng chủ trại tôm giống đánh đập cháu Hào Anh. Có khi sáng sớm, nghe tiếng đánh đập, khóc than, chẳng dám nhìn. Hết vợ đánh, rồi đến chồng đánh. Vợ đánh chưa đã còn kêu chồng đánh tiếp, không đánh thì bà Thơm mắng chồng "bộ thương nó hả, hay sao không đánh?"
Bóng dáng thế lực đen ở quê
Trương Văn Tâm, Bí thư chi bộ ấp Phú Hiệp kể: "Nhận được tin báo của người dân, anh em công an xã Ngọc Chánh cùng cán bộ ấp Phú Hiệp đến làm việc tại trại tôm giống Minh Đức, vợ chồng chủ trại lớn tiếng: "Nhà này muốn cho ở thì ở, muốn đuổi thì đuổi. Mấy ông lập biên bản, tôi không ký, xé bỏ, bỏ ra vài trăm triệu là xong!"
Huỳnh Thanh Giang – chủ trại tôm giống Minh Đức. Ảnh : T.H
Hôm đó là ngày 27-4 – 2010, Lữ Minh Trí, Phó công an xã Ngọc Chánh cùng mấy cán bộ ấp Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh đành quay về, báo cáo với lãnh đạo vì chủ trại tôm giống Minh Đức không hợp tác!"
Sáng ngày 28-4 – 2010, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng công an xã Ngọc Chánh cùng cán bộ ấp đến làm việc, cũng bị từ chối nhưng thuyết phục đến trưa mới được. Ông Nguyễn Thanh Bình nhớ lại: "Cháu Hào Anh thấy người lạ, bỏ chạy nhưng lom khom, bước đi nặng nề, có thể qui định của chủ trại tôm giống Minh Đức cho Hào Anh như vậy. Chúng tôi gọi cháu, yêu cầu vợ chồng chủ trại lên tiếng thì cháu Hào Anh mới dám đứng lại".
Vụ việc được phơi bày khi Hào Anh được tách ra khỏi vợ chồng chủ trại giống Minh Đức tại cơ quan xã Ngọc Chánh. Bước đầu, vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức thừa nhận có đánh đập "răn dạy cháu!"
Mã Ngọc Thơm, vợ Huỳnh Thanh Giang. Ảnh : T.H
Bà Nguyễn Thị Kế bức xúc: "Mấy ngày nay, bà con chúng tôi đi lên Bệnh viện đa khoa Đầm Dơi thăm, cho chút đỉnh tiền giúp Hào Anh. Hay tin, bà Mã Ngọc Thơm nói xiên xỏ. Bà kêu chị em phụ nữ làm đơn nói chồng bà không có tội, cho vài chục triệu gởi ngân hàng sống, còn không là buồn cả đám!"
Vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức bị khởi tố, chồng bị bắt giam, vợ tại ngoại. Ông Nguyễn Thanh Vân bức xúc: "Mã Ngọc Thơm còn ở ngoài thì người dân không ai dám tố cáo, sợ bị đe dọa, trả thù. Còn một thanh niên là cháu của chủ, đã chứng kiến, tham gia đánh Hào Anh vẫn ngoài vòng pháp luật."
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng công an xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi) nhận định: "Vợ chồng Mã Ngọc Thơm nói với tôi làm nhẹ nhẹ, xong chuyện, tính toán cho. Tôi báo cáo cấp trên và nhất định làm đúng, khách quan!"
Trên giường bệnh… sướng nhất
Nguyễn Hào Anh điều trị thương tích tại Khoa ngoại – Bệnh viện đa khoa Đầm Dơi từ ngày 29-4.
Dấu vết tay bị trói và vết thương trân chân của cháu Hào Anh. Ảnh : TH
Trên giường bệnh nhưng oái oăm thay, có lẽ đây lại là thời gian Hào Anh sung sướng nhất trong suốt quãng đời tuổi thơ cơ cực của em vì được bà ngoại, mẹ, em sinh đôi chăm sóc, nhiều người đến thăm, cho quà. Dường như, cơ thể Hào Anh cam chịu hành hạ, không biết đau, không dám lên tiếng trong trại tôm giống Minh Đức. Còn bây giờ, những vết thương mới kéo da non, mới bị đánh bầm đen, ra mủ máu chồng chất trên khắp thân thể ốm nhom, đen sạm, queo quắc.
Hào Anh thều thào: "Con nhớ, lần cậu Giang đánh con gãy cả cây dầm bơi xuồng, đập cây tre lên trán túa máu, đá con văng xuống sông. Vết thương sau lưng là bàn ủi nóng ủi, nước sôi, hóa chất trại tôm. Cậu mợ dùng kềm bẻ gãy 5 cây răng, kẹp sứt môi…" Hai tay, 2 chân của Hào Anh còn in vòng còng trói, nướng sắt đâm, khuyết sâu gần tới xương.
Thương tích trước ngực cháu Hào Anh.
Vì sao em không trốn ra ngoài? Hào Anh lắc đầu nói: "Sợ cậu mợ bắt được, đánh chết. Con xin gọi điện về mẹ thì cậu mợ Giang dạy nói làm được, trại đang lu bu, đừng xuống".
Bác sĩ Ninh Văn Hoa, Hồ Thanh Phong, Khoa ngoại bệnh viện đa khoa Đầm Dơi cho biết: "Chúng tôi đang điều trị đa chấn thương, thương tích cũ lẫn mới nhiều không thể thống kê. Hiện nay, chúng tôi điều trị chống nhiễm trùng, tiếp tục xét nghiệm, xác định thương tật. Bây giờ, chúng tôi chưa kết luận chính xác bao lâu nhưng để trả lại cơ thể tự nhiên là khó khăn, phức tạp và tốn kém."
Ông Võ Văn Chác, Đội trưởng Đội CSĐTTTP về TTXH Công an huyện Đầm Dơi cho biết: "Qua điều tra, cháu Hào Anh giúp việc cho vợ chồng trại tôm giống khoảng 20 tháng, bị hành hạ vào đầu năm 2009, gần đây trở nên nghiêm trọng như: bắt cháu căng tay vào trần nhà, buộc chân vào sàn nhà và hành động này lặp đi lặp lại 2 đến 3 lần, dùng nước sôi tạt vào người, dùng chất hóa học xử lý trại tôm tạt vào người, dùng cây và kìm bẻ răng, dùng bàn ủi điện nóng in vào người…"
Nổi niềm riêng người phụ nữ lỡ làng…
Chị Phạm Thị Thoa, mẹ của Nguyễn Hào Anh, đầy nước mắt gặp lại con trên giường bệnh. Nhiều người phẫn nộ lớn tiếng "mẹ mà không thương con !".
Chị Thoa kể: "Chồng bỏ, tôi ôm bụng bầu về với cha mẹ ruột. Nhà thì nghèo, có đến 8 anh chị em, vỏn vẹn có vài công vườn tạp. Tôi lại sinh đôi 2 đứa con trai là Nguyễn Hào Anh, Nguyễn Hào Em. Con được 3 tuổi, tôi gởi cho ngoại nuôi, ra TP Cà Mau làm mướn, làm công nhật, ai mướn gì làm nấy."
Ở quê ngoại, Nguyễn Hào Anh học đến lớp 4 phải nghỉ học, theo mẹ làm mướn, giữ em. Trên đường làm thuê mướn, chị Thoa chung sống với một người đàn ông làm thợ mộc, quê ở Nha Trang. Vợ chồng có con chung, lại nuôi con riêng của chị Thoa nên càng nặng nề hơn.
Khoảng năm 1998, chị Thoa cho Hào Anh giúp việc trại tôm giống Minh Đức của vợ chồng Huỳnh Thanh Giang. Khi đó, Nguyễn Hào Anh mới 12 tuổi, mỗi tháng được vài trăm ngàn đồng. Chị Phạm Thị Thoa nói trong nước mắt: "Thương con, tôi muốn con làm thuê để biết nghề, ai ngờ!"
Chị có dự định gì cho anh em Hào Anh? Câu hỏi của tôi lạc lõng, khó trả lời cho hoàn cảnh chị hiện nay. "Tôi muốn con học một nghề gì đó để nhờ bản thân nhưng khó quá. Học hành gì cũng phải có ăn, để học. Mẹ con em còn nghèo, ở nhà trọ, không nghề. Bây giờ, tôi mong sao Hào Anh lành lặn như khi tôi mang nặng đẻ đau, không còn thương tích xấu xí, nhìn hổng ra như vầy!" – Chị nói.
Trong những ngày nuôi con tại Bệnh viện đa khoa Đầm Dơi, người nhà của vợ chồng Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm kêu chị Thoa làm giấy tờ bãi nại, cho vài chục triệu đồng. Chị Phạm Thị Thoa thỏ thẻ như không dám cho người khác nghe: "Họ còn nói, không làm thì sau này không được vui đâu! Gia đình của họ giàu lắm, ở ngoài TP Cà Mau. Tôi sợ…"
Không biết rồi người mẹ trẻ nghèo khó nuôi nấng đàn con thơ không được học hành, không nhà cửa, không nghề nghiệp sẽ đi về đâu? Tiếp chuyện nhà báo xong, chị tất tả quay lại giường bệnh, giúp con trở mình, bóp tay chân con cho đỡ mỏi, đỡ đau…
Tự trong lòng tôi quặn đau và mong một tương lai sáng sủa hơn sẽ đến với mẹ con Hào Anh, điều đó liệu có thành hiện thực ?
Vụ em trai 14 tuổi bị hành hạ ở Cà Mau:
Ký ức tuổi thơ quá buồn…
Khóc ướt gối vì nhớ mẹ
Hào Anh và Hào Em (Nguyễn Hoàng Anh và Nguyễn Hoàng Em) là anh em song sinh. Khi chưa đầy 10 tuổi, mẹ đã giao hai anh em cho ngoại ở thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước, Cà Mau) nuôi dưỡng. Ngoại của hai em bảo bọc, cho hai anh em đi học…
Hào Em kể: Anh Hai học giỏi và có tài vẽ tranh. Trường Tiểu học thị trấn Cái Nước 3 từng tặng cho anh danh hiệu "họa sĩ tài năng" trong một kỳ thi do trường này tổ chức.
Cháu Nguyễn Hào Em khóc khi nhìn thấy thương tích trên thân thể của anh mình. ảnh: TV
Anh thích vẽ ngôi nhà có cha, có mẹ, có mấy đứa nhỏ chơi ngoài sân. Anh vẽ rồi chỉ cho em thấy người con trai to khỏe nhất trong tranh là anh Hai…
"Nhà ngoại nghèo. Mỗi lần ngoại đi chợ đều mua bánh cho hai anh em, khi thì cái bánh cam, lúc vài cái bánh kẹp hay bịch cốm bắp và anh Hai thường lấy phần ít hơn, nhường bịch cốm lớn cho em" – Hào Em nhớ lại.
Như bao trẻ em nghèo miền Tây, sau giờ học hai anh em lại phụ ngoại việc nhà, đi mò cá, tôm về làm thức ăn.
"Anh Hai mò cá hay lắm. Mỗi lần anh bị cá ngát đâm vào tay, anh dặn không được cho ngoại biết. Tối về, bị đau nhức, anh ôm tay, chu đít lên mà ngủ chứ không hé miệng kêu rên. Có một lần thấy em bị cá ngát đâm vào tay nên khóc, anh Hai rầy đừng khóc, để ngoại ngủ!" – Hào Em nói.
Cảnh đau lòng khi hai anh em Hào Anh – Hào Em trong ngày gặp lại.
Hai anh em sẽ còn được ngoại che chở, bảo bọc nếu năm 2008 vuông tôm của ngoại không bị chết, ông ngoại không phải mang bệnh nặng… Thế là mẹ đến đón hai anh em về TP Cà Mau mưu sinh, việc học cũng bị dở dang từ đó…
Ở TP Cà Mau, hai anh em đi bán bánh mì được 10 ngày thì Hào Anh đi làm thuê cho trại giống Minh Đức ở Đầm Dơi. "Vì lúc đó anh Hai lớn con hơn em, khỏe mạnh hơn nên mẹ chọn anh Hai!"…
Ký ức tuổi thơ của cả hai anh em chỉ là những ngày nhường nhau bịch cốm, bẻ nhánh xương rồng lấy mủ rịt vô vết cá đâm và những đêm khóc ướt gối vì nhớ mẹ…
Anh Hai giấu em…
"Trước khi theo người ta đi Đầm Dơi, anh Hai nhéo lỗ tai em bảo rằng gắng ăn cho lớn và to khỏe để giúp mẹ! Lúc đi ảnh cao lớn, giờ ảnh vẫn thế, hôm gặp em, anh Hai nói là em cao lớn hơn anh rồi! Tội ảnh quá! Người ta đánh, không cho ăn, còn cho ảnh uống nước tiểu nữa!…" – Hào Em rấm rứt khóc.
Hào Em gắn chặt với anh mình trong suốt những ngày vừa qua
Những giọt nước mắt của đứa em trai làm Hào Anh xúc động và nắm mạnh vào bàn tay em trai như để dỗ dành chứ không khóc. Mấy ngày qua, em ít khi khóc trừ một lần khi vừa gặp lại mẹ và bà ngoại tại bệnh viện.
Có lẽ trại tôm giống Minh Đức đã cướp đi tất cả nước mắt tuổi thơ em… Ở đó, gần hai năm, hằng đêm em phải ngủ như trong xó xỉnh và bị buộc phải uống lại nước tiểu của mình…
"Em thắc mắc hỏi ảnh: Vì sao anh không trốn? Anh Hai nói là cậu mợ cột anh lại, không trốn được. Lúc em gọi điện thoại cho anh Hai, anh nói là không có gì, mọi việc vẫn bình thường vì khi nào nói chuyện với mẹ, với em cũng có mợ đứng cạnh bên. Nói thiệt, mợ đánh chết!"…
Hào em thì thầm với anh: "Em đã lớn hơn anh, em sẽ bảo vệ anh, không cho ai ăn hiếp…".
--
No comments:
Post a Comment